Nghệ Thuật Quân Sự - Ngoại Giao Của TT Trump

Nghệ Thuật Quân Sự - Ngoại Giao Của TT Trump

Anh Vũ Ngô 

“Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt…Cho nên người giỏi dụng binh, thắng địch mà không phải giao chiến, đoạt thành mà không cần tấn công, phá quốc mà không cần đánh lâu, nhất địch phải dùng mưu lược toàn thắng mà thủ thắng trong thiên hạ, quân không mỏi mệt mà vẫn giành được thắng lợi hoàn toàn.” (Tôn Tử Binh Pháp, thiên 03 - Mưu Công).

Tổng Thống thứ 47 của Hoa Kỳ đang từng bước hoá giải sức mạnh quân sự của Nga như thế nào?
Theo dõi kĩ những động thái ngoại giao của Trump trong 2 ngày đầu tiên trở lại Bạch Cung, chúng ta có thể thấy Tổng Thống Hoa Kỳ đang thực hiện đúng sách lược “chiến thắng bằng mưu kế và ngoại giao” để giải quyết vấn đề chiến tranh Nga - Ukraine. Trump đang đặt những hòn đá tảng để dàn xếp xung đột và bước vào bàn đàm phán trong tư thế có lợi:
1. Hoá giải sức mạnh trực tiếp về vũ khí của Nga bằng việc phát triển lực lượng không gian và kế hoạch sáp nhập Greenland
Sức mạnh răn đe của Nga nằm chủ yếu ở hai hệ thống tên lửa bổ sung cho nhau, có thể đánh tới bất kì nơi nào trong lãnh thổ Tây Âu,. Avengard thì quỹ đạo lắt léo, biết luồn lách để tránh tên lửa đánh chặn còn Oreshnik thì bay với tốc độ cực cao làm cho thời gian cho phép đánh chặn cực thấp.
Câu trả lời của Trump là:
  • Phát triển lại Binh chủng Không gian (Space Force), vốn được ông tạo ra nhưng bị cười nhạo rồi bỏ bê trong nhiệm kỳ Biden. Bất chấp tên lửa có nhanh và mạnh như thế nào, nếu bị phát hiện ngay từ lúc phóng và đánh chặn bằng hệ thống vệ tinh vũ trang dày khắp thì cũng khó lòng đến được mục tiêu. Không phải ngẫu nhiên mà Trump bổ nhiệm Troy Meink, Giám đốc cục Trinh sát quốc gia, một chuyên gia về Dọ thám Vệ tinh lên đứng đầu Binh chủng Không quân.
  • Trump nhiều lần ca ngợi hệ thống vệ tinh của Tesla và giữ ông chủ SpaceX, Elon Musk bên cạnh làm người thân tín của mình. Đó là ông ấy biết sử dụng sức mạnh của tài phiệt và tận dụng sức sáng tạo cá nhân của người Mỹ bên cạnh sức mạnh truyền thống của các cơ quan chính phủ.
  • Mới đây, người đứng đầu Hoa Kỳ còn bắt đầu sử dụng biện pháp ngoại giao để sáp nhập hòn đảo lớn nhất thế giới Greenland về tay Hoa Kỳ. Bản đồ phẳng mà chúng ta thường nhìn không phản ánh hết được vị trí chiến lược của Greenland mà phải dùng những bản đồ thể hiện đường cong thực tế của Trái Đất.
  • Thực chất, Greenland có thể được xem là một tàu sân bay khổng lồ không thể đánh chìm, nằm ngay trên đầu Moscow với bờ biển gần nhất chỉ cách Thủ đô Nga 3500km, tức là đưa điện Kremlin vào tầm phủ của tên lửa tầm trung (IRBM - tầm bắn tối đa 5500km) vốn không bị giới hạn bởi Hiệp ước Giảm thiểu Tên lửa Chiến lược (New START)! Đây là điểm rất quan trọng.
  • Nga đưa cả Tây Âu vào tầm ngắm thì Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đưa vùng đông dân nhất của Nga vào nguy hiểm mà hoàn toàn không cần phải dựa vào các đồng minh của họ ở Bắc Âu.
  • Nguời dân Greenland đã muốn tách khỏi Đan Mạch từ lâu nhưng dân số quá ít, quá nghèo và không có nền tảng về quân sự. Đan Mạch bên cạnh đó cũng không đầu tư gì cho dân cư nơi này, cũng không đủ lực để thăm dò và khai thác những mỏ khoáng sản nằm sâu dưới lòng đất cứng băng giá quanh năm. Trở thành một bang trực thuộc Hoa Kỳ là cơ chế hứa hẹn rất nhiều sự tự chủ cho Greenland. Với sức mạnh của kinh tế của mình, không khó để chính phủ Hoa Kỳ viện trợ, cho tặng 1-2 triệu USD cho mỗi người trong số 57 ngàn dân Greenland nhằm thúc đẩy họ biểu quyết trở thành Tiểu Bang thứ 51.
  • Nếu sáp nhập được Greenland chỉ bằng biện pháp ngoại giao thì đó sẽ là thắng lợi cực lớn của Trump và nước Mỹ, cũng là nước cờ nhìn rất xa, rất cao tay của người đứng đầu Bạch Cung. Bởi vì một sự kiện như vậy không chỉ tạo ra lợi thế về quân sự - quốc phòng mà còn mang lại tiềm năng kinh tế - năng lượng cực lớn, cũng là điểm thứ hai trong chiến lược của Tổng Thống Thứ 47.

