CHIẾN TRANH - THÂN PHẬN - TÌNH YÊU - KHỞI ĐẦU GIAN NAN

 CHIẾN TRANH - THÂN PHẬN - TÌNH YÊU

Nguyễn Tường Tuấn

KHỞI ĐẦU GIAN NAN

Sài Gòn, những ngày cuối năm 1974 thật sự đón nhận không khí chiến tranh, hình ảnh những người dân ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, và Đông Nam phần lũ lượt chạy trốn cộng sản kéo về. Nhà nào ở thành phố, cũng có thêm gia đình họ hàng đến ở cùng, chẳng khác gì Tết Mậu Thân 1968. Truyền hình loan tin, những chiếc Dương vận hạm của Hải quân VNCH liên tục đưa người tỵ nạn đến Vũng Tầu. Người dân đi bằng mọi phương tiện, miễn sao tránh quân xâm lăng Bắc Việt, họ bỏ phiếu bằng chân, dù có chết trên đường, cũng đi!

Cộng sản đến đâu, dân nơi đó bỏ chạy, lịch sử chứng minh từ 1954 với hằng triệu người Bắc, giong buồm xuôi Nam hoặc di tản theo chiến hạm của Hải Quân Mỹ. Đâu đã yên, Tết Mậu Thân 1968 chúng xâm chiếm các tỉnh miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mâu, có ai ở lại cùng chúng? Năm 1974, ma quỷ lại hiện về!


Photo: ManhHai Flicker - 1954

Photo: Lussan Jean. SCA – ECPAD – 1954


Khu vực trách nhiệm của Sư đoàn 5 Bộ binh thu hẹp lại, trước đây đơn vị bảo vệ an ninh Khu 32 Chiến Thuật, bao gồm ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Nay không còn nữa, theo hồi ký của Bác sĩ Đàm Hữu Phước, Sĩ quan Quân y, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, Phước Long thất thủ lúc 09:00 sáng ngày 6/1/75, tổ quốc quấn khăn tang! (http://www.nguyenvanhieulibrary.info/military_history/quansuvietnam_phuoc-long-niem-dau-chua-dut.html.) Ngay trong đêm ngày 6/1/75, Không quân Việt Nam Cộng Hoà đã dội bom, biến thị trấn Phước Long thành biển lửa, kẻ chiến thắng chưa kịp ăn mừng đã vào lò hoả thiêu! Người chiến binh VNCH ngã ngựa, bắt đầu một hành trình tù tội, kéo dài hằng chục năm!

Hiệp định Paris, ký ngày 27/1/1973 ghi rõ, nếu cộng sản Bắc Việt vi phạm, Hoa Kỳ sẽ can thiệp bằng vũ lực. Thực hiện cam kết của mình, chính phủ Mỹ áp dụng nguyên tắc “Một đổi một” cho các chiến cụ, vũ khí Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị tổn thất. Quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa, thành trì chống cộng cuối cùng tại Đông Nam Á, đã chính thức bị anh bạn đồng minh Hoa Kỳ khai tử kể từ ngày Hiệp định Paris ký kết! Quân lực VNCH bị trói tay, quân viện bãi bỏ, vũ khí cũng không làm gì có “Một đổi một”. Và cộng sản Bắc Việt tha hồ tấn công, Hoa Kỳ không hề can thiệp!

