KINH NGHIỆM “THOÁT NGA” CỦA CÁC NƯỚC VÙNG BALTIC VÀ CHỌN LỰA VIỆT NAM
KINH NGHIỆM “THOÁT NGA” CỦA CÁC NƯỚC VÙNG BALTIC
VÀ CHỌN LỰA VIỆT NAM
Tác giả: TRẦN TRUNG ĐẠO
Trần Trung Đạo
Ngoại trừ các bậc thánh nhân, tiên tri có khả năng thấy xuyên nhiều thời
đại, con người, tuyệt đại đa số, từ hành vi cho đến các phát minh khoa học vẫn
không tách rời khỏi thời đại mình đang sống. Con người vẫn là con người của
lịch sử, được quy định bởi lịch sử, và hành động giới hạn trong giai đoạn lịch
sử nhất định mà họ sống.
Các nhà lãnh đạo quốc gia phân tích tiên đoán tương lai của một quốc gia
dựa trên các điều kiện kinh tế chính trị quân sự đang diễn ra. Tuy nhiên như
lịch sử đã chứng minh, khi quyết định, phần lớn các lãnh đạo dù độc tài hay
chân chính đều nhìn về quá khứ. Lý do, quá khứ đã được chứng nghiệm giúp cho họ
yên tâm và xem đó nguồn bảo đảm cho quyết định của họ.
Kinh nghiệm “thoát Nga” của các quốc gia vùng Baltic gồm Estonia,
Latvia, và Lithuania, sau khi Liên Xô sụp đổ là một kinh nghiệm quý giá mà
người Việt Nam quan tâm đến tiền đồ đất nước cần phải học.
CỘNG HÒA ESTONIA
Estonia là một nước nhỏ có diện tích 45,226 kilômét vuông, nằm bên bờ
biển Baltic trong vùng Đông Bắc Âu và có một lịch sử rất dài bắt đầu từ nhiều
ngàn năm trước Công Nguyên. Dân số Estonia theo thống kê 2014 cũng chỉ 1 triệu
200 ngàn người nhưng dân tộc này đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy bi
tráng.
Vì giữ vị trí chiến lược nên suốt dòng lịch sử lãnh thổ Estonia đã là
bãi chiến trường giữa các nước lớn trong vùng như Đan Mạch, Đức, Nga, Thụy
Điển, Ba Lan. Estonia bị xâm lăng, chiếm đoạt và sang tay nhiều đế quốc. Đan
Mạch cai trị Estonia suốt thế kỷ 13. Thế kỷ 14 Estonia trở nên một phần của
Liên Bang Livonia.
Thế kỷ 16 Estonia rơi vào tay Thụy Điển. Thế kỷ 17 Estonia bị nhượng cho
đế quốc Nga sau chiến tranh Nga-Thụy Điển. Dù chịu đựng âm mưu đồng hóa, sang
nhượng, lệ thuộc, dân tộc nhỏ nhoi vùng Baltic này vẫn không mất gốc.
Vào thế kỷ 18, tinh thần dân tộc Estonia thức tỉnh và gần cuối Thế Chiến
thứ Nhất, Estonia tuyên bố độc lập vào ngày 24 tháng 2 năm 1918.
Mười tháng sau, ngày 12 tháng 12 năm 1918 là ngày trọng đại đối với dân
tộc Estonia sau nhiều thế kỷ bị xâm lăng.
Hôm đó nhân dân Estonia chính thức được chào quốc kỳ ba màu xanh, đen,
trắng đại diện cho Cộng Hòa Estonia và hát quốc ca “Mu isamaa, mu õnn ja rõõm”
(Quê hương, niềm kiêu hãnh và vui mừng). Một điểm đặc biệt, quốc ca Estonia
cùng giai điệu với quốc ca Phần Lan được nhạc sĩ Fredrik Pacius phổ từ bài thơ
Đất nước tôi (Our Land) của nhà thơ Johan Ludvig Runeberg. Vì Estonia và Phần
Lan chia sẻ nhiều yếu tố văn hóa chung nên Cộng Hòa Estonia khi thành lập 1918
cũng đã dùng bản nhạc này làm quốc ca.
Độc lập hòa bình không được bao lâu. Tháng 8 năm 1939, Stalin và Hitler
ký thỏa ước bất can thiệp Molotov-Ribbentrop Pact với những điều khoản bí mật
trong đó Hitler đồng ý để Liên Xô chiếm Estonia cùng với Lithuania và Latvia.
Sau khi hiệp ước được hai tên độc tài ký kết, Stalin đưa quân đội và xe tăng
chiếm đóng Estonia. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Estonia được dựng lên ngày 21
tháng Bảy năm 1940 và đặt dưới sự cai trị trực tiếp bởi đảng CS Estonia, một
chư hầu của Liên Xô.
Hitler xé bỏ hiệp ước Molotov-Ribbentrop qua việc phát động mặt trận miền
Đông tấn công Liên Xô ngày 22 tháng 6 năm 1941 và chiếm đóng Estonia từ tháng 7
năm 1941.
Cuối Thế Chiến thứ Hai, niềm hy vọng phục hồi nền độc lập vừa sáng lên
một thời gian rất ngắn đã vụt tắt khi Estonia lần nữa bị Liên Xô chiếm với sự
làm ngơ của Mỹ và Anh tại hội nghị Yalta.
Hai chính sách Glasnost (Cởi mở) và Perestroika (Công khai hóa) do
Mikhail Gorbachev giới thiệu vào năm 1985 đã tạo cơ hội cho nhân dân Estonia
đứng lên đòi độc lập. Nhiều chương trình văn nghệ ngoài trời được tổ chức tại
thủ đô Tallinn trong đó bài quốc ca bị cấm cũng đã được nhân dân tự động hát.
Các lãnh đạo độc lập Estonia chính thức công bố lời kêu gọi độc lập Estonia
khỏi ách thống trị của Liên Xô.
Lịch sử thế giới cận đại đã diễn ra nhiều cuộc cách mạng dân chủ đầy màu
sắc: Cách mạng Nhung (Velvet Revolution) do Giáo sư Rita Klimova đặt tên ở Tiệp
Khắc, Cách mạng Hoa Hồng (Rose Revolution) ở Georgia phát xuất từ những bó hoa
hồng lãnh tụ đối lập Saakashvili mang đến quốc hội, Cách mạng Cam (Orange
Revolution) tại Ukraine dựa theo màu chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Tổng
thống Viktor Yushchenko, Cách mạng Hoa Lài ở Tunisian đặt tên từ loại hoa quốc
gia của Tunisia nhằm lật đổ nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali v.v... Thế
nhưng, có một cuộc cách mạng đóng vai trò tiên phong mà ít được viết về là Cách
mạng Hát hùng ca (Singing Revolution) diễn ra tại Estonia, một quốc gia vùng
Baltic, trong thời gian 1987-1988.
