Kiều hối và trục lợi người Việt xa quê

Kiều hối và trục lợi người Việt xa quê


Nhà cầm quyền Hà Nội hoan hỉ với số tiền kiều hối khổng lồ nhưng chẳng quan tâm tới thân phận của người Việt xa quê. Ảnh minh họa

Hiếu Chân

Giống như trẻ con sau những ngày Tết lại hớn hở ngồi đếm những đồng tiền lì-xì, nhà nước Việt Nam mỗi độ xuân về lại hí hửng tính toán những đồng tiền “kiều hối” nhận được trong năm, xem tăng bao nhiêu phần trăm. Và hoan hỉ loan báo cho công chúng biết, cứ như đó là một thành tích của chính quyền, cần được biểu dương. Vậy nhưng, dưới mắt nhà cầm quyền Hà Nội, những người gửi tiền về chỉ là những con bò sữa, đang được vắt sữa bằng mọi thủ đoạn.

Truyền thông cho biết, hôm 22 Tháng Giêng, trong buổi liên hoan “Xuân Quê Hương 2022” dành cho kiều bào ở nước ngoài về quê ăn tết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ, lượng kiều hối năm 2021 tiếp tục tăng, với tổng số đạt gần $14 tỷ. Ông đồng thời cho rằng “đó là tình cảm, sự sẻ chia đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà.” Trong cơn xúc động, ông Phúc đọc hai câu “vè”: “Mỗi năm Tết đến Xuân về. Quê hương đất mẹ đề huề mong con.” (!)

Theo thông tin của đài Á Châu Tự Do, Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021, ước tính ở mức $18.1 tỷ, cao hơn mức $17.2 tỷ năm 2020. Triển vọng kiều hối năm 2022 sẽ còn tăng cao hơn nữa, một phần nhờ ở các nước có đông người Việt Nam tình hình dịch COVID-19 đã căn bản được kiểm soát, các nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.

Kiều hối (remittance) về Việt Nam có hai nguồn chính: Một là từ cộng đồng hơn 5.3 triệu người Việt Nam định cư ở các nước phát triển Bắc Mỹ, Úc và châu Âu, hai là từ lực lượng người lao động Việt Nam ra ngoại quốc làm thuê ở Nam Hàn, Đài Loan, các nước Trung Đông và cả châu Phi. Không có số liệu chính thức về số người ra ngoại quốc làm thuê, mà chính quyền trong nước gọi là “xuất khẩu lao động”, nhưng một số nguồn tin cho biết, có khoảng vài ba triệu người. Kiều hối từ cộng đồng người Việt định cư có thể lớn hơn nhiều lần so với từ nguồn xuất khẩu lao động, do điều kiện kinh tế tài chính khác nhau giữa hai thành phần này; nhưng dù từ nguồn nào thì dòng kiều hối đổ về Việt Nam vẫn tăng đều đặn, năm sau nhiều hơn năm trước. Đáng chú ý là trong hai năm dịch COVID-19, kinh tế các nước bị đình đốn nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn tăng mạnh như số liệu nêu trên cho thấy.

Quan sát hiện tượng này, chúng tôi thấy trong thời gian đại dịch, người Việt định cư ở Hoa Kỳ gửi tiền, gửi quà cho thân nhân ở Việt Nam nhiều hơn thời trước đại dịch. Điều đó một phần do thông cảm với người thân trong nước đang khốn đốn, mất việc, mất thu nhập vì các biện pháp phong tỏa, phòng dịch một cách cực đoan của nhà cầm quyền, do hỗ trợ các tổ chức từ thiện ở trong nước; một phần vì trong thời gian dịch bệnh người định cư ở nước ngoài không về Việt Nam được nên không trực tiếp về thì gửi tiền và hàng để biểu lộ tình cảm. Ở Mỹ, các công ty làm dịch vụ gửi tiền, gửi hàng về Việt Nam cho biết lượng tiền và hàng gửi tăng gấp rưỡi so với năm trước. Có không ít người dành dụm những đồng tiền được chính phủ Mỹ trợ cấp cho người nghèo trong thời gian đại dịch để gửi về giúp thân nhân ở trong nước.

