CHƯƠNG TRÌNH JANE HTD – Nov 11 - 21 – NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA TRONG CUỘC CHIẾN

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa Trong Cuộc Chiến

Anh ở đồn biên giới trông về một khung trời...

CHƯƠNG TRÌNH JANE HTD – Nov 11- 21 – 
NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA TRONG CUỘC CHIẾN

 Kính thưa quí vị,

- Có phải chăng Lý Tưởng cao đẹp của nhân loại là được Thống Nhất trong Bình Đẳng?
- Mục đích thật tế của Quốc Gia Dân Tộc là Độc Lập trong Thịnh Vượng ?
- Mơ ước bình thường của con người là được sống trong Tự Do và Hạnh Phúc ?
   Vậy mà Dân – Quân - Cán - Chính Việt Nam Cộng Hoà phải đơn phương tử chiến với đại quân Việt Cộng có dư thừa nguồn tiếp liệu với hoả lực hùng hậu ở cuối mùa cuộc chiến và bị hứng chịu nhiều cô nghiệt để cho đại cường “Đồng Minh” Mỹ ký Hiệp Định Paris rút quân tháo chạy an toàn về Mỹ Quốc, bàn giao miền Nam cho Bắc Việt như thân phận của con Tốt thí trên bàn cờ Chính Trị mà đã có tới những 5 đời Tổng Thống Mỹ tuyên bố: “Bảo Vệ Tiền Đồn Nam Việt Nam Tự Do, Chống Hiểm Hoạ Cộng Sản Đang Bành Trướng Trên Thế Giới…” ! Đó là những gì đã xảy ra và ngày 30–4–1975 đánh dấu mốc điểm thời gian của sự xụp đổ hoàn toàn chính phủ Việt Nam Cộng Hoà! 

   Sau 30 tháng 4 năm 1975, ban đầu với số lượng gần 500 000 người Việt tỵ nạn Cộng Sản đang sinh sống tại Mỹ, và khoảng 100 000 người tạm cư ở các quốc gia Tự Do Âu – Á… Ngày nay thì số người Việt định cư tại hải ngoại đã có khoảng gần 5 000 000 (năm triệu) người, phần đông là: Dân - Quân - Cán - Chính miền Nam với thân nhân gia đình đã có nhiều chứng thật về thảm trạng từ Cộng Sản Bắc Việt gây ra . Do vậy, cũng từ buổi đầu đặt chân tới xứ sở tự do thì Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản và sinh hoạt báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình đã hình thành và sinh hoạt, phát triển rất năng động với số lượng và phẩm chất đi khắp nơi trên thế giới như trăm hoa đua nở khoe sắc thắm, trội vượt so với những cộng đồng khác đã định cư trước chúng ta rất nhiều. Dĩ nhiên loại báo chí Việt Cộng không thể phát hành và tiêu thụ tại hải ngoại, cho dù chúng đã có xuất bản tới hơn 800 tờ báo phát hành trong nước, bị đồng bào Việt gọi chỉ danh là “báo đĩ” với những cán bộ cầm bút là “đĩ bút”!

   Và cũng từ sau ngày 30 – 4 – 1975, Cộng Đồng Người Việt Tự Do chúng ta đã hình thành một tổng hợp Lịch Sử Ngàn Người Viết, với những cây viết chuyên nghiệp, lẫn không chuyên nghiệp. Sự hưởng ứng đóng góp bài viết với nét đặc biệt là: Người thật, việc thật, chuyện thật, văn chương thật, có ít điều hư cấu không như các tác phẩm tiểu thuyết, thi ca tưởng tượng của những “nhà văn, nhà thơ” thành danh thời qua, bọn nhà văn, nhà báo chuyên mặc áo thụng loè loẹt vái lạy nhau trên những “văn đàn” rồi tiệc tùng ra mắt loại “tác phẩm” thơ, văn tiểu thuyết dành cho thư phòng phụ nữ, không tư tưởng, bất tự tri thức và chung cuộc hầu hết chỉ là  thứ bã thư có ít giá trị văn học ! 

Trong số nhà văn mới cầm bút này có nhiều người vốn ở trong tập thể Lính và họ đã cầm bút viết: 

- Viết với máu và nước mắt của thân phận chính mình và bạn đồng tù…!

- Viết với hồn thiêng bạn bè đồng ngũ còn vướng vít đâu đây, nhắc nhở hãy lên tiếng cho nhân loại thức tỉnh hiểm họa Cộng Sản, đồng nghĩa với quỉ dữ và địa ngục có thật trên trần gian và ngay chính bản thân họ là minh chứng.

