Lễ Tưởng Niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam (2008)
Lễ Tưởng Niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam
Diễn văn đọc trong lễ tưởng niệm tướng Nguyễn khoa Nam tại Houston, Texas ngày 4 tháng 5 năm 2008.
Hoàng Như Tùng - QYHD-6
Kính thưa liệt quý vị,
Kính thưa quý chiến hữu các cấp của QLVNCH,
Thưa quý bạn trẻ,
Trong gian phòng ấm cúng hôm nay chúng ta tưởng niệm các anh hùng vị quốc vong thân và đặc biệt là kỷ niệm lần thứ 33 húy nhật của thiếu tướng Nguyễn khoa Nam. Với vô vàn xúc động, tôi linh cảm anh linh của các vị quá vãng phảng phất đâu đây mặc dầu chúng ta không trông thấy, như thi hào Victor Hugo có nói “Les morts sont des invisibles mais non des absents.”
Gần gũi hơn, bên kia đường Bellaire, đài kỷ niệm chiến sĩ Việt Mỹ và quân cán chính bỏ mình vì tổ quốc đang chứng giám.
Câu nói đầu tiên của tôi là tôi xin cám ơn ban tổ chức đã cho tôi cơ hội hiếm có để nói đôi giòng về lịch sử cận đại của Việt Nam và sự thật về việc tuẫn tiết của Thiếu tướng Nguyễn khoa Nam, tư lệnh Quân đoàn IV kiêm vùng IV chiến thuật.
Về lịch sử, tôi xin có đôi lời giản dị để nói với các bạn trẻ về giai đoạn từ 1945 đến 1975. Đối với quí vị cùng thế hệ, tôi xin phép thưa rằng sự nhận định về các biến cố lịch sử là do chính kiến cá nhân mà trình bày. Nếu có điều gì không giống suy nghĩ của các bậc lão niên, các bậc uyên bác ở đây thì tôi thành kính xin quí vị cảm thông và lượng thứ.
Kính thưa quí vị,
Trước 1945 Việt Nam, Lào và Cam bốt trên bán đảo Đông dương (Indochina) là thuộc địa của Pháp. Ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật lật đổ Pháp và nước VN tuyên bố độc lập trong ảnh hưởng của Nhật. Giữa năm 1945 đệ nhị thế chiến kết thúc, với sự chiến thắng của phe đồng minh (Anh, Mỹ, Pháp, Trung hoa quốc gia) và chiến bại của phe Đức-Ý-Nhật (gọi là phe trục). Thừa lúc quân Nhật đầu hàng, lợi dụng khoảng trống chính trị lúc đó, mặt trận Việt Minh từ mật khu nhảy ra cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945 và thành lập nước VNDCCH (tiền thân của chính quyền cọng sản sau này).
Chưa đầy một năm sau, năm 1946, người Pháp trở lại Đông dương, không phải để đặt lại nền đô hộ như xưa nhưng nhằm biến các thuộc địa cũ như Việt Nam, Lào và Cam bốt thành những nước nằm trong Liên hiệp Pháp.
Những người không cọng sản và quan tâm đến vận mệnh đất nước thấy hai hiểm họa trước mắt: một là chủ nghĩa cọng sản đang bành trướng, hai là người Pháp trở lại với một hình thức có thể gọi là “thực dân mới”. Biết không thể nào đối đầu được với hai lực lượng ấy, một số chính trị gia đành chọn tạm thời hợp tác với Pháp, qua các thỏa hiệp. Vậy là chiến tranh bùng nổ:
một bên là Quốc gia VN, do cựu hòang Bảo Đại làm quốc trưởng, và người Pháp, một bên là mặt trân Việt Minh(cọng sản), mỗi phe cai quản vùng mà mình đã chiếm được, không có ranh giới rõ ràng về lãnh thổ.
