'Việc nhẹ lương cao', máu và nước mắt bên kia biên giới
'Việc nhẹ lương cao',
máu và nước mắt bên kia biên giới
![]() |
177 người Việt Nam được trao trả từ Campuchia. (Hình: Báo Tuổi Trẻ) |
Minh Hải
Ngoài sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của nạn nhân thì không ít trường hợp cho thấy có dấu hiệu cán bộ hải quan, biên phòng tại các cửa khẩu tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, khiến cho vấn nạn người Việt Nam bị lừa sang Campuchia rơi vào cạm bẫy “việc nhẹ lương cao” ngày càng nóng bỏng. Máu và nước mắt người Việt không ngừng chảy bên kia biên giới.
Ngày 15 tháng Hai năm 2025, cơ quan an ninh điều tra Công An CSVN tại tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Thuận, 25 tuổi, và Nguyễn Văn Hiến, 23 tuổi, cùng là cư dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình với cáo buộc tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Bộ Luật Hình Sự 2015.
Từ khoảng Tháng Hai, 2024, Thuận và Hiến xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc cho một công ty do người Trung Quốc làm chủ. Công việc chủ yếu là tạo các trang mạng xã hội, nhắn tin, trao đổi và dụ dỗ khách hàng người Việt ghi danh vào các sàn thương mại điện tử giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau đó, Thuận và Hiến lôi kéo thêm 8 người khác sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao,” bị cơ quan chức năng phanh phui, triệt phá.
Vào ngày 6 Tháng Hai vừa qua, Campuchia trao trả một nhóm gồm 177 người cho lực lượng chức năng Việt Nam tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Nhóm người này được xác định là nằm trong đường dây hoạt động “cờ bạc trực tuyến,” lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do một số người Trung Quốc cầm đầu, trụ sở hoạt động là một tầng nhà nằm trong khu Kim Sa 4, thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.
Được biết nhiều người trong số này, trước đó là nạn nhân bị nhóm tội phạm lừa đảo, lôi kéo bằng những lời có cánh “việc nhẹ lương cao” rất hấp dẫn, sau đó bị ép buộc tham gia vào các hoạt động phạm pháp. Hằng ngày phải dùng các tài khoản mạng xã hội do Công ty cấp để tìm kiếm từ 2 khách hàng trở lên. Nếu không đủ chỉ tiêu, không lừa được khách hàng thì sẽ bị người của công ty phạt tiền, kèm các hình thức tra tấn đánh đập, chích điện, ép làm thêm giờ…
Trước đó, vào Tháng Giêng, 2025, Công An TP.Sài Gòn đã bắt giam năm người, gồm: Võ Hải Đương, 23 tuổi, Bùi Thị Tâm Tuyền, 30 tuổi, Nguyễn Thanh Cường, 19 tuổi, Huỳnh Thị Hoàng Quyên, 27 tuổi, và Trần Nhựt Minh, 29 tuổi để điều tra cáo buộc tội buôn người. Năm người này dùng chiêu bài “việc nhẹ lương cao” để dụ dỗ nhiều người Việt sang Campuchia rồi sau đó bán cho các tổ chức tội phạm.
Hồi Tháng Bảy, 2022, chị Nguyễn Thị Liễu, cư dân Quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng cho biết con trai chị là Trần Ngọc Phong, khi đó mới 18 tuổi, bị một ông quen trên mạng xã hội dụ vào Sài Gòn làm việc với mức lương 23 triệu đồng/tháng. Thương cha mẹ cực khổ, Phong vào Sài Gòn để gặp ông này và bị ông ta đánh thuốc mê, đưa sang Campuchia, bán cho bọn tội phạm.
Phong bị bọn tội phạm còng tay, tra tấn roi điện, giẫy giụa đau đớn rồi quay video gửi cho gia đình, ra mức giá mấy trăm triệu đồng để chuộc Phong về, nếu không có tiền thì chờ ngày “lượm xác.” Đau khổ tột cùng, chị Liễu đặt thùng quyên góp ở những nơi đông người, kêu gọi cộng đồng lên tiếng và giúp đỡ. Phong được giải cứu sau khi gia đình chồng đủ số tiền cho bọn tội phạm.
Vài vụ án, vụ việc nêu trên cho thấy, tội phạm buôn người và lừa đảo đưa người Việt Nam sang Campuchia với chiêu bài “việc nhẹ lương cao” xảy ra từ nhiều năm qua, đang có xu hướng gia tăng, trở thành vấn nạn nghiêm trọng gây phẫn nộ dư luận xã hội.
Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tàn ác và vô nhân đạo. Bọn tội phạm thường lập các trang mạng xã hội, đăng thông tin tuyển dụng lao động, việc nhẹ lương cao cùng với những ưu đãi hấp dẫn như: người lao động sẽ làm trong môi trường năng động, chủ yếu ngồi phòng mát đánh máy tính để nhập dữ liệu khách hàng, tư vấn chăm sóc khách hàng, được gặp nhiều người có địa vị xã hội, mau thăng tiến… chỗ ăn, chỗ ở miễn phí và mức lương cả ngàn đôla/tháng trở lên, chưa tính thêm tiền “hoa hồng.”
Bọn tội phạm còn sử dụng chiêu trò người quen giới thiệu người quen, hợp đồng bài bản để đánh mạnh vào tâm lý tin tưởng của nạn nhân.
Mặc khác nhiều người Việt do cuộc sống tại Việt Nam nghèo khó, việc làm không ổn định, tiền lương thấp nên tâm lý muốn xuất ngoại làm việc đổi đời, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về lao động-việc làm và nhẹ dạ cả tin nên đã lọt vào bẫy của bọn tội phạm, biến thành nạn nhân thảm thương.
Khi trở thành nạn nhân, bị bọn tội phạm ép làm những công việc phạm pháp và khắc nghiệt. Làm không đạt chỉ tiêu, nạn nhân sẽ bị bọn tội phạm tra tấn gây tổn hại sức khỏe và tinh thần, bị đem bán sang tay cho nhiều người, nhiều tổ chức. Nạn nhân muốn thoát thân thì phải trả khoản tiền chuộc từ chục ngàn đôla trở lên nên nhiều trường hợp làm liên lụy gia đình, tán gia bại sản. Vì lẽ này mà có nhiều nạn nhân tìm đến giải pháp tự tử hoặc bị bọn tội phạm tra tấn đến chết.
Nhiều người ban đầu là nạn nhân, sau vì muốn thoát thân nên lừa đảo nạn nhân khác, lừa đảo càng được nhiều người thì càng được bọn tội phạm trọng dụng, ban nhiều ưu đãi nên dần dần trở thành “chân rết” đồng bọn với bọn tội phạm.
Nhiều vụ việc, nạn nhân sau khi thoát khỏi ổ buôn người, chạy về Việt Nam chia sẻ với giới truyền thông, tố cáo, chính cán bộ hải quan, biên phòng cả Việt Nam lẫn Campuchia tại các cửa khẩu đặc biệt là đường bộ và đường sông đã tiếp tay hoặc có hành vi làm ngơ trước bọn tội phạm.
Vào Tháng Chín năm 2022, 42 người Việt sau khi thoát khỏi sòng casino ở Campuchia liền nhảy xuống sông Bình Di để bơi qua phía bờ An Giang. Một nạn nhân nam, sau khi về nhà an toàn đã chia sẻ thông tin với giới truyền thông mạng xã hội đầu đuôi vụ việc. Trong đó có một chi tiết đáng chú ý, đến ngày hẹn anh cùng một số người trong nhóm được hai người môi giới dùng xe con chở lên cửa khẩu Tịnh Biên. Tại đây, thay vì phải vào khu vực làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia như bao người khác thì nhóm của anh đưa hết hộ chiếu cho môi giới và ngồi yên trong xe chờ đợi. Một lúc sau, người môi giới cầm sấp hộ chiếu trở lại xe và đưa mọi người thông qua cửa khẩu Tịnh Biên. Sang đến cửa khẩu Phnom Den –Campuchia, thủ tục cũng tương tự, mọi người cũng ngồi yên trong xe, người môi giới cầm sấp hộ chiếu đưa cho cán bộ hải quan Campuchia kiểm tra, đóng dấu và cho xe thông qua cửa khẩu. Vậy là mọi người đã có mặt tại đất Campuchia rất dễ dàng, không tốn kém một đồng nào cả.
Từ thông tin này của nạn nhân, cho thấy có dấu hiệu cán bộ hải quan cưả khẩu Việt Nam lẫn Campuchia nhận tiền “lo lót” của môi giới, dễ dãi tạo điều kiện đưa người sang biên giới dễ dàng.
Vào Tháng Mười Một năm 2019, trong một chuyến đi du lịch vào tỉnh Bình Phước, tôi có ghé vào nhà một người quen sinh sống gần khu chợ Thanh Lương (huyện Lộc Ninh) để nghỉ ngơi. Tại đây tôi biết một phụ nữ tên Thu – một môi giới cờ bạc khá nổi tiếng. Hằng ngày chị Thu lái xe đi gom những con bạc từ tỉnh Bình Thuận–cuối miền Trung cho đến tất cả các tỉnh miền Nam để đưa qua các sòng casino ở Camphuchia.