2. Hoá giải sức mạnh về năng lượng của Nga bằng nhiều biện pháp
  • Kiểm soát được Greenland là kiểm soát được vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý xung quanh hòn đảo này và sở hữu luôn cửa ngõ phía Đông vào tảng băng Bắc Cực nối liền với các dãy núi của nó.
  • Nếu các công ty Hoa Kỳ giành được quyền thăm dò, khai thác những mỏ khoáng sản của Greenland và xây dựng các cảng biển để chuyển dầu mỏ và khí đốt đến Tây Âu thì dự tính sẽ giảm được đến 50% chi phí vận chuyển. Tây Âu đang phải mua khí đốt từ Qatar và từ Mỹ thông qua Vịnh Hoa Kỳ (Vịnh Mexico theo cách gọi cũ), với quãng đường vận chuyển lần lượt là 7000 và 5000 hải lý. Khoảng cách này nếu bắt đầu từ Greenland thì chỉ là 2000 hải lý mà thôi.
  • Thiếu tự chủ về năng lượng vẫn là điểm yếu chí tử của Tây Âu mà Tổng Thống Trump đã cảnh báo họ từ lâu nhưng bị phớt lờ. EU mất 6 tháng đầu tiên trong cuộc chiến Nga - Ukraine để tìm được nguồn cung khí đốt thay thế từ Trung đông và phải mua với giá đắt hơn lúc trước từ 30 đến 50%. 6 tháng là quá đủ để người Nga xây dựng chiến hào và các cơ sở phòng thủ vững chắc ở miền đông Ukraine, yếu tố lớn nhất làm cho chiến tranh đi vào thế kéo dài, tiêu hao tài lực như hiện tại.
  • Trump “bật đèn xanh” cho các công ty Hoa Kỳ thăm dò và khai thác dầu đá phiến trở lại, cách làm từng đưa giá dầu về mức thấp kỷ lục hồi nhiệm kỳ 2016- 2020 của ông là 73USD/ thùng. Từng bước đưa Hoa Kỳ trở lại tự chủ về năng lượng.
  • Trump nối lại quan hệ ngoại giao từng rất nồng ấm với Thái tử Ả Rập Saudi bằng các điều khoản đầu tư song phương. Saudi Arabia là nước đóng vai trò trung tâm trong khối GCC gồm 6 nước (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE) chiếm 30% sản lượng dầu thô toàn thế giới.
  • Đưa GCC về gần Mỹ một cách sòng phẳng là cách Mỹ kiểm soát giá dầu trong ngắn hạn, về trung hạn họ sẽ trở lại thời tự chi phối được giá dầu, về dài hạn thì (hi vọng rằng) họ sẽ nắm được cả Greenland và đẩy giá năng lượng xuống thấp hơn nữa. Đó chính là chiến lược 3 lớp của Tổng Thống Trump để hoá giải thế mạnh năng lượng của người Nga.