Hỡi những công dân nhân loại, không phân biệt mầu da, chính kiến, ý thức hệ, các bạn hãy đến Nghĩa trang Quốc gia Arlington tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, viếng mộ cố Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy, đọc thật kỹ câu nói của ngài trong diễn văn tuyên thệ nhậm chức, ngày 20/1/1961, khắc trên bia đá, trước huyệt mộ: “Hãy cho mọi quốc gia biết, cho dù họ mong muốn chúng ta hùng cường hay suy yếu, chúng ta sẽ trả bất kỳ giá nào, chịu bất kỳ gánh nặng nào, gặp bất kỳ khó khăn nào, ủng hộ bất kỳ người bạn nào, chống lại bất kỳ kẻ thù nào để bảo vệ sự sống còn và thành công của tự do.) (Let every nation know, whether it wishes us well or ill, that we shall pay any price, bear any burden, meet any hardship, support any friend, oppose any foe to assure the survival and the success of liberty.) (https://www.jfklibrary.org/archives/other-resources/john-f-kennedy-speeches/inaugural-address-19610120.) Ngọn lửa vĩnh cửu vẫn còn trên mộ Ngài, nhưng lớp chính trị gia đàn em Mỹ thuộc đảng Dân chủ thiên tả đã thi nhau dập tắt đi ngọn đuốc cuối cùng của một chính trị gia vĩ đại! Họ trút bỏ mọi gánh nặng, khó khăn lên đầu đồng minh VNCH, từ chối một chi phí rất nhỏ $300 triệu USD cứu người bạn chiến đấu để bảo vệ tự do. Họ thản nhiên nhìn quân thù với vũ khí Nga Tầu vi phạm Hiệp định Paris. Chúng tôi, những đồng minh bị bỏ rơi trong ngục tù cộng sản, tuyên bố: Bọn chính trị gia Dân chủ thiên tả Mỹ, trong đó có Joe Biden, đã giết chết VNCH, các ông bà là những tên “Tội phạm chiến tranh” lịch sử sẽ phán xét.


Photo: JT – www.google.com – Người dân miền Nam Việt Nam chạy trốn cộng sản năm 1975

Photo: Associated Press – Salon - Trên đường di tản về Sài Gòn


Sau cuộc họp ngày 3/1/75Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn III gửi một công điện đến tiểu khu Phước Long; có đoạn viết: "Tổng thống đã họp nội các phiên đặc biệt ngày 3/1/75 để cứu xét tình hình quý tiểu khu. Rất thông cảm. Tổng thống và quân lực Việt Nam Cộng hòa ưu ái gởi tặng các chiến hữu 3,2 triệu đồng tiền thưởng, khen ngợi và mong các chiến hữu cố gắng tử thủ." Trong khi chưa thực hiện được phần thưởng nói trên thì Phước Long Thất thủ ngày 6/1/75. Ngay trong đêm 6/1, Hội đồng an ninh quốc gia VNCH đã họp khẩn cấp để cứu xét tình hình. Ngày 10/1/75, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên đài phát thanh: "Toàn quốc dành ba ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long" và kêu gọi "Kiên quyết lấy lại Phước Long.” (https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng_14_%E2%80%93_Ph%C6%B0%E1%BB%9Bc_Long.)

Lịch sử sẽ phán xét quyết định của ông Thiệu và nội các của ông! Trên cương vị Tổng thống, Tổng tư lệnh Quân đội, đối đầu với sự thất thủ một tỉnh lớn (Phước Long.) Mẹ kiếp, chẳng biết tên phụ tá nào viết công điện cho ông, hẳn không được mấy thông minh, chỉ biết an ủi tinh thần binh sĩ bằng câu “Rất thông cảm” tặng 3.2 triệu đồng, và kêu gọi quân cán chính “Kiên quyết lấy lại Phước Long”. Nghe sao mà thê thảm! Biết bao nhiêu chiến binh VNCH, từ Tiểu khu Phước Long, đến Biệt đoàn 81 Biệt cách dù hy sinh, và công điện ngài Tổng thống nói “Rất thông cảm!” Chúng tôi mong rằng câu trích dẫn này sai, nhưng nếu đúng là sự thật, có một tổng thống như vậy, VNCH không thua mới lạ!

Đất nước 100 năm mới sinh ra một hiền tài, đó là cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, người dân miền Nam đã ngu xuẩn hạ sát Ngài! Đất nước 1,000 năm nặn ra một quái thai tội phạm, mang tên HCM, và người miền Bắc u mê tôn thờ, dân chúng cả nước hôm nay bị ép buộc treo hình tên “đồ tể”. Đau thương cho thân phận Việt Nam! Xin đừng ai tự sướng mà khoe rằng người Việt thông minh! Nếu thật sự thông minh, chúng ta đã không giết cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã không thờ tên “Đồ tể” HCM. Hãy tự vấn lại lương tâm, và cúi đầu ăn năn trước những thế hệ mai sau, chúng ta đã để lại cho con cháu một gia tài cực kỳ khốn nạn: “Hèn với giặc Tầu, ác với dân Việt.”

