Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Năm Canh Ngọ 1930 Của Việt Nam Quốc Dân Đảng
Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Năm Canh Ngọ 1930
Của Việt Nam Quốc Dân Đảng
Của Việt Nam Quốc Dân Đảng
"Một khi lòng sợ sệt đã chen vào đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi người của Đảng cũng sẽ liên tiếp bị bắt dần, vô tình xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam. Âu là chết đi để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không thành công thì cũng thành nhân". Đó là câu nói của Nguyễn Thái Học (Đảng trưởng VNQDĐ, phát biểu trong cuộc họp ngày 26-1-1930 tại Nam Sách, Hải Dương).
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam quốc dân đảng chủ chương. Ngay từ năm 1928, Đảng bị kẻ thù theo dõi sát. Vào đêm 9/2/1929, tên chủ mộ phu Bazin khét tiếng tàn ác, đã bị Việt Nam quốc dân Đảng trừ khử trên đường phố Huế, Hà Nội. Hành động đó khiến thực dân Pháp quyết định xoá sổ tổ chức cách mạng này. nhiều cơ sở của đảng bị tan vỡ, nhiều yếu nhân, lãnh tụ của đảng sa lưới mật thám khác (40 hạ sĩ quan và binh lính, 39 thương gia và thợ thủ công, 37 địa chủ, phú nông, nông dân khá và thầy lang; 36 viên chức Pháp và thầy giáo; 13 viên chức Nam triều, 10 viên chức công thương, 4 nhà báo, 4 giáo sư trường tư, 2 thầy đồ nho). Trong lúc cơ sở của đảng đang tan vỡ, để cứu vãn tình thế, các lãnh tụ của đảng đã quyết định khởi nghĩa nếu “không thành công cũng thành nhân”.
Ngày 29 tháng 01 năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng mở hội nghị tại Hải Dương, quyết định đốt giâi đoạn khởi nghĩa vào đêm 9.2 rạng ngày 10 tháng 02 năm 1930 bằng cách tấn công vào các trại lính và cơ sở quân sự của Pháp ở Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao, Hải Dương, Kiến An… Nguyễn Khắc Nhu chỉ đạo khởi nghĩa ở Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Báy ....Nguyễn Thái Học chỉ đạo khởi nghĩa ở Hải Phòng, Hải Dương, Kiến An. Đêm ngày 9 tháng 2 năm 1930, khởi nghĩa tại Yên Bái.
Cuộc tấn công của “Việt Nam Cách Mạng Quân”, là tên gọi của lực lượng võ trang của VNQDĐ, đã được thực hiện trên khắp miền Bắc. Mặc dầu có một số trở ngại gây ra bởi vấn đề thông tin liên lạc, Cách Mạng Quân đã thực hiện một loạt tấn công vào các đồn bót của thực dân. Dưới sự điều động của ban tham mưu quân nhân địa phương do Cai Hoằng chỉ huy, đồn Yên Báy bị tấn công lúc 1 giờ sáng ngày 10 tháng 02 cùng lúc với các đồn Hưng Hóa và Lâm Thao dưới sự chỉ huy của Nguyễn Khắc Nhu. Tại Sơn Tây, Phó Đức Chính chỉ huy điều động lực lượng tấn công, nhưng không thành vì bị mưu phản. Trong lúc vài biến cố lẻ tẻ xảy ra do va chạm giữa các đơn vị giao thông liên lạc của Đảng và các chốt an ninh của Pháp trong ngày khởi nghĩa, thì tại Hà Nội, Đáp Cầu, Phả Lại, Kiến An, Phụ Dực, và Vĩnh Bảo, các đồn binh Pháp đều bị tấn công, ném bom, và đánh phá.