-Viết là trần tình, giải bày, ghi lại dấu ấn của bao nhiêu ân tình Huynh Đệ Chi Binh chở che, đùm bọc với nhau trong cơn hoạn nạn và ngạo nghễ thay hãy viết kể lại, truyền lại những Thiên Anh Hùng Ca của toàn thể Quân Dân miền Nam đã chiến đấu, và chiến thắng oanh liệt với Bắc Quân trên khắp mặt trận để Bảo Quốc - An Dân trong suốt quảng thời gian từ 1954 - 1975.

-Viết và phổ biến tới quảng đại quần chúng là đóng góp cho kho tàng Lịch Sử Việt Nam ở giai đoạn bi hùng tráng trong cuộc chiến Quốc - Cộng, và được trân trọng ghi chép, gìn giữ cẩn thận tại hải ngoại bởi người Việt Tỵ Nạn Chính Trị. Đây cũng chính là khởi điểm hình thành nền Văn Chương Tự Do của Người Việt Hải Ngoại mà bọn Việt Cộng không thể nào huỷ diệt được…? Trong đó phải nói tới Sinh Hoạt Âm Nhạc với nhiều Chủ Đề Lính rất có giá trị Văn Hóa - Nghệ Thuật đáng trân trọng. 

Trong đêm nay Jane xin cống hiến với quí Cô Chú Bác và Anh Chị Em một chủ đề NGƯỜI LÍNH ViệT NAM CỘNG HÒA TRONG CUỘC CHIẾN ở giai đoạn 1954 – 1975 qua trích đoạn tiêu biểu để “nói” lên tính chất thế hệ thanh niên miền Nam, đời sống quân ngũ, chiến đấu với kẻ thù trên khắp mặt trận gian khổ và hiểm nguy từng phút, từng giờ trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật và đóa hoa tình yêu nở đẹp trong tâm hồn vốn là ân sũng của thượng đế ban cho con người hữu tình biết thưởng thức cái đẹp và yêu chết cả đời, chứ không chỉ chết một nửa tâm hồn mà thôi !  

Jane tuyển chọn trong số nhiều bài viết của nhà văn Nguyễn Tường Tuấn mà chúng tôi HOA TỰ DO đã nhận được và trình bày với tinh thần chân và mộc như những dòng văn chương thật đang là và không lời luận bàn tác phẩm. 

   Năm 1969 khi mới ra trường, tôi tình nguyện xin vào Trinh Sát 7 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh, nhưng lúc đó đơn vị đầy đủ sĩ quan, và được đưa ra Đại Đội 11, Tiểu Đoàn 3/7, Đại Uý Trần Lương Tín, khoá 20 Võ Bị Quốc Gia làm Tiểu Đoàn Trưởng, đóng tại Phú Hoà Đông, Bình Dương. Ba tháng sau, chính thức chuyển về Trinh Sát. Lúc đó, Trung Uý Nguyễn Văn Minh, khoá 18 Thủ Đức làm Đại Đội Trưởng “95”, và Thiếu Uý Đặng Văn Tuấn, khoá 24 Thủ Đức, Đại Đội Phó “59”. Trước năm 1972, Trung Uý Minh, lên Đại Uý làm Tiểu Đoàn Phó, và nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển về Tiểu Khu, ông bàn giao chức vụ, xách ba lô đón trực thăng về Lai Khê, lấy vài ngày phép. Thương binh lúc đó quá nhiều, bãi đáp trực thăng ngay trên Quốc Lộ 13 bị pháo binh Việt Cộng bắn liên tục, cho nên việc tản thương không dễ dàng. Đại Uý Nguyễn Văn Minh quyết định không lên máy bay, dành chỗ cho thương binh. Ông quay về ngủ chung tại tuyến phòng thủ của Trinh Sát 7 chúng tôi. Trong căn hầm chỉ huy lúc đó di tôi chỉ huy thay cho Đại Uý Tuấn ra làm Tiểu Đoàn Phó. Trong đêm Thứ năm 11 tháng 5 năm 1972 Cộng quân pháo kích như mưa sa, bão táp, 12,000 đạn pháo binh 130 ly nã vào diện tích 4km vuông An Lộc, vốn đã hoang tàn đổ nát, không một bức tường nào cao hơn nửa thước đứng vững. Khói, bụi và mùi thuốc súng quyện vào nhau trở thành một thứ độc hại vô cùng. Trong căn hầm nhỏ, tụi anh chen chúc, lớp căng võng nằm trên, người nằm dưới sàn, toàn những anh lính cả tuần chưa tắm, mùi mồ hôi chua nồng! Khi cộng sản ngưng pháo kích, cũng là lúc chúng tấn công, tất cả ra khỏi hầm sẵn sàng chiến đấu. Súng bắn chiến xa M72 được các toán hai người một chia nhau án ngữ các ngã tư, đường hẻm, để chuẩn bị đón “con cái bác và đảng”. Có một người không ra khỏi hầm, Đại Uý Nguyễn Văn Minh, người anh cả của Đại Đội, anh ra đi vì một mảnh đạn pháo, chui qua lỗ châu mai và cắm vào sống mũi! Nếu Đại Uý Minh lên trực thăng tản thương bay về Lai Khê, anh đã không chết, người cao lớn, mạnh khoẻ, và chưa hề bị thương. Nhưng Nguyễn Văn Minh không hèn, anh ở lại cùng đồng đội, và mang theo DNA 4372 về cõi trời. Người lính đêm qua hút thuốc bị anh la, sáng hôm sau vừa khóc vừa đào huyệt mộ cho anh, cậu ta không quên cắm lên mộ một điếu thuốc Quân Tiếp Vụ thay nén nhang tiễn Đại bàng về chốn bình yên! Chúng tôi, lớp đàn em, xin vĩnh biệt Huynh Trưởng. 