Cách mạng Hát hùng ca thật sự đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ CS tại
Estonia và chính phủ dân chủ đầu tiên được thành lập vào ngày 20 tháng 8 năm
1991.
Cách mạng Hát hùng ca được phát động từ những ngày đêm lịch sử đó.
Gorbachev cố gắng xoa dịu phong trào độc lập và dân chủ Estonia bằng cách thay
đổi thành phần CS lãnh đạo ngoan cố, cứng rắn bằng một thành phần lãnh đạo ôn
hòa nhưng đã quá trễ, Cách mạng Hát hùng ca đã trở thành cơn sóng lớn đánh sụp
lâu đài CS xây trên bờ cát phía đông biển Baltic.
Thời gian từ khi quốc kỳ ba màu xanh, đen, trắng của Cộng Hòa Estonia
chính thức ra đời 1918 cho đến ngày lá cờ này lần nữa được phất lên ở thủ đô
Tallinn đúng 70 năm.
Một đời người trôi qua. Tất cả các bậc cha ông khai sáng nền Cộng Hòa và
chọn lá quốc kỳ thiêng liêng đó làm đại diện đều đã chết theo tuổi già hay chết
trong các cuộc chiến tranh phục hồi lá quốc kỳ đầy hy sinh gian khổ.
Hầu hết thanh niên, sinh viên, học sinh Estonia ở tuổi hai mươi trong
các cuộc biểu tình vào những năm 1987, 1988 chưa bao giờ thấy lá cờ thiêng
liêng của dân tộc Estonia trước đó lần nào. Các em sinh ra và lớn lên dưới lá
cờ đỏ CS và bị nhồi sọ rằng lá cờ ba màu xanh, đen, trắng ngày xưa là sản phẩm
của thực dân, đế quốc.
Sinh viên học sinh Estonia được dạy chỉ có đảng CS Estonia mới là những
người yêu nước và lãnh đạo chiến tranh chống Phát Xít Đức, còn tất cả đều theo
chân Phát Xít và sau đó là đế quốc Mỹ, ám chỉ chính phủ Estonia lưu vong.
Nhưng dù mưa sa, bão tố suốt 70 năm, lá cờ Cộng Hòa Estonia không chìm
khuất trong góc tối lãng quên của con người và lịch sử. Khát vọng độc lập tự do
mà lá cờ Cộng Hòa chuyên chở như ánh mặt trời soi sáng, xua đi bóng đen dối trá
và lọc lừa. Một dân tộc chỉ hơn một triệu dân đã đứng lên đương đầu với một đế
quốc CS Liên Xô mạnh gấp trăm lần ngay cả trước khi Bức tường Bá Linh sụp đổ,
và cuối cùng đã chiến thắng.
Chiến thắng của văn hóa và lịch sử dân tộc
Nhiều sử gia đồng ý, chiến thắng của dân tộc Estonia là chiến thắng của
niềm tin sâu xa vào lịch sử và văn hóa dân tộc. Chiến thắng đó là bài học vô
giá cho những quốc gia nhỏ có nền văn hóa lâu đời nhưng phải chịu đựng âm mưu
đồng hóa của đế quốc cùng biên giới và chủ nghĩa CS độc tài.
Dòng lịch sử không phải chỉ chảy qua những năm tháng con người đang sống
hôm nay nhưng đã bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước và sẽ chảy cho hàng ngàn năm
sau.
Giống như Phạm Hồng Thái của Việt Nam, August Sabbe của Estonia cũng
nhảy xuống sông tuẫn tiết. Không phải vì họ sợ hãi, không phải vì họ chỉ biết
căm thù, cũng không phải vì họ can đảm hơn người khác mà chỉ vì họ mang một
niềm tin quá lớn vào sự trường tồn của dân tộc họ.
CỘNG HÒA LATVIA
Chiều thứ Sáu ngày 6 tháng 9, 1991 các báo lớn trên khắp thế giới loan
tin “Moscow chính thức công nhận quyền độc lập của ba quốc gia Lithuania,
Latvia và Estonia sau nửa thế kỷ kiểm soát.” Ngoại trưởng Liên Xô Boris N.
Pankin tuyên bố “Chúng tôi công nhận chủ quyền độc lập của ba quốc gia vừa tách
rời khỏi Liên Bang Xô Viết. Chúng ta đang chứng kiến một biến cố lịch sử ngay
tại thời điểm này.” Lời tuyên bố của Ngoại trưởng Liên Xô phát ra khi 250 ngàn
quân Xô Viết vẫn còn đóng trên lãnh thổ ba quốc gia vùng Baltic: Latvia, Estonia
và Lithuania.
Không tính 200 năm dưới sự cai trị hà khắc của các triều đại Nga Hoàng,
thời gian từ 1939 đến 1990 là một thời gian khủng khiếp để một dân tộc với dân
số chưa đến 2 triệu như Latvia phải chịu đựng từ Stalin sang Hilter, trở lại
Stalin và thời kỳ CS sau đó.
Năm 1939, Stalin thỏa thuận với Hitler qua hiệp ước bất can thiệp
Molotov–Ribbentrop xua quân chiếm đóng Latvia. Phần lớn sĩ quan cao cấp trong
quân đội Cộng Hòa Latvia đều bị giết chết. Hầu hết các lãnh đạo và viên chức
chính phủ Cộng Hòa đều bị bắt và đày sang các trại tù miền Trung Á.
Năm 1941, khi Hitler xé hiệp ước Molotov–Ribbentrop mở Mặt trận Miền
Đông tấn công Liên Xô, các quốc gia vùng Baltic rơi vào tay Hilter nhanh chóng.
Latvia chịu đựng dưới chính sách hà khắc của Hitler. Lần này, không chỉ người
Latvia mà nhất là người Latvia gốc Do Thái trở thành mục tiêu trấn áp. Theo các
thống kê, chỉ còn 10 phần trăm dân Latvia gốc Do Thái sống sót sau Thế Chiến
thứ Hai.
Khi Hitler thua, Stalin trở lại, cưỡng chiếm và sau đó sáp nhập Latvia
vào Liên Xô. Khoảng 136 ngàn người Latvia bị kết tội là “kẻ thù nhân dân” và bị
đày đến các tại tập trung lao động khổ sai nhiều nơi trên vùng Trung Á và
Siberia. Tài sản bị tịch thu. Ruộng đất bị tước đoạt. Các hình thức xét xử gọi
là “Tòa án nhân dân” được dựng lên khắp nơi. Khi Stalin chết, Nikita Khrushchev
lên và cho phép dân Latvia lưu đày được trở về nguyên quán, nhưng quá trễ, phần
đông đã chết trong tù đày.
