CHIẾN TRANH-THÂN PHẬN-TÌNH YÊU NỬA THẾ KỶ TRƯỚC

CHIẾN TRANH-THÂN PHẬN-TÌNH YÊU  

NGUYỄN TƯỜNG TUẤN

NỬA THẾ KỶ TRƯỚC

Hơn nửa thế kỷ trước! Đất nước bị chia đôi bởi “Hiệp định Geneva” vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, chúng ta đang ở vào cuối tháng 12/21 và chỉ vài tuần nữa, người Việt sẽ bước qua năm thứ 68 quê hương tan nát. Bao nhiêu bạn trẻ trong và ngoài nước biết điều này? Đếm trên đầu ngón tay!

 

Cộng sản cai trị Việt Nam không hề muốn học sinh, sinh viên hiểu lịch sử một cách trung thực nên chúng giải thích theo kiểu tuyên truyền, che dấu một nửa sự thật. Xin đừng quên, Hoa Kỳ và chính quyền Quốc gia Việt Nam [sau này đổi tên thành Việt Nam Cộng Hòa] dưới sự lĩnh đạo của Thủ tướng Ngô Đình Diệm [qua cuộc Trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955, T.T Diệm chính thức được bầu làm Tổng Thống, khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa, và ngày Quốc khánh 26/10] không hề ký trên văn bản “Hiệp định Geneva” (https://www.thoughtco.com/the-geneva-accords-1954-3310118).

 

Người Việt thế hệ thứ nhất định cư và trở thành công dân nơi quốc gia mới, quá bận rộn xây dựng lại từ con số 0, làm việc đầu tắt mặt tối lo cho con cái ăn học, còn hơi đâu mà nghĩ đến chuyện hơn nửa thế kỷ trước. Thế hệ thứ hai hội nhập nhanh chóng nền văn hoá nơi quốc gia cư trú lại càng không biết gì! Đất nước đau thương kéo dài đến hôm nay chỉ vì cái hiệp định này, và người dân miền Nam gọi ngày 20/7 hằng năm là ngày “Quốc hận” treo cờ rũ vì thế. 

 

Lịch sử không mấy khó hiểu, nếu mọi người nhìn vào quá khứ một cách công tâm, vất bỏ lăng kính thiên kiến, chính trị, đảng phái, quan trọng hơn cả là cái “tôi” đầy tự ái, và đáng ghét. Tự do hay cộng sản, cuối cùng chỉ có máu người Việt chẩy chan hòa trên dải đất hình chữ S! Chúng ta chết cho một cuộc chiến khốn nạn nhất lịch sử dân tộc: “Người Việt giết người Việt” vì một chủ nghĩa tàn bạo, cả nhân loại vất vào sọt rác, Vua Hùng dựng nước làm sao bằng lũ đồ tể Stalin, Mao, Hồ? Cho đến hôm nay, 46 năm trôi qua vẫn còn hận thù, có ai còn chút thông minh tối thiểu để nhận ra điều này? Ai gieo hạt giống hận thù? Ai đưa tuổi trẻ miền Bắc vào xâm lăng miền Nam để giờ đây hố chia rẽ Bắc Nam sâu thăm thẳm? Tại sao hôm nay lại có “Bắc 54” khác với “Bắc kỳ 75?” Phải chăng cái ý thức hệ ngoại lai HCM đem về đã chia rẽ anh em chúng ta?

 

 

Dân chúng Sài Gòn biểu tình trước chợ Bến Thành, ủng hộ T.T Ngô Đình Diệm, truất phế Bảo Đại | Photo credit AFP/Getty Images.

  

Tôi viết cho thế hệ sinh ra trong chiến tranh, từ thập niên 1940 trở về sau, những anh chị lớn tuổi sinh năm 1940 tính đến ngày chia đôi đất nước đã 14 tuổi, còn hiểu biết đôi chút về lịch sử. Thế hệ sinh năm 1950, và sau này chúng tôi còn quá nhỏ để biết Hồ Chí Minh là ai? Và không biết hắn, lại là điều may! Gia đình di cư vào Nam tháng 8/54, theo mấy anh, chị kể. Hình ảnh duy nhất lưu lại trong trí nhớ tôi, khi bố mẹ thuê mấy chiếc xích lô, đưa cả nhà từ phố Mai Hắc Đế, Hà Nội ra phi trường Gia Lâm, lên máy bay vào Sài Gòn. Căn nhà 14 Mai Hắc Đế, để lại cho người em của mẹ, cậu Nguyễn Lan và gia đình. Đứa con trai nhỏ của cậu mợ Lan tên Việt, đứng bên đường vẫy tay tiễn đưa. Hơn một triệu người miền Bắc giương buồm ra khơi tìm tự do, và người ở lại bắt đầu đem của cải gia đình ra bán trên hè phố, dấu hiệu tăm tối cho những năm còn lại! Phía bên kia vĩ tuyến 17, người dân miền Bắc đã trở thành con chuột bạch, thí nghiệm cho thiên đường cộng sản và chủ nghĩa xã hội! Một nửa đất nước gieo trồng hận thù, tàn ác, khát máu, tất cả được giam giữ trong trại súc vật mang khẩu hiệu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Độc lập có thật không, khi giặc Tầu chiếm biển, lấn đất, bắn ngư dân và đảng ta không dám gọi tên? Tự do ở chỗ nào, khi cả nước sống trong trại súc vật bao vây bằng công an và nhà tù? Hạnh phúc, không có gì mỉa mai bằng người dân Việt vẫn tìm mọi cách trốn ra khỏi đất nước, chết trong xe đông lạnh!

 


Người tỵ nạn Công giáo tại Phát Diệm chạy trốn bằng bè, đang được thuỷ thủ đưa lên chiến hạm 

LSIM 9036 | Photo credit: Lussan Jean – SCA-ECPAD.

 

Anh nhóc con ra đi, chẳng hề có một cảm giác chia ly nào, hơn Việt một tuổi, không biết Việt nghĩ gì? Nhưng tôi vui lắm, được ngồi xích lô, không biết là đi đâu, ra phi trường làm gì, tại sao lại đi, và tối nay có về chơi với Việt không? Có ngờ đâu đó là cuộc chia tay kéo dài hơn 20 năm? Và ngày đoàn tụ, không rõ ai còn sống, ai chết? Số phận chúng tôi được quyết định từ Mạc Tư Khoa [Moscow], Bắc Kinh [Peking] và Hà Nội chỉ là tên lính đánh thuê rẻ tiền không hơn, không kém, chẳng thế mà người kế nghiệp Hồ Chí Minh, tên đồ tể Lê Duẩn thú nhận: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.” Thằng khốn nạn, quên đi rằng hằng triệu triệu người dân hai miền đất nước chết vì quyết định ngu xuẩn này! Tại sao người Việt lại phải hy sinh cho Liên Xô, Trung Quốc? Các nước xhcn là cái chó gì mà chúng ta phải chết cho chúng? Lại còn đánh cho “bọn xét lại đâm sau lưng chúng ta” không còn cái “ngu” nào bằng! Ấy thế mà để cho bọn ngu đưa đất nước vào cảnh “nồi da, xáo thịt!” Liệu người Việt Nam hôm nay, những ai còn tự hào là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại còn đủ liêm sỉ để nhận ra mình chính là “đỉnh cao trí tệ?” Anh em, cùng cha cùng mẹ, mang chung một dòng họ mà đang tâm giết nhau thì không thể xem là thông minh!

 

Hai mươi năm khôn lớn tại miền Nam, tuổi trẻ trong trắng, hưởng thụ nền giáo dục “Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng” không hận thù, chẳng có thằng bác và bè đảng khốn nạn nào để phải tôn vinh, không học toán bằng cách đếm đã giết được bao nhiêu tên Mỹ Ngụy? Chúng có mười ngón tay, chặt ba còn mấy? Cũng chẳng rơi giọt nước mắt nào khi Stalin hay Hồ chết, nhân loại bớt đi thằng nào vui thêm một chút! Những năm đầu tiên xa Hà Nội, thỉnh thoảng gia đình còn nhận được Bưu thiếp [Postcard] của cậu mợ Lan từ ngoài Bắc gửi vào, sau vài lần là chấm dứt. Hà Nội từ nay nhạt nhòa trong trí nhớ!  

 

Anh nhóc “Bắc kỳ con” nhanh chóng thích nghi văn hoá miền Nam, làm quen với người Ấn Độ canh gác tại sở Bưu Điện Sài Gòn, mỗi tối đi tuần khắp nơi trong sở. Khách hàng thường xuyên của bà Xẩm người Hoa, bán hàng rong, nhận 50 Xu bằng cách xé đôi tờ giấy 1 Đồng. Ba tôi, mỗi chiều Thứ Bảy, Chủ Nhật, lại dẫn thằng út đi chơi bờ sông Sài Gòn, trên con đường Catina sau này là Tự Do, thẳng tắp từ Nhà thờ Đức Bà đến bờ sông. Chuyến đi nào cũng được thưởng lúc thì một trái Dừa tươi, khi chai Coca Cola ướp lạnh, nơi công viên Cột cờ Thủ ngữ. Miền Nam thanh bình như thế đó, ngàn đời không quên!

 

Tiền 1 Đồng dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, xé ra làm đôi trị giá 50 Xu | Photo credit: Unknown.

 

Với tôi, quê hương chưa hẳn là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng chính là nơi cưu mang chúng ta, nơi cha mẹ, con cái còn gặp nhau. Nơi khi đi xa trở về, lòng nao nao mong bước vào nhà, quen từng cái bàn cái ghế, từng mùi chăn ấm chiếu quen hơi. Là đường phố, nhà cửa tự do, chúng ta ở và đi lúc nào không cần báo hay xin phép tên công an khu vực! Để được chấp nhận đúng nghĩa của Quê hương, có khó quá không? Khi nhà chúng ta bị cướp đoạt nhân danh “cách mạng,” khi con cái chúng ta không được đến trường chỉ vì “lý lịch” cha mẹ, khi “đảng” chui vào giường ngủ, rình nghe vợ chồng than vãn trong đêm, con cái trốn dưới gầm giường để báo cáo bố mẹ cho công an! Đó là địa ngục, không phải quê hương! Nhà bị cướp! Nơi an nghỉ ngàn thu của cha mẹ, anh chị em chúng ta bị xúc phạm, khi côn đồ, giết người leo lên bàn thờ, Chúa Phật ra đi, nơi đó không còn là quê hương, nó trở thành hang ổ của trộm cướp!