Khí thế tấn công Yên Báy rất mãnh liệt. Đồn Yên Báy tràn ngập Cách Mạng Quân, kho vũ khí bị chiếm, nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ Pháp bị giết. Tác giả, “Việt Nam Quốc Dân Đảng: Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954,” Hoàng Văn Đào, ghi lại chiến trường đêm ấy rằng khi đồn Yên Báy bị chiếm, “Trung úy Robert, Thượng sĩ Cunéo, Trung sĩ Chevalier, Damour, và Bouhier đều bị giết,” “Đại úy Jourdain ở phía sau yếu điểm hô lệnh tập họp quân, bị Ngô Hải Hoằng bắn chết,” “Đại úy Gainza bị thương ở sườn trong lúc “còn có nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ bị thương.” “Báo cáo từ các doanh trại về Ban Chỉ Huy cho biết: cách mạng quân hoàn toàn chiến thắng, làm chủ tình hình đồn dưới. Lúc ấy vào hồi bốn giờ sáng ngày 10-2-1930.”
Ngay khi cuộc "Khởi Nghĩa" bắt đầu, hai toán cách mạng quân đã hiện diện, toán này di thẳng vào đồn, toán kia vào khu trại binh sĩ. Hai đại đội binh sĩ, mỗi đại đội, trú đóng một trong những tòa nhà ấy. Các cửa mở ra một cách tự nhiên. Người chỉ huy lực lượng cách mạng ra lệnh viên Trung Sĩ người Pháp trông coi hậu cần phải phân phối cho các chiến binh cách mạng vũ khí và đạn dược.
Bouhier thuật lại hoạt cảnh chiến trường hôm ấy và ngậm ngùi hồi tưởng đến nỗi đau đớn của các đồng đội khi Việt Quốc Quân tràn ngập đồn quân Yên Báy.
Khoảnh khắc sau đó, Trung úy Robert bị giết ngay trên giường trước mặt vợ ông. Thượng sĩ Cunéo chết không có phản ứng, Trung sĩ Chevalier và Damour kém may mắn hơn Bouhier, không gượng dậy được. Ngoài ra, Thượng sĩ Trotoux, Trung sĩ Nhứt Deschamps, Trung sĩ Hurugen và Reynaud, cùng bà Reynaud, cố thủ trong phòng và kháng cự cho đến sáng mai khi quân đội đến. Đại úy Jourdan, trong sân của đồn, kêu gọi binh sĩ tập trung, bị bắn nhào xuống. Đại úy Gainza cũng bị thương ở bên hông. Và, các chiến binh Yên Báy làm chủ chiến trường đêm hôm ấy.
Về lực lượng quân sự Pháp trú đóng tại Việt Nam thời ấy gồm hai trung đoàn bộ binh, một trung đoàn ở Bắc và một ở Nam. Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn ở Bắc Kỳ đóng tại Yên Báy, gồm 600 binh sĩ và 29 sĩ quan kể cả Thượng sĩ, đã bị quân ta tràn ngập, đánh tan rã Bộ Chỉ Huy trong vòng ba tiếng đồng hồ. Cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã bị địch phản công kịch liệt sau khi Tướng Aubert hội ý với Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier để điều động toàn lực. Vì thế, mặc dầu phá tan nhiều đồn bót trên khắp lãnh thổ miền Bắc, giết chết nhiều sĩ quan, binh sĩ, và gây thiệt hại nhiều tiếp liệu chiến tranh, cách mạng quân không giữ được đồn bót lâu dài và Tổng Bộ Chiến Tranh VNQDĐ cũng không duy trì được chính quyền.
Ngoài một số hy sinh, sau khởi nghĩa, Quân, Dân Việt Quốc đã bị tù đày, hành hạ. Pháp mở chiến dịch thanh lọc quân đội, giam cầm một số quân nhân dính líu đến cách mạng hoặc thi hành kỹ luật và buộc tội nhiều dân sự và quân sự tham gia khởi nghĩa. Toàn Quyền Đông Dương thành lập Hội Đồng Đề Hình, cử Jules Bride làm chủ tịch, và trong năm 1930 đã xét xử 5 lần tại 4 địa điểm khác nhau. Hội Đồng đã buộc tội 547 người, cả quân nhân và thường dân, gồm 80 án tử hình, 102 án khổ sai chung thân, 243 án lưu đày biệt xứ, 37 án khổ sai 20 năm, 6 án ngắn hạn khổ sai, 2 án giam dài hạn, và 1 án giam 20 năm. Có 18 người được trắng án và 58 người không bị kêu án vì không đủ bằng chứng. Ngoài Hội Đồng Đề Hình, các tòa án tỉnh cũng xét xử những trường hợp tương tự. Tổng số án tử hình sau đó được xét lại và chỉ còn 39 người.
