Bản di chúc không bao giờ thực hiện được

Bản di chúc không bao giờ thực hiện được

Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp xúc với những chiến sĩ bảo vệ thủ đô Kiev ngày 27/02/2022


Trần Khánh Ân

Khi chưa tiến hành xâm lược Ukraine thì Putin nghĩ rằng có thể chiếm đươc Kiev trong một thời gian ngắn, ông ta nghĩ rằng Zelensky sẽ bỏ chạy và tạo ra phản ứng hỗn loạn, đất nước Ukraine sẽ như rắn không đầu và ông ta sẽ chiếm được Kiev và các thành phố lớn một cách dễ dàng và lập ra một chính quyền tay sai.

Nhưng dự tính ban đầu của Putin hoàn toàn sai lầm, người Ukraine kháng cự rất mạnh mẽ chứ không chịu đầu hàng. Nếu Putin bất ngờ vì điều này thì chỉ có một giải thích : Putin không hiểu người Ukraine, thiếu hiểu biết về lịch sử quan hệ của hai nước. Và sau cùng là hiểu sai về thực tại do những báo cáo không thành thực của cấp dưới về tình hình của Ukraine. Đây là một đặc tính khá nổi bật của những chế độ độc tài, người ta chỉ muốn nghe những gì người ta muốn nghe, nên đã chỉ có những báo cáo hợp nhỉ đến với Putin. Cuối cùng mọi sự diễn ra không như ông đã ta tưởng tượng ban đầu.
Người dân Ukraine đã chiến đấu dũng mãnh hơn những nhận định ban đầu của những người Việt Nam ủng hộ Putin khi thấy tương quan lực lượng quá chênh lệch.
Sự kiện người Việt ủng hộ kẻ mạnh một lần nữa lại nhắc nhở chúng ta về một khoảng lịch sử đáng xấu hổ của trí thức Việt Nam thập niên 1930, ủng hộ Đức quốc xã và Liên Xô một cách mê cuồng. Sở dĩ nhiều người Việt không biết đến chi tiết về nhiều trí thức khi đó ủng hộ Đức quốc xã là vì những chủ thuyết điển hình như "dân tộc sinh tồn" của Trương Tử Anh và nhân sự của tổ chức này đã bị thủ tiêu và bị gạt ra bên lề lịch sử trong cơn điên cuồng của chủ nghĩa cộng sản. Và ngay lúc này -cái hiện tại mà sau này chắc chắn nhiều người Việt sẽ phải làm những cố gắng lớn để quên đi- con số ủng hộ Putin cũng không hề nhỏ. Người ta bàn luận về cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine như bàn luận một trận bóng đá, người ta đã mất hết cảm nhận cơ bản về đạo đức, và còn lẫn lộn những giá trị về đạo đức. Mê cuồng bạo lực nhưng lại muốn yên ổn. Tâm hồn thì muốn gieo rắc bom đạn nhưng ngoài miệng thì kêu gọi hòa bình. Có phải bởi vì sống quá lâu với những điều giả dối khiến người Việt Nam trở nên giả dối và vô cảm ?
Ukraine : những đoạn sử bi tráng và mối thâm thù không thể quên
Ngày hôm nay Putin sa lầy tại Ukraine là điều hoàn toàn không hề bất ngờ nếu nhìn lại những đoạn sử bi tráng của người Ukraine : những đoạn sử tang thương mang tên "nước Nga". Cho tới hôm nay người Ukraine đã chiến đấu kiên cường một cách khó tưởng tượng trong mắt nhiều người. Thái độ quyết tâm chiến đấu đó của người Ukraine do đâu mà có ?
 
Tượng Nữ hoàng Ekaterine II tại Odessa được dựng từ thời Liên Xô

Trong đoạn sử ngắn 400 năm trở lại đây, tính từ thời Nữ hoàng Ekaterine ll (Catherine II) của Nga - một phụ nữ Đức độc ác, tổ chức đảo chính chồng mình là Sa hoàng Pyotr lll để cướp ngôi. Ekaterine ll đã thi hành chính sách diệt chủng và áp đặt tiếng Nga cực kỳ thô bạo lên Ukraine. Tên nước Ukraine cũng từ đó mà có (Ukraine nghĩa là vùng lên) từ một khẩu hiệu, vùng lên để chống lại nước Nga.
Thời kỳ Liên Xô, Ukraine vốn đã có sẵn tinh thần chống Nga, họ không muốn hợp tác với Nga nên xảy ra cuộc chiến năm 1920-1922. Trong cuộc chiến này người ta ước lượng khoảng hơn 1 triệu người Ukraine bị chết (một con số rất lớn với dân số khi đó).
Cho tới năm 1930 thì một lần nữa người Ukraine nổi dậy chống lại sự sáp nhập vào Liên Bang Xô Viết, lần này Stalin đã thi hành chính sách vây bọc, cắt lương thực khiến cho khoảng 3-6 triệu người Ukraine bị chết đói. Không chỉ dừng lại ở đó, vào năm 1942 khi nước Nga bị Đức tấn công thì người Ukraine lại nổi dậy một lần nữa trong cố gắng tách khỏi Liên Bang Xô Viết. Một nửa dân số của Ukraine đã chết trong cuộc chiến đấu chống Nga. Đó là một thảm kịch vô cùng đau thương với bất kỳ một dân tộc nào. Nếu cần phải làm một bản tổng kết về lịch sử thì có lẽ trên thế giới này không có một dân tộc nào bị xâm lược, đàn áp dã man như dân tộc Ukraine.
Đối với người Ukraine thì việc chống Nga là một phản xạ, là một bổn phận thiêng liêng với mối thù truyền kiếp. Sự chống đối Nga mãnh liệt tới mức mà một người như Stalin cũng phải thừa nhận Ukraine không phải là một thành phần của nước Nga và phải để Ukraine gia nhập Liên Hiệp Quốc. Bây giờ giả sử một nước khác xâm lược thì chưa chắc người Ukraine đã bất chấp tất cả để chiến đấu như vậy, nhưng với Nga thì lại khác – một mối thù truyền kiếp, không đội trời chung, một phản xạ tự nhiên có từ khi sinh ra làm người Ukraine. Đó là lý do tại sao tôi sử dụng cụm từ "Người Ukraine sẽ đồng quy vu tận với Nga" khi Putin phát động cuộc xâm lược.
Nhà hát Opera Odessa 1942 và ngày nay

Sự kiên cường, bướng bỉnh của người Ukraine là một thách thức không thể nào chịu nổi của Nga qua nhiều thời kỳ. Việc khuất phục người Ukraine đã luôn là "bản di chúc" truyền đời của những lãnh đạo người Nga - một "bản di chúc" không thể thực hiện.
Nhà hát Opera Odessa luôn mở cửa chào đón người Nga tới để cùng viết tiếp những khúc ca bi tráng.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025