Cuộc tranh hùng giữa các đại cường và các vấn đề chiến lược

Cuộc tranh hùng giữa các đại cường
và các vấn đề chiến lược

Tác giả: CAO TUẤN


Thế giới có ít nhất 3 điểm nóng có thể bùng lên thành bão lửa : Ukraine, Bắc Hàn và Đài Loan. Lửa đã bắt đầu cháy ở Ukraine, hai chỗ kia âm ỉ nhưng có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Cả 3 nơi này đều liên quan đến sự tranh chấp quyền lực và quyền lợi của một vài cường quốc. Thế giới sẽ đi về đâu?

Thế giới có ít nhất 3 điểm nóng có thể bùng lên thành bão lửa: Ukraine, Bắc Hàn và Đài Loan.

Tranh bá hay tranh hùng? Tay đôi hay tay ba?

Thế giới hiện có trên dưới 10 đại cường gồm cả 2 Siêu Cường (tiếng Anh gọi là Superpowers) vượt xa các nước khác về sức mạnh kinh tế, quân sự, ảnh hưởng chính trị. Mỹ số 1, Tầu số 2. Số 1 là số 1 nhưng không có nghĩa là làm bá chủ thế giới. Khi Donald Trump của nước Mỹ phải đi vạn dậm để cầu hòa với Kim Jong-un của Bắc Hàn thì Mỹ rõ ràng không phải là bá chủ – có quyền lực ra lệnh bắt thiên hạ phải phục tùng.

Mà không phải riêng Bắc Hàn có hỏa tiễn gắn đầu đạn hạt nhân nên dám thách thức Mỹ, ít nhất trên dưới 10 quốc gia trên thế giới ngày nay cũng có khả năng gây chiến tranh nguyên tử như Bắc Hàn, nếu muốn. Mưu đồ bá chủ thế giới trong điều kiện hiện tại gần như là chuyện là bất khả.

Cuộc tranh chấp, tranh đua Mỹ – Tầu, vì thế, không phải là “tranh bá”, mà là “tranh hùng” – tranh nhau làm đệ nhất siêu cường.

Tầu muốn thay Mỹ làm đệ nhất siêu cường và Mỹ tất nhiên muốn giữ nguyên trạng, tìm cách chống lại.

Mỹ và Tầu có thể hoán đổi vị trí số 1 và số 2 trong khoảng một thập niên và nếu việc này xẩy ra thì chủ yếu do Mỹ mệt mỏi vì chuyện nội bộ nên mất khả năng và ý chí trong khi Tầu đã chuẩn bị từ lâu một cách rất có kế hoạch, bài bản cho cái cơ hội “ngàn năm một thuở” – Làm số 1 đối với 1.400 triệu người Tầu nói chung và Tập Cận Bình nói riêng đồng nghĩa với “rất nhiều quyền lợi” và “tột đỉnh vinh quang”. Đã gần tới đích, lẽ nào chịu bỏ cuộc?

Nga có kho vũ khí hạt nhân ngang ngửa Mỹ, có diện tích lớn nhất thế giới nhưng Nga không được coi là siêu cường số 3 dù Nga rất muốn như vậy. Lý do chính: kinh tế Nga yếu, mức phát triển thấp. Tính đến 2020 theo Wikipedia, Nga có dân số 144 triệu, tổng sản lượng GDP 1.483 tỉ đô la so với Tầu có dân số 1.402 triệu, GDP 14.720 tỉ đô la. Nga đại khái chỉ còn bằng 1/10 Tầu theo 2 thước đo quan trọng này.

Tình thế đã hoàn toàn đảo ngược nếu so sánh với hơn 70 năm trước – cuối năm 1949, khi Mao Trạch Đông, vốn rất kiêu ngạo, đã phải nhẫn nhục chầu chực ở Moscova suốt 2 tháng để xin Stalin viện trợ xây dựng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa mới thành lập. Muốn thị uy với với Mao là một lý do nhưng lý do chính có lẽ là Stalin đã nghĩ đến một ngày Tầu trở nên quá mạnh. Cái ngày ấy thực sự đã đến.