Đại Đội 7/5 Trinh Sát khi được trực thăng vận từ Lai Khê đến một cánh rừng gần Lộc Ninh, đơn vị chúng tôi có hơn một trăm chiến binh, không kể hậu cứ. Đến tháng 6/1972 chỉ còn 40 người, tính luôn cả các binh sĩ được bổ sung sau này, có nghĩa là lính Trinh Sát chính gốc còn lại trên dưới 20. Hơn hai phần ba Đại Đội đã nằm xuống tại An Lộc, từ Phú Lố đến trận chiến chiếm lại nhà tù An Lộc đã bị Cộng quân chiếm giữ. Đại Uý "Tuấn râu" được 44 đưa qua làm Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 3/7, mang danh là Tiểu Đoàn, nhưng lúc đó cao lắm thu lại chỉ còn khoảng một Đại Đội, tính luôn cả những thương binh không có phương tiện tản thương. "Tuấn râu" đi, thì "Tuấn nhô" lên, tôi nhận chức vụ đầu đàn Trinh Sát 7/5 và ngày đầu tiên kiểm điểm lại quân số Đại Đội chỉ còn trên dưới 20 tay súng chưa bị đui què, sứt mẻ, hoặc chỉ bị thương nhẹ! Rất may, toàn là lính cũ, gắn bó với nhau qua nhiều thử thách từ trận Snoul, qua Bù Gia Mập, Đồng Xoài, Phước Long, Chiến khu C, Phú Hoà Đông ... "Có bao nhiêu, chơi bấy nhiêu 95"! Tôi cảm động khi nghe các chiến binh dưới quyền khuyến khích bằng câu nói đơn giản như thế, không cần phải đao to búa lớn làm chi cho mệt. Người lính Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu vì non sông, vì đất nước, không làm tay sai cho bất cứ một "đảng khốn nạn" nào cả. Người dân miền Nam cũng chẳng cần thằng "lãnh tụ" nào để đời đời biết ơn. Chúng tôi sống thẳng lưng, cho đến khi nằm xuống.

Mỗi năm khi mùa Giáng Sinh trở về, Sài Gòn và toàn miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau đâu đâu cũng khoác  lên bộ mặt mới, dù có theo đạo Thiên Chúa hay không, mọi người đều chia sẻ chung một niềm vui trong ngày Chúa sinh ra đời… Chuyện tình của em và tôi, cô bé tuổi 20 và anh chàng lính ngoài mặt trận đã có những kỷ niệm đẹp, gắn bó với đêm  Giáng Sinh. Em làm ở bưu điện Sài Gòn chỉ cách Nhà thờ Đức Bà một con đường, cô bé rất ngoan đạo, mỗi sáng đều vào nhà thờ đọc kinh trước khi đến sở. Từ ngày quen nhau, em lại càng siêng năng cầu nguyện hơn, xin Thiên Chúa luôn che chở và phù hộ cho anh chàng "lính" của em.   Dạo phố bên anh với quân phục tác chiến và giầy trận bạc mầu, em chỉ biết ngượng ngập nhưng hãnh diện vô cùng. Em có biết đâu, quân trường huấn luyện cho các anh như thế đó. Khi ra phố, dù còn trong quân trường hay đã ra đơn vị, người lính Việt Nam Cộng Hoà luôn luôn giữ kỷ cương quân đội, quần áo phải ngay thẳng không xốc xếch, tóc tai cắt ngắn… Sài Gòn đẹp lắm em nhỉ? Những buổi chiều cuối tuần, hôm nào thích ngồi máy lạnh thì có cả chục nhà hàng, nhưng anh chọn Givral và Brodard là hai nơi đưa em vào, Givral thức ăn ngon, còn kem Brodard thì không chê vào đâu được, Pôle Nord ngay góc thương xá Tax cũng tạm được, nhưng nếu không còn bàn trống ngay gần đường thì mất  vui, mất thú ngắm những tà áo Sài Gòn! Hoặc là đưa em vào thương xá Tax, hay Eden sắm một chiếc áo dài cho cô bé. Có lần em hỏi, bộ lương lính các anh nhiều lắm sao? Sự thật không như vậy, nhưng em ơi một anh sĩ quan tác chiến, độc thân, vợ con không có, chó mèo cũng không, nằm rừng hai ba tháng thì số lương để dành đó cũng thừa đủ để chúng mình vui vài ngày phép rồi! Lính mà em!  Từ đó, chúng mình có một cái hẹn là anh sẽ về bên em mỗi đêm Giáng Sinh, điều này không dễ đâu, làm Đại Đội Trưởng Trinh Sát xin cấp trên đi phép cả một vấn đề, chưa nói đến lại chọn những ngày lễ như Giáng Sinh hay Tết. Sau trận Tết Mậu thân 1968, Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà đều cắm trại đặc biệt vào những ngày này, anh đã phải xin phép trước cả tháng, năn nỉ chỉ xin một buổi tối Giáng Sinh, có nghĩa là 48 giờ phép cả đi lẫn về. Có lẽ nhờ lời cầu nguyện của em nên chúng mình đã có bên nhau đêm Giáng sinh đầu tiên kể từ ngày yêu nhau.  Giáng Sinh 1974, Sài Gòn vẫn còn "giới nghiêm" những con đường chung quanh Vương Cung Thánh Đường tràn ngập ánh sáng, treo đèn kết hoa. Anh đã mặc quần áo dân sự đưa em đi dạo phố. 

