‘Made in China’: 100% vật liệu kém chất lượng, 0% nhân quyền
Một công thức thành phần không hoàn toàn chính xác, nhưng nó có tính biểu tượng và nói lên phần nào sự thật, về những gì chính quyền Trung Quốc làm cho thế giới và chính người dân của nó, để kiếm lợi và thỏa mãn ý chí ích kỷ của mình.
Thống trị sản xuất vật liệu kém chất lượng bất chấp thủ đoạn và hậu quả
Trung Quốc được biết đến là công xưởng cũng như thị trường tiêu thụ polyester lớn nhất thế giới. “Năm 2015, sản lượng polyester ở Trung Quốc đã đạt xấp xỉ 35 triệu tấn, bằng 70% tổng sản lượng thế giới”, và bây giờ con số này còn cao hơn nữa. “Sản lượng polyester ở Trung Quốc tăng 35 lần trong 25 năm là yếu tố lớn nhất làm giảm nhu cầu bông (vật liệu may mặc tự nhiên) trên thế giới hiện nay”.
Tại một diễn đàn nông nghiệp do Tổ chức Thương mại Thế giới tổ chức vào năm 2015, Hoa Kỳ đã lên án Trung Quốc là nguyên nhân khiến hàm lượng polyester trong tủ quần áo tăng cao trên toàn thế giới. Trung Quốc đã dự trữ một lượng bông khổng lồ trong nhiều năm, và như đã tường trình, việc tích trữ này đã dẫn đến “sự gia tăng sử dụng polyester gây bất lợi cho tất cả các nước sản xuất bông”.
Polyester là một trong những loại vải gây ô nhiễm môi trường nhất, nó là một vật liệu giống như nhựa được làm từ than, dầu và nước. Polyester gây bí cho làn da người sử dụng, được làm từ hóa chất phi tự nhiên, không nên để con người tiếp xúc thường xuyên. Các nhà sản xuất thích sử dụng polyester vì nó rẻ, do đó, tất cả các tổn thất (cả về tài chính lẫn sức khỏe) đều tính lên những khách hàng muốn sử dụng sản phẩm giá rẻ.
Quá trình sản xuất và sử dụng polyester đều tạo ra lượng chất thải khổng lồ cho trái đất. Khi polyester bị phân hủy, nó sẽ trở thành “vi nhựa”, ở lại trong đất, đại dương, không thể phân hủy hoàn toàn.
Tuy vậy, polyester lại chẳng bền, sau một vài lần mặc, bạn sẽ thấy váy hoặc áo sơ mi của mình bắt đầu phai màu và thậm chí bị rách. Những rủi ro này không đáng có đối với môi trường và tiền bạc của chúng ta. Nhưng chúng ta lại có quá ít thông tin về việc này.
Cái giá phải trả cho sử dụng polyester không ngăn cản được và cũng không làm chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) cảm thấy cần có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đây là một vật liệu siêu lợi nhuận, nên họ đã tăng tốc phát triển ngành công nghiệp này, tất cả vì tiền, vì sức mạnh kinh tế.
Cotton Analytics đã tổng kết, “chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm trước hết có nghĩa là, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi một số quy định hiện có đều bị bỏ qua một cách có hệ thống… Nước, không khí và đất của Trung Quốc đã bị tàn phá nặng nề do tốc độ công nghiệp hóa vô song trong 20 năm qua. Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng 80% nguồn nước ngầm không an toàn để uống. Bất kỳ du khách nào đến Bắc Kinh vào mùa đông đều có thể chứng kiến hiện tượng “Airocalypse” (Ngày tận thế – thuật ngữ để mô tả không khí đầy khói mù và hầu như không thể cải thiện được nữa)”.
Nhưng trong khi tổng hợp polyester từ dầu dường như còn chưa đủ gây ô nhiễm môi trường, công ty hàng đầu Trung Quốc về sản xuất polyester, Hengli mới đây còn đầu tư 20 tỷ đô la để sản xuất polyester từ than đá – một nguồn chính gây ra khói bụi và hiệu ứng nhà kính, theo Reuters.
Đó là tư duy chủ đạo của chính quyền và các nhà sản xuất được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn: Kiếm lời và thống trị mọi lĩnh vực bằng mọi giá, bất chấp tổn hại của người khác, của cộng đồng, thậm chí là toàn nhân loại. Hãy thao túng thị trường bông thế giới, tăng tốc sản xuất polyester bất chấp tổn hại môi trường trong nước, sức khỏe người dân! Và chúng ta – ĐCSTQ sẽ thống trị nguồn hàng. Hãy ăn cắp công nghệ, làm hàng nhái, chiếm đoạt sở hữu trí tuệ, đầu cơ làm xáo trộn các thị trường!… Không điều gì ĐCSTQ không dám làm.
