AI LÀ "LÍNH ĐÁNH THUÊ”?
AI LÀ "LÍNH ĐÁNH THUÊ”?
Tác giả: Trần Trung Đạo
Các bạn trẻ tại Việt Nam nghe ba chữ “lính đánh thuê” từ khi mới tập đọc
nhưng chắc không hiểu rõ định nghĩa quốc tế của ba chữ này.
Theo Nghị định thư (Protocol) 1977 được Liên Hiệp Quốc công bố ngày 8
tháng 6 năm 1977 để đính kèm theo Công Ước Geneva quy định các nguyên tắc hành
xử trong một xung đột võ trang ra đời năm 1949, những điểm căn bản định nghĩa
lính đánh thuê (mercenary) gồm:
(1) Không thuộc quân đội chính thức của chính phủ.
(2) Được tuyển dụng tại địa phương hay nước ngoài để tham gia một cuộc
xung đột võ trang chỉ vì ước muốn riêng tư và được hứa đền bù cao hơn một người
lính cùng cấp trong lực lượng võ trang của chính phủ mướn người đó.
(3) Không phải thành viên hay đang cư ngụ trên lãnh thổ được kiểm soát bởi chính phủ.
Theo định nghĩa trong Nghị định thư 1977, người lính miền Nam không đánh
thuê cho ai cả mà chỉ chiến đấu trong một cuộc chiến tranh tự vệ trên mảnh đất mà
chính họ chọn làm quê hương và nhiều trong số họ đã chết trên mảnh đất đó.
Nếu gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa là lính đánh thuê cho Mỹ vì Mỹ trang
bị vũ khí, tài trợ là không đúng với các định nghĩa quốc tế cũng như thực tế
chiến tranh.
Trong Thế chiến Thứ hai, phần lớn trong khoảng 60 quốc gia trực tiếp hay
gián tiếp đứng về phía đồng minh trong đó có Liên Xô, đã nhận vũ khí của Mỹ qua
đạo luật Lend-Lease Act nhưng không ai gọi họ là “lính đánh thuê” vì họ có kẻ
đối đầu chung là Khối trục.
Tương tự, từ khi bắt đầu cuộc chiến cho đến khi Hiệp định Paris ký kết
ngày 27 tháng 1 năm 1973, quyền lợi và mục đích chiến lược của Mỹ và VNCH giống
nhau là ngăn chận làn sóng CS tràn xuống phía Nam Việt Nam. Sau khi Mỹ thay đổi
trục chiến lược bằng việc thỏa hiệp với Trung Cộng, VNCH phải chiến đấu trong
cô đơn và cô thế.
Nói rộng hơn, ngoại trừ các hoạt động gián điệp mà bất cứ cuộc chiến
tranh lớn nào cũng có, Việt Nam Cộng Hòa không chủ trương đánh chiếm miền Bắc.
Nếu CS miền Bắc, tính luôn các thành phần CS cài lại ở miền Nam sau
1954, để yên cho miền Nam ổn định và phát triển về mọi lãnh vực thì đã không có
gì xảy ra.
Nếu áp dụng Nghị định thư 1977 trong Công Ước Geneva 1949, câu hỏi
“Người lính miền Bắc có đánh thuê không?” lại có vẻ thích hợp hơn và đáng phân
tích hơn.
Những người lính miền Bắc thỏa mãn các điều kiện căn bản của định nghĩa
“lính đánh thuê” vì:
(1) “Không thuộc quân đội chính thức” mà là các thành phần khủng bố, xâm
lược, được lén lút đưa vào Việt Nam Cộng Hòa từ một quốc gia khác, trong trường
hợp này là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH).
(2) Vô thừa nhận. Đảng CSVN có một thời không thừa nhận những thanh niên
nói giọng Hà Nội, Nghệ An, Hà Tỉnh, Cao Bằng v.v.. bị quân đội VNCH bắt được là
từ miền Bắc mà cho họ là “nhân dân miền Nam tự đứng dậy".
