Virus Corona và “Hành quyết giữa Sài Gòn”

Virus Corona và “Hành quyết giữa Sài Gòn”



Đàm Ngọc Tuyên

(Việt Nam Thời Báo - VNTB) – Bức hình đăng kèm bài viết này, là hình ảnh bức tranh biếm, được vẽ bởi họa sỹ Halit Kurtulmus Aytoslu, người Thổ Nhĩ Kỳ. Bức biếm họa này, được họa sỹ chú thích như sau: “Các tổ chức y tế giới đã có biện pháp ngăn chặn virus corona”.

Nội dung bức biếm họa, sẽ khiến cho người Việt Nam nói chung, cũng như nhiều người trên thế giới (có quan tâm đến cuộc chiến 21 năm ở VN), dễ dàng nhận ra, họa sỹ người Thổ đã vẽ phỏng tác lại bức ảnh được đặt tên “Hành quyết giữa Saigon”. Đó là bức ảnh, ghi lại khoảnh khắc Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan (VNCH) kê súng lục, ngay màng tang phải, của gã Bảy Lốp – Nguyễn Văn Lém – rồi “đoàng”. Vụ xử tử trong thời điểm của trận chiến hỗn loạn Tết Mậu Thân, năm 1968, mà phe của Lém bội ước đình chiến.

* * *

Câu chuyện ông Chuẩn tướng Hữu Loan xử tử Văn Lém, ngay giữa một đường phố ở khu gia binh vùng ngoại ô Gò Vấp. Lém bị quân cảnh bắt và giải đến gặp tướng Loan, sau khi Lém được cho là, đã ra tay hạ sát toàn bộ vợ và con của một thuộc cấp tướng Loan. Cả gia đình bị sát hại toàn những dân thường vô tội. Mà dù trong chiến tranh đi nữa, nhưng chủ đích cố sát hại thường dân vô tội, thế giới gọi đấy là hành động khủng bố. Còn phía quân đội cộng sản, lại có chủ trương lên kế hoạch thực, cũng như tôn vinh cá nhân “can đảm hơn người, lưu danh hậu thế”, nhằm trí trá để mộ dụ “khủng bố viên cảm tử”. Họ sẽ dùng những từ ngữ mỹ miều như là đặc công, hay biệt động thành, hòng che giấu bản chất hành vi sát hại dân lành vô tội này.

Ghi lại khoảnh khắc Nguyễn Văn Lém bị tướng Loan xử tử, là nhiếp ảnh gia người Mỹ, tên Eddie Adams. Động tác bấm máy của ông, giúp cho ông nhận về “vinh quang” mà bất kì nhiếp ảnh gia nào cũng hằng ước: Giải thưởng danh giá về nhiếp ảnh báo chí toàn cầu – giải Pulitzer, vào tháng 5/1969.

Cho dù nhờ bức ảnh giúp ông Adams đạt được thành tựu vinh quang trong sự nghiệp báo chí, nhận được thư chúc mừng từ những người được giải Pulitzer, Tổng thống Richard Nixon và thậm chí từ học sinh khắp nước Mỹ, nhưng câu chuyện thật của bức ảnh này luôn ám ảnh Adams. Ông cho biết: “Tôi kiếm được tiền từ việc trưng ra cảnh một người giết chết một người khác. Hai cuộc đời đã bị hủy hoại, và tôi được trả tiền cho nó. Tôi được gọi là anh hùng.”

Bởi vì bức ảnh đó, nó đã không thể giải thích trọn vẹn cảnh tượng đường phố Sài Gòn, vào ngày 1/2/1968. Thời điểm hai ngày sau khi lực lượng Quân đội cộng sản Bắc Việt, cùng quân Giải phóng Miền Nam trá hình, tráo trở, lật lọng đối với những điều khoản giao ước, đại ý hưu chiến, đôi bên ngừng bắn, để quân nhân được ăn một cái Tết đoàn viên không tiếng súng, khóihương cho ông bà không pha tạp mùi khói súng.

Tất nhiên, một câu truyện ngắn, thì làm sao trong tích tắc sát na kia, lại có thể tường minh đủ đầy. Trong bức ảnh “Hành quyết giữa Saigon”, lại truyền đi thông điệp giết chóc bởi tướng lĩnh thuộc quân đội đồng minh của Mỹ. Cho nên, dưới con mắt người Mỹ văn minh nhưng khi bị lừa, vẫn ngộ nhận: tướng Loan chính là hiện thân của “khủng bố, sát nhân”.

Vinh quang đến từ sự ngộ nhận bởi thông tin bị cắt xén, khiến cho một đời người, bị đồng loại xa lánh, nguyền rủa, hắt hủi tướng Loan, khi ông đến Mỹ định cư tỵ nạn diện HO, sau thời gian đi tù cộng sản, kể từ biến cố 30/4/1975. Tướng Loan đắng chát khi phải nhận về mình, mặt trái của sự vinh quang ngộ nhận kia. Thế giới văn minh lúc bấy giờ, bị cái khẽ chạm tay bấm máy đúng khoảnh khắc “bi kịch đời Lém”, mà sau đó tác giả cũng lặng im, như chủ ý tạo nên một vở bi kịch bịp đời chăng?

Trong khi, tướng Loan chọn xử tử Lém, ngay ngoài đường phố, là một quyết định quyết đoán, cần thiết, hợp lý, phản ứng tức khắc với tình thế, mà không phải cấp tướng nào cũng khả thể, trong trường hợp này. Tướng Loan đã nói về hành động đột ngột xử tử Lém giữa đường phố, của mình:
“Nếu quý vị do dự, quý vị không thực hiện nhiệm vụ của mình, binh lính sẽ không theo quý vị”.