Trong trường học, thỏa hiệp Molotov–Ribbentrop, chiếm đóng vùng Baltic
không được nhắc đến và triết học Mác Lê là môn học chính. Một tầng lớp Latvia
phản quốc được Liên Xô đào tạo để phục vụ cho chế độ CS. Đảng CS Latvia lúc đầu
chỉ 400 đảng viên đã phát triển thành một tập đoàn tham nhũng, bán nước, tiếp
tay với CS Liên Xô đày đọa chính đồng bào mình. Chính thành phần phản quốc
trong cái gọi là “Quốc hội Latvia” đã bỏ phiếu sáp nhập Latvia vào Liên Xô.
Nhưng dân tộc Latvia và Cộng Hòa Latvia vẫn sống, vẫn tồn tại. Ngày 27
tháng Hai, 1990, cả nước Latvia chào lá quốc kỳ hai màu trắng và huyết dụ được
khai sinh trong thời kỳ độc lập 1918. “Cờ tổ quốc” nền đỏ búa liềm với ngôi sao
vàng CS bị ném vào sọt rác của quá khứ đáng quên.
CỘNG HÒA LITHUANIA
Sau thời gian nhiều thế kỷ dưới chế độ bộ lạc và phong kiến, Lithuania
đoàn kết dưới thời vua Mindaugas năm 1251. Thông qua hôn nhân, một trong những
vua sau đó cũng là vua của Ba Lan. Lithuania kết hợp với Ba Lan thành Cộng đồng
Ba Lan- Lithuania (Polish–Lithuanian Commonwealth) năm 1569.
Sau hơn hai thế kỷ tồn tại, Cộng đồng Ba Lan-Lithuania tan rã năm 1795
và phần lớn lãnh thổ Lithuania rơi vào tay Nga. Sau Thế Chiến thứ Nhất,
Lithuania tuyên bố độc lập và nước Cộng Hòa Lithuania chính thức ra đời ngày 16
tháng 2, 1918. Năm 1922, Hoa Kỳ công nhận Lithuania.
Tháng 6, 1940, sau khi gởi một tối hậu thư ngắn, Liên Xô tiến chiếm
Lithuania. Năm 1941, Hitler đánh bật Liên Xô và chiếm đóng Lithuania. Vào giai
đoạn cuối của Thế Chiến thứ Hai, Liên Xô phản công Đức và tái chiếm đóng
Lithuania, sau đó sáp nhập vào Liên Xô cho đến khi Lithuania được phục hưng vào
tháng 2, 1990.
Dân số hiện nay của Lithuania là 2.9 triệu người. Lithuania là hội viên
của Liên Hiệp Châu Âu (EU), Hội Đồng Châu Âu (CoE) và Minh Ước Bắc Đại Tây
Dương (NATO). Tổng sản lượng nội địa (GDP): 82.4 tỉ Mỹ kim, GDP theo đầu người:
28,359.00 Mỹ kim.
Cách mạng dân chủ được viết bằng xương máu của những người đã đổ xuống
trong thời điểm lịch sử nhưng giữ được lâu dài nhờ những nhà lãnh đạo có tầm
nhìn xa vào tương lai đất nước.
Vytautas Landsbergis và phong trào Sajudis
Người viết đã có dịp giới thiệu tầm nhìn của một số chính khách như
Nelson Mandela, Mustafa Kemal Atatürk v…v… Lần này xin giới thiệu Tiến sĩ
Vytautas Landsbergis, giáo sư âm nhạc và là nhà lãnh đạo đầu tiên của Cộng Hòa
Lithuania sau Cộng Sản.
Vytautas Landsbergis là một tấm gương soi, một bài học quý giá về tầm
nhìn đất nước, nhất là các nước nhỏ phải tồn tại và vươn lên bên cạnh một nước
lớn đầy tham vọng. Người dân Lithuania gọi Vytautas Landsbergis là con người
định hướng đi cho đất nước.
Giáo sư Vytautas Landsbergis sinh ngày 18 tháng 10, 1932 tại Kaunas,
Lithuania. Ông tốt nghiệp Học Viện Âm Nhạc Lithuania năm 1955 và năm 1969 ông
trình luận án Tiến sĩ Âm Nhạc. Từ năm 1978 đến năm 1990 ông là giáo sư âm nhạc
tại Học Viện Âm Nhạc Lithuania và Đại học Vilnius Pedagogical.
Giáo sư Vytautas Landsbergis là một trí thức nổi bật trong Phong trào
Sajudis được thành lập năm 1988 với mục đích tối hậu là đưa Lithuania ra khỏi
xích xiềng Cộng Sản Liên Xô. Ông được bầu làm chủ tịch của phong trào.
Phong trào bắt đầu bằng những hoạt động phi chính trị như yêu cầu ngưng
xây dựng nhà máy hạt nhân, ủng hộ các cải cách văn hóa, xã hội, kinh tế của
Mikhail Gorbachev. Nhóm bắt đầu chỉ với 35 thành viên, phần đông là văn nghệ
sĩ, một số trong nhóm từng là đảng viên đảng Cộng Sản Lithuania. Phong trào
Sajudis tổ chức nhiều cuộc tập hợp lớn, trong đó có buổi tập hợp với hàng trăm
ngàn người tham dự đánh dấu ngày Hitler và Stalin ký kết Hiệp ước
Molotov-Ribbentrop Pact cưỡng chiếm ba nước nhỏ vùng Baltic trong đó có
Lithuania.
Phong trào Sajudis mỗi ngày thêm lớn mạnh và được sự ủng hộ của dân
chúng. Đảng CS Lithuania bị cô lập dần và cuối cùng đồng ý từ bỏ độc quyền cai
trị. Cuộc bầu cử quốc hội tự do được tiến hành vào tháng 2, 1990 và Phong trào
Sajudis chiếm được 101 trong số 141 ghế đại biểu quốc hội. Thời kỳ đó Lithuania
chưa bầu tổng thống hay đề cử thủ tướng. Vytautas Landsbergis được bầu làm Chủ
tịch Quốc Hội và theo hiến pháp tạm thời, ông là Chủ tịch của Hội Đồng Tối Cao
và được xem như Quốc trưởng của Cộng Hòa Lithuania vừa được hồi sinh.
Tháng 3, 1990, Lithuania tuyên bố độc lập. Nhiệm vụ lịch sử của Phong
trào Sajudis được xem như hoàn thành. Các thành viên của phong trào, có người ở
lại, có người ra đi, có người thành lập các đảng phái tổ chức riêng.
