NGƯỜI VIỆT TỰ DO CÓ NÊN TỰ NHẬN MÌNH LÀ “BÊN THUA CUỘC”?
NGƯỜI VIỆT TỰ DO CÓ NÊN TỰ NHẬN MÌNH
LÀ “BÊN THUA CUỘC”?
Tác giả: TRẦN TRUNG ĐẠO
Lý luận cần thiết nếu không muốn nói là quyết định. Một người đi lạc trong rừng không có đầu óc lý luận để biết việc gì nên làm trước và việc gì nên làm sau có thể phải chết trong rừng già.
Mục tiêu trước mắt của người đi lạc
là tồn tại chứ không phải là ra khỏi khu rừng. Do đó, việc nên làm trước là
bình tĩnh đi tìm chung quanh mình một con suối hay ít nhất một khe nước thay vì
hoảng sợ chạy tứ tung để tìm một lối thoát cho đến khi tuyệt vọng quỵ xuống và
chết trong đói khát.
Một nhận xét tôi thường gặp trên
Facebook “Nói hoài, nói mãi, vấn đề là làm gì”. Người viết nhận xét đó thật ra
không có ý khinh thường hay nặng lời với các tác giả cặm cụi suốt ngày đọc và
viết nhưng chứng tỏ tâm lý thất vọng trước các vấn nạn của đất nước.
Lý luận bắt đầu từ những khái niệm
căn bản.
Qua trung gian bạn bè tôi biết đến
tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” khá sớm. Khi chưa đọc, một người bạn hỏi tôi về cái
tựa sách. Tôi nhớ mình đã trả lời “Không thích lắm vì có vẻ hụt hẫng, phải chi
có thêm vài chữ để chỉ rõ hơn nội dung mà tác phẩm tập trung vào, “Bên thắng
cuộc” thôi tổng quát quá.” Nhưng sau khi sách phát hành, đọc và thấy có thêm
hai tiểu đề “giải phóng” và “quyền bính” đánh dấu mốc thời gian và chỉ rõ nội dung
hơn, tôi nghĩ khác về tựa sách. Đảng CSVN đúng là “bên thắng cuộc”.
Lịch sử đảng CSVN chứng minh CS hóa
miền Nam là cuộc cờ, là canh bạc của đời họ. Các thế hệ lãnh đạo CS trước chiến
tranh, trong chiến tranh và ngay bây giờ đều xem dải đất hình cong chữ S là một
bàn cờ. Duy trì quyền lực đảng là tối thượng và tất cả nỗ lực, mọi hoạt động
đều nhằm phục vụ cho các mục đích thắng cuộc cờ của đảng.
Từ 1930 đến nay, đảng CS đưa ra nhiều
văn bản chỉ đạo từ Luận Cương (10-1930) đến Chính Cương của Đảng Lao Động Việt
Nam (2-1951), Cương Lĩnh Xây Dựng Đất Nước Trong Thời Kỳ Quá Độ Lên Chủ Nghĩa
Xã Hội (6-1991) và các văn bản khác nhưng nội dung vẫn thống nhất. Đảng CS đã,
đang và sẽ làm tất cả những gì cần để bảo vệ cho được quyền cai trị của đảng.
Sau hiệp định Geneva, nếu có tổng
tuyển cử thì tốt. Họ sẽ chiếm miền Nam không cần súng đạn. Nếu không có tổng
tuyển cử cũng không sao. Họ vẫn chiếm miền Nam nhưng bằng xương máu Việt Nam và
súng đạn Nga, Tàu. Dù qua phương cách tuyên truyền, gian lận hay phải “đốt cháy
cả dãy Trường Sơn”, mục tiêu toàn trị vẫn không thay đổi.
Đương đầu với Mỹ, một cường quốc dư
thừa bom đạn, các lãnh tụ CS biết nhiều triệu người Việt sẽ phải chết, viễn ảnh
một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại có thể phải xảy ra. Biết thì
biết nhưng đảng không hề bận tâm. Không có văn bản nào cho thấy các lãnh đạo CS
đặt số phận 20 triệu dân miền Nam lên bàn tính. Khi cần có đàn anh bảo bọc,
đảng bán nước không một chút đắn đo. Năm 1958, Mao Trạch Đông chưa chính thức
mở miệng đòi Hoàng Sa, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Bộ Chính Trị CSVN đã biết
ý nên tặng trước để lấy lòng.