Nỗi mong ước lớn lao nhất của người lính chúng tôi, là được trở về an toàn sau chinh chiến, xin trả lại ngài Tổng thống ba ngày toàn quốc truy điệu! Chúng tôi không hy sinh xương máu đồng đội để được ăn mày 3.2 triệu đồng! Cũng như gia đình hằng triệu cán binh miền Bắc, hãy ỉa vào mảnh giấy liệt sĩ! Là một người lính quèn, may mắn sống còn sau cuộc chiến, xin cho tôi nói lên nỗi uất hận của những kẻ chỉ có một chọn lựa, đi qua lửa đạn để tìm về đường sống! Thế hệ chúng tôi, hai miền Bắc Nam bi thảm đến thế sao?

Nhớ lại ngày trực thăng chở ông Thiệu đến thăm mặt trận An Lộc (1972) đơn vị 7 Trinh sát, cùng các cánh quân bạn đã phải tung ra, làm tiền đồn bảo vệ an ninh, trực thăng vũ trang bao phủ vùng trời, không biết trong ngày đó có ai  hy sinh không? Gia tài duy nhất Tổng thống Thiệu để lại cho đất nước là câu nói, “Đừng tin những gì cộng sản nói, hãy xem những gì cộng sản làm” xứng đáng vào hàng danh ngôn quốc tế, có thế thôi! Xin chúc ông bình an nơi nước trời!

Bộ chỉ huy Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ binh cùng hai pháo đội 105 ly, Tiểu đoàn 51 Pháo binh và một chi đoàn Thiết kỵ rời Phước Vĩnh, theo Liên tỉnh lộ 1A về quận Bến Cát, phía Nam Lai Khê, Đại đội 7 Trinh sát tùng thiết cùng Chi đoàn M113, do Đại uý Thống chỉ huy, vào đóng quân tại căn cứ “82” (mũi tên mầu xanh đậm chỉ ngay số 7. Military Camp.) Căn cứ “82” do Quân đội Hoa Kỳ bàn giao lại cho VNCH. Trên con đường mòn, đi về hướng sông Sài Gòn không xa là căn cứ “Rạch Bắp” nhỏ hơn “82”.

Vị trí của hai căn cứ “82” và “Rạch Bắp” (mũi tên mầu xanh) rất quan trọng, nằm cắt ngang con đường chuyển quân, tiếp tế của cộng quân, từ hướng Tây sông Sài Gòn ngăn đôi giữa hai tỉnh Hậu Nghĩa và Bình Dương. Chiếm được, chúng sẽ dễ dàng thanh toán Chi khu Bến Cát, cắt đường tiếp viện của Sư đoàn 5 ở hướng Bắc, căn cứ Lai Khê, về tiếp cứu Sài Gòn, hướng Nam trên Quốc lộ 13. Hình tròn mầu xanh trên bản đồ là Phước Vĩnh, hậu cứ Trung đoàn 7.

Căn cứ “Rạch Bắp” đi vào quân sử của Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ binh và các chiến binh Biệt Động Quân. Ngày 25/5/1973 (thời gian đó anh đang thụ huấn khoá 17 Căn bản CTCT tại trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt, trong ba tháng.) Đại tá Lý Đức Quân bay trực thăng điều khiển cuộc hành quân tái chiếm “Rạch Bắp” nằm về hướng Tây quận Bến Cát, Bình Dương. Máy bay trúng đạn phòng không, nơi cánh rừng chồi khu vực Ấp Bông Trang, nằm giữa Lai Khê và Phú Giáo (ngôi sao đỏ trên bản đồ.) Hai toán Viễn thám, Đại đội 7 Trinh sát, do Thiếu uý Ngô Văn Tùng và T/u Vũ Đình Bản, cấp tốc được di chuyển từ Đồng Xoài vào vùng máy bay bị nạn, đón xác người anh cả Trung đoàn 7. Đại tá Lý Đức Quân đền nợ nước ở tuổi 43, được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng. Ngày 31/5/73, an táng tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà theo nghi lễ quân cách. Hình dưới, cố Chuẩn tướng Lý Đức Quân, khi còn mang cấp bậc Đại uý, 1965, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 Bộ binh. (https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_%C4%90%E1%BB%A9c_Qu%C3%A2n.)

