Nghề Chơi!

Nghề Chơi!

"Đáng giá nghìn vàng"


Đoàn Xuân Thu

Có những nghề theo thời gian mai một dần đi rồi biến mất như nghề thắp đèn đường ở các thành phố bên Tây chẳng hạn.
Nhưng có một nghề, dẫu xưa như trái đất, nhưng chắc chắn là khi nào còn con người trên trái đất là nó còn sống hùng, sống mạnh, sống phây phây; đó là nghề bán phấn buôn hương nếu nói một cách văn chương.

Thời phong kiến, còn chế độ nô lệ, buôn người, thì là: kỹ nữ, gái lầu xanh.

Thời Pháp thuộc vì Tây rất thích nhảy đầm, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen thì là: ‘cave’ (cavalière), là “gái nhảy”.

Thời CS, trẻ đẹp như người mẫu, diễn viên mà làm nghề nầy thì là: “gái gọi”; vì em có iPhone 13 để khách gọi cho em.

“Em tính làm bồ nhí, vợ hờ, gái bao cho quan viên cỡ bí thơ tỉnh lấy lên, tiền ăn cắp của dân nhiều vô thiên lủng, một thời gian khi nào mua được nhà lầu, xe ô tô thì sẽ hoàn lương lấy chồng”. He he!

Còn khi phấn lạt hương phai, ế dài dài mà chưa đủ tiền mua nhà lầu, xe hơi thì từ hàng cao cấp, kiều nữ sẽ là hàng dạt, dạt xuống làm gái ăn sương, hành nghề khi sương xuống lạnh. Rày đây mai đó, từ động nầy trôi qua động khác thì gọi là gái giang hồ…

Còn tiếng lóng, đời gọi em biết bao lần, là: em út, hàng, phò, phạch, bớp, gà lạc, gà công nghiệp (để chèo kéo khách hảo ngọt đi đá gà).

Lầu xanh, bên Úc nầy gọi là đèn đỏ. Chủ động gọi là ‘Má mì’ .Các nơi nầy là ổ nhền nhện dệt tơ, giăng lưới để khách làng chơi bay bướm vướng vào, là âu yếm châm chích vào túi tiền của khách làng chơi tới khi cạn quéo. Chính vì vậy mà tiếng Anh gọi Kiều nương là ‘Hooker’. Hook là lưỡi câu ‘khách’.
 
Nhắc tới lầu xanh chúng ta không thể nào không nhắc tới Thúy Kiều trong Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.

Tú Bà là chủ chứa, Sở Khanh là ma cô cùng toa rập bày mưu tính kế khiến Kiều đành phải bán phấn buôn hương.

Muốn lên làm chủ thì Tú Bà cũng có một thời làm công nên kinh nghiệm ái ân tràn đầy. Kiều, nai tơ, phải ‘bái’ Tú Bà là Sư mẫu.

Tú Bà ân cần truyền nghề bán thịt sống cho Thúy Kiều như vầy: “Ở đời ai cũng như ai; người ta ai mất tiền hoài đến đây”. “Nghề chơi cũng lắm công phu. Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.”

Ngoài cái vũ điệu ái ân là phải tùy theo khách làng chơi mập, bụng phệ hoặc ốm tong ốm teo như cây tre miễu, già khú đế như Bạch Mi lão tổ hay mặt còn hôi sữa như Hồng hài nhi mà chọn những điệu thức thích hợp cho từng đối tượng.

Kiều nương còn phải đóng vai đào thương thuần thục nữa. Phải biết khóc tỉ tê làm cho khách xúc động đem lòng thương xót. “Mẹ ốm, cha đau; nhà ngập nước!”

Còn khóc hoài hết thằng nầy đến đứa khác làm tuyến lệ cạn queo thì vắt vài giọt gừng vào chiếc khăn tay mà sụt sịt. Nước mắt sẽ tuôn ra như suối. Chiêu đó gọi là Khấp.

Dính chấu rồi là thề nguyền một thủy chung như nhất, cắt tóc để làm tin. Ðứa nào đem lòng bội phản là bà bắn nó. Chiêu nầy gọi là Tiện.

Lâu lâu, dắt chàng đi Sở Thú, không phải để làm trò khỉ trước thanh thiên bạch nhật mà lại cái gốc cây nào đó khắc tên hai đứa nằm đè khít lên nhau để tỏ lòng yêu. Chiêu đó gọi là Thích.

Rồi đốt hương, chích vào tay, bỏng, rát muốn chết, thề: “Bao giờ cạn lạch Ðồng Nai. Nát Chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền!” Chiêu nầy gọi là Thiêu.

Tình đã nồng, duyên đã đượm thì em tỉ tê xin chàng lượm em về. Tình ta mới đầu là ‘casual’, (thời vụ), thấy khách mê mồi là khách rồi đời thì xin chàng cho em được phục vụ chàng ‘part time’, (bán thời), ưu tiên cho chàng xí chỗ trước.

Nếu chàng quả là đại gia, tiền bạc nhiều vô thiên lủng thì xin cái job ‘full time’ tức toàn thời về làm vợ lẻ cũng được. Chiêu đó gọi là Giá.

Ðôi khi giả bộ rủ chàng ra bến sông, đưa tay bịt lỗ mũi ngừng thở, nhảy xuống tự trầm để sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách. Chiêu nầy gọi là Tử !

Hồi xưa, kỹ nữ là nô lệ, muốn được ‘giải phóng’ thì phải đem tiền mà chuộc em ra. Thấy chàng chơi sộp thường vung tay quá trán, ngàn vàng mua một trận cười như không thì giả bộ rủ chàng trốn đi xây tổ uyên ương.

Cầm bằng lâu lâu trúng mánh số đề, chàng chơi nổi chớ thực ra là thường vét cơm nguội với nước mắm kho quẹt thì kiều nương kêu cái đám chăn dắt gái, ma cô hay mặc rô (maquereau), hù cho chàng sợ chạy mất dép.

Mậu lúi mà đeo theo hoài thì làm sao mần ăn gì được chớ?! Chiêu đó gọi là Tẩu.
 
Ông anh nào lỡ dính vào mạng nhện thì khỏi mong vùng vẫy vì dẫu thông minh cái thế thì đàn ông bao giờ cũng toàn là một lũ dại gái mà thôi. Chính vì tài nghệ giường chiếu tuyệt vời, miệng lằn lưỡi mối nên các nhà thơ vốn lù khù dễ tin, chồn đèn mắc bẫy tình yêu.

Ðỗ Mục: “Mười năm sực tỉnh Dương Châu mộng. Luống hận lầu xanh phụ bạc hoài.

Bị đá đít vì nhà thơ tiền đâu có bao nhiêu, thôi dông về với Má bầy trẻ, cớ chi mà cứ khóc hi hi hoài hè?!

Nhưng với nhà thơ Tú Xương của chúng ta là không ăn thua gì sất mà còn bị Tú Xương xí gạt lại; vì ‘Xương’ thì có chút ‘Thịt’ nào đâu cho mấy kỹ nữ lầu xanh nầy gặm chớ?

    “Vị Xuyên có Tú Xương. 
    Dở dở lại ương ương. 
    Cao lâu thường ăn quịt. 
    Thổ đĩ lại chơi lường.”

Tui vốn nghèo nên tình nguyện xin theo nhà thơ đất Vị Xuyên nầy tập tễnh thói ăn chơi mà không phải tốn tiền…

Chỉ e rằng bọn ma cô, mặc rô chăn dắt gái, nó quánh cho một trận về em yêu nhìn hổng có ra tui mà thôi!

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180