Câu Đối Tết Nhâm Dần 2022

Câu Đối Tết Nhâm Dần 2022
Thế đứng của chị Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư trong phiên toà 24.12.2021

Hà Sĩ Phu (Tết Nhâm Dần 2022)

I. Kiếp HỔ khóc cười và giấc mơ HỔ thiện!

Hổ vốn ở tận rừng sâu nhưng mối liên quan đến con người thì ít dã thú nào bì kịp, vì Hổ đồng nghĩa với sức mạnh, với bạo lực, bạo quyền, là những điều con người vừa kính vừa sợ.

Ở nơi rừng rậm thì bạo quyền làm nên chức tước, Hổ và Sư tử tranh hùng làm Chúa Sơn lâm. Sư tử đực dáng bộ đường bệ oai phong, tiếng hống vang động cả núi rừng và sống tập đoàn như một “triều đình phụ hệ”. Còn Hổ thì mạnh ở sự cân đối, linh hoạt biến hóa và bền bỉ hơn nên nếu đấu tay đôi thì phần thắng cuối cùng thường nghiêng về phía Hổ. Nhưng người châu Á, châu Âu và châu Phi thường coi Sư tử mới là Chúa Sơn lâm. Cũng như xã hội con người, cấp trưởng thường mạnh ở triều đình và mạnh ở oai phong, chứ đấu tay đôi thì chắc gì đã thắng được cấp phó? Sư tử kém thích nghi, ngày càng khó sống, chắc phải nhường phủ Chúa cho mãnh Hổ thôi.

Chúa Sơn lâm Hổ rất kỵ văn minh chẳng thích gần người, nhưng con người cứ sùng kính đưa Hổ vào đời sống của mình, tôn là Ông Hổ hay Ông Ba mươi. Khát khao quyền lực thì sinh ra sợ sệt và sùng bái quyền lực. Sáng dậy, thấy quanh nhà có vết chân “lạ” của Hổ thì xì xào “Đêm qua Ông về, Ngài về!” (Mặc dù “Ngài” về chỉ để bắt lợn cho đầy túi tham!). Tên của Hổ chỉ dùng vào việc tôn kính, tướng võ oai phong gọi là Hổ tướng, cha con cùng tài giỏi là bảo “Hổ phụ sinh Hổ tử”…

Nhưng ở đời, “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, ưu điểm của Hổ lại gây tai họa cho Hổ. Con người dần văn minh lên, có vũ khí, có mưu mẹo để săn bắt Hổ thì danh tiếng xưa kia lại trở thành đại họa cho Chúa Sơn lâm. Bộ da Hổ rất đẹp rất oai thì phải lột da làm thảm trải nơi trướng gấm. Xương Hổ tạo nên sự khỏe mạnh thì phải nấu thành cao. Răng Hổ thì phải vặn ra, đem mài từng chút làm thuốc chữa đau bụng. Vuốt Hổ bị bóc ra thành vật trang sức trước ngực những chàng trai muốn bộc lộ tính dũng mãnh của mình. Kể sao hết nỗi tang thương?

Sức mạnh hoang dã là thứ tốt nhất để con người lợi dụng. Thân đã bại thì danh cũng liệt. Hổ chẳng còn uy vũ thiêng liêng gì, “Chúa” nay bị nhốt vào chuồng làm cảnh để thu tiền du khách. Xác Hổ thì bỏ hết ruột gan, nhồi bông bày nơi khảo cổ, cho loài người chiêm ngưỡng như chiêm ngưỡng một loài thú hoang dã. Cái gì xấu thì dành cho Hổ, người ta chửi rủa nhau “Ăn như Hổ đói”, “Đồ Hổ vồ”. Hổ thành biểu tượng cho sức mạnh tàn ác, luật rừng dã man. Ngôn ngữ Việt nam lại có chữ đồng âm “hổ” là hổ thẹn, càng làm mất danh dự cho Chúa sơn lâm. Trong văn chương, hỏi “hổ không biết hổ? ” là chửi bọn người tham tàn vô sỉ. Nếu hiểu tiếng Việt và có thần kinh xấu hổ thì chắc Hổ phải tủi hổ, chui xuống lỗ nẻ mà chết. (Nhưng kẻ đã sở hữu bạo lực thì làm gì còn thần kinh xấu hổ?)

Nhưng nỗi bất hạnh nhất của Hổ phải kể đến trò đấu “Hổ quyền”. Cho Hổ đấu với voi, nhưng “Voi được đi lại tự do, còn hổ bị buộc bằng sợi xích cột vào cái cọc đóng chắc chắn ở giữa đấu trường và bị cắt bỏ nanh vuốt, cốt biến Hổ thành vật tế thần cho voi tập luyện” (!). (Đây là kiểu “Trói tay đối thủ rồi thách đấu” – Bùi Tín viết về vụ đấu tố HSP).

