Mikhail Gorbachev-Nicolae Ceausescu như tôi biết



Mikhail Gorbachev - Nicolae Ceausescu như tôi biết

Trần Quốc Việt dịch 


Địa vị đặc biệt của Nicolae Ceausescu đã trở nên đặc biệt rõ ràng khi quân đội của năm nước thuộc Khối Warsaw vượt qua biên giới Tiệp Khắc vào tháng Tám 1968. Ông bắt đầu tránh xa Liên Xô và cũng bắt đầu kiên quyết yêu cầu phải tôn trọng độc lập và chủ quyền của Romania. Yêu cầu vốn căn bản này, được lặp đi lặp lại mỗi dịp và thậm chí hoàn toàn chẳng vì lý do gì cả, nhưng nó trở thành một câu thần chú mà tạo ra hai mối lợi về sau. Phương Tây khích lệ “địa vị đặc biệt” của Romania bằng những khoản cho vay, chút ít đầu tư, quy chế tối huệ quốc, vân vân. Thứ hai mà tôi cho là quan trọng hơn là Ceausescu đã khéo léo lợi dụng điều này để củng cố sự cai trị vốn đã hà khắc của ông đối với nhân dân Romania. Điều cốt lõi là ông đã thiết lập chế độ cai trị hoàn toàn cá nhân. Một bức màn hành chính không thể nào xuyên thủng được đã ngăn cách đa phần dân chúng với cả Phương Tây và Liên Xô. 

Tôi đã biết Ceausescu ngay cả trước khi tôi trở thành Tổng Bí thư. Là bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô, tôi đã gặp ông khi ông thỉnh thoảng đến Liên Xô. Mạc Tư Khoa không đón tiếp ông ân cần cho lắm. Họ không tha thứ cho ông vì ông tham vọng và vì ông công khai ve vãn với Phương Tây. Ông đáp lại những lời tố cáo như thế bằng cách càng ngày càng tuyên bố ồn ào hơn những quan điểm “ đặc biệt “ của ông và đưa ra những sáng kiến đối ngoại đầy tham vọng-những sáng kiến mà không bao giờ được thực hiện nhưng chúng được tính toán nhằm nhấn mạnh đến tính độc đáo của quan điểm của Romania. Tôi có cảm giác kỳ lạ khi nhìn thấy ông cố gắng hết sức để chứng minh sự độc lập trong ý kiến của ông. Tất cả những điều này là không tự nhiên, và bất kỳ những ai có chút ít kinh nghiệm chính trị nhất cũng đều thấy những ảo tưởng về sự vĩ đại của ông cũng như bất ổn về tâm lý ở ông.

Tôi thiết nghĩ cũng đáng nên cố gắng xóa đi những dấu hiệu đối đầu ngầm trong quan hệ  giữa Liên Xô với Romania. Do vậy cách đối xử của tôi với Ceausescu, người mà tôi cố gắng nói chuyện một cách kính trọng, là hiểu thấu cốt lõi của những lời tuyên bố của ông. Chẳng hạn, tôi thừa nhận có nhiều sự thật trong ý kiến của ông khi ông cho rằng căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh có thể một phần nào xuất phát từ những sai lầm và từ những tính toán không đúng từ phía Liên Xô. Người ta phải nói rằng Ceausescu rất tự hào về chuyện ông duy trì mối quan hệ tốt với giới lãnh đạo Bắc Kinh, và ông tìm cách đóng vai trò như là người trung gian giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa.

