"DÂN TỘC KINH" LÀ ... CÁI QUÁI GÌ VẬY?

 

"DÂN TỘC KINH" LÀ ... CÁI QUÁI GÌ VẬY? 

Hồi năm 2018, bên Pháp bỗng nảy nòi một dự án về "Hội Tộc Kinh" tại vùng Bussy Saint Georges, kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại cùng chung tay xây dựng, hướng về cội nguồn (nguồn nào?). Ngay lập tức, "Hội Tộc Kinh" đã gặp phải phản ứng gay gắt trước sự đánh đồng lộn sòng giữa người Việt với khái niệm "người Kinh" ("Kinh tộc") nằm ở bên Tàu! 

"Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến mấy chữ "dân tộc Kinh", thật kinh hoàng, kinh dị đến kinh hãi!" - một bác trọng tuổi, là người VN ở bên Pháp, cho biết. Bác rời khỏi đất nước VN vào năm 1975, chớ nếu còn ở miền Nam VN sau năm 1975 thì đã phải nghe đến mục "Dân tộc" của sơ yếu lý lịch nếu tộc Việt thì phải ghi là... "Kinh"!

&1&

Trước kia chúng ta có sử dụng chữ "Kinh/Thượng" là để chỉ đặc điểm cư trú của các cộng đồng - người Kinh là những người sống vùng kinh thành (*), rồi mở rộng để chỉ người ở miền xuôi; còn người Thượng là trên cao, sống ở miền ngược, cao nguyên.

Để dễ so sánh hơn nữa, ví dụ ta quen nói "người Sài Gòn", "người Huế", "người Hà Nội", nhưng đâu ai ngớ ngẩn nghĩ rằng có "dân tộc Sài Gòn", "dân tộc Huế", "dân tộc Hà Nội"! 

Nhầm lẫn giữa "người" với "dân tộc" là nhầm lẫn buồn cười, nhầm lẫn hết sức sơ đẳng. 

Vậy nên, khái niệm "người Kinh" TẠI VIỆT NAM từ bao đời trước đây (nhấn mạnh "tại VN", để chút nữa sẽ biết ... bên Tàu thì ngược đời hẳn) thuộc về ý nghĩa các cộng đồng (community) chớ không mang ý nghĩa về dân tộc học (ethnic)!

Lịch sử ngàn đời nước Việt chúng ta ghi các tộc Âu Việt , Lạc Việt , chớ làm gì có "Âu Kinh", "Lạc Kinh". Ai dám nói có dân tộc "Lạc Kinh", "Âu Kinh", đưa dẫn chứng ra đi? 

&2&

Bên Tàu thì nảy nòi ra khái niệm... "Kinh tộc" (tộc người Kinh)! Gốc gác cách đây vài thế kỷ trước, có một số người Việt từ nước Việt qua sinh sống ở vùng Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm), còn gọi là Kinh Đảo , nay thuộc Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, TQ). 

Nhưng Tàu không tôn trọng gọi đúng gốc gác là "người Việt" (Việt tộc ), mà họ đổi tên, gọi thiểu số tộc Việt (từ nước Việt qua) vì sống ở Kinh Đảo nên gọi thành "Kinh tộc" ("người Kinh").

(Sẵn đây mở ngoặc nói thêm: "Kinh" ở đây cùng tự dạng trong chữ "kinh thành", nhưng đừng hí hửng "kinh thành" sang cả gì ráo, sống ở tỉnh biên cương Quảng Tây mà kinh thành nỗi gì, đâu phải sống ở Bắc Kinh hay Nam Kinh! "Kinh" vì sống ở địa danh mang tên "Kinh Đảo".

Bạn có biết, "kinh" còn có một nghĩa nữa, nghe thảm hết sức: "kinh" là bãi tha ma, hoang vắng. Số là mồ mả quan nhà Tấn thởi xửa xưa đều chôn ở vùng Cửu Kinh , thành thử về sau hễ gọi "cửu kinh" được hiểu là bãi tha ma, chữ "kinh" ở đây đồng nghĩa với chữ "nguyên" cũng dùng để chỉ hoang địa.)

&3&

Lại có ý kiến biện bạch mọi người sống trên nước Việt Nam thì gọi là người Việt, nên phải định danh "dân tộc Kinh" để có sự khác nhau với dân tộc Cham, dân tộc Banah, dân tộc J'rai, dân tộc H'Mông, dân tộc Tày... Ở đây, lại thêm một nhầm lẫn nữa!

Như tôi đã lưu ý, cách xài chữ "người" dễ bị nhầm lẫn (đã và đang nhầm lẫn) với chữ "dân tộc"! Khi ta nói "tất cả chúng ta đều là NGƯỜI Việt", thì "người" ở đây nằm trong mạch nghĩa là "cộng đồng" (community) tức cùng cư trú trên địa bàn là nước Việt, chớ không phải tất cả mọi người dân cùng một TỘC Việt (ethnic).

THAY LỜI KẾT

Câu chuyện về "Hội Tộc Kinh" (ở đầu bài viết), hệt như gáo nước lạnh để may ra những ai còn lơ ngơ sẽ tỉnh người! Lẽ ra cái mà bên Tàu gọi là "Kinh tộc" phải được sửa lại cho đúng gốc gác là "Việt tộc", mà thôi, chuyện bên xứ Tàu thì mặc xác họ ưng gọi gì thì gọi.

Còn ở nước Việt Nam, hàng ngàn năm trong lịch sử chúng ta đều gọi, chẳng hạn, "Lạc Việt" ( ). Xin nhắc lại, không ai đi biến khái niệm "Kinh" như là cộng đồng cư trú (community) trở thành tộc người (ethnic), không ai đi gọi "Lạc Kinh" hết.

Hay là... lạc thần kinh rồi, thành ra nông nổi hết trơn hết trọi. 

Nhắc lại: "Kinh" hiểu như cộng đồng (community) thì trước năm 75 ở miền Nam có gọi; NHƯNG danh từ "Kinh" hiểu như một tộc người (ethnic) thì hoàn toàn không! 

CHỈ có bên Tàu gọi "tộc Kinh" mà tôi đã diễn giải trong bài mà thôi.

Chẳng hiểu từ lúc nào "sự nhầm lẫn" này được đem vào nước Việt?  

Ai có ý kiến phân tích về cái gọi là "dân tộc ... Kinh tại VN" cho tỏ tường hơn nữa, xin giúp cho tôi, giúp cho mọi người. 

 

Nguyễn Chương MT

----------------------------------------------------------------------

(*) Năm 1256, đời Trần, triều đình mở khoa thi lấy Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên. Kinh trạng nguyên là các sĩ tử cư ngụ ở những vùng gần kinh đô Thăng Long; Trại trạng nguyên là những sĩ tử ở xa kinh đô, đến từ hai địa phương Thanh Hoa và Nghệ An. 

Vậy là đã rõ: "Kinh" chỉ mang ý nghĩa về địa bàn cư trú, không ai dớ dẩn giải nghĩa sai lệch "Kinh" là định danh của một dân tộc.

- Hình ảnh "Hội Tộc Kinh"; 

- Thành phố Pleiku, người sống nơi đây đều là "người Thượng" (nghĩa là ở vùng cao, chỉ về địa bàn cư trú) nhưng phần lớn đều là người Việt, cùng sống chung với người J'rai, Bahnar...

 





Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178