Theo bài “Hổ Quyền” trong cuốn Quần thể di tích Huế (NXB Trẻ 2007, trang 293-299), tác giả Phan Thuận An tả cảnh một trận Hổ quyền dưới triều Thành Thái như sau:
“Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: ‘Con này can đảm lắm’. Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết…

Trận Hổ quyền đẫm máu nhất là vào năm 1750, ở cồn Dã Viên trên sông Hương, lần lượt 40 con voi đã giết chết 18 con Hổ một cách khủng khiếp tương tự như thế. Âu cũng là “sinh ư nghệ tử ư nghệ”, không cậy mình có sức mạnh vô địch làm Chúa Sơn lâm, mặc sức chén thịt hươu nai, trâu bò thì Hổ đâu có “vinh dự” được chọn làm vật tế thần để bị đẩy vào cảnh thê lương như vậy? Thật rõ oan oan tương báo.

***

Ba mươi Tết NHÂM DẦN này, theo phong tục, TRÂU phải bàn giao quyền cho HỔ, HỔ tiếp quản quyền bính chi phối thế gian. Ôi chao, ta cứ lo một khi con mãnh thú – ác thú này mà tung hoành thì độc tài chuyên chính lắm đây? Lòng ta không khỏi bồi hồi, nghĩ về con HỔ, để vừa ca ngợi, vừa sợ, vừa ghét, vừa thương. Trời sinh cái kiếp CỌP sao đa đoan, lúc vinh là thế mà lúc nhục là thế! Nghĩ lan man về cái thế giới của Chúa sơn lâm rồi tôi ngủ thiếp đi…

Thế rồi…

Quả nhiên, loài Hổ họp nhau lại, bàn cách cử đại diện nắm quyền chi phối thế gian. Con Hổ lớn nhất gầm một tiếng rồi mở miệng nói một tràng (tôi nghe rõ Hổ nói tiếng Việt)… “Loài Hổ chúng ta là mãnh thú ác độc không ai yêu mến. Rút kinh nghiệm nhiều kẻ cầm quyền gian ác trên thế gian thường giở trò xiếc để lừa mị dân, nay ta nên học bài học ấy, hãy cử một bạn Hổ trong rạp xiếc ra làm đại diện, cứ mỗi lần bạn ấy xuất hiện trên sân khấu là lập tức được vỗ tay chào đón hân hoan…”. Cả hội trường Hổ đồng loạt đứng phắt dậy, đứng bằng hai chân sau, dùng hai chân trước vỗ từng nhịp hoan hô và gầm rú ầm ĩ tán thành…

Thế rồi…

Phút giao thừa, tại lễ bàn giao, chú Trâu thì lo sợ khiếp vía, cứ nép mình trong xó. Chẳng ngờ chú Hổ quen làm xiếc nhe cả hàm răng cười rất tươi mà rằng:

“Này bạn Trâu ơi đừng sợ, ta biết mi vốn dòng Công Nông hiền lành ngoan ngoãn, tuy không thể so sánh với những nông dân tài giỏi hiện đại như như gia đình bà nông dân tuyệt vời Cấn Thị Thêu, nhưng không phải bọn giả danh khoác áo búa liềm Công Nông mà thực tế đã thành Tư bản hoang dã. Nay ta vâng lệnh đất trời chi phối thế gian làm một cuộc cách mạng, chỉ lấy thiện tâm làm chuẩn, dung hòa mọi lợi quyền chân chính để xây dựng một thế giới hạnh phúc an hòa…Ta chịu ơn loài người nuôi nấng và quen nghề xiếc nhưng xiếc này chẳng để lừa ai, chỉ dùng sức mạnh tự thân băng qua vòng lửa cho vui, để khi cần có thể băng mình cứu người trong cơn hỏa hoạn…”.

Thế rồi, tự dưng lửa cháy đùng đùng, rền tiếng kêu la. Từ trong vùng lửa một con Hổ vọt băng qua, trên lưng cõng một cụ già râu đã cháy xém…Tôi bừng tỉnh dậy, thấy nóng quá, toát cả mồ hôi, nhưng trong lòng thì sảng khoái sau một giấc mơ đẹp. Phải chi cứ được sống trong mơ thế này. Cuộc bàn giao quyền lực giữa HỔ và TRÂU, giữa một động vật ăn thịt với con mồi này sao mà đẹp vậy? Chẳng trách con Hổ xiếc vừa rồi đã gọi đúng tên, đó mới thực là một cuộc… “Cách mạng”, diễn biến ngược với ý đồ láu cá tàn ác của đàn Hổ lúc ban đầu! Vậy xin ghi lại để chào đón mùa xuân Nhâm Dần.

II. MẤY CÂU ĐỐI TẾT NHÂM DẦN

Câu đối 1: Tiễn Trâu lại đón Hổ

– Tiễn bác TRÂU chớ “gẩy đàn cầm”, bác là loại có Sừng có Sỏ!
– Đón anh HỔ đừng “ngay ruột ngựa”, anh vốn loài dùng Vuốt dùng Nanh!

(Thành ngữ “thẳng như ruột ngựa” chỉ sự thẳng thắn bộc trực không chút nghi ngờ)

Câu đối 2: Quan hệ Trâu và Cọp

– TRÂU quen lề phải… vô chuồng CỌP!
– CỌP cứ luật rừng… chén thịt TRÂU!