Xác tín vấn đề này, theo Đại tá Tullius Acampora, người đã làm việc hai năm với vai trò là sỹ quan liên lạc của Quân đội Hoa Kỳ, cho biết: ông Loan đóng vai trò rất quan trọng trong 72 giờ đầu của chiến dịch Tết Mậu Thân, chỉ huy quân đội ngăn chặn sự sụp đổ của Sài Gòn.

Rồi lương tri của một con người thiện lương, luôn thúc giục nhiếp ảnh gia Eddie Adams phải chọn nói ra sự thật. Có thể hình dung rằng, lương tri của tác giả bức ảnh, đã bị giày vò, hối hận biết bao, cho cái vinh quang hư huyễn mà ông nhận được. Cái danh sĩ ấy, lại được kết tinh từ nỗi đau khi một ông tướng phải chịu sự miệt thị bởi đồng loài. Đã đành là người chiến bại trên chiến trường, mất quê hương, tỵ nạn cộng sản, nỗi đau lại còn nhân lên gấp bội, khi phải chiến bại thêm lần nữa, vì không thể tự mình nói lên sự thật, bởi khoảnh khắc được ghi lại kia, là người nhiếp ảnh – ông ta thắt, thì ông ta phải mở.

Nhiếp ảnh gia Eddie Adams đã công bố sơ-ri film, được ông bấm máy liên tục, về thời điểm trước khi “đoàng” gã khủng bố. Sơ-ri film xuyên suốt như một đoạn phim ngắn, có nội dung giải thích cho tướng Loan vì sao phải hành động xử tử Lém như vậy. Lời giải oan cho tướng Loan dẫu có muộn màng, nhưng sẽ thôi dằn vặt, cho những con người đã từng miệt thị ông. Tướng Loan đã được giải oan, nhưng ông Adams vẫn không thôi ân hận về tác hại từ bức ảnh chết chóc ấy. Đến mức, mãi khi tướng Loan qua đời trên đất Mỹ, do ung thư vào năm 1998, thì tác giả bức ảnh ông Eddie Adams còn gởi vòng hoa kính viếng, và viết: “Có hai người đã chết trong bức ảnh đó. Ông tướng này giết một người Việt Cộng, còn tôi giết ông ta bằng máy ảnh của mình”.

* * *
Ảnh Reuters

Tác giả bức biếm họa phỏng tác từ bức ảnh “Hành quyết giữa Saigon”, là một họa sỹ người Thổ Nhĩ Kỳ. Đất nước của họa sỹ, là một quốc gia Tây Á. Là quốc gia có bãi biển làm chứng tích thương đau của người Syria, khi họ chạy trốn khủng bố IS, tìm đường đến Châu Âu để tỵ nạn chính trị. Bức ảnh ghi lại cảnh em bé Syria, đã gục chết trên bãi biển, sẽ còn mãi rúng động lương tri nhân loại, dù việc đau lòng xảy ra mười lăm năm về trước.

Em bé mặc áo đỏ, quần xanh và đôi giày nhỏ xíu như bao đứa trẻ khác, nhưng bé trai này đã không còn sống khi được phát hiện, bé nằm úp mặt trên một bãi biển vắng của Thổ Nhĩ Kỳ, trong ngày 2/9/2015.

Những con sóng nhẹ vỗ về thi thể đứa trẻ, cũng từng giận dữ, cuồng nộ cướp đi sự hồn nhiên của em và giết chết thêm, hơn 12 người nhập cư Syria khác, trên chiếc tàu đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tìm đường đến đảo Kos của Hi Lạp.

Bé trai vắn số, được xác định là Aylan Kurdi, 3 tuổi, một trong những nạn nhân Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái để tránh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Anh trai 5 tuổi và mẹ của em cũng thiệt mạng trong khi người cha sống sót.

Họ, những người Syria chạy trốn khủng bố IS kia, đã chịu quá nhiều thương đau. Sinh mạng con người dù chủng tộc, dân tộc nào, cũng đều đáng được trân quý như nhau cả. Đều đáng được chia sẻ tình yêu thương, lòng nhân đạo cùng sự tự tế, giữa những người cùng người, sống chung bác ái.

Bi kịch từ khủng bố IS gây ra mà người Syria gánh chịu hay bi kịch của “boat people Việt Nam” phải gánh chịu sau ngày 30/4/1975. Rộng hơn, đó là bi kịch mà một vài dân tộc bất hạnh đang phải oằn mình gánh chịu.

Phải chăng, với cảm xúc, khi nhìn nhận, tưởng nhớ đến những sự việc, cùng đều là bi kịch cho thân phận những con người, mà lịch sử nhân loại ghi nhận lại bằng máu lệ nhạt nhòa. Giải pháp nào cho tương lai? Đó chính là trăn trở của một họa sỹ có tâm hồn lớn, cho nên nét vẽ của họa sỹ người Thổ chọn phóng tác nội dung bức ảnh “xử tử Lém”, tạo khắc thành bức biếm họa về dịch Corona, kèm lời chú thích, nhân loại đã tìm được vac-xin tiêu diệt virus này.

Biếm họa của người Thổ, còn mang thông điệp, phòng ngừa, tiêu diệt những mầm mống bệnh tật cho con Người. Còn loại vac-xin tiêu diệt được tác nhân  đã gây ra đại họa cho nhân loại bấy lâu nay và cả trong tương lai sẽ được con người văn minh cùng tìm thấy.

Đàm Ngọc Tuyên

Xem thêm:


Hồ Sơ Tết Mậu Thân 1968:
Thảm sát Tết Mậu Thân 1968 : Tội ác chống loài người
50 NĂM CUỘC THẢM SÁT MẬU THÂN (1968-2018)

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025