 

Lớn lên tại miền Nam nắng ấm, tự do, tuổi thơ như cánh chim non bay nhẩy từ cây này qua cành nọ. Làm sao quên được Thầy Hiệu trưởng Hà Mai Anh? Ngày ngày cùng mẹ, cắp sách đi từ nhà ở sở Bưu điện Sài Gòn, băng qua Đại lộ Thống Nhất, để lại sau lưng Vương Cung Thánh Đường, tung tăng dưới hàng me cao vút trước khi đến Công trường Duy Tân, rẽ trái vài trăm thước là ngôi trường tiểu học Trần Quý Cáp. Thầy Hiệu trưởng Hà Mai Anh dáng người cao dong dỏng, hiền hoà, sáng nào cũng đứng ngay cửa trường đón học trò với nụ cười hiền hậu. Lớp của chúng tôi không được học thầy, nhưng Thầy Viêm với mái tóc ngắn bạc trắng, gọng kính cận, bụng to, người cao lớn, thật không bao giờ quên. Cả hai Thầy giờ này đã rời xa trần thế, chúng con, học trò Thầy năm xưa bước qua tuổi 70 vẫn còn cung kính giữ hình ảnh Thầy.

 

Tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, mẹ đều đọc cho nghe một truyện ngắn trong tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” [Grands Coeurs] của nhà văn Edmondo De Amicis, mẹ rất giỏi tiếng Pháp, nên bao giờ cũng bắt đầu bằng Pháp văn, trước khi chuyển qua bản dịch Việt ngữ của Thầy Hà Mai Anh. Thầy đã gieo vào tâm hồn chúng con hạt giống “Cao thượng.” Qua giọng tiếng Pháp rất hay, tiếng Việt lưu loát, mẹ giúp trí óc tôi bay bổng, mơ mình trở thành cậu bé 11 tuổi tại Thành phố Turin, miền Tây Bắc nước Ý. Mỗi truyện dài không quá ba trang, nhưng mẹ đã ru tôi vào giấc ngủ mơ những kinh thành xa xôi ngàn dặm, tận nước Ý Đại Lợi, cậu bé yêu quê hương, can đảm đứng thẳng lưng trước sự lăng nhục ... Thầy Hà Mai Anh, Thầy Viêm đã được khối óc non trẻ của tôi kính trọng như những kỹ sư tâm hồn tuyệt vời nhất. Ngôi trường Trần Quý cáp, mái ngói một tầng với hai dẫy lớp học song song, nằm chính giữa là sân, ôi sao mà đẹp thế? Tôi nhớ từng hồi trống báo hiệu giờ ra chơi, nhớ những lần xếp hàng một trước khi vào lớp, nhớ những lúc kính cẩn cúi đầu khi đi qua trước mặt Thầy, nhớ những buổi sáng cả trường đứng nghiêm, cùng hát Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, và kiêu hãnh ngẩng đầu nhìn lá Quốc kỳ ba sọc đỏ trên nền vàng tung bay trước gió. Mà không phải học sinh vớ vẩn kéo cờ đâu, phải học giỏi, đứng nhất lớp, mới được cô thầy cho vào danh sách vinh dự đứng kéo cờ.

 

Bên kia đường, đối diện trường là hai tháp nước mầu đen, cao lớn, đứng sừng sững, mang một khung cảnh giống như đâu đó trong truyện bên trời Âu. Có lần, trên đường đi học về, tôi chỉ mẹ nhìn lên hai tháp nước sơn đen trông hơi sợ, đứng giữa bầu trời, có hai tổ ong thật lớn bám ngoài tháp, chiếc tổ ong mầu mạt cưa đậm pha chút nâu, tôi nói: Hôm nào, mẹ mua cho con chiếc ná, để con bắn hai cái tổ ong này! Mẹ không vui, và bà nói: Con ơi, con có muốn ai phá nhà mình không? Và mẹ phạt tôi bằng cách từ nay trở đi, mỗi ngày trên đường mẹ đưa đi học, anh nhóc con phải kể lại cho mẹ nghe câu chuyện trong “Tâm hồn cao thượng” mà tối qua mẹ đọc trước khi đi ngủ. Hình phạt khiến tôi sợ nhất ở tuổi thơ, nếu không ngoan, mẹ sẽ mách Thầy Viêm, thầy không đánh, không la, nhưng bắt quỳ vài phút trên bục giảng! Vài phút quỳ, đầu gối dính đầy phấn bảng, thế là đủ để cho những tên học trò cứng đầu nhất mềm người ra!

 

Tháp nước do người Pháp xây dựng hơn 140 năm tại Sài Gòn | Photo credit: VNExpress.net.

 

Tuổi ấu thơ miền Nam Việt Nam chúng tôi được giáo dục như thế đó. Nơi một ngôi trường tiểu học công lập, học trò chẳng phải con nhà giầu sang gì, thầy cô đầy lòng nhân ái. “Tâm hồn cao thượng” kể câu chuyện về cậu bé lớp tư, thấy một em nhỏ tuột khỏi tay mẹ, chạy ra đường, cậu học trò nhanh chóng rượt theo kéo em vào, chẳng may xe cán phải chân cậu ... Tôi không nhớ tên cậu học trò can đảm lớp tư đó, nhưng đã từng nghĩ nếu gặp một trường hợp như vậy, tôi cũng sẽ nhanh chóng nhẩy ra cứu em bé. Anh hùng của chúng tôi đơn giản như thế, không làm gì có loại tuyên truyền ngu xuẩn đem thân mình lấp lỗ châu mai! Có đi lính, nằm trong lô cốt, với lỗ châu mai, bạn sẽ hiểu ngay câu chuyện bịa đặt này. Lỗ châu mai nhỏ, vừa đủ để người ở trong quan sát và dùng súng bắn ra, chẳng hề có lỗ châu mai lớn để đưa thân người vào lấp kín, thằng ngu nào mò lại gần, nếu không ném được lựu đạn vào trong, sẽ nhanh chóng tìm thấy nghĩa trang ở bên ngoài!


Một hôm, trên đường từ trường về, tình cờ gặp xe tang chạy qua, nhớ lời Thầy dậy, tôi đứng nghiêm, ngả mũ để trước ngực, và mẹ rất vui khi thấy con mình làm điều tốt, tối hôm đó mẹ dẫn ra ngoài đường chơi và bà thưởng cho một tô phở nơi người bán hàng đẩy trên chiếc xe với vài chiếc ghế xếp cho khách ngồi. Tuổi thơ trong trắng, ngây ngô, đã có lúc tôi ao ước, giá mỗi ngày thấy một đoàn xe tang, để tối được ăn tô phở chín thơm phức! Không đến nỗi như thế, biết tôi thích ăn nên tối nào mẹ cũng thưởng cho một tô phở trên chiếc xe bán hàng rong, ngay góc đường Nguyễn Hậu bên hông nhà thờ Đức Bà.

 

Con người là sản phẩm của xã hội. Được giáo dục để bay lên vòm trời cao, tâm thức tự do đã chắp cánh cho tuổi trẻ miền Nam Việt Nam chúng tôi bay rất xa, không như các bạn miền Bắc bị giam giữ trong chiếc lồng rỉ sét mang tên ý thức hệ, chủ nghĩa cộng sản, thế giới đại đồng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu ... Sách về Marx Lenin nằm mốc meo trên kệ tại tiệm sách Khai Trí trên đường Nguyễn Huệ, hay Xuân Thu ngay cạnh Pharmacy La Thành Nghệ trên đường Tự Do, lộng gió bờ sông. Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà không cấm ai đọc Tư bản Luận, nhưng chẳng ma nào mua đám rác rưởi đó! Ông chủ Khai Trí bầy trên kệ sách vài quyển cho có, Xuân Thu bán sách Pháp nhiều hơn Việt, nên không đông bằng Khai Trí.

 

Trưởng thành, chúng tôi say mê với “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của thiên tài Phạm Công Thiện, nhà xuất bản Lá Bối ấn hành. Ở tuổi 15, ông đã thông thạo năm ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Hoa và Tây Ban Nha, chưa kể đến tiếng Sanskrit [Phạn ngữ] và Latin. Năm 16 tuổi ông xuất bản cuốn Tự điển Anh ngữ, và tuổi 19 cho ra đời “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.”  Phạm Công Thiện đã mở ra một chân trời mới cho thế hệ trẻ miền Nam! Chúng tôi: “Nổi loạn” trong khuôn phép, không quá xa đọa, không cần sa ma tuý, bước đi xa nhất là Cà phê Thu Hương trên đường Hai Bà Trưng, ngồi trong sân vườn nhìn qua bên kia đường là cửa hàng Tobia bán áo quan, quay lại với thân phận chiến tranh, đếm từng giọt cà phê đen rơi xuống, nuốt từng hơi thuốc Basto Xanh thả khói ra, nhìn vòng tròn lãng đãng trên không. Và đọc thư Phạm Công Thiện viết từ Nha Trang năm 1964, gửi cho người bạn tên Hồng:

 

“Quyển này tôi muốn viết riêng cho anh, nghĩa là tôi muốn viết riêng cho thế hệ trẻ từ 15 tuổi đến 25 tuổi, mà anh là hình ảnh tượng trưng ... Ngoài kia trời đang mưa, tại sao tôi không chạy ra ngoài mưa, tại sao tôi vẫn còn ngồi đây để viết lên những dòng cay đắng này? Khói lửa đang vây bủa đầy trời Việt Nam. Cũng như Alan Paton, tôi muốn kêu lên: Hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu.”

