Lan ơi xin em đừng cắt đứt dây chuông đừng vội vàng khép cổng

Lan ơi xin em đừng cắt đứt dây chuông
đừng vội vàng khép cổng

Tác giả: Nguyễn An Sinh
Nguồn: RFA Tiếng Việt

Hình minh hoạ: Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (trá),
hình ảnh những công dân Việt mặc đồ bảo hộ chờ lên máy bay từ Singapore về Hà Nội hôm 7/8/2020


Lan và Điệp yêu nhau ở dưới quê, tình thanh xuân vườn nhà. Mới mười mấy tuổi nhưng ai cũng tin đôi bạn sẽ trăm năm hạnh phúc. Điệp học giỏi nhưng mồ côi cha, mẹ nghèo, không có tiền đi thi tú tài. Lan lén mẹ trút hết tiền để dành dúi vào tay Điệp cho chàng làm lộ phí đường xa. Điệp thi đậu, lại đẹp dzai học dzỏi tương lai sáng chói nên có quan to nọ mở tiệc mừng rồi ủn cô con gái “ở nhà cháu nó ngoan lắm” đã mang thai với người tình vào giường Điệp. Bị uống rượu gạo pha thuốc rầy nên sáng dậy đầu Điệp nhức như búa bổ, chuyện gì cũng không biết, nên đành cưới cô gái mình lỡ làm có thai làm vợ.

Lan nghe tin Điệp phản bội, nát cả cõi lòng bèn cạo đầu đi tu. Điệp ở với vợ bất hòa, vợ khinh chồng liền nói toẹt ra sự thật. Điệp hối hận quay về quê tìm Lan. Nhưng chú tiểu Lan trong chùa đã cắt đứt dây chuông, đã vội vàng khép cổng để Điệp không thể tìm gặp được mình.

Người đời biết chuyện, ai cũng xót thương Lan, ca ngợi một tấm lòng trung trinh chân thành hiếm có trong tình yêu.

Nhưng đó là Lan nhà người ta. Còn Lan nhà tui cũng cắt đứt dây chuông cũng vội vàng khép cổng nhưng vừa bị còng tay bữa qua và có nguy cơ bị thiên hạ chửi thúi mồ thúi mả. Là vì Lan cắt đứt những dây chuông cầu cứu và khép cổng đất mẹ với những thân phận đang kinh hoàng trong dịch tìm đường về nhà.

Lan, tên thật là Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi. Lan học cao. Lan có chức rất to. Lan làm tới Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam. Lan mới được bổ nhiệm chức này vào tháng tư năm 2021, tức chỉ ít ngày trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát và hoành hành ở Việt Nam.

Lan hồi xưa chỉ có một mình nhưng Lan này không cô đơn. Cùng bị còng với Lan là ba đồng chí kề vai sát cánh, trung dũng kiên cường: Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Lan và các bạn bị các anh hình sự dẫn đi với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước trong mùa dịch.

Bèn có lời bình rằng:

Tết đến xuân về, “hoa đào hoa mai thắm hương xuân, những cành hoa mang phước lộc”. Riêng hoa Lan này (dù phải chờ đến khi điều tra, tuyên án xong nhưng dường như) lộc đã tận, phước tụt tới số âm. Ô hô ai tai! Đây còng vàng, đây nhà đá, thỉnh thí chủ húp trọn nghiệp này!

Trong niềm vui sướng khi bọn linh cẩu gặp nạn, xin nhắc lại một chút lý do.

Bà con ở nước ngoài chắc đều không quên trong gần ba năm đại dịch, khi các nước đóng biên thì rất nhiều người Việt đang đi thăm thân, du lịch, đi học ngắn hạn, đi công tác, vừa học xong… ở nước ngoài hối hả tìm đường về nước.

Một số chuyến bay đầu tiên trong năm 2020 đón được ít người Việt về nước và được người dân biết ơn. Nhưng khi dịch hoành hành dữ dội hơn thì số người được về bằng các chuyến bay nhân đạo giải cứu giảm hẳn. Đó là do vô số thủ tục rối như lông lợn mà Cục lãnh sự và hàng không Việt Nam đặt ra.

Nhắc lại cho bà con nhớ:

Đầu tiên, họ phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Yêu cầu này loại trừ những người gốc rễ Việt Nam nhưng đã nhập quốc tịch nước ngoài, nay muốn về lại.

Tiếp theo: Phải được người thân ở Việt Nam đồng ý bảo lãnh về. Người này phải là cha, mẹ, anh, chị, chú, bác, ông, bà. Con cái hay cháu chắt bảo lãnh cũng không được.

Bước thứ ba: Làm đơn theo mẫu dưới này, rồi đến UBND phường hoặc Công an phường xin xét duyệt. Xin cho, xét duyệt, kính mong xác nhận cho, kính mong giúp đỡ cho, xin cam kết… để xác nhận quan hệ nhân thân và hầm bà lằng các chi tiết. Thậm chí, cho dù trong đơn đã xác nhận quan hệ nhân thân rồi thì vẫn chưa đủ tin cậy. Phải làm một giấy riêng y chang nội dung đó nữa, tức là vẫn xin xác nhận quan hệ nhân thân.
Xong thì vác tất cả mớ giấy ấy cộng với bản sao hộ khẩu + căn cước, đến tận Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch để được tổng xét duyệt một lần nữa.

Ấy là ở phía người thân còn sống tại Việt Nam.

