Tìm hiểu danh từ Pháp trong “pháp trị” và “pháp quyền”

 


Tìm hiểu danh từ Pháp trong “pháp trị” và “pháp quyền”

Tác giả: GS VŨ QUỐC THÚC

 

Nếu có một danh từ rất thông dụng trong giới Luật gia cùng người học luật, đó chính là danh từ “Pháp”. Cũng vì nó đã trở nên quá quen thuộc nên ít ai, hiếu kỳ, thấy cần phải tra cứu từ điển xem từ “pháp” được định nghĩa ra sao. Vả chăng từ “Pháp” ít khi được dùng đơn lẻ mà luôn luôn gắn với một từ khác, hoặc đặt trước (thí dụ: Hiến pháp, Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp v.v..) hoặc đặt sau (thí dụ: Pháp chế, Pháp luật, Pháp lý, Pháp nhân v.v..). Nhờ sự “gắn bó” này, kẻ nói cũng như người nghe, kẻ viết cũng như người đọc , hiểu ngay khái niệm được đề cập. Hậu quả là từ “pháp” mất một phần lớn ý nghĩa tự tại của nó và bị coi như một phụ từ. Sở dĩ tác giả bài tiểu luận này đã “lẩm cẩm” tìm hiểu từ “pháp”, chính vì qua mạng internet, được biết là tại quốc nội, đã có một cuộc tranh luận hào hứng về danh xưng nên đặt cho thể chế: “Pháp quyền hay Pháp trị?”. Chúng tôi không muốn tham gia cuộc tranh luận đầy hứa hẹn này: tuy nhiên cái tin ấy đã kích thích ký ức tôi: tôi hồi tưởng thời kỳ đã qua, xét xem khái niệm “pháp” đã đến với tâm trí tôi như thế nào? Đã biến chuyển như thế nào qua sự học tập của tôi ở cấp tiểu học, rồi trung học, rồi Đại học Luật khoa? Khái niệm này đã lớn mạnh ra sao do kinh nghiệm hoạt động của tôi trong mấy chục năm vừa qua? Đây quả thực là một cuộc “du ngoạn dĩ vãng” có thể mang lại những khám phá bất ngờ.

Cuốn “Hán Việt từ điển” của học giả Nguyễn Văn Khôn (ấn bản DAINAM Publishing Co. 1987 Glendale, California, U.S.A.) đã định nghĩa chữ “Pháp” như sau: Tr.697: 

Pháp: a) Phép, khuôn phép b) Pháp luật c) Hình phạt d) Lễ giáo e) Bắt chước f) Đạo lý của nhà Phật g) Chế độ h) Họ.

Tôi nhận thấy tuy cùng một bộ ký tự (thủy) mà danh từ “Pháp” có tới 7 nghĩa, trong đó các nghĩa a , b , c , d , f và g rõ rệt có liên hệ. Đối chiếu với trường hợp bản thân, tôi khám phá là khái niệm “pháp” đã đến với tôi trong thời thơ ấu, dưới dạng khuôn phép.

Rồi khi tôi học lịch sử Việt Nam và lịch sử Pháp Quốc ở các cấp tiểu và trung học, khái niệm này biến dạng thành hình pháp gắn bó với quyền hành của kẻ cai trị đất nước.Từ lúc theo học ngành Luật ở Trường Đại học Hà Nội, tôi mới có một kiến thức rõ ràng về sự khác biệt giữa những cái gọi là pháp luật, là lễ giáo, là đạo lý , là chế độ chính trị. Sau Thế chiến 2 , nhờ sự hiểu biết thời cuộc quốc tế và nhất là qua kinh nghiệm hoạt động cũng như kinh nghiệm sống của bản thân, tôi đã đạt được một ý thức sâu sắc hơn về sự hiện hữu của một nền Pháp Lý siêu việt, không thể giới hạn vào một khoảng không gian và thời gian nhất định. Dưới đây tôi đi vào chi tiết của 4 chặng diễn biến vừa kể.

