Nữ sinh rơi vào bẫy “tín dụng đen” của bạn học cũ

Nữ sinh rơi vào bẫy “tín dụng đen” của bạn học cũ


Đằng Vân

Bảng thống kê vay nợ và lãi suất của sinh viên N. trong Tháng Bảy và Tám
– Ảnh: Người Lao Động

Trong đơn tố cáo, nữ sinh viên một trường đại học ở Sài Gòn cho biết do không có khả năng trả tiền vay với lãi suất lên đến 750%/năm nên em thường xuyên bị chủ nợ “khủng bố”, phải nghỉ học.

Ngoài ra, mẹ của nữ sinh N. là bà T. (42 tuổi) cũng đã gửi đơn đến công an TP Quy Nhơn tố cáo N.H.A và một số đối tượng liên quan về hành vi làm nhục người khác… Hiện các vụ việc đang được cơ quan công an tiến hành điều tra.

Theo trình bày của N., giữa N. và N.H.A là bạn học cũ thời cấp 2 ở TP Quy Nhơn. Cách đây 2 năm, cả hai cùng từ  Quy Nhơn vào Sài Gòn để học đại học.

Trong thời gian đi học, N. làm thêm ngoài giờ ở nhà hàng để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đến giữa Tháng Ba năm nay, do việc làm thêm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, N. không có tiền sinh hoạt, trả tiền thuê nhà… nên đã vay của bạn N.H.A 12 triệu đồng.

Viết giấy vay 12 triệu đồng nhưng thực chất N. chỉ nhận được 9.6 triệu đồng tiền mặt. Số tiền 2.4 triệu đồng còn lại bị N.H.A giữ lại để trừ vào tiền lãi (240,000 đồng/ngày, tương ứng với lãi suất 720%/năm) 10 ngày sau đó.

Nhà mẹ nữ sinh N. ở TP Quy Nhơn thường xuyên bị tạt sơn, mắm thối… trong thời gian A. đến nhà hăm dọa để đòi nợ – Ảnh: Người Lao Động

Sau 10 ngày đầu tiên không phải nộp lãi vì đã trừ trước đó, đến ngày thứ 11, N. bắt đầu “xây xẩm mặt mày” vì chủ nợ yêu cầu phải nộp tiền lãi mỗi ngày với số tiền 240,000 đồng. Ngoài ra, nếu nộp lãi chậm sẽ bị “phạt” theo cấp số nhân.

Cụ thể, nếu trả trong ngày, số tiền lãi cho 12 triệu đồng là 240,000 đồng/ngày. Nhưng nếu trả chậm sau 19 giờ, tiền lãi sẽ bị phạt lên gấp đôi, tức 480,000 đồng/ngày. Còn nếu trả sau 24 giờ thì tiền lãi phải nhân 4, tức 960,000 đồng/ngày…

Chỉ sau một thời gian ngắn xoay xở đủ kiểu để đóng lãi suất “cắt cổ” cho khoản vay 12 triệu đồng, N. lâm vào cảnh bế tắc. Thế là N.H.A liên tục gây áp lực, ép N. viết thêm giấy nợ mới là số tiền lãi chưa đóng cho khoản vay cũ. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, từ số tiền vay thực nhận chỉ 9.6 triệu đồng, năm tháng sau N. đã nợ của N.H.A lên đến hơn 300 triệu đồng.

Riêng hai Tháng Bảy và Tám, khi đã về nhà ở TP Quy Nhơn, N. đã hơn 35 lần trả cho A. bằng hình thức chuyển khoản với tổng số tiền 168 triệu, chưa kể tiền mặt. Mặc dù đã trả với số tiền cao gấp gần 18 lần so với khoản thực vay ban đầu (9.6 triệu đồng) nhưng trong thời gian này, A. vẫn cho rằng N. còn thiếu nợ tiền lãi nên ép viết sáu giấy vay tiền (để trả tiền lãi khoản vay trước đó) với tổng số tiền là 120 triệu đồng.

Đến Tháng Chín, vì không có tiền trả, N. và gia đình ở TP Quy Nhơn liên tục bị A. dẫn theo nhiều người đến hăm dọa, đòi nợ với số tiền 120 triệu đồng đã viết giấy vay. Không chỉ vậy, A. còn đưa hình ảnh của N. lên mạng xã hội Facebook nhằm bôi nhọ, gây áp lực để trả nợ. Cũng trong thời gian này, gia đình N. liên tục bị tạt sơn , mắm thối, chất bẩn… vào nhà gây hôi thối, khiến hàng xóm rất bất bình.

N. cho biết, trước những hành động côn đồ của A., em phải nghỉ học. Cho dù đã nhiều lần van xin A., nhưng hắn vẫn không buông tha, liên tục cho người gọi điện thoại hăm dọa, chửi bới N., nên buộc lòng N. phải viết đơn tố cáo, đồng thời nhờ cơ quan chức năng giải thoát cho em khỏi tên cho vay nặng lãi mất tính người này.

Theo tìm hiểu, mặc dù đang là sinh viên nhưng A. có quan hệ thân thiết với đường dây chuyên cho vay nặng lãi ở Sài Gòn và tỉnh Bình Định.

Vụ việc đang được cơ quan điều tra thụ lý hồ sơ, chưa biết kết quả như thế nào. (Theo Người Lao Động)

Đằng Vân


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209