Việt Nam: Dã man vô nhân tính không có điểm dừng!

Việt Nam: Dã man vô nhân tính không có điểm dừng!



Đỗ Duy Ngọc

Mấy hôm nay trên báo chí và mạng xã hội xôn xao nhiều chuyện. Trước hết là chuyện một cô bé 17 tuổi lấy trộm chiếc váy trong một cửa hàng ở Thanh Hoá. Không bị bắt tại trận nhưng có lẽ phát hiện sau đó qua camera, chủ tiệm đã đăng lên đe doạ sẽ báo công an. Cô bé đã đến xin lỗi và mong được đền tiền chiếc váy. Thế nhưng cô bé đã bị đánh đập tàn nhẫn, bị cắt áo lót bằng kéo và bị yêu cầu đền bù 10 triệu. Dã man!

Dù biết hoàn cảnh cô bé rất khó khăn, thèm chiếc váy mà trở thành kẻ cắp. Chúng ta không đồng tình với hành động ăn cắp. Không thể viện cớ nghèo mà phạm tội. Thế nhưng chúng ta cũng không thể đồng tình với thói tàn nhẫn và ỷ thế có tiền mà chà đạp lên nhân phẩm người khác. Đó hành vi xâm phạm quyền con người, nhất là cháu bé chưa đủ tuổi thành niên. Chưa kể dùng sức mạnh và đòn tra tấn để tống tiền kẻ phạm tội. Thời nay kẻ ỷ có chút tiền lên mặt và khinh thường người nghèo nhiều lắm, đông như quân Nguyên. Bởi thời bây giờ người ta dựa vào đồng tiền mà xử.

Bà mẹ của nạn nhân nói: “Cháu trót dại, có lỗi và đã biết mình sai, lên quán xin lỗi, bồi thường cho cô chủ. Là người mẹ, xảy ra việc này cũng là lỗi của tôi nên mong mọi người chia sẻ, thông cảm để cháu sớm ổn định trở lại”. Câu nói của bà mẹ cho thấy gia đình đã nhận lỗi. Chiếc váy giá chỉ 160,000 đồng (khoảng $7) và gia đình cũng như kẻ có tội đã nhận tội và xin được đền bù. Nhưng kẻ giàu lại muốn lấy gấp vài chục lần giá trị vật đã bị lấy cắp. Hành động của họ không chỉ là tàn ác của kẻ hút máu người mà còn thể hiện tính tham lam vô độ.

Thời đại gì mà những kẻ có tiền trở thành quan toà và luật pháp. Một xã hội vô pháp vô thiên. Miệng kẻ có tiền có gang có thép bỗng dưng biến thành Bao Công hết lên án kẻ này đến kể tội người khác. Và rồi công an, luật pháp lại chạy theo những lời tố cáo không bằng cớ đó. Nhà nước, toà án, công an trở thành công cụ nghe theo miệng lưỡi của kẻ có tiền. Lạ thật đấy! Rồi bỗng dưng nhiều người oan ức lại lên tiếng với kẻ có tiền xin có tiếng nói giúp họ với nhà nước, với luật pháp. Buồn cười chưa? Rồi họ trở thành anh hùng bảo vệ công lý trong mắt một số người.

Một chuyện nữa cũng râm ran là chuyện cô giáo tự tử ngay trong phòng họp của một trường học ở trường Hoàng Quốc Việt (quận 7, Sài Gòn). Theo báo chí tường thuật thì cô giáo này bị trù dập từ khi tố cáo những tiêu cực của Ban Giám hiệu nhà trường. Cuộc đấu tranh của cô giáo đã đưa đến kết quả là cô giáo bị ngưng “đứng lớp”, bị đưa xuống làm lao công, bị nhà trường đưa ra hội đồng xét xử. Không có lý do gì trong một cuộc họp xét kiểm điểm giáo viên mà lại có mặt của Hội Phụ huynh và đại diện công an.

Nội chuyện đó đã sai rồi. Cũng không hiểu tại sao nhà trường thời nay thường có hình thức kỷ luật giáo viên là không cho phép giảng dạy và bắt giáo viên làm việc như người lao công. Thầy Cô khi tốt nghiệp ra trường đến nhận trường lớp với công việc là dạy học. Nếu vì một lý do nào đấy bị kỷ luật thì cho nghỉ việc hay cảnh cáo ghi vào hồ sơ cá nhân.

Không nên bắt Thầy Cô giáo trở thành lao công trong nhà trường, tính sư phạm trong một trường học không cho phép làm thế. Bởi làm như vậy là hạ nhục và chà đạp nhân cách của Thầy Cô giáo. Học sinh sẽ nghĩ gì khi ngày hôm qua những người đó là người đứng trên bục giảng, là Thầy Cô của chúng, hôm nay thành người lao công hốt rác giữa sân trường? Người ta cứ hô hào nghề giáo là nghề cao quý mà đối xử với họ chẳng có chút nhân văn. Chưa bao giờ kiểu gọi công an để can thiệp vào chuyện nội bộ của nhà trường lại luôn xảy ra trong trường học nhiều như hiện nay. Dùng lực lượng công an để trấn áp giáo viên là sai bét rồi.

Khi một con người đã chọn cho mình cái chết để giải quyết là lúc họ đã cùng đường. Nhà trường bây giờ nhiều nơi là chốn gió tanh mưa máu không còn là chốn mô phạm nữa rồi. Người ta tranh giành quyền lực, chụp giật cơ hội, tìm đủ cách để kiếm lợi. Và từ đó nhà trường biến thành chợ chữ và Thầy Cô giáo trở thành kẻ bán chữ. Cho nên phụ huynh và cả học sinh không còn tôn kính Thầy Cô như ngày xưa nữa. Người Thầy không còn là tấm gương cho học sinh. Nhà trường không còn là nơi dạy học sinh làm người và truyền thụ kiến thức. Và đó là nguyên nhân mọi đạo lý bị đảo lộn, xã hội bị tha hoá đến cùng cực. Khi không được học làm người trước khi học chữ, những đứa trẻ đó sẽ không giữ gìn đạo lý, không học được cách cư xử với mọi người, trở thành kẻ thực dụng và tàn nhẫn với chính đồng loại của mình.

Cách kỷ luật tước quyền hành nghề của giáo viên như hiện nay là lối thi hành quyền lực phi lý. Có thể cho họ nghỉ việc chứ không được biến họ thành nhân viên lao công trong nhà trường. Đó là kiểu hành xử không có luật pháp. Đã đến lúc chấm dứt kiểu này trong môi trường sư phạm. Đó là cách xử lý phi giáo dục.

Cũng đã đến lúc Thầy Cô giáo tự vấn lương tâm đã làm tròn chức năng của người Thầy chưa? Cũng đã đến lúc những lãnh đạo trong nhà trường phải thay đổi cách thức lãnh đạo trong một ngôi trường. Đã đến lúc những quan chức ngành Giáo dục cần chỉnh đốn những mục nát của nền giáo dục nước nhà. Khi Thầy không còn là Thầy, trò không còn là trò, nhà trường không còn là nhà trường nữa thì giáo dục đã xuống tận cùng của hố thẳm rồi.

Sài Gòn, 5 Tháng Mười Hai 2021

Đỗ Duy Ngọc

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025