Chặng thứ nhất: Pháp = Phép, khuôn phép

Trong những năm thơ ấu, sống với bố mẹ, luôn luôn tôi nghe nói “phép”, gần như không bao giờ nghe nói “pháp”. Phải chăng từ “phép” mới thuần túy là chữ nôm còn từ “pháp” là mượn ở chữ Hán, thông dụng trong giới Nho học nhưng ít dùng trong cuộc sống hàng ngày? Vấn đề này xin dành cho các nhà ngữ học cứu xét: tôi chỉ cần xác định là thời ấy, mỗi ngày tôi phải nhiều lần nói câu: ” Xin phép “trước khi ăn, uống hoặc ra khỏi nhà mặc dù đó chỉ là một lời xin chiếu lệ. Nếu không xin như vậy, có thể bị quở là vô lễ, không theo đúng “khuôn phép” của một gia đình lễ giáo. Tôi đã khám phá sự tương đương của hai chữ “phép” và “pháp” nhờ hai cơ hội. Cơ hội thứ nhất khi trong lớp học, thầy giáo dạy môn Toán pháp với các phép tính Cộng, Trừ, Nhân, Chia. Cơ hội thứ hai khi đọc tiểu thuyết thẩy kể chuyện có những ông quân sư “pháp thuật cao cường” biết phù phép biến hoá hạt đậu thành binh lính, hoặc “hô phong hoán vũ” tạo nên những cơn bão “cát bay đá chạy”. Có sự liên hệ gì giữa lời “xin phép” và các phép tính Cộng, Trừ, Nhân, Chia cùng pháp thuật của các ông “Tướng Tàu” không? Dĩ nhiên tôi chẳng cần biết và cho đến nay vẫn chưa hiểu nổi. Dẫu sao, từ ngày tham gia sinh hoạt xã hội, luôn luôn được nghe bàn về các “biện pháp” “phương pháp” “giải pháp” do các chính khách, các chuyên gia, các học giả, ký giả… áp dụng hay đề nghị… Hiển nhiên chữ pháp trong các cụm từ vừa kể đồng nghĩa với chữ pháp trong các cụm từ Toán pháp và pháp thuật nói trên.Tôi nhận thấy, trong tâm trí tôi, ý niệm “phép-pháp” đã biến chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động, không phải chỉ là một khuôn phép bất động mà là một suy tính linh động. Tất nhiên khi chỉ có một ý niệm mơ hồ như vậy, tôi không tránh được sự hiểu lầm về từ “pháp”.

Chặng thứ hai: Hiểu lầm “Pháp” là “Hình pháp”

Trong những năm vị thành niên, chưa vào học Trường Luật ở Hà Nội, tôi ham đọc những dã sử cũng như tiểu thuyết liên can tới Lịch sử Việt Nam , Lịch sử Trung Hoa cùng Lịch sử Pháp Quốc. Những tài liệu này luôn luôn thuật lại các trận đánh phi thường của nhiều vị danh tướng, hoặc những cuộc đấu võ rùng rợn của các hiệp sĩ: người trong truyện chém giết không chùn tay, “chặt đầu địch thủ như chặt củ chuối”, đốt phá sào huyệt của kẻ gian phi để trừng phạt theo đúng phương châm: Nhổ cỏ phải nhổ cho hết rễ… vân vân.

Đặc biệt khi các vua chúa hay quan chức hành hình tội nhân, thường đưa ra Pháp trường.

Có lẽ chính danh từ “pháp trường” này đã làm kiên cố thêm sự hiểu lầm của tôi rằng Pháp chỉ có nghĩa là Hình pháp, là trừng phạt. Tôi không hề thắc mắc: khi trừng phạt như vậy, kẻ xét xử đã căn cứ vào đâu? Luật lệ nào? Ai cho họ quyền sinh sát ấy? Trong đầu óc còn non nớt của tôi, sự hiểu lầm Pháp = Hình pháp đã mặc nhiên gắn bó với sự xác nhận quyền hành của kẻ thống trị, dù họ đã thống trị nhờ võ lực.

Tuy nhiên cũng nhờ đọc các thiên hùng sử ấy mà tôi thấy từ thời cổ, các thức giả đã tranh luận về chính sách trị nước an dân: nên dùng hình phạt nghiêm khắc để thị uy và khuất phục hay nên dùng nhân nghĩa để chinh phục lòng người. Như vậy là cuộc tranh luận giữa hai chủ trương PHÁP TRỊ và NHÂN TRỊ đã xẩy ra ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Chứng cớ: Cụ Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm đã bình phẩm tình hình nước ta, thời Mạc suy, bằng mấy câu thơ:

        Chưa từng thấy mấy đời sự lạ
        Bỗng khiến người vu vạ cho dân.
        Muốn bình sao chẳng lấy nhân?
        Muốn yên sao chẳng giục dân cấy cày?

