Đi tìm chân dung y sĩ tiền tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn với thông điệp mùa xuân (1)

Đi tìm chân dung y sĩ tiền tuyến 

Nghiêm Sỹ Tuấn với thông điệp mùa xuân (1)

Tác giả: NGÔ THẾ VINH
Nguồn: ĐÀN CHIM VIỆT
Trái, Di ảnh Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù tử trận tại chiến trường Khe Sanh ngày 11/4/1968; phải, Chân dung Nghiêm Sỹ Tuấn qua nét vẽ của Y sĩ Đại úy Lê Văn Công, Quân Y Hiện Dịch khóa 15 YKSG, Virginia, USA 2018. [size 6 x 20” acrylic on canvas, sưu tập Ngô Thế Vinh] 


DẪN NHẬP

Chiến tranh, không phải là chấp nhận hiểm nguy, không phải là chấp nhận giao tranh. Ở một thời khắc nào đó, với người chiến binh, là sự chấp nhận thuần túy và giản đơn cái chết. La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est, à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort. A. de Saint-Exupéry (Pilote de guerre).

TIỂU SỬ

Nghiêm Sỹ Tuấn, bút hiệu là Yển Thử, [bút hiệu này chỉ được dùng một, hai lần cho mấy bài thơ 28 Sao trên báo Tình Thương], sinh ngày 7 tháng 2 năm 1937 (tuổi Bính Tý) tại Nam Định, Bắc phần trong một gia đình thanh bạch và đông anh em. Cắp sách tới trường muộn màng ở tuổi 14. Hoàn tất học trình Trung học và Đại học trong khoảng thời gian 14 năm. Những năm học Y khoa, Nghiêm Sỹ Tuấn là Thư ký tòa soạn báo Sinh viên Y Khoa Tình Thương từ số ra mắt tới số 13 [khoảng thời gian từ 01-1964 tới 01-1966] khi Anh ra trường, là tác giả nhiều bài viết sâu sắc, mang nặng những suy tư về các vấn đề văn hóa, xã hội và vận mệnh đất nước.

Nghiêm Sỹ Tuấn tốt nghiệp bác sĩ Y khoa 1965 ở tuổi 28. Không phải là quân y hiện dịch, nhưng Nghiêm Sỹ Tuấn tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù, là một y sĩ tiền tuyến có mặt trên nhiều trận địa khắp bốn vùng chiến thuật, hai lần bị chiến thương, nhưng anh vẫn tình nguyện ở lại đơn vị tác chiến. Anh hy sinh trên chiến trường Khe Sanh sau Tết Mậu Thân, ngày 11 tháng 4 năm 1968 [3], ở tuổi 31 ngay giữa tuổi thanh xuân.

Trái, hình Nghiêm Sỹ Tuấn trên tấm thẻ sinh viên năm thứ ba Đại học Y khoa Sài Gòn niên khóa 1961-1962 [tư liệu BS Đinh Xuân Dũng]; phải, Nghiêm Sỹ Tuấn trông như một Ông Đồ với khăn đóng áo dài trong mấy ngày Tết cùng với các em, Tuấn là anh cả trong một gia đình thanh bạch đông anh em. [hình chụp năm 1963, album gia đình Nghiêm Mậu, em gái Nghiêm Sỹ Tuấn]

Năm 2010, khi Tập San Y Sĩ Canada thực hiện số báo chủ đề Tình Thương, Một Thời Nhân Bản [TSYS số 184, 01/2010], mọi người đều cảm nhận được dấu ấn rất rõ nét của Nghiêm Sỹ Tuấn ngay trong tòa soạn và xuyên suốt trên nội dung tờ báo Tình Thương.

TRẦN HOÀI THƯ PHÁT HIỆN BÀI VIẾT SỚM NHẤT CỦA PHẠM LIÊU VỀ NGHIÊM SỸ TUẤN

Khi Tuyển tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn ra mắt năm 2019, chi tiết về ngày mất của Nghiêm Sỹ Tuấn vẫn còn là một nghi vấn, khiến BS Nguyễn Thanh Bình viết:

“Trong 15 bài viết về Nghiêm Sỹ Tuấn, có 2 người nói về ngày anh qua đời, thì lại không giống nhau: theo BS Trần Đức Tường, anh Tuấn mất khoảng tháng 4/1968, sau Tết Mậu Thân, theo BS Nguyễn Thanh Giản, anh Tuấn mất ngày 13/08/1968. Anh Trần Mộng Lâm, bạn đồng khóa 1967 của tôi, kể rằng, sau khi học quân sự ở Võ Bị Đà Lạt, chúng tôi về học hành chánh Quân Y tại Sài Gòn, và Lâm được chỉ định đi canh quan tài của anh Tuấn. Lúc đó có lẽ là tháng 4, và tôi nghĩ anh Tuấn mất vào khoảng đó, vì nếu sau ngày 13/08/1968 thì anh em chúng tôi đều đã đáo nhậm đơn vị rồi.” [1]


Hình bìa tuyển tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân. Nxb TSYS Việt Nam Canada & Việt Ecology Press 2019.