 

Tuổi trung học khi đọc “Ý thức mới” của Phạm Công Thiện, “Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại.” Ít nhất, thế hệ chúng tôi cũng có một thiên tài can đảm, công khai tuyên chiến với lớp đàn anh! Nghe theo các ông, năm 1963 bọn nhóc chúng tôi đã điên cuồng xuống đường, ném đá vào Cảnh sát Dã chiến, nếm mùi lựu đạn cay, sót cả mắt, rát bỏng da, và reo hò như điên cuồng khi nghe tin anh em cụ Ngô Đình Diệm bị sát hại! Mẹ bố các Thầy đã lợi dụng sự ngu dốt, bồng bột của chúng tôi biến tuổi trẻ miền Nam thành bọn cuồng tín, giết hại vị Tổng thống anh minh! Tiên sư bọn tướng lĩnh, chỉ vài ngày trước đây chúng còn khúm núm đi ra giật lùi khi vào gặp Tổng thống, ngày hôm sau giết được Ngài chúng trở thành người hùng. Một ngàn lần, đưa tay lên đấm ngực “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” chửi thề chính mình, chính chúng tôi đã ngu dốt đóng góp tuổi trẻ ngây thơ để giật sập một chế độ dân chủ non trẻ, tại miền Nam Việt Nam, chính chúng tôi thế hệ trẻ miền Nam đã ồn ào tung hô bọn Quân phiệt! Và 20 năm sau mất nước!

 

“Nổi loạn” là phá bỏ những điều không đúng, để từ đó bước ra khỏi cõi u mê. Chúng tôi kính Phật, thờ Chúa, nhưng không có nghĩa là cứ thấy ai mặc áo cà sa hay nhà dòng là lạy như tế sao! Chúa Phật không bao giờ lợi dụng sự ngu dốt của con người, các Ngài giáo hoá để chúng ta thăng hoa. Rất buồn là xã hội hôm nay, ma quỷ đặt ra luật lệ, nếu ai đó chống đối sẽ nhanh chóng bị ném đá. Tôi khinh bỉ bọn Sư, Cha quốc doanh, bởi vì chính bản thân tôi đã ngu dại đi theo đám thầy tu “giả hình” này!

 

Miền Nam đã thế, ngoài Bắc còn tệ hơn! Nghe theo lĩnh tụ, một tên bồi bếp trên chiếc tàu Amiral Latouche Tréville, thanh thiếu niên miền Bắc như loài thiêu thân, lên đường vào Nam, bắn giết anh em họ hàng, trải qua những cơn sốt rét rừng, đói khát, ăn bom, chết bờ chết bụi, để được cái gì? Hoàn toàn không, các anh chị em bị Hồ và bè đảng “lợi dụng” đau thương gấp vạn lần tuổi trẻ chúng tôi! Lầm lỗi chỉ có thể thay đổi, sửa chữa, khi con người vất đi cái tự ái cá nhân, can đảm nhận ra sự ngu xuẩn của mình, thay vì cố tìm cách biện hộ.

 

Chưa bao giờ gặp, cũng không biết Phạm Công Thiện tin ở ai, khuynh hướng chính trị ông là gì! Nhưng thông điệp anh gửi cho tuổi trẻ chúng tôi rất minh bạch:

 

“Chúng tôi không còn tin tưởng nơi các ông nữa! Hơn thế nữa sự thực bi đát trên trở thành bi tráng: Chúng tôi không cần các ông nữa. Đối với chúng tôi, các ông đã chết, và bây giờ đến lúc chúng tôi phải sống, phải đứng thẳng nhìn đời với nỗi niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ. Chúng tôi sẽ đi, và đi một mình. Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ; chúng tôi sẽ gánh lấy sự đổ vỡ ấy trên hai vai yếu đuối, nhưng vẫn mang niềm kiêu hãnh vô biên ... Các ông đã chết.”

 

Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ! Năm 1964, khi Phạm Công Thiện viết thư cho Hồng nơi bãi biển Nha Trang, anh chưa chứng kiến ngày “Quê hương tan nát.” Tết Mậu Thân 1968, ngay trong đêm Giao thừa linh thiêng của dân tộc, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mâu tận cùng đất nước, Hồ Chí Minh xua đám thanh niên miền Bắc vào giải phóng miền Nam! Buổi sáng ngày mùng một Tết Âm lịch, bước vào tuổi 18, lần đầu tiên chúng tôi nghe tiếng súng nổ chát chúa, mà cứ ngỡ pháo năm nay tốt thật, kêu to! Chẳng cần chờ ai xông đất mới được ra khỏi nhà, tôi rủ thằng bạn thân cùng xóm tên Trần Văn Chung, xách chiếc xe Mobylette mầu xanh da trời của hắn đi từ khu nhà chúng tôi ở đường Trương Minh Giảng, đối diện rạp chiếu bóng Văn Lang, dự tính đi một vòng Sài Gòn đón Xuân! Gia đình tôi đã dọn ra khỏi Bưu điện Sài Gòn năm 1964 khi ông cụ về hưu, và mua căn nhà đường Trương Minh Giảng. Chung và tôi đã quen nhau từ bốn năm qua, rất thân.

 

Đường xá ngày mùng một Tết thênh thang, nhưng năm 1968 khoác thêm một vẻ kinh hoàng, xe chạy qua khỏi cầu Trương Minh Giảng, đến ngã tư TMG và Yên Đổ, ai ở khu vực này trong năm đó đều nhớ, đi từ hướng TMG về Sài Gòn, qua khỏi ngã tư Yên Đổ, bên tay trái là một biệt thự hai tầng, kiến trúc rất đẹp, Toà Đại sứ Phi Luật Tân tại Sài Gòn. Bên tay phải ngay đối diện là văn phòng hãng Hàng Không Air France. Lần đầu tiên hai đứa chúng tôi thấy xác người, một tên Việt cộng mặc quần đùi mầu đen, áo rách, nằm chết gục mặt xuống đường! Tiếng súng nổ vang rền nơi khoảng giữa Yên Đổ hướng về đường Hai Bà Trưng. Hai thằng quay xe, chạy thừa sống thiếu chết về nhà! Hình ảnh vc thân thể nát bấy nằm trên đường nhựa, ruồi bu trên vũng máu đông đặc, cho chúng tôi một cảm giác sợ hãi và buồn nôn! Ai vi phạm thỏa hiệp hưu chiến? Ai từ Bắc vào Nam bắn giết đồng bào trong ngày Tết cổ truyền? Lịch sử trăm năm sau hãy trả lời câu hỏi này! Gia đình người cán binh vc làm sao biết được anh đã ra đi ngay trong đêm Giao thừa? Anh chết, vì nghe thằng bác xúi dại! Chết vì nếu không lên đường đi diệt Mỹ, thì bác và đảng bịt đường sống cả nhà anh! Chết ở tuổi chưa biết tìm môi người yêu, nhưng đã học cầm súng giết người! Chết vì khối óc của anh, đảng nhồi nhét đầy hận thù thay vì yêu thương! Anh chết khi chưa biết hương vị đàn bà thay vào nếm mùi bom đạn, sốt rét rừng.

 

Tiên sư Hồ Chí Minh! Mẹ bố đảng cộng sản! Tôi chửi dùm cho anh, vì đảng đâu cho anh chửi! Tôi chửi cho gia đình đau khổ của anh, vì cho kẹo họ cũng không dám khóc! Tôi chửi cho những cô gái bên kia vĩ tuyến 17, thanh niên, người yêu, ở lứa tuổi các cô đã chết xanh cỏ, còn ai mà mộng mơ, ngoài tên cán bộ xã miệng sặc mùi thuốc lào, chỉ biết sủa ra một bài hát do bác và đảng nhồi nhét vào! Tôi chửi bọn quỷ ám Ba Đình và tôi chửi cho những ai không dám chửi!

 


Hai người lính Bắc Việt bị bắt tại Cổ thành Huế trong Tết Mậu thân 1968 | Photo credit: Dang Van Phuoc AP.

 

Chiến tranh vào tận thành phố trong ngày Tết linh thiêng, mặc dù trước đó báo chí loan tin Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Giải phóng đã đồng ý hưu chiến trong ba ngày Tết. Lời cam kết của người cộng sản liệu còn tin được không? Có rất nhiều hình ảnh kinh hoàng về tang tóc vc gieo rắc vào miền Nam, nhân danh “Giải phóng!” Họ không hề giúp dân miền Nam thoát khỏi ách kềm kẹp “ăn sung mặc sướng” của Mỹ Ngụy, họ thật sự “Giải phóng” người dân về bên kia thế giới! Hãy xem, quân giải phóng đi đến đâu, dân chúng gồng gánh bỏ chạy nơi đó!

 

Tuổi 18, 20 không biết “Nổi loạn” là vất đi một phần quý báu của cuộc đời! Cha mẹ sinh chúng tôi ra không phải để làm “Nô lệ” cho bất cứ một chủ thuyết nào! Miền Nam Việt Nam chưa bao giờ tuyệt vời, bất công còn đó, tham nhũng không thiếu, bọn đầu nậu chính trị cả bầy, sư, cha khốn nạn lúc nhúc như sâu bọ! Nhưng ít nhất, miền Nam không nhồi sọ chúng tôi những chủ nghĩa ngoại bang, không bắt chúng tôi tôn thờ một lĩnh tụ chính trị, không xúi chúng tôi lên đường giải phóng miền Bắc. Thiên đường không có ở trần gian, giữa hai cái tồi tệ, chúng ta chọn cái ít khốn nạn nhất.

 

Tết Mậu Thân 1968 là bài học chính trị quý giá tuổi trẻ miền Nam chúng tôi học được! Bắc quân, nhân danh một chủ nghĩa ngoại lai, thờ Stalin, thờ Mao Trạch Đông, cầm súng giết đồng bào. Họ say mê giết người, đốt làng xóm, nhân danh giải phóng, chôn tập thể vài ngàn nhân mạng tại Huế, tội ác ngập trời.

 

Tuổi 18, 20 chúng tôi phải làm một điều gì đó? Cà phê Thu Hương không còn nữa, thuốc lá Bastos Xanh cũng bớt đi, và Phạm Công Thiện cất vào tận cùng trong tâm thức. Quê hương đang là biển lửa, đường phố, xóm làng biến thành nghĩa trang. Tôi không biết, trong đoàn quân xâm lược từ Bắc vào có cậu em họ tên Việt không? Nhưng nếu em trong đoàn quân tàn ác đó, chúng ta sẽ đối đầu trên mặt trận. Hoặc Việt hay tôi, trong hai đứa sẽ có một phải nằm xuống nếu không may! Việt ơi, chúng ta bị đẩy vào cuộc chiến do một bọn khốn nạn nhân danh “giải phóng.”