Sau gần 9 năm chiến tranh, và với trận Điện biên phủ mà phe thắng là Việt Minh, một hội nghị được thành lập tại Genève (Thụy sĩ) năm 1954 với sự tham dự của đại diện Pháp, Anh, Nga (hồi đó gọi là Liên xô), Trung Cọng, và hai phe của VN: Quốc gia VN và nước VNDCCH (cọng sản).
Kết quả của hội đàm Genève là chấm dứt cuộc chiến và tạm thời chia nước VN thành hai lãnh thổ theo hai chế độ chính trị khác nhau:
- Từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc là lãnh thổ của nước VNDCCH theo chủ nghĩa cọng sản, sau lưng là khối cọng sản khổng lồ: Liên xô (Nga), Trung Cọng và các nước Đông Âu.
- Từ vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là lãnh thổ của nước VNCH (tên mới, thay thế cho “Quốc gia VN”), có các nước đồng minh, đứng đầu là Hoa kỳ, và các nước khác công nhận.
Người Pháp rút lui khỏi VN.
Súng đạn tạm vắng mặt trên quê hương chưa được 10 năm thì cọng sản Bắc Việt nhất định xúc tiến cuộc chiến tranh mà họ gọi bằng nhiều tên: chiến tranh giải phóng, chiến tranh để thống nhất đất nước, chống Mỹ cứu nước, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.” Họ được Liên Xô (tức là nước Nga bây giờ) và Trung Cọng tích cực yểm trợ. Để đương đầu với họ VNCH phải cần sự giúp đỡ của Thế giới Tự do, đặc biệt là Hoa kỳ.
Thực chất có phải là chiến tranh giải phóng không, hay chiến tranh ý thức hệ, hay chiến tranh xâm lược?
Tại hội nghị Genève năm 1954, ngày 12 tháng 5, ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định trong phái đoàn Quốc gia VN có nói với phái đoàn cọng sản, đại ý: lịch sử sẽ nói với quí vị rằng quí vị có thể dựa vào chủ nghĩa cọng sản để đưa đất nước thóat khỏi chế độ thuộc địa của Pháp (pour ne plus être une colonie francaise) nhưng nước VN sẽ thành một vệ tinh của nước Tàu (devenir un satellite de la Chine). Lời tuyên bố chính trị này đang dần dần rõ nét.
Ngày 30-4-75 mà cọng sản huênh hoang gọi là “đại thắng mùa xuân,” ngày mà họ cho là “mãi mãi về sau quê hương sạch bóng quân thù” thì ngoài khơi VN cờ Trung Cọng bay phấp phới trên đảo Hoàng sa. Tại hải đảo máu thịt này của tổ quốc, năm 1974 - ngày mà, sau hiệp định Paris 1973, quân đội Mỹ không còn dính vào chiến tranh quốc cọng - người chiến sĩ trung tá hải quân Ngụy văn Thà đã anh dũng bảo vệ đất nước và chết theo tàu khi kiêu hùng đánh trả quân thù. Gần đây Trung Cọng đã lập bản đồ hành chính tỉnh Tây sa, nuốt chửng Trường sa của VN.
Rõ ràng VN cọng sản không dám chống cự “đàn anh xã hội chủ nghĩa" của họ. Họ cùng nhau chiến đấu để bành trướng chủ nghĩa cọng sản. Đây là một cuộc chiến tranh ý thức hệ.
Đồng thời cũng là một cuộc chiến tranh xâm lược, vì sau hiệp định Genève VN đã trở thành hai nước, thì nước này đánh chiếm nước kia là xâm lược. Họ rêu rao chính phủ miền Nam là “ngụy”, là tay sai của Mỹ, nhưng chúng ta hãy nghe một nhân vật nổi tiếng của chính họ là giáo sư và sử gia Trần quốc Vượng trả lời phỏng vấn của đài BBC tháng 12 năm 2000:
Không thể gọi họ là ‘ngụy’ được. VNCH có quốc tế công nhận. Và sự việc đau thương nhất sau năm 1975 là không có hòa giải hòa hợp dân tộc. Bằng chứng là cả triệu người miền Nam bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người chết trên đường vượt biển, so với cái chết trên đường Trường sơn (vào những năm chiến tranh) còn hãi hùng và hào hùng hơn nhiều. Vì sao? Vì họ ra đi để tìm tự do!”
