NĂM ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA HAI PHONG TRÀO DÂN CHỦ MIẾN ĐIỆN VÀ VIỆT NAM

 

NĂM ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA HAI PHONG TRÀO DÂN CHỦ MIẾN ĐIỆN VÀ VIỆT NAM

Tác giả: Trần Trung Đạo

Mỗi khi có một cuộc cách mạng dân chủ hay thắng lợi của phong trào dân chủ tại một nước độc tài nào đó, chẳng hạn như Miến Điện, người Việt quan tâm đến tương lai đất nước thường ngậm ngùi tự hỏi tại sao không phải là Việt Nam.

Thật ra, điều kiện chính trị của Miến Điện khác nhiều so với Việt Nam và do đó ảnh hưởng một cách căn bản đến cuộc vận động dân chủ.

- Cơ sở hạ tầng của Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) hoạt động chặt chẽ, phong trào dân chủ Việt Nam chỉ mới hình thành

Đảng đối lập NLD có cơ sở hạ tầng vững chắc và đã thắng 396 trong tổng số 485 ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử dân chủ công khai được quốc tế công nhận năm 1990, trước khi bị đám quân phiệt đàn áp. Cơ sở hạ tầng đó không bị tiêu diệt hay chết dần theo thời gian mà đã tiếp tục lớn lên. Ngay cả các đại diện ngoại giao và quốc tế của NLD vẫn tiếp tục hoạt động ngoài Miến Điện sau khi bà Aung San Suu Kyi bị tù. Phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ có được cơ hội hoạt động công khai hay bán công khai. Các phong trào xã hội tại Việt Nam còn rất non trẻ và các lãnh đạo của phong trào lần lượt bị tù đày.

- Quân phiệt Miến độc tài, CSVN toàn trị

Tập đoàn lãnh đạo Miến Điện dù sao cũng chỉ là một tập đoàn quân phiệt tay ngang, võ biền chứ không phải là một chế độ độc tài toàn trị được tổ chức tinh vi, nắm trong tay không những quân đội, công an, nhà tù, sân bắn mà còn có khả năng kiểm soát từng ngôi chùa, nhà thờ, thánh thất, từng hộ khẩu, từng cân đường, cân gạo của mỗi người dân như đảng Cộng sản Việt Nam. Giới lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc thì rụt rè, khép nép nhưng trấn áp dân mình thì rất giỏi.

- Quân phiệt Miến xa rời lịch sử, CSVN sống bám vào lịch sử

Tập đoàn quân phiệt Miến không có chỗ dựa lịch sử. Lịch sử đứng về phía bà Aung San Suu Kyi và nhân dân Miến. Đảng Cộng sản Việt Nam thì khác, họ bám sâu vào cây đại thụ dân tộc Việt Nam, sinh sôi nẩy nở bằng nhựa nguyên và nhựa luyện Việt Nam. Đảng CS đồng hóa đảng và dân tộc, lịch sử đảng và lịch sử dân tộc. Bộ máy tuyên truyền của đảng giải thích lịch sử theo quan điểm của đảng. Quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam là một quá trình đầy ngộ nhận lịch sử và họ tồn tại đến ngày nay, một phần cũng nhờ vào những ngộ nhận đó.

- Quân phiệt Miến kiểm soát bậc đại học, CSVN đầu độc tuổi trẻ từ khi biết nói

Quân phiệt Miến độc tài nhưng không theo đuổi chính sách tẩy não tận cùng như CSVN đã và đang làm với các thế hệ Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam lớn lên trong nền giáo dục một chiều và phản khoa học. Họ được dạy sự có mặt của Đảng Cộng sản trong đời sống chính trị và sinh hoạt xã hội Việt Nam tự nhiên chẳng khác gì bốn mùa xuân hạ thu đông. Nói như Mác, tự do là sự thừa nhận các quy luật tất yếu, và sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được giải thích như là tất yếu. Nền giáo dục vẹt tồn tại trong xã hội Việt Nam từ bao nhiêu năm qua đã giết chết mọi mầm mống sáng tạo tự nhiên trong con người. Sự nô lệ trí thức như là một loại vi trùng sinh sôi và lan rộng trong từng con người, qua nhiều thế hệ, xói mòn và tàn phá tính khai phóng, làm thui chột tính sáng tạo trong con người. Suy nghĩ lạc hậu đó được tiêm vào nhận thức tuổi thơ từ khi các em mới tập nói và cũng tồn tại trong một số không ít những người được gọi là trí thức. Muốn tháo gỡ ra, muốn tách hệ ý thức lạc hậu đó ra, mà không phải làm ung thối đi nguồn nhựa sống hay làm ngã cây cổ thụ dân tộc, không phải là một chuyện dễ dàng.

- Quân phiệt Miến bị thế giới cô lập, CSVN được Trung Cộng (TC) nuôi dưỡng

Không giống tập đoàn quân phiến Miến cô đơn trong lòng dân tộc và bị cô lập về mặt quốc tế, CSVN đang được TC nuôi dưỡng. Như người viết đã phân tích trước đây, mặc dù không công khai tuyên bố, giới lãnh đạo CSTQ cũng biết hiện nay chỉ còn năm quốc gia theo một loại chủ nghĩa mà giáo sư sử học Roderick Macfarquhar, thuộc đại học Harvard, gọi là chủ nghĩa Lê Nin không có Mác, tức một nhà nước chuyên chính sắt máu nhưng không còn dựa trên nền tảng triết lý duy vật. Hai cơ chế chính trị CSTQ và CSVN có một mối quan hệ hữu cơ mật thiết với các yếu tố tương quan và phụ thuộc vào nhau. Sự lệ thuộc về chính trị của Việt Nam vào TC không chỉ giúp để giữ an toàn phòng tuyến phía nam TC mà còn tránh sự sụp đổ dây chuyền trong trường hợp cách mạng dân chủ tại Việt Nam diễn ra trước. Không có bình sữa của TC, CSVN chết khô, chết héo từ lâu rồi.

SỨC MẠNH TOÀN DÂN LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH

Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo về mặt tinh thần của bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên những người quyết định vận mạng Miến Điện không phải là Aung San Suu Kyi mà chính là nhân dân Miến suốt 53 năm dài vẫn kiên trì tranh đấu cho tự do dân chủ.

Các lãnh tụ phong trào dân chủ ý thức rằng chỉ tập trung được sức mạnh toàn dân mới thắng được CS.

Đừng quên, hàng trăm quốc gia đã chiến đấu đầy hy sinh gian khổ để giành được độc lập từ chủ nghĩa thực dân suốt thế kỷ 19 và thế kỷ 20 nhưng không phải quốc gia nào cũng có một Aung San Suu Kyi, Mahatma Gandhi hay Nelson Mandela.

Thay vì chờ đợi một nhân tài cứu nước hay đi vay mượn chiếc búa ngoại bang để về đập đổ bức tường chuyên chính, hãy bắt đầu từ những bàn tay Việt Nam nhỏ nhoi và kiên nhẫn để xoi mòn cơ chế độc tài đảng trị. Con đường có thể dài nhưng đích thực đó là con đường tự chủ.

Trần Trung Đạo

(Trích trong CHÍNH LUẬN II Bánh Mì Ai Cập, Cá Việt Nam, Khát Vọng Con Người)


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180