THÁNG TƯ ĐEN LẠI ĐẾN


THÁNG TƯ ĐEN LẠI ĐẾN

DuyTrac- AuOanh
Tôi nhớ rất rõ chuyện xẩy ra rất lâu khi tôi gần tròn bốn tuổi. Hồi đó, gia-đình tôi sống gần một làng chài ở Mỹ-khê, Đông-Giang thuộc quận ba thành-phố Đà nẵng. Ba tôi phục-vụ trong quân-đội VNCH, đơn-vị đóng ngoài Quảng-Trị, cấp bậc hạ-sĩ. Mẹ tôi bán cá ngoài chợ Sơn-trà. Mẹ tôi mua cá của những ghe chài cập bến vào sáng sớm, để đem ra chợ bán. Một buổi trưa Chúa nhật, hai anh em tôi chơi banh ngoài sân cỏ bên cạnh nhà, chờ mẹ về cho ăn cơm. Anh tôi học lớp đệ thất trường Trung-học Đông-Giang, tôi học lớp mẫu-giáo của một trường tư trong phường. Đang chơi, vô tình trái banh do anh tôi đá quá mạnh, tôi đỡ không nổi nên bị trái banh trúng vào mặt. Đau quá tôi khóc ầm lên, anh tôi chạy đến dỗ dành tôi, lấy tay lau nước mắt cho tôi, xoa nhẹ vào má tôi, nơi bị đau.
Vừa lúc đó mẹ tôi từ chợ về.Thấy mẹ, tôi càng khóc lớn thêm. Khi biết được sự việc, mẹ tôi quơ tay đập nhẹ mấy cái vào đầu anh tôi mắng: “Cha mi, làm em đau,” rồi vội dẫn tôi vào nhà, lấy khăn ướt lau mặt cho tôi, để tôi vào võng đưa qua đưa lại, dỗ dành: “Nín đi con, sau nầy đừng chơi banh nữa, tháng tới sinh nhật con ba về mẹ nói ba mua cho con chiếc xe đạp nhỏ, con đạp đi học giống như anh Hai của con.” Nói xong, mẹ tôi đi vào bên trong nhà rồi trở ra, một lá thơ trên tay: “Đây là thơ của ba con gởi về hôm tháng rồi” mẹ tôi đọc:
– Tháng tới, ngày 27 tháng 4 sinh-nhật của cu Tấn, anh sẽ xin phép về vài ngày. Em xem mấy cửa hàng bên chợ Hàn nơi nào bán xe đạp vừa tầm cỡ cu Tấn, anh về sẽ mua cho con một chiếc.
Nghe vậy, tôi ngừng khóc. Mẹ tôi ngồi vào võng, ôm tôi nằm sấp vào lòng, vừa đưa võng vừa nói, “Bữa ni mới 10 tây tháng hai, còn hơn hai tháng nữa ba mới về. Từ đây đến ngày đó, nếu con còn nhõng nhẽo không nghe lời của mẹ và anh hai thì mẹ nói ba không mua xe đạp cho con đâu.
Tiếng mẹ tôi nghe nhỏ dần, trong mơ tôi nghe tiếng ba tôi khen “Cu Tấn đạp xe giỏi quá”, tiếng mẹ và anh hai: “Coi chừng té! coi chừng té”, và tiễng vỗ tay của ba người.
Một buổi sáng, tôi đã thức dậy nhưng còn nằm nuớng trên giường với mẹ. Hôm đó biển động nên không có cá bán, mẹ ở nhà. Mẹ tôi ôm tôi: “Còn gần một tháng nữa, ba con về phép mua xe cho con, con lớn rồi, bốn tuổi đâu còn nhỏ nữa mà hở đâu khóc đó” Tôi mắc cở, dụi đầu vào lòng mẹ thì nghe có tiếng đập cửa rất mạnh. Tiếng bác Hội hỏi lớn: “Thiếm Tiếng có nhà không? thiếm Tiếng có ở nhà không? “Mẹ tôi vùng ngồi dậy, trả lời:
– Dạ, có tôi ở nhà, hôm nay biển động nên không có cá. Có chuyện gì không anh?
Mẹ tôi mở cửa. Tôi nghe tiếng bác Hội:
– Tụi Việt-cọng đã tấn công vào Quảng-trị. Kỳ nầy nghe đâu bọn nó tấn công khắp nơi. Đơn vị của chồng thiếm bị tan hàng, một số bị bắt, một số bỏ chạy, một số bị thương trước đó, được đưa vào bịnh-viện Huế. Chú Tiếng, chồng thiếm nghe nói bị thương, đang nằm ở bịnh-viện Huế.Tin nầy do thằng Báu vừa chạy về cho biết. Hai đứa nó cùng đơn-vị...
Mẹ tôi khóc. Tôi thấy mẹ tôi như tàu chuối héo, rũ người trên ghế.Tôi và anh hai tôi sợ sệt, vội chạy đến bên mẹ trố mắt nhìn mẹ, không biết nói gì. Nghe tiếng ồn ào, hàng xóm chạy qua, mỗi người một tiếng khuyên mẹ tôi bình-tĩnh nhưng mẹ tôi vẫn khóc.
Hai ngày sau mẹ tôi đi Huế để tìm ba. Hai anh em tôi được mẹ nhờ bác Hội trông nom săn sóc. Mẹ tôi mua một bao gạo và kho sẵn mấy nồi cá dành cho hai anh em tôi ăn dần khi bà đi Huế.