 

Tuổi trẻ miền Nam không ngồi rên rỉ khi quê hương quằn quại! Chúng tôi “lên đường” không cần biết sẽ đi về đâu, hãy đi thay vì ngồi chờ chết!

 

Đọc Phạm Công Thiện để hiểu thêm về thế giới bên ngoài, thả hồn theo dòng thơ Apollinaire: “Dưới chân cầu Mirabeau dòng sông Seine chảy” [Sous le pont Mirabeau coule la Seine.] Êm ái ru trái tim bằng lời thơ Cung Trầm Tưởng: “Mùa thu đêm mưa, phố cũ hè xưa, công trường lá đổ, ngóng em kiên khổ phút giờ - Mùa thu âm thầm, bên vườn Lục Xâm, ngồi quen ghế đá, không em buốt giá từ tâm – Mùa thu nơi đâu, người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ, mong em chín đỏ trái sầu.” Thơ Cung Trầm Tưởng, đã đưa thế hệ 18, 20 chúng tôi ra khỏi ác mộng chiến tranh, thả hồn bên dòng sông Seine. Vài chục năm sau đi qua bao nhiêu ngục tù cộng sản, tôi đã về và đưa em đi tầu trên dòng sông Seine, chạy qua gầm cầu Mirabeau. Tháp Eiffel không còn là huyền thoại, vợ chồng mình đã lên đỉnh cao nhất nhìn Thành phố Paris diễm lệ, và chúng ta hôn nhau. Mắt em không nâu, tóc em không vàng, nhưng anh đã chết trong đôi mắt biết cười của “Mùa Xuân Lai Khê.” Đọc Phạm Công Thiện, không nhất thiết phải xem ông là thánh! Ý thức mới của PCT đi qua những kinh thành tráng lệ: Paris nổi danh khu Montmartre, Quận 18 – New York tràn ngập những thanh thiếu niên tóc dài, và khói thuốc cần sa tại Greenwich ... Anh đi từ hoà bình để viết về chiến tranh, và chúng tôi đi vào chiến tranh để tìm ra hoà bình.

 

Tuổi 13 ngu dại, năm 18 vẫn chưa khôn! Lòng nhiệt huyết như dòng nham thạch tuôn trào từ đỉnh cao núi lửa, chảy xuống đồng bằng, không gì cản được! Đối diện nhà chúng tôi trên đường Trương Minh Giảng, nhà thờ Vườn Xoài, đi vòng vo vài đường hẻm đến trụ sở “Thanh sinh công” nơi các Linh mục Công giáo: Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần thu xếp để trở thành trung tâm định cư đồng bào tỵ nạn đến từ những khu vực bị Việt cộng tàn sát. Chúng tôi, tình nguyện làm việc 24/24 tại nơi này. Tạm biệt bình yên, tuổi trẻ không thể ngồi yên khi đất nước bị xâm lăng, đồng bào nhà tan cửa nát, và khi súng nổ thay pháo Giao thừa!

 

Trong nhóm học sinh chúng tôi, chẳng có ai là “Thanh sinh công.” Trần Văn Chung, Nguyễn Văn Chuyên, Trần Ngọc Châu và Ninh Thế Hùng là người Công giáo, còn lại đều theo đạo Phật. Điều đó không quan trọng, tuổi trẻ với trái tim nhiệt huyết, không cho phép chúng tôi ngồi yên khi đất nước tang thương! Ngoài việc thu xếp nơi ăn chốn ở cho đồng bào tỵ nạn cộng sản, đêm đến, không súng, không đạn, chúng tôi phụ giúp anh em Nhân dân Tự vệ đặt rào cản kẽm gai ngăn đường trong xóm, và đi tuần ban đêm. Ban ngày, thay phiên nhau kêu gọi đồng bào ghi danh hiến máu, có được danh sách vừa đủ cho một chuyến xe, chúng tôi đến tận nhà đón người hiến máu đến Trung tâm Tiếp huyết tại đường Hồng Bàng, Chợ Lớn. Một người bạn nữ trong nhóm, có cái tên rất đẹp Châu Thị Bích Ngọc và cô bạn gái tên Thu cùng tham dự, khi thấy máu từ trong cánh tay người hiến tặng, chẩy vào bao nylon, Bích Ngọc xỉu ngay tại chỗ!

 

Công việc chuyên chở những người hiến máu đến Trung tâm Tiếp huyết, một chặng đường khá xa, súng nổ bất cứ lúc nào, trên đường phố Sài Gòn, chiếc xe Van của một vị ân nhân treo cờ Hồng thập tự tiếp tục lên đường, hết chuyến này đến chuyến khác. Đúng là nam nữ thanh niên Sài Gòn chúng tôi được “thử lửa” không ai bắt buộc, chẳng có cờ đoàn cờ đảng chó chết nào! Không một đồng lương. Bước vào tuổi 18, 20, chúng tôi đã thật sự nếm mùi chiến tranh. Trước đây, chỉ biết vc qua báo chí thì nay đã miễn cưỡng đón những người khách không mời vào ngày đầu năm. Bài học chính trị lớn nhất trong cuộc đời cho tuổi trẻ miền Nam Việt Nam.



Anh lính Biệt Động Quân và nạn nhân Tết Mậu Thân 1968 trên đường phố Sài Gòn | Photo credit: Philip Jones Griffiths – LIFE.

 Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà không tuyên truyền chính trị, trong khi miền Bắc nhồi sọ trẻ em từ lúc ê a mới đến trường. Cũng không làm gì có khăn quàng đỏ, đeo vào cổ trẻ thơ chủ nghĩa Mác Lê sắt máu! Bài học về cộng sản người miền Nam chúng tôi học được, chính là cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Hành vi khốn nạn vô cùng của họ là vi phạm lời cam kết “Hưu chiến” trong ba ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Súng nổ khắp nơi, nhà cháy mọi phía, và xác người ra đường là thấy! Giải phóng kiểu gì vậy? Bắc quân đã thua thảm hại, người dân miền Nam không hề vùng lên theo tiếng gọi của quân xâm lược miền Bắc, từ nay trở đi, chúng ta sẽ ở hai chiến tuyến khác nhau! Như người Do Thái từng là nạn nhân của Đức Quốc Xã, xin các thế hệ sau chúng tôi đừng phí thời giờ kêu gọi hoà giải với Việt cộng. Lửa và Nước không thể sống chung! Đừng đòi hỏi nạn nhân Holocaust phải quên đi lò hoả thiêu!

 

Việt Nam bất hạnh hơn Do Thái gấp ngàn lần, dân Do Thái bị tàn sát bởi người Đức khác chủng tộc, trong khi cộng sản Việt Nam tạo ra người Việt “điên cuồng” giết người Việt, nhân danh ý thức hệ! Lịch sử 4,000 năm nước Việt, làm chó gì có chủ nghĩa Mác Lê?

 

Trước Tết Mậu Thân 1968, nhóm chúng tôi sống khá hiện sinh, lười hớt tóc, ăn mặc quần áo cũ mua ở khu Dân sinh, nghiện cà phê Thu Hương, thuốc lá Bastos Xanh, mê nhạc Trịnh Công Sơn, thả hồn theo “10 Bài Tâm ca” của Phạm Duy. Bay bổng cùng thơ tình Nguyên Sa “Áo nàng vàng, anh về yêu hoa Cúc – Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường” sao mà đẹp thế? Tôi đã ghi tên học thêm lớp Triết học của Thầy Trần Bích Lan [Thi sĩ Nguyên Sa] tại trường Văn Học chỉ vì mê thơ của Thầy. Học tại trường Trường Sơn với Thầy Nguyễn Sĩ Tế và Thanh Tâm Tuyền hai nhà văn nổi tiếng tại miền Nam.

 

Bố mẹ Chung rất rộng rãi, cho chúng tôi thoải mái dùng sân thượng nhà hai cụ làm nơi tụ tập, ngoài những thằng con trai như Chung, Hùng, Tự, Châu, Chuyên, Tuấn, thỉnh thoảng còn có các cô như Liên, Ngọc, và Thu cùng góp mặt, ngủ qua đêm trên sân thượng với nhau. Nhưng không làm gì có chuyện trai gái làm tình, hát cho nhau nghe, khóc theo lời nhạc, uống rượu mềm môi, hút thuốc cháy cổ, và rồi lăn ra ngủ. Thỉnh thoảng, nhìn ánh hoả châu chiếu sáng một góc trời, đêm nay thể nào cũng có súng nổ, người chết, ở một nơi không xa thành phố, và niềm hy vọng của tuổi trẻ nhanh chóng tắt như ánh hoả châu. Ai đem súng đạn chết chóc vào nơi an lành? Có đêm, khi cả bọn ngủ say, một mình tỉnh thức, ngồi trên sân thượng nhìn ánh hoả châu, đốt hết điếu Bastos này đến điếu khác, tôi co ro trong cái lạnh và chợt thấy mình khóc! Tôi không thể sống mãi kiếp tầm gửi này!

 

Tết Mậu Thân 1968, dân Sài Gòn bỏ chạy khi VC tấn công | Photo credit: U.S. Navy / AP / Library of Congress.

  

Hippie Sài Gòn hiền hơn các bạn bên Âu Mỹ rất nhiều, chúng tôi không hút cần sa, không làm tình bừa bãi, không biểu tình đòi lật đổ chính phủ. Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn như cơn gió nhẹ, thổi qua tâm hồn, chưa đủ sức làm thành giông bão. Các nhà tu hành: Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Phan Khắc Từ, le lói một thời gian, như ngọn nến trên bàn thờ và nhanh chóng chẩy thành sáp. Chúng tôi không sùng bái lĩnh tụ, quan trọng hơn cả, chúng tôi hãnh diện hơn các bạn Hippie bên Mỹ là “không trốn lính.” Nói thẳng ra là tuổi trẻ miền Nam “không hèn!” Không chui vào váy đàn bà, kêu gào, “Make Love Not War.” Một ngày nào đó, anh và em sẽ làm tình bên giao thông hào, chúng ta không say bằng cần sa, nhưng say bằng khói thuốc súng, âm nhạc phản chiến sao kích thích bằng tiếng nổ đạn bom? Quê hương đang dẫy chết, Mẹ Việt Nam đau thương nhìn đàn con chém giết nhau! Những đứa con ngu dốt, bị đầu độc, cầm súng bắn vào người anh em mang cùng dòng họ! Tự nhiên tôi thèm cầm súng!