Và theo cuốn sách “Nhân Vật Lịch Sử,” cũng của phía cọng sản, xuất bản lần thứ 4 ở Hà nội năm 1997, thì từ đời Hùng Vương đến Cọng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tức nước VN bây giờ) có lúc VN là hai nước, VNDCCH và VNCH (xin nhắc lại, đây là tài liệu của chính phía cọng sản).
Như vậy chúng ta mất nước tháng 4 năm 1975 vì bị miền Bắc xâm lược với súng đạn của khối cọng sản, trong khi đồng minh chúng ta bỏ bạn giữa đường, núp bóng hiệp định Paris 1973 để an toàn rút lui. Không cứu được quốc gia, dân tộc, một số tướng lãnh đã tự kết liễu đời mình chứ không đầu hàng quân địch: tướng Hưng, tướng Hai, tướng Vỹ, tướng Phú và tướng Nguyễn Khoa Nam. Họ là những vị anh hùng của dân tộc.
Tướng Nam bên nội thuộc gia tộc Nguyễn Khoa là một họ lớn từ đời Nguyễn Hoàng, thời nào cũng có người tài ba giúp nước. Bên ngoại là họ Nguyễn Phước, hệ vua Minh Mạng nhà Nguyễn.
Từ khi ra trường võ bị ông là sĩ quan tài ba trong chiến tranh, chức vụ cuối cùng là Tư lệnh vùng IV chiến thuật kiêm Quân đoàn IV quân lực VNCH.
Ông là quân nhân gương mẫu tài đức song toàn hiếm thấy của quân đội. Ông cũng là người có khiếu về hội họa, âm nhạc và là một Phật tử thuần thành, hiểu sâu về triết lý của thiền. Ông đã thừa hưởng những di truyền tốt đẹp cả bên nội lẫn bên ngoại. Một người bạn thân của ông đã mô tả ông là “con giòng cháu giống” như người Pháp nói “Bon sang ne sait pas mentir.” Khách quan hơn, xin mượn lời một phóng viên kiêm sử gia Pháp là Pierre Darcourt: “Điều đầu tiên làm cho ta chú ý đến ông là ông có vẻ mặt của một chiến sĩ cao quí.”
Còn riêng tôi, duyên nào lại gặp tướng Nam vào những giờ bi đát của lịch sử tại vùng IV chiến thuật?
Tôi vốn là người ở cùng làng với ông, làng Vỹ dạ, nơi mà tộc Nguyễn Khoa nhiều người cư ngụ. Thuở nhỏ tôi học cùng trường với ông, trường trung học Khải định Huế, sau ông 4 lớp. Bẵng đi thật lâu tôi mới gặp lại vào tháng 11-1974 khi ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh vùng IV còn tôi thì đang phục vụ tại quân y viện Phan Thanh Giản Cần thơ. Tôi cảm thấy vui vì được làm việc với người đàn anh đồng hương. Tôi định đến dinh để kính chào thăm viếng nhưng chưa kịp thực hành ý định thì Ban mê thuột mất, quân đòan II rút lui hỗn lọan, quân đoàn I vào tay quân cọng sản, chiến tranh lan đến quân đoàn III.
Tướng Nam rất phẫn uất. Ông đã trả lời nhà báo Pierre Darcourt: “Mọi người đang nổi giận, quân đội đang bị hạ nhục.”
Ngày 28-4-75, gặp tướng Pazzi trong đoàn ngọai giao Pháp tại Cần thơ, tướng Nam nói “Ông làm chứng giùm tôi, quân đoàn IV chúng tôi không thua, chính trị Saigon đã trói tay chúng tôi, bắt buộc chúng tôi phải thua.”
Tình hình quân sự biến đổi quá nhanh, tôi hoang mang nên tìm đến gặp vị tư lệnh để xin ý kiến.