Nga, bây giờ, chỉ có thể ngồi cùng chiếu đại cường với Anh, Pháp, Nhật, Đức, Ấn Độ đặc biệt hơn một chút là cùng chứ không thể đòi “qui chế siêu cường” ngang với Tầu và Mỹ.

Dĩ nhiên nước Nga của Putin bất mãn vì cảm thấy bị coi thường, lại càng bực bội vì thêm nỗi luyến tiếc hào quang siêu cường đế quốc sô viết cũ.

Nước Nga của Putin cũng phải lo ngại cả tình hình cả 2 đầu Đông, Tây. Putin không thể tiếp tục làm Tổng thống nếu không giải quyết được vấn đề an ninh chiến lược cho nước Nga.

Phía Đông, nước Tầu càng ngày càng mạnh thêm, Nga không còn mong gì phát triển theo hướng đó. Giữ được nguyên trạng là may nhưng nhiều phần là sẽ không giữ nổi. Hòa hoãn, thân hữu Nga – Tầu chỉ là tạm thời và bề ngoài. Vì cần tập trung đối đầu, tranh đua nước rút với Mỹ, Tầu làm ngơ chưa “hỏi tội” Nga nhưng một ngày nào đó, có thể rất gần, sẽ tính sổ nợ, những món nợ lịch sử, địa lý – cả vốn lẫn lời – với Nga.

Tầu đã thâu hồi được tất cả các nhượng địa, tô giới, lãnh thổ mất vào tay ngoại nhân ngoại trừ những phần đất mất vào tay đế quốc Nga hay đế quốc Sô Viết trong các thế kỷ trước.

Hải cảng Vladivostok quan trọng nhất của Nga trên Thái Bình Dương trước kia là hải cảng Hải Sâm Uy của Tầu.

Một triệu rưỡi cây số vuông đất Ngoại Mông (rộng gần bằng 3 lần nước Pháp) Nga đã “cướp đoạt” của Tầu để làm thành nước Cộng Hòa Mông Cổ (the Republic of Mongolia), một quốc gia vệ tinh của Nga, một căn cứ lớn của Nga án ngữ cả mặt Bắc nước Tầu.

Biên giới lịch sử sóng gió dài mấy ngàn cây số giữa hai dân tộc Nga – Tầu nhất thiết sẽ phải vẽ lại…

Nước Tầu lúc nhúc người lại cũng… “cần” tài nguyên quặng mỏ, khí đốt, các nguồn nước của vùng Tây Bá Lợi Á. Nếu Tầu có dòm ngó hay thèm thuồng phần đất này của Nga thì cũng chẳng khác Nga đã từng dòm ngó, thèm thuồng (và tranh nhau với Nhật trước đây) vùng đất Mãn Châu của Tầu. Chỉ là lịch sử lập lại theo chiều hướng khác do tương quan sức mạnh thay đổi giữa các dân tộc sống cạnh nhau. Dân tộc nào mà không muốn “không gian sinh tồn” tốt cho mình nhất?

Trong khi “mặt Đông” vẫn còn yên tĩnh” thì “mặt Tây” không được như vậy. Liên Xô sụp đổ kéo theo sự sụp đổ của tổ chức liên minh quân sự WARSAW. Các nước Đông Âu lần lượt thoát cũi, sổ lồng. Xung đột ý thức hệ Cộng Sản-Tư Bản đã chấm dứt ở Âu Châu nhưng liên minh quân sự NATO, lập ra cốt để chống Liên Xô, đối lực của WARSAW, đã không giải tán. Ngược lại còn tiếp tục mở rộng cửa thâu nhận các nước vốn là thành viên cũ của khối Cộng Sản Đông Âu thêm cả các nước mới ly khai khỏi Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Sô Viết như trường hợp 3 nước Estonia, Latvia, Lithuania, nâng tổng số từ mười mấy thành viên lên tới 30 quốc gia – mặc cho Nga ngăn cản.

