HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19/1/1974

HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19/1/1974
NGHE "THUẬT HOÀI" TRƯỚC KHI XUNG TRẬN
Tôi hỏi ông Ngô Thế Long, Cựu Hải Quân Trung úy Việt Nam Cộng Hòa, một trong những sĩ quan trực tiếp tham gia Hải chiến Hoàng Sa tháng 1.1974 :
“Điều gì còn đọng lại trong ông sau 40 năm xảy ra trận hải chiến ấy ?”.

Đang trầm ngâm, ông Long chợt sôi nổi hẳn :
“Đó là giọng đọc thơ san sản của Hạm Trưởng tàu HQ-4, Trung tá Vũ Hữu San. Ông đọc bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão trước khi chúng tôi xung trận. Đã 40 năm rồi mà tôi vẫn không thể nào quên “không khí” của buổi tối hôm trước ngày xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa”.
Ông Long nhớ lại: “Tôi là sĩ quan nhân viên trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Đây được xem là chiến hạm hiện đại nhất của Hải Quân Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ. HQ-4 có giàn ra đa Không thám, Hải thám, chuyên đi tuần dương khắp vùng lãnh hải từ vĩ tuyến 17 trở vào.

Khoảng trung tuần tháng 1.1974, chúng tôi nhận lệnh đi tuần dương khu vực miền Trung chứ cũng không biết là sẽ tham gia bảo vệ Hoàng Sa và phải đương đầu với Hải quân Trung Quốc. Cho đến khi tàu chúng tôi tiếp cận khu vực Hoàng Sa cùng với tàu HQ-10, HQ-16, HQ-5 thì mới biết là sắp có chiến sự. Không khí bấy giờ khá nặng nề, bên nào đạn cũng lên nòng, chỉ chờ lệnh trên là khai hỏa”.

Ông Ngô Thế Long, 70 tuổi, sinh ra tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, trong một gia đình viên chức nghèo. Cha ông là nhân viên hỏa xa từ thời Ông Ngô Đình Diệm. Đang là sinh viên Trường đại học Y khoa Sài Gòn, Ngô Thế Long phải tạm gác bút để vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa sau đợt tổng động binh năm 1968.


Ông Long hiện sinh sống tại thôn Trung Hiệp, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Long kể rằng, từ chiều 18.1.1974, trong “lòng chảo” của Hoàng Sa, tàu hải quân của Trung Quốc và tàu hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã “so kè” nhau. Tàu Trung Quốc liên tục cản mũi tàu Việt Nam Cộng Hòa, còn tàu của Việt Nam Cộng Hòa thì cố tránh “va chạm” và chờ lệnh.

Theo ông Long, các chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa chủ trương “ôn hòa” trong khi tàu Trung Quốc thì luôn khiêu khích.

“Chúng tôi dùng loa, đèn tín hiệu, để gửi cho phía Trung Quốc thông điệp rằng đây là phần lãnh hải của Việt Nam Cộng Hòa. Thấy không có dấu hiệu gì để họ “lùi”, một số sĩ quan trên tàu chúng tôi, nhất là số anh em ở khu vực Chợ Lớn có biết tiếng Hoa đã dùng loa để nói với họ bằng tiếng Hoa rằng, các ông không được xâm phạm lãnh hải của chúng tôi, yêu cầu các ông rút khỏi khu vực này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không những không “lùi” như yêu cầu của chúng tôi mà họ còn lấn tới. Một cuộc hải chiến không thể tránh khỏi sắp xảy ra và chúng tôi đã chấp nhận nó như mọi người đã biết”, ông Long nhớ lại.

Ông Long kể:
Đêm đó, Trung tá Vũ Hữu San, sau bữa cơm chiều vội vàng, ông tập họp tất cả anh em binh sĩ trên tàu lại và nói rằng, đây là trận hải chiến mà chúng ta không chờ đợi nhưng buộc phải cầm súng để bảo vệ lãnh hải quốc gia. Ông San nói :
“Như các bạn đã biết, ông cha ta từ bao đời nay bị giặc phương Bắc ức hiếp nhưng luôn luôn biết cách đứng lên để bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của mình. Sau trận thủy chiến của quân và dân nhà Trần thế kỷ 13 thì đây là lần đầu tiên người Việt Nam chúng ta đánh giặc phương Bắc bằng thủy quân nhưng bằng tàu sắt. Trận chiến này, các bạn, kể cả tôi có thể ngã xuống nhưng chúng ta không được lùi bước, như cha ông ta đã từng đánh giặc để bảo vệ bờ cõi”.

Như để khích lệ tinh thần quân sĩ một lần nữa, Trung tá Vũ Hữu San đã đọc bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão, một danh tướng nhà Trần, triều đại đã 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên-Mông:
    “Múa giáo non sông trải mấy thu
    Ba quân hùng khí át sao Ngưu
    Công danh nam tử còn vương nợ
    Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Tất cả anh em sĩ quan và binh lính trên tàu, sau khi được “lên dây cót” như thế, ai cũng hồi hộp chờ khai hỏa. Chúng tôi, kẻ mặc áo lính 10 năm, người mới nhập ngũ, từng kinh qua trận mạc nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, trận đánh này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác : chống kẻ thù ngoại bang đang xâm lăng bờ cõi nước ta, nó hoàn toàn khác với những lần nổ súng trước đó. Đấy thật sự là một cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc đúng nghĩa nhất của từ này. Và trận hải chiến không mong đợi ấy đã mang lại cho chúng tôi một kết cục buồn ; 74 đồng đội chúng tôi đã ngã xuống nhưng đã không bảo vệ được phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Long ngậm ngùi.

Danh sách 74 chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974


“Nhưng điều tôi muốn nói là, dù chúng tôi đã thất bại, dù danh xưng trong trận hải chiến ấy chưa được lịch sử hôm nay công nhận chính danh, nhưng máu đã đổ xuống Hoàng Sa ngày ấy là máu của người Việt Nam chống quân Trung Quốc xâm lược như ông cha ta đã từng đổ xuống từ hàng ngàn năm qua để bảo vệ bờ cõi”, ông Long nói.

Trần Đăng
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025