 

Sau Tết Mậu Thân 1968, sân thượng nhà Chung vắng khách. Như có một tiếng gọi thiêng liêng nào đó, Trần Văn Chung và Hồ Tự nhập ngũ, đi sau là tôi, tình nguyện ghi danh vào trường Bộ binh Thủ Đức, khóa 9/68. Sau đó là Nguyễn Văn Chuyên, khoá 1/70 và Trần Ngọc Châu, chẳng ai bị bắt đi lính cả, chẳng thằng nào trốn lính! Chào tạm biệt Liên, cô bạn gái có mái tóc con trai và bộ ngực khiêu khích! Chia tay Ngọc và Thu để còn nhớ mãi giọng Huế dễ thương “không răng mô!”

 

Hippie Mỹ nhân danh hòa bình để trốn lính! Hippie Sài Gòn đi vào chiến tranh để tìm hoà bình. “Cư an Tư nguy” [Si vis pacem, para bellum] câu châm ngôn của Trường Bộ Binh Thủ Đức, “Muốn có hòa bình, chuẩn bị chiến tranh.” Hà Nội lấy đâu ra Hippie, nhưng đầy một bọn trẻ cuồng tín được huấn luyện giết người, lập thành tích dâng lên bác và đảng! Miền Nam Việt Nam đang có hoà bình, nền hoà bình của chúng tôi bị cộng sản Bắc Việt xâm lăng, và không còn chọn lựa nào khác, chúng tôi phải chiến đấu. Hãy cho tôi một khẩu súng và đưa tôi ra mặt trận, đó là giấc mơ tuổi 18 của tôi!

 

Quân và dân miền Nam đã chiến thắng Tết Mậu Thân 1968, cộng sản nếm mùi thảm bại chua cay. Nhóm bạn tự động tan hàng, dòng máu “nổi loạn” sôi sục! Mình phải làm một điều gì đó? Chẳng lẽ cứ ngồi yên, ăn bám vào cha mẹ, chờ Bắc quân đến mang ra pháp trường? Hơn 5,000 nạn nhân chôn tập thể ở Huế, chưa đủ thức tỉnh sao? Báo chí không ngày nào không có hình ảnh xác người chết, đám cháy quá nhiều nơi, trên bầu trời từng đám khói đen bốc lên cao vút, đông tây nam bắc nơi nào cũng cháy! Nếu chỉ có cháy nhà thôi thì lính Cứu hoả còn chữa được, đám cháy năm 1968 khác xa, vì nơi đó còn có giao tranh, súng nổ, bom rơi khắp nơi! Cuối cùng, người lính Cứu hoả VNCH lại phải gánh thêm một công việc ngoài ý muốn, đi thu xác vc bỏ vào bao nylon đem chôn! Mẹ kiếp, đảng cộng sản bất nhân đến thế là cùng, bỏ xác đồng đội lại cho người lính miền Nam chôn, vc chết nhiều lắm, chôn không kịp! Chưa bao giờ dân thành phố thấy xác chết đông như vậy, bốc mùi khắp nơi! Ai đem ô nhiễm mùi tử thi vào thành phố thanh bình?

 

Năm 1968, Sài Gòn chưa có chỗ ghi danh nhập ngũ nơi những góc đường chính trong thành phố. Đường phố trung tâm quá quen với tôi, ngay từ những ngày ấu thơ. Đi trên đường Tự Do, từ hướng Nhà thờ Đức Bà về phía bờ sông, đến ngã tư đường Gia Long, rẽ phải vài trăm thước là Nha Động viên Bộ Quốc Phòng. Một mình quyết định, tôi bước vào ghi danh, tình nguyện nhập ngũ. Người Thượng sĩ già nhìn tôi, ái ngại hỏi: Em còn được hoãn dịch, tại sao lại đi lính? Thưa chú, tại cháu muốn. Tôi trả lời. Em có phép của cha mẹ không? Cháu đã qua tuổi 18 đâu cần xin phép. Thấy sự cương quyết của tôi, ông lính già không buồn hỏi nữa.

 

Tình nguyện nhập ngũ ngay sau Mậu Thân 1968 là một chọn lựa giữa sống và chết. Người Thượng sĩ già hẹn một tuần sau sẽ có kết quả. Bước ra khỏi văn phòng, tôi đi trên đường phố với một nỗi trống vắng, không vui mà cũng chẳng buồn. Điều duy nhất nhận thức được, là chính tôi đã quyết định tương lai và số phận của mình, một kiểu thoát ly khỏi gia đình hợp pháp. Chẳng anh hùng quái gì cả, vc vào nhà mình cướp giật giết người mà chịu ngồi yên sao? Đối diện với chiến tranh, tôi cảm thấy hoang mang, lạc lõng, nỗi ẩn ức của tuổi trẻ dồn nén, căng cứng, tôi cần tìm cho mình một lối thoát, nếu không chắc điên lên mất! Đi lính là sự lựa chọn, và không hề hối tiếc!

 

Có những con số trùng hợp khó quên, ngày 1 tháng 11 năm 1968, gia đình chị Tý, người con nuôi của ba mẹ, và trong nhà xem như chị lớn nhất, bất ngờ chạy trốn chiến tranh đến nhà tôi! Sáng nay, khi mọi người đi lễ nhà thờ vào lúc 06:30 tại Xóm Mới, thình lình cộng quân pháo kích, hằng chục người dân vô tội chết, và người bị thương đếm không xuể! Ngày hôm đó, cũng là ngày chính quyền Quân nhân Việt Nam kỷ niệm 5 năm lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, và tôi nhớ ngày này vì thế. Xóm Mới, thuộc Quận Gò Vấp cách Sài Gòn không xa, nơi đây là khu vực người Công Giáo di cư với hằng chục xứ đạo, không có căn cứ quân sự nào của VNCH hay Mỹ! Tại sao cộng quân lại pháo kích vào khu vực này? Những xóm nhà một tầng, lợp mái tôn làm sao chịu nổi hoả tiễn 122 ly? Nếu chỉ có một quả đạn rơi vào, có thể cho là bắn lầm, nhưng vài chục trái hoả tiễn cùng bắn vào khu dân cư không cách nào biện hộ được! Phải chăng người cộng sản đã được tẩy não để biến thành những đao phủ giết đồng loại không tiếc thương?

 

Không ai trong gia đình biết tôi đã tình nguyện nhập ngũ! Cũng chẳng có gì phải ồn ào. Mỗi ngày, trên cả miền Nam biết bao nhiêu người chết? Bao nhiêu người bị thương? Bao nhiêu mái nhà đổ nát? Thời gian với tôi bây giờ chỉ là chờ đợi, bạn bè lúc này chẳng còn ai, thôi thì ở nhà chờ bác đưa thư đến mỗi ngày vào khoảng sau 11:00 sáng, xem có tin gì của Nha động viên? Thương ba mẹ lớn tuổi, như cánh chim đã đủ lông, đủ cánh, con cần phải bay nhẩy, sân vườn nhà chúng ta quá nhỏ, con sẽ sớm lên đường, và không cần biết sẽ bay về khung trời nào. Báo chí Hoa Kỳ, bọn phóng viên phản chiến khốn nạn, chúng chụp vài bức ảnh bọn nhóc con Sài Gòn để tóc dài, hút thuốc, chạy Honda, và viết đại loại như, lính Mỹ chết trong khi thanh niên Sài Gòn trốn lính ... Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà im hơi lặng tiếng, chúng ta mất nước về bọn truyền thông Mỹ. Quan trọng hơn cả, là sự yếu kém về tuyên truyền của chính phủ miền Nam Việt Nam.

 

Tháng 6/68, toàn miền Nam vẫn chưa yên tiếng súng, mặc dù hơn 100,000 Bắc quân đã mãn nguyện giấc mơ “Sinh Bắc Tử Nam.” Trong khi chờ đợi giấy gọi nhập ngũ, tôi càng thôi thúc, bốc lửa mỗi ngày trôi qua. Chỉ sợ mình sẽ chết trước khi kịp cầm súng! Đố ai biết được hoả tiễn 122 ly của cộng quân sẽ đáp vào nhà nào? Hình dưới đây cho chúng ta thấy, cộng quân tấn công ngay cả khu dân cư, phố thị, và cái giá phải trả cho người anh em bên kia chiến tuyến! Các anh hy sinh cho ai? Miền Nam trù phú có ai mời các anh vào giải phóng? Cuộc chiến này khốn nạn trên tất cả sự khốn nạn!


 

Tết Mậu Thân 1968, lính Bắc quân được chiến sĩ VNCH chăm sóc khi bị thương, bên những đồng chí ra đi | Photo credit: AP Corporate Archives.

 

 

Sau khi chị Tý quay về Xóm Mới, căn nhà tôi trở nên vắng lặng, anh Tường Thuỵ đi dậy học trường Nguyễn Trung Trực, tại Rạch Giá, một hai tuần hay có khi cả tháng mới đi xe đò Liên Trung về thăm ba mẹ, chị Tường Mai đi làm xa hơn nữa, Bưu điện Đà Nẵng sau khi ra trường, ở nhà chỉ còn ba mẹ, anh Tường Minh và tôi. Tuổi tác cách nhau khá xa, khi anh Tường Minh đi dậy tại trường Gia Long vào thập niên 1960, tôi còn là anh nhóc con chưa lên trung học. Ba mẹ cũng không vui vẻ với nhau, lỗi tại ba hoàn toàn, cụ sống theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi” theo văn hoá Khổng Mạnh. Thương mẹ nhất, ông ngoại tôi là một viên chức cao cấp sở Hỏa xa Vân Nam dưới thời Pháp, mẹ từng là một nữ sinh xinh đẹp học trường Pháp, nhưng rất hiền và ngoan, một đời chăm sóc chồng con, không đua đòi vênh váo! Trong khi ba tôi thì ăn chơi bạt mạng, con rơi con vãi, và đối xử với mẹ như kẻ hầu người hạ! Chỉ một chuyện nhỏ, rất nhỏ, như dọn cơm không đúng giờ, canh không ngọt, nói một điều gì đó bố không thích ... Thế là cụ ông phạt cụ bà, ít nhất là ba tháng không nói chuyện, dù ở chung một nhà, có khi hình phạt này kéo dài một năm. Cần gì, ba tôi sẽ viết và tôi là người chuyển thư cho mẹ. Thật là khôi hài, ông cụ là nhân viên Bưu điện đúng là bị méo mó nghề nghiệp!

