“BÁN NƯỚC” ĐỂ “CỨU ĐẢNG” QUA “HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ”
“BÁN NƯỚC” ĐỂ “CỨU ĐẢNG” QUA “HỘI
NGHỊ THÀNH ĐÔ”
Tác giả: Trần Trung Đạo
Sau chiến tranh biên giới, Đặng Tiểu Bình thay đổi cấp lãnh đạo, phương hướng phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng đến các nước tư bản tự do; trong lúc đó giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tự cô lập trong chuyên chính vô sản, lạc hậu trong thời bao cấp, tem phiếu, thu mua để rồi đưa đất nước đến thảm trạng nghèo đói tận cùng suốt thập niên năm 1980.
Khi Liên Xô trên đà sụp đổ, không còn
ai che chở, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại lần nữa tìm về nương náu
dưới chiếc bóng của đàn anh Trung Cộng.
Hội nghị bí mật tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 giữa phía Việt Nam gồm Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và phía Trung Cộng gồm Giang Trạch Dân và Lý Bằng.
Hội nghị này thực chất là lễ cam kết
một loại “công hàm Phạm Văn Đồng” khác.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang
Cơ phân tích một cách chi tiết các diễn tiến dẫn tới sự kiện Thành Đô trong hồi
ký của ông ta. Không ai, ngoài Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh, biết
chính xác nội dung hội nghị bí mật Thành Đô.
Tuy nhiên, qua thái độ nhu nhược và
phản ứng yếu hèn của giới lãnh đạo CSVN trước các hành động chiếm đảo, bắn tàu,
cắt dây cáp, giết người tàn nhẫn của hải quân Trung Cộng và mới đây bắt bớ hàng
loạt người Việt gióng lên tiếng nói bất bình, cho thấy nội dung bán nước trong
“công hàm Thành Đô” còn trầm trọng và chi tiết hơn cả “công hàm Phạm Văn Đồng”.
Trong lễ ký kết thỏa hiệp chiều ngày
7 tháng 11 năm 1991 tại Nhà khách Chính phủ Điếu Ngư Đài Bắc Kinh, Giang Trạch
Dân không quên nhắc nhở đến các cam kết cũ và xác định phương pháp mới trong
quan hệ Việt Trung như còn ghi lại trong Diễn Đàn Kinh Tế Việt Trung:
“Hoan nghênh các đồng chí Việt Nam
sang Trung Quốc hội đàm với chúng tôi. Các đồng chí là những người thuộc thế hệ
lãnh đạo lão thành của Việt Nam, cũng là những người bạn lão thành quen biết
của những người thuộc thế hệ lãnh đạo lão thành của Trung Quốc; điều đáng tiếc
là đã mười mấy năm chưa được gặp nhau. Tôi và đồng chí Lý Bằng một hai năm gần
đây tiếp nhận công tác của bậc tiền bối lão thành. Thật đúng là ‘trên sông
Trường Giang, ngọn sóng sau đẩy ngọn sóng trước, trên đời lớp người mới thay
lớp người cũ’. Nhưng chúng tôi hy vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể khôi
phục mối quan hệ mật thiết giữa hai Đảng và hai nước do những người lãnh đạo
thuộc thế hệ lão thành xây dựng nên."
Tại sao lãnh đạo Trung Cộng chấp nhận
sự quy phục của lãnh đạo CSVN?
Bởi vì:
1. Là thế hệ chứng kiến sự tranh
giành quyền lực giữa các lớp đàn anh, Giang Trạch Dân biết tham vọng quyền lực
đã hòa trong mạch sống, hơi thở, máu thịt của Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn
Văn Linh và giới lãnh đạo CSVN.
2. Không giống như thời Liên Xô chưa
sụp đổ, lần này đảng CSVN không còn một con đường thoát nào khác ngoài quy phục
TC.
3. Về an ninh lảnh thổ, Việt Nam là
hành lang chiến lược trong vùng Nam Á.
4. Vào thời điểm 1990, đối tượng cạnh
tranh của Trung Cộng không còn là Việt Nam mà là Mỹ, Đức, Nhật.
5. Mục tiêu bành trướng của Trung
Cộng cũng không phải chỉ là Hoàng Sa -Trường Sa mà là cả vùng Thái Bình Dương.
Đọc hồi ký của Trần Quang Cơ để thấy
mặc dù nhân loại sắp bước vào một thiên niên kỷ mới, nhận thức về chính trị và
bang giao quốc tế của các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam vẫn còn ngây thơ đến tội
nghiệp.
Năm 1990, khi Liên Xô và các nước
Cộng Sản Đông Âu như những cánh bèo tan tác ngoài cửa biển mà các lãnh đạo Cộng
Sản Việt Nam vẫn còn nghĩ đến việc liên kết với Trung Cộng chống đế quốc Mỹ:
“Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Lê Đức
Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên còn nhấn vào “âm mưu của đế quốc Mỹ sau cuộc
khủng hoảng chính trị ở Đông Âu” và “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội
chủ nghĩa cùng chống âm mưu đế quốc xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, phải cùng chống đế
quốc.”
Cũng vào thời điểm này, Đặng Tiểu
Bình đã viếng thăm và ký các thỏa hiệp kinh tế chính trị với các quốc gia tư
bản như Mỹ (1979), Anh (1984) cũng như mở rộng hợp tác kinh tế với Đức vừa
thống nhất và cựu thù Nhật Bản nhưng các lãnh đạo CSVN còn mơ mộng Trung Cộng
sẽ thay mặt Liên Xô giương cao ngọn cờ quốc tế vô sản.