Photo: Trần Cẩm Tường


Photo: Do cơ quan Đồ bản Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung tâm Địa hình, Washington, D.C soạn thảo và phát hành với sự cộng tác của Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam. Điều chỉnh tháng 12/1972. An Lộc, Vietnam; Cambodia – Series 1501 – Sheet NC 48-4 – Edition 3 – Scale 1:250,000. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ


Đại đội Trinh sát là đơn vị ứng chiến trực tiếp dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng, khi có yêu cầu của Sư đoàn, đơn vị sẽ được tăng phái cho các Trung đoàn hoặc Tiểu khu thuộc vùng trách nhiệm của Sư đoàn, đôi khi tăng phái cho các Sư đoàn bạn, hoặc Thiết đoàn Kỵ binh, nói rõ hơn, Trinh sát làm dâu trăm họ. Mặc dù cấp đại đội, nhưng Trinh sát có KBC (Khu Bưu Chính) riêng, ngang hàng Tiểu đoàn, chính thức là đơn vị biệt lập. Đa số quân nhân Trinh sát đều độc thân, thỉnh thoảng cũng có những anh chàng có vợ, nhưng họ là những người lính với thâm niên quân vụ.

Giữa mặt trận An Lộc 1972, đơn vị được bổ sung thêm binh sĩ, Ban 1 (Quân số) Trung đoàn ưu ái gửi về Trinh sát 7 những chàng độc thân, Lao công Đào binh (lính đào ngũ và thọ phạt dưới hình thức LCĐB, ra tham chiến nhưng không được phát súng, đóng vai trò khuân vác đạn dược.) Vào trình diện Đại tá Lý Đức Quân, Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 7, danh hiệu “44” tại mặt trận An Lộc, xin Đại Tá Quân cho phép trang bị vũ khí cho các bạn. Luật lệ nhiều lúc khôi hài và cần phải thay đổi! Thật là vô lý, đơn vị đang thiếu lính tác chiến, súng đạn thừa thãi vì thương binh và tử sĩ để lại, cộng sản tấn công mỗi ngày. Trong khi mình có nhân lực, chỉ vì lầm lẫn trong quá khứ, mà để họ đánh nhau với Việt cộng bằng cuốc, xẻng, thì quá ngu! Đại tá Lý Đức Quân (vừa được thăng cấp tại mặt trận) chấp thuận ngay lập tức. Anh trở về phòng tuyến tại An Lộc, báo cho các bạn LCĐB tin vui, và cho phép các bạn được vất chiếc áo kaki vàng, kẻ sau lưng hàng chữ LCĐB, thay bằng áo trận giống như anh em. Các chiến binh mới của Trinh sát 7, không hề phụ lòng “44”, rất nhiều người trong số đó, từng ở các đơn vị thiện chiến nhất của Quân Đội VNCH, họ đánh giặc không đẹp, không lấy tiền. Người LCĐB ra chiến trường, chịu mọi tổn thất như chiến binh, và họ cam chịu để chuộc lại lỗi lầm.

Photo: NTT – Trinh sát 7 bị thương tại An Lộc 1972, được dìu bởi hai anh Lao công Đào binh



Tại mặt trận An Lộc (1972) hình ảnh người lính Trinh sát 7 bị thương vì đạn pháo binh cộng sản, được hai anh Lao công Đào binh dìu đi. Nơi chiến trường, đạn bom đâu chừa ai? Đại tá Lý Đức Quân tử trận vì trực thăng bị bắn và ngài được vinh thăng Chuẩn tướng. Xin được đứng nghiêm, chào kính theo nghi thức quân đội, vinh danh người anh cả của Trung đoàn 7 Bộ binh, cố Chuẩn tướng Lý Đức Quân, khóa 1 Võ bị Quốc gia Đà Lạt, người chiến binh dũng cảm, hiền từ, đôn hậu và rất bình tĩnh trong giao tranh. Quân lực VNCH có hai thành phần Tướng khác nhau, những vị ưu tú đều thuộc thế hệ trẻ từ 40 đến 50 tuổi, cấp Tá thật sự uy dũng đi lên từ mặt trận. Nhóm thứ hai, các Tướng từ thời Tây để lại, đa số không có kinh nghiệm chiến đấu sau này, sống lâu lên lão làng, nhóm này thích làm chính trị hơn ra trận!