Bác Hội là bạn cùng xóm với ba tôi. Nhà hai gia-đình sát vách nhau. Hai người chơi với nhau khi cả hai còn chưa biết hổ thẹn khi chỉ mặc áo. Bác hơn ba tôi năm tuổi. Ba tôi rất thương bác Hội vì ba là con duy nhất của ông bà nội. Bác cũng thương ba tôi như em. Sau nầy tôi được biết bác đã muốn gã em gái cho ba tôi, nhưng chuyện hôn nhân không thành. Bác Hội thi tú tài không đậu nên bác tình nguyện xin đi học Trung-sĩ để khỏi bị bắt làm lính khi đến tuổi thi hành quân-dịch. Bác phục-vụ tại sư-đoàn 2 bộ-binh đóng tại Quảng-Ngãi. Năm 1972, bác bị thương, mất một chân và được giải ngũ. Ngày bác cưới vợ, ba tôi dự tiệc, uống rượu rồi gây gỗ ồn ào với một ông khách tham dự lễ cưới. Cảnh-sát quốc-gia can thiệp, bắt và chuyển ba qua Quân-cảnh tư pháp vì tội trốn quân dịch. Ra tóa án quân-sự, ba tôi bị xử đi quân dịch. Ba tôi được đưa đi huấn-luyện tại Trung tâm huấn luyện Hòa-cầm ở quận Hiếu-Đức, Tỉnh Quảng-Nam. Lúc đó ba tôi đã có vợ và anh Hai tôi độ chừng bảy tuổi. Ba tôi đóng quân tại tỉnh Quảng-trị và hai lần được thưởng Anh-dũng bội tinh tại mặt-trận. Bác Hội thường nói với anh Hai tôi: “Ba mầy hiền lành như con gái nhưng ra ngoài mặt trận với địch quân, ba mầy gan dạ, không biết sợ chết là gì, được gắn huy chương, được thăng cấp ngoài mặt trận, còn bác chẳng được gì ráo, lúc nào cũng chỉ mang lon trung-sĩ quèn”.
Mẹ tôi đi Huế tìm thăm ba đã hơn hai tuần mà chưa thấy về. Ba nồi cá kho ăn đã gần hết. Hai anh em tôi ngày nào cũng khóc vì nhớ mẹ. Buổi tối bác Hội thường qua nhà ngồi chơi, an ủi hai anh em tôi đến khuya với về lại nhà bác. Và từ đó hai anh em tôi không còn gặp lại ba và mẹ.
Một hôm, trong xóm bỗng nhiên tiếng chó sủa vang, tiếng người gọi nhau inh-ỏi, tiếng súng nổ, lính tráng từ đâu đổ về đầy xóm, đầy bãi biển. Xe cộ nối đuôi nhau nằm ụ hai bên vệ đường. Người dân đủ cỡ, đàn bà con nít, ông già bà cả dìu dắt nhau đi, vừa hớt hãi chạy, vừa khóc, tất cả đều theo huớng ra bờ biển.Trong xóm tôi, vài gia đình cũng bồng bế nhau chạy ra bãi biển. Vài người gọi với vào nhà tôi: “Chạy đi, cộng-sản sắp vào tới rồi!”. Hai anh em tôi đứng trong nhà nhìn đoàn người lũ lượt đi...và nhớ đến ba mẹ, chỉ biết khóc.Tôi nghe tiếng bác Hội nói với những người cùng xóm rũ bác đi lánh nạn: “Tôi chỉ còn có một chân mà chạy đi đâu? ” Tối hôm đó bác qua nhà tôi bảo anh Hai tôi hạ cây cờ vàng ba sọc đỏ xuống. Bác nói:
– Thằng Tấn anh, mày leo lên đem lá cờ xuống dấu kỹ một chỗ, sau nầy dùng lại; nếu không, lũ khốn-nạn đó vào mà thấy được, chúng sẽ không để yên cho sống đâu.
Anh hai tôi đem lá cờ xuống xếp nhỏ lại, rồi thoăn thoắt leo lên cột nhà để vào chỗ nứt của đầu kèo nhà, nơi mà anh tôi hay giấu những đồ chơi quý mà anh không muốn cho tôi phá vì sợ bị làm hư.
Rồi một ngày, đồng loạt tất cả nhà nhà trong xóm đều treo cờ đỏ sao vàng. Anh em tôi được phát mỗi đứa một khăn quàng đỏ và ngày nào cũng đi sinh hoạt thiếu nhi, có ngày mệt quá hai đứa tôi không ăn uống gì hết, tối về đến nhà là lăn ra ngũ, quên cả khóc nhớ ba mẹ.
Ông thợ may đầu xóm thành ông tổ trưởng dân phố. Mấy con ông, cả trai và gái đứa nào cũng có súng, đi lục soát từng nhà tìm bắt những người đã làm việc cho “ngụy”. Tôi nghe bác Hội gọi lén lũ nầy là bọn “ôn dịch”, “ăn cơm quốc gia thờ ma cọng-sản”. Cá kho hết, anh em tôi ăn cơm với nước mắm. Hết nước mắm, anh em tôi ăn cơm với muối. Đến khi hết gạo thì bác Hội cho tụi tôi ăn cơm độn khoai mì. Nhà bác Hội nghèo, có bác gái và hai đứa con nên phần cơm chia sẽ cho anh em tôi không đủ no bụng. Bác Hội giúp anh Hai tôi bán cái Radio, rồỉ đến chiếc xe đạp…rồi đến một ngày trong nhà không còn gì để bán. Nhà bác Hội cũng không còn gì để bán. Bắt chước mấy người trong xóm, hai anh em tôi đi khắp nơi lượm bao nylon đem ra biển rửa sạch, phơi khô, vài ba ngày gom lại đem bán lấy tiền mua gạo. Những lúc phơi bao nylon trên bãi biển,tôi phải ngồi canh chừng, nếu không kẻ khác lấy mất. Có lúc canh chừng mà tôi ngũ quên, kẻ gian lấy hết. Anh Hai tôi không nói gì, nhưng nhìn thấy mặt anh buồn thiu.
