Câu chuyện lạm phát ở Mỹ


 

Câu chuyện lạm phát ở Mỹ

Tác giả: PHẠM ĐỖ CHÍ

Sau bao biến cố sôi động của nạn COVID 19 và “pandemic”, đây là lúc mọi người chú ý đến nạn lạm phát tràn lan ở Mỹ và thêm một mối lo thật sự về sinh kế hàng ngày, ngoài chuyện canh cánh lo tránh bị lây nhiễm bệnh dịch vẫn đang còn rất hung hăng.

Do một vài người bạn thân yêu cầu, tôi cũng chuyển hướng từ lo bệnh sang lo giá cả tăng, mặc dù đời sống về hưu tương đối giản dị cũng không đặt ra nhiều khó khăn như thời còn trẻ. Nhưng tôi sẽ chỉ viết vài điều chính ngắn gọn, vì báo chí và truyền thông đã loan truyền nhiều chuyện này.

Tôi sẽ cố tóm tắt là tại sao lạm phát sẽ tiếp tục lâu dài trong nhiệm kỳ Đảng Dân chủ của ông Biden, như tôi đã từng cảnh cáo trong nhiều bài báo trước thời bầu cử tháng 11/2020. Nay đã thành sự thật và tệ hơn tôi nghĩ nhiều. Vì vậy đây không chỉ là phút phải than trách, mà là phải tìm cách đối phó, sống với “lũ lạm phát” ra sao cho hợp lý và tự bảo vệ chúng ta, ít nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt trước đây đã có nhiều bậc niên trưởng biết cách phòng thủ lạm phát lúc ở Việt Nam. Tôi là hậu bối nhưng cũng đủ vài chục năm kinh nghiệm sống Mỹ và cả chuyên môn để góp ý và hầu chuyện các bạn. Ta bắt đầu nhé!

Điều khiến tôi phải đặt bút viết nhất, là xem TV mấy hôm nay thấy TT Biden đang bận rộn ở Âu châu lo chuyện thế giới, muốn tái lập vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc thay đổi khí hậu. Ông quên mất và cũng không được các cố vấn hay phụ tá nhắc nhở là mối bận tâm số một trong nước không phải là chuyện khí hậu, mà là kinh tế , là lạm phát đang làm hao mòn tài sản để dành của người có tuổi về hưu như tôi, hay làm đồng lương thực tế của những người trẻ hơn còn đi làm xuống thấp dù có được tăng lương danh nghĩa.

Đang có sự lầm lẫn trong giới làm chính sách cho giới lao động, nhất là giới có lương thấp, giữa lương đang có thể tăng (rising wage) và lương thực (real wage) lại đang xuống thấp, đơn giản vì mức lương đã không chạy theo kịp vật giá từ hơn một năm nay, cụ thể là từ tháng 7/2020 đến nay, cuối tháng 10/2021.

Lạm phát đang trở thành nặng như vậy và có thể còn kéo dài, vì cơ quan Dự trữ Tiền tệ của Mỹ hay Fed đã quá chủ quan cho là lạm phát chỉ nhất thời từ nửa năm sau 2020 lúc kinh tế phục hồi sau khủng hoảng đại dịch (quý 2/2020), và sẽ trở lại mức bình thường vào quý 2/2021, chung quanh mức lâu dài 2% . Nhưng ông chủ tịch Fed đã lầm vì lạm phát kéo dài và ăn sâu hơn vào các tầng lớp quần chúng, khiến người đi làm đòi lương cao hơn và nhất là vào giới doanh nghiệp đã gói mức lạm phát cao hơn vào “long-term pricing strategy” của họ. Điều này sẽ làm cho lạm phát không phải là yếu tố nhất thời tạm bợ (transitory) mà thành yếu tố ăn sâu (“entrenched”).

Một cách công bình, phải công nhận Fed đã làm một công việc siêu đẳng cho nước Mỹ và cả thế giới khi tung chính sách tiền tệ nới lỏng từ tháng 3/2020 và kéo dài khá lâu để cứu Mỹ và thế giới ra khỏi “depression” do cơn đại dịch gây ra trong quý 1/2020. Fed đã đem mức lãi suất xuống gần zero và quan trọng nhất là mua vào số lượng khổng lồ các trái phiếu chính phủ lẫn doanh nghiệp hàng tháng. Hiện không ai có thể kiểm toán xem số 8 ngàn tỷ đô la đã được đem về đâu, chỉ biết là đi khắp thế giới. Ngoài ra lại còn các gói cứu trợ vài ngàn tỷ đô của ngân sách tài khóa Mỹ giải cứu. 

