Vinh Thăng Ó Đen


Anh Lý Tống mất vậy mà đã 6 năm.
6 năm, thời gian như gió cuốn, cuốn theo sự lãng quên của cuộc đời.
Họa may chỉ còn những người thân của Anh là còn nhớ.
Anh Lý Tống hình như không có một người con nào cả thì phải???
Anh ấy mất vào ngày hôm nay ở Mỹ, 5/4/2019.
Cuộc đời của Anh ấy cũng ly kỳ lúc sống cũng như ở giờ sinh tử.
Cuộc đời của Anh ấy cũng bị rất nhiều miệt thị cũng như ca ngợi.
Cuộc đời riêng của Anh ấy nó cũng giống như nhiều người có thân nhân ở cả hai bên Quốc - Cộng trong thời chiến tranh chống giặc cộng xâm lăng của Quân - Dân - Cán- Chính Việt Nam Cộng Hòa.


Lý Tống để lại cho đời một câu nói bất hủ :
"Cha và Anh tôi theo cộng sản. Tôi thì theo Quốc Gia. Nhiệm vụ của tôi là chống cộng. Còn chuyện Cha- Anh tôi chống Tây, chống Mỹ là chuyện của Họ."
Lập trường dứt khoát như vậy, hiếm có mấy người.
Có lẽ vì thế từ Lê Văn Tống Anh đổi thành Lý Tống.
Những người chiến binh thuộc về thế hệ chiến tranh, và kể cả những cai tù cộng sản có một số đông coi anh ấy là người lập dị, khùng, v.v.
Nhưng chẳng có ai sống được một cuộc đời ly kỳ như Anh ấy.
Anh ấy cũng có một người Anh, cùng chí hướng, cùng gọi nhau là Chiến Hữu . Người đã làm mấy câu thơ, khóc em mình trong giờ ly biệt :
Em đã tung hoành thỏa chí trai
Trọn đời nợ nước nặng hai vai
Xông pha nguy hiểm liều mạng sống
Đảm lược trên đời dễ mấy ai?


Lý Tống, quan niệm rằng : Nhiệm vụ của tù binh là phải vượt ngục !
Và Anh là một số ít người đã làm được chuyện này. Và ly kỳ hơn là còn sống.
Cuộc vượt ngục của Anh xuyên qua ba quốc gia, đã làm nên một sự thán phục của dư luận quốc tế thời đó.
Và Anh cũng đã được cố Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan tặng cho danh hiệu Freedom Fighter.
Trong hồi ký Ó Đen của Anh Lý Tống, nhiều chuyện đã được Anh kể lại. Nhưng riêng đối với tôi, thì chuyện Chị Hạnh và Anh Lý Tống, là một chuyện tình rất đặc biệt của thời chinh chiến.
Dân Lính Không Quân, thường thường rất đào hoa. Cao ráo, đẹp trai, oai hùng trong bộ đồ bay,súng kè kè bên hông, là một niềm mơ ước của nhiều hồng nhan thời đó. Và Anh Lý Tống cũng không ngoại lệ.
Điều đặc biệt ở chuyện tình này là Chị Hạnh đã gan góc giúp đỡ anh Lý Tống vượt ngục.
Mà chuyện toan tính vượt ngục của Anh Lý Tống cũng ly kỳ.
Bò vô phi trường Tân Sơn Nhứt cướp máy bay.
Một vài chuyện trục trặc nên mưu toan này không thực hiện được.
Tôi nhớ cái đoạn anh ấy kể, khi trở về từ hàng rào của phi trường Tân Sơn Nhất, hai người thức thâu đêm.
Họ đã nói chuyện gì? Họ có mừng khi còn gặp lại nhau không, khi nguy hiểm bao trùm?
Dĩ nhiên là có, thời đó trai thời loạn, gái anh thư ,của miền Nam yêu dấu, họ yêu thương nhau với một tình yêu thăng hoa và thơ mộng, đợi chờ thắt thoải.
Nếu có người cho là tôi cường điệu thì tôi chẳng biết nói sao, nhưng nếu họ chứng kiến những tấm gương trung trinh tiết liệt của những bà vợ Lính miền Nam, họ sẽ hiểu.
Nếu họ đã từng chứng kiến những người Anh Thư của miền Nam, nửa đêm bị giặc cộng lôi ra pháp trường thì họ sẽ không cho tôi là cường điệu.
Nếu bạn còn nhớ, còn rung động bởi những bài nhạc "sến" của miền Nam, thì bạn sẽ hiểu tôi nói gì về những mối tình của một thời chiến tranh khốn nạn.
Chuyện tình trong thời giao tranh
Cũng như làn khói mong manh
Chàng về đơn vị xa xăm
Nàng ôm nặng nhớ mong


Chị Hạnh là người tình của Anh Lý Tống trong thời chiến tranh, Anh Lý Tống bị bắn rớt máy bay ở Phan Rang và bị tù 5 năm. Khi Anh vượt ngục về đến Sài Gòn từ Tuy Hòa, thì anh liên lạc lại được với Chị.
5 năm trời dưới chế độ cộng sản, làm gì có chuyện nhiều người không thay đổi theo thời cuộc, nói gì đến chuyện giúp người yêu xưa vượt thoát. Mà người đi chắc gì sẽ còn nhớ hay chung thủy nếu thành công.
Anh Lý Tống bây giờ đã ra người thiên cổ, còn tôi hoàn toàn không biết gì về cuộc đời của Chị Hạnh. Bây giờ nếu còn sống cũng đã là bà lão hơn 70.
Tôi chỉ là người đọc văn, và cũng là chừng nhân của một phần thời đại, cũng là tù nhân của chế độ cộng sản.
Tôi cảm phục tinh thần và cuộc sống của Anh Lý Tống.
Tôi thương Chị Hạnh với một tấm lòng cảm khái.
Ngủ yên Anh Lý Tống