Năm 1993, Vytautas Landsbergis và một số thành viên Phong trào Sajudis
thành lập đảng chính trị Homeland Union (Tėvynes Sąjunga). Đảng Homeland Union
thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ hai và Giáo sư Vytautas
Landsbergis lần nữa là Chủ tịch Quốc Hội nhiệm kỳ 1996-2000. Khi Lithuania gia
nhập Cộng đồng Âu Châu năm 2004, ông được bầu vào Quốc hội Âu Châu và được tái
đắc cử năm 2009.
Vytautas Landsbergis và tầm nhìn về lãnh thổ
Hôm đó là ngày 29 tháng 7, 1991, hai phái đoàn đại diện hai nước cộng
hòa vừa được tái lập, Cộng Hòa Lithuania do Quốc trưởng Vytautas Landsbergis
cầm đầu và Cộng Hòa Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Boris Yeltsin, gặp nhau
để ký thỏa hiệp công nhận và hợp tác giữa hai nước.
Khi hai bên sắp ký, Boris Yeltsin bỗng chỉ thị các nhân viên phái đoàn
Nga rút một câu ra khỏi bản văn của thỏa hiệp trong đó thừa nhận Liên Xô vào
tháng 6, 1940 đã sáp nhập Lithuania vào Liên Xô một cách phi pháp.
Vytautas Landsbergis đứng dậy nhìn thẳng Boris Yeltsin và nói “Boris
Nikolayevich, ông là một người đứng đắn, chúng ta đã đồng ý với nhau điều đó rồi.”
Boris Yeltsin đáp “Vâng, chúng ta đã đồng ý, vấn đề này không bàn nữa.”
Với một người bình thường, sự kiện Lithuania từng bị Liên Xô sáp nhập có
thể không còn đáng để bàn. Trước mắt mọi người lịch sử đang bước sang một
chương mới, Liên Xô tan rã, cả phong trào CS Đông Âu đang sụp đổ, cộng hòa
Lithuania hồi sinh và được hàng trăm quốc gia công nhận. Cả hai dân tộc nên
nhìn về tương lai thay vì nhìn lại quá khứ. Nhắc lại chuyện cũ để làm gì.
Nhưng không. Vytautas Landsbergis phản đối Boris Yelstin bởi vì ông là
một lãnh đạo nhìn xa trông rộng. Boris Yeltsin, một phần có cảm tình với phong
trào độc lập của Lithuania nhưng phần lớn hơn muốn dùng Lithuania để chống
Mikhail Gorbachev nên đã đồng ý thừa nhận Liên Xô cưỡng chiếm Lithuania trong
lần gặp Vytautas Landsbergis trước đó ở Moscow. Tuy nhiên, đó chỉ là lời hứa
miệng, không có gì để bảo đảm các nhà lãnh đạo Nga sau này cũng cam kết giống
như Yeltsin nếu không có một văn bản được lãnh đạo hai quốc gia cùng ký.
Về mặt quốc tế, Nga cũng thừa hưởng mọi vị trí của Liên Xô đã giữ trước
khi sụp đổ như vai trò trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các hiệp ước quốc
tế Liên Xô đã ký và chủ quyền lãnh thổ mà Liên Xô đang tranh chấp với các nước
láng giềng. Do đó, nếu không có chữ ký của Yeltsin, Lithuania đã vướng vào một
cuộc tranh chấp lãnh thổ và do đó không đủ tiêu chuẩn để gia nhập Liên Hiệp
Châu Âu hay NATO. Trong văn khố của Nga vẫn còn các văn bản, dù bất bình đẳng,
trong đó chính phủ Lithuania vào năm 1940 đã chấp nhận lệ thuộc vào Liên Xô. Xa
hơn, Vladimir Putin có thể cho rằng Lithuania chưa bao giờ chính thức là một
nước độc lập mà vẫn là một phần của Đế Quốc Nga như trước Thế Chiến thứ Nhất.
Vytautas Landsbergis và tầm nhìn về xu hướng chính trị thời đại
Hôm đó là ngày 25 tháng 12, 1991. Aleksandr Ivanovich, sĩ quan phụ trách
trạm canh Điện Kremlin rời trạm canh đi ăn cơm tối. Khi anh đi lá cờ đỏ sao
vàng với hình búa liềm vẫn còn bay trong gió chiều của mùa đông Moscow, nhưng
khi anh trở lại và ngạc nhiên khi thấy lá cờ đã bị hạ xuống và thay vào đó lá
quốc kỳ Cộng Hòa Nga ba màu trắng, xanh, đỏ vừa được ai đó kéo lên.
Anh Aleksandr không xem TV nên không biết Liên Xô chính thức cáo chung
vào lúc 7 giờ 12 phút tối ngày 25 tháng 12, 1991 sau khi Mikhail Gorbachev chấm
dứt diễn văn từ chức và quốc kỳ Cộng Hòa Nga được treo trước tòa nhà Hội Đồng
Bộ Trưởng lúc 7 giờ 45 phút tối.
Không chỉ riêng anh Aleksandr mà nhiều triệu dân Moscow cũng không quan
tâm nhiều đến những gì đang diễn ra trên đất nước họ. Ngoài trừ tiếng chuông
trên tháp Spassky Tower của Điện Kremlin vang lên báo hiệu một thay đổi lớn,
phần đông người dân Nga bàng quan với giờ phút lịch sử của đất nước mình. Không
ai hoan hô và cũng không ai đả đảo.
Ngày 25 tháng 12, thật ra, chỉ là ngày trên danh nghĩa, trên giấy tờ và
thực tế Liên Xô đã chấm dứt tồn tại ba tuần trước đó tại nhà nghỉ trong khu
rừng Białowieża ở Belarussia. Tại đó, đại diện ba nước cộng hòa Nga, Ukraine và
Belarus ký hiệp ước tuyên bố giải thể chế độ CS Liên Xô và thành lập Cộng Đồng
Các Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States, gọi tắt là CIS).
Hiệp ước CIS bắt đầu bằng câu khẳng địmh “Liên Xô trên bình diện luật
quốc tế cũng như thực tế địa lý chính trị đã ngừng tồn tại.” Các nước
Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan,
Uzbekistan, Gruzia sau đó cũng đã ký vào hiệp ước này, nâng tổng số lên 12 nước
thành viên.
Thời điểm khi Liên Xô tan rã là thời điểm vô cùng quan trọng cho 15 nước
thuộc Liên Xô để chọn một hướng đi. Họ chỉ có hai con đường để chọn. Gia nhập
CIS có nghĩa là chọn đi về hướng Đông hay hướng Nga và từ chối CIS tức chọn đi
về hướng Tây hay hướng thế giới tự do.
