MỘT THẾ HỆ BỊ VỠ MỘNG
MỘT THẾ HỆ BỊ
VỠ MỘNG
Dostoevsky (1821-1881) là nhà văn Nga mà tôi hâm mộ, tác giả của câu nói bất hủ:" Cái đẹp cứu chuộc thế giới". Ông có viết tiểu thuyết “ Lũ người quỷ ám”, mô tả cực hay một thế hệ trí thức trẻ tuổi của Nga loay hoay định hướng con đường ý thức của họ.
Từ lâu, tôi âm mưu bắt chước ông, hăm he viết câu chuyện văn chương về một thế hệ trí thức trẻ tuổi ở các đô thị miền Nam Việt Nam trước 1975, bỏ học đường để tràn xuống đường đấu tranh chống Mỹ rồi đi theo những người cộng sản. Thế hệ đó lớn hơn tôi từ 5 tuổi đến một con giáp. Tiếc rằng, phần vì lười biếng, phần vì tôi là nhà báo, chưa có thói quen làm nhà văn nên đến giờ này, âm mưu vẫn chỉ là âm mưu mà thôi, hihi.
Qua những mối quan hệ làm báo, tôi tiếp xúc rất nhiều người thuộc thế hệ đó. Từ ý thức chống ngoại bang (Mỹ), họ vô rừng theo Việt cộng hoặc nằm vùng cho Việt cộng ở nhiều vai trò. Sau 30-4-1975, họ được hưởng khá nhiều đặc ân, những đặc ân mà chế độ mới dành cho người cùng phe, có công trong công cuộc chống Mỹ và đánh sập chế độ Sài gòn.
Thế nhưng có một thực tế là, dù chu cấp đặc ân nhưng các lãnh đạo cộng sản chưa bao giờ hoàn toàn tin tưởng vào thế hệ này, có lẽ vì họ là trí thức do chế độ Sài gòn đào tạo (mà người nổi danh nhất và nhiều công trạng nhất trong giới trí thức ấy là Phạm Xuân Ẩn, sau 1975 được phong đến chức tướng, nhưng cũng chẳng được chế độ mới tin tưởng bao nhiêu).
Một người trong số đó mà tôi gặp đầu tiên là thủ lĩnh sinh viên - chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài gòn Huỳnh Tấn Mẫm - một kẻ chống chế độ VNCH và trở thành cục cưng của chế độ mới CHXHCN sau 1975. Tôi quen anh, lúc anh đang làm tổng biên tập báo Thanh Niên còn tôi đang là sinh viên năm thứ 4, được anh mời tới tòa soạn ở đường Cống Quỳnh, rủ rê về làm báo cùng anh sau khi ra trường. Tiếc rằng tôi chưa bao giờ có vinh hạnh cùng anh trở thành đồng nghiệp. Khi anh bị bắn bay khỏi chức TBT báo TN để về hội Chữ thập đỏ, anh đề nghị tôi cùng vài người bạn của tôi, cùng anh sáng lập tờ báo Nhân Đạo của Hội. Rất tiếc, dự án này cũng không thành, rồi anh em tạm thời chia tay.
Ấn tượng của tôi về anh Mẫm, là con người này hiền quá, chân thật quá. Tôi tự hỏi, với tính cách như thế, không hiểu sao anh có thể trở thành một người làm chính trị và tham gia những cuộc đấu đá trong thế giới đó? Anh giống như một chàng trí thức trẻ đẹp trai bị chính trị lợi dụng trong một số tác phẩm tiểu thuyết. Anh dường như không hòa hợp được với guồng máy của những người cộng sản vì công danh của anh sau 1975 khá lận đận. Sau này, anh là một trong số những "thủ lĩnh" xuống đường, nhưng không phải để chống Mỹ mà chống Tàu cộng. Những cuộc xuống đường này bị nhà cầm quyền cấm đoán và ngăn cản. Rồi lại thấy anh có tên trong những bản kiến nghị tập thể nhạy cảm gởi cho chế độ, vân vân.
Ngôn ngữ
chính trị ở Việt Nam gọi hiện tượng này là đổi màu.