Sau khi vào học Trường Luật khoa Đại học ở Hà Nội, tôi cảm thấy như người lòa tìm lại được thị giác: Từ ngày đó, tôi hiểu rõ “Pháp” có nghĩa chính yếu là Pháp luật. Nhờ học Luật tôi mới biết phân tích tỉ mỉ các sự việc, các tin tức, các ý kiến… để rồi suy diễn những hệ quả hay hậu quả, do đó tránh được nhiều ngộ nhận – có khi là cạm bẫy – có thể gặp trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Chặng thứ ba: Pháp = pháp luật

A) Điều cơ bản tôi đã học được ngay từ bài giảng đầu tiên về môn Luật, chính là sự cần thiết của luật lệ trong mọi tập thể do những người cùng sống chung lập nên. Nếu không có luật lệ, sự xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì những bất đồng ý kiến dù chỉ là nhỏ nhặt. Mới đầu chỉ có những ước lệ do sự thỏa thuận mặc nhiên của đa số. Với thời gian, ước lệ biến thành phong tục gò bó mọi thế hệ, mọi thành phấn. Khi chưa đặt ra chữ viết kiểu hiện đại, người ta đã truyền khẩu và trông cậy ở trí nhớ của các phụ huynh già lão. Dần dần người ta đã biết dùng những hình khắc vào đá, vào gỗ, vào những thẻ tre v.v. Rồi biết dùng chữ ghi trên giấy. Tất nhiên, một khi tập thể phát triển, tổ chức thành làng bản, xứ, nước v.v., kẻ cầm quyền đã chính thức hoá những tục lệ thành luật lệ quốc gia. Khỏi cần nói, luật lệ phải do nhà cầm quyền ban hành. Để bắt buộc mọi người tuân theo khuôn phép chung này, các kẻ cầm quyền đã đưa ra huyền thoại: đó chính là lệnh của Trời, của Thượng Đế, của Thiên Chúa… Ai không tuân lệnh là có tội – tội làm rối loạn trật tự chung – và phải trừng phạt. Như vậy, thuở ban đầu luật lệ bị lẫn với những “giới răn” “cấm kị” và phương tiện chế tài là sự trừng phạt: từ phạt vạ, đánh đòn… cho tới giam cầm, lưu đày, giết chết. Việc xét xử và ấn định cách trừng phạt giao cho những thẩm phán thường do Nhà nước – nói khác do nhà cầm quyền – chỉ định. Sự kiện lịch sử này khiến cho tôi từng lầm tưởng là những bộ luật do vua chúa các nước ban hành chẳng qua chỉ phản ánh ý muốn và quyền lợi của nhóm cầm quyền (chiến sĩ, quý tộc, trưởng giả, giáo phái v.v.). Nhờ học luật, tôi mới hiểu rõ triết lý căn bản của pháp luật chính là ý muốn của mỗi người dân: những cá nhân này hợp lại thành một lực lượng quần chúng, khiến cho vua chúa cầm quyền phải tôn trọng, chấp nhận nguyên tắc “Ý dân là ý Trời”.

B) Một điều quan trọng khác là qua các môn được giảng dạy trong chương trình Luật khoa Đại học, tôi nhận rõ là Pháp luật bao trùm gần như mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội: thể chế chính trị và tài chánh của quốc gia, hôn nhân, liên hệ gia đình, trao đổi, tặng dữ [tặng biếu], thừa kế, mua bán, vay mượn v.v. Chính vì thế mà tôi đã ý thức được nhiều nghịch lý, trước kia tôi cho là chuyện bình thường. Khỏi cần nói là ngành luật học đã làm nảy sinh và tăng cường trong đầu óc tôi nguyện vọng thay đổi tình trạng xã hội đương thời. Trước sự mâu thuẫn quá phũ phàng giữa thực tế và lý thuyết, dù hiếu hòa đến đâu chăng nữa, kẻ học luật vẫn đi tới kết luận phải thay đổi chính quyền mới thay đổi được hệ thống pháp luật.

C) Tôi theo học Đại học Luật khoa Hà Nội trong suốt thời kỳ Đệ nhị Thế chiến nhưng ngay từ tháng Giêng 1943 đã trở thành công chức và từ ngày ấy cuộc sống của tôi đã “quyện” với các thăng trầm của đất nước Việt Nam. Kinh nghiệm cho tôi thấy xu hướng của mọi nước lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đều là tha thiết bảo vệ quyền tự quyết của mình: lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp. Mỗi nước là một hệ thống pháp luật với những nét đặc thù. Sự xung đột rất khó tránh: xung đột về lãnh thổ, lãnh hải, quyền giao thương, quyền khai thác tài nguyên, quyền thâu thuế, quyền xét xử công dân của mình v.v. Tôi đi tới nhận định: muốn thực hiện một thế giới hòa bình, phải cố gắng vượt khỏi những trở lực do thực thể quốc gia đã tạo dựng. Nói cách khác, phải tiến tới một nền Pháp lý chung cho toàn cầu. Pháp lý là lý tính (rationalité) – tất nhiên trừu tượng – của Pháp (chữ Pháp có thể hiểu là khuôn phép chung (cf. định nghĩa a của chữ Pháp trong Hán Việt Từ Điển Nguyễn Văn Khôn) còn Pháp luật là hệ thống luật lệ cụ thể tạo nên cái khuôn phép chung ấy. Trong thế giới hiện đại chỉ có những định chế “liên chính phủ quốc gia”, chưa có một chính quyền chung nào cho toàn cầu để ban hành những đạo luật cưỡng bách nhân dân mọi nước tuân theo: vì vậy tôi chỉ dám dùng danh từ Pháp lý mà thôi.

