Phân Biệt Các Diện Tị Nạn Chánh Trị
Đọc qua bình luận của mọi người, tôi thấy đa số quý vị vẫn chưa hiểu rõ về các diện tị nạn chánh trị và thủ tục hồ sơ tị nạn nên Nga viết bài này để các bạn hiểu rõ hơn. Dưới đây, tôi xin nói qua các diện đi định cư của người tị nạn đã đi khỏi Việt Nam hoặc khi vẫn còn ở trong nước:
Đi định cư theo diện UNHCR (Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn): Người tị nạn đã đi khỏi Việt Nam (bài viết này đang nói về người tị nạn chánh trị Việt Nam). Hồ sơ của người tị nạn do UNHCR chuyển đi cho nước thứ ba, nếu nước thứ ba chấp nhận thì họ sẽ liên lạc với người tị nạn để làm thủ tục cho đi định cư. Thời gian làm thủ tục nhanh hay chậm tùy thời điểm, tùy trường hợp, nhưng các bước làm hồ sơ thì thì cố định. Bản thân người tị nạn không trực tiếp nộp hồ sơ cho quốc gia sẽ đến định cư. Như trường hợp của tôi, tôi không nộp hồ sơ vào Canada mà Canada nhận hồ sơ của tôi do UNHCR chuyển, chánh phủ Canada chấp nhận hồ sơ và tiến hành làm thủ tục. Từ khi nhận được thông báo của Cơ quan di trú Canada chấp nhận hồ sơ của tôi cho đến khi đến Canada định cư (cho trường hợp của tôi) là bốn tháng rưỡi.
Như vậy, đi định cư theo diện UNHCR, người tị nạn phải được UNHCR cấp quy chế tị nạn và làm hồ sơ tái định cư thì mới có hồ sơ chuyển cho nước thứ ba. Tất nhiên, trước khi cấp quy chế tị nạn, UNHCR phải xác minh hồ sơ người tị nạn rất nghiêm ngặt. Nếu được UNHCR chấp nhận cấp quy chế tị nạn, người tị nạn trải qua hai cuộc phỏng vấn: Sơ vấn để cấp thẻ quy chế tị nạn tạm thời và phỏng vấn chính thức để cấp quy chế chính thức. Sau đó, nếu được xét làm hồ sơ tái định cư, người tị nạn phỏng vấn lần thứ 3 (phỏng vấn tái định cư). Cả 3 cuộc phỏng vấn đều rất nghiêm ngặt. Sau đó, nếu đậu phỏng vấn, hồ sơ sẽ được UNHCR hoàn thành và chuyển đi. Người tị nạn sẽ không biết được UNHCR chuyển hồ sơ cho quốc gia nào, cho đến khi hồ sơ được nước thứ ba chấp nhận. Đi diện UNHCR hoặc cũng có thể gọi là "diện chánh phủ" vì chánh phủ sẽ hỗ trợ người tị nạn sau khi đến định cư cho mọi phương diện như nhà ở, chi phí sinh hoạt trong một thời gian (thông thường là một năm).
Đi theo diện bảo lãnh tư nhân thì điều kiện là người tị nạn phải được UNHCR cấp quy chế tị nạn (nhưng chưa hoặc không được UNHCR phỏng vấn tái định cư), hồ sơ người tị nạn do nhóm bảo hộ tư nhân chủ động nộp cho cơ quan di trú của quốc gia muốn xin tị nạn, và phải chờ được chấp nhận hay không. Muốn bảo hộ tư nhân cho người tị nạn, các nhóm hoặc tổ chức bảo hộ phải đạt được điều kiện về pháp lý và tài chánh do chánh phủ các quốc gia đề ra. Thủ tục làm hồ sơ theo dạng này sẽ trải qua nhiều bước và thời gian chờ đợi xét duyệt rất lâu, vì quốc gia đó phải cần có thời gian trực tiếp điều tra hồ sơ người tị nạn. Nếu người tị nạn được đi định cư, thì sinh hoạt của người tị nạn thời gian đầu do các nhóm, các tổ chức bảo hộ tư nhân này đảm nhận.
Diện người tị nạn tìm cách đến quốc gia muốn được định cư để nộp hồ sơ trực tiếp cũng sẽ có các đặc điểm khác so với các diện trên.
Sự vận động của các cá nhân hoặc tổ chức nhân quyền đóng vai trò quan trọng cho người tị nạn, để UNHCR hoặc các quốc gia điều tra hồ sơ trực tiếp có thêm thông tin về người tị nạn, nhưng quyết định nhận hồ sơ vẫn thuộc quyền cơ quan di trú các quốc gia (nếu hồ sơ người tị nạn khai báo gian dối, cho dù vận động thế nào cũng không hiệu quả). Nhất là UNHCR, họ thừa khả năng và phương tiện để có thể xác minh hồ sơ người tị nạn một cách chính xác.
Các diện đi tị nạn chính trị khi vẫn còn ở trong nước:
Diện để được đi định cư từ trong nước, người tị nạn sẽ liên lạc với Lãnh Sự Quán, nếu được Lãnh Sự Quán sơ vấn, sau đó, người tị nạn trực tiếp nộp hồ sơ cho LSQ và chờ xét duyệt, thời gian thường kéo dài vài năm để xét duyệt được chấp nhận hay không. Nếu hồ sơ được chấp nhận thì các bước làm thủ tục hồ sơ sau đó cũng tương tự như các diện trên.
Diện còn lại là người bất đồng chánh kiến đi định cư từ trong tù. Những cá nhân, tổ chức nhân quyền vận động các chánh phủ nước ngoài, các Lãnh Sự Quán can thiệp nhà cầm quyền Việt Nam để thả tù nhân và người tù được các chánh phủ đó bảo lãnh cho đi định cư.
Tuy nhiên, để xét duyệt cho người tị nạn đi định cư, chánh phủ các nước hoặc UNHCR điều tra hồ sơ rất nghiêm ngặt, vậy nên hiện tại, tỷ lệ người tị nạn được chấp nhận đi định cư vẫn rất thấp.
Tôi xin nói sơ lược như vậy để mọi người có thể hiểu rõ hơn. Quý vị có thắc mắc gì tôi sẽ giải thích thêm trong comment khác.