Trải qua nhiều thời kỳ, có khi đảng
phải tự diễn biến để thích nghi với những đổi thay trên thế giới hay làm dịu
lòng căm phẫn của người dân nhưng bộ máy công an, nhà tù, các biện pháp đàn áp,
trừng phạt, các bản án dành cho những người chống lại các chính sách hà khắc
của đảng CS không hề thay đổi.
Năm 1990, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị
kết án 20 năm tù vì đòi hỏi CSVN phải tôn trọng nhân quyền. Năm 2017, anh Lê
Đình Lượng đòi hỏi CSVN tôn trọng nhân quyền nên bị kết án 20 tù. Hai mươi bảy
năm nhưng giá một người Việt Nam yêu chuộng tự do phải trả không bớt được một
ngày.
Ba chữ “đảng CS” khắc trong tim, hòa
trong máu của các thế hệ lãnh đạo CSVN.
Không ai trong số 13 đảng viên Việt
Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài ngày 17 tháng 6, 1930 tại Yên Báy đã hô
“Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”. Ngược lại, không ai trong số các lãnh tụ CS
bị xử bắn tại Hóc Môn ngày 28 tháng 8 năm 1941 như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh
Khai, Nguyễn Hữu Tiến v.v.. đã hô “Việt Nam muôn năm.”
Báo đảng CS viết về cái chết của Võ
Văn Tần, Bí thư Xứ Ủy Nam Kỳ thuộc đảng CS Đông Dương: “Trước lúc hy sinh, tất
cả các đồng chí đã giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu: “Đảng Cộng
Sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm” (Cách mạng
đây là cuộc cờ, canh bạc của đảng CS).
Báo đảng CS viết về cái chết của
Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành Ủy Sài Gòn Chợ Lớn: “Sau khi Khởi nghĩa Nam
Kỳ thất bại, bà bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng,
Hóc Môn ngày 26 tháng 8 năm 1941. Trước khi bị xử tử, bà đã khẳng khái lên án
tội ác thực dân Pháp và hô to: "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!",
thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của bà.”
Lê Hồng Phong không bị xử bắn. Ông ta
bị bịnh và chết ngoài Côn Đảo. Trước khi qua đời, ông Phong không nhờ các bạn
tù thắp nén hương trên mộ mẹ hay chào vĩnh biệt nơi chôn nhau cắt rốn, không,
theo các báo đảng, ông nhắn nguyên văn thế này: “Xin chào tất cả các đồng chí.
Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng: Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn
một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng". (Cách mạng đây là
cuộc cờ, canh bạc của đảng CS)
Di chúc Hồ Chí Minh, bản do đảng CSVN
công bố có 22 chữ “đảng” và 1 chữ “dân tộc”.
Giống như Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong,
Nguyễn Thị Minh Khai và các lãnh tụ CS khác, Hồ Chí Minh sống là lãnh tụ CS và
chết cũng về với các lãnh tụ CS khác: “Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng
khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì
đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột
ngột.”
Tóm lại tất cả lãnh tụ CS chết vì bị
xử tử, chết già, chết bịnh đều chỉ nghĩ tới đảng, không ai trong số họ nghĩ tới
dân tộc Việt.
Nhưng sau khi tác phẩm “Bên Thắng
Cuộc” được phát hành, một phong trào gồm những người dễ dãi bắt đầu dùng chữ
“Bên Thua Cuộc” để chỉ phía Việt Nam Cộng Hòa nói riêng và khối người Việt yêu
tự do nói chung.
Đảng CS tự đánh cuộc với chính họ.
Người Việt tự do không đánh cuộc nên không “thua cuộc” ai cả.
Dân tộc Việt Nam không ký vào Hiệp
Định Geneva 1954. Đây là dây thòng lọng của các cường quốc quấn trên cổ dân tộc
Việt. Dân tộc Việt phải chấp nhận để sống cho đến khi đủ lớn mạnh.