Theo thông báo chính thức của General Accounting Office Mỹ, hiện còn 1000 tỷ của ngân sách chưa tiêu đến. Và ngay trước chuyến đi Âu châu, TT Biden đã cố dàn xếp xong trong nội bộ Đảng Dân chủ hai gói chi tiêu lớn gần 3.000 tỷ cho các chính sách chi tiêu xã hội, khí hậu và phát triển hạ tầng, sẵn sàng để được hai viện Quốc hội Mỹ chấp thuận nhanh chóng.

Có trẻ con mới không hiểu các chương trình chi tiêu “vĩ đại” này sẽ thêm dầu vào đám cháy lạm phát Mỹ hiện nay ra sao. Bà Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã nhận ra hiểm họa này từ lâu, vì đã từng là Chủ tịch Fed trước ông Powell (đương kim Chủ tịch). Bà cùng một số quan sát viên kinh tế tài chính, kể cả người viết, dự đoán là lạm phát kỳ vọng (inflation expectations) ở Mỹ bây giờ không phải là mức 2% nữa mà sẽ là 4-5% cho năm nay và có thể là năm tới?!

Nhưng đấy là mức lạm phát chính thức ở tầm mức quốc gia. Nó nhỏ hơn nhiều so với mức lạm phát cho sinh hoạt cá nhân như của tôi với bạn trong đời sống hàng ngày. Tôi có dịp thảo luận “concept” này với người bạn cố tri cũng là đồng nghiệp với tôi, GS Nguyễn Tiến Hưng ở California (cũng từng là chuyên viên IMF và Bộ trưởng Kế hoạch VNCH) . Ông cũng đồng ý nhận xét là trong hơn 60 năm làm việc và dạy học kinh tế ở Mỹ, ông ít khi thấy vật giá leo thang và gây lo lắng cho dân chúng như hiện nay. 

Lạm phát tháng 9/2021 so với cùng kỳ năm ngoái tuy là 5,4% cho cả nước, nhưng thực sự cho các mục chi tiêu thiết yếu như nhà cửa, ăn uống và xe cộ, giá tăng cao hơn rất nhiều. 

Giá mua nhà theo chỉ số Case-Schiller vào cùng tháng 9 đã tăng 19,9%; giá thuê nhà theo rental-cost Zillow index đã lên 12,8%. Lý do là bạn ra mua vật liệu xây cất ở Lowe’s hay Home Depot đã thấy miếng gỗ căn bản 2x4 tăng lên 50%, có lúc tăng gấp đôi.



Giá ăn uống thì các bà nội trợ đã cho chúng ta rõ là phần lớn “rổ đi chợ” đã tăng 15-30%. Các bạn quen ăn bát phở hiệu VN đã giật mình thấy tăng từ 9$ lên 12$ ở Cali, còn tôi ở tỉnh nhỏ Pensacola không tin nổi bát phở, hủ tíu hay bún bò Huế đã lên đến 15$. Còn ly cà phê sữa đá quen thuộc? 4$ hay 5$ rồi.Vài bạn tôi đình công pha lấy ở nhà, nhưng sao vẫn nhớ mùi ly đó ở hiệu phở?! Hay bạn cần đi chợ thực phẩm VN, bạn thấy giá tăng ra sao? Bạn nhịn cơm, phở hay nước mắm chăng?

Còn chuyện xe cộ xăng nhớt thì sao? Xe mới thì khó kiếm hơn trước và có khi phải đợi . Thống kê cho biết một xe xuất xưởng bây giờ phải là trung bình 40.000-45.000$ một chiếc vì nạn thiếu “chips”, còn xe cũ lên giá 25-30% so với năm ngoái. Bạn phải đành lòng đi xe cũ thêm 2-3 năm vậy. 