Câu đầu tiên ông hỏi tôi:
“ Quân y có việc gì đó?”
Tôi đáp:
“ Thưa thiếu tướng tình hình đất nước quá xấu. Lãnh thổ quân khu IV có kế hoạch gì không?”
Ông bình tĩnh trả lời:
“Đừng lo, mình vừa đi họp với phái bộ tòa đại sứ Pháp. Sẽ có giải pháp ngọai giao, miền Tây không mất đâu, còn đầy đủ quân số tác chiến.”
Tôi toan xin phép ra về, không hiểu sao ông lại hỏi:
“ Nếu phải đánh nhau, Quân y tính sao?”
Tôi đáp:
“Xin tuân lệnh.”
Ông nói tiếp:
“Quân y cần gì?”
Tôi thưa:
“Nếu phải chiến đấu thì QYV không có phương tiện phòng vệ để chống lại pháo 122 ly của địch. Xin thiếu tướng cho công binh xây gấp hầm nổi kiên cố để làm phòng mổ và một máy phát điện dự phòng.
Ông đáp:
“Tôi sẽ ra lệnh thi hành gấp. Có thể BTM sẽ chuyển về Cần thơ.
Hầm giải phẫu nổi xây gần xong thì mất nước.
Sáng ngày 30-4-75 trong lúc các đơn vị trưởng đang họp tại phòng hội quân đòan IV để nghe Tư lệnh và Tư lệnh phó chỉ thị, thì tiếng loa phóng thanh loan tin tướng Dương văn Minh ra lệnh buông súng. Tướng Nam buồn bã thi hành lệnh thượng cấp. Đại tá Nguyễn đình Vinh, tham mưu trưởng quân đoàn, nghiêm trang nói to:
“Binh nghiệp chúng ta chấm dứt từ giờ phút này, xin quí vị dành cho thiếu tướng tư lệnh và tư lệnh phó lời chào kính cuối cùng.”
“ Nghiêm!”
Rồi tan hàng, rã ngũ.
Phần tôi nhiệm vụ chưa hết, tôi trở về đơn vị tiếp tục phần hành chuyên môn vì thương binh vẫn còn nhập viện, lòng buồn vô hạn, ngày mai không còn tự do, cọng sản sẽ dành cho người thua trận những gì? Riêng với các tướng Hưng, tướng Nam và các tướng lãnh khác không di tản, họ sẽ ra sao? Suy nghĩ mông lung mà lệ chảy lúc nào không hay.
Suốt ngày 30-4 vẫn chưa thấy bóng dáng Việt cọng. Cần thơ yên tĩnh một cách khác thường. 5 giờ 30 chiều QYV được tin tướng Nam sắp đến thăm thương bệnh binh. Ông vẫn mặc quân phục tác chiến, áo mũ vẫn còn thêu hai sao đen. Ông hỏi tôi:
“Anh còn ở lại?”
Tôi thưa:
“ Dạ, giống như thiếu tướng vậy.”
Ông bảo:
“Anh đưa tôi đi thăm anh em thương binh.”
Hai chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, lòng chĩu nặng. Nhà thương vắng hoe, bệnh nhân còn lại khoảng 200 người nằm rải rác khắp các trại, những người khác đã tự động về nhà. Ông thăm không sót một ai. Ngay cả trại dành cho thương binh cọng sản ông cũng vào đứng trầm ngâm, không nói một lời. Ôi nhân hậu làm sao!
Tiễn ông ra xe, tôi cầu mong chuyến về dinh bình an. Nếu gặp Việt cọng sự thể sẽ ra thế nào?
Đêm 30-4 không yên tĩnh như suốt ngày vừa qua. Quân nhân chưa rã ngũ mang súng bắn chỉ thiên loạn xạ, như để trút hết uất ức, căm thù. Người ta tưởng tướng Nam và tướng Hưng đánh úp VC.
Về khuya tiếng súng im. Đêm rơi vào im lặng, đêm dài tưởng chừng như bất tận. 11 giờ đêm tướng Hưng bắn vào tim quyên sinh tại nhà, vợ con có mặt. Phu nhân tướng Hưng báo tin ngay cho tướng Nam.
