Trầm Tử Thiêng và những lần ‘nghiêng tai soi lại đời mình’


Trầm Tử Thiêng và 
những lần ‘nghiêng tai soi lại đời mình’


Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tại Trung Tâm Học Liệu. Ảnh: Đỗ Thái Tần cung cấp.

“Ông ấy hay lắm. Sống với ông ấy rất hạnh phúc. Ông không bao giờ gắt gỏng. Ông là một người rất chung thuỷ.”
Người phụ nữ không thể nào giấu được nỗi niềm tự hào xen lẫn hạnh phúc khi nhắc đến người đàn ông tài hoa của đời bà, ông Nguyễn Văn Lợi – Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Trong chương trình nhạc thính phòng, tưởng niệm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng diễn ra ở Little Saigon vào Tháng Hai, 2020, bà cũng đã xuất hiện với vai trò là “một nửa” của ông. Bà chính là Đỗ Thái Tần – nguồn sáng tác vô tận của ông, người mà bạn bè ông hay gọi với cái tên thân mật: “chị Lợi”. “Mười năm yêu em”, “Đêm nhớ về Sài Gòn”, “Gửi em hành lý”…và rất nhiều nhạc tình khác, ông đều viết lên bằng ngòi bút pha mực tình yêu to lớn ông dành cho bà, cho quê hương.

Trầm Tử Thiêng – Người tình thuỷ chung

Gia tài âm nhạc họ Trầm để lại rất đa dạng và phong phú. Nhạc phẩm của ông là mảng ghép giữa tình yêu, thân phận, quê hương và đời chinh chiến. Từng giai đoạn, từng biến cố của đất nước đều ảnh hưởng rất lớn đến ca khúc của họ Trầm. Cuộc đời sáng tác của Trầm Tử Thiêng có thể nhìn ở ba giai đoạn quan trọng, trước biến cố 30 Tháng Tư năm 1975, sau năm 1975 và những năm tháng ông lưu lạc ở quê người.
Dù viết về quê hương, về phận người, về tình yêu đôi lứa, ca khúc nào cũng chỉ là một Trầm Tử Thiêng đau đáu với nước Việt điêu linh, khắc khoải tôn thờ mối tình “Nhất nhật phu thê bách nhật ân, bách nhật phu thê tự hải thâm” (Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa, trăm ngày vợ chồng tựa biển sâu.)

Cố thi sĩ Du Tử Lê – người bạn vong niên từ thuở còn ở Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng cho đến suốt những năm sống ở quê người từng nói rằng, bạn của ông là một người có cuộc sống khép kín chứ không cô độc, không lẻ loi.

“Ông ấy ít tâm sự với bằng hữu về đời sống tình cảm, chỉ một vài người biết thôi. Ông ấy là người đối xử với bằng hữu rất tử tế, như bát nước đầy. Đó là một người đối với bằng hữu hay lắm, nhưng lại là một người rất kín đáo về đời sống riêng.”

Có lẽ là một người có lối sống kín đáo, không quen thổ lộ lòng mình bằng lời nói nên Trầm Tử Thiêng đã im lặng nhìn người phụ nữ ông yêu bước lên thuyền hoa về nhà chồng.

“Suốt bao nhiêu năm chúng tôi thân thiết với nhau, tôi lúc nào cũng xem ông ấy như một người anh cả. Ông ấy thì yêu mà không dám nói. Mãi cho đến khi tôi đi lấy chồng, ông cũng không nói,” bà Thái Tần kể lại, vẫn là giọng nói ngời hạnh phúc.

Nhân chứng của mối tình “khắc cốt ghi tâm” ấy, là bà Minh Phú, người từng có thời gian dài làm việc chung với ông tại Trung Tâm Học Liệu (từ năm 1970 đến 1976). Bà Minh Phú kể lại, nguyên nhân mà nhạc sĩ họ Trầm ngại ngần không dám thổ lộ mối tình đơn phương của ông chính vì bốn chữ “môn đăng hộ đối.” Ngày đó, dù đã là một nhạc sĩ tài năng, ông vẫn là thầy giáo nghèo Nguyễn Văn Lợi. Bà Tần là tiểu thư con của chủ tiệm kim hoàn với những đồn điền cao su bạt ngàn, sống trong “lầu vàng gác tía.” Nhà của ông thì… không bằng cái garage nhà của cô tiểu thư ấy.