Cũng như những năm trước, hàng chục tỷ đô la kiều hối là một nguồn tài chính quan trọng, giúp tăng dự trữ ngoại tệ, ổn định cán cân thanh toán của chính quyền Việt Nam và duy trì tỷ giá hối đoái.

Từ thân phận đau thương của “lao động xuất khẩu”…

Thế nhưng điều kỳ lạ là, tuy hoan hỉ với dòng tiền kiều hối, chính quyền Việt Nam vẫn làm ngơ trước tình cảnh bi thảm của người Việt đi làm thuê ở nước ngoài và tìm cách trục lợi từ nguyện vọng về quê của hàng trăm ngàn người Việt định cư.

Tình trạng “xuất khẩu lao động” rồi đem con bỏ xứ người, không bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của họ kéo dài đã nhiều năm. Công luận quốc tế đang rất nóng vụ hàng trăm công nhân Việt Nam bị cưỡng bức lao động cho công ty Trung Quốc ở Serbia. Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong tuyên bố đưa ra hôm 21 Tháng Giêng 2022, cáo buộc có hàng trăm công nhân Việt Nam bị bán sang Serbia để làm việc cho các công ty Trung Quốc, hiện đang kêu cứu vì phải sống và làm việc trong các điều kiện tồi tệ.

Những chuyến bay giải cứu $ hương tha phương cầu thực - Họa sĩ BaBui

Từ cuối Tháng Mười Một năm ngoái, các hãng tin quốc tế đã tường thuật việc có khoảng 500 công nhân Việt Nam – tham gia xây dựng một nhà máy lớn của hãng lốp xe Trung Quốc Shandong Linglong Tyre ở thành phố Zrenjanin, miền Bắc của Serbia – đang phải sống trong các khu nhà tạm không có máy sưởi và nước ấm, bị đói khát, không có tiền và cũng không được giúp đỡ. Nhưng đến nay chính phủ Việt Nam hầu như không quan tâm. “Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA. Một người phát ngôn của bộ hồi Tháng Mười Một nói rằng các cán bộ phía Việt Nam không được báo cáo gì về “bạo lực và quấy rối” tại nhà máy của Trung Quốc”, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cho biết.

Trước đó công luận cũng bàng hoàng trước việc hàng trăm người Việt Nam, chủ yếu là phụ nữ, cả trẻ em gái dưới 16 tuổi, bị bán đi làm người giúp việc nhà ở Saudi Arabia, một nước Hồi giáo khét tiếng khắc nghiệt với phụ nữ. Ở đó họ bị hành hạ, bị ngược đãi, bị bỏ đói, bệnh tật không được chữa trị, xin hồi hương không được hỗ trợ và bé H Xuân Siu (người Gia Rai ở buôn Tơ Yoa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) đã chết tức tưởi trước khi được lên máy bay về nhà! Chính quyền Việt Nam vẫn không hề có biện pháp chấn chỉnh các công ty xuất khẩu lao động đã đem con bỏ chợ như vậy bất chấp yêu cầu của Liên Hiệp Quốc.

… đến những thủ đoạn trục lợi trâng tráo 

Với người Việt định cư ở nước ngoài hoặc người Việt ra nước ngoài học tập, làm việc, thăm thân nhân rồi bị kẹt lại vì đại dịch, thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam cũng không tử tế gì. Lợi dụng lúc tình hình căng thẳng do dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền ra lệnh cấm các chuyến bay đến và đặt yêu cầu “cách ly” triệt để; con đường về nhà của những người Việt ở nước ngoài bị cắt đứt.

Khách quan mà nói, nhiều quốc gia khác cũng hạn chế tối đa việc nhập cảnh để ngăn ngừa sự truyền nhiễm của virus, không riêng gì Việt Nam. Nhưng trong hoàn cảnh chống dịch, các nước vẫn để mở cánh cửa cho công dân và thường trú nhân của họ từ nước ngoài trở về, có biện pháp theo dõi, truy vết và buộc cách ly tại nhà. Suy cho cùng, quyền trở về nhà với gia đình, với người thân là một quyền tự do, là nhân quyền thiêng liêng. Chỉ có Việt Nam – và Trung Quốc – thực hiện việc cấm cửa với cả công dân của mình và bắt buộc cách ly tại những cơ sở tập trung bất chấp người về có mắc bệnh hay không.

Gặp phải sự phản kháng của dư luận, nhà cầm quyền đã phải tổ chức những “chuyến bay giải cứu”, mà hành khách phải mua “combo” trọn gói từ giá vé máy bay đến chi phí kiểm tra y tế và chi phí cách ly tập trung. Tuy được quảng bá rầm rộ là một “hoạt động nhân đạo” nhưng thực tế, những chuyến bay “giải cứu” này có giá trên trời, từ hơn $2,000 đến $5,000 mỗi hành khách, tức là cao gấp bốn đến tám lần mức giá vé máy bay thông thường. Để được “giải cứu”, người về còn phải trải qua rất nhiều thủ tục hết sức nhiêu khê và phi lý, chẳng hạn như phải xin được giấy đồng ý tiếp nhận của chính quyền địa phương nơi mình về, phải tới đại sứ quán xin xác nhận bản sao thẻ tiêm chủng, phải ghi danh với cơ quan ngoại giao và chờ đợi được sắp xếp chuyến bay.

Nản lòng với cung cách làm việc của chính quyền và không muốn bị bóc lột vô lý, hàng vạn người đã phải bay vòng về Cambodia rồi từ đó tìm cách nhập cảnh Việt Nam bằng đường bộ. Một cái vé máy bay của hãng Singapore Airlines từ California về Phnom Penh, Cambodia giá chỉ $650, trong khi giá vé “giải cứu” của Vietnam Airlines từ California về Sài Gòn thấp nhất là $1,850 – so sánh như thế để thấy chính quyền và công ty trong nước thông đồng với nhau để ăn trên lưng “kiều bào” như thế nào.

Ngay cả khi chính quyền đã công bố cho mở lại đường bay quốc tế thì tình trạng trục lợi vẫn tiếp diễn: Giá vé từ nước ngoài về Việt Nam vẫn cao gấp hai, ba lần giá vé từ Việt Nam ra đi trên cùng tuyến đường. Ở đây lợi dụng tâm lý sốt ruột mong về nhà của người Việt xa quê, các hãng hàng không Việt Nam đã chặt chém không thương tiếc.

Xem ra, dù thường xuyên ca ngợi người Việt xa quê định cư hoặc làm việc ở nước ngoài là “khúc ruột ngàn dặm” rất thân thương nhưng cái mà nhà cầm quyền Hà Nội nhắm tới chỉ là túi tiền của họ, là những triệu những tỷ đôla kiều hối để chính quyền hoan hỉ khoe khoang mỗi dịp cuối năm.

Họ không biết và chẳng thèm biết những đồng tiền đó là mồ hôi nước mắt, thậm chí là máu của những người tha phương chắt bóp dành dụm gửi về giúp đỡ gia đình, xây dựng quê hương. Nhà cầm quyền lẽ ra phải đối đãi với những người Việt ở nước ngoài – nguồn tạo ra dòng tiền “kiều hối” liên tục đổ về, năm sau cao hơn năm trước – một cách tử tế và trân trọng chứ không thể khinh rẻ họ, coi họ là những con bò sữa để tha hồ bóc lột bằng những thủ đoạn và mánh khóe.

Hiếu Chân

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209