Nói chung, đối với nhà lãnh đạo Bucharest vai trò trung gian là hấp dẫn. Do vậy ông ra sức duy trì mối quan hệ rộng rãi với những nhà chính trị Trung Đông, bao gồm cả Arafat và giới lãnh đạo Do Thái. Ta có lẽ dễ dàng hơn khi liệt kê ra các nước Châu Phi và Đông Nam Á mà Ceausescu đã không đến hơn là những nước mà đã ông đã rùm beng viếng thăm. Chủ tịch Romania cũng không thờ ơ với phong trào không liên kết, rõ ràng ganh tị với tiếng tăm của Nam Tư. Ông cố gắng củng cố những tham vọng toàn cầu này bằng cách thiết lập các mối quan hệ kinh tế ở khắp mọi nơi, đem rao bán rất nhiều các loại sản phẩm của Romania, từ những sản phẩm hoá dầu, máy móc nông nghiệp, máy nén khí, và lắp ráp động cơ diesel đến kỹ thuật hàng không, xe hơi và đầu máy xe lửa. Tất cả những sản phẩm này đều do các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất, mặc dù chúng đều quá tải và bị thiếu hụt năng lượng và nguyên vật liệu. Nền kinh tế Romania hoàn toàn lệ thuộc vào bao tham vọng cường quốc của nhà cai trị này và càng ngày càng trở nên giống như con ngựa bị một kỵ sĩ tàn bạo cỡi và bị quất roi vọt không thương xót.

Từ năm 1986 trở đi chúng tôi bắt đầu nhận những dấu hiệu là bất chấp sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt về Liên Xô ở Romania, nhưng sự quan tâm đến quá trình perestroika cũng bắt đầu xuất hiện ở đấy. Tất nhiên, mọi người đều hiểu trước hết vấn đề này phụ thuộc vào quan điểm của Ceausescu. Rất nhiều thứ phụ thuộc vào “Thánh sống “ này, vào chỉ lời nói của ông thôi. Người ta biết bà con của nhà lãnh đạo cũng như vợ ông đều được đặt vào những chức vụ chủ chốt trong nước ( có đến bảy mươi người thân của ông nằm trong Ủy ban Trung ương Đảng ), và bất kỳ ai ông không thích thì đều bị thất sủng. Ngay khi cuộc trò chuyện chuyển sang Ceausescu, mọi người đều nhún vai.

Tuy nhiên tôi biết Ceausescu muốn gặp tôi, ý thức về sự cần thiết cho ông và cho Romania ( và ông rõ ràng muốn xem mình là Romania ) phải hợp tác với Liên Xô là một lân bang cường quốc, mà không xem xét rằng điều ấy không những không khôn ngoan mà còn rất nguy hiểm. Đằng sau điều này cũng có nhu cầu về kinh tế, đặc biệt về dầu hỏa Liên Xô, vì sản lượng dầu Romania không đáp ứng nhu cầu cho dù của chỉ một nửa các nhà máy lọc dầu được xây dựng vội vàng theo lệnh của lãnh tụ.

Ông có ý định khác mà cũng không lạ gì với tôi. Bằng cách thiết lập mối quan hệ tốt với vị Tổng Bí thư mới và tương đối trẻ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô, và bằng cách đạt được sự công nhận từ phía người này, Ceausescu hy vọng có cơ hội thực hiện những ý muốn đầy tham vọng của ông, những hiểu biết của ông về chính trị thế giới. Elena Ceausescu có lần nói thật hơn là nói đùa rằng Romania quá nhỏ cho nhà lãnh đạo giống như Nicolae Ceausescu.

Trong đời mình tôi đã gặp gỡ nhiều người tham vọng. Quả thật ta rất khó tưởng đến một nhà chính trị quan trọng nào mà không có phần nào kiêu ngạo và tự tin. Tuy nhiên, về khía cạnh này, không ai hơn Ceausescu. Là nhà cai trị tối cao trong hàng chục năm trời, ông luôn luôn có nụ cười tự mãn kiêu ngạo, đối xử với người khác với vẻ coi thường rõ ràng, tất cả mọi người từ kẻ hầu đến đối tác ngang hàng.