Bác Hội gái không còn đuợc cho đi dạy học. Bác chuyển sang mua cá ngoài bến ghe chài đem bán dạo trong xóm. Nhớ trước đây mẹ tôi bán cá trong chợ, tôi hỏi tại sao bác không bán trong chợ như mẹ tôi trước đây? Bác nói “Bác không vào hợp tác xã nên không bán ngoài chợ đươc.” Bác phải mua cá của những ghe chài bán lậu trước khi cập bến... Để tránh sự dành giật nhau khi mua cá lậu, bác rủ anh tôi cùng phụ bác đi mua bán cá. Khi ghe bán lậu cá còn xa bờ, anh hai tôi bơi ra ghe mua cá rồi đem vào. Cá được cho vào một sô nhựa, bác Hội gái và anh tôi thay nhau xách đi bán khắp nơi trong phường, khóm, có khi đi qua trung tâm thành phố. Công việc kéo dài được vài tháng thì bị công an phường cấm. Anh em tôi không còn gì để ăn, tôi hay đói nên lúc nào cũng đòi ăn. Hàng xóm thương tình, người cho củ khoai, người cho củ sắn nhưng không làm sao hết đói.
Rồi một buổi sáng sớm, anh hai tôi dắt tôi đến bịnh-viện, anh tôi bảo tôi ngồi chờ anh trước cổng, anh đi vào bên trong. Tôi ngồi chờ lâu quá nên tựa lưng vào tường ngủ gật. Khi anh đánh thức tôi dậy thì mặt trời đã chiếu ngay trên đầu. Anh kéo tôi đi nhanh khỏi bịnh viên, anh nói: “Tấn em chắc đói nhiều lắm rồi phải không?”.
Tôi chưa kịp trả lời anh rằng “từ hôm qua đến giờ em có gì để ăn đâu!” thì anh nói tiếp: “Anh cũng đói lắm, hai ngày ni anh cũng chẳng có gì để ăn hết… bây giờ anh em mình tìm gì để ăn.” Anh đi vào con hẻm bên kia đường. Tự nhiên tôi đứng lại không chịu đi theo anh. Kéo mạnh tay tôi, anh nói: “Vào đây anh em mình ăn bún.” Tôi lắc đầu: “Mình không có tiền mà!”. Anh khựng lại nhìn tôi, hai mắt anh sáng lên, giọng anh như reo vui: “Hôm nay anh có tiền!” Anh cho tay vào túi rút ra mấy tờ giấy bạc cho tôi thấy, lúc đó tôi mới chịu đi theo anh. Gánh bún bên lề đường đông người, hai anh em phải chờ khá lâu... Bụng tôi cứ vang lên tiêng rột…rột...nước miếng cứ chảy ra. Hôm đó anh mua ba tô bún, mỗi người một tô, tô thứ ba được chia làm hai, nhưng anh dồn hết phần thịt cho tôi, anh chỉ lấy phần bún.
Ăn xong tôi theo anh vào chợ mua gạo khoai mì và nước mắm. Ngày hôm sau anh thức dậy sóm, nấu cơm ghế khoai mì. Hai anh em ăn cơm ghế khoai với nước mắm.
Bắt đầu một ngày mới. Hai anh em tiếp tục đi nhặt bao nylon.
Hai tuần sau, anh lại đưa tôi đến trước bịnh-viện, tôi đúng chờ trước cổng, anh đi vào trong và khi anh trở ra anh lại đưa tôi đi ăn bún. Anh cũng mua ba tô, mỗi người một tô, tô thứ ba chia hai, anh chia hết phần thịt cho tôi. Từ hôm đó tôi cứ trông đến ngày anh hai tôi dẫn tôi đến trước bịnh-viện, tôi sẽ đứng bên ngoài chờ, anh đi vào bên trong, lúc trở ra anh lại đưa tôi đi ăn bún.
Lần thứ ba, anh hai tôi dẫn tôi đến bịnh-viện, tôi cũng đứng trước cổng chờ. Lần này tôi nhìn thấy bác Hội từ bên trong bịnh-viện đi ra, cùng lúc ấy bác cũng nhìn thấy tôi, bác hỏi: “Tấn em làm gì đứng đó?”. Tôi trả lời: ”Con đợi anh hai con, anh ấy vào trong đó” tôi vừa nói, vừa chỉ tay vào bịnh viện. Bác nói: “Anh hai con vào trong đó làm gì vậy kìa? Nó có nói với con không?”. Tôi lắc đầu. Bác đứng lại với tôi, lấy thuốc ra hút… Anh hai tôi từ trong bịnh-viện đi ra. Bỗng nhiên anh đứng khựng lai, vẻ mặt sợ hãi, có lẽ vì nhìn thấy bác Hội? Cùng lúc ấy, bác Hội hỏi: “Con vô đây làm chi rứa?”.
Anh hai tôi không trả lời, mặt nhìn xuống đất, tôi nhìn thấy trong mắt anh chớp chớp, như có những giọt nước. Bác Hội sẵng giọng: “Con vào đó bán máu phải không?”. Anh tôi không trả lời, hai vai anh run nhẹ, những tờ giấy bạc rơi lả tả xuống đất. Bác Hội lê bước tới nắm tay anh kéo đi. Tôi lượm lại mấy tờ giấy bạc chạy theo. Đến một khoảng vắng, bác vứt cây nạng gỗ xuống đất, bác kéo anh tôi vào lòng, bác khóc, anh hai tôi khóc và tôi cũng khóc.
