Tình trạng thiếu hụt hàng tạp hóa ngày càng bế tắc do đại dịch

 



Tình trạng thiếu hụt hàng tạp hóa 

ngày càng bế tắc do đại dịch

Siddharth Cavale và Christopher Walljasper  _  Bình Hòa

Nguồn: Báo Mai

Nhu cầu hàng tạp hóa cao kết hợp với chi phí vận chuyển tăng vọt và tình trạng thiếu lao động liên quan đến Omicron đang tạo ra một đợt tồn đọng mới tại các công ty thực phẩm chế biến sẵn và sản phẩm tươi sống, dẫn đến các kệ hàng siêu thị trống rỗng tại các nhà bán lẻ lớn trên khắp Hoa Kỳ.

Những người nuôi trồng các sản phẩm dễ hư hỏng trên khắp Bờ Tây đang phải trả gần gấp 3 lần cước vận tải đường bộ trước đại dịch để vận chuyển những thứ như rau diếp (xà lách) và quả mọng trước khi chúng bị hỏng. Ông Shay Myers, Giám đốc Điều hành của Owyhee Produce, công ty trồng hành tây, dưa hấu và măng tây dọc biên giới Idaho và Oregon, cho biết ông đã ngừng vận chuyển hành cho các nhà phân phối bán lẻ cho đến khi chi phí vận chuyển hàng hóa giảm xuống.

 


Ông Myers cho biết sự gián đoạn giao thông trong 3 tuần qua, do thiếu tài xế xe tải và các cơn bão chặn đường cao tốc gần đây, đã khiến chi phí vận chuyển đối với các nhà sản xuất rau quả tăng gấp đôi, thêm vào giá vốn đã tăng cao trong đại dịch. Ông nói, “Thông thường, chúng tôi sẽ vận chuyển, từ Bờ Đông sang Bờ Tây – chúng tôi đã từng làm việc đó với giá khoảng 7,000 USD. Giờ đây, nó nằm trong khoảng từ 18,000 đến 22,000 USD.”

 


Tuần trước, Giám đốc Điều hành Sean Connolly của nhà sản xuất rau quả đông lạnh Birds Eye nói với các nhà đầu tư rằng nguồn cung từ các nhà máy của họ ở Hoa Kỳ có thể bị hạn chế ít nhất trong tháng tới do nhân viên vắng mặt vì Omicron.

Đầu tuần này, Giám đốc Điều hành của Albertsons, Vivek Sankaran, cho biết ông dự tính chuỗi siêu thị sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ chuỗi cung ứng hơn trong vòng 4 đến 6 tuần tới vì Omicron đã gây tổn hại đến những nỗ lực nhằm bù đắp những khoảng trống của chuỗi cung ứng.

 


Những người mua sắm trên mạng xã hội phàn nàn về việc không có mì ống và thịt ở một số cửa hàng Walmart; một cửa hàng Meijer ở Indianapolis đã hết sạch thịt gà; một siêu thị Publix ở Palm Beach, Florida, đã hết khăn giấy tắm và các sản phẩm vệ sinh nhà cửa; trong khi Costco khôi phục giới hạn mua giấy vệ sinh tại một số cửa hàng ở tiểu bang Washington.

Bà Katie Denis, phó chủ tịch phụ trách truyền thông và nghiên cứu của Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng cho biết, tình hình dự kiến sẽ không thuyên giảm trong ít nhất vài tuần nữa, cho rằng sự thiếu hụt này là do khan hiếm lao động.

 


Bà cho biết, ngành công nghiệp hàng tiêu dùng đóng gói đang thiếu khoảng 120,000 lao động, trong đó chỉ có 1,500 việc làm được bổ sung vào tháng trước, trong khi Hiệp hội Cửa hàng tạp hóa Quốc gia cho biết nhiều thành viên cửa hàng tạp hóa của họ đang hoạt động với dưới 50% công suất của lực lượng lao động.

Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với tình trạng hết hàng khoảng 12% đối với thực phẩm, đồ uống, sản phẩm tẩy rửa gia dụng, và vệ sinh cá nhân so với mức 7–10% lúc bình thường.

Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng cho biết, vấn đề này nghiêm trọng hơn với các sản phẩm thực phẩm mà mức hết hàng là 15%.

 


SpartanNash, một nhà phân phối hàng tạp hóa của Hoa Kỳ, tuần trước cho biết việc tìm nguồn cung cấp từ các nhà sản xuất thực phẩm trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là các mặt hàng chế biến sẵn như ngũ cốc và súp.

Người tiêu dùng tiếp tục tích trữ hàng thực phẩm, rau quả khi họ mua sắm ở nhà để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron. Bà Denis cho biết nhu cầu trong 5 tháng qua cao hoặc cao hơn so với thời điểm tháng 03/2020 khi bắt đầu đại dịch. Các vấn đề tương tự đang được chứng kiến ở các nơi khác trên thế giới.



Tại Úc, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tạp hóa Woolworths Group cho biết tuần trước rằng hơn 20% nhân viên tại các trung tâm phân phối của họ phải nghỉ việc vì COVID-19. Trong các cửa hàng, virus đã khiến ít nhất 10% nhân viên phải nghỉ việc.

Hôm thứ Năm (13/01), công ty này đã khôi phục giới hạn 2 gói giấy vệ sinh và thuốc giảm đau trên toàn quốc cho mỗi khách hàng, đối với cả việc mua tại cửa hàng và trực tuyến, để ứng phó với tình trạng thiếu nhân sự.

Tại Hoa Kỳ, những cơn bão tuyết gần đây gây tắc nghẽn giao thông trong nhiều giờ dọc theo Bờ Đông cũng cản trở việc giao thực phẩm đến các cửa hàng tạp hóa và trung tâm phân phối. Những sự chậm trễ đó đã xảy ra trên khắp đất nước, làm trì hoãn việc vận chuyển trái cây và rau quả có hạn sử dụng.



Trong khi những người trồng trọt các sản phẩm dễ hư hỏng buộc phải trả giá vận chuyển tăng cao để thu hút nguồn cung cấp vận tải đường bộ hạn chế, thì các nhà sản xuất như Myers đang chọn cách chờ đợi tình trạng công việc tồn đọng giảm bớt.

Ông nói: “Hàng đóng hộp, nước ngọt, khoai tây chiên – những thứ đó nằm tại kho, bởi vì họ không sẵn lòng trả gấp đôi, gấp ba lần cước vận chuyển, và hàng của họ sẽ không hỏng trong bốn ngày.”

Siddharth Cavale và Christopher Walljasper  _  Bình Hòa

Nguồn: Báo Mai


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178