Những Ngày Ở IDC Thái Lan (Phần I)
Những Ngày Ở IDC Thái Lan (Phần I)
* IDC = Immigration Detention Center (Trung Tâm Giam Giữ Người Nhập Cư)
Hôm nay tròn một năm tôi rời khỏi Việt Nam đến tạm trú tại Thái Lan, và chính thức bắt đầu cuộc sống mới tại Canada. (Tôi rời khỏi Việt Nam vào ngày 14/4/2024, đến Thái Lan vào ngày 17/4/2024 và định cư tại Canada vào ngày 3/4/2025, vậy nên tháng tư sẽ là mốc thời gian đáng nhớ trong đời tôi).
Tôi vượt biên đến Thái Lan trong hoàn cảnh khó khăn như tôi đã chia sẻ trước kia. Sau khi đến Thái Lan, tôi được UNHCR cấp quy chế tị nạn và được phỏng vấn tái định cư. Sau đó, tôi nhận được thông báo từ cơ quan di trú Canada về việc chánh phủ Canada nhận gia đình tôi đi định cư.
Ngày 25/2/2025, tôi nhận cuộc gọi và email từ UNHCR, họ thông báo chi tiết cho tôi lịch trình bay từ Thái Lan tới thành phố Vancouver của Canada (tới Vancouver là do nguyện vọng của tôi), đồng thời báo cho tôi biết ngày tôi phải trình diện ở IDC (International Detention Center: Nhà tù giam giữ người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp). Ngoài việc gia đình tôi phải đóng tiền phạt cho việc nhập cư bất hợp pháp, (chồng tôi và con trai nhập cảnh hợp pháp bị phạt tiền do lưu trú quá thời hạn, tôi và con gái do vượt biên đến Thái Lan nên ngoài việc đóng tiền phạt còn phải vào IDC (ở tù) 15 ngày trước khi bay.
Tám giờ sáng ngày 18/3/2025, tôi và con gái đến Suan Phlu IDC trình diện, sau khi làm hồ sơ, tôi được cảnh sát chở đến tòa án đóng tiền phạt, sau đó họ lại chở tôi và con gái đến Bang Khen IDC, hai mẹ con bắt đầu trải qua 15 ngày bị giam giữ.
Bang Khen IDC chia làm 2 khu: Một khu giam giữ người tù có con nhỏ và một khu dành cho người tù không có trẻ con đi theo. Khu giam tù nhân có trẻ con thì sạch sẽ và thông thoáng hơn khu tù bình thường. Phòng giam hai mẹ con tôi ở lúc đầu chật hẹp vì đông người, những ngày sau cùng, do nhiều người giam chung bị trục xuất về nước nên phòng giam rộng rãi hơn.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 18/3/2025, sau khi kiểm tra đồ đạc cá nhân tôi đem theo, quản giáo mở cửa buồng giam và nói lớn cho người trong phòng nghe có người Việt Nam đến. Trong phòng vừa người lớn vừa trẻ con có hơn hai mươi người. Một nhóm người Việt Nam (ngày hôm sau tôi mới biết họ là nhóm người Ê Đê, trong đó có một người tôi đã biết từ trước là em Linh, vợ của nhà hoạt động người Ê Đê Y Quynh Bdap). Nhóm người Thượng này ở phía bên phải phòng giam, phía bên trái là những người Lào, Cambodia và Myanmar. Khi tôi còn đang nhìn xem chỗ nào trống để đi vào, thì một em người Cambodia ở sát cửa phòng vẫy tôi vào và nhường cho hai mẹ con tôi một chỗ trống. Tôi cám ơn em và sắp xếp đồ cá nhân. Trước khi đi vào IDC, tôi có đem theo một số bánh kẹo, vì biết sẽ có nhiều trẻ con ở chung, tôi lấy bánh kẹo ra cho mỗi đứa trẻ một ít, chúng và những người mẹ đều rất vui vẻ và cám ơn tôi, buổi chiều "nhập trại" coi như yên ả. Phòng giam này, ngoại trừ tôi là người chủ động đi trình diện, thì tất cả những người còn lại đều bị cảnh sát Thái bắt. Có 3 phòng giam dành cho những người phụ nữ có con nhỏ, hai phòng còn lại giam giữ những người đến từ các quốc gia khác, đa số đến từ Trung Đông.
Sang ngày thứ hai, tôi và em Linh bắt đầu nhận ra nhau và nói chuyện với nhau nhiều hơn.
Nhóm người Thượng này bị cảnh sát Thái Lan bắt vì trước đó, mẹ em Linh ở Việt Nam mất, họ có tổ chức một buổi tưởng niệm tại nơi ở của em Linh, do số lượng người tập trung đông (gần 60 người) nên cảnh sát phát hiện và bắt giữ tất cả. Họ bị chia ra giam giữ ở nhiều khu, những người phụ nữ có con nhỏ hoặc đang có thai thì giam ở phòng giam này. Trước khi tôi ra khỏi IDC, thì nhóm người Thượng đã được luật sư của BPSOS làm hồ sơ đóng tiền phạt để chuộc họ ra, hiện tại tôi vẫn chờ tin của họ.