Nga không thể không cảm thấy bị chèn ép, bị ngăn chặn, bị cô lập hóa, bị bao vây bởi các lực lượng và căn cứ quân sự của NATO áp sát biên giới. Hiển nhiên vì các lý do địa-chính-trị (geo-politics), những ám ảnh lịch sử về các cuộc chiến tranh tranh giành lãnh thổ, quyền lợi, ảnh hưởng, những xung đột vì chủng tộc, tôn giáo hay ý thức hệ ở lục địa này trong mấy thế kỷ vừa qua, kể cả 2 cuộc thế chiến , các nước Âu Châu, nhất là các nước lớn, vẫn xem nước Nga là một đe doạ, một đối thủ tiềm năng, cần bị kiềm chế và làm cho yếu hơn nữa.

Điều này cũng dễ hiểu vì dù cho GDP của Nga còn kém Đức, kém Anh, kém Pháp, kém cả Ý, dù cho dân số 144 triệu của Nga ngày nay chưa bằng nửa dân số Liên Xô cũ, Nga vẫn là gã khổng lồ ở Âu Châu, lãnh thổ rộng lớn gấp mấy lần lãnh thổ của 48 quốc gia Âu Châu gộp lại, sức mạnh quân sự và vũ khí hạt nhân, thừa hưởng từ Liên Xô, hoàn toàn đủ sức khống chế toàn Âu Châu – nếu thiếu vắng sự hiện diện trọng yếu của nước Mỹ như là một thành viên trụ cột của NATO

Sự việc Nga xâm lăng Ukraine đang diễn ra, khá đột ngột nhưng không nên ngạc nhiên. Ukraine đang vận động để trở nên thành viên của EU và cả NATO. Nga cảm thấy thương tổn và bị đe doạ. Ukraine quan trọng đặc biệt với nước Nga.

Một vài sự kiện có ý nghĩa:

Trong 15 xứ cộng hòa (tiểu bang) hợp thành Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Sô Viết có chiều dài lịch sử 70 năm (1922-1991), Ukraine đã luôn luôn là cộng hòa trọng yếu thứ hai, chỉ sau cộng hòa Nga.

Trong số 8 lãnh tụ của đảng cộng sản Liên Xô thay phiên nhau cầm quyền có tới 3 nhân vật gốc gác từ Ukraine là Khrushchev, Brezhnev và Chernenko.

Trận Kiev 1, năm 1941, Liên Xô mất Kiev vào tay Đức Quốc Xã sau khi chịu thiệt hại hơn 600 ngàn quân, 44 sư đoàn. Trận Kiev 2, năm 1943, Liên Xô lấy lại Kiev với giá hơn 100 ngàn quân tử trận. Kiev 1 và 2 đều được xếp vào loại các trận chiến lớn nhất trong quân sử thế giới.

Trong tổng số 42 triệu dân Ukranians ngày nay có 8 triệu người là gốc Nga, khoảng 40% dân Ukranians sử dụng tiếng Nga trong gia đình

Ngao cò tranh nhau ngư ông đắc lợi

Sau khi Liên Xô tan vỡ, Ukraine trở thành một quốc gia độc lập, một thành viên của Liên Hiệp Quốc. Trắng trợn xâm lăng Ukraine là một việc sai trái, bất hợp pháp, đáng bị lên án và phải bị lên án.

Ukraine cũng không dễ nuốt. Xe tăng Nga có thể tràn ngập cả nước Ukraine. Chính quyền bù nhìn thân Nga có thể được dựng lên ở thủ đô Kiev. Người Ukraine vẫn tiếp tục kháng cự với sự yểm trợ vũ khí, tiếp liệu của các nước Âu Châu và Mỹ. Triển vọng là chiến tranh kéo dài – du kích và phản du kích. Nga sẽ phải đối diện với nguy cơ bị sa lầy và xuất huyết ở Ukraine như Liên Xô từng trải nghiệm ở Afghanistan – trước cả Mỹ và giống như Mỹ.

