NÁT BÀN THƠ



    NÁT BÀN THƠ

Tác giả: Chu Mộng Long

(Huyền sử về Cường quốc thơ. Huyền sử thì không liên quan đến cá nhân cụ thể nào, vì cái tên đã huyền. Ai tự vận vào mình thì lên Nát Bàn sớm!).
<0>0<0>
Năm thứ 75 Cường quốc thơ.
Chủ sói thơ là Thi Bá Thủm một đời tay bị tay gậy dẫn đầu gần 1000 nhà thơ đi ăn mày để làm thơ. Sự nghiệp ấy đáng được vinh danh thành Chủ sói muôn đời. Nhưng đến đại hội lần này, Chủ sói buộc phải nhượng ghế cho Phó Chủ sói Thi Bá Thiu. Lý do: ăn mày suốt đời thì bị thiên hạ chửi đến sói không còn sợi tóc. Phải có Chủ sói mới để trung hưng Cường quốc thơ, nâng cấp nghề ăn mày.
Chủ sói mới lập ngay dự án trung hưng thơ. Trước hết, ai biết làm thơ thì đều gọi là "thi bá" và đổi sang họ Thi Bá. Về nội dung, phải thực hiện chủ nghĩa nhân văn mới, không kêu gọi nhân đạo với ăn mày nữa mà kêu gọi nhân đạo với kẻ cắp. Về hình thức, cứ thực hiện lối thơ Tân hình thức, viết văn xuôi rồi ném câu chữ qua hàng càng nhiều càng tốt.
Chẳng ai hiểu nhân văn nhân đạo là cái quái gì, đơn giản cái gì có lợi cho mình, lại đúng định hướng, thì làm, nên chẳng ai có ý kiến. Riêng tân hình thức thì đa số hưởng ứng, vì làm thơ như vậy ai cũng làm được. Bang hội thơ sẽ tăng số lượng nhanh hơn, thi bá đông hơn. Để khoa trương thanh thế, từ trước khi nhậm chức, Tân Chủ sói đã về quê phát động luôn cuộc vận động nhà nhà làm thơ người người làm thơ và trao giải cho cả làng của mình. Cái làng ấy trở thành thủ đô của Cường quốc thơ, trung tâm tín ngưỡng thơ, nên tục gọi là Làng Chùa.
Thi Bá Hảo lâu nay không chơi cái lối thơ ấy nên bức xúc lên tiếng, rằng đó là Thơ Tân Con Cóc, rất có hại cho Nàng Thơ. Cả bang hội gồm hàng nghìn thi bá cười khinh bỉ, rằng ông Hảo dốt thơ, không đáng lên tiếng tranh cãi. Thi Bá Koa, một trong những tả hữu của Thi Bá Thủm, một hôm tỏ ý nghi ngại hỏi:
- Thưa Tân Chủ sói, nàm thơ chỉ mỗi thao tác xuống hàng, niệu có tàn phá rừng không?
Chủ sói Thi Bá Thiu vểnh râu, thô lố mắt nhìn Thi Bá Koa:
- Ngươi từng được xem là thần đồng nhờ viết bài thơ Mưa, cứ một chữ, hai chữ xuống một hàng mà sao hỏi kỳ vậy? Tàn phá rừng là chuyện của bọn lâm tặc, liên quan gì đến thơ?
Thi Bá Koa nói:
- Tốn công xuống hàng thì tốn giấy. Tốn giấy thì ắt tốn cây. Tốn cây thì ắt phá rừng. Sao nại không niên quan?
Thi Bá Thủm cười phá lên:
- Tinh thần nhân văn của bang hội ta là ở chỗ đấy! Thơ phải có khoảng trống để thăng hoa, kéo theo rừng phải có khoảng trống để làm nhà. Có phá rừng mới thành nhà thơ, hiểu chưa?
Thi Bá Koa gật đầu vì thấy có lý.
Tân Chủ sói Thi Bá Thiu lập tức mở cuộc thi thơ toàn quốc để khuếch trương uy danh. Phong trào lan rộng đến vùng sâu vùng xa. Thi Bá Koa hiến kế nên mời Cựu Chủ sói Thi Bá Thủm làm chủ khảo, vì đắc đạo thơ hiện nay chưa ai vượt qua ngài. Tân Chủ sói gật đầu chuẩn tấu.
Thi Bá Thủm từ khi rời ghế bang chủ thì đi tu mà không cần xuống tóc. Tại Nát Bàn, ngài triệu tập cả hội đồng thơ, bàn đến nát nhừ ra mới quyết định trao giải cao nhất cho ai. Cái khó của trao giải lần này là bài thơ nào cũng đúng tân hình thức, mỗi bài thơ có mấy chữ mà chiếm đến mấy trang giấy, quy ra cả héc ta rừng. Thôi thì trao giải cho bài nào dễ hiểu nhất, có tư tưởng nhân văn cao nhất. Đây rồi, bài thơ một người ở rừng chửi bọn trộm cắp. Chửi mà cầu mong bọn trộm cắp giàu lên núc ních để chúng không trộm cắp nữa là nhân văn chưa từng thấy.
