ĐỢI

 


ĐỢI

Tác giả: ĐẶNG CHÍ HÙNG

Cộc..Cộc Cộc…Cộc..!

Những tiếng gõ cửa khô khan vang lên bên ngoài cánh cửa ọp ẹp được phủ kín bằng vài tấm bìa các tông mỏng. Bên ngoài được phủ một lớp ảnh cắt ra từ những tờ báo cũ hay tạp chí. Toàn là ảnh các cô gái Thái xinh đẹp trong trang phục hở hang. Không chắc trong những tấm hình đó bao nhiêu là đàn ông chuyển giới, bao nhiêu là cô gái đã qua phẫu thuật thẩm mĩ. Nhưng chắc chắn một điều đó là thứ giải trí thích thú của Đợi. Đơn giản bởi vì anh chỉ có một chiếc điện thoại cùi bắp không cả màn hình màu. Anh chẳng có tivi, không hề có radio. Thôi thì ngắm mấy cô gái đẹp như là một món giải trí vậy.

Có tiếng ai đó ngoài cửa:

- Anh Đợi có trong phòng không ? Em vào nhé ?

Thì ra là tiếng của Lan, cô gái Việt Nam cùng chung dãy trọ với Đợi. Cô ấy mới qua được vài tháng, còn Đợi thì đã ở đây cả 2 năm. Như thế Đợi là ma cũ và Lan thì là ma mới. Nhưng ma cũ ở chỗ này không muốn bắt nạt thứ ma cũ như Lan. Một phần Lan là phận gái, một phần là Đợi cũng có chút cảm mến. Quan trọng hơn cả là cả Lan và Đợi cũng giống nhau ở thứ cuộc sống hiện tại, có hơn nhau gì đâu mà bắt với cả nạt.

- Cứ vào ! Anh không khóa cửa. Đợi đáp nhẹ nhàng.

Lan đẩy cửa vào, không chờ cho Đợi nói mời ngồi thì cô đã ngồi bịch xuống sàn được dán một lớp thảm bằng nhựa rẻ tiền bán đầy ở các siêu thị tại Băng Cốc. Lan vồn vã:

- Anh Đợi đã gửi tiền về nhà chưa. Em định nhờ anh đi gửi luôn. Em chưa biết mô tê gì mà gửi cả.

- Anh chưa gửi, để anh gửi giúp cho. Ghi tên người nhận, địa chỉ, số điện thoại và đưa anh tiền. Mai anh ra chỗ Western Union gửi cho. Đợi đáp lại Lan kèm thêm một nụ cười.

Nét mặt Lan như giãn ra sau những phút đầu có vẻ lo âu. Giờ đây có lẽ một việc mà Lan đang lo lắng đã được giải tỏa phần nào. Dù sao thì Lan cũng có chút cảm mến Đợi vì anh giúp cô đủ thứ chuyện. Từ sửa cái bóng đèn đến chỉnh hộ cái vòi nước. Dù sao thì cô quê ở Nghệ An, Đợi quê ở Hà Tĩnh. Hai tỉnh là hàng xóm, láng giềng của nhau. Nhất là khi họ cùng giạt đến cái đất này. Đất Băng Cốc nơi xứ người và cùng chung cái mục đích mưu sinh cho minh, mưu sinh cho những miệng ăn nheo nhóc ở quê nhà.

Sau nụ cười, Lan chợt thấy buồn buồn. Ngồi im một lúc cô nói với Đợi:

- Em chỉ đổi được 3 triệu đồng. Gửi về ít quá thì cũng tốn tiền gửi mà không gửi thì không được.

Đợi ngạc nhiên hỏi Lan:

- Sao em không đợi được nhiều nhiều rồi gửi cả thể ?

- Không được đâu anh. Em cũng tính thế mà không được. Ở nhà bố mẹ em gọi điện sang nói rằng cần tiền đóng học cho thằng út học lớp 4. Với lại họ cần 1 triệu đồng để đóng tiền xây dựng tượng đài Bác Hồ ở xã. Các ông bà bên ủy ban ngày nào cũng đến nhà em giục bố mẹ em phải đóng tiền cho kịp. Lan buồn rầu đáp.