“Tiệm vàng lớn trên đường Tôn Thất Đạm và Hàm Nghi là của gia đình tôi. Nhà của tôi khi ấy nằm ở góc đường Hồng Thập Tự và Pasteur. Chị em của tôi đều được đi học ở ngoại quốc,” bà Tần nhắc lại thời niên thiếu.

Mãi cho đến năm 1970, khi Trầm Tử Thiêng biết bà chuẩn bị đi bước nữa, ông mới quyết định không giữ im lặng cuộc tình của mình. Cuộc tình của ông và bà mới được duyên giai ngẫu.

“Gia đình mai mối cho tôi nhiều người có điều kiện hơn ông nhưng tôi không chịu. Má của tôi khi đó nói nếu tôi lấy ông Lợi là sẽ từ tôi. Nhưng, tôi đã quyết thì không thay đổi. Tính tôi bướng bỉnh, thẳng thắn. Tôi nhớ sau này khi chúng tôi gặp lại nhau ở Mỹ, tôi khuyên ông đi lấy vợ đi. Ông giận, còn la tôi nữa. Ông nói ông không thể gặp một người thứ hai như tôi.”

Bà Đỗ Thái Tần nhận hoa từ Ban Tổ Chức đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
 (Chủ Nhật, 23 Tháng Hai, 2020). Ảnh: Minh Phú

Những ký ức vẫn nguyên vẹn như ngày nào, qua lời kể của bà Thái Tần: “Ông ấy tài hoa lắm. Cái gì cũng có thể khiến ông ấy viết thành nhạc. Ngày đó tôi là giáo viên. Có những ngày tôi về nhà kể với ông là ‘Anh ơi, tuần tới em có tiết dạy…’, thế là ông sáng tác một ca khúc có hình ảnh đó để tôi mang vào lớp dạy cho học trò”.

Bà kể thêm, ông còn nói rằng, nếu không có bà, ông sẽ không viết được nhạc, không thể sáng tác. Bà chính là nguồn cảm hứng vô tận của ông, khi viết về tình ca, lẫn tình quê hương.

Nhạc tình của Trầm Tử Thiêng chính là tiếng vọng của trái tim ông. Tiếng vọng đó khắc hoạ từ những chuỗi ngày nhìn bà bước sang ngang, rồi hạnh phúc khi có bà, rồi lại đau khổ nhìn bà rời quê hương. Vì một chút tự ái, ông đã để vuột mất bà lần thứ hai trong đời ngày 30 Tháng Tư, năm 1975.

Sĩ diện, tự ái, ông từ chối đề nghị của nhạc phụ muốn ghép tên ông vào hồ sơ di tản của gia đình vợ. Ông từ chối với lý do ông còn vướng bận người mẹ già và đứa em nhỏ. Bà Minh Phú nhắc lại lời tâm sự của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng nói với bà rằng: “Trong đời, tôi chưa làm điều gì sai phải hối hận nhưng việc từ chối không đi Mỹ theo gia đình chị Tần là việc tôi làm rất sai.”

Từ 1975 đến 1985 là mười năm tang tóc đối với một nghệ sĩ như họ Trầm. Không có bà, không còn tự do trên chính quê hương mình, sáng tác và tài năng của ông như đống tro tàn trên ngọn lửa chế độ. Sau nhiều lần vượt biển không thành, cuối cùng ông cũng đến được bến bờ tự do. Ông bà gặp lại nhau. Ông lại tiếp tục sáng tác. Những sáng tác của ông sau 1985 hầu hết là những bài khắc hoạ số phận lênh đênh của dân tộc Việt.

Có ai đã từng một lần nhìn vào tấm ảnh úa vàng có in dấu những mảng vụn vỡ của Sài Gòn ngày cũ, rồi thẫn thờ nhớ về tháng ngày đã qua, thấy mình như đứa trẻ mồ côi lạc loài? Trầm Tử Thiêng đã từng như thế.

Tình yêu ông dành cho quê hương cũng sâu đậm như tình ông dành cho bà. Nếu như mười năm trước ông gửi bà mang đi rừng thiêng Việt Bắc, một câu vọng cổ, màu hoa phượng vỹ, thì khi đến xứ người, ông vẫn bị ám ảnh bởi những cuộc ra đi.