Chiến trường được quyết định bởi nhiều yếu tố, sự thông minh và can đảm của cấp chỉ huy như Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, ngay trong khó khăn tận cùng, dưới cơn mưa pháo vài ngàn cho đến vài chục ngàn quả đạn đại bác, bắn lên đầu mỗi ngày, sắt, gạch còn không đứng vững, nhưng ý chí của vị Tướng tài ba, đã khiến Bắc Quân phải thảm bại sau 100 ngày vây hãm! Đại tá Lê Nguyên Vỹ, trên mặt trận An Lộc là Tư lệnh phó Sư đoàn 5 Bộ binh, đơn thân độc mã dùng M72 bắn hạ chiếc xe tăng của cộng quân làm gương cho binh sĩ. Nỗi sợ hãi đến một lúc nào đó bão hoà trở thành trò chơi “săn cua” (bắn hạ xe tank VC) cho binh lính dưới quyền. Đại tá Lý Đức Quân, người anh cả Trung đoàn 7, có lẽ ông có mặt từ ngày sư đoàn mới thành lập tại Sông Mao, đã nhanh chóng quyết định cho phép các anh em Lao công Đào binh, cầm súng, chiến đấu và sau trận chiến An Lộc, được phục hồi binh quyền. Quyết định vô cùng thông minh! Hình dưới, Trung đội Trinh sát của Thiếu uý Trần Thanh Liêm (đội nón sắt, đứng hàng đầu bên trái) đa số lính trong Trung đội anh là LCĐB, họ đã lập nên những chiến công tuyệt vời, Trung sĩ Cường, (cởi trần) Có lẽ Cường trụ trì tại đơn vị còn lâu hơn ngày anh có mặt, Hạ sĩ Trần Có Nết (đầu trần, ngay sau T/u Liêm), các bạn mặc quân phục rằn ri là LCĐB, trực tiếp tham gia chiến đấu. Mọi người, đang chờ trực thăng bốc về hậu cứ sau 100 ngày tử thủ An Lộc.


Photo: NTT – Thiếu uý Trần Thanh Liêm, Trung đội Trinh sát 7 ngày chờ trực thăng đón sau 100 ngày An Lộc


Có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau và thương tâm, khiến người lính VNCH đào ngũ! Điều đáng khâm phục mặc dù chịu hình phạt tại Quân lao, nếu không có những mặt trận lớn như An Lộc, Quảng Trị, Kontum ... nơi chiến trường quân nhân hy sinh hay bị thương, cần được thay thế, chưa chắc họ đã được ân xá, đưa ra đơn vị làm LCĐB. Chiến trường, bài trắc nghiệm tuyệt nhất về lòng trung thành và can đảm, các bạn đã vượt qua, trước sự kính phục của mọi người. Trở về từ An Lộc vào tháng 7/72 đến ngày mất nước, không một chiến binh nào xuất thân từ LCĐB đào ngũ, hay đi phép trễ. Qua bao nhiêu đời Đại đội trưởng, Trinh sát 7 có một số nguyên tắc bất khả xâm phạm: Ban 1 (Quân số) Trung sĩ nhất Nguyễn Văn Đương, có nhiệm vụ lên lịch đi phép và công khai cho mọi người biết, để tránh chuyện cãi nhau hoặc phân bì. Thứ hai, đến phiên đi phép, dù có lệnh hành quân, đơn vị sẵn sàng cho ở nhà, và không ai được quyền bắt họ đi hành quân. Thứ ba, ai cần đi thêm vài ngày, cho biết lý do nếu chính đáng sẽ cho phép. Lính đánh giặc rất kỵ chuyện đến phiên đi phép và bị giữ lại, nhẹ thì bị thương, nặng là lên bàn thờ. Cũng nhờ vào nguyên tắc đó, tinh thần đại đội rất cao. Trong cuộc chiến chống cộng, bảo vệ miền Nam thân yêu của chúng ta, xương máu của những anh em LCĐB, thấm vào lòng đất mẹ, chẳng khác gì chuyện “Đứa con hoang trở về” của André Gide viết từ ngụ ngôn trong Kinh thánh. Xin các anh em nhận nơi đây lời tri ân muộn màng của chúng tôi, người chỉ huy cuối cùng Đại đội 7 Trinh sát, trước ngày mất nước. Tất cả chúng ta hãnh diện là chiến binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa!