Đợi cười khẩy, nét mặt anh có chút cau có:

- Tượng với chả đài ! Anh đi làm ở Sing hồi trước chẳng thấy mấy tượng đài đó. Dân họ thì giàu bỏ xừ. Dân mình thì nghèo chết cha rồi còn tượng với đài.

Lan không trả lời Đợi mà chỉ cúi đầu lặng thinh. Cô đếm đếm những tờ tiền mới đổi từ chỗ mấy người chuyên đổi tiền về. Có tờ còn mới, nhưng đa phần thì hơi cũ vì qua tay luân chuyển nhiều. Nhưng với Lan, cũ và mới cũng chẳng quan trọng, miễn là nó là tiền để gửi về cho bố mẹ và 4 đứa em còn đang nheo nhóc ở vùng quê mà khi cô sinh ra đã được người ta nói rằng đó là vùng quê linh thiêng sinh ra lãnh tụ vĩ đại của đảng cộng sản Việt Nam – ông Hồ Chí Minh.

Mặc dù sau này cô có loáng thoáng nghe đám bạn nói về việc người ta phanh phui ra ông Nguyễn Sinh Cung đã chết, còn cái ông Hồ bây giờ chẳng có tí dây mơ dễ má gì với cái làng quê nghèo của Lan cả. Cái ông bây giờ nghe đâu quê tận bên Tàu. Nhưng Lan thì chẳng quan tâm đến điều đó. Cô lo ăn còn không xong, lại phải lo cho gia đình. Phần vì cô nghĩ mình là phận nữ nhi nên cô chỉ nghe rồi để đó.

Ngày Lan còn đi lao động xuất khẩu ở Mã, cô đã từng thấy đám công nhân Việt bên đó chửi cha ông Hồ. Đám công nhân ấy nói rằng nếu không có ông Hồ thì các ông mày đây đã không phải vác xác đi làm nô lệ cho Mã, cho Đài, cho Hàn rồi. Lan có nghe, nhưng cô đã cố cãi lại:

- Mấy anh nói chuyện tào lao. Không có Bác Hồ làm gì có Việt Nam.

Lan bực mình khi mấy thằng cha đó giải thích rằng Việt Nam có trước ông Hồ. Mấy nước như Nhật, Sing, Thái chằng có đảng cộng sản, cũng chẳng có ông Hồ, ấy thế mà chúng nó cứ giàu, chúng nó cứ bắt mình làm nô lệ. Lan vẫn tin rằng đám đó là đám phản động mà thôi…

Nhưng Lan thì chẳng muốn ghi nhớ hay lưu luyến gì những ngày tháng bên Mã đó. Cô bị chủ đánh, chủ thu mất Hộ Chiếu mà gào thét mãi cái đám đại sứ quán Việt Nam bên đó cứ làm ngơ. Lan may mắn mà trốn về được Thái để làm việc chui lủi. Và cô đã may mắn gặp được Đợi ở Băng Cốc.

Lan đã về phòng mình sau khi đưa tên, địa chỉ và cả tiền cho Đợi để mai mốt anh chàng đi gửi tiền về Việt Nam. Anh chàng chỉ còn lại một mình. Trong căn phòng sặc mùi khói thuốc sợi cuốn bằng giấy báo rẻ tiền, anh lại nghĩ về mình. Nhìn con thạch sung đang chạy qua chạy lại trên trần nhà, Đợi lại nghĩ vẩn vơ nó cũng giống như anh đó là không có đôi có lứa. Có lẽ con thạch sùng nó cũng sống trong một khu nhà nghèo như chính số phận của Đợi nên nó cũng cô đơn như anh. Đợi nghĩ đúng thật là đời, nghèo nên chỉ có một mình mà thôi.

Đợi châm một điếu thuốc. Khói thuốc tràn ngập khắp phòng. Đợi phải mở cái cửa sổ bé xíu ra cho đỡ ngột ngạt. Cái cửa sổ không hề có chấn song đó là nơi anh thấy được ánh mặt trời và thò đầu qua nó để mà ngắm con ngõ nhỏ nơi anh trọ. Đặc biệt là được căng ngực mà thổi, mà rít những hơi thuốc lá cho thư giãn sau những giờ phút khuân vác gạch ngói trong những công trường xây dựng đầy rẫy hiểm nguy và nặng nhọc.