Về đến nhà, bác hỏi anh hai tôi ai chỉ vẽ cho anh đi bán máu, anh nói: “Trong xóm mình nhiều người đi bán máu lắm, họ rũ con đi”. Bác thở dài, lẩm bẩm: “Khốn nạn cho cái xã-hội mới nầy”!
Một hôm trời mưa, hai anh em tôi không đi lượm bao nylon. Tôi qua chơi với hai đứa con của bác Hội. Buổi trưa về, vừa mở cửa vào phòng, tôi thấy tên công an Được đang ở trong nhà. Nó vứt mấy đồng bạc trên giường và nói: “Giữ lấy mà mua gạo ăn!”. Tôi nhìn anh tôi dò hỏi nhưng anh im lặng.
Từ đó, anh tôi không còn vui cười, mặt lầm lì, hay tránh mặt tôi. Vài ngày sau, bác Hội đưa anh vào bịnh-viện vì anh bị đi cầu ra máu. Về nhà, bác lẩm bẩm suốt ngày: “Tên khốn khiếp! có súng, tau bắn nát đầu mầy”.
Bác Hội xin được cho anh hai tôi công việc gỡ lưới bắt cá trên một ghe chài của một người bà con bên vợ.
Hàng ngày tôi đi lượm bao nylon một mình. Buổi tối tôi ngủ một mình. Anh hai tôi theo ghe chài hai ngày mới về bến một lần. Tôi ăn uống bên nhà bác Lộc.
Một đêm, tôi đang ngủ, có cảm giác như có ai ôm mình vào lòng. Tôi nghĩ chắc anh hai tôi đã đi biển về, tôi quay người lại nhưng cái cảm giác chạm vào da thịt của anh hai tôi không giống như thuờng ngày, tôi mở mắt, qua ánh sáng đèn từ ngoài đường chiếu vào, tên Được đang nằm bên tôi. Tôi hoảng sợ, dùng hết sức mạnh hai chân đạp vào bụng tên Được rồi nhảy xuống guờng chạy ra khỏi nhà. Tiếng tên Được gọi theo:”Đừng chạy, tau bắt đưa về công an phường bây giờ”. Nhưng tôi vẫn chạy, chạy qua bao nhiêu con hẽm trong xóm, chạy ra huớng biển và thẳng đến bến ghe chài.
Tôi ngồi tựa lưng vào cái thúng chài trên bờ. Trước mặt tôi một màu đen mênh-mông, tiếng gió hòa cùng tiếng sóng biển tạo ra một âm thanh kỳ bí làm tôi sợ hãi... Tôi ngồi chờ anh hai tôi trở về bến. Tôi không dám quay trở về nhà, tôi phải trốn tên công-an Được.
Bỗng có tiếng chân người đi ven mé biển trước mặt tôi, càng lúc càng nhiều. Tiếng thì thầm thúc dục mà mang âm điệu sợ hãi... Tiếng trẻ con khóc, tiếng “xuỵt xuỵt ” bảo im lặng. Tiếng gọi tên nhau thì thầm. Tôi nghe tiếng máy nổ của một chiếc ghe từ xa càng lúc càng gần. Ở quanh tôi, đám đông đã đi lên hết trên cầu tàu.
Chiếc ghe đã cập cầu bến cá. Mọi người lần lượt lên ghe…Tôi nghe tiếng một người đàn ông hỏi:
– Bà con lên hết chưa? Đếm xem đủ người của mình chưa? Nhanh lên! để ghe rời bến, nhanh lên! nhanh lên! công an nó đuổi tới nơi bây giờ!

Tôi bủn rũn khi nghe mấy tiếng “công-an đuổi đến bây giờ”, tôi nhớ đến lời của tên Được. Sợ hãi, tôi leo nhanh lên cầu tàu. Một người chạy đến túm lấy tôi ném lên ghe: “Còn một đứa nhỏ, con ai đây? ...xong rồi! mở máy cho ghe chạy đi, trời bắt đầu sáng rồi”.
Trong ghe tối đen, tôi không nhìn thấy ai là ai. Một người lay tôi dậy. Trời đã sáng. Mọi người ngồi ép vào nhau. Vài người lao nhao hỏi tôi: “Cháu là con ai vậy? Tên là gì? Đi với ai?...". Tôi chỉ khóc, không biết trả lời như thế nào. Một bà dang tay ra ôm và an ủi tôi. Tôi nói với bà: “Con chờ anh con đi theo ghe đánh cá trở về... rồi một người nào đó ném con lên ghe này khi ghe bắt đầu chạy”.
Buổi chiều hôm đó, mọi người được chủ ghe cho phép lần lượt ra khỏi lòng ghe để thở chút gió mát. Quanh tôi, biển mông mênh không thấy đâu là bờ. Tôi nhớ đến anh hai tôi, nhớ ba mẹ tôi, nhớ gia đình bác Hội, nhớ mọi người trong xóm.
Tôi nghe hai người đàn ông nói chuyện với nhau:
– Chuyến này như vậy là thành công, hai lần truớc bị bắt khi ghe vừa rời bến, nhưng lần nầy thì mình thoát, ghe đang chạy vào hải phận quốc tế rồi. ...
Hai ngày sau ghe bị đột ngột chết máy, phải thả bồng bềnh trên biển. Trong lúc nguy khổn, may sao ghe được một tàu hàng Do-Thái đi ngang cứu, và chúng tôi được đưa đến trại tỵ nạn cọng-sản ở đảo Galang của nước Nam-Dương.
Tôi được một gia-đình người Pháp gốc Do-Thái nhận làm con nuôi, định-cư tại Tel-Aviv sau mấy tháng sống tại tỵ-nạn Galang.