(Điều phi lý trớ trêu là khi trên vai bị mang một “cái ách” phi nhân tính thì những công dân thông minh, trong sáng như Phạm Thành, Phạm Đoan Trang, mẹ con bà Cấn Thị Thêu ..vv…lại phải chịu số phận như thân Trâu ngựa thật sự. Người ở phận TRÂU thỉ dù đi đúng “lề phải” của Công lý vẫn cứ bị tống vào “chuồng cọp” cho Cọp nó xơi đấy thôi?).

Câu đối 3: Gợi ý năm Hổ Báo-Hùm Beo

– Giỡn mặt HỔ, mình ra tờ nhật BÁO!
– Vuốt râu HÙM, ta tạo tấm da BEO!

(Tấm da báo, da beo là tình trạng lốm đốm xen kẽ giữa các vùng khác nhau, như buổi giao thời giữa chuyên chính và dân chủ)

Câu đối 4: Chơi chữ năm Hổ

– TRÂU đã đi rồi, miếng nhục thịt BÒ còn thẹn mặt!
– HỔ đang tới đó, phong bì da BÁO vẫn trao tay!

(Miếng nhục thịt bò: Nhục 肉 chính là thịt. Phong bì da báo: Bì 皮 chính là da. Thành ngữ “Phong bì” thời nay là chỉ sự đút lót phổ biến khắp trong một xã hội luôn nói đạo đức liêm chính nhưng làm việc gì cũng phải đút lót từ vài chục đồng đến vài chục tỷ).


Câu đối 5: Lỗ mũi và Thiên đường, những nguồn lợi để kiếm chác:

– Cô-vít hóa vận may,tài nguyên lớn là trò khoan… lỗ mũi?
– Mác-Lê là diệu kế, lợi quyền to ở ảo ảnh… thiên đường!

(Vụ Test kits Việt Á là toàn hệ thống cùng nhau kiếm chác trên đại họa xương máu nhân dân, nhưng đó chỉ là bộc lộ cái bản chất sẵn có từ buổi sơ khai, xương máu hy sinh để xây dựng Thiên đường CS mà thực chất chỉ là Thiên đường của một ĐCS cầm quyền với chính sách công hữu hóa toàn bộ đất đai. “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”, không ngờ cái lỗ mũi người dân bỗng chốc cũng sinh lợi chẳng kém gì cái ảo ảnh Mác-Lê vĩ đại).



Câu đối 6: Nhân đại họa “Test kits” nghĩ về những con số:

– Văn hóa bốn nghìn năm ngoài miệng, nói lắm…cũng thừa!
– Máu xương chín chục triệu trong kho, ăn hoài…chưa hết!

(Lợi dụng lá cờ yêu nước để tạo ngai vàng VUA TẬP THỂ, như chữ của chủ tích Nguyễn Văn An, cái kho máu xương khổng lồ trong dân họ ăn hoài không hết).

Câu đối 7: Tiếp lời Tiến sĩ Mác-Lê vừa nhận giải thưởng Lê-nin

Mấy năm nay dân Việt khó quên những lời lạc quan tếu đến khôi hài, nghe rồi phải bấm bụng mà cười, những lời của bậc lãnh đạo tối cao, đại loại như: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” v.v…

Nhưng đặc biệt câu này “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Mặt trời nào lại như của riêng VN vậy? Xin nghe lời HCM “Bác Hồ khẳng định: Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là MẶT TRỜI soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Té ra là vậy, Mặt trời của CSVN là “Mặt trời Lê-nin”. Cho nên kỷ niệm ngày sinh Lê-nin 22/4/2020 ĐCS Nga đã tặng TBT Phú Trọng một giải thưởng mang hình bóng cái “Mặt trời Lê-nin” của VN ấy. Nên xin có Câu đối để tiếp nhời ông Trọng như sau:

– Địa cầu ấy đêm ngày tăm tối, vì lão MẶT TRỜI bị phủ mây đen, thế giới buồn như…vào ngõ cụt!
– Việt quốc này vẫn sáng lung linh, bởi bác LÊ-NIN bừng lên sắc đỏ, quê ta sướng tựa…tới thiên đàng!


Câu đối 8: Giấc mơ ngược Hổ thiện-Ngưu minh

– Đêm ba mươi TRÂU hết ngu đần, để xứng bậc có sừng có sỏ!
– Sáng mồng một HỔ thôi tàn ác, cho hết loài dùng vuốt dùng nanh?

Nhân ngày vui ta muốn tặng TRÂU và HỔ sự Thông minh và Lương thiện, là những tính chất mà loài vật các ngươi vốn không thể có, mà loài người chúng ta cũng chỉ đánh bại được sự TÀN ÁC và NGU ĐẦN một khi sức mạnh của TRÍ TUỆ và TÌNH YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI vô bờ bến được thăng hoa thôi. Thật khó lắm thay!

Vậy xin kính chúc một năm ”Nhâm Dần đại phúc”!

 

III. MỜI ĐỐI: 
Bạn bè yêu Câu đối có thể chọn bất kỳ vế đối nào trong bài làm vế Xuất đối.

Hà Sĩ Phu (Tết Nhâm Dần 2022)

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025