Giải cứu người dân hay giải cứu con buôn?
Giải cứu người dân hay giải cứu con buôn?
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra trên thế giới, người Việt Nam đang ở nước ngoài bất cứ vì lý do gì đều ngong ngóng trông về quê nhà, như một phản ứng có điều kiện, càng bị cách ly thì nỗi nhớ nhà, nhớ quê càng tha thiết.
Du học sinh có lẽ là thành phần khốn khổ nhất. Tiền ăn ngày một cạn kiệt, nhà trọ cũng như mọi sinh hoạt khác đều đứng trước lằn ranh dead end, ngay cả trường lớp cũng lắc đầu từ chối. Du học sinh nhà giàu còn tạm ứng phó nhưng con em nhà nghèo thì thê thảm thấy rõ, họ cố ngoi lên kiếm sống từ hoàn cảnh lock down. Kiếm tiền ngày thường đã khó bây giờ lại càng khó hơn, mọi thứ như vào ngõ cụt và trong những ngày đầu, nguồn tin nhà nước sẽ tiếp tay đưa họ về Việt Nam như một cái phao cứu sinh không có gì hơn thế. Mọi người tất tả hỏi nhau về thủ tục, về ngày giờ và cả những phong bì nếu cần cũng phải thông báo cho gia đình lo toan.
Nhưng mọi sự như trêu ngươi, mọi thông tin từ từ im bặt, cho tới khi làn sóng rộ lên Vietnam Airlines “xin” được quota bán vé giải cứu cho người Việt, giá vé vừa cao vừa ưu tiên và dĩ nhiên trong đó không thiếu phần phong bì đính kèm.
Giá vé từ $8 ngàn vào những ngày đầu rơi chậm một lúc xuống còn $5 ngàn và chốt lại ở $4,500 cho vé một chiều. Trong khi Tòa lãnh sự Mỹ tại Việt Nam chính thức cho biết, giá vé mà chính phủ Mỹ cho phép hãng máy bay lấy giá một chiều là $1,000 từ Sài Gòn sang Mỹ. Dĩ nhiên vé chỉ bán cho người có quốc tịch Mỹ và đó là cách mà chính phủ Mỹ bảo vệ con dân của họ.
Còn Việt Nam thì khác, chính phủ không những chẳng bảo vệ con dân của mình, mà còn tiếp tay cho bọn con buôn có cơ hội thủ lợi một cách hợp pháp. Nếu chính phủ cho phép Vietnam Airlines bán vé với giá cắt cổ như thế thì rõ ràng xem lợi ích của hãng này lớn hơn sinh mạng của người dân, lớn hơn niềm tin mà dân chúng đặt vào chính phủ.
Cho phép “bay giải cứu” là cách nói văn hoa cho một loạt các hành vi trấn lột người dân ở xứ người. Chính phủ Việt Nam cho phép các đại sứ quán khắp nơi được quyền sinh sát khi duyệt danh sách bay, bởi cho dù có tiền nhưng không có tên trong danh sách thì xem như vô ích. Đây là giai đoạn phong bì, giai đoạn cửa sau hay “bôi trơn” như loại ngôn ngữ đỏ thường áp dụng. Người dân lúc này phải vận dụng đủ loại quan hệ lẫn tiền bạc vì nếu không cơ hội sẽ không quay lại.
Rồi một loại nữa được nhà nước cho phép móc túi dân một cách hợp pháp đó là các khách sạn dung chứa người về trong ít nhất là hai tuần cho việc cách ly. Trong hai tuần lễ ăn ở tại khách sạn, người dân phải đóng mỗi ngày từ $80 tới $110 tùy theo số sao mà khách sạn có. Viện dẫn việc cho phép này chính quyền cho biết chỉ là lúc đầu thôi từ từ số ngày cách ly sẽ ít dần lại. Người dân tiếp tục è cổ ra cho nhà nước tròng vào những loại “giải cứu” cực kỳ khó hiểu ấy. Họ chỉ hiểu một lẽ rất bình thường: Nhà nước và con buôn đang toa rập để “giải quyết chứ không phải giải cứu” đồng tiền xương máu của người dân mà thôi.
Người Việt sang Mỹ làm việc ngắn hạn hay du học sinh ban đầu còn nóng ruột về thăm gia đình, vì biết rằng nạn dịch rất nguy hiểm cho tình trạng của người thân, nhưng lâu dần họ nhận ra một điều trước cũng như sau nhà nước không bao giờ nghĩ một chút gì cho thân phận con dân của họ cả, cứ có cơ hội là vặt, vặt sao cho dân đừng kêu và có kêu cũng chỉ kêu trong chiếc rọ là được.
Giờ đây thì những chuyến bay “giải cứu” đã bị dân tẩy chay, còn những chiêu trò khác thì vẫn đang nằm trên bàn cán bộ cấp cao chờ nghiên cứu.
Vaccine, lock down, cách ly, que thử nghiệm… mọi thứ đã dùng qua và nhà nước nhận ra một điều rằng người dân Việt mặc dù nổi tiếng gan dạ, anh hùng vẫn thua… nhà nước. Vậy thì có gì ngăn cản được đám vô lại ngày đêm nghĩ ra cách vặt cổ dân qua bàn tay nhà nước, vốn dã dính chàm từ những ngày đầu… "giải phóng"?
Nhận xét
Đăng nhận xét