NHÂN XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE, ĐỌC LẠI BÀI HỌC 60 NĂM CHƯA THUỘC CỦA ẤN ĐỘ

 NHÂN XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE,

 ĐỌC LẠI BÀI HỌC 60 NĂM CHƯA THUỘC CỦA ẤN ĐỘ

Tác giả: TRẦN TRUNG ĐẠO



Trong quyết nghị LHQ ủng hộ Ukraine “đòi Nga rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận" ngày 2 tháng 3 vừa qua vỏn vẹn có bốn nước ngoài Nga chống lại quyết nghị gồm Belarus, Syria, North Korea và Eritrea.  

Ba nước Belarus, Syria, North Korea chắc nhiều độc giả đã biết, nước ít được biết là Eritrea. Eritrea là một nước có 6 triệu dân ở miền Đông Phi Châu bị cai trị trong tay  của nhà độc tài tàn bạo Isaias Afwerki. Về cơ chế chính trị Eritrea là một Bắc Hàn ở Phi Châu. Năm 2021, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp Eritrea vào hạng cuối sổ, thứ 180 trong 180, về tự do báo chí.

Mọi tranh chấp từ chuyện làng xã cho tới Liên Hiệp Quốc, đều là cơ hội để mỗi người hay mỗi các quốc gia bày tỏ lập trường qua việc chọn phe mà đứng, chọn bạn mà chơi. Bản đồ thế giới đang được vẽ lại nên việc chọn phe qua các hiệp định, hiệp ước vô cùng quan trọng. 

Trong vài ngày qua, báo chí thế giới phân tích kết quả của quyết nghị, một số quốc gia được khen và một số nước bị chê. 

Những nước được khen dù bỏ phiếu “vắng mặt” là các nước chư hầu của Nga.

Sau khi chế độ CSLX sụp đổ, Nga lập ra tổ chức gọi là Tổ Chức Liên Minh An Ninh Tập Thể (Collective Security Treaty Organization CSTO), một dạng hiệp ước Warsaw nhỏ do Nga chế ngự gồm Nga và một số nước vùng Trung Á  như Belarus, Armenia, Tajikistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan. Giống như hiệp ước Warwaw thực chất là để Nga có lý do cất quân xâm lược khi cần. 

Nhưng sau khi Nga tấn công Ukraine và trước phản ứng của thế giới, nhiều trong số các nước chư hầu Nga vùng Trung Á đã sực tỉnh khi nhìn về tương lai mù mịt của một nước Nga bị thế giới cô lập. Các quốc gia này thay vì công khai ủng hộ Putin hay đóng góp quân đội đã đóng vai “trung lập” và chọn “vắng mặt” trong ngày biểu quyết quyết nghị LHQ như trường hợp Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan.  

Các nước này biết dù Nga có chiếm được Ukraine, ngọn gió chính nghĩa đã thổi về  hướng Tây. Nga sẽ bị cô lập và bị sa lầy. Thân phận bèo dạt mây trôi của họ sẽ ra sao một khi Nga sụp đổ. Về địa lý chính trị và quân sự, chọn lựa “trung lập” của họ là chọn lựa sinh tử và có tính quyết định cho tương lai đất nước họ. 

Nước bị chê nhiều là Ấn Độ.  Ấn Độ cũng “vắng mặt” như các nước Trung Á nhưng bị phê bình, không chỉ báo chí Mỹ mà các các báo lớn của Ấn Độ. 

Ba lý do khiến Ấn “vắng mặt” được bàn thảo: (1) Ấn Độ nợ Nga món nợ tình cảm vì Liên Xô ủng hộ quan điểm Ấn về tranh chấp Kashmir giữa Ấn và Pakistan 1971, (2) Ấn muốn tiếp tục đóng vai trò trung lập theo tinh thần Phong Trào Phi Liên Kết (Non-Aligned Movement) , (3) Ấn Độ mua vũ khí của Nga nhiều nhất. 

Cả ba lý do đều không vững. 

Năm 1971, Nga là một phần của Liên Xô và Liên Xô đã được an táng ngày 25 tháng 12, 1991. Nga ngày nay nằm trong tay nhà độc tài cá nhân Vladimir Putin. Bản thân Putin không đại diện cho nước Nga và càng không dính dáng gì tới chế độ CS Liên Xô.  Năm 1971 Liên Xô ủng hộ Ấn Độ chẳng qua vì lúc đó Pakistan là đồng minh của Mỹ. 

Tổ chức gọi là Phi Liên Kết trên giấy tờ còn đó nhưng thực chất đã không còn tác dụng sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt. Các quốc gia thành lập hoặc đã tan rã như trường hợp Nam Tư và nhiều hội viên đã trở thành thù địch. 

Trong tương lai, liệu Nga còn có thể tiếp tục chế tạo và bán vũ khí cho Ấn Độ như trước đây và liệu Ấn Độ có dám vượt qua các biện pháp trừng phạt để mua võ khí của Nga? 

Trong cuộc tranh chấp chắc chắn một ngày không xa sẽ bùng nổ là tranh chấp Trung Cộng-Ấn Độ. Xung đột Nga-Ukraine là cơ hội cho Ấn Độ hội nhập vào xu hướng chính trị mới đang làm thay đổi khuôn mặt của thế giới.  Hơn bao giờ hết Ấn Độ cần Mỹ, Tây Âu đứng sau lưng trong xung đột với Trung Cộng chứ không phải cần Nga. 

Tiếc thay, Thủ tướng Ấn, Narendra Modi, sau 60 năm, vẫn chưa học thuộc những sai lầm của Thủ tướng Jawaharlal Nehru (1889-1964). 

Tình cảm dành cho ý thức hệ Cộng Sản của TT Nehru đã gây nhiều tai họa cho Ấn Độ thời lập quốc và di họa cho tới ngày nay. Những quyết định sai lầm của ông ta đã giúp Mao có cơ hội chiếm Tây Tạng, vùng độn chiến lược giữa Trung Cộng và Ấn Độ, và dẫn tới thất bại quân sự nhục nhã trong cuộc chiến Ấn-Trung năm 1962. Vùng Aksai Chin của Ấn Độ rơi vào tay của Trung Cộng chỉ trong vòng vài ngày.  

Chính trị không có quá khứ, chỉ có tương lai dân tộc mới thật sự ảnh hưởng đến quyết định của các lãnh đạo ngày nay. Mời đọc bài học Ấn Độ để qua đó suy nghĩ về tương lai Việt Nam.

JAWAHARLAL NEHRU ĐÃ BỊ MAO TRẠCH ĐÔNG LỪA NHƯ THẾ NÀO?

Mike Pompeo giữ chức vụ ngoại trưởng Hoa Kỳ cách John Foster Dulles, một ngoại trưởng khác của Hoa Kỳ, 67 năm. 

Thời gian xa nhưng cả hai ngoại trưởng cùng có một tầm nhìn khá giống nhau về một yếu tố cần thiết để giữ thế cân bằng các lực đối trọng tại Á Châu, đó là vai trò của Ấn Độ trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy). 

Không ngạc nhiên khi Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tuy đã được bàn trong giới phân tích và hàn lâm từ hơn mười năm trước đã được chính quyền Donald Trump bổ sung thêm hai đặc tính “tự do” và “mở” (free and open Indo-Pacific), theo đó các thành viên hợp tác sẽ đối xử theo cam kết và luật định quốc tế. 

Rõ ràng chiến lược này nhằm tạo một đối lực thông qua các liên minh đa diện giữa Mỹ và các đồng minh Á Châu, cụ thể là Ấn Độ, quốc gia có dân số 1.3 tỉ người, để đáp ứng với chính sách bành trướng vô luật pháp của Trung Cộng (TC) cũng có dân số 1.3 tỉ người. 

Điều này đã được John Foster Dulles hình dung ra 67 năm trước trong thời Jawaharlal Nehru (1889-1964) là thủ tướng Ấn. Nhưng Nehru thì không thấy. Tầm nhìn hạn hẹp của Nehru là nguyên nhân của một chuỗi những sai lầm và thất bại đắng cay.

Những bài học bang giao quốc tế của Ấn Độ thời Jawaharlal Nehru thỉnh thoảng được đem ra như một nhắc nhở cho các thế hệ lãnh đạo Ấn Độ thời nay. 

Bài học đó có thể tóm tắt bằng câu vắn tắt sau đây: Đừng bao giờ tin lời hứa của những kẻ độc tài. 

Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru là một chính khách Ấn Độ nhân cách, đức độ, yêu nước, yêu hòa bình và yêu dân chủ, nhưng có quan điểm đối ngoại đầy hoang tưởng, khuynh tả, đặc biệt qua lập trường đối với TC. 

Những sai lầm chính trị của Jawaharlal Nehru không những để lại hậu quả thua trận trong chiến tranh với TC năm 1962, xung đột biên giới kéo dài từ đó cho tới hôm nay, số phận đau thương của Tây Tạng mà còn làm mất đi cơ hội ngàn năm một thuở để Ấn Độ trở thành hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau khi TC chiếm toàn lục địa. 

Sau khi giành được độc lập 1947, thay vì xây dựng một hệ thống quốc phòng vững mạnh với vũ khí và kinh nghiệm chiến đấu từ hai triệu rưỡi thanh niên Ấn vừa chiến đấu trong Thế Chiến Thứ Hai, Nehru dành hết thời gian đi khắp nơi để rao giảng một chủ nghĩa hòa bình, sống chung với nhau trong một thế giới đầy tình huynh đệ bất kể chế độ chính trị và tham vọng gì trong tương lai. 

Nhắc lại. Sau khi chiếm lục địa chính sách đối ngoại của Mao sau 1949 là gây ảnh hưởng và gia tăng vị trí của TC trên trường chính trị thế giới. 

Muốn được vậy TC phải che giấu bộ mặt thật của mình bằng chiếc mặt nạ nhân hậu, hòa hoãn, yêu chuộng hòa bình. 

Năm nguyên tắc “Sống chung hòa bình” được Mao đề ra gồm: (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, (2) không xâm lược nhau, (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, (4) bình đẳng và cùng có lợi, (5) cùng chung sống hòa bình. 

Nehru dễ dàng rơi vào “chiếc bẫy hòa bình” này của Mao Trạch Đông. 

Nehru ký hỏa hiệp Năm Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình với TC 1954, tức khắc theo sau đó Ấn Độ công nhận chủ quyền Tây Tạng thuộc về TC. Đó là cây đinh cuối cùng đóng xuống quan tài của quốc gia nhỏ bé vùng Hy Mã Lạp Sơn. Nehru đã dập tắt mọi cơ hội đứng lên của Tây Tạng trong thời kỳ đó.

Theo sử gia Claude Arpi, tác giả nhiều tác phẩm về Tây Tạng trong đó có Tibet: The Last Months of a Free Nation, chính Nehru vào năm 1950 đã cung cấp gạo cho các lực lượng TC chiếm đóng Tây Tạng. Quân TC không thể cướp gạo cơm của dân Tây Tạng vì người Tây Tạng không ăn cơm. Thực phẩm chính của họ là bánh bột Tsampa.

Một ngây thơ ngoài tưởng tượng của Nehru là từ chối ý định của Hoa Kỳ để Ấn trở thành Hội Viên Thường Trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thay thế cho Trung Hoa Dân Quốc đã bị TC đánh bại. 

Không những thế chính Nehru còn tích cực ủng hộ TC vào LHQ và kiêm luôn cả vai trò Hội Viên Thường Trực Đồng Bảo An LHQ.

Theo tiết lộ của bà Vijaya LakshmiPandit, chị ruột của Nehru và cũng là Đại Sứ Ấn Độ tại Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles có ý định mời Ấn Độ vào Hội Đồng Bảo An LHQ. 

Thay vì bắt lấy cơ hội hiếm hoi này, Nehru trả lời cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles : “Đó sẽ là một sự sỉ nhục rõ ràng đối với Trung Quốc và nó có nghĩa là một phần nào đó sẽ làm rạn nứt giữa Ấn và Trung Quốc …Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc ép để Trung Quốc (TC) gia nhập LHQ và Hội Đồng Bảo An.” (Theo “Not at the Cost of China: New Evidence Regarding US Proposals to Nehru for Joining the United Nations Security Council, Wilson Center, 2015”).

Mãi cho đến khi thất bại cay đắng trong chiến tranh với TC 1962, Nehru mới thấy được bộ mặt thật của Mao Trạch Đông nhưng đã quá muộn màng. 

Tây Tạng, vùng trái độn chiến lược nằm lót giữa biên giới phía bắc của Ấn Độ và TC, đã là đất TC. Cho đến khi qua đời Thủ tướng Nehru vẫn còn mang mối hận “bị Mao đâm sau lưng”. 

Các sự kiện lịch sử có thể không lặp lại một cách chính xác như đã xảy ra nhưng, ngoại trừ các bậc thánh nhân, suy nghĩ của con người dù thời đại nào thì vẫn không thoát ra khỏi những khuôn khổ, ước lệ và kinh nghiệm sống của con người. 

Mối hận của Nehru là bài học cho những ai có trách nhiệm với sự thịnh suy của đất nước trước tham vọng của Tập Cận Bình ngày nay.

Trần Trung Đạo

Xem thêm: Các Bài Liên Quan

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025