Một câu chuyện ba gai của nhóm LCĐB được T/u Trần Thanh Liêm kể, trong khi ngồi tại sân bay Trực thăng Lai Khê, chờ đi An Lộc, vì thời tiết xấu, không thể cất cánh, đến buổi chiều Trực thăng bay về căn cứ Biên Hoà, bất ngờ, một nhóm LCĐB nhẩy lên phi cơ, phi công vì lý do gì đó đành cất cánh. Anh em LCĐB này được đưa thẳng từ Quân lao đến Lai Khê, không ai được về nhà, và họ quyết định chọn đi phép theo ý mình. Sau đó một tuần, đa số đều quay về trình diện và sẵn sàng lên đường vào An Lộc. Một vài chú biến luôn, giữ người ở lại, ai giữ người ra đi!

Căn cứ “82” là địa chỉ cư trú của đơn vị vào những ngày cuối năm 1974 đầu 1975. Tình hình chiến sự hoàn toàn bất lợi về phía Việt Nam Cộng Hoà. Chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài) mất về tay Bắc quân ngày 26/12/74 – Phước Long thất thủ ngày 6/1/75. Quân đội VNCH bị hạn chế phương tiện trực thăng đưa quân tiếp viện, không có đạn pháo binh hay phi tuần khu trục đánh bom, dọn bãi đáp. Quốc hội Hoa Kỳ và bọn Thượng nghị sĩ Dân chủ thiên tả như Joe Biden, nhất định cắt viện trợ quân sự, bác bỏ mọi yêu cầu của Tổng thống Gerald Ford tiếp tế cho chính phủ VNCH $300 triệu USD. Mẹ kiếp, bọn chính trị gia Dân chủ Mỹ chơi khốn nạn như thế đó. Chẳng nhân đạo mẹ gì cả! Thử hỏi, nếu Nga, Tàu cũng cắt mọi viện trợ chiến tranh cho bọn Việt cộng như Mỹ làm với VNCH, thì bầy khỉ Trường Sơn đã chết gục trong rừng xanh vì đói, sốt rét, và tiêu chảy, hơi sức đâu mà lết về Sài Gòn, giải phóng nhà mặt tiền, lết về Sài gòn ta cướp sạch tiền đô!

Không gì buồn nôn, ghê tởm khi nghe bọn ký giả Mỹ và Tây phương bình luận, quân đội VNCH thua vì họ không chịu chiến đấu, hoàn toàn dựa vào sự tiếp viện của Mỹ! Mẹ bố chúng mày, thằng Việt cộng có chế được khẩu AK không? Những khẩu pháo 130 ly xuất xưởng từ Hà Nội chắc? Chiếc xe Molotova và khẩu phần lương khô nhãn hiệu Bắc Kinh hay Việt Nam? Kẻ thù trước mặt - Đồng minh quay lưng - Phá hoại ngay tại hậu phương! Người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà chiến đấu trong hoàn cảnh không một đội quân nào trên thế giới phải đương đầu. Hơn nửa triệu binh sĩ VNCH hy sinh, vài trăm ngàn trở thành thương phế binh, không chiến đấu, chẳng lẽ chúng tôi chết vì bệnh dịch?

"Quân đội không tạo ra chiến tranh, chính trị gia khởi đầu” (The military don't starwars. Politicians starwars.) Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại tướng Westmoreland từng khẳng định. Hoa Kỳ và đảng Dân chủ Mỹ, đặc biệt tên Tổng thống bất tài Joe Biden nợ những người chiến binh, và dân chúng Việt Nam Cộng Hoà một lời xin lỗi chân thành. Bọn S.O.B Bắc bộ phủ Hà Nội cần phải đưa ra Toà án Chiến tranh Quốc tế, ngày phán xét sẽ đến! Chừng nào Hà Nội còn giữ cái lăng đựng xác thối, chừng đó quê hương đất nước còn bị “Quỷ ám.”