Lao động cưỡng bức, nhân công giá rẻ
Đó lại là một “đặc sản” nữa của “công xưởng thế giới”. Bằng cách neo giữ đồng nhân dân tệ, giữ cho nó một giá trị thấp, giá trị hàng hóa tiêu dùng mà người lao động dùng để tái sản xuất sức lao động và nuôi sống gia đình theo đó cũng sẽ thấp hơn nhiều so với thế giới. Từ đó, giá nhân công ở Trung Quốc sẽ rẻ hơn hẳn, và đó là một lợi thế rất lớn ở một quốc gia đông lao động di cư nông thôn. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều đổ về đây, họ không biết rằng công nghệ của họ sẽ bị ăn cắp vì chẳng có gì gọi là bản quyền, bí mật thương mại khi làm ăn với Trung quốc.
Như còn chưa thỏa mãn với nguồn nhân công vừa đông vừa rẻ tạo ra bằng sự độc quyền điều hành chính sách vĩ mô của ĐCSTQ, đảng này còn thực thi những hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn, giam nhốt và lợi dụng một lượng lớn tù nhân lương tâm để sản xuất hàng hóa.
Liên minh chấm dứt lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ cho biết, nhiều thương hiệu quần áo hàng đầu thế giới sử dụng bông và sợi từ một hệ thống giam giữ và lao động cưỡng bức rộng lớn được nhà nước Trung Quốc bảo trợ, liên quan đến 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo khác ở trại tù, nhà máy, trang trại và trại cải tạo lao động ở Tân Cương, theo The Guardian.
Năm 2012, Oregonian đã đăng một lá thư bí mật cầu xin sự hỗ trợ, do một tù nhân ở trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia ở Trung Quốc viết. Lá thư được giấu trong một hộp đồ trang trí Halloween được Julie Keith ở Hoa Kỳ mua về. Thông tin này đã làm thu hút sự chú ý của dư luận về lao động cưỡng bức dưới chế độ độc tài ĐCSTQ.
Năm 2016, Minghui đăng một bài viết của học viên Pháp Luân Công, kể về quá trình lao động cưỡng bức tại nhà tù Thiên Tân, thời gian làm việc rất dài, thậm chí việc đi vệ sinh cũng bị hạn chế. Một trong những công việc người này bị bắt ép làm là tách hạt dưa hấu bằng răng, sau đó nhổ ra, hay chạm tay trực tiếp vào củ cải, hoàn toàn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh cho sản phẩm đem đi tiêu thụ.
“Lao động cưỡng bức là xương sống kinh tế của hệ thống nhà tù Trung Quốc. Để hợp pháp hóa hình thức, các nhà tù và trại lao động cưỡng bức đã tạo ra khẩu hiệu ‘lao động tẩy sạch tội lỗi’”, theo Minghui.
Đó là những sự thật kinh hoàng, nhuốm máu và nước mắt của người dân Trung Quốc, cùng những tổn thất không thể vãn hồi của thế giới.
Chấm dứt “công xưởng thế giới”, chấm dứt ĐCSTQ
Công thức của hàng hóa, công nghệ, giáo dục, văn hóa “made in China” của ĐCSTQ đều dựa trên sự lừa dối, trục lợi, chà đạp lợi ích của người khác, đánh bóng hình ảnh ĐCSTQ và sự đàn áp, bóc lột, vu khống cùng việc thảm sát chính người dân Trung Quốc.
Hàng hóa “made in China” đã trở thành công cụ kiếm tiền cho ĐCSTQ, lấy tăng trưởng kinh tế và việc làm để tuyên truyền cho sự lãnh đạo tài tình và vinh quang của ĐCSTQ, lòe mắt người dân khiến họ quên đi mình đang bị chế độ này bắt cóc. Ai là người phải chịu mức thu nhập thấp do chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của ĐCSTQ, là người dân Trung Quốc. Ai là người luôn có nguy cơ bị bắt giữ trái phép, tống giam vì bất kỳ lý do nào để trở thành lao động cưỡng bức hoặc nguồn nội tạng dồi dào, là người dân Trung Quốc.
Khi thế giới đầu tư vào Trung Quốc, tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, chúng ta đang tài trợ cho kẻ lưu manh tiền bạc và công cụ để chúng gây ra tội ác cho chính dân mình, quay ngược lại đầu độc thế giới, tàn phá môi trường, ăn cắp sở hữu trí tuệ và thị trường toàn cầu.
Khó để tẩy chay những thứ “made in China” bởi nó quá nhiều, rẻ và trá hình tinh vi, vậy thì hãy tẩy chay nguồn gốc của nó: ĐCSTQ ngông cuồng và tà ác.
Nhận xét
Đăng nhận xét