Hôm xuống tàu để sang Singapour, những người tỵ-nạn còn đang bị tạm lưu lại đảo, tụ tập ngoài cầu tàu để tiễn những người được định cư, đi đến các nước đã nhận cưu mang họ. Con tàu xa dần bến, người đưa tiễn khuất dần trong tầm nhìn. Nỗi cô-đơn ngập trong tôi, tôi cảm nhận kể từ phút đó, tôi mất tất cả những gì gọi là hình bóng Viêt-Nam.Tôi gục đầu vào thành tàu, nghe những thổn thức tràn ngập trong lòng. Tôi khóc.
Ba mẹ nuôi nguời Do-Thái của tôi không có con. Họ đã có hai người con nuôi trước khi nhận tôi. Ba nuôi tôi có một nông trại trồng cam còn mẹ nuôi tôi là một giáo sư ngôn ngữ học. Hai người anh của tôi là một người da màu, gốc Madagascar còn nguời anh kia gốc Ai-cập. Trong ba người, tôi nhỏ tuổi nhất, kém người anh cả tám tuổi, kém người thứ hai năm tuổi.
Chúng tôi được nuôi ăn học đàng-hoàng, sống rất hòa thuận và đều theo Do-Thái giáo. Bà mẹ nuôi tôi hay than với tôi: “Đất nước của con sao mà nhiều thống khổ quá! chỉ tội cho người dân... Con cố học hành và đừng quên tiếng Việt, sẽ cần cho con sau nầy khi con muốn tìm về cội nguồn”.
Khi tôi lên trung học, mẹ nuôi tôi bắt đầu dạy tôi học tiếng Việt. Trong những giờ dạy tiếng Việt, bà yêu cầu tôi kể những gì liên quan đến gia đình tôi mà tôi còn nhớ được. Tôi kể bằng tiếng Việt gia đình và về hoàn cảnh của tôi. Mẹ tôi đã ghi lại trên giấy và vào buổi cơm tối ngày hôm sau bà đọc lại cho mọi người trong gia-đình cùng nghe bằng tiếng Do-Thái. Sự việc nầy kéo dài hàng năm cho đến lúc tôi không còn nhớ gì thêm để kể lại. Sau này những lúc chỉ có hai người, mẹ nuôi tôi thường nói tiêng Việt với tôi. Bà bảo đã hai lần đi Việt-nam, tim đến những nơi mà tôi đã kể cho bà nghe để tim tin tức gia-đình tôi nhưng vô hiệu. Có lẽ tri nhớ và số tuổi nhỏ của tôi đã không kể lại đủ chuyện gia-đình cũng như nơi chốn gia-đình tôi sinh sống trước đây cho bà nghe.
Sau khi tốt nghiệp đại-học, tôi được học bổng của trường đại học Sorbonne Pháp để học tiếng Pháp tại Paris. Một hôm đang ăn trưa tại một tiêm phở thuộc khu phố người Việt quận 13, một bác phục vụ nhà hàng lại bàn nói chuyện với tôi. Bác hỏi thăm và cho biết bác cũng là người gốc quận ba Đà-nẵng trước đây. Bác và gia-đình vượt biển sau khi thành-phố Đà-nẵng bị mất vào tay Cộng-sản. Bác khoe có trở về Đà-nẵng vài lần, nên bác cho biết các sự đổi thay và chỉ dẫn tôi cách tìm đường về nơi tôi đã đuợc sinh ra và lớn lên. Bác khuyên tôi nên về Đà-nẵng một chuyến để tìm lại gốc gác gia đình.
Tôi đi dạy dược hai năm thì cưới vợ và rồi có hai con, một trai một gái. Khi đứa con trai đầu của tôi được tròn bốn tuổi, tôi mua cho nó một chiếc xe đạp nhân ngày sinh-nhật của nỏ. Khi đem chiếc xe về nhà, kỷ niệm của ngày xa xôi ở quê nhà trở về …tôi nằm trên võng nghe mẹ tôi đọc lá thơ của ba tôi viết từ chiến trường…ba hứa khi về nhà sẽ mua cho tôi chiếc xe đạp mừng sinh-nhật …nhưng rồi mơ uớc đó không bao giờ đến. Nhìn con trai tập đạp xe, tôi ứa nước mắt, bùi ngùi nhớ lại tuổi thơ của mình, tội nghiệp cho thằng bé là mình hai chục năm trước. Tôi tự hỏi nếu ngày đó tôi có được chiếc xe, không biết tôi có những cử chỉ vụng về, loạng quạng khi tập đạp xe như con tôi bây giờ?
Tôi hay nói với vợ tôi,”Cho đến tuổi nầy, anh chưa bao giờ bước lên yên xe đạp”. Vợ tôi an ủi: “Anh lại trở về với quá khứ rồi, hãy quên đi!”.
Tôi chỉ biết thở dài…Làm sao mà quên được!
Mùa hè năm 2010, mẹ nuôi tôi khuyên tôi nên trở về Đà nẵng tìm thăm tin-tức gia-đình. Nếu tôi tìm được, bà định sẽ đem hết đại gia đình cùng đi với tôi trong một chuyến đi sau.