Điều luật quan trọng nhất cho bất cứ người lính VNCH trên chiến trường, đó là không bao giờ bỏ rơi đồng đội. Rất nhiều đơn vị VNCH đã băng rừng lội suối, cấp cứu phi công Mỹ bị bắn rơi, và hy sinh vì thế! Chính phủ Hoa Kỳ, vì quyền lợi kinh tế, sợ mất phiếu cử tri, không những bỏ rơi VNCH, quý vị còn phản bội 58,000 chiến binh Mỹ đã hy sinh tại Việt Nam và vài trăm ngàn người khác từng chiến đấu sát cánh bên chúng tôi. Shame on you!

Cuối năm 1974, là những ngày tháng kéo dài của tuyệt vọng, nhưng không một ai trong đại đội đào ngũ hay đi phép trễ hạn. Ngày nào Trung đoàn 7 về trấn đóng “82” anh không nhớ! Nhưng không thể quên được, hôn lễ chúng mình vào ngày Chủ nhật 9/2/75, anh chỉ có đúng 48 giờ phép, và hôm sau Thứ hai 10/2/75 đưa em lên khách sạn “82” hưởng tuần trăng mật. Làm sao hai đứa mình quên được, 11/2/75 đúng vào ngày mùng một Tết Âm lịch 1975.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Quân đội VNCH rất khắt khe trong việc cho đi phép vào những dịp lễ lớn, trừ những trường hợp đặc biệt, và chỉ là đi ngắn hạn. Anh đã xin trước từ cả tháng để về làm đám cưới cùng em, nhưng Trung tá Đỗ Đình Vượng, từ Thuỷ Quân Lục Chiến qua, thay thế cố Chuẩn tướng Lý Đức Quân, có quá nhiều việc, làm sao ông nhớ?


Photo: ĐĐV – Trung tá Đỗ Đình Vượng


Một ngày cuối tuần, đầu tháng 2/75, tại căn cứ “82” trình diện Trung tá Đỗ Đình Vượng, Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 7, ám danh đàm thoại “44” anh xin về phép để cưới em, ông ấy nhìn anh đầy ngạc nhiên và hỏi: 

Đám cưới vào ngày nào?

Thưa “44” ngày 9/2.

Ngay cận Tết làm sao cậu đi được?

Dạ, em đã gửi đơn xin phép từ trước rồi.

Cũng may, trong lúc ông “44” còn chần chừ, thì Trung tá Nguyễn Thừa Dzu, Trung đoàn phó “43” có mặt trong phòng Hành quân, và ông góp ý:

Anh cho nó đi đi, giữ lại xui lắm!

Thôi được rồi, tôi cho cậu đúng 48 tiếng, trình diện trước đêm Giao thừa.

Số phận đời binh nghiệp bạc bẽo như thế đó! Người lính có thể chết bất cứ lúc nào, không sao cả! Chẳng ai lo âu! Nhưng ngày phép thì khó khăn vô cùng. Không phải lỗi của ông “44” bọn cộng sản chẳng hề biết đến lễ lạy gì cả, hiệp ước quốc tế ký rồi chúng còn vất đi, sự khắt khe của Trung tá Vượng rất dễ hiểu. Hai ngày phép vẫn quý hơn là không ngày nào!

Chiến tranh không những bất công với người lính, em và gia đình hai bên chúng ta chắc cũng lo lắng sốt ruột không kém? Sắp xếp đơn vị, với Tố Quyên, Đại đội phó, mãi đến sáng ngày đám cưới anh mới về Sài Gòn. Chiếc xe Jeep quen thuộc đến trước cửa nhà em khoảng gần trưa, bố mẹ hai bên được một phen đứng tim. Anh chạy vội về nhà, tắm rửa, thay bộ quần áo dân sự. Lâm mang xe ra trạm xăng, rửa sạch bụi đất đỏ, lau thật khô yên ghế, vì chút nữa đây, cô dâu sẽ ngồi xe nhà binh và chú rể làm tài xế. Quên đi vụ thuê xe Hoa Kỳ làm đám cưới!