Giải được công bố công khai, cả bang hội hoan hỉ. Ai cũng nghĩ bọn trộm cắp có giàu lên thì bang hội ta mới giàu.
Nhưng dư luận thì nổi cơn phong ba.
Những người chưa bao giờ đọc kinh nhưng yêu Chúa hay kính Phật thì khen lấy khen để. Rằng Chúa từng dạy nếu bị tát má bên này thì hãy cho họ tát thêm má bên kia. Rằng Phật từng dạy nếu bị mất trộm thì hãy cho tiền thêm cho kẻ trộm. Thi bá rừng rú mà làm được bài thơ như vậy là đắc đạo. Nhưng nhiều kẻ không biết yêu Chúa hay kính Phật là gì thì chửi loạn xạ. Rằng đó là đạo đức giả, không đạo đức giả thì là ngu hết phần thiên hạ!
Thi Bá Thủm, Thi Bá Thiu, Thi Bá Koa buộc phải trả lời dư luận trái chiều với lời biện minh rằng đó là chủ nghĩa nhân văn chưa từng có, rằng ngôn từ bài thơ mộc mạc cũng chưa từng có. Ai nói bài thơ không hay là chưa hiểu biết gì về thơ.
Rốt cuộc phải nhờ vào tiếng nói của những người có hiểu biết.
Hoàng Khuyến Nông tra cổ thư và phán:
- Chuyện lấy ân báo oán có từ thời Xuân Thu. Chuyện kể rằng người cha khuyên các con không nên trả thù kẻ trộm dưa mà sang ruộng dưa nhà nó "tưới trộm". Kẻ trộm dưa thu hoạch được nhiều dưa thì hết phá dưa nhà ta. Chủ nghĩa nhân văn đó có hàng ngàn năm, mới đâu mà mới?
Các thi bá đồng loạt chất vấn, phản biện hội đồng trao giải.
Thi Bá Tứng hỏi:
- Bài thơ nói chuyện trộm gà, trộm lợn. Nếu có thằng giặc cướp biển đảo thì có nên chửi bằng cách dâng biển đảo cho nó không?
Thi Bá Thủm trả lời:
- Rất nên! Lịch sử chứng minh nếu ta dâng đất cho giặc thì giặc hết đánh và làm chỗ dựa cho vương triều. Chẳng hạn Mạc Đăng Dung tự trói mình đến dâng đất cho nhà Minh mới giữ được ngôi ba năm. Triều Nguyễn cắt đất ba tỉnh miền Đông, ba tỉnh miền Tây, rồi cắt đến Trung Kỳ, Bắc Kỳ là bọn Tây hết đánh và tự nguyện làm Nước Mẹ nuôi triều đình như con...
Thi Bá Chu hỏi:
- Vậy nếu quan tham cướp đất, cướp nhà của dân thì có nên khuyên dân chửi bằng lời cầu mong quan tham nhiều nhà nhiều đất để họ không tham nữa chăng?
Thi Bá Thiu trả lời ngay:
- Rất nên! Hiện bọn dân oan nghe lời bọn phản động xúi giục kiện tụng, đòi nhà đòi đất, rất mất an ninh. Có đứa còn cầm súng bắn vào quan, xem quan như cướp. Đối xử phản nhân văn như vậy mới bị toà tuyên án chung thân hoặc tử hình. Nhân quả nhãn tiền đấy!
Thi Bá Tám đóng vai một phụ nữ chất vấn một câu khá hóc:
- Vậy nếu một bà mẹ có con bị hiếp thì có nên chửi thằng hiếp bằng lời cầu mong nó hiếp nhiều lần, hiếp luôn cả mình và hiếp công khai chăng?
Hiểu phụ nữ thì phải nhờ Thi Bá Koa làm tiên sư, dù Thi Bá Koa quá ngũ tuần mới biết phụ nữ. Thi Bá Koa lên tiếng trả lời:
- Rất nên! Cái câu ca dao: "Hôm qua em đi hái chè/ Gặp thằng phải gió nó đè em ra/ Em van mà nó chẳng tha/ Nó đem nó đút đầu cha nó vào", chẳng phải chửi yêu thằng hiếp sao? Cường quốc thơ của ta chẳng đã từng có gương bà Phó Đoan bị thằng Tây đen hiếp một lần, sau đó nằm mơ được nó hiếp lần nữa. Rồi cũng bà Phó ấy hết lấy thằng Tây rồi lấy sang ông Việt, một ngày cho hai ông đó hiếp nhiều lần, lần lượt cả hai ông chồng đều vội lên Nát Bàn và không còn khả năng hiếp nữa. Đến thằng Xuân trai trẻ cũng hết dám hiếp bà khi bà núc ních thân lợn ra khiêu khích. Bài thơ mang tinh thần nhân văn mới, hiện đại nhưng vẫn không đoạn tuyệt với truyền thống đấy chứ?