Vào khoảng 6 giờ sáng QYV Phan Thanh Giản được điện thoại từ dinh tư lệnh cho biết tướng Nam đã tuẫn tiết bằng súng lục Browning.
Tôi tuy đã dự đoán trước việc này nhưng vẫn bàng hoàng, đau thương trước cái chết của người anh hùng. Bằng xe hồng thập tự, chúng tôi rước xác thiếu tướng về để làm thủ tục khai tử, khâm liệm và an táng. Lần này đón thi thể của vị tướng tư lệnh là đủ mặt nhân viên QYV còn ở lại đơn vị. Ai nấy đều xúc động, rưng rưng nước mắt.
BS trực Trần quốc Đông (hiện ở Úc) làm tờ y chứng. Thủ tục khám nghiệm đã xong, QYV xúc tiến tang lễ. Kiểm điểm tư trang của người quá cố chỉ thấy:
-Một cuốn kinh Phật nhỏ đựng trong một túi nylon.
-Một khẩu súng lục hiệu Browning 7.2 mm
-Một thẻ bài kim khí cá nhân.
Ba món này đã được bỏ vào quan tài để làm vật lưu dấu phòng thất lạc thi hài người chết.
Toàn thành phố Cần thơ xúc động vì hai tướng Hưng, Nam tuẫn tiết. Hội Hồng thập tự, do BS Lê văn Thuấn làm chủ tịch, biếu hai quan tài loại tốt nhất, dành cho tướng Nam và BS Nguyễn văn Tựu, y sĩ đại úy thuộc quân đoàn IV, bị VC sát hại đêm 30-4-75.
Thi thể tướng Nam được trang trọng đặt nằm trên một brancard có trải drap trắng. Ông nằm như ngủ, mặt hiền từ trắng xanh, tay chân còn mềm. Bên cạnh là thi hài của bác sĩ Tựu.
Bàn thờ hai vị được thiết lập đơn sơ nhưng trang nghiêm, có nhang thơm nến cháy. Toàn thể nhân viên QYV buồn bã nghiêng mình tiễn đưa vị anh hùng và người thầy thuốc chết vào giờ thứ 25 của cuộc chiến.
Nắp áo quan đóng lại. Anh em sĩ quan, trong đó có tôi, khiêng quan tài tướng Nam và BS Tựu ra xe dân sự tiến về phía nghĩa trang quân đội Cần thơ. Hướng dẫn xe tang và chỉ huy lễ hạ huyệt do thiếu tá dược sĩ Mai bá Vỵ sĩ quan CTCT thi hành. Một bán tiểu đội cơ hữu của QYV phụ trách việc đào huyệt. Rất may tang lễ được hoàn tất trước khi người của chế độ mới vào tiếp thu BV.
Trước khi bước vào phần kết thúc tôi xin phép được sơ lược nêu lên vài điều đặc biệt trong cái chết của tướng Nam.
1) Thứ nhất, có một sự trùng hợp giữa tướng Nam và cụ Phan Thanh Gian, kinh lược sứ miền Tây năm 1867, cách đây 141 năm: hai vị cùng trấn nhậm miền Tây, hai vị cùng tuẫn tiết khi không bảo toàn được lãnh thổ, và lễ an táng tướng Nam được cử hành tại QYV mang tên Phan Thanh Giản.
Tuy nhiên cũng có một điểm khác biệt. Vì không giữ được 3 tỉnh miền tây, mặc dầu đã tự sát, cụ Phan đã bị vua Tự Đức và triều đình giận dữ và cho đục tên cụ trên bia tiến sĩ. Còn tướng Nam thì muốn đánh trả quân thù nhưng bị thượng cấp trói tay.