Chủ tịch Romania rất thích chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt của mình trong các diễn đàn quốc tế. Không có một nhân vật thuộc Đảng hay nhà nước nào, kể cả người ở vị trí cao nhất, có quyền lực để chuẩn y những văn kiện được thông qua vào những dịp như thế. Điều này đúng ở các cuộc hội họp của Khối Warsaw, nơi các văn kiện đều phải được nhất trí thông qua. Các đại biểu Romania luôn luôn để lại một vài gợi ý hay bình luận mà chỉ có “ông ấy” mới có quyền xoá chúng, và Ceausescu đồng ý nhượng bộ - đôi khi- chỉ theo lời yêu cầu rõ ràng từ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô, và thường thường đòi đền đáp lại vài triệu tấn dầu. Mưu mẹo này đã 
chứng tỏ thành công từ thời Brezhnev, nhưng tôi không muốn làm lớn chuyện này. Thông thường, tôi đến gần ông trong cuộc họp hay trong giờ giải lao, nắm lấy tay hay vai ông, và ngay trước mắt mọi người chúng tôi đi ra chỗ khác để thảo luận riêng hay với một vài thành viên trong phái đoàn của chúng tôi. Ông thích sự biểu hiện công khai này. Tôi cũng thích như thế,nhưng vì lý do khác. Tôi không những tìm được giải pháp cho những điểm tranh cãi mà về mức độ nào đấy còn kiềm chế được những ý muốn quá đáng của Ceausescu bằng cách không chịu thua trước những mưu toan tống tiền trắng trợn.

Công bằng mà nói, một số tuyên bố của ông được tính toán nhằm gây ấn tượng  (chẳng hạn, về những vấn đề giải trừ quân bị và mối quan hệ giữa Bắc và Nam, giữa các nước đã phát triển và đang phát triển), tuy mang tính tuyên truyền, nhưng vẫn hợp lý. Ta phải nên nhớ rằng mọi người đã chán ngấy trước những yêu cầu vô tận và những ý muốn thất thường của Romania đến nỗi nhiều khi không ai muốn lắng nghe họ nữa mà chỉ tuyên bố rằng những đề nghị bổ sung của họ là không thể chấp nhận được, dù một số đề nghị này cũng có một chút hợp lý.

Có một hoàn cảnh đáng chú ý khác. Khi gặp Ceausescu tôi nhận thấy rằng qua lớp màn dày của vai trò “ cố vấn “, hé lộ ra một mong muốn đối thoại thân mật nào đấy, một sự trao đổi ý kiến thoải mái, tóm lại, theo như tôi thấy lúc ấy, mong muốn giao tiếp bình thường giữa người với người. Tuy nhiên, thỉnh thoảng điều này bắt đầu đượm vẻ khôi hài. Ở các cuộc họp Ủy ban Hiệp thương Chính trị, người của ông canh chừng khi phái đoàn Liên Xô đi đến buổi họp. Họ lập tức ra dấu hiệu cho Ceausescu, người , làm như thể tình cờ, sẽ xuất hiện cùng lúc với tôi. Tôi nhớ một buổi họp ở Hungary khi tôi đi bộ qua công viên để đến cuộc họp. Phái đoàn Romania đang đi trước mặt chúng tôi. Bất ngờ, Ceausescu ngã xuống trên đất bằng, như thể ông đã bị trẹo chân. Họ đỡ ông đứng lên. Chúng tôi đi đến nơi, và tôi bước đến để hỏi thăm ông có sao không. Rồi như thể có phép lạ, chẳng biết từ đâu các camera truyền hình bất ngờ xuất hiện, và rồi về sau báo chí và truyền hình tường thuật Ceausescu gặp Gorbachev. Tôi hiểu mưu đồ của ông. Ông muốn chứng tỏ cho mọi người thấy Gorbachev đã gặp, trò chuyện, thảo luận với ông.

Không có thành kiến cá nhân hay thù xưa nào mà phá hoại mối quan hệ của tôi với Ceausescu. Tôi muốn chọn thời điểm thích hợp để trò chuyện chân tình với ông, và tôi cảm thấy tôi có đủ lý lẽ và kiên nhẫn để khích lệ ông nên tạo ra những thay đổi hợp với tinh thần thời đại- quan trọng nhất là  làm cho xã hội Romania càng trở nên chấp nhận hơn những giao tiếp và hợp tác. Rồi quá trình tự nó sẽ có đà. Điều này quả thật là ý định của tôi khi tôi đồng ý chấp nhận lời mời thường xuyên của họ là thăm viếng hữu nghị chính thức Romania. Lần cuối cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô thăm viếng Bucharest là vào năm 1976.