Chặng thứ tư : Pháp = Pháp lý

A) Lý tính của Pháp không phải do sự đồng thuận của đa số nhân dân trong nước, mặc dù sự đồng thuận ấy cần thiết cho sự tạo lập cũng như thi hành luật lệ. Cơ sở khoa học và lịch sử của Pháp lý, chính là những nguyên tắc vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian được mọi người chấp nhận như là những điều không cần chứng minh. Tạm kể: quyền sinh sống, quyền tự do di chuyển, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, quyền có một đời tư, có những tài sản riêng tư để hưởng thụ, tặng dữ hay truyền lại cho con cháu v.v. Khỏi cần nói vì sống chung trong tập thể xã hội nên sự hành xử những quyền tự do cá nhân này phải dung hợp với quyền tự do của những cá nhân khác và các đòi hỏi của nền trật tự chung.

B) Trong khuôn khổ mỗi quốc gia, ai cũng hiểu rằng các luật lệ được Nhà nước ban hành là phương tiện tự vệ của những công dân tương đối yếu thế trong sự đối đầu hàng ngày với những kẻ giàu mạnh hơn mình. Nhưng phương tiện này chỉ hữu hiệu nếu ai nấy đều có tinh thần tôn trọng pháp luật. Một ngạn ngữ La tinh thường được các luật gia nhắc nhở là: “Nemo censitur ignorare lege” (không ai được viện cớ mình không biết luật lệ).

Thực tế cho biết là những luật lệ đã được ban hành nhiều như cây trong rừng rậm: ngay những người chuyên nghiệp như các Luật sư, Thẩm phán, Giáo sư… mỗi khi cần tìm hiểu một đề tài nào vẫn phải tra cứu sách báo, tài liệu lưu trữ. Như vậy đòi hỏi mọi công dân phải am tường luật lệ, quả thực là một điều viển vông nếu không muốn nói là phi lý. Dẫu sao, để ngăn chặn những phần tử bất lương, gian tham, lạm dụng quyền thế hay địa vị để áp bức, bóc lột … nguời lương thiện, các phương tiện truyền thông đại chúng là khí giới hữu hiệu hơn bất cứ cơ quan giám sát nào.

C) Vượt khỏi biên cương quốc gia, trên bình diện bang giao quốc tế, từ sau cuộc Đệ Nhị Thế chiến tới nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều cố gắng của Chính quyền các nước để tiến dần tới sự thành hình một nền trật tự chung cho toàn cầu. Ngoài sự thiết lập Tổ chức Liên Hiệp Quốc còn có những cơ quan chuyên môn trong các lĩnh vực Tiên tệ, Tín dụng, Lương nông, Phát triển kinh tế, Mậu dịch, Viễn thông, Hàng không dân sự, Văn hóa, v.v. đều là những diễn đàn để đại diên các nước, và cả những vị nguyên thủ, có cơ hội gặp nhau, trao đổi quan điểm và do đó tránh được hiểm họa chiến tranh. Đồng thời, nhiều văn kiện ngoại giao có tầm quan trọng lịch sử như Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước về Mậu dịch Quốc tế , về Luật biển v.v. có tính cách như những Hiệp ước đa phương, những bộ luật quốc tế ràng buộc các nước gia nhập. Ý thức Pháp lý “siêu quốc gia, siêu thời gian” không còn là một ý tưởng trừu tượng mà là một sự thật khách quan. Tiếc thay! Thực thể chính phủ quốc gia vẫn tồn tại và số quốc gia hội viên Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã lên tới 200. Nhiều va chạm đổ máu đã xảy ra giữa các quốc gia thành viên này chỉ vì bất đồng ý thức hệ, bất đồng tín ngưỡng không nhất thiết vì những quyền lợi vật chất.  Âu cũng là Định mệnh: Dù văn minh Con người vẫn là chỉ là một sinh vật trên Trái Đất, chưa thể xử sự toàn thiện như các thánh thần. Và ngày nào còn người sẽ vẫn còn những nghịch lý như vậy: Errare humanum est./.

Paris tháng 11 năm 2012

Vũ Quốc Thúc

 


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209