3. Xoa dịu Putin và nước Nga - hoá giải tinh thần chiến đấu của người Nga và tính chính đáng của cuộc chiến.
Gần cuối nhiệm kỳ của mình, chính quyền Biden đã ra một quyết định hết sức “võ biền” và liều lĩnh là cho phép Ukaine bắn tên lửa vào lãnh thổ nước Nga, mà với khả năng của tên lửa hiện đại thì không khó để nó mang những đầu đạn hạt nhân. Điều này đặt quân đội Nga vào tình thế bắt buộc phải tung những con bài mạnh nhất của mình nhằm răn đe Phương Tây và cũng góp phần đoàn kết nước Nga dưới sự đe doạ cuả một kẻ thù chung.
Sức mạnh lớn nhất của người Nga chính là tinh thần của họ, Tổng thống Hoa Kỳ hiểu rõ điều này nên trong bức thư mới nhất gởi Tổng Thống Nga Putin, ông nói rõ:
- Tôi yêu mến dân tộc Nga.
- Tôi không quên rằng nước Nga đã từng đứng cùng chiến tuyến chống Phát Xít Đức và những hi sinh to lớn của các bạn.
- Hãy cùng nhau dừng cuộc chiến vô nghĩa này lại.
- Nếu nước Nga không đình chiến tôi sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp cấm vận
- Nếu tôi là Tổng thống thì đã không để xảy ra cuộc chiến này.
- Hãy giảng hoà và ký kết với nhau để không có thêm tổn thất về nhân mạng.
Như vậy, trái với những dư luận ác ý rằng ông là kẻ độc tài hiếu chiến, Trump chứng tỏ cho cả thế giới thấy là ông ngoại giao bằng cách của người rất hiểu lễ nghĩa. Tổng Thống Hoa Kỳ không châm chọc, đe doạ hay gây hấn với người đồng cấp nước Nga, ông không làm tổn thương thêm niềm tự hào dân tộc của người Nga mà còn khơi gợi lại nó, ông không quên nhắc lại rằng họ từng ăn mừng chiến thắng cùng nhau.
Bên cạnh đó, Trump đã rất khéo léo gạt đi tính chính danh của cuộc chiến do nước Nga khởi xướng mà không buộc tội họ thêm, nói trước những biện pháp Hoa Kỳ sẽ áp dụng một cách sòng phẳng như một điều hiển nhiên chứ không đao to búa lớn hăm doạ họ.

Trump cũng ngầm nói rằng nguyên nhân chiến sự đến một phần từ cách ngoại giao kém cỏi của chính quyền Biden chứ không đại diện cho toàn bộ người dân Mỹ hay nước Mỹ dưới thời ông. Cuối cùng, Trump không quên đưa ra giải pháp xoay quanh một lợi ích chung: bảo vệ những người con của dân tộc mình.
“Đại phàm cái phép dụng binh, làm cho cả nước địch khuất phục trọn vẹn là thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm cho toàn quân địch chịu khuất phục là thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm nguyên lữ quân địch khuất phục là thượng sách, đánh nó là kém hơn…”

Đó là binh pháp Tôn Tử mà cũng là biện pháp thu phục lòng người nhằm kết thúc chiến tranh của Tổng Thống Hoa Kỳ vậy.

Thay lời kết: Một bậc thầy quân sự có thể nhìn được cách khắc chế sức mạnh hoả lực của Kremlin, một nhà kinh doanh tài giỏi có thể viết ra những chiến lược lâu dài hoá giải thế mạnh của họ về năng lượng, nhưng đứng ở đỉnh cao quyền lực mà vẫn biết khiêm nhường xoa dịu dân tộc khác, biết dùng nhu để thắng cương, biết dùng lợi ích chung để thuyết khách, biến thù thành bạn thì không phải ai cũng làm được. Trump là người hội đủ trí tuệ và cốt cách, xứng đáng lãnh đạo Hoa Kỳ đi vào kỷ nguyên thịnh vượng.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 223

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 222