Đặng Tiểu Bình không có mặt trong hội
nghị bí mật Thành Đô dù phía Trung Cộng đã hứa một phần vì y chưa nguôi cơn
giận chiến tranh biên giới nhưng phần khác cũng vì Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười,
Nguyễn Văn Linh không xứng đáng là đối tượng thảo luận trong tầm nhìn của y về
tương lai Trung Cộng và thế giới, nói chi là số phận Việt Nam.
Sau “công hàm Thành Đô” và tái lập
quan hệ giữa hai đảng vào ngày 7 tháng 11 năm 1991, các lãnh đạo CSVN thay
phiên nhau triều cống Trung Cộng. Lê Đức Anh sang Trung Cộng 28 tháng Giêng năm
1991, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt sang Trung Cộng 5 tháng 11 năm 1991 và gần như
hàng năm các lãnh đạo CSVN luân phiên nhau sang Trung Cộng để lập lại lời hứa
phục tùng.
Sau khi đặt đảng CSVN trở lại trong
vòng kiểm soát, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua
“Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho
cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa
(Trường Sa).
Ba tháng sau đó, ngày 8 tháng 5 năm
1992 Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone
của Mỹ, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục địa của
Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa. Trung Cộng cũng hứa với
công ty Creston sẽ bảo vệ bằng võ lực nếu Việt Nam can thiệp vào công việc của
họ.
Ngoài các hoạt động khai thác dầu khí
trong thềm lục địa Việt Nam, Trung Cộng còn ngang ngược ra lịnh cấm đánh cá,
thành lập các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa, và cho
phép hải quân Trung Cộng bắn giết ngư dân Việt Nam vô tội không phải chỉ một
lần mà rất nhiều lần.
Các lãnh đạo Việt Nam, lo cho sự sống
còn của đảng Cộng Sản, đáp lại bằng những lời than vãn gần như giống nhau sau
những lần Trung Cộng xâm phạm chủ quyền.
Tại sao Trung Cộng không ngang ngược
với Philippines, Mã Lai, Brunei, những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền
Trường Sa?
Bởi vì các quốc gia đó thật sự có chủ
quyền chính trị, chính phủ trong sạch được bầu lên một cách hợp pháp, có nhân
dân hậu thuẫn, có quốc tế kính trọng, có nhân loại cảm tình.
Một chiếc tàu đánh cá treo quốc kỳ
Nhật, quốc kỳ Phi làm hải quân Trung Cộng e dè, kiêng nể trong lúc tàu đánh cá
treo cờ đỏ sao vàng lại trở thành mục tiêu tác xạ.
Thật vậy, với một bên quyết tâm trả
thù cho “một trăm năm sỉ nhục” bằng chủ trương bành trướng khắp thế giới và một
bên chỉ mong được tiếp tục đè đầu cỡi cổ chính đồng bào mình.
Lãnh đạo Trung Cộng rất yên tâm vì họ
biết rõ ngày nào đảng Cộng Sản còn cai trị nhân dân Việt Nam ngày đó Trung Cộng
còn chi phối được Việt Nam.
Nicholas D. Kristof và Sheryl Wudunn,
đồng tác giả của Trung Hoa thức dậy (China Wakes: The Struggle for the Soul of
a Rising Power) nhận xét rằng xung đột có khả năng cao nhất sẽ dẫn đến chiến
tranh tại Á Châu là xung đột về các quần đảo trong Biển Đông.
Vì đặc điểm địa lý chính trị, chiến
lược quân sự và là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia tranh chấp đã trực
tiếp hy sinh xương máu trên hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam
được hầu hết các nhà phân tích nhận xét sẽ là điểm xuất phát của một cuộc tàn
sát chưa từng thấy ở Á Châu.
Để đối phó với một Trung Cộng đầy
tham vọng, hầu hết các quốc gia có quyền lợi trong vùng như Nam Dương, Mã Lai,
Philippines đang làm mọi cách để phát triển kinh tế, tăng cường khả năng quốc
phòng hầu ngăn chận bàn chân Trung Cộng.
Học sinh các lớp sử thường đọc Mạc
Đăng Dung đã cắt đất Vĩnh An, An Quảng gồm 6 động dâng cho nhà Minh để thuộc
vào Châu Khâm như đã ghi Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Sự kiện đó chưa hẳn đúng vì
Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết “Nay xét Khâm Châu chí của nhà Thanh, chỉ
thấy chép đời Gia Tĩnh (1522 - 1566), Đặng Dung nộp trả năm động Ti Phù, La
Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc mà thôi, chứ không thấy nói đến động An Lương.
Lại tra cứu đến Quảng Yên sách thì động An Lương hiện nay là phố An Lương thuộc
châu Vạn Ninh nước ta”. Mạc Đăng Dung, trong hoàn cảnh hai đầu đều có địch,
buộc phải trả lại năm động vốn là đất của Trung Hoa chứ chẳng dâng hiến phần
đất nào thuộc lãnh thổ Việt Nam mà còn cứu được đất nước khỏi lâm vào vòng lệ
thuộc ngoại bang. Dù sao, trong lúc “công hàm Mạc Đăng Dung” có thể có lý do
tranh luận, tội bán nước trong “công hàm Phạm Văn Đồng” quá hiển nhiên, rõ ràng
và chính tác giả khi còn sống cũng đã thừa nhận mình đã ký.
Trước đây sử gia Lê Văn Hưu đã thốt
lên câu đứt ruột trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Xin trời vì nước Việt ta sớm
sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà”. Nếu sử gia sống trong thời đại này, hẳn
ngài sẽ đổi thành “Xin trời vì nước Việt ta sớm đánh thức nhân dân để họ biết
đứng lên, tự làm chủ nước nhà.”
Trần Trung Đạo
Nhận xét
Đăng nhận xét