Với phát hiện bài viết của Phạm Liêu đăng trên tập san Mũ Đỏ, sau đó được đăng lại trên báo Tiền Phong số 38 (18/12/1968), của nhà văn Trần Hoài Thư năm 2021, thời điểm Nghiêm Sỹ Tuấn mất, không phải là tháng 8/1968 như BS Nguyễn Thanh Giản nhớ, và nay được kiểm chứng từ 3 nguồn khác nhau (từ Phạm Liêu, từ BS Trần Đức Tường và từ BS Trần Mộng Lâm), chúng ta có thể đoan chắc rằng thời điểm mất của Nghiêm Sỹ Tuấn phải là tháng 4/1968.



Bìa báo Tiền Phong số 38 (18.12.1968), với năm trang báo có bài viết đầu tiên của tác giả Phạm Liêu về trường hợp hy sinh của Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù trên chiến trường Khe Sanh. [sưu tập của Trần Hoài Thư, thư viện Cornell 2021]

Phạm Liêu trên báo Tiền Phong – có lẽ là bút hiệu của một người bạn, một đồng môn rất thân thiết với Nghiêm Sỹ Tuấn [có ba người bạn cùng khóa Y khoa 65, cùng trong binh chủng Nhảy Dù là Trang Châu, Trần Đoàn trong nhóm Tình Thương và Đoàn Văn Bá nhưng được biết cả ba đều không phải là Phạm Liêu]. Tác giả Phạm Liêu viết về Nghiêm Sỹ Tuấn[3]

Con Người
Trầm tĩnh đến độ lạnh nhạt, trông anh giống một nhà tu khổ hạnh hơn một Y sĩ Dù. Nghiêm Sỹ Tuấn sinh ngày 7-2-1937 tại Nam Định Bắc Phần, trong một gia đình trung lưu nho giáo. Được thân sinh dạy vỡ lòng năm lên bảy, mãi đến năm 14 tuổi anh mới thực sự cắp sách đến trường (Dũng Lạc Hà Nội). Bảy năm Trung học và bảy năm Đại học.

1955 – 58 học-sinh Nghiêm Sỹ Tuấn luôn được xếp ưu hạng trong những môn ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Hán tự và Việt tại trường Chu Văn An.

Ngay từ thủa thiếu thời, anh đã tỏ một ý chí cương nghị, một sự phục tòng hiếm có. Vâng lời phụ mẫu anh theo học dự bị y khoa (P.C.B) năm 1958 và tốt nghiệp Y Khoa Đại học đường năm 1965.


Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, người thứ hai trong hàng, trước giờ lên máy bay cho một saut nhảy dù bồi dưỡng. [tư liệu của BS Vũ Khắc Niệm và Trang Châu] 

Những người bạn xa gần không một ai có thể phủ nhận thiện chí “làm một cái gì cho xứ sở” của anh. Để đóng góp thật sự, để nối liền ý thức và hành động anh đã tình nguyện về Dù. Được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, anh đi tham dự hầu hết những cuộc hành quân quan trọng của đơn vị. Là vị Y sĩ đầu tiên hai lần bị thương anh vẫn vui vẻ tái xuất giang hồ.

Nghiêm Sỹ Tuấn viết: “Tôi bắt đầu lội từ 11-8-66. Tới nay đã tham dự 11 cuộc hành quân hay chiến dịch. Dài nhất 78 ngày, ngắn nhất 2 ngày. Có mặt tại đủ bốn Vùng Chiến Thuật. Ba lần ở địa đầu nước An-nam Cộng-hòa.