Chúng tôi đến Bucharest vào ngày 25 tháng Năm 1987. Hàng chục ngàn, nếu không nói hàng trăm ngàn người, đón chào tôi. Tất nhiên đây là cuộc trình diễn có tổ chức. Trong lúc tôi đi tham quan thủ đô Romania khi tôi cố gắng nói chuyện với nhiều người tôi sửng sốt nhận ra rằng họ rất sợ hãi. Tôi hiểu ra ngay rằng những gì mà nhà lãnh đạo của họ ra sức lừa bịp là xã hội thịnh vượng và dân chủ là hoàn toàn không phải như vậy-thực ra chế độ khủng bố cai trị trên cả nước, cô lập với thế giới bên ngoài. Một buổi tối, khi chúng tôi ăn tối với vợ, Ceausescu khiêu khích tôi hãy nói thật những gì tôi nghĩ, đừng ngại mất lòng. Cuộc thảo luận trở nên to tiếng đến mức một trợ lý hay người phục vụ của ông ra lệnh đóng các cửa sổ đang mở toang ra vào màn đêm nóng bức, và ra lệnh lính gác lùi xa vào công viên- chứng kiến chẳng lợi gì. Nicolae cố gắng chống chế. Ông lo sợ, nhưng tất nhiên ông không trả lời một cách thuyết phục. Buổi tối ấy đâm ra hoàn toàn mất vui. Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý rằng ngày hôm sau Ceausescu sẽ đưa chúng tôi đi xem Bucharest.

Ở trung tâm thủ đô của Romania, họ đang xây nhóm toà nhà cao tầng dành cho các cơ quan hành chính chính trị, và khu nhà ở cũng đang được xây lên. Rất nhiều ngân quỹ đã đổ vào đây và các công ty xây dựng phải ngưng lại các công trình nơi khác. Chủ tịch nước quyết tâm lưu danh với hậu thế bằng cách biến Bucharest thành một hải cảng, giống như  một Manhattan của Romania. Vì mục tiêu này họ đã bắt đầu xây dựng một kênh đào khổng lồ, kênh đào Bucharest-Danube.

Ông đưa chúng tôi đến đập và chỉ cho chúng tôi thấy những gì sẽ được san bằng và những gì sẽ được xây lại. Ông nói về việc tạo ra những thành phố- nông nghiệp mà, theo ông, sẽ giải quyết tất cả những vấn đề về nông nghiệp và tạo ra nếp sống mới cho nông dân. Tôi hỏi ông liệu có hợp lý không khi buộc họ phải dứt ra khỏi ruộng đất, đuổi họ ra khỏi nơi họ sinh ra và nơi tổ tiên họ an nghỉ. Tôi kể cho ông nghe kinh nghiệm đau thương của chúng tôi về việc xoá bỏ “ những làng không có tương lai “ ở những vùng đất không màu mỡ.

Nhưng Ceausescu không muốn lắng nghe. Mắt ông long lên : “ Không, chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc cách mạng nông nghiệp mới. Các thành phố- nông nghiệp là cách tiến bộ duy nhất.” Mục đích khác của ông là theo cách này ông hy vọng có thể giải quyết được vấn đề người thiểu số Hungary, vì những làng của người Hungary đang bị tái định cư  ra khỏi những làng bản địa của họ và sẽ bị sống lẫn lộn không tự nhiên với nông dân Romania. Tuy vậy, tôi nghĩ điều này chỉ làm xấu thêm tinh thần dân tộc, thay vì ngược lại. Dù sao, chúng tôi biết rằng những người thiểu số đau khổ vô cùng khi bị cưỡng bức ra khỏi địa phương bản địa của họ.

Sai lầm trong chính sách đầu tư đã dẫn đến rất nhiều công trình xây dựng dang dở và số lượng càng nhiều những nhà máy công nghiệp chỉ hoạt động một nửa công suất. Có sự thiếu thốn năng lượng trầm trọng, do vậy càng ngày họ càng áp dụng nhiều hạn chế trong việc tiêu thụ điện, đến mức truyền hình chỉ phát một vài giờ trong ngày. Tiền bạc đều dồn vào để trả nhanh các món nợ của Tây Phương nên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho dân chúng.