Từng đoàn người lũ lượt kéo nhau đi, rồi lũ lượt kéo nhau trở về trong tiếng cầu kinh. Đi đâu? Ai đi? Ai trở về? Trầm Tử Thiêng không hề nhắc đến. Chỉ thấy rằng trùm phủ trong ba nốt nhạc ấy là thân phận của dân tộc Việt Nam, qua hình ảnh của người mẹ đêm đêm vọng cầu lời Kinh Khổ. Ba nốt nhạc vang lên đều đặn như tiếng gõ mõ cầu kinh, hiền lành nơi cửa từ bi nhưng tiếng vọng thì ai oán xé nát màn đêm.

Trầm Tử Thiêng tiễn vợ và hai con, lặng lẽ “Gửi em hành lý” chấp nhận cuộc chia ly biền biệt, chấp nhận:

        “Đời anh tan hoang giờ chỉ còn thế.

        Còn thế là quý. Gởi em mang đi…”

Ông biết người phụ nữ ông yêu rất yêu thích cải lương, nên ông đặt trong “hành lý” ông gửi bà mang theo rời quê hương những “bài Nam Ai, sang sư líu, hơi đàn bầu.”

        “Gởi em mang đi vài câu Vọng Cổ

        Bài ca Nam Ai, nhạc sang sư líu

        Lời ca dao hơi đàn bầu

        Se thắt lòng sầu..”



Mười năm ở lại, là mười năm ông khắc khoải với nỗi ân hận đã để vuột mất bà lần thứ hai trong đời. Từng câu, từng chữ của “Mười năm yêu em” là một nỗi đau bất tận trong đời ông.

Trái tim của Trầm Tử Thiêng suốt một đời đập cùng nhịp đập của đất nước. Ông yêu quê hương như chính thân phận mình. Hơi thở của ông đầy, vơi theo con nước thuỷ triều trong dòng sông vận mệnh của nước Việt. Bao nhiêu năm sống lưu lạc xứ người, cho đến cuối đời mình, ông vẫn nghĩ về “Một đời áo mẹ áo em.”

Trầm Tử Thiêng cùng Trần Đình Quân và Nguyễn Thị Nhuận
trong Buổi Hát Cho Người Vượt Biển tại hội trường nhật báo Người Việt (1986).

Khi ông “nghiêng tai soi lại đời mình” cũng chính là lúc ông nhìn lại hoàn cảnh thân phận của người Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam, gậm nhấm những kỷ niệm “dù là không đầm ấm.”

Kỷ niệm, là những gì đã trôi qua tầm tay, thuộc về một sân ga có tên là quá khứ. Mỗi một ngày, sân ga ấy lại xa hơn trên con đường phía trước. Thế nhưng, như định luật bất thành văn, mỗi khi tình cờ nhìn lại một kỷ vật, hay đôi khi chỉ cần nghe một tiếng cười, đi qua một mùi hương thoảng quen nào đó, thì tất cả ký ức như ngọn lửa cuồn cuộn tràn về.

“Ông đưa tôi giữ tất cả những gì gọi là ‘tài sản’ của ông. Từ cái thể quân nhân, cái bằng lái xe, cho đến gia tài vô giá là những sáng tác của ông. Tôi giữ hết để đợi đến một ngày, tôi thực hiện tâm nguyện của ông, đó là giới thiệu và giải thích ý nghĩa, nguồn gốc của những ca khúc đó cho khán giả, người yêu nhạc của ông,” bà Thái Tần nói.

Từng nốt từng chữ trong ca khúc của Trầm Tử Thiêng là nụ cười, là nước mắt, là hạnh phúc, là nỗi nhọc nhằn, là sự tả tơi của người trở về sau cuộc chiến, là những lần ông “nghiêng tai soi lại đời mình.” Một từ ông viết ra là một minh chứng, một câu chuyện của quá khứ, lịch sử. Do đó, theo bà, khi người hát đổi lời ca khúc, là đã thay đổi tất cả.

Bà nói, “Tôi thuộc tất cả ca khúc, nhớ hết các câu chữ, từ dấu chấm cho đến dấu phẩy. Tôi sẽ sớm hoàn thành ước nguyện của ông ấy, để tất cả tác phẩm của ông đến với thế nhân đúng như ông đã sáng tác.”

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025