Còn chuyện xăng nhớt, bạn quen trả 2$/gallon như ở thành phố tôi ở , hay 3$ ở Cali. Nay tôi phải trả 3.30$ tức hơn 65%, còn ở Cali nghe nói có nơi bạn trả gần 5$. Theo dự đoán giá dầu quốc tế có thể còn lên từ mức hiện nay 85$/gallon lên tới mức 100$ hay hơn nữa, tức là chúng ta có thể sẽ phải trả giá xăng lên tới 6-7$ ở vài tiểu bang trong vài năm tới. Tôi đã viết điều này trong mùa tranh cử tháng 11/2020, không ngờ sự thật sẽ đến nhanh thế!

Còn bạn đi đâu xa cần phải thuê xe, ở vài thành phố lớn giá là 80-90$ một ngày thuê xe, không còn 20-30$ như vài năm trước!

Như vậy bạn thấy rõ lạm phát không phải là 4% hay 5% như các quan chức bàn chuyện. Ông Powell còn bàn chuyện mức lạm phát quay lại mức neo 2% lâu dài của Fed. Có không tưởng không bạn nhỉ?

Fed phải làm gì ngay? Tất nhiên là phải bớt chính sách nới lỏng quá đáng, bắt đầu là “tapering” tức là bớt mua trái phiếu khoảng 15% từ tháng 11 này đến khi ngưng hẳn vào giữa năm 2022. Quan trọng nhất là phải bắt đầu tăng lãi suất sớm ngay từ đầu năm tới.

Nhưng đấy là chuyện giới hữu trách. Còn là người tiêu dùng, chúng ta biết tự bảo vệ. Ai có tiền để dành thì biết lạm phát là thứ thuế siêu độc đánh trên tiền mặt. Vì vậy nhiều người đã dành dụm mua ngôi nhà đầu tiên hay mua thêm ngôi nhà cho thuê. Đây vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất và quen thuộc. Còn xe cũ quá thì mua chiếc xe mới hay sửa xe để dùng thêm vài năm.

Bình thường chúng ta có thể mua vàng bạc để phòng lạm phát. Nhưng từ ngày có Bitcoin và các đồng tiền số tương tự, một số tiền khổng lồ đã đổ vào đó, và làm vàng mất hấp dẫn. Nếu không có Bitcoin từ 2008, vàng hiện đã phải vượt mức 4000$-5000$ một ounce. Nhưng mua Bitcoin không phải dễ dàng vì rất nhiều nguy hiểm bị đánh cắp vì phải dùng computers.

Chỉ còn lại khí cụ quen thuộc là các chứng khoán giúp chống lạm phát, như dầu xăng, các mỏ kim loại, các vật liệu kỹ nghệ (industrial materials) v.v…Hay ngay cả các hãng xe điện như Tesla, Ford, vì vậy mà mấy tuần nay, bạn thấy các hãng này lên vùn vụt.

Nhưng như nói ở trên, Fed sẽ phải chặn đứng lạm phát bằng cách tăng lãi suất từ năm tới, và việc này sẽ không gây thiện cảm với thị trường chứng khoán đã liên tiếp lập các kỷ lục trong năm nay. Do đó bạn sẽ cần rất cẩn thận với chứng khoán để đề phòng lạm phát.



Địa ốc vẫn là môi trường quen thuộc hơn. Nhưng cũng không dễ để bạn bán hết chứng khoán. Chỉ cần để ý theo kinh nghiệm, khi lãi suất tăng vì lạm phát cao thì các ngân hàng đạt lợi nhuận cao và khu vực tài chính sẽ thuận lợi. Và các chứng khoán thuộc nhóm “value stocks” vốn ngủ im lại được đánh giá cao hơn nhóm “growth stocks”.

Trên đây là vài ý kiến mạo muội gửi đến các thân hữu đã muốn hỏi tôi về vấn đề này. Tất nhiên có tính cách chủ quan và rất dễ sai lầm với các biến chuyển nhanh của thời cuộc, nhất là khi vẫn còn “pandemic” và có cuộc bầu cử QH giữa kỳ năm tới lúc cử tri có thể phản ứng mạnh với những khó khăn kinh tế đang xảy ra.

Nhưng mong các bạn được bình yên may mắn và luôn có tinh thần vui vẻ, như cách đáp ứng hiệu quả với Covid và lạm phát.

Phạm Đỗ Chí

Florida 11/2021

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180