Vytautas Landsbergis và hai nhà lãnh đạo của Latvia và Estonia từ chối
lời mời của Boris Yeltstin để tham gia hội nghị thành lập CIS. Ba quốc gia
Latvia, Lithuania và Estonia ngay từ đầu đã không muốn liên hệ trực tiếp hay
gián tiếp gì đến Nga và CIS. Thái độ của Vytautas Landsbergis trong thời gian
giành độc lập 1990 đã dứt khoát với quá khứ Cộng Sản và lệ thuộc vào Nga dưới
bất cứ hình thức nào. Ông chọn hướng đi dân chủ tây phương cho nền cộng hòa non
trẻ Lithuania.
Vytautas Landsbergis về cá nhân không có nhiều cảm tình với Anh, Mỹ,
Pháp. Trong lịch sử cận đại các cường quốc phương Tây đã hơn một lần bỏ rơi họ.
Trong suốt 50 năm, các cường quốc Tây Phương cũng chưa hề công khai lên tiếng
tố cáo Liên Xô đã chiếm đóng Lithuania. Sự thật cay đắng đó đến nay vẫn còn
được nhắc. Tuy nhiên, cảm tình thương ghét là chuyện của cá nhân, còn hướng đi
của dân tộc và thời đại là chuyện của đất nước. Ông đã chọn đi cùng đất nước.
Những bài học đau thương của các thế hệ Lithuania trong thời gian dài lệ
thuộc dưới ách cai trị của Đế Quốc Nga là những lời khuyên dành cho Vytautas
Landsbergis và các lãnh đạo Baltics biết nên tránh Nga càng xa càng tốt và càng
sớm càng tốt. Các điều khoản về bình đẳng quyền hạn và trách nhiệm trong hiệp
ước thành lập CIS chỉ có trên giấy tờ. Gia nhập CIS là rơi vào chiếc bẫy bành
trướng truyền thống của Nga.
Vytautas Landsbergis và chủ trương “thoát Nga”
Trong diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28 tháng 9, 1992
Vytautas Landsbergis tố cáo những khái niệm mà các lãnh đạo Nga hay dùng như
“biên giới gần” hay “xung đột trong các quốc gia vùng Baltic” vẫn còn trong suy
nghĩ của các lãnh đạo Nga sau CS. Đó là những lý do giới lãnh đạo Nga viện dẫn
để can thiệp vào nội bộ Latvia, Lithuania và Estonia. Chủ trương bành trướng
truyền thống đã có từ thời các Nga Hoàng, sang Cộng Sản và sau Cộng Sản.
Phương pháp “thoát Nga” duy nhất là dân chủ hóa đất nước nhanh chóng để
qua đó hội nhập vào dòng phát triển của kinh tế Châu Âu. Ngay sau khi độc lập
một hiến pháp dân chủ được công bố vào tháng 10, 1992 và các chính sách tư hữu
hóa nền kinh tế được thực hiện sau đó để mong đuổi kịp các quốc gia phát triển.
Ngày 2 tháng 6, 1993, ba nhà lãnh đạo Baltics gặp nhau tại Jurmala,
Latvia để soạn thảo chung một thỉnh nguyện thư gởi EU để được tham gia với tư
cách thành viên phụ (Associate Members). Các nước Baltics phát hành tiền tệ
riêng, đòi hỏi dân các quốc gia CIS phải có visa mới được nhập cảnh và chi tiết
đến mức thay đổi số điện thoại vùng để tránh nhầm lẫn với CIS.
Vấn đề khó khăn nhất phải đàm phán với Nga là sự hiện diện của nhiều sư
đoàn quân Nga trên lãnh thổ Baltics. Không giống trường hợp Đông Đức hay các
nước Đông Âu, quân đội Nga có mặt trên lãnh thổ Baltics là kết quả của hiệp ước
1940. Dù bất bình đẳng, các quốc gia này đã chấp nhận để quân đội Liên Xô đồn
trú trên lãnh thổ quốc gia họ. Vytautas Landsbergis nhắc lại và nhấn mạnh với
phái đoàn Nga chính Boris Yeltsin đã thừa nhận trong hiệp ước 1991 rằng Liên Xô
đã cưỡng chiếm vùng Baltics một cách phi pháp, do đó, quân đội Nga phải rút ra
khỏi ba nước Baltic. Nga buộc phải rút quân.
Chọn lựa đi về hướng Tây của Lithuania là một chọn lựa khôn ngoan, đúng
lúc. Không giống như trường hợp Georgia phải trải qua nhiều xung đột với Nga
cho tới 2009 mới rút chân ra khỏi CIS với nhiều thương tích.
Vytautas Landsbergis và tầm nhìn về an ninh chiến lược
Lúc 1 giờ chiều ngày 29 tháng 3, 2004 tại Washington DC, Ngoại Trưởng
Hoa Kỳ Colin Powell thay mặt Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp nhận bảy
quốc gia hội viên mới gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania,
Slovakia và Slovenia. Đây là lần thứ năm NATO mở rộng và nâng tổng số hội viên
lên đến 26 quốc gia.
Vytautas Landsbergis luôn nhấn mạnh Lithuania là một phần của Châu Âu và
hội nhập vào dòng sống của Châu Âu là một định hướng căn bản trong nhận thức
chính trị của ông. Vytautas Landsbergis phát biểu tại Bỉ năm 1997 “Khi đứng bên
bờ biển Baltic, người dân Lithuania luôn nhìn về hướng Tây.” Hai tổ chức mà
Vytautas Landsbergis luôn nhắm tới để trở thành hội viên ngay từ đầu là Cộng
đồng Châu Âu và NATO. Năm 2004, Lithuania hoàn thành cả hai mục đích.
Khối quân sự Warsaw chết không kèn, không trống vào ngày 25 tháng 2,
1991 tại Budapest, Hungary khi chỉ còn 5 quốc gia thành viên. Từ đó, Nga không
có một liên minh quân sự nào đủ khả năng làm đối trọng với NATO. Các nhà chiến
lược Nga tiên đoán sau Hungary, Ba Lan và Tiệp, sớm hay muộn các nước Đông Âu
còn lại cũng sẽ trở thành hội viên của NATO. Tuy nhiên, các quốc gia vùng
Baltic thì khác. Sự kiện ba nước Baltics gia nhập NATO đã làm Nga giận dữ và
công khai chống đối. Không giống các nước Đông Âu, các quốc gia Baltics vốn là
một phần của Nga và sau đó là Liên Xô và chưa có quốc gia nào vốn thuộc Liên Xô
tham gia NATO. Nga còn viện dẫn mặc dù đã rút quân nhưng các căn cứ quân sự của
Liên Xô và sau đó Nga xây dựng vẫn còn trên lãnh thổ Lithuania. Chính phủ
Lithuania cho Nga biết những căn cứ đó quá lạc hậu và không đủ tiêu chuẩn NATO.