Đợi thò đầu ra cửa sổ như mọi khi, anh vừa rít thuốc vừa ngó lên trên trời. Lâu lắm rồi anh mới thấy ánh trăng trong cái thành phố lúc nào cũng ồn ào và đầy xe cộ, ánh điện sáng này. Đêm nay trăng khá sáng mặc dù là trăng khuyết. Đợi ngẩn ngơ suy nghĩ vì sao mà lại khuyết nhỉ. Vầng trăng như cái lưỡi liềm đang rọi xuống nơi khu nhà ọp ẹp nơi Đợi đang sống những tháng ngày lao động nơi xứ người.

Đợi nghĩ, ở Việt Nam, mấy đứa bạn cùng quê đang nghĩ Đợi sung sướng lắm bởi vì lúc về làng tuyển lao động qua Sing, mấy ông bà trong công ty tuyển dụng của quân đội đã nói về thành tích rực rỡ đưa công nhân ra nước ngoài lao động của họ. Họ cũng vẽ ra viễn cảnh lương cao, công việc sung sướng. Họ còn nói là nhờ có đảng quang vinh, muôn năm nên những người như Đợi mới có cơ hội đổi đời ở nước ngoài. Nhưng sự thật thì khác hẳn, mấy ông chủ người Sing gốc Tàu đã thu hộ chiếu của cả 120 người trong nhóm anh ngay khi vừa đặt chân xuống phi trường. Đợi phải làm quần quật 10 tiếng một ngày mà lương bổng thì chẳng khá là bao nhiêu. Chán quá Đợi phải trốn về Thái làm việc sau khi 5 lần, 7 lượt đòi lại hộ chiếu không xong. Lại phải gánh cái tiền nợ vay để đóng cho nhà nước để được đi xuất khẩu lao động cho nên Đợi lang thang ở Băng Cốc đã hơn 2 năm qua.

Nghĩ đến đó, Đợi lại chợt nghĩ đến cái tên của mình. Sao lại là Đợi nhỉ ? Đã có lần bà mẹ già của Đợi đã nói với anh rằng vì lúc bà mang thai Đợi được 2 tháng thì bố của Đợi bị bắt buộc lên đường vào Nam chiến đấu. Ở nhà chờ đợi mòn mỏi nên bà đặt tên cho anh là Đợi. Lúc nghe tin ông cụ chết trong rừng Trường Sơn vì một cơn sốt rét rừng, mẹ anh đã khóc ngất lên và nằm liệt giường cả tháng trời. Bà phải cố sống vì Đợi và bà…đợi cho anh khôn lớn thành người để có chút an ủi tuổi già. Thế nhưng dường như cái tên đó lại tiếp tục ám ảnh vào đời anh khi anh mòn mỏi chờ đợi mãi mà chẳng có ai cấp cho mẹ con anh căn nhà “tình nghĩa” để ở vì trên xã lấy lý do bố anh chết vì sốt rét chứ không phải chết vì đạn của địch nên không được ưu tiên nhà. Rồi anh lại đợi mãi mà đến cái tuổi trên 43 mà vẫn chẳng có cô gái nào chịu lấy bởi vì mẹ con anh nghèo quá, chỉ có mỗi căn nhà bé tẹo teo làm chỗ ra vào. Hai mẹ con chỉ sống nhờ vào đôi bàn tay thô rám của Đợi. Nếu đôi bàn tay ấy làm việc không ngưng nghỉ thì may ra mẹ con Đợi mới tạm đủ hai bữa cơm trắng và rau dại luộc qua ngày, còn không thì cháo loãng hoặc sắn luộc, khoai luộc mà thôi.

Thế rồi Đợi nghe người ta quảng cáo sẽ đổi đời nơi xứ người. Đợi và mẹ thế chấp mảnh đất bé tí teo, vay mượn họ hàng xa gần và chịu nợ lại cả gần trăm triệu để đổi lấy tấm vé đi lao động nước ngoài. Đã hơn hai năm qua, cố lắm thì Đợi mới sống tạm được ở Băng Cốc và trả được một phần tư số nợ nần này.