2) Tướng Nam tuy đã chết nhưng hùng khí vẫn vẫn còn làm quân địch lo sợ. Họ nghĩ là ông chưa chết, tử thi an táng không phải thật. Họ định quật mồ nhưng đã không làm được. Dân chúng Cần thơ tin là ông vào lập chiến khu ở trong bưng để chờ ngày phục quốc. Những ai có mặt ở quân khu IV vào những ngày đó đều biết.
3) Chiều 30-4 ông đi thăm các chiến sĩ đang bị thương tật ở BV Phan Thanh Giản, sáng hôm sau, 1 tháng 5, ông là một tử sĩ được chính BV này rước về làm tang lễ. Chiều hôm trước ông đi thăm thương bệnh binh, sáng hôm sau anh linh ông đi thăm các tử sĩ tại nghĩa trang quân đội Cần thơ, và ông an nghỉ nơi đây cùng với họ gần 10 năm, cho đến ngày cải táng.
4) Các tướng lãnh tuẫn tiết như tướng Phú, tướng Hai, tướng Vỹ, tướng Hưng có thân nhân lo về chung sự, trong niềm thương đau và không khí gia đình ấm cúng. Riêng tướng Nam, suốt đời binh nghiệp ông sống độc thân, lấy quân đội làm đại gia đình, lấy đơn vị làm tiểu gia đình. Và cuối cùng ông được quân đội và chiến hữu lo tròn tang lễ với lễ nghi quân cách, ấm cúng tình huynh đệ chi binh.
5) Việc cải táng phục tang cho ông mang nhiều chi tiết ý nghĩa. Tháng hai năm 1984 người em dâu tướng Nam, vợ của cựu thượng nghị sĩ Nguyễn khoa Phước, bào đệ của ông, là giáo sư Kim Đính về Cần thơ bốc mộ và hỏa táng. Những gì QYV Phan Thanh Giản bỏ vào quan tài khi khâm liệm vẫn còn đủ: thẻ bài cá nhân, cuốn kinh Phật, khẩu súng Browning đã rỉ sét. Khi qua phà Cần thơ bà lặng lẽ khấn vái rồi thả xuống sông Hậu nửa số tro như là thủy táng cho ông để kỷ niệm vùng đất ngày trước ông trấn nhậm, nửa kia đem về thờ ở chùa Già lam, Saigon. Mỗi lần có dịp về Saigon tôi thường đến thắp nhang tưởng niệm.
Tướng Nam đã đi vào lịch sử bằng nhiều bút tích ghi lại biến cố 30-4-75, và không ít thi sĩ đã viết về Người, mà thơ là tiếng nói trung thực nhất của tâm hồn. Để kết thúc tôi xin mượn bài thơ sau đây của một quân y sĩ quân lực VNCH là BS Hà Thúc Như Hỷ viết truy điệu người anh hùng:
Một mai sau
Và mãi mãi muôn đời
Nguyễn khoa Nam
Tên Người còn nhắc nhở
Người anh hùng vị quốc vong thân
Sinh vi tướng, tử vi thần
Một cái chết muôn ngàn lần sống
Một cái chết cúi đầu giặc cọng
Để miền Nam kiêu hãnh ngẩng mặt lên
Cho Hương giang rửa sạch ưu phiền
Và Tiền giang triền miên thương tiếc.
Kính thưa liệt quí vị,
Đến đây là thật sự kết thúc. Trước khi dứt lời tôi thành thật xin lỗi là đã lạm dụng thì giờ quí báu của quí vị quá nhiều, vì những biến cố lịch sử chỉ xảy ra có một lần và nhân chứng cũng chỉ sống có một đời, chắc quí vị niệm tình tha thứ. Nay người thuyết trình là một quân nhân xấp xỉ 80 tuổi, trước khi đi xa có đôi lời tâm huyết bộc bạch sự thật được chứng kiến để tỏ lòng tôn kính, tri ân quý vị anh hùng liệt sĩ.
Và một lần nữa kính cám ơn ban tổ chức đã bỏ bao công sức và tâm huyết để thực hiện buổi lễ ý nghĩa hôm nay.
Hoàng Như Tùng - Nguyên CHT QY Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ.
Nhận xét
Đăng nhận xét