 

Chính vì gia đình như vậy, cho nên tôi càng muốn ra đi sớm chừng nào, hay chừng nấy. Tôi muốn tìm một mái nhà rộng lớn hơn, một không gian để tung cánh bay nhẩy. Tôi yêu mẹ, một đời đau khổ! Tội nghiệp cho ba tôi, người đàn ông lớn lên trong một xã hội phong kiến! Ngay từ lúc còn trong gia đình, nhìn vào tấm gương của ba mẹ, tôi tự nhủ với lòng mình: Khi lập gia đình, con sẽ đối xử với vợ con khác hẳn ba 180 độ! Con sẽ không bao giờ giận nàng trên một ngày, sẽ im lặng thay vì la hét. Sẽ hôn nàng khi bình minh tỉnh thức, sẽ ôm nàng lúc đêm hôm trở về. Khi lớn tuổi, vòng tay không còn với xa, nhưng sẽ rất gần để ôm trọn nàng cho hai trái tim sát bên, nghe từng nhịp đập của nhau! Con cũng sẽ không trách hay hận thù ba, đây là nét son của văn hoá Khổng Mạnh, vì biết rõ ba chính là sản phẩm của một xã hội Khổng Nho với giáo điều phong kiến. Mẹ là nạn nhân cũng một phần vì thế, giá như mẹ dám đứng thẳng lưng khi ba đối xử bất công, mọi chuyện đã khác. Nhưng cái xã hội phong kiến dậy mẹ phải im lặng, phải cắn răng chịu đựng, phải gạt nước mắt trong đêm! Chính cái xã hội Khổng Nho, ngoài văn hoá hiếu thảo với cha mẹ, còn lại tạo ra bao nhiêu bất công, thối nát, gieo mầm cho chủ nghĩa cộng sản sau này!

 

Tháng 11 năm 1968, Thành phố Sài Gòn trở lại bình yên, quân cộng sản đã hoàn toàn bị đánh bại, nhưng thỉnh thoảng hoả tiễn 122 ly vẫn quấy rối vùng ngoại ô. Một buổi sáng, tôi không nhớ rõ ngày nào, nhưng hình ảnh mẹ ngồi tụng kinh trước bàn thờ Phật thì không thể nào quên được. Sáng nào cũng thế, trở thành một thói quen, mẹ đều tụng kinh Lăng Nghiêm hoặc Pháp Hoa ít nhất là một tiếng. Tôi đứng sau lưng và mẹ vẫn không biết, nhẹ nhàng đặt tay lên vai mẹ, vài giây sau mẹ mới ngưng lần tràng hạt và quay ra nói:

 

Con để mẹ đọc kinh, có gì chút nữa nói.

 

Mẹ ơi, con phải đi đây mẹ ạ!

 

Con đi đâu?

 

Dạ đi lính.

 

Con nói gì, mẹ không hiểu!

 

Thưa mẹ, hôm nay con đi trình diện nhập ngũ.

 

Mẹ đâu biết chuyện tôi tình nguyện ghi danh nhập ngũ. Ngưng đọc kinh, mẹ hỏi cho rõ câu chuyện, đến lúc này thì chẳng còn gì để dấu mẹ cả! Xuống nhà dưới, thưa chuyện cùng ba, cụ ngao ngán nhìn thằng con út và nói vài câu trách hờn, tôi không nhớ rõ, nhưng đại ý là tôi đã vượt quyền cha mẹ, không xin phép, giờ đây muốn làm gì thì làm! Ba tôi vẫn có thói quen nói lời hờn dỗi khiến sự xung đột trở nên bi thảm, khó hàn gắn. Tôi tạm biệt với giòng nước mắt của mẹ, người mẹ Việt Nam một đời hy sinh cho chồng con!

 

Đường vào quân ngũ không mấy xa, anh Tường Minh chở tôi trên chiếc xe hơi hiệu Simca đi từ Trương Minh Giảng đến Quân vụ Thị trấn, nằm ngay đường Lê Văn Duyệt. Trên đường, anh đưa tôi đi mua hai ổ bánh mì kẹp Jambon và Paté ở quán Hương Lan, ngay trước Bưu Điện Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Ngãi, chủ Hương Lan đâu còn lạ gì chúng tôi, từng có 9 năm ở ngay tại Bưu Điện, khách hàng quen thuộc. Dĩ nhiên anh Minh không vui, nhưng biết tính ngang tàng của thằng em út, cho nên ông anh chỉ cằn nhằn đôi chút, tránh phải đôi co, để anh Minh lái xe và tôi thoải mái ăn trước một ổ bánh mì ngon tuyệt.

 

Vài phút nữa đây, em sẽ bước vào một thế giới mới, tốt hay xấu chưa biết, nhưng nơi này có một khung trời rộng hơn ngôi nhà chúng ta. Em sẽ tập làm cánh chim Đại bàng.

 

Tại Quân vụ Thị trấn, đã có vài người đến trước và buổi trưa hôm đó, lần đầu tiên chúng tôi được ngồi trên chiếc GMC nhà binh đi thẳng đường Lê Văn Duyệt, hướng về Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ tại trại Nguyễn Tri Phương, Hóc Môn. Chào tạm biệt thành phố yêu thương!

 

Trại Nguyễn Tri Phương đông thật, vài ngàn thanh niên là ít! Xếp hàng, điểm danh, mọi người được dẫn đến một doanh trại thật lớn, tất cả ngồi thành hàng lối ngay ngắn, không ai được hút thuốc, không nói chuyện ồn ào, trước mặt là một dẫy hàng ngang các ông lính làm nghề hớt tóc! Tôi chưa bao giờ thấy cảnh này trong đời, họ cắt tóc nhanh khủng khiếp, có lẽ chỉ 5 phút cho mỗi người. Những mái tóc đủ kiểu, dài ngắn, chỉ năm phút thành “sư ông” không có chọn lựa. Thôi thì ai sao ta vậy! Có nhiều khuôn mặt thành phố, nhưng cũng không ít những thanh niên đến từ vùng thôn quê, nhìn cách ăn mặc và tay chân vạm vỡ là phân biệt được ngay, dân thành phố trắng trẻo, trói gà không chặt, quần áo khác hẳn các bạn ở vùng xa. Nghi lễ xuống tóc đã nhanh chóng xoá nhoà khoảng cách, và quân đội sẽ thay đổi chúng tôi thành những con người mới.

 

Sau màn hớt tóc, một đám đầu trọc xếp hàng đi lĩnh quân trang. Trước tiên, là một Sac Marin (túi quân trang) khổng lồ, chiều dài nếu anh nào lưng ngắn sẽ vô cùng vất vả với cái túi này. Nhưng phải lớn như thế mới đủ chỗ chứa những món quà nhập ngũ đầu tiên, không thiếu thứ gì, nón sắt, hai hoặc ba bộ quần áo nhà binh, giầy bố, vớ, mùng mền, bidong nước, đĩa gấp đôi đựng thức ăn, thắt lưng lính ... Ngày đầu tiên tại trại Nguyễn Tri Phương nhiều chuyện đáng nhớ lắm. Buổi tối là màn khám sức khoẻ, lúc này không ai được mặc quần áo dân sự, tất cả là nhà binh. Khổ nỗi, quần áo trận được phát rộng thùng thình, chưa sửa, trông như một lũ trẻ con mặc quần áo của người lớn. Cái màn khám sức khoẻ này khá vô duyên, ai cũng phải đi qua một dẫy bàn bác sĩ và y tá, đầu tiên mọi người không ai được mặc quần, cứ thế mà khoe cùng ông bác sĩ thứ cha mẹ cho ... Sau đó là màn chích ngừa TAB, khám mắt, tai, le lưỡi ... Một số người phải đứng qua một bên để điều trị đặc biệt, giang mai, lậu mủ, có đủ hết.

 

Màn khám sức khỏe kéo dài đến qua nửa đêm, tùy theo số người. Đôi lúc cũng có những giây phút cười vang lên trong cơn buồn ngủ, khi được đọc tên để khám bác sĩ. Người Hạ sĩ quan cầm danh sách, đọc trên loa phát thanh cầm tay, theo thứ tự như sau: Tên người tân binh: Nguyễn Văn A – Tên cha – Tên mẹ. Tôi còn nhớ có một anh nào đó, sau khi được đọc tên mình, anh Hạ sĩ quan đọc tiếp: Cha: Chơi – Mẹ: Sướng. Sao mà có cập nào tên lại vần điệu đến thế? Hai cái tên của cha mẹ, để riêng thì lấy đâu ra chuyện cười, nhưng đọc ngay cạnh nhau thì cười vỡ bụng!

 

Chúng tôi chỉ ở trại Nguyễn Tri Phương vài ngày, hay một tuần để làm thủ tục nhập ngũ. Những bộ quần áo lính rộng quá khổ sẽ được giải quyết trong thời gian này. Quân nhân làm việc tại đây đều có gia đình, hoặc chính họ kiếm thêm tiền bằng cách may sửa cho vừa vặn người mấy anh lính tò te, giá cả phải chăng và thời gian sửa nhanh không thua gì lúc hớt tóc! Chỉ cần một ngày là xong!

 

Tạm biệt Nguyễn Tri Phương, từng đoàn xe GMC một lần nữa đưa chúng tôi đến Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nơi đây tất cả sẽ trải qua giai đoạn I huấn luyện căn bản. Quang Trung không lè phè như Nguyễn Tri Phương, những chú lính chân ướt, chân ráo được chia thành các Tiểu đoàn, mỗi đơn vị mang một bảng tên mầu khác nhau, tôi thuộc Tiểu đoàn Nguyễn Huệ, bảng tên chữ trắng trên nền xanh đậm. Tiểu đoàn Trần Bình Trọng, bảng tên chữ trắng trên nền đỏ, Tiểu đoàn Gia Long, chữ trắng trên nền xanh lá cây. Tiểu đoàn Trần Quốc Toản, chữ đỏ trên nền vàng.

