Tại sao ba miếu hiệu đầu tiên cuả các vua triều Nguyễn đều xưng là "Tổ" đến vua Tự Đức lại xưng Là “Tông”?
Tại sao ba miếu hiệu đầu tiên cuả các vua triều Nguyễn đều xưng là "Tổ" đến vua Tự Đức lại xưng Là “Tông”?
Tác giả: NGUYỄN VĂN NGHỆ
Nguồn: VietCatholicNews
Miếu hiệu của vua Gia Long là Thế tổ, của vua Minh Mạng là Thánh tổ, của vua Thiệu Trị là Hiến tổ, của vua Tự Đức là Dực Tông.
Tại sao miếu hiệu của vua Tự Đức không xưng “tổ” như ba vị vua tiền nhiệm mà lại xưng “tông”?
Vua Tự Đức lên ngôi năm 1848 và mất năm 1883. Trong thời gian trị vì đất nước, vào tháng 8/1858 Liên quân Pháp và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) đã đem quân tấn công Đà Nẵng, sau đó đem quân vào đánh chiếm vùng đất Nam Kỳ.
Tháng 8 năm Đinh Mão (1867) vua Tự Đức viết bài Khiêm cung ký, trong đó có nhắc đến việc giữ không được đất Nam Kỳ nên mới cầu hòa với Pháp: “…bất đắc dĩ cầu hòa với giặc, sai sứ đi định ước, những bậc kỳ nho, thạc phụ khẳng khái xin đi, không biết vì cớ gì mà lập thành hòa ước dễ dàng để về đem tất cả thổ địa nhân dân của các triều mở mang khó nhọc bỗng chốc bỏ cho giặc hết, đối với chọn tai họa cầu nhẹ, đem cái chết cố tranh, đi sứ không nhục mệnh vua, quả như thế ư?”[1]
Trước khi tiễn đưa Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp[2] vào Gia Định nghị hòa, vua Tự Đức dụ rằng: “Đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo quyết không cho tự do tuyên truyền”. Nhưng khi vào nghị hòa, do sức ép của Pháp, nên Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp đã “đem đất 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa nhường cho Pháp”[3]. Do đó vua Tự Đức đã đỗ lỗi mất Nam Kỳ cho các quan đi nghị hòa: “Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Rất là đau lòng. Hai viên này không những là người có tội của bản triều mà là người có tội của nghìn muôn đời vậy!”[4]
Người xưa nói: “Tội quy vu trưởng” (Người cầm đầu phải gánh chịu mọi tội lỗi). Nhận rõ điều này cho nên khoảng gần 10 năm sau vào tháng 6 năm Bính Tý (1876) nhìn thấy bờ cõi cũ là Nam Kỳ chưa lấy lại được, vua Tự Đức thấy có lỗi nên đem tội tự chê: “Trẫm tuổi trẻ lên ngôi, là nhờ phúc trước, nước nhà toàn thịnh, việc chính, việc đời, chưa từng để ý, mê muội lời răn ‘ở lúc yên lo lúc nguy’[5] chỉ ham vui chơi, nên trên phạm trời trách, dưới chứa dân oán, ngoài để nước láng giềng giận, trong thiếu mưu kế hay, việc dân mà lo, không cứu nổi việc gượng theo mưu bậc lão thành, bỏ đất đai nhân dân 6 tỉnh Nam Kỳ ấy, để thời chiến tranh cho yên cả nước, hơn 200 năm gây dựng khó nhọc, bỗng chốc bỏ đi, là tội của tiểu tử này, không thể nói xiết. Nếu có công đức gì, cũng không thể chuộc được, huống chi không có công đức, chỉ thẹn mặt ngồi làm vì, lâu ngày để đến già yếu, người không nỡ chê trách, ta há không lòng nào? Nay tình láng giềng càng hậu, mà bờ cõi cũ chưa trả về, xót thương, sĩ tử, như mất cha mẹ. Trẫm vốn không có tài gì khác, chỉ có lòng yêu dân, già mà càng tha thiết. Cúi, ngẩng, trông, xem sống không còn mặt nào, chết cũng không thể nhắm mắt. Còn như Sở Tử, để mất