400 lao động Việt do công ty Trung Cộng đưa sang Serbia sống trong ‘địa ngục’

400 lao động Việt do công ty Trung Cộng
đưa sang Serbia sống trong ‘địa ngục’

Chỗ ở của công nhân Việt Nam trong công ty của Trung Quốc ở Serbia – Ảnh: DANILO ĆURČIĆ/A11

Đằng Vân

BBC tiếng Serbia ngày 18 Tháng Mười Một, có bài phóng sự nói về “thảm cảnh” của hàng trăm lao động Việt Nam.

Sau đây là nội dung bài báo:

Hộ chiếu bị tịch thu, lạnh, giường không có đệm, căng thẳng và bầu không khí ngột ngạt. Đó là câu chuyện về điều kiện sống và làm việc của hàng trăm người Việt ở thành phố Zrenjanin, Serbia.

Nó đặt ra câu hỏi về quyền lợi của người lao động các nước, cũng như thái độ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với người lao động trên đất nước Serbia.

Khoảng 400 công nhân Việt Nam đã đến Serbia vào mùa Xuân để tham gia dự án xây dựng nhà máy mới sản xuất lốp ô tô của công ty Linglong thuộc Trung Quốc.

Theo các công nhân, cuộc sống ở đó “không có gì tốt đẹp”, thâm chí có người còn cho rằng nó “rất tồi tệ, từ nơi ở cho đến đồ ăn thức uống.”

Từ đầu năm 2021, Serbia đã cấp hơn 18,000 giấy phép cho lao động nước ngoài do thiếu lao động trong nước. Hầu hết lao động nước ngoài đến một cách có tổ chức, thông qua các cơ quan trung gian hoặc công ty tuyển dụng họ – nhưng do “khoảng cách pháp lý” và sự mâu thuẫn trong các quy định, việc kiểm soát điều kiện sống và làm việc của họ rất hiếm khi được thanh tra Serbia thực thi.

Điều kiện sinh sống của công nhân Việt Nam đã được âm thầm nói đến ở Zrenjanin trong những tháng gần đây, nhưng chỉ đến khi các nhà hoạt động của các tổ chức phi chính phủ “Astra”, “A1” và các nhà báo đến thăm khu trại nơi họ sinh sống, người ta mới nhận thức rõ rằng tình hình rất nghiêm trọng.

Khu vệ sinh cho công nhân dơ bẩn, nhớp nhúa – Ảnh: DANILO ĆURČIĆ/A11


“Chỉ có hai nhà vệ sinh trong tòa nhà, giường không có đệm, và phân rơi vãi cách nơi ở khoảng chục mét,” thông báo của các tổ chức này cho hay.

Họ cũng cho biết hộ chiếu lao động bị tịch thu ngay khi đến Serbia, điều này “cho thấy khả năng buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động.”

Có thể nói, nơi ở của công nhân như một trại “súc vật”. Linglong phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng công nhân Việt Nam không phải do họ tuyển dụng mà là của nhà thầu Trung quốc.

Chuyện nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Serbia, Ana Brnabić, ra lệnh thanh tra lao động tại công ty Linglong và đã ra lệnh chuyển công nhân ra khỏi chỗ này để họ có điều kiện tốt hơn.

Một số phương tiện truyền thông Serbia đưa tin hôm Thứ Tư, 17 Tháng Mười Một, rằng các công nhân Việt Nam đã được di chuyển khỏi khu trại.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động ngay lập tức lên tiếng phủ nhận. Họ nói đó là tin giả, và “việc các cơ quan im lặng chỉ là hình thức câu giờ để đưa ra giải pháp thích hợp cho toàn bộ tình hình.”

Danilo Ćurčić từ tổ chức “A1” nói với BBC tiếng Serbia: “Tôi e rằng mọi thứ đang chỉ dấu rằng có một thỏa thuận nào đó (giữa chính phủ Serbia và công ty), nhưng tôi mong chính phủ chứng minh điều đó là không đúng.”

Theo Cảnh sát Zrenjanin, có 402 công nhân Việt Nam trong khu trại, trong đó 35 người cư trú hợp pháp tại Serbia, theo tin của Deutsche Welle. Những người khác đến theo diện thị thực lao động.

Họ làm việc theo hợp đồng với China Energy Engineering Group Tianjin Electric Power Construction Co. LTD, chi nhánh tại Belgrade, do Linglong thuê.

Khu sinh họat, nhà bếp tồi tàn thiếu ánh sáng – Ảnh: DANILO ĆURČIĆ/A11

Công nhân và công ty nói gì?

Phần lớn công nhân Việt Nam ở đây không biết tiếng Anh. Tuy nhiên, một trong số những người biết tiếng Anh đã nói với các phóng viên:

“Họ giữ hộ chiếu và thị thực của tôi, chúng tôi không thể thay đổi công việc hay đất nước của mình.”

Phía công ty Linglong cho biết hộ chiếu của người lao động được giữ lại chỉ để xin tạm trú, giấy phép lao động và giấy tờ tiêm phòng Covid-19.

Công ty cho biết bất kỳ ai cũng có thể đến lấy lại hộ chiếu bất cứ lúc nào. “Không ai tịch thu hộ chiếu của bất kỳ ai,” họ tuyên bố.

Linglong cũng phủ nhận việc công nhân Việt Nam sống trong điều kiện thiếu thốn. Họ cũng chỉ ra rằng họ trả lương đúng hạn, phù hợp với số giờ làm việc.

Các tổ chức phi chính phủ nói khác, họ cho rằng ngoài việc quyền lao động bị vi phạm nghiêm trọng, sức khỏe của người lao động cũng bị đe dọa.

Họ nói: “Trong những căn phòng quá đông người ở, có những chiếc giường tầng, không có đệm, nhưng được phủ một tấm chăn bông mỏng.”

“Không có cơ sở hạ tầng và hệ thống thoát nước đầy đủ nên phân tràn ra cách khu trại khoảng chục mét, vô cùng mất an toàn cho sức khỏe của công nhân.”

Ngoài ra, họ cũng chỉ ra rằng công nhân ở đây không được cung cấp sưởi, điện và nước uống.

Các nhà hoạt động cũng nói rằng không ai trong số người lao động được ghi ngày bắt đầu làm việc trong hợp đồng.

“Người lao động có nghĩa vụ làm việc 26 ngày một tháng, và nếu vắng mặt một ngày họ sẽ không được trả tiền lương của cả tháng đó.”

Hiện một công nhân lên tiếng tố cáo đã được các nhà hoạt động đưa ra ngoài để bảo vệ tính mạng cho anh, đồng thời giúp anh lên tiếng tố cáo công ty Linglong và các nhà thầu Trung Quốc.

Chính phủ cs Việt nam chưa lên tiếng về vấn đề này. (Theo BBC)

Đằng Vân


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025