Nghe thông tin đến các sòng Casino ở Camphuchia từ lâu, tôi yêu cầu chị Thu đưa qua biên giới chơi vài ván, nhưng nói rõ là không đem theo sổ thông hành. Tưởng kho96ng thể qua biên giới được, nhưng chị Thu trấn an: “Cưng cứ an tâm! Qua được hết, mọi người đi đường luồn, chỉ qua một trạm gác của biên phòng, nếu ai có hộ chiếu thì đóng 50,000đồng, còn nếu không có hộ chiếu thì đóng 200,000đồng. Nhưng số tiền này mọi người cũng không cần phải bỏ ra. Do sòng casino mới lập nên có quà tặng khuyến mãi mỗi người vào chơi được tặng trước 500,000 đồng.” Chị Thu vừa nói vừa rút ra lốc tiền, ai có hộ chiếu thì chị phát 400,000 đồng (trừ 50,000 đồng tiền đóng biên phòng và 5,.000 tiền xe đưa đón), còn tôi thì nhận được 250,000đồng.
Kể cả tôi thì trên xe chị Thu đưa đi hôm đó có tất cả 8 con bạc. Từ chợ Thanh Lương, chuyến xe đưa chúng tôi lên Ngã ba Đồng Tâm (xã Lộc Thịnh), rẽ vào thôn Tà Thiết (xã Lộc Thành), tiếp đến là băng qua những rẫy tiêu, điều của người đồng bào S’tiêng và đi thẳng vào một cánh rừng cao su, xe chạy thêm khoảng mấy chục mét là đến một trạm gác của biên phòng Campuchia.
Đúng như lời chị Thu nói. Khi xe chạy đến trạm gác, nhân viên biên phòng Campuchia và chị Thu trao đổi qua lại bằng tiếng Việt để làm thủ tục: “Bao nhiêu người ?” “8 người- 1 người không.” Người không có sổ thông hành, là tôi. Chị Thu đưa tiền, nhân viên biên phòng đóng mộc vào sổ thông hành, vậy là mọi thủ tục thông quan đã xong, rất dễ dàng thậm chí là nhân viên biên phòng cũng không thèm liếc nhìn vào chiếc xe để kiểm tra xem có đúng số người đã khai hay không? Chiếc xe lại chuyển bánh đưa chúng tôi vào đất Campuchia và chạy thẳng vào sòng casino gần đó.
không riêng gì ở tỉnh Bình Phước mà hầu hết tại các cửa khẩu đường bộ, đường sông dọc theo biên giới Việt-Cam như Tây Ninh, Long An, An Giang… đều có đường luồn, lối mở, đường chẻ, chỉ cần tốn ít tiền đưa cho”cò” “môi giới” lo lót là việc đưa người vượt biên trái phép hoặc tuồn hàng lậu qua lại hết sức dễ dàng.
Ví dụ, trước dịch COVID-19 năm 2019, phí dịch vụ đưa người vượt biên trái phép tại các cửa khẩu tỉnh Tây Ninh là khoảng mấy trăm ngàn/người. Sau dịch COVD-19, từ năm 2022 trở lại đây, do lực lượng chức năng Việt- Cam siết chặt nạn đưa người qua lại nên phí dịch vụ tăng từ 3 triệu đồng cho đến 4 triệu đồng/ người.
Và cũng dọc biên giới bên đất Campuchia là đầy rẫy những sòng casino chủ yếu do người Trung Quốc lập. Nơi đây, vẻ ngoài là ánh hào hoa, sang trọng nhưng bên trong là những “con bạc khát nước,” là cảnh tượng những nạn nhân lọt bẫy bọn buôn người.
Nhìn chung những vụ án buôn người, đưa người vượt biên trái phép thường tập trung ghi nhận những chiến công của lượng lượng hải quan, biên phòng của hai nước Việt –Cam như bắt bao nhiêu đối tượng, giải cứu được bao nhiêu nạn nhân. Hầu như chưa thấy cơ quan chức năng làm rõ có hay không cán bộ hải quan, biên phòng đã tiếp tay hoặc có hành vi làm ngơ trước bọn tội phạm.
Vấn nạn người Việt bị lừa sang Campuchia, rơi vào bẫy “việc nhẹ lương cao” ngày càng nhiều, máu và nước mắt không ngừng chảy bên kia biên giới.
Minh Hải - SaiGon Nhỏ
Nhận xét
Đăng nhận xét