Tất cả những sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm tốt nhất đều được xuất khẩu, còn việc tiêu thụ trong nước thì bị hạn chế. Họ quyết định cho chúng tôi thấy thực phẩm dồi dào của họ nhưng không phải ở ngoài chợ, mà chúng tôi không được phép đến vì, họ nói, lực lượng an ninh chưa sẵn sàng cho chuyện đó, mà ở trong một cửa hàng. Chúng tôi đi đến đấy cùng với chính “ông ấy”. Đây là một cửa hàng lớn với những cửa sổ cao giống như những bức tường thủy tinh. Bên trong không có người khách nào, nhưng rất nhiều người đang đứng ở bên ngoài. Có rất nhiều thực phẩm đủ loại, chỉ riêng dồi và thịt thôi mà đã có đến ít nhất bốn mươi loại, cũng như có nhiều loại phó mát vân vân. Tuy nhiên khi chúng tôi vừa mới rời đi thì hầu hết các hàng hoá đều được lấy ngay ra khỏi các quầy để mang đi. Tức thì dòng người bên ngoài tràn vào vét sạch tất cả những gì còn sót lại. Người của toà đại sứ đã theo dõi cảnh này và sau đó kể lại cho tôi. Hoá ra đây là “ làng Potemkin “ di động, theo cách nói của chúng tôi.

Chúng tôi được đưa đến Đại học Bách khoa Bucharest, tọa lạc ở một quận mới. Mọi thứ ở đây được sắp đặt và xây dựng khá tốt- các toà nhà lớp học, ký túc xá, nơi ở của giảng viên. Nhưng thật là buồn khi thấy những người trẻ hô vang không ngừng- “ Ceausescu- Gorbachev! Ceausescu-Gorbachev! “ Tôi bước đến họ và cố gắng bắt chuyện, nhưng họ vẫn tiếp tục hô vang không ngừng. Tôi nắm tay họ và nói chuyện trực tiếp với họ vài lần: “ Này, này! Sao em không ngừng lại ! “ Tôi bắt đầu nói chuyện, nhưng đáp lại tôi chỉ nhận vài câu lấy lệ và rồi lại vẫn những tiếng hô vang “ Ceausescu-Gorbachev! “ Rốt cuộc tôi chẳng nói chuyện được với ai.

Thật là bi hài khi thấy Ceausescu đề nghị nền kinh tế Romania là một mẫu mực cần bắt chước. Dù sao, trong bao nhiêu năm nay tôi đã cố gắng để cho dân chúng tham gia tích cực hơn vào sự quản trị nhà nước và vào sự quản lý kinh tế ở mọi cấp. Nhưng, chừng nào hệ thống quan liêu - chuyên chế còn tồn tại thì xét cho cùng tất cả những cố gắng này đều vô ích.

Tôi không thể phủ nhận hoạt động ích lợi của công đoàn, tổ chức đoàn thanh niên, hay, chẳng hạn, hội kiến thức, các hội trí thức nghệ sĩ, hay các hội nghị sản xuất ở nhiều xí nghiệp. Tuy vậy, nói chung những tổ chức này và những tổ chức quần chúng khác đang làm tròn những vai trò đã định trước cho họ. Những nhóm này tạo ra sự ủng hộ cần thiết cho địa vị độc quyền của đảng cầm quyền, hay, nói một cách chính xác, họ hình thành một nhóm hẹp bao che lẫn nhau. Bất kỳ nơi nào có độc quyền, độc tài, trì trệ, thì sự thoái hoá là tất yếu, và không có bất kỳ sự trang trí giả dân chủ nào có thể che dấu điều ấy.


Nguồn :
Dịch từ tác phẩm “ Hồi ký “ của Mikhail Gorbachev, nhà xuất bản Doubleday, New York, 1995,  trang 473-478. Bản dịch tiếng Anh của Georges Peronansky và Tatjana Varsavsky. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

TRẦN QUỐC VIỆT

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178