 

Thiếu tá Trần Văn Hiến, Tiểu đoàn trưởng TĐ Nguyễn Huệ, nổi tiếng là hung thần, và tôi thuộc TĐ này! Lễ đón tiếp tại Quang Trung cũng khá linh đình, trước tiên mọi người xuống sân cờ, xếp hàng theo danh sách đã có trước ở Nguyễn Tri Phương. Sĩ quan của từng Tiểu đoàn, áo quần gọn gàng, ủi hồ thẳng nếp, yêu cầu chúng tôi vác Sac Marin lên vai. Không đi bộ đâu, màn hành hạ thể xác bắt đầu, tất cả chạy, chạy vài vòng trước khi được đưa về Tiểu đoàn. Nhiều anh chịu không nổi, cả người và Sac Marin ngã lăn ra đường, không ai được giúp, tên nào còn sức thì cứ chạy! Về đến sân Tiểu đoàn, tất cả tập họp, trình diện Thiếu tá Trần Văn Hiến, Tiểu đoàn trưởng. Đâu đã quen với nếp sống nhà binh, chúng tôi ồn ào, than mệt! Bất ngờ ngài Tiểu đoàn trưởng hét lớn: Tất cả đứng dậy, ngay hàng thẳng lối. Uy quyền của ông này gớm thật! Mấy tay sĩ quan cấp Đại uý, Trung uý, chỉ huy Đại đội “Tân Khoá Sinh” chạy như gà mắc đẻ, hò hét mọi người nhanh chóng so hàng. Không khí căng thẳng! Bị phạt về tội ồn ào, vô trật tự, cả tiểu đoàn phải hít đất [pushup] 50 lần. Chẳng tên nào làm đủ, bò lê bò càng nằm ôm Sac Marin trông thê thảm! Đúng là giới thiệu trước mấy món ăn chơi của quân trường!

 

Mọi chuyện rồi sẽ quen, sau một tuần dưới quyền sinh sát của Thiếu tá Trần Văn Hiến, chúng tôi như người máy, sức khỏe tăng lên, từ nay đi ra bãi học đều phải bồng súng M1 Garand, chiều dài 1,100 mm, cân nặng 4.31 kg đến 5.3 kg với đầy đủ đạn. Vác cái của nợ từ thời Đệ nhị thế chiến, đến Chiến tranh Hàn Quốc thật là vất vả, vừa chạy vừa hát những bài hùng ca. Mỗi đơn vị đều chọn một bài hát riêng cho mình, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ với bài “Lục quân Việt Nam” nhạc Văn Giảng, lời Hương Việt.

 

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn,
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang,
Đi đi đi lời thề nguyền tung gươm thiêng thi gan tài.
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi,
Đây đoàn quân ra đi nhịp nhàng,
Mang theo thiên hùng ca thắm tươi trời Nam bốn phương.
Ta anh hùng muôn quân phá tan cường binh
Chí tang bồng mang theo khắp nơi tung hoành

Đường trường xa ta quyết đi cho đến cùng
Nhịp trời mây đoàn quân cất bước đi mau
Nơi biên cương muôn quân theo loa thét vang
Cố chiến thắng thề một lòng chung sức xây Việt Nam quang vinh
Phá tan tành ầm ầm đoàn quân xông pha
Thét oai linh tung gươm giết tan quân thù

Đoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương
Ta anh hùng đời đời Lục Quân Việt Nam
Xa nhìn thấp thoáng trong mây
Muôn bóng quân Nam chập chùng xây thành vinh quang
Tiếng vang muôn đời Lục Quân Việt Nam.

 

Bài ca hùng tráng, nhưng không quá khát máu. Mỗi ngày, từ sáng sớm tinh mơ tất cả đã phải tỉnh thức, dọn dẹp doanh trại, giường tủ ngăn nắp, giao thông hào các Tân khoá sinh phải dùng mặt sau của chiếc gamen để thức ăn [U.S. Military Mess Kit Pan Divided Dish] chà cho láng như cement. Khi mặt trời mọc, tất cả đã sẵn sàng lên đường, súng cầm tay trước ngực, ra bãi tập hoặc vào lớp huấn luyện quân sự. Hằng trăm người, đi đều nhịp, hát thật to, hát cho tung buồng phổi.

 

Nhạc sĩ “Du ca” Nguyễn Đức Quang ở cùng đại đội tại Tiểu đoàn Nguyễn Huệ, ngoài giờ huấn luyện quân sự, anh là người Quản ca đơn vị. Dáng người cao ráo, phong cách du ca, với cây đàn guitar đánh đệm theo âm điệu dồn dập, Nguyễn Đức Quang đã thành công quạt lên ngọn lửa hồng trong mỗi chúng tôi. Mỗi tiểu đoàn có vài trăm người, vừa đi vừa hát vang dội khung trời Quang Trung. Tân khoá sinh trải qua ba tháng huấn luyện căn bản quân sự tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, từ những thanh niên dân sự, chúng tôi giờ đây trông giống lính nhiều hơn, những thao tác nghiêm, nghỉ, trình diện Sĩ quan Huấn luyện gần như hét vào tai người nghe đã thành bình thường!

 

Khóa 9/68 lưu lại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung thêm một thời gian ngắn, vì Tết Nguyên Đán năm 1969 [Kỷ Dậu] vào ngày 16 tháng 2 năm 1969. Bài học Mậu Thân 1968 chưa quên, tất cả cắm trại 100%, thân nhân được phép lên thăm tại quân trường. Theo trí nhớ của nhiều bạn cùng khóa như Dương Chấn Quang, Lê Xuân Long, chúng tôi được chuyển lên Trường Bộ binh Thủ Đức để thụ huấn tiếp giai đoạn II kéo dài sáu tháng vào cuối tháng 2 hay đầu tháng 3/1969? Ra trường ngày 16/8/1969, đời lính có nhiều con số không thể quên, chẳng hạn như Số quân, được khắc trên Thẻ bài đi cùng với tên và loại máu. Ra chiến trường, bị thương chỉ cần nhìn vào Thẻ bài là biết cần tiếp loại máu nào, chẳng may hy sinh, thẻ bài sẽ được buộc vào thân xác đem về cho gia đình. Có những anh cẩn thận, cột ngay một chiếc thẻ bài trong giây giầy nhà binh, không cách nào mất được. Nhưng khi ra đơn vị tác chiến, không còn thói quen này nữa vì khi chuyển xác của tử sĩ, đồng đội thường dùng thẻ bài cột vào chân, hoặc ngón chân, có tin có lành!

 


 

Đoàn xe GMC vừa thả chúng tôi xuống Vũ Đình Trường tại Trường Bộ binh Thủ Đức, một nghi lễ đón tiếp đặc biệt hơn Quang Trung. Các huynh trưởng [khoá 7/68 đàn anh] trong quân phục đi phép Kaki vàng, vai đeo Alpha, giây Biểu chương trên vai, mũ Beret xanh đậm với phù hiệu “Cư an Tư nguy” [Si vis pacem, para bellum.] Quần bó ống trên đôi giầy Bottes de saut, đánh bóng có thể soi gương! Khuôn mặt nghiêm nghị, không một nụ cười, họ la hét, khủng bố chúng tôi ngay từ lúc chưa bước xuống xe. Cái màn khủng bố bằng la hét này đáng sợ thật, ai cũng vội ôm Sac Marin và Ba lô nhẩy từ trên GMC xuống đất, ngã đè lên nhau, các sinh viên huynh trưởng không hề rung động hay thông cảm. Họ càng la to, giọng điệu dữ dằn. Tôi thầm nghĩ, mẹ bố các anh làm gì mà la hét nhặng cả lên vậy? Không biết mấy ông huynh trưởng có đọc được ý nghĩ trong đầu mình không? Nhưng họ hung hăng chạy tới, chạy lui khủng bố tinh thần đám ma mới.

 

Các anh là gà chết, xuống nhanh, xếp hàng ngay.

 

Xuống nhanh lên, tất cả xếp hàng đôi, nhanh nhanh lên.

 

Anh này làm gì như gà mắc đẻ! Anh kia, nhìn cái gì? Bất mãn hả?

 

Trời đất ơi, bố ai dám bất mãn! Mặc dù đã nếm mùi Quang Trung, nhưng màn chào đón này thật là hãi hùng, không vui chút nào. Chào mừng bốn tuần “Địa ngục” trong thời gian này chúng tôi không được đi, bước ra khỏi phòng là chạy, chạy hết hơi, chạy hoa cả mắt, chạy hộc máu mồm. Vào phòng ăn, ngồi lưng phải thẳng, chỉ được ăn sau khi cả phòng hét lớn lên “mời Huynh trưởng.” Đâu đã hết, chưa kịp ăn miếng cơm thứ hai, Huynh trưởng bất ngờ cầm hũ ớt dơ cao lên và hỏi:

 

Các anh biết món này tên gì không?

 

Thưa Huynh trưởng Ớt.

 

Sai, đây là Đường, cả bàn làm 20 cái hít đất cho tôi.

 

Không ai được cãi, nên nhớ bạn đang ở bốn tuần “Huấn nhục.” Thôi thì Huynh trưởng nói sao nghe vậy cho êm chuyện. Sau khi cả bàn ăn làm đủ hai mươi cái hít đất, đều đặn và nhịp nhàng, huynh trưởng chỉ huy vẫn chưa thoả mãn, hỏi lại chúng tôi với cái hũ Ớt.

 

Bây giờ các anh biết món này là món gì?

 

Thưa Huynh trưởng, Đường.

 

Các anh có điên không? Ớt sao lại bảo là Đường? 20 cái thụt dầu [hai tay nắm chéo vào hai lỗ tai, và đứng lên ngồi xuống.]

 

Phải nói là bốn tuần huấn nhục cực khổ vô cùng, chuyện gì cũng có thể bị phạt, toàn là những hình phạt vô lý, và bạn không được cãi. Nhà binh có quy luật “Thi hành trước, khiếu nại sau” mới nghe thì không thể chấp nhận, nhưng sau này, bạn mới biết là hữu lý. Đụng trận, đâu thể chấp nhận chuyện tranh cãi với chỉ huy?

 

Thật là một phép lạ, quân trường đã nhanh chóng biến những anh chàng nhà quê, hoặc Hippie thành phố hoá thân thành người chiến binh trong vài tháng. Nhân sinh quan của chúng tôi thay đổi, hãnh diện trong bộ Kaki vàng đi phép cuối tuần với Alpha trên cầu vai.