Tuy nhiên đừng chờ đợi Putin – lãnh tụ gian hùng không đối thủ, khống chế chính trường nước Nga hơn 2 thập niên – sẽ chấp nhận thất bại, ra lệnh rút quân và bị lật đổ.

Nên chờ đợi Putin mở rộng chiến tranh ngoài biên giới Ukraine, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, xâm lăng các nước chưa phải nhưng đang chuẩn bị gia nhập NATO như Georgia, Bosnia.

Nên chờ đợi quân Nga sẽ tập trung ở biên giới 3 nước Estonia, Latvia, Lithuania và có thể đe dọa tấn công cả Poland, Romania, Hungary, Czech Republic, Slovakia… đang là thành viên của NATO.

Nên chờ đợi Putin cố ý gây ra một đại khủng hoảng ở Âu Châu và cả thế giới, tạo không khí chiến tranh ảm đạm, lo lắng, bao trùm khiến kinh tế đình trệ, thị trường chứng khoán lao dốc…

Tất nhiên, Putin không muốn tự sát bằng chiến tranh nguyên tử nhưng nếu Kim Jong-un của Bắc Hàn, với kho vũ khí hạt nhân nhỏ bằng 1% hay 2% của Nga còn làm thế giới hoảng loạn, buộc Tổng thống Mỹ phải hạ mình ngồi thương thuyết tay đôi thì tại sao Putin lại không thể?

Vậy thực sự nước Nga của Putin muốn gì? Câu trả lời là:

– Muốn thương thuyết trong thế mạnh.

– Muốn NATO chấm dứt chính sách be bờ, bao vây, cấm vận và các biện pháp bất thân thiện khác đối với Nga.

– Muốn được tôn trọng và được chấp nhận là Nga cũng cần có một vùng ảnh hưởng riêng hoặc ít nhất một vòng đai an ninh.

Nếu sự thực đúng hoặc gần đúng như thế, thì đến lượt Tổng thống Joe Biden của nước Mỹ phải tự đặt câu hỏi và tự trả lời :

– Đối thủ chính của Mỹ trên thế giới hiện nay là Tầu hay Nga?

– Nga có mạnh như Liên Xô và Putin có mạnh như Stalin không?

– Nga và Mỹ có còn là kẻ thù Ý Thức Hệ phải tiêu diệt nhau không? Có quyền lợi xung khắc đến nỗi không thể làm bạn với nhau không?

– Mỹ có cần quá thận trọng và khe khắt với Nga như các nước Âu Châu không?

– Ngay cả NATO chấp nhận nhượng bộ những đòi hỏi của Putin thì Putin có cơ may nào tái lập đế quốc Sô Viết khi mà các nước Đông Âu đã sợ và chán cái chủ nghĩa cộng sản độc tài toàn trị tới tận cổ không?

– Nếu Mỹ phải dồn sức đối phó Nga ở Âu Châu thì còn bao nhiêu sức để đối phó Tầu ở vùng Đông Á ? Nếu Mỹ, Nga làm ngao, cò tranh nhau thì có phải Tầu là ngư ông hưởng lợi không?

– Nếu Tầu dùng kế “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo” để rồi “gió Đông thổi át gió Tây”, tại sao Mỹ không làm y như vậy, liên kết với Nga, (cùng gió Tây với nhau) mà thổi ngược lại?

– Thay vì mở cửa NATO thu nhận Ukraine làm thành viên, tại sao không khuyến khích Ukraine thực hiện chính sách độc lập và trung lập thân hữu với tất cả các bên như trường hợp Finland, Austria hay Switzerland? Trung lập mà có hòa bình chẳng hơn vào NATO mà chịu chiến tranh hay sao?

Cao Tuấn

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178