quân, xin tên thụy là Lê đế, nhà Hán bàn phép thờ ở tôn miếu, từ Hòa đế trở xuống không công có tội lỗi không đáng được tôn, trẫm há không tự biết ư? Thực không nỡ đem lòng yêu ấy để chuộc lỗi của mình. Nếu may được nước láng giềng cảm lòng thành thực, giao trả lại ngay, cho trẫm được kịp thấy, thực là nghĩa lớn, nếu chưa toại nguyện, mà trẫm không may giữ chí đến chết, dù quan dân có không nỡ bỏ, viện lệ được thờ, phụ vào Thế miếu, thì trẫm là người có tội, không đáng lạm để nhục ngôi thứ ấy, nếu miễn cưỡng mà làm, hồn phách cũng không được yên lắm. Nên truất thờ ở chỗ khác, không cho tên thụy để răn người làm vua có lỗi muôn đời, cho trẫm được cùng với bầy tôi có lỗi, chia chê cùng thẹn, đấy là chí của trẫm. Lời nói từ trong lòng ra, đừng trái, đừng lạm, báo cáo cả nước, cho đều nghe biết.”[6]
Hạ tuần tháng 4 năm Quý Mùi (1883) vua Tự Đức hơi yếu. Nhà vua đã làm sẳn tờ di chiếu đề cập đến nhiều việc, trong đó có đề cập đến việc hậu sự của nhà vua: “Lăng mộ cũng đều theo tiết kiệm không được trái ý trẫm. Trẫm có tội với tổ tiên, không dám thờ vào Thế miếu, trước đã nói rồi, chỉ có quan và dân lượng thứ cho. Miếu hiệu đều xưng tông, như phép nhà Hán, không đặt nhiều tên thụy. Trẫm không có công to, không được xưng tổ, cũng nên thế mà làm”[7]
Vua Tự Đức mất ngày 16 là ngày Giáp Tý giờ Thìn, tháng 6 năm Quý Mùi (1883). Dù cho di chiếu căn dặn miếu hiệu không được xưng tổ, nhưng vua nối ngôi là Hiệp Hòa đã làm trái di chiếu: Ngày 13 tháng 10 (ngày Canh Thân), năm Quý Mùi (1883) “kính dâng tôn thụy là Kế thiên Hanh vận Chí thành Đạt hiếu Thể kiện Đôn nhân Khiêm cung Minh lược Duệ văn Anh hoàng đế. Miếu hiệu là Thành tổ”[8]
Vua Kiến Phúc lên ngôi thay vua Hiệp Hòa đã tuân theo di chiếu của vua Tự Đức về miếu hiệu chỉ gọi là “tông” chứ không được gọi là “tổ” và bên dưới Tôn nhân phủ cùng đình thần đã bàn bạc, chuẩn cải miếu hiệu Tiên đế trước gọi là Thành tổ (nguyên do vua Phế đế[9] đặt cho) nay đổi là “Dực tông”[10]
Ngày Bính Thân tháng 11 năm Quý Mùi (1883) kính sửa Thượng hoàng khảo miếu hiệu Dực Tông[11]. Kể từ đây miếu hiệu của vua Tự Đức là Dực tông chứ không phải Thành tổ. Toàn xưng (gồm miếu hiệu và thụy hiệu) của vua Tự Đức là : Dực Tông Anh hoàng đế.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Diên Khánh
Chú thích:
[1][3][4]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.1072; 770; 771
[2]- Lâm Duy Thiếp: Trước đây phiên âm là Lâm Duy Hiệp
[5]- “Ở lúc yên, lo lúc nguy” là câu trích từ sách Tả truyện: “Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn” [Tương công thập nhất niên] (Ở lúc yên, nghĩ đến lúc nguy, nghĩ thì phải phòng bị, có phòng bị thì không lo vạ- Tương công năm thứ 11)
[6][7][8]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr.183; 575; 576
[9]- Phế đế: Vua Hiệp Hòa sau khi lên ngôi hơn ba tháng đã bị Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường phế bỏ và ép uống thuốc độc chết. Do đó vua bị truất bỏ gọi là “Phế đế”.
[10][11]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 9, Nxb Giáo dục, tr.23; 35
Nhận xét
Đăng nhận xét