Rít một hơi thuốc dài, Đợi ho khục khặc một vài cái rồi lại mien man suy nghĩ. Không biết rằng cái tên Đợi sẽ ám ảnh anh đến bao giờ. Và tương lai của Đợi sẽ có gì ? Hay tất cả vẫn chỉ là đợi chờ. Những sự đợi chờ trong vô vọng. Đã bao lần Đợi thấy có rất nhiều người Việt ở Thái này nói về chống cộng, nói về đấu tranh nhưng anh thì vẫn cứ dửng dưng. Đợi nghĩ rằng việc đó không phải việc của anh, Đợi chỉ là Đợi quê mùa và chân chất. Đợi còn phải lo cho mẹ già và những khoản nợ nhà nước lúc nào cũng treo trên cổ anh một sợi thòng lọng tuy vô hình mà rất sắc bén. Chỉ cần sảy một chút là sẽ “đứt” như chơi.

Với chừng ấy năm bôn ba nơi xứ người. Trải qua không biết bao nhiêu đau khổ. Cho đến bây giờ, Đợi đã hiểu rất nhiều về lý lẽ của cuộc đời và những thứ xung quanh anh như câu chuyện của Lan tối nay vậy. Đợi tặc lưỡi và rít thêm một hơi thật dài để hết điếu thuốc. Đợi đóng cửa sổ lại và đi ngủ.

Mới 5 giờ sáng, con phố nhỏ còn đang chìm trong giấc nồng để chuẩn bị cho một ngày lao động vất vả và bận rộn. Nhưng Đợi đã phải dạy để chuẩn bị bắt xe bus đi cách đây 50 km để dỡ một căn nhà mà nhóm của Đợi đã thầu được cách nay mấy ngày. Sáng nay, Đợi không uể oải như mọi hôm khi mà chỉ được ngủ 5 tiếng trước khi phải lao vào một ngày đầy nóng, bụi và cực nhọc. Đợi đã dạy từ 4h30 sáng, anh lại hút một điếu thuốc, tự pha cho mình một ly café hòa tan mà thường chỉ có dịp cuối tuần anh mới dám uống để tiết kiệm tiền. Hương café và thuốc lá đã làm anh tỉnh táo hơn, sảng khoái hơn. Đợi móc trong túi áo ra một tờ giấy nho nhỏ đã nhàu nát mà may thay anh chưa dùng nó để cuốn thuốc hút. Anh bấm chiếc điện thoại màn hình đen trắng Nokia của mình với những con số ghi trên tờ giấy có dính lấm tấm vài sợi thuốc lá. Sau một hồi tút ngắn, bên kia có giọng đàn ông bắt máy và rất dõng dạc:

- Anh đã quyết định rồi phải không ? Chúng tôi cảm ơn quyết định của anh vì những gì anh làm không chỉ cho anh mà cho cả dân tộc Việt chúng ta.

Đợi không chút do dự trả lời:

- Vâng ! Tôi đồng ý đi theo cách anh. Tôi nghĩ đủ rồi.

Tiếng người đàn ông vang lên trong điện thoại khá vui vẻ và sảng khoái:

- Tôi nhớ rằng anh đã nói nếu anh gọi lại cho tôi có nghĩa là anh đã quyết định đi vào con đường tranh đấu. Chúc mừng anh đã chính thức trở thành “phản động”.

Đợi cảm thấy như anh vừa trút bỏ được một cái gì thật nặng đè nặng trên vai của anh, trĩu trong lòng của anh bấy lâu. Đợi lại mở cửa sổ ra để đón những tia nắng đầu tiên của buổi bình minh nơi xứ người. Anh nghe thấy có tiếng chim hót đầu cành nơi đầu con phố. Bây giờ, anh đã thấy mình là một con người mới. Con người anh chẳng còn phải đợi chờ những gì nó đến với anh. Đợi biết rằng, anh phải tự quyết định đời anh và chẳng chờ đợi được gì ở những điều mông lung cả.

Bên phòng bên cạnh, Lan đã thức giấc vì có tiếng điện thoại của bố mẹ cô ở quê qọi qua hỏi xem đã gửi tiền về chưa để đóng tiền xây dựng tượng đài bác Hồ ở đầu xã…

Đặng Chí Hùng

17/12/2017

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209