Tôi về đến Đà-nẵng. Theo lời hướng dẫn của cô tiếp-viên khách-sạn và những chi tiết bác đồng-hương tại một nhà hàng bên Pháp cho biết năm nào, tôi tìm đuờng ra bờ sông Hàn rồi tìm phà qua sông. Bến phà này mấy mươi năm trước anh hai đâ đưa tôi qua lại mấy lần để đến bịnh-viện bán máu lấy tiền mua gạo. Mọi vật đã đổi thay, phà đã ngừng đưa khách, chiếc cầu mới đã được bắt ngang hai bờ sông. Bác xe ôm lớn tuổi chở tôi chạy vòng qua bao nhiêu khu phố mà ở cái tuổi tôi thời ấy chưa có, bây giờ các khu phố đã mọc lên che lấp những bờ dương và bãi cát cùng sóng biển. Tôi ra đi ở cái tuổi lên năm, chưa có ý-niêm gì về tên làng, tên xóm, tên phường, tên con đường hẻm chạy qua trước nhà….nên bao nhiêu năm qua tôi không thể nào liên lạc đuợc về nhà cũ, quê hương dường như đă chết trong tôi.Tôi nhờ bác lái xe ôm hỏi thăm và đưa tôi đến nơi có bến ghe cá mấy mươi năm trước. Tôi hy vọng từ đó tôi sẽ tìm ra nhà cũ của ba mẹ tôi. Bác lái xe ôm đã đưa tôi đến bến ghe cá cũ, nhưng nay chỉ còn cái tên của ngày trước vì bến đã dời đi nơi khác, thay vào đó là một khách-sạn đã được xây lên cùng những ngôi nhà cao tầng. Tôi hỏi thăm nhà ba mẹ tôi, hỏi thăm nhà bác Hội, hỏi thăm tên anh hai tôi, mọi người đều lắc đầu, trả lời với một giọng nói có âm sắc cao và sắc mà tôi chưa hề được nghe khi còn thuở thơ ấu.
Lòng nặng chĩu và thấy lạc-lõng, tôi rưng rưng muốn khóc. Cả buổi trưa tôi lang-thang, từ khu nầy qua khu khác, áo đẫm mồ hôi, tôi đứng tựa vào một tường nhà có bóng mát tránh nắng. Tôi đã định quay trở về khách sạn nghỉ và sẽ tiếp tục trở lại khu nầy ngày hôm sau. Bỗng tôi nghe có tiếng ve sầu vang lên đâu đây nghe thật buồn não. Ngày xưa trong xóm chỉ có nhà tôi có cây phượng vĩ. Mùa hè hoa nở đỏ rực, lũ ve sầu từ đâu đến buông tiêng kêu râm ran và rầu rĩ, như ru tôi ngủ trong những buổi trưa hè nóng bức. Khi có cơn gió mạnh, những cánh phượng rơi lả tả xuống sân nhà, mẹ tôi cầm chỗi quét. Một lần tôi nghe mẹ tôi phàn nàn với ba tôi: “Anh ơi, hãy đốn cây phượng làm củi cho rồi. Ngày nào cũng quét hoa và lá rụng, mệt quá”. Ba tôi cười trả lời: “Cây phượng nầy do ông nội trồng để tưởng nhớ bà nội sau khi bà nội chết, bà nội mấy đứa nhỏ tên Phượng, mình không đốn cây được đâu.” Tôi lần đi về hướng có tiếng ve rên-rĩ...màu đỏ của hoa phượng chan hòa trước mắt tôi: một cây phượng to lớn im lìm dưới nắng chói chang…Tôi dừng chân bên cây phượng được trồng ngay bên cổng vào một căn nhà…



Tôi nhìn kỹ, hình ảnh ngôi nhà xa xưa của tôi hiện ra rõ ràng trong trí nhớ. Tôi đã tim ra được nhà tôi. Hàng hiên không có gì đổi thay, tất cả còn nguyên như cũ. Tôi lặng nguời vì vui mừng. Lòng hồi hộp nhưng cố giữ bình -tĩnh, một lát sau, tôi gọi vọng vào bên trong:
– Có ai trong nhà không, cho tôi hỏi thăm? ” Tôi gọi đến lần thứ ba thì cánh cửa nhà hé mở, một đứa bé trai bước ra nhìn tôi rồi vội quay vào đóng cửa lại. Tôi kiên nhẫn chờ. Cánh cửa lại mở, một người đàn ông râu tóc bạc phơ chống nạng bước ra. Tôi nhận ra ngay bác Hội ngày xưa của tôi. Bác già quá nhiều. Bác chống cây nạng gỗ mà người cứ run run. Bác lấy tay che trán nhìn tôi. Tôi bồi-hồi, xúc-động nói lớn:
– Bác Hội còn nhớ con không? Con là Tấn em đây. Bác đi khập khiễng ra cổng, giọng lắp bắp:
– Tấn em hả? con còn sống hả? Trời ơi! con còn sống hả?... Vào đi, vào đi con.
Hai bác cháu loạng choạng ôm nhau, cả hai cùng khóc, khóc vì mừng gặp lại nhau và khóc cho thân phận của mỗi người và thân phận của nhau. Tôi theo bác vào nhà, đưa mắt nhìn quanh, vội hỏi bác:
– Ba mẹ cháu đâu? anh hai cháu đâu bác?” Bác khựng lại rồi nói:
– Chuyện còn dài, rồi bác sẽ kể lại cho con nghe. Con ngồi nghỉ cho khỏe đã!