Một người đổi màu khác là anh Lê Hiếu Đằng. Tôi gặp anh thường xuyên và hay lấy tin từ anh khi anh còn làm phó chủ tịch thường trực MTTQ, kiêm trưởng ban văn hóa xã hội của Hội đồng nhân dân thành phố. Anh Đằng người Quảng, cũng thật thà như anh Mẫm nhưng tính cách bộc trực và dữ dội hơn anh Mẫm với những góp ý khá mạnh bạo cho lãnh đạo địa phương khi giữ những chức vụ trên. Anh thuộc loại phó chủ tịch suốt đời vì ko ai cho anh làm chủ tịch. Sau 1975, anh từng là giảng viên về Chủ nghĩa xã hội khoa học tại trường đảng Nguyễn Văn Cừ. Thế nhưng, từ một cán bộ gộc trong bộ máy chính quyền thành phố, anh dần chuyển hướng thành một người ”đấu tranh cho dân chủ”. Năm 2013, người đảng viên cộng sản có 45 tuổi đảng này tuyên bố bỏ đảng. Sau khi anh mất đi, một số ”người dân chủ” đã lấy tên anh đặt cho CLB của họ.
Tôi còn quen biết nhiều người khác nữa trong thế hệ đó. Có người vẫn trung thành làm việc cho đảng và nhà nước với chức vụ khá cao cho đến tuổi về hưu, có người chán nản bỏ việc bỏ đảng nữa chừng để ra ngoài mưu sinh. Có người là con gia đình Việt cộng nòi, bản thân làm Việt cộng con khi còn nhỏ tuổi; có người trước 1975 sống chết cho sự nghiệp chống Mỹ của những người cộng sản. Thời đó, họ đấu tranh đến cùng, không sợ tù đày và sẵn sàng hy sinh cho ”sự nghiệp cách mạng”. Ngay trong giới làm báo đồng nghiệp tôi, cũng đầy người của thế hệ ấy.
Thế mà bây giờ, nhiều người trong số họ nằm trong hàng ngũ của ”những người dân chủ”. Nhiều người khác thì không. Nhưng đa số họ đều gặm nhấm nỗi đau vỡ mộng trong lúc nhớ về tuổi thanh xuân khi đã về già. Mỗi khi có dịp gặp họ, bàn về thời sự nước nhà, tôi thường gặp ở họ thái độ chung là buồn phiền, nản lòng và không ngại ngần phê phán hiện tình đất nước. Không ít người trong số họ bày tỏ trên mạng xã hội sự bất bình của mình với nhà cầm quyền trong một số vấn đề cụ thể.
Tôi muốn biết vì sao như thế thì những người anh em ấy bảo rằng họ là một thế hệ bị vỡ mộng. Vỡ mộng bởi những gì diễn ra trên đất nước sau khi những người cộng sản chiến thắng cuộc chiến tranh không như ý muốn của họ. Chế độ Sài Gòn đã sụp đổ theo ý họ, nhưng họ không bao giờ tưởng tượng được rằng, sau khi hòa bình thống nhất là một miền Nam xác xơ, vì các chính sách tàn nhẫn lùa binh lính chế độ cũ vào trại cải tạo, xua dân đô thị miền Nam bỏ phố lên rừng làm kinh tế mới, đánh đập tư sản, ngăn sông cấm chợ, vân vân… Hậu quả là cả triệu người miền Nam phải xuống thuyền vượt biên lưu lạc khắp thế giới. Sau đó là 2 cuộc chiến đẩm máu với Miên và Tàu, đất nước trì trệ hàng thập niên...
Những người khắt khe cho rằng, thế hệ đó cũng chịu một phần lỗi lầm vì tiếp tay đưa đến thực trạng xã hội của ngày hôm nay. Đôi khi, đó cũng là bộc bạch chân thật của những người biết phản tỉnh.
Tôi hỏi, nếu như cho các anh làm lại từ thời sinh viên thì như thế nào?
Trả lời:”Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Nếu được làm lại, bọn tôi cũng sẽ y
vậy”, haha.
- Tại sao?
- Tại hành
động ngày đó của bọn tôi xuất phát từ lòng yêu nước cùng với lý tưởng độc lập
tự do và thống nhất đất nước. Lý tưởng này trùng với ngọn cờ của những người
cộng sản.
- Thế giờ
thì sao?
- Thì gặm
nhắm sự lừa dối chứ sao!
Đặc tính của tuổi trẻ là nông nổi. Có tinh thần yêu nước, có lý tưởng nhưng tránh sao khỏi nông nổi. Đã nông nổi thì tránh sao khỏi bị lầm lẫn, lừa dối. Cả dân tộc còn đi theo những lời nói dối thì huống gì một thế hệ!
Mà khi còn trẻ có ai biết mình nông nổi đâu. Họ chỉ thấy được sai lầm, nếu có, sau một quá trình dài trải nghiệm cùng diễn tiến của thực tại đất nước. Mà có khi đó cũng chẳng phải là sai lầm, khi sự tiếp diễn của lịch sử Việt Nam được đặt để như một thứ định mệnh quái quỷ đã ám vào dân tộc của chúng ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét