Diễn Đàn Trái Chiều - BÀI 221: UKRAINE - CƯỠI LƯNG CỌP
DIỄN ĐÀN TRÁI CHIỀU
Chủ Trương: VŨ LINH
BÀI 221: UKRAINE - CƯỠI LƯNG CỌP
Cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine đã gần tròn ba tuần mà hiển nhiên chưa ai thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’, bất kể đó là ánh sáng của chính nghĩa với Ukraine thành công đuổi được lính Nga về nước, hay ánh sáng của tân Đế Chế Nga trên đường khôi phục lại Liên Bang Xô Viết.
Đây là chuyện khá lạ khiến hầu hết các chuyên gia
chiến lược gãi đầu, vì trước khi cuộc chiến xẩy ra, họ đều cho Ukraine có hy
vọng cầm cự được hai ba ngày hay một hai tuần tối đa.
Thực tế cho đến nay cho thấy Nga bất ngờ gặp những
khó khăn tầy trời, và đã đi vào thế… cưỡi lưng cọp. Mà cái quái dị là cả khối
Âu-Mỹ cũng không khá hơn, cũng đang … cưỡi lưng cọp luôn.
Ba tuần dĩ nhiên quá sớm để có bất cứ kết luận nào.
Dù vậy,
ta vẫn nên thử xét lại tình hình. Trước hết, ta nhìn qua bên thủ phạm xâm lăng
là Nga.
Nếu phải
dùng một hình ảnh cụ thể để bàn chuyện Ukraine đánh nhau với Nga thì phải nói
không khác mấy chuyện ‘châu chấu đá voi’. Đây là cuộc chiến không cân tay chút
nào về phương diện lực lượng quân sự, quân số và vũ khí, cũng như về sức mạnh
kinh tế và dân số. Chỉ nguyên lực lượng quân sự Nga dùng để đánh Ukraine, chưa
kể toàn bộ lực lượng trên khắp nước Nga, thì Nga cũng đã trên cơ Ukraine
rồi.
Trước khi
Liên bang Xô Viết tan rã thì Ukraine là kho vũ khí nguyên tử của CS Nga. Nhưng
Ukraine khi tách ra để được độc lập, đã phải trả cái giá là trao lại cho Nga
tất cả các kho bom nguyên tử và phá hủy các căn cứ, bây giờ Ukraine không có
được một cây bút nguyên tử chứ đừng nói tới mấy ngàn trái bom nguyên tử lớn nhỏ
như Nga.
Việc
Ukraine mau chóng thất bại là nhận định chung của tất cả các cụ gọi là ‘siêu
chuyên gia chiến lược toàn cầu’. Thực tế chứng minh các cụ này đều sai bét hết,
chỉ vì các cụ quên mất hai yếu tố cực kỳ quan trọng: ý chí của dân Ukraine và
cái sợ của cả Âu Châu.
Ý chí bất
khuất của dân Ukraine quả là yếu tố thật đặc biệt không ai ngờ trước khi cuộc
chiến xẩy ra. Không ai ngờ dân Ukraine lại có thể chống Nga mạnh như vậy.
Xét dưới
khiá cạnh lịch sử và văn hoá, Ukraine với Nga quả là ‘anh em’ gần như ruột thịt
đúng như Putin nhận định, với thủ đô Kyiv là một trong những trung tâm kinh tế,
kỹ nghệ, văn hóa và tôn giáo quan trọng nhất của Đế Chế Nga từ thời các Nga
Hoàng -tsars- cho tới thời Liên Bang Xô Viết. Nhìn dưới khiá cạnh này, cũng dễ
hiểu khi Putin cũng như các chiến lược gia, không ai nghĩ dân Ukraine sẽ chống
lại cuộc xâm lăng một cách đáng kể.
Trong khi
đó thì cụ Biden nghĩ Ukraine sẽ xụp đổ mau chóng giống như trường hợp Việt Nam
và Afghanistan, khi các tướng tá lo bỏ quân phục, vứt lon lá để đánh nhau dành
giựt chỗ trên trực thăng Mỹ.
Các sử
gia sau này sẽ nghiên cứu nhiều hơn về vấn đề này, nhưng ngay bây giờ, việc dân
Ukraine chống quân Nga mạnh như ta đang thấy, có thể đã có hai nguyên nhân: thứ
nhất kinh nghiệm sống 70 năm dưới tay cộng sản Xô Viết khiến dân Ukraine ớn
xương sống đến chết, và thứ nhì, sự lãnh đạo can đảm vô song của TT Zelensky,
xuất thân là một anh tài tử phim hài rẻ tiền.
Quyết
định ngang ngược, phách lối, mục hạ vô nhân của Putin đã khích động tự ái dân tộc
của dân Ukraine và ông Zelensky đã khai thác đúng cách đúng mức, khiến cả nước
vùng dậy, không thể chối cãi được. Triết lý sơ đẳng: không phải là anh cả thì
có quyền bạt tai em út tùy hỷ, cho dù là anh em trong nhà.
Lý do thứ
nhì chính là phản ứng của các nước Âu Châu, đặc biệt là của Ba Lan, Tiệp, và
các tiểu quốc vùng Baltic, như một trùng hợp dễ hiểu, cũng là những quốc gia
như Ukraine, đã chịu đựng gông cùm CS Xô Viết trong suốt 70 năm. Kinh nghiệm
máu đó đã khiến các xứ này hiểu rõ tham vọng của Putin và cái nguy hại kinh
hoàng nếu Putin thực hiện được tham vọng của ông ta. Và họ đã quyết tâm tìm
cách cản, hay ít nhất cũng cứu giúp Ukraine thoát khỏi tai họa này. Giúp người
tức là tự giúp ta.
Trước
những chống đối bất ngờ và mạnh mẽ này, Putin cũng đã gặp phải một bất ngờ
khác. Đó là quân Nga không mạnh như ông nghĩ hay tất cả các chiến lược gia quốc
tế nghĩ.
Từ sau đệ nhị thế chiến, Mỹ đã có kinh nghiệm chiến
trường liên miên bất tận tại Việt Nam, Afghanistan, Iraq. Tuy không thành công
nhưng ít ra cũng đánh nhau ngang ngửa trong những chiến trường khó khăn cả mấy
chục năm, vừa học được kinh nghiệm xương máu, vừa có cơ hội sáng chế ra vũ khí
tân kỳ. Khác với Nga, có thể nói tương đối an bình hơn tuy cũng đã có kinh
nghiệm mấy năm thất bại nặng tại Afghanistan. Việc bức màn sắt xụp đổ cũng
khiến Nga suy yếu toàn diện và mạnh, luống cuống xây dựng lại một nước Nga tan
hoang, đổ vỡ thành cả chục mảnh trong một nền kinh tế nát bét như tương tầu.
Sau những mánh mung gian trá để nắm quyền hơn hai
chục năm, kiên trì xây dựng, củng cố lại, Putin đã tưởng mình đủ mạnh để bắt
đầu con đường phục hồi lại đại Đế Chế Liên Bang Nga. Ý nghĩ của Putin lại được
củng cố mạnh sau hai chiến thắng lớn mà Putin dùng để ‘thử lửa’ sức mạnh của
Nga cũng như sức chống cự của đối thủ. Kết quả Putin đã thấy hai chiến thắng
quá dễ dàng: một tại Georgia, hai tháng trước khi TT Bush con hết nhiệm kỳ, đã
không còn tư thế chính trị để ra bất cứ quyết định nào chống lại hành động của
Nga, trong khi tất cả thăm dò dư luận cho thấy hai tháng nữa ông Obama sẽ đắc
cử tổng thống, và một tại Crimea dưới thời ông tổng thống Nobel Hòa Bình Obama.
Tới thời Trump, Putin e dè trước ông thần ‘vô
chiêu’ này nên nằm im chờ thời. Và cái thời đó đã tới khi cụ lẩm cẩm, phó của
Obama đắc cử lên nắm quyền ở Mỹ. Cơ hội ngàn vàng.
Trong khi đó, Putin cũng nhìn thấy một Liên Âu và
NATO tạp nhạp, phân hóa như chưa từng thấy. NATO, từ một liên minh quân sự chặt
chẽ chống CS Nga, sau khi Liên Bang Xô Viết xụp đổ, đã bành trướng mạnh, nhận
thêm cả tá các quốc gia Đông Âu, chẳng ai hiểu rõ để làm gì khi CS Xô Viết đã
thành xác ma. Thành viên đông đảo, mục tiêu không còn, NATO từ ngày thành lập
vốn chỉ là bình phong của Mỹ trong chiến tranh lạnh chống CS Xô Viết, bây giờ
mất phương hướng nên mất đoàn kết luôn. Đã vậy lại còn bị ông Trump tố cáo là
quá ỷ lại, chỉ giỏi lè phè ăn chơi và phát trợ cấp tứ tung, phó mặc chuyện quốc
phòng vào cái dù Mỹ. Trong cả Âu Châu, chẳng có xứ nào có ngân sách quốc phòng
lên tới 2%-3% ngân sách tổng quát như quy định trong NATO, trong khi chi tiêu
quốc phòng của Mỹ lên tới hơn 10% tổng ngân sách quốc gia.
Quan trọng hơn cả, Putin tìm ra cái ‘vòng Kim Cô’
chụp lên đầu NATO: đó là cái vòng kết bằng dầu khí và dầu hỏa. Cả khối Âu Châu
trong tư tưởng văn minh cấp tiến, muốn trong sạch hóa không khí và chống hâm
nóng địa cầu, hầu như đóng cửa trọn vẹn mọi cố gắng tự chủ trong vấn đề nhiên
liệu, để hùng hổ chui vào cái rọ của Nga. Bất thình lình cả Âu Châu hoàn toàn
lệ thuộc vào Nga, sống nhờ hơn nửa tá ống dẫn dầu hỏa, dầu khí từ Nga qua, chưa
kể ống Nord Stream II chưa hoạt động, đặc biệt là cường quốc mạnh nhất Tây Âu
là Đức. Bà thủ tướng Merkel xuất thân từ Đông Đức nên đương nhiên có thiện cảm
và tin tưởng Putin hơn ai hết nên đã tố xả láng vào dầu hỏa và dầu khí Nga.
Putin tự tin vào chính mình và tin tưởng vào quân
lực Nga, nhìn vào cụ lẩm cẩm lãnh đạo Mỹ trong khi nắm chặt cái vòng Kim Cô
trên đầu cả Âu Châu, không còn lý do gì để e lệ nữa, ra tay đánh Ukraine. Trong
đầu, nghĩ sẽ dễ dàng như đi chợ mua bó rau. Tự tin tới mức cho thế giới biết
đây chỉ là một ‘chiến dịch quân sự’, military operation!
Bây giờ ngã ngửa ra thấy Ukraine giống như cái gân
gà của Tào Tháo, nuốt không trôi mà nhả cũng chẳng được.
Putin đã đi quá xa, không còn đường rút lui nữa, mà
trái lại, rút là chính Putin chẳng những mất mặt mà sẽ mất mạng luôn. Cái đó
gọi là thế…cưỡi lưng cọp. Một kế hoạch dựa trên chiến thắng trong vòng một hai
tuần tối đa, bất ngờ trở thành một vũng sình lầy đi tới không được và đi lui
cũng không thể sau cả ba tuần lễ.
Kinh nghiệm Nga thất bại tại Afghanistan trước đây
đã đưa đến xụp đổ toàn diện của cả chế độ CS. Bây giờ Nga thất bại, Putin mất
ghế nếu chưa mất mạng chỉ là chuyện nhỏ nhưng tất nhiên.
Putin còn đường binh không? Dĩ nhiên là còn, kể cả
những đường binh trong tuyệt vọng, kinh hoàng nhất mà tay cựu KGB gian hùng
Putin sẽ không ngần ngại. Putin đã bắt đầu thay đổi chiến lược, quay qua đánh
kiểu thế chiến thứ hai, tức là đánh vào dân trong các thành phố lớn, tức là
tung ra những đòn khủng bố tinh thần dân. Theo kiểu Hitler bắn hỏa tiễn V-2 ào
ạt vào London, hay Mỹ thả bom phá nát các thành phố Đức.
Tuần rồi, Nga cô lập 300.000 dân thành phố Mariupol
khi bao vây và cắt đứt điện nước và đặt mìn chặn mọi đường tiếp viện, kể cả
tiếp viện thực phẩm và thuốc men, nhưng lại mở đường cho dân di tản qua… Nga!
Ngoài ra Nga cũng đã cho máy bay thả bom thẳng xuống một bệnh viện nhi đồng và
một viện bảo sanh luôn.
Putin cũng có thể mở rộng cuộc chiến vào khối NATO
khi mở mặt trận đánh 3 tiểu quốc vùng Baltic, hay ngay cả đánh Ba Lan luôn, tất
nhiên đưa đến đại thế chiến thứ ba. Tuy nhiên, kịch bản này không thực tế vì
Nga thật sự không đủ thực lực để tung ra đại chiến thứ ba, không chống cự được
Mỹ hơn nửa ngày, nếu cụ Biden chịu đánh.
Cuối cùng, Putin cũng có thể lên cơn điên nặng, sử
dụng vũ khí nguyên tử luôn. Dĩ nhiên đây là giải pháp … Nga tự sát vì sẽ bị bom
nguyên tử Mỹ diệt không kịp ngáp. Chưa nói đến kịch bản tệ hại nhất là các đại
cường tự sát tập thể, sẽ đưa đến cái chết của cả nửa nhân loại, ai biết được?
Nhìn vào cá tính của Putin, xác xuất Putin leo
thang bất kể sống chết, cao hơn xa xác xuất Putin xuống thang chiến cuộc, chấp
nhận rút về trong thất bại, để tính chuyện khác về sau.
Tất nhiên cũng còn hai kịch bản khác: một là Putin
đại thắng trong những ngày tới, Ukraine thất thủ toàn diện và thế giới chỉ còn
biết tổ chức các buổi lễ, đại khái im lặng hai phút để cùng nhau khóc ròng; hai
là Putin bị đảo chánh, là chuyện Âu Mỹ hy vọng khi ban hành các biện pháp chế
tài gây thiệt hại vĩ đại cho các đại tài phiệt Nga nắm quyền trong hậu trường
chính trị Nga. Ta đừng quên đã có một đại tài phiệt ra giá thưởng một triệu đô
cho ai giết được Putin. Kịch bản đại thắng là giấc mộng của Putin, trong khi
kịch bản đảo chánh là giấc mộng của Zelensky. Vì là những giấc mộng nên đều khó
thành sự thật, tuy vẫn có thể xẩy ra.
Nhiều người cũng đã hy vọng ở một giải pháp giúp cả
Nga lẫn Ukraine khỏi mất mặt trong khi mang lại hòa bình. Nga chính thức cho
biết sẽ rút quân ngay lập tức nếu Ukraine thực hiện ba chuyện: 1) sửa Hiến Pháp
để trở thành trung lập, không tham gia bất cứ liên minh kinh tế hay quân sự
nào, 2) Ukraine công nhận Crimea là đất Nga, và 3) Ukraine nhìn nhận Luhansk và
Donetsk là hai quốc gia độc lập. Trong ba điều kiện đó, Ukraine trước áp lực
của cả khối Âu-Mỹ, có thể phải chấp nhận ‘trung lập’, không tham gia vào NATO,
và nhìn nhận thực tế là Crimea đã là đất Nga từ năm 2014 rồi. Bây giờ Ukraine
có thể chấp nhận cho tổ chức trưng cầu dân ý tại Donetsk và Luhansk để có thể
viện cớ chấp nhận dân chủ, tôn trọng ý dân. Trong khi đó, Âu-Mỹ cũng nới lỏng
bớt các biện pháp trừng phạt Nga, kiếm cớ trì hoãn việc gia nhập Liên Âu hay
NATO của Ukraine, hay bất cứ xứ nào khác để xoa dịu Putin.
Vấn đề lớn là ai cũng hiểu như vậy Putin đã toàn
thắng, do đó khó cho TT Zelensky chấp nhận, cho dù đó là kịch bản duy nhất để
chấm dứt chiến tranh chết chóc, Ukraine còn bảo toàn được độc lập, và TT
Zelensky còn giữ được ghế tổng thống.
Có tin Pháp, Đức đang hợp tác với Trung Cộng để tìm
một giải pháp ổn thỏa cho tất cả. Một tia hy vọng cho nhân loại là trong cái
thế cưỡi lưng cọp của Nga, đã có vài nước nhìn thấy và đang tìm cách cứu Nga
cũng như cứu Ukraine và cứu cả thế giới. Không dễ nhưng còn nước còn tát.
Trong khi đó, phải nói ngay, khối Âu-Mỹ cũng không
khá hơn, cũng đang cưỡi trên lưng cọp.
Khi Putin đánh chiếm Ukraine, khối Âu-Mỹ tất nhiên
không thể ngó lơ được, vì hậu quả chắc chắn sẽ đi xa hơn biên giới
Ukraine.
Ở đây, không có chuyện thương hay ghét Ukraine,
phục hay chê TT Zelensky, do đó những tính toán kiểu này không có trong đầu các
chiến lược gia hay lãnh đạo Âu-Mỹ. Mà vấn đề hết sức thực tế là nhìn vào kinh
nghiệm Georgia và Crimea, và tham vọng cá nhân lộ liễu của Putin, khối Âu-Mỹ
hiểu rõ nếu khoanh tay ngồi nhìn Putin múa võ Sơn Đông, thì sau khi quy phục
được Ukraine, tất nhiên Putin sẽ chỉa mũi súng qua vài mục tiêu khác, bắt đầu
bằng các xứ trong Liên Bang Xô Viết cũ, sau đó ai biết được, cả Liên Âu không
chừng? Cứ thế tiếp tục, từng bước từng bước Đế Chế Putin sẽ thống trị cả Âu
Châu. Trừ phi khối Âu-Mỹ nhất trí diệt giấc mộng của Putin từ trong trứng nước.
Đưa đến vấn nạn là… biết là phải làm một cái gì,
nhưng lại không biết phải làm gì và có thể làm gì.
Thực tế mà nói, dưới khiá cạnh quân sự, Liên Âu và
NATO không phải là đối thủ của Nga. Nếu có đại chiến thứ ba xẩy ra, vẫn chỉ là
nước Mỹ gánh trọn cuộc chiến như trong thế chiến thứ nhất và thứ nhì thôi. Mà
Mỹ trong tình trạng hiện hữu, dưới thời cụ lẩm cẩm Biden mà trọng tâm là bắt
lính Mỹ học tập không phải về cách bắn súng, mà là về ‘văn hóa thức tỉnh’,
không được kỳ thị màu da, kỳ thị phụ nữ, kỳ thị đồng tính, kỳ thị chuyển giới,…
đã biến quân lực Mỹ thành một nồi cháo lính kiểng quái lạ nhất quân sử thế
giới.
Ngồi yên không được, mà mang lính đánh cũng không
xong, tiến thoái lưỡng nan. Phải làm gì? Mỹ và Âu Châu đưa ra chiêu mới: tung
ra hai mặt trận: 1) một mặt trận kinh tế qua hàng loạt biện pháp trừng phạt
kinh tế, dĩ nhiên là không thể tiêu diệt được cả nước Nga, nhưng chỉ cốt gây
khó khăn cực kỳ lớn cho cuộc sống thường ngày của dân Nga, cũng như mang lại
những thiệt hại tài chánh vĩ đại cho các tài phiệt hậu thuẫn Putin, đưa đến
chống đối, áp lực chấm dứt chiến tranh, hay thậm chí đảo chánh lật đổ Putin
ngay trong nội bộ xứ Nga; và 2) một mặt trận quân sự nhưng hoàn toàn mang tính
‘chiến tranh ủy nhiệm’, tới tấp viện trợ súng đạn và vũ khí có tính tự vệ để
giúp Ukraine không phải đánh thắng Nga (tuyệt nhiên tránh né mọi đụng chạm
thẳng vào quân lực Nga) mà chỉ giúp Ukraine kéo dài thời gian tự vệ, cầm cự,
chờ cho các biện pháp trên mặt trận trừng phạt kinh tế có hiệu ứng để thương
thảo.
Thời buổi này, kinh tế chưa bao giờ chi phối các
quốc gia mạnh như bây giờ, do đó, chưa bao giờ có hậu quả quan trọng như bây
giờ. Đó là tin tưởng và kỳ vọng của khối Âu-Mỹ.
Sách lược này, nói dễ làm khó, và các quốc gia
Âu-Mỹ bắt buộc phải đu giây, cân nhắc tới đâu thì hữu hiệu trong việc cản đà
tiến của quân Nga, tới đâu thì đã đi quá xa, có nghĩa là đã ép Putin vào chân
tường để tay này lên cơn điên làm càn.