Hỏi về vụ việc của em Y Quynh Bdap, Linh nói theo cách diễn giải đơn giản của em, thì vợ chồng em kiếm tiền nuôi con đã khó khăn, làm gì có tiền mà gửi về Việt Nam mua vũ khí, vậy nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn buộc cho Y Quynh Bdap tội danh khủng bố. Tình trạng của em Y Quynh Bdap vẫn vậy, vẫn đang bị giam ở nhà tù Bangkok.
Những ngày sau đó, thời gian có vẻ như kéo dài hơn. Con gái tôi nói, mới vài ngày ở IDC mà con cảm giác như cả tháng. Tôi cười bảo con rằng, mọi người hay nói: "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", vậy nên con sẽ hiểu được những người tù chánh trị Việt Nam, trong đó có mẹ, đã trải qua những ngày tháng như thế nào. Con gái nói, con không hiểu luật là thế nào, nhưng con biết là luật do con người đặt ra, vậy thì chính con người đang làm khổ nhau. Tôi nói với con: "Đúng vậy, luật do con người đặt ra, với mục đích dùng những nguyên tắc để quản lý xã hội. Nếu luật pháp được đặt ra để phục vụ cộng đồng, nó sẽ tích cực. Ngược lại, nếu luật pháp đặt ra để phục vụ lợi ích cá nhân hay một nhóm người, những người cai trị lợi dụng quyền lực để thao túng pháp luật, thì nó sẽ trở nên tiêu cực và có hại cho cộng đồng, cho đất nước. Con gái theo tôi vượt biên, bây giờ theo tôi vào tù dù là thời gian ngắn, có lẽ bây giờ con chưa hiểu hết được sự việc, nhưng khi con lớn lên, nhớ lại những mốc thời gian này, con sẽ thấy đó là khoảng thời gian con không thể nào quên.
Trở lại với nhà tù Bang Khen, chế độ ăn không bị thiếu đói, cách phát cơm cũng sạch sẽ chứ không dơ bẩn như nhà tù cộng sản Việt Nam. Mỗi ngày đến giờ phát cơm, quản giáo đưa người đẩy xe cơm đến trước cửa phòng giam, tù nhân đưa khay đựng cho họ múc cơm và thức ăn. Họ phát cơm ngày ăn ba bữa, cơm rất nhiều nhưng thức ăn nghèo nàn dinh dưỡng, thức ăn hầu như giống nhau mỗi ngày không thay đổi, tù nhân nếu cứ ăn trong thời gian dài sẽ thiếu chất dinh dưỡng. Ở khu tù nhân bình thường sẽ có bán thêm thức ăn, tù nhân muốn thì mua thêm để ăn. Nhung khu tôi ở thì không có, có lẽ khu này giam tù nhân thời gian ngắn hạn nên không được mua thêm thức ăn. Phòng giam có sử dụng máy lọc nước nóng lạnh, vì tù nhân cần nước nóng để pha sữa cho trẻ, còn những khu giam khác tôi đoán sẽ không có.
Mỗi tuần họ vẫn có phát sữa cho mấy đứa trẻ, nhưng lịch phát cũng không cố định, nên tôi chưa thống kê được mỗi tuần là bao nhiêu. Phòng giam không có chỗ phơi đồ, tù nhân kiếm chỗ nào đó trống thì treo đại, nhìn rất lộn xộn. Cách 3 ngày (hoặc có khi hơn) họ cho tù nhân dẫn mấy đứa trẻ xuống sân chơi khoảng 20 đến 30 phút, xem như là giải trí. Thời gian ở IDC, mọi liên lạc với bên ngoài bị cắt đứt, chỉ trừ những người án dài, mỗi tháng họ được gọi điện thoại cho người thân một lần. Khu giam tôi ở, người thân không được thăm tù, nếu tù nhân có luật sư riêng, khi có việc cần thiết thì luật sư mới được vào thăm tù nhân. Nói chung là tù, sẽ khắc nghiệt, chánh phủ Thái làm vậy để những người nhập cư bất hợp pháp phải sợ, sau này không tái phạm nữa.
Khu tôi ở, nhìn chung thái độ của quản giáo tương đối ôn hòa, nhất là những người được UNHCR sắp xếp đi trình diện như tôi, họ đã nắm được hồ sơ nên thái độ của họ đối với tôi tương đối được tôn trọng, còn với những người bị họ bắt được, họ cũng tỏ ra khó khăn. Quản giáo ở Suan Phlu IDC, thái độ đối với tù nhân rất khó chịu, có những tù nhân, không biết vì phạm tội gì mà ở tù lâu năm, khi ra khỏi IDC, họ như thoát khỏi địa ngục. Ở IDC, tù nhân đến từ nhiều quốc gia, da vàng, da đen, da trắng đều có đủ, nhưng theo sự quan sát của tôi, tù nhân người Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao.
(Do bài viết hơi dài, nên em chia thành hai phần, để bạn đọc tiện theo dõi, em sẽ tiếp tục đăng phần cuối tiếp theo).
April 14, 2025