(3) Chỉ phục vụ cho quyền lợi của những kẻ trả lương và cung cấp vũ khí
trong đó gồm đảng CSVN, Liên Xô và Trung Cộng.
Không chỉ rút ra từ Công ước Geneva mà từ cấp cao nhất của đảng CSVN cho
đến cấp cao nhất của nhà nước VNDCCH đều thừa nhận “lính miền bắc là lính đánh
thuê”.
Lấy các phát biểu của Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Mạnh Cầm để chứng
minh.
Về phía đảng, Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng CSVN thừa nhận quân đội CSVN là
quân đội đánh thuê.
Nhân dịp “40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam”, Nguyễn Mạnh Cầm,
nguyên Bộ trưởng Ngoại Giao CSVN, khi trả lời phóng viên Tuần Việt Nam đã nhắc
lại câu nói của Lê Duẩn: "Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên
Xô!"
Để công bằng và trung thực cho câu nói của Lê Duẩn, xin lưu ý, một số
tài liệu khi viết lại đã cố tình bỏ chữ “cả” để vạch ra bộ mặt đánh thuê của
CSVN là “đánh cho Trung Quốc và Liên Xô”. Thật ra, trong câu đó có chữ “cả”
nữa, nhưng “cả” gồm những ai, xin đọc tiếp.
Câu trả lời của Lê Duẩn có thể phân tích đầy đủ hơn gồm “cho ta”, “cho
Trung Quốc” và “cho Liên Xô”:
(1) Quân đội CS miền Bắc “đánh cho ta” nhằm CS hóa toàn cõi Việt Nam.
Nếu theo dõi dòng lịch sử đảng CS từ thập niên 1920 khi Hồ Chí Minh nước mắt
chảy dài đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin viết
ngày 5 tháng 6, 1920 cho đến hôm nay rồi đem so sánh giữa thực tế đất nước qua
cách sống như vua chúa của tập đoàn cai trị CS bên cạnh những mái tranh nghèo
của hơn 90 triệu dân còn lại, sẽ thấy “ta” trong câu của Lê Duẩn là đảng CSVN
chứ không phải toàn dân Việt Nam.
(2) Quân đội CS miền Bắc đánh thuê cho Trung Cộng để bảo vệ vùng an toàn
phía nam quan trọng của Trung Quốc và cửa ngõ ra Biển Đông. Chính sách bành
trướng nhanh chóng của Tập Cận Bình ngày nay một phần do quan điểm Trung Quốc
và Việt Nam như anh với em, như môi với răng, như nước với sữa mà CSVN đã lặp
đi lặp lại từ lâu.
Nếu CSVN biết cứng rắn như Philippines hay kiên quyết như Bắc Hàn thì dù
không chận đứng hẳn ít ra đã làm họ Tập chậm chân chứ không có những căn cứ,
những phi trường quân sự trên đảo Chữ Thập của Việt Nam như ngày nay.
(3) Quân đội CS miền Bắc đánh thuê cho Liên Xô để giảm áp lực của Mỹ
bằng một mặt trận nóng trong Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Giới lãnh đạo
CS Liên Xô biết không sớm thì muộn Liên Xô sẽ nguy khốn nếu không làm chậm cuộc
chạy đua võ trang với Mỹ.
Về phía chính phủ CS, Phạm Văn Đồng, thủ tướng CSVN, cũng thừa nhận quân
đội CS đánh thuê cho Trung Cộng.
Đoạn đối thoại dưới đây giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng trích trong tác
phẩm "On China" của Henry Kissinger.
Chu Ân Lai nói với Phạm Văn Đồng:
“Trong một thời gian dài, Trung Quốc bị Mỹ bao vây. Bây giờ Liên Xô bao
vây Trung Quốc, ngoại trừ phần Việt Nam.” Phạm Văn Đồng cam kết: “Chúng tôi
càng quyết tâm để đánh bại đế quốc Mỹ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam.”
Chu Ân Lai thỏa mãn: “Đó chính là lý do chúng tôi ủng hộ các đồng chí.”
