Trước Tiên Phải Dạy Trẻ Em Biết Thờ Bụt Trong Nhà Sau Đó Mới…

 


Trước tiên phải dạy trẻ em biết thờ Bụt trong nhà sau đó mới...

Tác giả: Nguyễn Văn Nghệ

Trong tác phẩm “Thời gian ủng hộ chúng ta” của nhà văn Nga Ilya Erhenbourg có viết: “…Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua chát của trái lê mùa thu hay mùa có thảo nguyên có hơi rượu mạnh(…). Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”[1].

Yêu nước là một khái niệm rất là trừu tượng với trẻ em nhưng được nhà văn Ilya Erhenbourg diễn tả bằng những hình ảnh hết sức cụ thể và sinh động. Yêu nước bắt đầu từ những tình cảm chân thật, bắt đầu từ việc yêu thương những vật “tầm thường” cụ thể gần gũi và gắn bó với con người: “yêu cái cây trồng trước nhà”, “yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông”… Từ lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương đã trở nên lòng yêu Tổ quốc.

Tình yêu nhân loại cũng như vậy, trước tiên là yêu cha, yêu mẹ, yêu anh chị em, yêu ông bà…rồi mới đến yêu người ngoài.

Có một người làm nghề thờ rèn, quanh năm chỉ biết sắt thép, đe búa, than lửa… mà thôi. Một hôm, ông nghe đứa cháu đọc ra rả bài thơ “Đời đời nhớ Ông” của nhà thơ Tố Hữu đến câu: “ Yêu biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin” làm ông rất là khó chịu, nhưng không dám thổ lộ với đứa cháu, bởi sợ đứa cháu lên trường thuật lại với thầy cô thì có thể hại đến tấm thân. Ông liền qua nhà người bạn vong niên của tôi tâm sự: “Cái đời sao mà kỳ cục ghê! Tiếng đầu lòng không gọi cha, gọi mẹ là lại đi gọi “Xít ta lin”là làm sao?”. Ông bạn vong niên của tôi vốn là một cán bộ đảng viên phụ trách báo chí trên chiến khu nhưng thôi sinh hoạt đảng từ sau năm 1954 mới khuyên ông thợ rèn: “Gặp thời thế, thế thời phải thế, ông bận tâm làm gì cho mệt óc”. Ông thợ rèn nghe vậy mới thở một tiếng thở dài nghe não ruột rồi từ giã ra về.

Gần cuối năm học 2016-2017, đứa con trai của tôi đang theo học lớp 1, được nhà trường cho đem về nhà “ Sổ theo dõi rèn luyện nhi đồng và đội viên cấp Tiểu học” để gia đình điền vào phần “Tự giới thiệu bản thân”. Cuốn sổ có tất cả 12 trang. Trang 3 có “ Chương trình dự bị đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”. Trong “Chương trình dự bị…” có tất cả 6 mục:

Kính yêu Bác Hồ/ Con ngoan/ Chăm học/ Vệ sinh sạch sẽ/ Yêu Sao nhi đồng và đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh/ Cần biết khi ra đường.

Riêng mục “Kính yêu Bác Hồ” có 4 mục nhỏ:

-Thuộc 5 điều Bác Hồ dạy, nhớ một số câu chuyện, bài hát, bài thơ về Bác.

-Biết những nét chính về tiểu sử Bác Hồ.

-Nhớ tên và ý nghĩa( sơ lược) về các ngày kỷ niệm 3/2; 8/3; 26/3; 19/5; 1/6; 2/9; 20/11; 22/12.

-Biết ảnh Lênin và một số câu chuyện, bài thơ về Lênin.

Sau đó mới đến mục “Con ngoan”: Kính yêu, lễ phép với ông bà, cha mẹ…

Trong Đặc san “Chân Tướng” năm 2016, kỳ thứ 80 xuất bản bằng tiếng Trung Quốc của nhóm Pháp luân công nơi trang 22 có hình bốn ông Mác, Ănghen, Lênin, Stalin bên dưới có bài viết ngắn nhan đề (xin phiên âm): “Cộng sản đảng đích tỵ tổ Mã, Ân, Liệt, Tư [2]

Cộng sản đảng lai tự Tây phương, bất thị Trung Quốc đích sản vật. Trung Quốc nhân bị hỗn hào[3] liễu “đảng” dữ “quốc” đích khái niệm. Trung Quốc dĩ kinh tồn tại liễu 5000 niên, Trung cộng kiến trí cận 60 đa niên. Trung Quốc (dấu khác) Trung cộng, ái quốc (dấu khác) ái đảng. Trung Hoa nhi nữ bất thị Mã Liệt tử tôn” (Mã, Ân, Liệt, Tư chính là tổ tiên của đảng cộng sản. Đảng cộng sản đến từ Tây phương, không phải là sản vật của Trung Quốc. Người Trung Quốc bị đánh tráo khái niệm “đảng” và “nước”. Trung Quốc đã tồn tại hơn 5000 năm, Trung cộng xây dựng hơn 60 năm. Trung Quốc khác với Trung Cộng, yêu nước khác với yêu đảng. Con cái người Trung Hoa không phải là con cháu của Mã, Liệt).

Kính yêu những người có công với dân tộc với nhân loại là một việc làm phải đạo. Nhưng để trẻ em biết kính yêu những người có công với dân tộc và nhân loại thì phải dạy trẻ em biết kính yêu, lễ phép với ông bà, cha mẹ trước đã!

Học thuyết Nho giáo luôn đề cao hiếu thảo với ông bà cha mẹ là hàng đầu trong trăm đức hạnh, nhưng những người cộng sản lại cho xuống hàng thứ yếu. Do đó khi viết cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, Will Durant có nhận xét về những người cộng sản Trung Hoa: đã từ bỏ một học thuyết nhân bản, nhã nhặn để chạy theo học thuyết duy lý hung hăng của phương Tây.

Trong thư của thánh Gioan Tông đồ có viết: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì nó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó đang trông thấy, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà nó không trông thấy”.

Sách Minh Tâm bảo giám ghi: “Cố bất ái kỳ thân, nhi ái tha nhân giả, vị chi bội đức; bất kính kỳ thân, nhi kính tha nhân giả, vị chi bội lễ” (Không yêu cha mẹ mà yêu người ngoài thì gọi là trái đức; không kính cha mẹ mà kính người ngoài là trái lễ).

Ông bà ta thường nói “Bụt trong nhà không thờ, đi thờ Thích Ca ngoài đường” là có ý dạy dỗ con cháu để khỏi “bội đức”, “bội lễ”.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông - Nha Trang

Chú thích:

[1] Dẫn lại từ tác phẩm Như cánh chim bay của Võ Hồng, Nxb Lá Bối, tr.265

[2] Mã, Ân, Liệt, Tư: Tên gọi tắt của Mác, Enghen, Lenin, Stalin được phiên âm sang âm Hán Việt là Mã khắc tư; Ân các tư; Liệt ninh; Tư đại lâm.

[3] Hỗn hào trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là đánh tráo, xáo trộn, lẫn lộn

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025