QUAY VỀ GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HOÀ Ư?

 

Hội thảo về Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà. Ảnh share từ PGS. Nguyễn Công Lý.

QUAY VỀ GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HOÀ Ư?

CHU MỘNG LONG/FB

Tôi thuộc trường phái giáo dục theo quan điểm tiếp cận phát triển (Developmental Approach). Tôi phê phán giáo dục hiện nay không phải vì những người làm chương trình và sách giáo khoa khác quan điểm mà vì họ hiểu vấn đề không đến nơi đến chốn, chắp vá và làm sai, kể cả động cơ vụ lợi của con buôn. Và cũng không vì phê phán thực tại mà rút lui về quá khứ, đem một mô hình giáo dục nào đó trong quá khứ ra làm mẫu, dù đó là giáo dục Việt Nam Cộng Hoà.
Nói thật, tôi ghét sùng bái quá khứ, dù là sùng bái lãnh tụ hay sùng bái một mô hình giáo dục nào đó. Bánh xe lịch sử luôn vận động về phía trước. Sùng bái quá khứ là đi ngược lịch sử.
Tất nhiên, tôi cũng không bao giờ sổ toẹt lịch sử. Một lần đã lâu, khi dự giờ một giảng viên trẻ với bài giảng về lịch sử giáo dục, tôi ngạc nhiên khi thấy giảng viên trẻ rất hăng tố cáo giáo dục phong kiến. Đó là nền giáo dục tầm chương trích cú, học vẹt, mục tiêu chỉ đơn giản là học làm quan, tức biến con người thành công cụ cho chế độ phong kiến... Cuối cùng là để làm đòn bẩy ngợi ca giáo dục XHCN. Lúc góp ý, tôi nhận xét, rằng cô nói đúng theo giáo trình soạn sẵn, tức cũng học vẹt. Tôi chứng minh cho cô thấy cái sự hiểu và đánh giá giáo dục phong kiến như vậy là rất hời hợt. Tầm chương trích cú có. Học vẹt có. Học chỉ để làm quan cũng có. Nhưng riêng thi cử thì không. Bằng chứng, các đề thi từ thi hương, thi hội đến thi đình đều là những đề rất mở. Thí sinh chỉ tầm chương trích cú trong kinh sách để giải quyết những vấn đề thực tại. Chẳng hạn, năm đó có biến cố về thiên tai, địch hoạ, thậm chí một vấn đề đời thường, đề thi yêu cầu vận dụng hiểu biết trong kinh sách để viết ra một giải pháp nào đó, hoặc hiến kế cho vua hoặc áp dụng cho đời sống. Vậy là thí sinh phải sáng tạo. Không có chuyện chép mẫu như hiện nay. Bây giờ nhiều người trưng các đề thi của Mỹ ra để kêu gọi học tập chứ theo tôi thì chỉ cần sưu tập lại các đề thi thời phong kiến cũng đủ thấy nhiều điều phải học!
Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà ư? Tôi đọc một số sách gần đây nói về nền giáo dục ấy, chỉ toàn ngợi ca và xem như khuôn mẫu. Bắt đầu từ triết lý: Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng, từ đó luận đến chương trình và đa dạng sách giáo khoa, đặc biệt ngợi ca sự thoát ly hay độc lập với chính trị, kể cả ngợi ca luân lý, đạo đức của nó...
Tôi cũng không sổ toẹt giáo dục Việt Nam Cộng Hoà, thậm chí đồng ý với những gì nền giáo dục ấy có được bằng chính thành tựu của nó. Nhưng xem một số ý kiến đòi cóp nguyên xi chương trình và sách giáo khoa Việt Nam Cộng Hoà thay cho đổi mới hiện nay là không ổn.
Triết lý giáo dục ư? Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng thì hay quá rồi. Nghe nói ông Trần Ngọc Thêm chủ trì một đề tài cấp nhà nước cho riêng vấn đề triết lý giáo dục thì tôi bật cười. Nếu đã thấy triết lý trên là đúng, hay, thì cần gì một đề tài cấp nhà nước cho tốn kém tiền tỷ? Theo tôi, điều quan trọng là thực hiện triết lý đó thế nào hay cũng chỉ là một trong các loại khẩu hiệu loè loẹt, nói một đằng làm một nẻo. Tôi chỉ học lớp mẫu giáo rồi lớp 1, lớp 2, lớp 3 dưới thời Việt Nam Cộng Hoà nên không dám khái quát đầy đủ. Riêng