Sự phân cực tự do và CS sau Thế chiến
Thứ Hai không chỉ diễn ra trong phạm vi ý thức hệ mà còn diễn ra về địa lý tại
một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Không một người Việt Nam nào muốn đất
nước phải chia đôi và lòng người ly tán, nhưng phải chấp nhận và thuận theo
hướng đi của thời đại mà phát triển cho đến một cơ hội thích hợp để đoàn viên
dân tộc.
Một lãnh đạo sáng suốt là lãnh đạo
biết vận dụng chính sách đối ngoại của các cường quốc và đi theo hướng đi của
thời đại.
Konrad Adenauer của Đức là một chính
trị gia yêu nước và thức thời. Mục đích trước mắt của Thủ tướng Adenauer sau
1945 không phải là thống nhất nước Đức mà xây dựng Tây Đức thành một quốc gia
độc lập, dân chủ, có chủ quyền và một cường quốc được thế giới công nhận.
Chỉ 10 năm sau Thế Chiến thứ Hai,
1955, Cộng Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức) trở thành hội viên của NATO hùng mạnh.
Chỉ 12 năm sau Thế Chiến thứ Hai, 1957, Tây Đức trở thành một trong những quốc
gia lãnh đạo của Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu.
Tương tự, Việt Nam Cộng Hòa không có
ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền Bắc. Chính phủ và
nhân dân VNCH hoàn toàn không muốn chiến tranh. Sau một trăm năm chịu đựng
không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích trước mắt của nhân dân
miền Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam
thành một nước cộng hòa hiện đại.
Dân chủ là một tiến trình chứ không
phải là một cái máy cày hay máy xay lúa được nhập từ nước ngoài và xử dụng
giống nhau dù ở Mỹ, Pháp hay Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng nền dân chủ,
nước Mỹ đã phải hy sinh trên bảy trăm ngàn thanh niên trong Nội Chiến Hoa Kỳ
1861-1865. Miền Nam Việt Nam cũng có những vấn đề riêng của một quốc gia đang
tìm cách vươn lên sau thời kỳ bị lệ thuộc quá dài. Tuy nhiên, đó là chuyện
riêng của VNCH, không dính líu hay liên can gì đến chế độ CS ở miền Bắc.
Nhưng đảng CS không tha.
Tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung
ương đảng Lao Động (CS) sau khi biết rằng việc chiếm miền Nam bằng phương tiện
chính trị không thành, đã quyết định đánh chiếm miền Nam bằng võ lực dù phải
“đốt cháy cả dãy Trường Sơn” như Hồ Chí Minh nói. Gần hết đồng bào miền Bắc bị
đảng lừa vào cuộc chiến “giải phóng dân tộc” và hàng triệu người đã uống phải
viên thuốc độc bọc đường “chống Mỹ cứu nước” nên bỏ thây trên khắp hai miền.
Suốt 20 năm, quân dân miền Nam đã
phải chiến đấu trong cuộc chiến tự vệ mà họ không chọn lựa. Miền Nam Việt Nam
là nạn nhân của đảng CSVN chứ không “thua cuộc”.
Hàng ngàn người dân vô tội chết ở Huế
trong Tết Mậu Thân không “thua cuộc” với ai cả, họ chết vì bị chôn, trong nhiều
trường hợp bị chôn sống.
Các em bé chết trong tay mẹ ở nhà
hàng Mỹ Cảnh không “thua cuộc” với ai cả, các em bị giết bằng bom của đặc công
CS tối 25, tháng 6, 1965.
Những em bé học sinh tuổi mới lên mười ở trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường không “thua cuộc” với ai cả, các em chết oan ức vì đạn pháo kích sáng ngày 9 tháng 3, 1974.
Những bà mẹ che đạn cho con bằng
chiếc nón lá và những bà mẹ gánh con chạy giặc trên trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”
1972 không “thua cuộc” với ai cả, nước mắt của các mẹ là máu chảy nhiều năm.
Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia bị
CS cưỡng chiếm và một ngày sẽ được phục hồi. Ngày phục hồi không chỉ Miền Nam
thôi mà cả nước Việt Nam sẽ yên vui dưới chế độ Cộng Hòa.
Trần Trung Đạo
Nhận xét
Đăng nhận xét