Mặc dầu vậy, Tổng Khởi Nghĩa đã giáng một đòn bất ngờ, gây lo sợ, làm lung lay thành trì đô hộ của thực dân Pháp. Thế giới cũng vô cùng kinh ngạc đến khâm phục lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu của quân dân cách mạng. Ngay hôm sau ngày tấn công, các báo Pháp ở Hà Nội Sài Gòn đưa tin, “Có hai cơ binh khởi loạn tại Yên Báy…phía Pháp 10 viên quan kể cả cai đội bi giết.”
Khởi nghĩa Yên Bái với những hành động quả cảm của các nghĩa quân Việt Nam Quốc dân đảng đã thể hiện tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc ta, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
Thơ Khóc Nguyễn Thái Học của nhà văn Nhượng Tống về cuộc Khởi nghĩa Yên bái:
Nhục mấy trùng cao, ách mấy trùng.
Thương đời không lẽ đứng mà trông.
Quyết quăng nghiên bút xoay gươm súng,
Ðâu chịu râu mày thẹn núi sông.
Người dẫu chết đi, lòng vẫn sống,
Việc dù hỏng nữa, tội là công.
Nhớ anh nhớ lúc khi lâm biệt ;
Cười khóc canh khuya chén rượu nồng.
Cuộc tổng nổi dậy bất khuất của những người yêu nước thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng như những làn sóng biển không ngừng nghỉ âm vang và quật khởi. Những làn sóng đấu tranh liên tiếp nối nhau hết lớp này lớp khác. Đó là hình ảnh của máu lửa. Sự dũng mãnh của những cảm tử quân. Sức trai tráng của các chiến binh. Họ ngã xuống thanh thản trước hừng đông. Đó còn là ngọn cờ của tinh thần yêu nước vẫy gọi. Mặt đất như thể cuồng phong giận dữ vào đêm 9.2 rạng ngày 10.2.1930 năm Canh Ngọ.
Ôi sông Hồng ngàn năm thao thức
Có nghe chăng đất này chuyển rung
Cuộc tổng khởi nghĩa Yên Báy là sự báo hiệu về sức quật khởi của dân tộc, của làn sóng cách mạng được hun đúc từ lịch sử của đất nước. Những nghĩa sĩ của Việt Quốc quân đã đi vào lòng đất, để hoà vào hồn thiêng sông núi, cùng sánh vai với các tiền nhân trong suốt chiều dài đấu tranh của lịch sử về việc giử nước.
Xin được gọi tên những người trung hiếu
Cùng với quê hương đứng ngẩng cao đầu
Xin được gọi tên những người trung liệt
Tuổi hai mươi dâng hiến trước bình minh
Cuộc khởi nghĩa Yên Báy còn là bài thuốc trị liệu bệnh vô cãm dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh, trí thức và quốc dân VN trước nạn Hán hoá và việc cỏng rắn cắn gà nhà của đảng csVN.
Kim Anh Le, 5.2.2014
BÀI LIÊN KẾT
1.TRÁNG CA KHỞI NGHĨA YÊN BÁI – THƠ VÀ NHẠC
2.Khởi nghĩa Yên Báy
3.KHỞI NGHĨA YÊN BÁY QUA CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI PHÁP
4. Sách Nguyễn Thái Học-Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống. http://vietquoc.org/sach-nguy%E1%BB%85n-thai-h%E1%BB%8Dc.../
5. Vụ Án Yên Bái: Không Thành Công Thì Thành Nhân
Nhận xét
Đăng nhận xét