về tính nhân bản thì tôi chỉ thấy giáo dục Việt Nam Cộng Hoà chưa vượt qua thời phong kiến. Vẫn Tiên học Lễ, hậu học Văn, tức vẫn dùng Lễ trị như giáo dục Nho giáo. Lễ là phép tắc của tôn ti, cùng với nó là kỷ luật và hình phạt nghiêm khắc. Tôi từng chứng kiến nhiều bạn bị quỳ xơ mít, quỳ hang kiến lửa và bị thước gõ trên đầu. Học trò nhìn mà sợ hãi rồi răm rắp làm theo cây thước của ông thầy để được gọi là "ngoan". Giáo dục như vậy không thể gọi là "Nhân bản", đúng là có được tính Dân tộc (theo nghĩa kế thừa truyền thống Nho giáo), nhưng không thể Khai phóng khi chân lý đã mặc nhiên thuộc về thầy!
Đành rằng giáo dục Việt Nam Cộng Hoà không như ngoài Bắc độc tôn một loại tri thức trong hệ tư tưởng Marx - Lenin mà đa dạng, tiếp cận nhiều nguồn tri thức của phương Tây, nhưng nói thoát ly hay "phi chính trị" hoàn toàn theo nghĩa không là công cụ phục vụ chính trị là không đúng. Nhớ hồi học lớp 2, lớp 3, tôi có học một số bài sặc mùi tuyên truyền chống cộng. Chẳng hạn bài học có tranh minh hoạ 7 thằng Việt Cộng đeo cọng đu đủ không gãy, kể cả cộng sản ăn thịt người. Tiếc là sau 1975 ba tôi đã theo lệnh đốt hết những quyển sách ấy nên không thể trưng ra đây. Tôi không hề bịa, vì khi quân Việt Nam Cộng Hoà rút chạy, cộng sản tràn đến, tôi còn hãi hùng hỏi ba tôi "liệu họ có ăn thịt cả nhà mình không ba?" Quan trọng hơn nữa là nhiều bài học cho đến nay đã lỗi thời, cũ kỹ, không còn thích hợp với thời đại mà thế giới đã vượt qua hàng thế kỷ.
Nói về độ sạch, thì hiển nhiên giáo dục phong kiến sạch nhất, trừ những thời điểm suy đồi, có chuyện mua quan bán tước mới có loại "tiến sỹ giấy" như các cụ phê phán. Đó là nền giáo dục nghiêm minh đến mức các nhân tài như Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu vi phạm quy chế trường thi cũng bị xử nặng. Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà cũng sạch, nhưng không phải không có tiêu cực. Chú tôi kể ra Huế coi thi tú tài, vì coi nghiêm mà bị các thí sinh chặn đánh hội đồng. Và chú kể, ớn nhất là các ông cảnh sát đi thi. Khi giám thị coi thi nghiêm là mấy ông này rút lựu đạn ra để lên bàn và cứ thế ung dung chép tài liệu hoặc copy.
Quan điểm của tôi, rất cần nghiên cứu giáo dục quá khứ nhưng không nên sổ toẹt, cũng không nên coi là mẫu mực. Tốt/xấu thời nào cũng có, điều quan tâm là vì sao hiện nay cái xấu lấn át cái tốt đến mức xã hội phải bức xúc, phẫn nộ? Giải quyết bức xúc, phẫn nộ hiên tại bằng những giải pháp mới, hiện đại chứ không thể quay đầu về quá khứ mà tôi gọi là não cối xay. A. Einstein nói: "“Vấn đề của ngày hôm nay sẽ không giải quyết bằng những tư duy tương tự đã sản sinh ra các vấn đề từ thời điểm ban đầu”. Phải làm khác. Sáng tạo không bao giờ đồng nghĩa quay về khuôn mẫu cũ. Tôi chấp nhận một nền giáo dục trong cơ chế thị trường, nhưng phải xây dựng một hệ giá trị, hay cụ thể là đạo đức thị trường, chứ như cái thị trường chợ xổm hiện nay là không ổn. Tôi cũng chấp nhận sự tiếp thu giáo dục học hiện đại thế giới, lấy người học làm trung tâm, nhưng trước hết phải xây dựng một tiềm năng văn hoá xã hội đảm bảo tinh thần dân chủ đã. Dân chủ từ trong gia đình, trong cơ cấu xã hội, trong tuyển dụng... Chính các điều kiện tối thiểu đó sẽ làm cho giáo dục tự nó vươn tới hiện đại và khai phóng. Không có điều kiện tối thiểu đó, mọi cải cách chỉ là giả, tốn kém và rối loạn thêm.
Chu Mộng Long/FB





 


 



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025