Anh Hùng Tử Khí Hùng Bất Tử: Anh hùng hải chiến Hoàng Sa - Tử sĩ Nguyễn Thành Trọng

Anh Hùng Tử Khí Hùng Bất Tử
Anh hùng hải chiến Hoàng Sa - Tử sĩ Nguyễn Thành Trọng
Anh hùng hải chiến Hoàng Sa - Tử sĩ Nguyễn Thành Trọng




TỔ QUỐC GHI ƠN
Anh hùng hải chiến Hoàng Sa - Tử sĩ Nguyễn Thành Trọng

Trung sĩ Nhất Trọng pháo
Số quân: 72A 700.861- Đơn vị : Hộ Tống Hạm Nhật-Tảo HQ10
Sinh ngày 22-10-1952 tại Cần-Thơ
Cha: Nguyễn Thành Ký
Mẹ: Đặng Thị Lưu
Vợ: Nguyễn Thị Lựa
Con: Nguyễn Hoàng Sa, Ngày sinh: 24/03/1974
Ngày 19/01/1974, Trung Sĩ Nhứt TP Nguyễn Thành Trọng hy sinh vì tổ quốc tại quần đảo Hoàng Sa.

Lúc ấy cháu Nguyễn Hoàng Sa còn trong bụng mẹ. Hai tháng 5 ngày sau, cháu Hoàng Sa mới sinh ra đời nên gia đình đặt tên cho cháu là Nguyễn Hoàng Sa để lưu lại cho cháu biết về trận Hải chiến Hoàng Sa với Trung cộng ngày 19/01/1974 mà cha cháu Nguyễn Thành Trọng cùng hơn 70 đồng đội đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

(Nguồn: Fb Dung Dang)

NGƯỜI CHỒNG TỬ SĨ HOÀNG SA
Bà quả phụ Nguyễn Thị Lựa
TTO - 46 năm trôi qua, kể từ ngày bi tráng Hoàng Sa thất thủ 19-1-1974 đến nay, bà quả phụ Nguyễn Thị Lựa ở Thới Thạnh (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) vẫn còn gìn giữ vẹn nguyên những kỷ vật của chồng.

“Từ hôm đào lên lại, mẹ tui xúc động gìn giữ kỷ vật của ba cẩn thận lắm. Mẹ tui ở đâu, ba tui ở đó cho đến ngày mẹ trao tặng lại cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Chồng bà Lựa là ông Nguyễn Thành Trọng - Trung sĩ Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 từng giao tranh với hải quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974.
Từng chôn xuống đất kỷ vật của chồng
Cần Thơ những ngày cuối tháng 4, căn nhà bà Lựa nóng hầm hập trên tuyến đường từ quận Ô Môn đi Thới Lai.

Về đây sống cùng người con Nguyễn Hoàng Sa - một cái tên do bà Lựa đặt với bao kỷ niệm về chồng và quần đảo của Tổ quốc.

Mở chiếc cặp da cũ kỹ, bà lấy ra vài bức ảnh trắng đen ố màu và những tờ giấy mốc sờn rách góc nhưng còn rõ chữ.

"Hình ổng chụp cùng bạn ở đảo Hoàng Sa. Ảnh này cô chụp chung kỷ niệm với ổng ở Sở thú Sài Gòn. Giấy này là hôn thú của cô với ổng. Còn đây là giấy trích lục báo chồng cô tử trận trong cuộc hải chiến với quân Trung Quốc năm đó..." - bà Lựa xúc động nói.

Ngồi lặng người, bà Lựa cầm bức ảnh cũ của chồng mà rướm nước mắt :
"Năm 1972, ổng cưới cô được ít hôm rồi ổng đi. Ở nhà cô cũng nhớ ổng nhưng biết làm sao được. Lâu lâu ổng mới về thăm cô một lần" - bà kể.

Mỗi lần về, ông Trọng thường ở nhờ nhà một người chị ruột ở Sài Gòn, rồi nhờ ông chú chạy xe hàng báo cho gia đình để bà quá giang xe lên thăm chồng.