Và bác kể:
- Ngày mẹ con đi Huế tìm thăm ba con bị thương ở Quảng-tri và được đưa vào điều trị tại bịnh-viện Huể đến nay, bác chỉ nghe bạn đồng đội của ba con kể lại. Khi mẹ con ra đến bịnh viện thì ba con đã bị chính quyền mới của Cọng-sản đuổi ra khỏi bịnh viên cùng với các đồng đội khác cũng bị thương. Những người thương-binh và các nguời nuôi bệnh cùng cảnh này tụ-tập sống dưới chân cầu Tràng-tiền, nhờ vào sự giúp đỡ của dân chúng. Sau đó họ dìu dắt nhau theo quốc lộ 1 trở về Đà-nẵng, ngày xin ăn, tối ngủ bờ ngủ bụi. Khi đến Cầu-Hai thì ba con kiệt sức vì vết thương làm độc nên chết tại đây. Sau khi được dân Cầu-Hai giúp chôn cất ba con xong thì ngày hôm sau mẹ con, lúc đó cũng đau yếu, thất thểu đi một mình trên đuờng vào Đà Nẵng. Rồi từ ngày ấy đến nay, không ai biết tăm tích của mẹ con ở đâu nữa. Chắc là chết ở đâu rồi, vì nếu còn sống mẹ con thế nào cũng tìm về nhà ở Đà nẵng với hai anh em con.
Tôi gục đầu xuống bàn, thổn thức. Giọng bác đều đều:
- Khi con mất tích, anh hai con, gia-đình bác cùng bà con lối xóm ngày đêm tìm kiếm hoài không ra. Anh hai con buồn lắm, sống như một cái bóng thui thủi trong căn nhà này – bác nhìn quanh nơi bác và tôi đang ngồi. Ba năm sau, anh hai con đến tuổi “thi hành nghiã vụ quân sự” thì bị đưa qua chiến trường Campuchia. Chỉ sáu tháng sau, địa phương báo cho bác biết anh hai con đã tử thương. Người ta hứa sẽ đưa xác về, nhưng đó chỉ là lời hứa suông thôi, không bao giờ có xác về. Bác đã lấy một mảnh đất sau vườn nhà con xây một ngôi mộ nhỏ, lập bia chung cho cả ba người, ba mẹ con và thằng Tấn anh của con. Hằng ngày bác thắp nhang cho linh hồn ba mẹ con và anh hai con khỏi lạnh lẽo. Còn riêng phần con, bác nghĩ là con không chết, có lẽ con đã đi lạc đến một nơi nào đó, có người đem về nuôi, một mai khôn lớn con sẽ tim ra gốc gác gia đình để trở về.... Anh hai con cũng có ý nghĩ như bác nên trươc ngày bị đưa đi Campuchia, anh con đã giao hết giấy tờ nhà đất cho bác giữ hộ và dặn: “Nếu con có mệnh hệ nào thì xin bác giao lại cho thằng Tấn em con.” Bác giữ đã lâu mà vẫn không có tin tức gì của con, bác sợ chính quyền sẽ tịch thu căn nhà nên bác đã xoay sở sang tên ngôi nhà cho bác, nhờ vậy, cái nhà vẫn còn. Nay con trở về, bác sẽ giao nhà lại cho con.
Tôi theo bác ra sau vườn, ngôi mộ nằm bên một góc vườn. Mộ bằng xi-măng, sạch sẽ. Tôi đọc tên ba, mẹ và anh hai tôi ghi trên mộ bia. Tôi quỵ người xuống, gục đầu vào thành bia, nước mắt trào ra. Lòng tê tái, tôi đau đớn nghĩ đến cha mẹ, đến anh hai tôi và tự xót thuơng cho thân phận mình mồ côi, cô độc, tìm ra gốc gác gia đình chỉ để nhận thêm một sự thực rằng truớc sau gì tôi vẫn không còn cha mẹ, anh em, không có ai là người ruột thịt…đến lúc bác Hội nắm tay kéo tôi đứng lên, đèn trong nhà bác đã thắp sáng.
Ngày hôm sau, tôi vẫn giữ căn phòng ở khách-sạn nhưng về sống với gia-đình bác Hội. Một hôm bác đưa tôi dạo quanh xóm cũ, phần lớn dân cư tù nơi khác đến.Tình cờ ngang qua một tiệm sửa xe, tôi gặp Hiền, người bạn cùng học lớp mẫu giáo với tôi ngày xưa. Hai đứa nhận ra nhau. Cả hai bồi hồi, xúc-động. Bằng tuổi tôi nhưng Hiền mang dáng dấp của một ông lão. Ba của Hiền, ngày xưa là Trung-úy của quân lực Việt Nam Công-hòa. bị chính-quyền mới bắt đi tù cải-tạo ở Trung–phước rồi chết tại đó. Vì có lý-lịch con của “ngụy” nên Hiền không tìm đươc công ăn việc làm, nên đành lấy hiên nhà làm tiệm sửa xe từ mấy chục năm nay. Con cái học hành không tới đâu, nhà quá nghèo. Vợ cũng phải phụ chồng sửa xe. Bất chợt cơn mưa rào chợt đến. Hiền vội vã tìm thau và chậu đề hứng nhưng cả tiệm sửa xe vẫn tràn đầy nước từ trên mái đổ xuống. Hiền nói: “Cái nhà đă ‘rệu’ từ chục năm nay, không tiền để sửa, bây giờ lo cái ăn cho gia-đình khỏi đói là đủ mệt rồi”. Tôi nghe mà lòng bỗng dưng cồn-cào như bị cái đói ngày xưa hành hạ, cái đói mà anh Hai tôi phải bán máu, chất dinh dưỡng cơ thể để đổi lấy cái ăn mà sự dinh-dưỡng cơ thể đang cần…một cái vòng lẩn quẩn khốn-nạn của nhu cầu sinh tồn.