Không ai cãi nổi thần đồng thi ca một thời rực rỡ.
Chờ đến khi mọi người im lặng, Thi Bá Sara mới lên tiếng:
- Tôi với tư cách Tân Chủ chịch hội phê lắc thơ có ý kiến chính thức như sau. Này nhé, các nhà phê bình có thể truy vào năm thành tố: Cấu trúc bài thơ kia khác lạ tới đâu; thơ ca là nghệ thuật của ngôn từ, vậy ngôn từ nơi ấy độc sáng thế nào; thi ảnh mới mẻ chỗ nào; tứ thơ độc đáo ra sao; và cuối cùng toàn bài thơ có làm lay động [con tim/ khối óc] người đọc không? Các vị không thể ngồi trong lô cốt mỹ học cổ lỗ mà chê bài thơ Chửi mẹ, à không, Chửi trộm vừa đoạt giải danh giá của bang hội ta. Chửi như vậy là không công bằng!
Thi Bá Hảo nghe đến đấy thì tức khí hỏi:
- Vậy ông thử chỉ ra bài thơ Chửi mẹ, à không, Chửi trộm kia khác lạ thế nào, về cấu trúc, về ngôn từ, về thi ảnh, về cấu tứ, về lay động con tim khối óc cho tôi xem?
Thi Bá Sara trả lời gọn hơn cả vua Chế Mân khen Huyền Trân công chúa: "Thì bài thơ lạ như gái Bắc Việt. Mà này, đòi hỏi tôi phải nói rõ ra là không công bằng!"
Vậy là coi như mọi câu trả lời đều thông. Các vị đứng đầu Thi Bá trên thông trời dưới thông đất, thông luôn cả chỗ kín của phụ nữ. Chủ sói Thi Bá Thiu tuyên bố Thi Bá Tân hình thức đã chiến thắng bọn Thi Bá cổ hũ. Thi Bá Thủm vung tay hào hùng tổng kết về cuộc thi thơ và cả cuộc thảo luận thơ sôi nổi vừa rồi:
- Cuộc thi thơ và hội thảo thơ đã thành công tốt đẹp, đúng định hướng. Đây có thể xem là cuộc cách mạng long trời lở đất làm thay đổi nhãn quan về thơ, từ nội dung đến hình thức. Về nội dung, chúng ta đã tạo ra một chủ nghĩa nhân văn mới chưa từng có. Về hình thức, thơ ngày một sáng sủa hơn vì nhiều giấy mà ít chữ, đúng nghĩa Tân hình thức. Nói một cách khiêm tốn, chưa bao giờ thơ ta hay và nhân văn như bây giờ!
Nói đoạn, các vị đứng đầu trong Thi Bá khẳng định bài thơ Tân Chửi mất gà mất lợn là tượng đài thi ca hiện đại, theo Thi Bá Sara là toàn diện gồm thi cấu, thi tứ, thi ảnh, thi ngôn, thi tim, thi trí... gì cũng độc và lạ nhưng vận dụng vào đâu cũng thông. Bài thơ mở ra chủ nghĩa nhân văn mới, làm thay đổi hệ hình thẩm mỹ của Cường quốc thơ, giết chết hẳn bài văn xuôi chửi gà cổ lỗ một thời xem là kinh điển của phụ nữ đất Bắc nghìn năm văn hiến. Sau cuộc thi này toàn dân Cường quốc thơ mê bài thơ tân chửi mất gà mất lợn đến mức không đọc thơ của ai ngoài trường phái Tân Hình thức. Nhiều người nghiện bài thơ đoạt giải như nghiện ma tuý. Nhiều người ngủ đến ngàn năm sau mới thức dậy mà không biết mình có bị cướp, bị hiếp không.
Trong khi đó những người còn thức thì vỗ tay "Tự hào quá Cường quốc thơ ới Cường quốc thơ ơi". Họ vỗ tay đến rung cả địa cầu, làm cho giông gió cuồn cuộn, mưa lũ tràn trề, đất rừng sạt lở, virus gây dịch cũng hoảng hốt bỏ chạy. Bang hội thơ được thưởng rất nhiều tiền. Nghe nói sau cuộc thi này, các vị đứng đầu Thi Bá thực sự nhập Nát Bàn vì đã chứng ngộ được đạo lý lấy ân trả oán rất cao siêu của Cường quốc thơ.

Chu Mộng Long

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209