"Vợ chồng cô mừng lắm, quấn quýt nhau. Lần nào cũng vậy, cô hay nấu những món ăn ổng thích. Ổng dắt cô đi chơi rồi chụp ảnh kỷ niệm. Hết ngày nghỉ ổng lại lên tàu Nhật Tảo. Cô trở về lại Cần Thơ. Vậy mà cô cũng cảm thấy vui" - kể đến đây, đôi mắt trĩu nặng u buồn của bà Lựa ánh lên những tia lấp lánh.

Lần cuối gặp nhau, ông Trọng chia tay vợ tại cảng Bạch Đằng, Sài Gòn và dặn bà ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Bà quay ngược trở về Cần Thơ, còn ông Trọng cùng đồng đội lên tàu Nhật Tảo hướng ra vùng biển miền Trung. Đó cũng là lúc quần đảo Hoàng Sa đang bị lăm le xâm chiếm.

Ngày 19-1-1974, cuộc hải chiến Hoàng Sa bùng nổ giữa hải quân Trung Quốc và hải quân VNCH bảo vệ chủ quyền quần đảo của mình. Hộ Tống Hạm Nhật Tảo bị hỏng một động cơ từ trước nên mất khả năng linh hoạt và hệ thống vũ khí cũng bị trục trặc nên đã bị bắn chìm.

Trong các Tử sĩ anh hùng trên con tàu này có ông Nguyễn Thành Trọng.

"Ngày ổng mất, cô chẳng hề hay biết. Khi đó cô đã mang thai Hoàng Sa hơn một tháng, gia đình sợ cô buồn nên giấu. Mãi mấy ngày sau cô mới hay tin" - bà Lựa nhớ lại ký ức thương đau.

Những kỷ vật liên quan đến chồng, bà Lựa chỉ nhận được vài tấm ảnh kỷ niệm và giấy báo tử được gửi từ Đà Nẵng về. Tuy vậy, bà Lựa luôn xem đó như "báu vật" của riêng đời mình.

Bà tâm sự những kỷ vật đó không chỉ chứa đựng tình cảm yêu thương của hai vợ chồng qua những lần gặp mặt ngắn ngủi, mà còn là hình ảnh về một người chồng quá cố đã bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương.

Chồng nằm lại Hoàng Sa. Ít năm sau, bà Lựa khăn gói dẫn con về lại quê ngoại ở huyện Thới Lai sinh sống. Tuy nhiên, đời sống mẹ góa, con côi như bà Lựa chưa bao giờ dễ dàng.

Kể về những nỗi gian truân, vất vả của mình, bà Lựa nghẹn ngào :
"Khổ sở biết bao nhiêu. Thằng Hoàng Sa còn nhỏ, một mình cô gồng gánh nuôi con. Sau này nó lớn lên, mẹ con mót được ít tiền mở làm cửa hàng nhôm. Mần ăn chẳng được, cô mới chuyển sang mua phế liệu tới giờ tính ra cũng được 4-5 năm rồi".

Nhắc đến đây, bà Lựa trầm ngâm kể sau 1975 đất nước thống nhất, để lưu giữ lại những kỷ vật của chồng, bà đã nghĩ cách chôn kỹ.

"Tui làm cẩn thận lắm, bằng cách lấy giấy tờ và hình ảnh bỏ vào hũ keo. Tiếp đó, tui còn dùng bọc nilông bịt lại ba lớp để mang ra sau vườn của ngoại thằng Hoàng Sa mà chôn kín xuống đất" - bà Lựa kể lại quá trình cẩn thận gìn giữ kỷ vật của chồng.

Chôn xong, để tránh thất lạc, bà Lựa còn cẩn thận để lên chỗ đó một ít đá và trồng một cây xanh làm dấu.

"Làm vậy, tui có đi đâu không mang theo được thì kỷ vật của chồng mình vẫn còn đó. Khi cần, khi nhớ, tui đào lên là được thấy ổng à" - bà Lựa cho biết thêm.