Một Saut trận ở mật khu Thới Lai Cờ đỏ thuộc Vùng 4. Một lần bị thương cũng ở Vùng 4 trong cuộc đi ngắn nhất, ngắn nhất vì trúng đạn được về, chứ không phải chính nó ngắn có 2 ngày thôi đâu. Hai tháng khập khiễng dưỡng thương ở nhà. Tái xuất giang hồ từ đầu tháng 7/1967. Và bây giờ mừng lễ Giáng sinh ở Dakto, sau khi leo núi xuống đèo 15 ngày ròng rã. Đã lên ăn ngủ trên mấy đỉnh 1416, 1556. Đại khái cũng nhiều mệt nhọc, mà cũng nhiều thích thú”. (Trích trong thư gởi bạn đề ngày 28-12-67)

Trong đơn vị, anh luôn tỏ ra là một quân nhân giàu lòng vị tha bao dung rộng rãi với các quân nhân thuộc hạ, tự xếp mình trong một kỷ luật sắt đá, một thứ kỷ luật tự giác. Qua những bài viết trong Nguyệt san Tình Thương và nhiều tạp chí khác, anh đả kích mọi sự chống đối, dù nhân danh một sự kiện gì. Theo anh chiến tranh không thể tự nó đáng nhờm gớm. Chỉ đáng khinh bỉ những nhân chứng ngoại cuộc chỉ trỏ vô trách nhiệm.

Anh viết:

“Chiến tranh chỉ xấu xa và tàn bạo trong mắt những người đứng xa chỉ trỏ. Cha ông chúng ta khi xưa đã nhất định tiếp tục nó, và đã chiến thắng chắc vì hiểu rằng trật tự và kỷ luật trong sức mạnh con người là một cảnh tự nó đẹp dễ làm cảm động, dễ làm thán phục. Nhất là khi có những sức mạnh bên ngoài đến gây xáo trộn trật tự và kỷ luật ấy”.

Tôi trộm nghĩ thứ “trật tự và kỷ luật” trên, anh đã tìm thấy ở các đơn vị Dù. Sự kiện này cắt nghĩa phần nào cho việc lựa chọn một đơn vị sôi động nhất để nối liền nhân sinh quan đã vạch sẵn với hành động nhập cuộc bước xuống cuộc đời của anh. Nghiêm Sỹ Tuấn chủ trương một sự hy sinh tự nguyện, một sự đơn phương chấp nhận sự thể. Từ đấy, cái đẹp đẽ sinh ra, cái dũng sẽ nẩy nở. Kể rằng có một quân nhân thuộc hạ thường mơ ước một ngày nào có thể mua một chiếc máy ảnh giống như cái “Canon” mà Nghiêm Sỹ Tuấn thường mang theo bên mình. Thế rồi trong một cuộc hành quân, người binh sĩ này tử trận. Y sĩ Tuấn về thăm gia đình người xấu số, không quên mang theo chiếc máy hình ngày nào, kính cẩn để trên bàn thờ, rồi im lặng ra về.

Được lệnh về phục vụ tại bệnh viện Đỗ Vinh, Nghiêm Sỹ Tuấn xin tiếp tục theo TĐ 6 Nhảy Dù hành quân tại Khe Sanh.

[Ghi chú của Ngô Thế Vinh: Chi tiết từ chối về phục vụ tại BV Đỗ Vinh là không đúng. Khi Nghiêm Sỹ Tuấn được đề cử đi học khoá giải phẫu một năm, nhưng vì Cục Quân Y không hứa sau khóa học sẽ được về làm việc tại BV Đỗ Vinh thuộc Sư Đoàn Dù, nên NST tiếp tục “súng, xắc” về lại đơn vị cho tròn hai năm phục vụ ở cấp tiểu đoàn – trích từ YSTT của BS Trang Châu] [1]

Ngày 11/4/1968, tại làng VeiĐại Đội anh đi theo đụng độ nặng. Những quả 81 của VC nổ long trời xung quanh anh. Hai binh sĩ ở tuyến đầu bị mảnh vào bụng được di tản về toán cứu thương. Y sĩ Tuấn nhảy ra khỏi hầm trú ẩn, trầm tĩnh băng bó hai thương binh, sang nước biển cho họ. Những cử chỉ chậm chạp thong thả. Trong lúc anh đang tiếp nước, một quả tạc đạn rớt ngay trước mặt, những người y tá chung quanh đều bị thương nhưng không chết, chỉ có mình anh trầm tĩnh lìa bỏ cuộc đời như anh đã trầm tĩnh chấp nhận những sự kiện đã xảy ra trong đời anh.

Một Nhân Sinh Quan

Mặc ai nói đông nói tây anh vẫn bình thản đi theo con đường đã vạch. Những người bạn anh kể rằng anh tôn trọng kỷ luật đến độ làm cho những người khác khó chịu. Dưới một bề ngoài trầm lặng, tiềm tàng một nếp sống nội tâm cuồng nhiệt.

Anh thật nhiều tham vọng. Anh muốn nhiệm vụ của một quân nhân Dù đi kèm một Y sĩ tiền tuyến của anh phải kiện toàn. Không bao giờ ta thán bất cứ một sự gì. Không bao giờ tìm tòi sơ hở của kẻ khác để chỉ trích, phê bình, chê bai. Người khác có cảm tưởng anh im lặng để hành động nhiều hơn, hữu hiệu hơn, thật đúng là một triết lý của hành động.

Tất cả những trầm tĩnh bên ngoài chỉ để che đậy một sự nổi dậy liên tục của nội tâm. Đọc văn anh, chúng ta liên tưởng đến một Kafka. Những chi tiết nhỏ nhặt của ngoại cảnh bắt nguồn cho một phân tích gẫy gọn súc tích cho một vấn đề chủ yếu. Từ một chuyện hai đứa bé cãi nhau về miếng đất con trâu vỉa hè, anh viết:

“Ngẫm ra hai đứa bé đều có lý, nghe như chuyện mặt trời xa gần. Tôi đâu dám cuồng vọng trộm đặt mình vào chỗ đứng của một Thánh nhân, song quả thực tôi có phải xử vụ này, tôi cũng đành chịu. Thời buổi đua tranh sơ hở thì đến thân mình còn mất nữa là. Cứ tôi tự do, không làm việc đang làm có người khác sẽ làm mất. Giả sử có kẻ bảo: Tôi có tự do, vậy tôi tự do hay không tự do là quyền tự do của tôi, chắc chẳng ai dám nói tôi… điên rồ”.

Nghiêm Sỹ Tuấn “Ngồi ăn cơm một mình”

Anh đã từ một sự kiện không đâu dẫn độc giả vào một thế giới riêng biệt của Nghiêm Sỹ Tuấn, thế giới biểu tượng của cử chỉ và ngôn từ. Trong những áng văn anh đã viết, triết lý của hành động và hành động trong kỷ luật được nêu ra và nhắc lại nhiều lần. Âu cũng là, tôi trộm nghĩ, một trong những nguyên do chính khiến anh đã chọn binh chủng Nhảy Dù. 

Dáng dấp Nghiêm Sỹ Tuấn là dáng dấp của một nhà khổ hạnh. Anh chấp nhận tất cả: Ngay những điều bất hạnh có thể xảy ra trong mai hậu khi anh dấn thân. Nhiều người cho những sự hy sinh của anh vô nghĩa, nếu không nói phi lý, anh hiền hòa đáp lại:

“Làm gì có xương nào phơi vô nghĩa, càng vô nghĩa bao nhiêu càng ý nghĩa bấy nhiêu. Vả chăng xương nào thay được xương mình. Trái đậu thì hoa tàn. Hạt giống có chết cây mới nẩy mầm xanh, sao nói là vô nghĩa được.”

Anh chấp nhận ngay cả sự chết một mai của mình nếu không nói những áng văn của anh như bản di chúc cuối cùng của một người sắp ra đi. Chấp nhận sự chết để tự dọn mình là một triết lý khổ hạnh, mà ít người bằng tuổi anh đã dám nhận làm chỉ nam cho đời mình. [3]

PHẠM LIÊU

[Nguyệt san Tiền Phong số 38, 15-12-1968]


Bìa Tập San Y Sĩ Canada số 184, 01/2010, chủ đề Tình Thương, Một Thời Nhân Bản. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

Tính đến 2021, Nghiêm Sỹ Tuấn mất cũng đã hơn nửa thế kỷ. Sau này mới được biết, sau Nghiêm Sỹ Tuấn, còn có thêm hai người em trai của anh cũng hy sinh trên những trận địa khác. Chỉ riêng gia đình anh đã cống hiến ba người con trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, một hy sinh và mất mát thật vô cùng lớn lao. [1]

TÁC PHẨM NGHIÊM SỸ TUẤN

·         Truyện ngắn:

Những Người Đi Tìm Mùa Xuân

Para Bellum


Trái, Bìa báo Tình Thương số 2 Xuân Giáp Thìn (1964); phải, trang trong với truyện ngắn nổi tiếng Những Người Đi Tìm Mùa Xuân, tác phẩm tâm đắc của Nghiêm Sỹ Tuấn. Anh là Thư ký Tòa soạn báo Sinh Viên Y Khoa Tình Thương từ số ra mắt tới số 13, khi anh ra trường và nhập ngũ. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

·         Thơ 28 Sao

Đầu thai tỉnh giấc

Ngụp lặn từ đây

Trở về cát bụi

Sáu Buồn trước tử biệt sinh ly:

Quê Hương, Tuổi Đứng, Bạn Cũ, Người Yêu, Đám Đông, Đất Lạnh    

·         Biên khảo:

Ý thức tinh thần Đại học. Nghiêm Sỹ Tuấn, Đặng Vũ Vương, Hà Ngọc Thuần

Tình Thương và Tuyên Ngôn Leysin

Một Năm Học tập     

Niềm đau nỗi khổ: Công cuộc khắc phục đau đớn

Những ám ảnh của chứng nan y: Nan y hay dịch tễ xã hội

·         Tạp bút:

Thịt Chuột và Văn Hóa

·         Tác phẩm dịch:

Dưới Mắt Thượng Đế, Hans Killian

[Nghiêm Sỹ Tuấn & Nguyễn Vĩnh Đức]:


Từ trái, hình bìa gốc bản tiếng Đức: Hinter Uns Steht Nur Der Herrgott; hình bìa 1&4 bản dịch tiếng Pháp: Sous le Regard de Dieu do Robert Laffont xuất bản; dưới: trang báo Tình Thương với bản dịch truyện ngắn Cha Tôi trong tác phẩm Dưới Mắt Thượng Đế. [tư liệu Ngô Thế Vinh]Tờ di chúc

Phép Lạ

Thiên đường đã mất

Văn Sợi, Người Phụ Tùng

Chết trên bàn mổ / Mors in tabula

Thác chảy trong đầu

Người bệnh tưởng

Phía bên kia con đường có bóng

Người bạn tốt nhất

Cha tôi

Quyết định to tát

Đất Chẳng Trở VềGilberte Sollacaro

[Nghiêm Sỹ Tuấn]

Lịch Sử Y Học. Kenneth Walker

[Hà Hợp Nghiêm – Nghiêm Sỹ Tuấn & Hà Ngọc Thuần]


Bìa cuốn Lịch Sử Y Học của Kenneth Walker (1882-1966), Nxb Hutchinson, London 1954; được Nghiêm Sỹ Tuấn và Hà Ngọc Thuần dịch với bút hiệu chung Hà Hợp Nghiêm, đăng từng kỳ trên báo Tình Thương từ số ra mắt 01.1964. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

Với lời giới thiệu của Hà Hợp Nghiêm: “Kenneth Walker là một trong những thủ thuật gia lỗi lạc của Anh quốc. Tốt nghiệp Đại học Cambridge và bệnh viện St. Bartholomew ở Luân Đôn, hội viên Học viện Giải phẫu Hoàng gia, ông nổi tiếng, ngoài y học thuần túy, về những tác phẩm y học và triết học của ông. Ông đã xuất bản: Lịch Sử Y Học và Lịch Sử của Máu. Ngoài ra ông còn cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí y học và khoa học lớn nhất hiện thời. Trong cuốn Lịch Sử Y Học mà chúng tôi [Nghiêm Sỹ Tuấn & Hà Ngọc Thuần] hân hạnh trình bày bản dịch dưới đây với quý vị độc giả, Kenneth Walker đã tóm tắt trong 20 chương, tất cả quá trình tiến hóa của Y học trong hơn 3000 năm, bắt đầu từ những văn minh tối cổ cho đến nền văn minh hiện đại, từ Hippocrates, Galien đến Pasteur, Fleming, cả một truyền thống lấy phụng sự làm động cơ, lấy lý trí làm hướng đạo, luôn luôn cố gắng cho đời thêm tươi đẹp, đáng sống.”  

(Xem tiếp phần 2)


Tham Khảo:

1/ Tuyển tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân. TSYS Việt Nam Canada & Việt Ecology Press 2019

2/ Tình Thương, Một Thời Nhân Bản [TSYS số 184, 01/2010]

3/ Phạm Liêu: Viết về Nghiêm Sỹ Tuấn. Nguyệt san Tiền Phong số 38, 15/12/1968.  [Trích trong Mũ Đỏ.]

 NGÔ THẾ VINH

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209