Photo: NTT – Wedding 9/2/1975


Trước bàn thờ Chúa, chúng con cam kết sẽ gắn bó bên nhau suốt đời, xin Ngài hãy chứng giám và ban phước lành. Thiên Chúa đã thử thách đôi ta rất nhiều, em đã băng rừng lội suối, bất kể nguy hiểm về bên anh. Em can đảm không khóc khi nhìn đoàn trực thăng cất cánh đưa anh vào vùng trời lửa đạn và mang về từ cõi chết. Anh không biết rồi đây, cuộc tình này sẽ đưa chúng ta đến những sân ga, bến cảng nào? Vui buồn, tủi hổ sẽ cùng bên nhau. Trong giây phút thiêng liêng này, đôi ta hứa với Thiên Chúa, Ngài sẽ mãi mãi ở bên em và anh. Sẽ không một xa hoa, giầu sang nào có thể tách rời đôi ta.

Hạnh phúc đến từ suy nghĩ, người sống hạnh phúc là người biết điều khiển suy nghĩ của mình. Khối óc Thượng Đế ban cho, là một mảnh đất mầu mỡ, tốt lành, nhưng anh bạn mang tên “não bộ” này lại không làm công việc phân tích, hay chọn lựa! Chúng ta gieo vào hạt gì, sẽ nẩy mầm, đơm hoa kết trái đó, và đâu phải hạt giống nào cũng thơm mùi lúa chín? Có nhiều cỏ dại trong đó, và cỏ dại lại mọc nhanh hơn cây quả tốt tươi!

Em đã chọn anh, chọn một tình yêu không biết ngày mai sẽ ra sao? Lạy Chúa nhân từ, xin Ngài hãy cho em giữ mãi chiếc khăn voan trắng tinh trong ngày cưới, xin hãy che chở chồng em để đừng bao giờ em phải thay khăn tang quá vội! Như trăm ngàn người vợ lính khác, em đã can đảm chọn đứng bên anh, đi cùng anh vào phương trời vô định, em đã khước từ an lành để đi vào giông bão! Chúng mình có liều lĩnh quá không?


Photo: Wedding 9/21975


Trao nhẫn cưới tại Nhà thờ Thị Nghè, ngày 9/2/1975, chúng ta lập lại lời hứa theo Linh mục Chủ tế: 

“Anh NTT, hứa sẽ luôn yêu em và sẽ mãi mãi yêu em dù có chuyện gì xảy ra sau này đi nữa. Với anh, em là tình yêu duy nhất và vĩnh viễn của anh suốt cuộc đời này.” 

“Em NTL hứa sẽ luôn yêu anh bằng sự dịu dàng chính mình, sẽ luôn kiên nhẫn trọn vẹn với tình yêu của chúng ta. Em sẽ cùng anh tận hưởng cuộc sống đầy tươi đẹp và bên anh mọi lúc khi anh cần. Em hứa sẽ một lòng hướng về trái tim ấm áp của anh bởi nơi đó chính là nhà của em.”

Đôi ta có đêm tân hôn tại Sài Gòn, sáng hôm sau, ngày 10/2/1975 (tối hôm đó sẽ là đêm Giao thừa) anh sẽ phải trở về đơn vị, và em đi theo, đón xuân 1975 tại căn cứ “82” cùng gia đình Trinh sát. Anh không hề gửi thiệp mời, thế mà đêm giao thừa 1975, bác và đảng cũng gửi người đến chúc mừng. Lần này, em được nghe súng nổ, đạn rơi, và anh ra chiến hào cùng đồng đội.

Chúa Phật ơi, sao chiến tranh tàn ác đến thế? Đêm qua, những người khách không mời đã phơi thây ngoài hàng rào kẽm gai căn cứ “82” xác của họ bị đồng đội bỏ lại, những người lính VNCH sẽ phải chôn anh cán binh cộng sản, không phải bác và đảng hay gia đình, thân nhân các anh.

Em đã trở về thành phố ngay buổi trưa ngày mùng một Tết 1975. Cùng giây phút này, trong ngày linh thiêng của dân tộc, không biết gia đình những người bên kia chiến tuyến, vừa nằm xuống có biết một vì sao vừa rơi rụng cho bọn khát máu Bắc bộ phủ thỏa mãn giấc mơ điên cuồng?

NGUYỄN TƯỜNG TUẤN

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025