Các lãnh đạo Nga từ Yeltsin và về sau, dĩ nhiên, muốn Lithuania là một
nước trung lập nhưng lịch sử đã cho Vytautas Landsbergis thấy trung lập chỉ có
trên danh nghĩa chứ không phải trên thực tế.
Tháng 9, 1939, khi Hitler phát động Thế Chiến thứ Hai, Lithuania tức
khắc tuyên bố trung lập nhưng kết quả đã bị hai chế độ độc tài Stalin và Hitler
thay phiên nhau giày xéo trên mảnh đất chỉ 25 ngàn cây số vuông và kết quả
khoảng một phần ba dân số bị giết, bị đày ải hay thất lạc trong suốt thời gian
bị ngoại xâm chiếm đóng.
Việc Lithuania gia nhập NATO cũng gây nên rất nhiều tranh luận cho chính
giới của quốc gia này nhưng Lithuania cần sự bảo vệ dưới một hàng rào an ninh
tập thể Châu Âu. Đó là ý do chính yếu và là một chọn lựa sống còn. Thủ tướng Ba
Lan Alexandre Kwasnewski trả lời báo chí rằng quốc gia ông gia nhập NATO có
cùng lý do như các nước khác không muốn rời NATO. Chủ quyền của Lithuania không
thể được bảo vệ nếu chỉ đứng nhìn Châu Âu như một người khách lạ.
Bốn thành quả hội nhập và thăng tiến của Lithuania
Phân tích tiến trình phát triển của Lithuania cho thấy có bốn thành quả
giúp quốc gia này để giành độc lập, hội nhập và thăng tiến gồm:
1. Dân chủ hóa đất nước,
2. Đoàn kết dân tộc,
3. Chiến lược hóa vị trí của quốc gia
4. Tham gia các liên minh quân sự đáng tin cậy.
Bốn điều kiện tiền đề đó của Lithuania hoàn toàn thích hợp với trường
hợp Việt Nam khi đương đầu với Trung Cộng mà người viết đã trình bày trong
chính luận Để thắng được Trung Cộng:
Dân chủ. Ngay trong ngày tuyên bố độc lập 11 tháng 3, 1990, quốc hội vừa
được bầu với phong trào độc lập Sajudis chiếm đa số đã công bố một hiến pháp
tạm thời để điều hành guồng máy quốc gia. Vytautas Landsbergis, chủ tịch quốc
hội và lãnh đạo tối cao của quốc gia thời đó công bố hàng loạt cải cách chính
trị để dân chủ hóa Lithuania bởi vì đối với các quốc gia dân chủ tiên tiến Châu
Âu, dân chủ là tiền đề để đối thoại và là điều kiện tiên quyết để hội nhập. Một
hiến pháp khác phối hợp các đặc điểm dân chủ từ các hiến pháp Mỹ, Pháp với
truyền thống văn hóa Lithuania ra đời 25, tháng 10, 1992. Mặc dù có nhiều tranh
chấp chính trị nội bộ, các mục tiêu cải cách dân chủ và độc lập từ Nga không
thay đổi trong nhận thức của các nhà lãnh đạo Lithuania.
Việt Nam dân chủ và dân chủ trước Trung Cộng
Phần đông các nhà phân tích chính trị Việt Nam đồng ý rằng Việt Nam phải
có dân chủ mới bảo vệ được đất nước. Điều đó đúng nhưng cần phải nói thêm, dân
chủ không chỉ giúp bảo vệ đất nước mà còn để thắng được Trung Cộng. Ngoài ra,
dân chủ phải đến sớm, đừng đợi đến khi chiến tranh Á Châu bùng nổ, máu đổ, thây
phơi mới đến.
Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung
được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một quốc gia dân chủ
thịnh vượng lâu dài. Trung Cộng không sợ USS George Washington hay bom nguyên
tử mà sợ dân chủ và rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Vũ khí
dân chủ sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự tan vỡ toàn bộ cơ chế CS. Một
Trung Cộng mênh mông có nguy cơ tan thành nhiều mảnh, chủ quyền ngay tại lục
địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường
Sa xa xôi.
Đoàn kết dân tộc. Phong trào Sajudis bắt đầu chỉ với 35 người nhưng tập
hợp được nhiều trăm ngàn người dân Lithuania bởi vì họ theo đuổi một mục đích
chung, cụ thể, và khả thi, đó là giành độc lập. Sau thời kỳ độc lập, phong trào
Sajudis tự nguyện phân chia thành nhiều tổ chức khác nhau nhưng trong giai đoạn
hai năm từ 1989 đến 1991, Sajudis chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất là
tháo xích xiềng CS Liên Xô. Niềm khao khát lớn nhất của người dân Lithuania
trong giai đoạn này là “thoát Cộng” và vì thế họ đã đoàn kết sau lưng phong
trào Sajudis. Con đường “thoát Cộng” rất gian nan và những thay đổi kinh tế
chính trị cũng đã rất khó khăn nhưng chỉ trong vòng hơn mười năm Lithuania đã
đáp ứng mọi tiêu chuẩn của EU và NATO đề ra để trở thành hội viên của cả hai tổ
chức uy thế nhất Châu Âu.
Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin
cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn
kết dân tộc.
Một dân tộc chia rẽ không thắng được ai. Đây là thời điểm để xác định
lại lòng yêu nước. Yêu nước ngày nay không phải là sản phẩm của chủ nghĩa dân
tộc cực đoan hay bùa mê CS mà gắn liền với với quyền lợi sống còn của đất nước
và hướng đi dân chủ nhân bản của thời đại.
Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq, nhiều người nghĩ kẻ có lợi nhiều
nhất sẽ là dân tộc Kurds. Nhưng không, họ là những người chịu đựng thiệt thòi
nhiều nhất. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Saddam Hussein tàn sát
không thương tiếc các cuộc nổi dậy của nhân dân Kurds ly khai trước sự làm ngơ
của Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ phản bội lý tưởng độc lập của nhân dân
Kurds. Điều đó chỉ đúng một nửa. Nửa còn lại là sự phân liệt vô cùng trầm trọng
trong tập thể 35 triệu người Kurds sống trong nhiều quốc gia vùng Tây Á.
Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể
vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng
hộ. Tương tự, Mỹ bỏ 900 tỉ Mỹ kim hay 3 ngàn tỉ Mỹ kim tùy theo cách tính và
4486 nhân mạng để lật đổ Saddam Hussein, không phải chỉ nhằm đem lại hòa bình
dân chủ cho nhân dân Iraq. Tuy nhiên, nếu là một dân tộc khôn ngoan, đây là cơ
hội giúp Iraq vượt qua những khó khăn trong vài năm nữa trở thành một cường
quốc trong thế giới Ả Rập và nếu họ không làm được thì cũng đừng đổ thừa cho
Mỹ, đổ tội cho Saddam Hussein mà phải trách ở chính mình.
Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia. Ba quốc gia Baltics giữ một vị
trí chiến lược sườn phía tây của Châu Âu trên bờ biển Baltic. Tuy nhiên, cũng
vì vị trí chiến lược này mà ba nước đã luôn là chiến trường của các đế quốc.
Trong suốt hàng trăm năm, Nga và Thụy Điển tranh nhau kiểm soát đường ra biển
Baltic đã sử dụng các quốc gia Baltics như một bãi chiến trường.
Vị trí chiến lược, vì thế, chưa đủ nhưng phải đặt đúng vị trí trong
tương quan chính trị và quân sự trong vùng. Lithuania ngày nay là một phần
không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược của NATO. Không giống như thời
trước hai cuộc thế chiến, Lithuania ngày nay đóng một vai trò quan trọng và hỗ
tương trong việc bảo vệ an ninh và ổn định của Châu Âu.
Việt Nam chỉ trở thành một vị trí chiến lược sau khi Trung Cộng thôn
tính toàn lục địa Trung Hoa 1949 nhưng trước đó thì không. Tương tự, Ai Cập
trước 1976 không quan trọng hơn Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran nhưng sau khi Tổng thống
Anwar Sadat bỏ đồng minh Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do, Ai Cập trở
nên một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông và được viện trợ ít nhất
1.5 tỉ Mỹ kim hàng năm từ đó đến nay. Vì lợi ích kinh tế cũng như về các giá
trị nhân quyền, Hoa Kỳ mong muốn được thấy Trung Cộng trở thành một quốc gia
dân chủ trong một châu Á và Thái Bình Dương ổn định.
Trung Cộng là nhà băng của nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ, nhưng
không giống như các công ty tài chánh Lehman Brothers hay Merrill Lynch, khủng
hoảng chính trị tại Trung Cộng sẽ gây tác hại vô cùng trầm trọng đối với nền
kinh tế thế giới không thể đo lường được.
Biết chủ động chiến lược hóa, quốc tế hóa, quan trọng hóa vị trí của
quốc gia cũng như biết khai thác mối lo của cường quốc sẽ làm cho vị trí của
quốc gia quan trọng hơn trong tranh chấp quốc tế. Trái lại, chủ trương của lãnh
đạo CSVN “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của
bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và
không dựa vào nước này để chống nước kia” là chủ trương tự cô lập, không đúng
về lý thuyết lẫn thực tế chính trị và sẽ chết tức tưởi trong cô đơn mà không
được ai ngó ngàng.
Đoàn kết với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh đáng
tin cậy: Trong khi nhiều nước Châu Âu còn do dự, TT George Bush đã công khai
ủng hộ quan điểm cứng rắn của Lithiunia đối với Nga và sau này cũng chính TT
George Bush đã ủng hộ ba quốc gia Baltics gia nhập NATO. Đáp lại, các quốc gia
Baltics đã nhiệt thành ủng hộ và đóng góp quân sự vào các cuộc chiến tranh do
Hoa Kỳ phát động, cụ thể qua chiến tranh Iraq ngay cả trước khi các nước này
gia nhập NATO. Các lãnh đạo Lithuania ý thức liên minh đáng tin cậy đã trở
thành lá chắn vô cùng cần thiết để bảo vệ quốc gia họ và những hy sinh mà họ
cần phải đáp lại.
Không giống như Belarus còn chìm trong độc tài lệ thuộc vào Nga hay
Georgia, Ukraine quá chậm nên trễ chuyến tàu, Lithiunia đã “thoát Cộng” và có
những chỗ dựa quốc tế vững vàng để “thoát Nga.”
Thành quả đó trước hết nhờ tài lãnh đạo của Giáo sư Vytautas
Landsbergis. Ông không thuộc đảng phái nào trước cả và cũng chưa hề làm chính
trị nhưng ông có tầm nhìn xa rộng. Tuy nhiên chỉ có tầm nhìn của riêng cá nhân
ông thôi chưa đủ mà còn cần phải có tầm nhìn chung của cả dân tộc. Trong giờ
phút khó khăn và thử thách, đa số dân Lithuania đã bỏ phiếu cho ông, đã chọn
ông làm người lãnh đạo và đã đứng sau ông.
Việt Nam đang đứng trước những ngã ba, ngã năm trong bang giao quốc tế
nhưng dù bao nhiêu ngả cũng chỉ có thể đi trên một con đường trong một thời
điểm nhất định. Sự liên minh khôn khéo trong nhiều trường hợp giúp quốc gia
tránh được chiến tranh hay có thêm thời gian để chuẩn bị chiến tranh.
Giáo sư Alastair Smith thuộc đại học Washington University đã công thức
hóa toán học nhiều mô thức liên minh trong lịch sử bang giao quốc tế và kết
luận các quốc gia có những liên minh không đáng tin cậy sẽ dễ bị tấn công hơn
là các quốc gia có sự liên minh tin cậy. Hiện nay tại Á Châu có bốn liên minh
quân sự gồm ba liên minh tin cậy Mỹ-Nhật, Mỹ-Phi, Mỹ-Nam Hàn và liên minh SCO
về biên giới gồm Trung Cộng, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và
Uzbekistan.
Khi chảo dầu Á châu được đun nóng hơn, nhiều liên minh quân sự mới tương
tự như Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) trong thời chiến tranh Việt Nam sẽ
ra đời. Đối với Hoa Kỳ, vùng biển Đông Á là huyết mạch kinh tế lẫn an ninh của
các nước đồng minh với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia,
liên minh được với Hoa Kỳ vừa có thể thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước
vừa bảo đảm an ninh. Nhưng liên minh chiến lược chỉ có thể thực hiện trên cơ sở
của một chế độ dân chủ.
Việt Nam Cộng Sản không so sánh được với Lithuania về cả thế lẫn lực.
Lãnh đạo CSVN là một đám mù lòa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khả năng CSVN
tự chuyển hóa sang một cơ chế dân chủ là điều không thể diễn ra.
Thật vậy, giữa lúc số phận của đất nước như chỉ mành treo chuông, lãnh
đạo đảng thay vì tập trung ngân sách vào việc tăng cường quốc phòng lại lo đi
xây những tượng đài tôn thờ lãnh tụ mà các quốc gia cựu CS đang khổ sở không
biết làm sao đập đổ cho hết.