Như vậy, cả đại diện cho đảng và nhà nước CS đều thừa nhận những người
lính từ Bắc Việt và các thành phần cài lại ở miền Nam đều là lính đánh thuê,
đúng theo tinh thần của Công ước Geneva 1949.
Quan điểm Mao Trạch Đông về chiến tranh tại Việt Nam phù hợp với cách
giải thích của Lê Duẩn. Theo đó, giống như trong chiến tranh Triều Tiên, là tạo
một vùng độn trong biên giới phía nam Trung Quốc. Để thực hiện chủ trương này,
Trung Cộng đã chi dụng gần như hầu hết vũ khí, đạn được cho CSVN. Trung Cộng là
mẹ đỡ đầu của các chính sách và chiến lược chiến tranh của đảng CSVN từ 1949
đến 1954.
Giai đoạn đầu của chiến tranh, Mao chỉ muốn miền Bắc là phên giậu và
thỏa mãn sau khi đạt được mục đích đó.
Theo nghiên cứu của Chen Jian trong China's Involvement in the Vietnam
War, 1964-69, Bành Đức Hoài, 24 tháng 12, 1955 thông báo cho Võ Nguyên Giáp
biết các đoàn cố vấn quân sự Trung Cộng sẽ rút về nước hết vào tháng 3, 1956.
Tuy nhiên khi chiến tranh leo thang, Trung Cộng cảm thấy vùng an toàn
phía nam lần nữa bị đe dọa nên đổi ý và gia tăng viện trợ cho CSVN cho đến khi
chấm dứt chiến tranh.
Quan điểm Liên Xô về chiến tranh Việt Nam xác định chủ trương mướn người
Việt đánh người Mỹ.
Mặc dù trước đó tỏ ra lạnh nhạt nhưng khi cuộc chiến leo thang, Liên Xô
từng bước trở thành phe có lợi trong chiến tranh tại Việt Nam. Liên Xô vượt qua
cả Trung Cộng trong việc cung cấp vũ khí, viện trợ kinh tế và các phương tiện
tuyên truyền cho CSVN. Để làm gì? Ngày nay các tài liệu cho thấy, Liên Xô muốn:
(1) Dùng người Việt để đánh Mỹ.
(2) Cố gắng nhận chìm bộ máy quân sự của Mỹ.
(3) Cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Cộng trong các nước thuộc phe “xã hội
chủ nghĩa”.
(4) Quan trọng nhất là giảm ưu thế của Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang.
Tóm lại, quan điểm của Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trung Cộng và Liên Xô về
lý luận lẫn thực tế đều giống nhau.
Nhưng nếu đem câu “người lính miền bắc có đánh thuê hay không?” để hỏi
một cựu cán binh CS đã từng chiến đấu ở miền Nam trước 1975, chắc chúng ta sẽ
nhận câu trả lời “không phải.”
Nếu ai đó tiến bộ về nhận thức chính trị thì nhiều lắm chỉ thừa nhận họ
bị gạt, bị lừa nhưng vẫn cho khẩu hiệu “đánh bại chính sách thực dân mới của đế
quốc Mỹ” là đúng và “thống nhất đất nước” là tình cảm tự nhiên. Tuy nhiên, cho
tới nay, chắc không bao nhiêu người hiểu “chủ nghĩa thực dân mới” là gì và tình
cảm “thống nhất đất nước” kia từ đâu mà có.
Một số khác cũng trả lời “không”, không có nghĩa là họ không thấy, không
biết, không nhận ra sự thật sau nhiều nghìn đêm mất ngủ, nhưng chỉ vì không đủ
can đảm để từ chối một phần đời trai trẻ của mình và nhất là mất đi những gì họ
đang có hôm nay.
Trần Trung Đạo
(Ảnh quân đội Liên Xô chiến đấu ở Việt Nam trích từ Russia Beyond. Bản tin của Reuters và Washington Post loan "Ngày 16 tháng 5, 1989 Trung Cộng thừa nhận đã gởi 320 ngàn quân tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam")
Nhận xét
Đăng nhận xét