- Lạy Chúa tôi! Đi lễ nhà thờ mà anh đem theo súng làm gì vậy? 

-Chúa bảo anh đấy!  

Niềm vui của người chiến binh VNCH là có một tình yêu đơm hoa kết trái trên hoang tàn đổ nát của chiến tranh. Có một địa chỉ để gửi trái tim về sưởi ấm, em và hằng triệu thiếu nữ miền Nam chính là địa chỉ an lành, thiên thu của tụi anh. Thật sự anh không ngờ lại có giây phút hạnh phúc như thế? Nhà văn Nga, LeoTolstoy, nổi tiếng với tác phẩm “Chiến Tranh Và Hoà Bình” (War and Peace), tuổi trẻ Việt Nam Cộng Hòa như anh đây chỉ có Chiến Tranh và Tình Yêu (War and Love.) Chúng ta chưa bao giờ biết hoà bình! Thôi thì để tình yêu ôm ấp, vỗ về cho quên đi chiến tranh! Mà đúng như thế, khi chúng anh ngã ngựa, các người vợ lính trong đó có em đâu bao giờ bỏ chồng? Còn tình yêu nào cao thượng hơn thế? Miền Bắc, chủ nghĩa xã hội, ngàn năm sau cũng không thể nào có một thế hệ chung tình trong đau thương, nghèo khó, như những phụ nữ trong miền Nam chúng ta. 

Những ngày cuối năm 1974, chiến tranh trở nên khốc liệt. Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà một mặt phải đương đầu với Việt Cộng tại chiến trường với vũ khí, đạn dược được Trung Cộng và Nga Sô cung cấp vô giới hạn. Trong khi đó, đồng minh Hoa Kỳ, tàn nhẫn cắt giảm mọi nguồn quân viện. Đơn vị đi hành quân phải đếm từng viên đạn, sẽ không còn trực thăng tiếp tế giữa rừng. Thương binh tử sĩ sẽ không có máy bay tản thương, tất cả gồng gánh nhau mang về, đạn pháo binh chỉ có cấp Tư lệnh Sư đoàn mới có quyền cho bắn 5 quả! Quốc Hội Mỹ từ chối viện trợ $300 triệu USD quân viện! Tên Thượng nghị sĩ Joe Biden khốn nạn tuyên bố Không bỏ ra một dollar để đón người tỵ nạn Việt Nam…”. Miền Nam Việt Nam chính thức bị đồng minh Hoa Kỳ bức tử! 

Làm sao người lính đối đầu với quân thù tại mặt trận lại phải đếm từng viên đạn bắn đi? Đánh nhau với Việt Cộng đâu phải phim Cowboy miền Viễn Tây bắn hết đạn rồi thì chắp tay đầu hàng quân thù, lạy chúng, hay quăng súng bỏ chạy? 

Jane xin ngưng trích đoạn trong tác phẩm Chiến Tranh – Thân Phận – Tình Yêu của Tác Giả Nguyễn Tường Tuấn và trân trọng cám ơn cũng như giới thiệu Nhà Văn Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa tài hoa tới đồng bào Việt trong và ngoài nước.

Jane HOA TỰ DO 

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209