Giữa một đất nước còn quá lạc hậu về mọi mặt, nghèo đói, tụt hậu kỹ thuật
so với các quốc gia tiên tiến hàng thế kỷ, lãnh đạo CSVN chỉ biết ăn, biết tham
nhũng, biết sống xa hoa trên máu xương đồng bào. So sánh cảnh trang hoàng nội
thất của cựu TBT CS gốc thợ rừng Nông Đức Mạnh và cảnh hàng ngàn học sinh khắp
ba miền phải lội sông, đu dây đi học mỗi ngày để thấy các lãnh đạo CSVN quả
thật đui về thị giác và mù tận đáy lương tâm.
Một trong những lý do Cộng Hòa Lithuania sớm trở thành hội viên NATO dù
với một quân đội hiện dịch chỉ vỏn vẹn 15 ngàn người bởi vì quốc gia này cam
kết xây dựng một chế độ dân chủ toàn diện. Lithuania có dân chủ trước Nga và
các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ nên tránh được vòng ảnh hưởng của Nga và các
biến động gây bất ổn trong vùng. Ngày nào Việt Nam còn nằm dưới sự cai trị của
đảng CS, ngày đó đừng hy vọng gì để trở thành một Lithuania ở Đông Nam Á.
Có người có thể cho rằng văn hóa, dân trí của người Việt khác với văn
hóa, dân trí của người châu Âu. Văn hóa đương nhiên khác, dân trí có thể khác
nhưng khát vọng tự do dân chủ của con người, dù sinh ra và lớn lên ở đâu, cũng
giống nhau. Ngày nay, nhân loại đã bước vào kỷ nguyên dân chủ đa nguyên.Từ anh
chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ cho đến người thợ mỏ Nam Phi đều đã có quyền
chọn lựa người lãnh đạo cho đất nước mình, và điều đó cho thấy dân chủ là một
tiến trình chứ không phải là một thành phẩm.
Chiến thắng của các nước vùng Baltic là bài học vô giá cho những quốc
gia nhỏ có nền văn hóa lâu đời nhưng phải chịu đựng âm mưu đồng hóa của đế quốc
cùng biên giới và chủ nghĩa CS độc tài. Kinh nghiệm “thoát Nga” của họ cho
những người Việt yêu nước một bài học quan trọng, đó là phải vượt qua quá khứ
của bản thân và đất nước, tập trung sức mạnh dân tộc tổng hợp để tháo gỡ cơ chế
chính trị, kinh tế và văn hóa độc quyền cộng sản, nguyên nhân tạo ra tình trạng
chậm tiến trong hầu hết các lãnh vực của đất nước, và từ đó xây dựng một tương
lai tự do, dân chủ và phát triển toàn diện cho dân tộc Việt Nam phù hợp với
thời đại văn minh dân chủ.
Trần Trung Đạo
Tham khảo:
– The End Of The Soviet Union: Stanislau Shushkevich’s. Eyewitness
Account For The First Time In English, This Issue Of Demokratizatsiya
Publishes. The George Washington University Archives.
– On Moscow’s Streets, Worry And Regret, By James F. Clarity, The New
York Times, Published December 26, 1991.
– From Soviet Federalism To The Creation Of The Commonwealth Of
Independent States (CIS). CVCE.eu 2016
– The International Politics Of Eurasia: V. 1: The Influence Of History
By S. Frederick Starr, Karen Dawisha.
– Lithuania, The Move Toward Independence, 1987-91.The Baltic States In
U.S. — Soviet Relations, 1939 – 1942. Lithuanian Quarterly Journal Of Arts And
Sciences. Volume 12, No.1 – Spring 1966.
– The Baltic States In U.S.-Soviet Relations, The Years Of Doubt,
1943-1946. Lithuanian Quarterly Journal Of Arts And Sciences. Volume 12, No.4 –
Winter 1966. Editor Of This Issue: Thomas Remeikis.
– The Baltic States In U.S.—Soviet Relations From Truman To Johnson,
Richard A. Schnorf, Cmdr, Us Navy, Lithuanian Quarterly Journal Of Arts And
Sciences. Volume 14, No.3 – Fall 1968.
– Identifies and Solidarity In Forein Policy: East Central Europe and
the Eastern Neighbourhood, Edited by Elsa Tumets, Published by Institute of
International Relatiosn, Prague 2012 PP 94-112.
– Why, How, Who, and When: A Lithuanian Perspective on NATO Membership,
Oskaras Jusys and Ksadauska. Fordham International Law Journal, Volume 20,
Issue 5,
– 2017 Index Economic Freedom http://www.heritage.org/index/country/lithuania
– James S. Corum, The Security Concerns Of The Baltic States As Nato
Allies, Strategic Studies Institute And U.S. Army War College Press 2013.
– Interview Interviews : Vytautas Landsbergis, “Breaking with Moscow”,
“The Restoration of Lithuanian Independence “, “Promoting Democracy”. The
Freedoom Collection.
– The Polish-Lithuanian Commonwealth (1569-1795) By H. Kozlowski
http://www.conflicts.rem33.com/.../PLCommonwealth%202.htm
– Flag of Estonia http://en.wikipedia.org/wiki/Flag_of_Estonia
– Flag of the Estonian Soviet Socialist Republic from 1953 to 1990 http://en.wikipedia.org/.../Flag_of_the_Estonian_Soviet...
– History of Estonia http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Estonia...
– Forest Brothers http://en.wikipedia.org/wiki/Forest_Brothers
– Red Flag http://en.wikipedia.org/wiki/Red_flag_%28politics%29
– French revolution 1848 http://en.wikipedia.org/wiki/French_Revolution_of_1848
– Alphonse de Lamartine http://en.wikipedia.org/wiki/Alphonse_de_Lamartine
– Singing revolution http://www.singingrevolution.com/.../uploads/15-filename.pdf
– Movie Singing revolution http://www.singingrevolution.com/cgi-local/content.cgi?pg=1
– Estonian government-in-exile http://en.wikipedia.org/wiki/Estonian_government-in-exile
– Yalta Conference http://en.wikipedia.org/wiki/Yalta_Conference
– List of countries by military expenditures. http://en.wikipedia.org/.../List_of_countries_by_military...
– How Democracy is Latvia, Commission of Strategic Analysis. (2005)
Latvijas Universitate.
– On the Restoration of Independence of the Republic of Latvia. http://en.wikipedia.org/.../On_the_Restoration_of...
– Latvia 1990-2010 Twenty years
of Independence. http://latvianhistory.com/.../latvia-the-20-years-of....
Nhận xét
Đăng nhận xét