 

Trường Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà áp dụng hệ thống “Tự chỉ huy”, khoá đàn anh huấn luyện đàn em trong sinh hoạt hằng ngày, các môn học đều do sĩ quan chuyên môn hướng dẫn. Ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, KBC 4100, Quân trường Bộ binh Thủ Đức có quy luật khóa đàn anh được giao nhiệm vụ huấn luyện đàn em phải trên nhau hai khoá. Khóa 7/68 là huynh trưởng 9/68 chúng tôi, và Khoá 8/68 làm huynh trưởng khóa 1/69.

 

Theo truyền thống, mỗi Tiểu đoàn Sinh viên sĩ quan đều có một vài bài hùng ca riêng, sau hơn nửa thế kỷ, nếu tôi nhớ không lầm, bài “Xuất quân” của Nhạc sĩ Phạm Duy được chọn cho Tiểu đoàn 1 SVSQ.

 

Ngày bao hùng binh tiến lên

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến

Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành

Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành

Đi là đi chiến đấu

Đi là đi chiến thắng

Đi là mang mối thù thiên thu.

Đi là đi chiến đấu

Đi là đi chiến thắng

Bước lên đây người Việt Nam.

 

Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa

Tiếng gào thiết tha

Ngàn lời chính khí đưa

Ầm ầm tiếng thét hoà

Rầm rầm tiếng súng sa trường xa.

 

Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu

Căm thù khắp nơi

Từng bụi lốc cuốn rơi

Từng giọt máu sáng ngời

Một đường kiếm thép oai hùng đưa.

 

Đi là mang mối thù thiên thu ... Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu, căm thù khắp nơi! Những tiếng hát oai hùng, theo bước chân đi nhịp nhàng, chỉ vài tuần nhập ngũ ngắn ngủi, quân đội đã thay đổi tận cùng chúng tôi. Chẳng ai tuyên truyền, máu xương rơi tràn đầy, không cần phải ra biên khu, ngay tại thành phố chúng tôi đã thấy, tận mắt, ngửi mùi tanh hôi của xác chết kẻ xâm lăng, quấn khăn tang cho anh em dòng họ. Thời gian hơn nửa thế kỷ, trí nhớ chưa hẳn là đúng, theo bạn Lê Xuân Long, Tiểu đoàn 1, Đại đội 12, Trung đội 124, bài hát của Tiểu đoàn 1 là “Tiếng hát quân trường” chúng tôi xin ghi cả hai bài để cùng ôn lại kỷ niệm xưa.

 

Một, hai, ba, bốn (2x)

Đây khúc ca vang nơi quân trường đầy hào hùng

Vai ghé vai, ta thi tài trong tình quân ngũ

Đường còn dài, nhưng chân cứng đá mềm

 

Giặc về ta đánh (2x)

Anh em ơi, đem sức trai nêu chí hùng, lưu tiếng ngàn thu

Anh em ơi, ta quyết thề đem mồ hôi rửa gội thâm thù

Thao trường đổ mồ hôi (2x)

Chiến trường bớt đổ máu (2x)

 

Bước bước trong hăng say, ta thi gan cùng hào hùng

Làm rạng ngời giống người xương trắng, máu hồng

Thao trường tắm mồ hôi (2x)

Chiến trường bớt đổ máu (2x)

Cố lên, cố lên, đem mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh.

 

Chương trình huấn luyện tại Thủ Đức là sáu tháng. Một ưu điểm nữa của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, không hề phân biệt tác giả của những bài ca, miễn là có ý nghĩa. Chắc chắn thế hệ sinh năm 1950 trở về sau không quên bài “Lên đàng” tác giả Lưu Hữu Phước? Vâng, ngay trong trường tiểu học Trần Quý Cáp học sinh cũng đã được tập hát bài này, phong trào Hướng đạo Việt Nam cũng hát, và không thể thiếu nơi Quân trường Bộ binh Thủ Đức.


Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng
Kiếm nguồn tươi sáng.
Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông
Từ nay ra sức anh tài.
Đoàn ta chen vai nề chi chông gai, lên đàng
Ta người Việt Nam. Nhìn tương lai huy hoàng,
Đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang

Nhìn non sông ta trời mây bao la muôn đời,
Tâm hồn phơi phới
Mau nhìn hoàn cầu, khá trông năm châu
Cùng nhau tung chí anh hào
Đoàn ta đi mau lòng trai không nao, lên đàng.
Ta người Việt Nam. Nhìn non sông tưng bừng
Đoàn ta hát vang lừng nào tung bay chí trai

Kìa gương trung kiên truyền lưu muôn năm
Lên đàng kết đoàn hùng tráng ...
Danh lừng Bạch Đằng, tiếng vang Chi Lăng
Đống tâm noi dấu anh hùng.
Ngày xưa ai đem tài cho quê hương bao lần
Khuông phò nhà Nam.
Đoàn ta ghi trong lòng đời hy sinh anh hùng
Nhìn non sông thẳng xông

 

Vị Tiểu đoàn trưởng của khóa 9/68 tại quân trường Bộ binh Thủ Đức, có một cái tên không thể quên, Thiếu tá Thái Sanh Thâm, ông hắc ám còn hơn cả Thiếu tá Trần Văn Hiến ở Quang Trung! Sinh viên sĩ quan thường đổi tên ông theo một bài hát quen thuộc thời đó: Hỏi Khoái Sung Sâm bao nhiêu tuổi rồi? Hát để xả nỗi uất hận bị ông phạt, nhưng chẳng anh nào dám nghêu ngao khi có cán bộ sĩ quan. Đại đội trưởng Đại đội 12 là Đại uý Hồ Ngọc Luyện.

 

Bốn tuần “Huấn nhục” trôi qua, khuôn mặt hắc ám của các Huynh trưởng được cất đi, họ trở nên hiền hoà hơn, không còn bắt chạy thục mạng nữa. Sau bốn tuần, chúng tôi tham dự buổi lễ cảm động tại Vũ Đình Trường, dưới ánh đuốc lung linh, trong bộ Kaki vàng, tất cả quỳ xuống theo hiệu lệnh của Sinh viên Sĩ quan Tiểu đoàn trưởng.

 

Quỳ xuống các Tân khoá sinh. Trong lúc chúng tôi quỳ, các Huynh trưởng gắn lên vai từng người chiếc Alpha đầu tiên.

 

Đứng dậy các Sinh viên Sĩ quan. Khóa 7/68 chuẩn bị ra trường, và khóa 9/68 chúng tôi tốt nghiệp bốn tuần huấn nhục. Chuẩn bị trong vai trò huynh trưởng khóa 3/69 [khoá 2/69 học tại Nha Trang.]

 

Ngày 16 tháng 8 năm 1969, Khóa 9/68 ra trường, chọn đơn vị, mỗi tân Chuẩn uý có một tuần nghỉ phép trước khi trình diện đơn vị mới. Mặc dù trước ngày nhập ngũ, bản thân tôi cũng có vài mối tình học trò vụn vặt, nhưng chỉ là chuyện đùa vui tuổi trẻ, không nhớ nhung quay quắt, cũng chẳng hề có ngày phép nào rủ nhau đi bát phố, đầu óc tôi lúc này chỉ nghĩ đến chuyện ra đơn vị mới, đối đầu với địch quân nơi chiến trường

 

Từ năm 1951 đến 1975, Trường Bộ binh Thủ Đức đã đào tạo 87 khoá Sĩ quan Trừ bị với tổng số 99,223 sĩ quan, trong số đó khoảng 15,000 sĩ quan biệt phái về các ngành chuyên môn như giáo dục. Riêng trong năm 1972 có 15 khoá Sĩ quan Trừ bị thụ huấn tại hai quân trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang và Thủ Đức. Ngoài ra trường Bộ binh Thủ Đức còn huấn luyện 44 Khoá Đại đội trưởng với 5,000 sĩ quan tốt nghiệp, và 18 Khoá Bộ binh Cao cấp, với 1,500 sĩ quan.


Lễ tốt nghiệp thật cảm động! Tất cả sinh viên sĩ quan quỳ xuống, tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc, không làm gì có trung với đảng! Phù hiệu Chuẩn uý được gắn lên vai, chúng tôi đứng lên, hướng về đài kỷ niệm “Tổ Quốc Ghi Ơn” nơi Vũ đình trường, dưới những ngọn đuốc lung linh của khóa đàn em, đứng nghiêm chỉnh dàn chào. Hồn thiêng sông núi, biết bao Huynh trưởng đã hy sinh, ngày mai chúng tôi sẽ lên đường ra mặt trận.

              

Cuộc chiến chống cộng của chúng ta đầy chính nghĩa. Người tù binh Bắc Việt được Việt Nam Cộng Hoà chăm sóc nhân đạo như thế nào, cứ nhìn hai hình ảnh trong ngày trao đổi tù binh năm 1973 dưới đây sẽ rõ. Tù binh cộng sản với thân thể khỏe mạnh, quần áo tươm tất, và rồi chính họ xin ở lại miền Nam Việt Nam.

 

Tù binh Bắc Việt xin ở lại miền Nam Việt Nam trong ngày trao trả tại Lộc Ninh ngày 13/3/73 | Photo credit: Tommy Japan 1.

 

 

Chúng tôi tự sát tập thể nếu bị trả về miền Bắc, Lộc Ninh Trao trả tù binh 13/3/73 | Photo credit: Tommy Japan 1.

 

 

Hình ảnh của người tù binh cộng sản xin ở lại với Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, trong ngày trao trả tù binh 13/3/73 tại Lộc Ninh, đã nói lên chính nghĩa của chúng ta. (https://www.flickr.com/photos/97930879@N02/9280558948/in/photostream/). Các anh biết rõ hơn ai hết “Trở về với cộng sản là tự sát” và các anh sẵn sàng “Tự sát tập thể.”

 

Lịch sử lúc thăng và có khi trầm, nhưng niềm tin vào chính nghĩa là bất tử! Bạo tàn, gian dối sẽ phải ra đi. Chúng tôi không hận thù người bên kia vĩ tuyến, nhưng quyết không sống chung với bọn cộng sản đã nhuộm đỏ các bạn!


 NGUYỄN TƯỜNG TUẤN

rabienlon55@gmail.com

 

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209