Chưa hết. Khi nói tới khối Âu-Mỹ thì ta phải hiểu
đó là gần ba chục quốc gia hoàn toàn độc lập, toàn là những ‘ông trời con’, với
những quyền lợi kinh tế và an ninh chung thì ít mà riêng biệt thì nhiều. Nôm na
ra cho dễ hiểu, nghĩa là ta cũng đang thấy khối Âu-Mỹ đu giây, cưỡi lưng cọp.
Mà không phải chỉ có một người trên lưng một con cọp, mà là gần ba chục ông tây
trên hơn ba chục con cọp.
Một thí dụ cụ thể nhất cho tình ‘đoàn kết’ của
NATO. Hung là thành viên của NATO nhưng công khai tuyên bố trung lập trong cuộc
chiến Nga-Ukraine. Hung ra luật cấm viện trợ vũ khí cho Ukraine, và cũng cấm vũ
khí của NATO được chuyển cho Ukraine qua đất hay không phận Hung. Hung cũng từ
chối không chịu giảm lượng dầu mua của Nga.
Thêm một thí dụ biểu tượng nữa. CNN loan tin Biden
đồng ý cho NATO gửi máy bay chiến đấu qua giúp Ukraine. Nhưng ngay sau đó, tổng
thư ký NATO cho biết NATO sẽ không gửi máy bay tác chiến nào cho Ukraine hết,
và sẽ không có chuyện NATO ra lệnh đóng cửa không phận Ukraine vì như vậy có
nghĩa là sẽ phải bắn hạ máy bay Nga, tức là đánh thẳng với Nga. NATO cũng cho
biết quyết tâm giới hạn chiến sự trong vòng Ukraine, không để lan ra NATO, và vũ
khí gửi cho Ukraine toàn là vũ khí tự vệ, kể cả hỏa tiễn chống chiến xa hay
súng cao xạ chống máy bay. NATO không cho phép viện trợ máy bay cho Ukraine vì
máy bay là vũ khí tấn công, có thể bay qua không phận Nga, đánh bom các căn cứ
hay thành phố Nga.
Hiển nhiên, NATO là con cọp già, mỗi ngày mỗi rụng
vài cái răng.
Rõ nét nhất về phân hóa trong khối Âu-Mỹ là việc Mỹ
và Anh ngưng mua dầu của Nga, nhưng cả Liên Âu vẫn tiếp tục mua. Cả Âu Châu vẫn
phải chịu cái vòng Kim Cô dầu hỏa và dầu khí trên đầu, chịu sự sai khiến của
Nga, làm mạnh chính mình sẽ bị Nga siết vòng, vỡ đầu, chết trước. Đặc biệt là
Đức chống lại rất mạnh việc ngưng mua dầu Nga. Nga hiện nay cung cấp hơn một
nửa nhu cầu dầu hỏa và dầu khí của cả Âu Châu, làm sao Âu Châu có thể ngưng mua
dầu Nga được?
Còn Mỹ thì sao? Cụ Biden và đảng DC đang tính toán
gì?
Tin thời sự cho thấy nhiều chuyện ý nghĩa trong nội
bộ chính quyền Biden.
CBS là cơ quan truyền thông đầu tiên loan tin ngoại
trưởng Mỹ, ông Blinken cho biết Mỹ đang nói chuyện với Ba Lan để viện trợ máy
bay phản lực chiến đấu cho Ukraine: Ba Lan sẽ tặng phản lực MIG và SU cũ của Ba
Lan cho Ukraine, rồi Mỹ sẽ tặng/bán phản lực F-16 mới của Mỹ cho Ba Lan. Sau
đó, có tin Ba Lan đề nghị và sẵn sàng chuyển ngay tất cả 28 máy bay phản lực cũ
của không lực Ba Lan qua căn cứ Rammstein của Mỹ bên Đức, đặt tất cả máy bay
này dưới sự điều động của Mỹ trong khi chờ Mỹ thay thế bằng F-16 của Mỹ.
Ukraine chỉ có thể nhận máy bay MIG vì phi công Ukraine chỉ được huấn luyện lái
MIG thôi, viện trợ máy bay Mỹ thì vô ích. Nôm na ra, Ba Lan không gửi máy bay
thẳng cho Ukraine mà bán cái qua cho Mỹ. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Mỹ lại cho
biết đây chỉ là ý kiến của Ba Lan mà Mỹ không đồng ý.
Giữa bộ trưởng Ngoại Giao Blinken và bộ trưởng Quốc
Phòng Lloyd đã có chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược, và cuối cùng cụ Biden
đã quyết định chống việc cấp MIG cho Ukraine vì sợ Putin coi như hành động đánh
thẳng vào Nga. Cụ Biden đã tuyên bố bằng mọi giá, sẽ tránh không để xẩy ra thế
chiến thứ ba. Nhiều chuyên gia lo ngại việc khẳng định này sẽ khiến Putin trở
nên bạo gan hơn và hung hãn hơn. đánh nhau với một tên ăn cướp thô bạo nhất mà
cứ khăng khăng tuyên bố "tôi chỉ muốn hòa bình, không muốn đánh ai hết"
thì kết quả sẽ ra sao?
Dù sao thì như diễn đàn này đã viết, cuộc
chiến Ukraine chính là món quà vĩ đại nhất mà Putin có thể tặng cho cụ Biden và
đảng DC. Dân Mỹ luôn luôn đoàn kết lại sau lưng tổng thống mỗi khi có chiến
tranh với một nước ngoài, trong khi cuộc chiến chiếm hết trang nhất của tất cả
các báo khiến thiên hạ quên bẵng đi những thất bại khổng lồ của cụ Biden trong
năm đầu của cụ, mà cũng giúp lý cớ cho cụ vua đổ thừa Biden có dịp đổ thừa việc
xăng và nhu yếu phẩm tăng giá đồng loạt lên đầu Putin.
Dĩ nhiên, dân Mỹ với cái kiên nhẫn của những đứa
trẻ 3 tuổi, sẽ quay qua chống tổng thống nếu chiến tranh kéo dài. Nhìn vào TT
Johnson trong chiến tranh VN, hay TT Bush con trong chiến tranh Iraq thì biết.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, chiến tranh Ukraine là cách duy nhất có thể cứu sống
đảng DC trong mùa bầu quốc hội cuối năm nay, và có thể cứu cụ Biden trong năm
2024.
Do đó, bất thình lình ta thấy cụ Biden mọc xương
sống, cùng với bà Pelosi và ông Schumer, trở nên diều hâu lớn, hùng hổ chống
Nga kịch liệt, sẵn sàng đơn phương không mua dầu Nga, bất cần hậu thuẫn của
đồng minh Liên Âu.
Thái độ hung hãn bất ngờ của cụ Biden khá nguy hiểm
vì đây là hành động leo thang chiến tranh, chẳng ai biết sẽ leo bao cao, nhưng
cụ Biden và đảng DC đã tự cài mình vào thế phải nhẩy lên lưng cọp để khỏi chết
vì những thất bại của chính họ trước đây. Và rồi ta sẽ nghe khua chiêng trống
rầm rộ về cái ‘can đảm vô song’ của cụ Biden đã dám nhẩy lên lưng cọp, dám lấy
quyết định sẽ đưa giá xăng lên cao rất hại cho dân Mỹ, nhưng chấp nhận đó là
‘cái giá phải trả để bảo vệ tự do cho nhân loại’.
Chiến tranh Ukraine đúng là một quyết định cực kỳ
phiêu lưu của Putin, đưa cả thế giới vào thế kẹt không ai thấy lối thoát. Ngay
cả báo phe ta Washington Post cũng đã có bài nhận định, nhìn nhận không ai biết
cuối cùng chiến tranh Ukraine sẽ đi về đâu, chấm dứt như thế nào.
Trong khi đó, đối đầu với tay khùng Putin lại là
một cụ già nhất và lẩm cẩm nhất trong lịch sử 46 đời tổng thống Mỹ! TT Obama
nói không sai: “Bầu cử tất có hậu quả”. Bên Nga, bầu cử cuội đưa
một tân Hitler lên nắm quyền; bên Mỹ, bầu cử gian lận đưa một tân Chamberlain
lên nắm quyền. Lịch sử tái diễn với thế chiến ?
ĐỌC THÊM:
Putin đánh giá sai lầm – Fox News:
Hậu quả đáng sợ nếu Putin thất bại – The Wall
Street Journal:
Những kịch bản chẳng cái nào tốt – The Guardian;
Không ai nhìn thấy lối thoát – Washington Post:
DIỄN ĐÀN TRÁI CHIỀU
VŨ LINH
Nhận xét
Đăng nhận xét