- Bước thứ tư: Về phía người hồi hương, trước khi lên máy bay, phải thủ sẵn xác nhận của khách sạn cách ly + xác nhận của nhà xe sẽ đón tại sân bay về khách sạn cách ly (có số xe và số tài xế) + xét nghiệm âm tính COVID-19 loại Real Time PCR được thực hiện 72 giờ trước giờ nhập cảnh Việt Na + đơn cam kết thanh toán phí bảo hiểm + hình thẻ.
Người từ Mỹ về: tiêm đủ 2 mũi vắc-xin lấy QR code + đi in giấy xác nhận đã tiêm + Hợp pháp hóa lãnh sự cái giấy xác nhận. QR code không tốn tiền nhưng giấy xác nhận 70 USD/giấy + 35 USD gửi thư nhanh  + 50 USD tiền dịch vụ. Tiền hợp pháp hóa lãnh sự bao nhiêu thì tôi không biết!

(Đoạn này tôi nghi là Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID có ý đồ thu gom giấy vụn làm kế hoạch nhỏ. Chứ không thì sao họ cần nhiều thứ giấy vô ích và vô nghĩa đến thế? Điểm này người thường không nghĩ ra được đâu.)

2020-08-08T033501Z_1104112735_RC2F9I9YIAQV_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-ASIA.JPG
Nhân viên y tế phun khử trùng cho người Việt về sân bay Cần Thơ từ Singapore hôm 7/8/2020.Reuters

Ấy quý vị ơi lai tỉnh lai tỉnh, đang đọc bài sao bỗng dưng quý vị lăn ra xỉu cái đùng thế vậy?

Túm lại là dù có IQ cao như giáo sư Ngô Bảo Châu cũng phải bật khóc trước cái đám lằng nhằng dây điện này. Biết thừa, các cơ quan này thỏ thẻ gợi ý các chuyến bay thương mại (chuyến bao trọn máy bay) do các công ty làm dịch vụ đưa người về. Thủ tục trên các chuyến này thì khỏi phải nói, cứ mượt như lụa. Chỉ cần anh xùy tiền ra mua vé thì dịch vụ lo trọn gói từ A đến Á, khách hàng trải nghiệm cảm giác được nâng niu chăm sóc thật thắm tình đồng hương.
Cái giá để làm vua cũng rất xứng đáng. Nó cao gấp khoảng 8-10 lần giá vé bình thường, khoảng 200 triệu đồng. Nhưng trong nỗi sợ hãi cái chết mà đại dịch mang tới ở năm đầu tiên, bỏ bao nhiêu tiền mà cứu được mạng thì nhiều người cũng chạy vạy bằng được. Những người không thể mua vé về được đành phải ở lại, tìm mọi cách để sống. Có nhiều người phải bay về Singapore hay Campuchia rồi tìm cách đi đường bộ về Việt Nam. Có rất nhiều người khi về được Việt Nam, được đưa vào khu cách ly đã òa khóc nức nớ vì khi ấy mới dám tin rằng mình được sống.

Cuối đại dịch, khi cả thế giới đều hầu như đã tiêm vắc xin và có thuốc chữa trị thì kể lại những chuyện này nghe không còn ấn tượng như trước. Nhưng quý vị hãy nhớ đến những đám hỏa táng rừng rực ở Ấn Độ. Những nghĩa trang san sát huyệt mộ mà xác người chỉ được đặt trong chiếc quan tài bằng giấy carton vì không đóng quan tài xuể ở Mỹ. Những xác chết không kịp tẩn liệm nằm cứng đờ ngay cạnh những bệnh nhân đang chụp máy thở ngay ở các bệnh viện Việt Nam mới cách đây khoảng bốn năm tháng. Để hình dung nỗi kinh hoàng mà đồng bào mình đã phải trải qua…
Và đường đường ngồi trên cái ghế bảo hộ đồng bào, lãnh trách nhiệm xét duyệt những chuyến bay thương mại, những kẻ có quyền lực trong tay hớn hở nhai nuốt xương thịt, máu huyết của họ, biến nó thành những đồng đô la trong túi mình.

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay, nước Nam Hải không rửa sạch mùi

                                        (Trích Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)

Lòng dạ bọn chúng khốn nạn, tàn nhẫn hơn cả linh cẩu.

Có người nói các cấp trên của chúng phải biết điều này. Tại sao muộn màng thế mới điều tra? Ngoài ra, tiền của bà con đã bị lùa lên các chuyến bay thịt người phải được trả lại.

Tuy nhiên, vụ án mới chỉ được khởi tố bị can để điều tra. Kịch còn dài. Hy vọng cái lò nấu bánh chưng tết lần này không chỉ luộc chín bọn sai nha mà còn lôi ra nhật nguyệt những thằng, những con to đầu nào đứng sau đường dây bán thịt người này (nếu có). Để Thiên lôi quật chết chúng nó đi.

<0><0><0>

Tham khảo:

https://www.vietnam-visa.com/vi/chuyen-bay-quoc-te-den-viet-nam/

https://vnexpress.net/cuc-truong-lanh-su-bo-ngoai-giao-bi-dieu-tra-nhan-hoi-lo-4422356.html

https://baochinhphu.vn/khoi-to-cuc-truong-pho-cuc-truong-cuc-lanh-su-ve-toi-nhan-hoi-lo-102220128193548677.htm

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/nguoi-viet-phai-tra-240-trieu-de-ve-nuoc-tham-chi-ve-qua-duong-campuchia-799221.html

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025