Tuy nhiên qua bao cuộc thăng trầm, khó khăn, đến năm 2000 bà Lựa mới thu xếp trở về được vùng đất xưa để tìm lại kỷ vật của chồng. Mọi thứ đã đổi thay.

"Tui đào bới lâu lắm mới gặp. Như thấy ổng đang đứng trước mặt, tui rớt nước mắt xúc động khôn xiết. Ảnh nè, giấy tờ nè, vẫn còn y nguyên" - bà Lựa vui vẻ cười.

Tổ quốc cần, sẵn sàng trao tặng
"Khoảng năm 2010, nghe điện thoại của UBND huyện Hoàng Sa thăm hỏi, mời góp hiện vật Hoàng Sa, tui cứ thao thức mãi, mong mỏi từng ngày được ra Đà Nẵng để hiến tặng kỷ vật và viếng hương hồn chồng ngoài đó. Từ sân bay Trà Nóc bay thẳng ra Đà Nẵng có hơn một giờ mà cảm xúc tui cứ bùi ngùi khó tả" - bà Lựa tâm sự.

Bà còn nhớ khi ra tới nơi, bà đã xúc động mở chiếc cặp đen cũ kỹ để rưng rưng lấy ra từng kỷ vật của chồng mình như ảnh chân dung ông Nguyễn Thành Trọng, ảnh chụp Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 có bút tích của ông Trọng, ảnh chân dung trắng đen của bà.

Đặc biệt là tờ trích lục Khai Tử của chồng do Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH cấp ngày 22-2-1974, tờ bưu tín tin tạ thế của chồng, tờ trích lục Chứng Thư Hôn Phối... Ngân ngấn nước mắt như chia tay chồng, bà hiến tặng lại cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

"Chúng thân thương với đời tui lắm nhưng khi nghe đất nước cần, tui cũng sẵn lòng hiến tặng những kỷ vật của chồng. Tui không chỉ gửi tặng ở Hoàng Sa mà còn ở Bảo tàng TP Cần Thơ. Hổng bao nhiêu nhưng tui nghĩ chúng ít nhiều gì cũng góp thêm những chứng lý khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa là của Việt Nam mình" - bà Lựa nói.

Trong căn nhà chất đầy phế liệu, giọng bà Lựa đầy cảm xúc cứ vang lên đều đều: "Hoàng Sa, con ra trước xem ai đến vậy".
Tôi hỏi:
"Vì sao cô đặt tên con là Hoàng Sa?".
Bà bảo : "Đặt tên con như vậy vì cô có hai lý do. Thứ nhất, cô muốn thằng Hoàng Sa luôn nhớ rằng nó có một người cha anh dũng chiến đấu bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, nó sẽ gợi lại những kỷ niệm yêu nước mãi mãi không quên.

Thứ hai, gọi con để cô có thể nhớ đến chồng - một người chồng, người cha không thể thấy được mặt con trai dù chỉ một lần".

"Công việc sưu tầm kỷ vật, tư liệu chủ quyền Hoàng Sa nên được tiếp tục mở rộng hơn nữa và làm sao cho mọi người dân Việt trong và ngoài nước đều quan tâm. Chiến tranh qua đi với nhiều đổi thay, nhưng tôi tin rằng vẫn còn nhiều hình ảnh, tài liệu liên quan đến quá trình người Việt thực thi chủ quyền trên quần đảo thiêng liêng này.

Chúng không chỉ nằm trong các thư viện trên thế giới, mà có thể ngay trong nhà các cựu binh năm xưa đang ở trong nước hay nước ngoài" - ông Lữ Công Bảy, quân nhân Giám lộ tàu HQ4 Trần Khánh Dư tham gia hải chiến bảo vệ Hoàng Sa tháng 1-1974, tâm sự.

Theo ông, từng tờ giấy Sự Vụ Lệnh điều động người lính Việt ra bảo vệ đảo, từng tấm hình, giấy báo tử năm nào ở Hoàng Sa đều góp phần cất tiếng nói sự thật quần đảo thiêng liêng này đã và mãi mãi là của Việt Nam.

QUỐC MINH

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025