Buổi chiều truớc ngày từ giả gia-đình bác Hội để về lại Do-Thái, bác cùng tôi ngồi tâm-sự trong phòng khách. Bác kể lại tình bạn giữa bác và ba tôi, kể đến đâu, bác thở dài đến đó, bác ngậm ngùi nhớ đến kỷ niệm của một thời đă qua. Tôi tựa đầu vào thành ghế, tai chăm chú nghe nhưng mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà. Tôi hướng mắt về phía cái kèo nhà có cái khe nứt, sực nhớ lại chuyện ngày trước bác Hội đã thúc hối anh hai tôi tháo cờ ba sọc đỏ dấu đi… anh hai tôi đã leo cột nhà đem dấu vào chỗ khe nứt đó…bỗng nhiên tôi đứng lên đi vòng vòng trong phòng khách, mắt cứ nhìn chăm chăm vào khe nứt trên kèo nhà. Có lẽ bác Hội ngạc nhiên nên hỏi tôi:
– Con tìm cái chi rứa? Tôi trả lời:
– Bác còn nhớ, ngày xưa khi cọng sản vào thành phố, bác thúc anh hai con đem cây cờ ba sọc đỏ giấu đi và anh Hai con đã đem lá cờ giấu vào cái lỗ đó, tôi vừa nói vừa chỉ tay lên lỗ nứt trên kèo nhà. Bác Hội “ờ” lên một tiếng rồi nói “thằng ni nhớ dai ghê, như vậy thì nó còn ở đó; từ đó cho tới ni, chỗ đó không ai động đến, mà lâu quá không biết lá cờ có mục có nát không?
Nói xong bác tiến đến cửa lớn nhìn ra ngoài và nói với vẻ thận trọng:
– Sắp nhỏ chạy chơi đâu hết rồi, con muốn xem cái đó thì leo lên xem thử.
Nói xong bác khép cửa lại, gài chốt ngang.Tôi đã định xin phép bác leo lên xem thử lá cờ còn đó không, thì nghe bác khuyến khích làm tôi vừa sung-sướng vừa hồi hộp. Tôi đang loay hoay tìm cách leo lên cây cột (nhà xây theo kiểu xưa, có nhiều cột) thì bác đẩy cái bàn đèn sát cây cột nhà rồi để thêm cái ghế lên trên bàn, bác nói:
– Làm như thế ni leo dễ hơn!
Tôi thận trọng bước lên bàn, bước lên ghế, dùng hai tay đu lên sà nhà. Tôi chợt nhớ đến anh hai tôi, hồi đó anh leo lên cột sao dễ dàng và nhanh nhẹn như sóc vậy.
Tôi thọc tay vào khe hở bên kèo nhà, tay chạm vào một vật mèm mềm, kéo ra, một cuộn vải màu vàng đã phai màu... Tôi nói với bác Hội:
– Nó còn đây bác ơi!. Tôi ném cuộn vải màu vàng xuống cho bác... Bác nhặt cuộn vải lên, mở ra, tay giũ giũ mấy lần, lá cờ ba sọc đỏ hiện ra trước mắt tôi…tôi nghe bác nói:
– Còn nguyên si, chỉ bạc màu chút thôi. Tôi tuột xuống đứng bên bác. Bác trùm lá cờ lên đầu bác. Tôi nghe bác hít…mấy cái rồi bác lặng yên, chừng một phút sau bác lấy lá cờ ra khỏi đầu. Tôi nhìn thấy hai mắt bác đỏ và long lanh nước. Bác trao lá cờ cho tôi giữ và mở cửa đi ra ngoài rồi quay lại với một lọ thủy tinh trên tay, bác nói với tôi:
– Con cuộn lá cờ lại bỏ vài cái lọ ni, đem ra chôn bên mộ của ba con, ba con chết không có ai phủ cờ, mình nay đem chôn cạnh ba con như rứa ba con cũng ấm lòng.
Tôi cuộn lá cờ cho vào lọ, đậy nắp lại. Bác và tôi cùng đi ra ngôi mộ sau vườn. Bác dùng con dao chẻ củi đào một cái lỗ trên đầu mộ, tôi để cái lọ vào đó và bác lấp đất lại. Tôi nghe giọng bác thì thào như nguời tâm sự:
– Tổ quốc chưa kịp ghi ơn em thì Tổ quốc đã mất. Tổ quốc chỉ còn một chút nầy, em mang theo để sống với kỷ niệm của một giai đoạn lịch-sử…và biết đâu Tổ quốc sẽ sống lại với con cháu của chúng ta sau nầy.
Chiều hôm đó tôi từ giã gia-đình bác Hội.Trên đường đi từ trong nhà bác ra đường lớn đón xe để về khách-sạn, bác nhắc tôi:
– Con nhớ đừng quên giúp đỡ Hiền, thằng bạn của con. Nó cần sửa lại căn nhà dột nát của nó, không biết cả đời nó có tiền sửa được không. Tôi nói:
– Bác yên tâm, con sẽ giúp tận tình, con sẽ chuyển tiền về cho bác để bác đưa cho Hiền. Nếu không đủ con sẽ chuyển thêm cho đủ.
Tôi lại nói với bác:
– Dường như cả đời, bác đã lo hết cho gia đình ba mẹ con và anh em con, con nhớ ơn bác vô cùng. Nay bác có tuổi rồi, bác nên quan tâm cho sức khỏe bác nhiều hơn”.
Bác nắm chặt tay tôi hỏi:
– Còn ngôi nhà của ba mẹ con, con tính sao đây? Nay con còn đó, bác tiếp tục giữ nhà thì lòng bác ngại quá...!
Tôi trả lời trong nghẹn ngào:
– Tình cảm và công ơn bác dành cho gia-đình con như trời biển, có một trăm ngôi nhà như vậy cũng không thấm vào đâu đối với tấm lòng của bác… Con chưa bao giờ có một ý nghĩ nào về ngôi nhà đó là của ba mẹ con hay của con. Nó là của bác… nó là của bác. Bác nên lo cho Bác nhiều hơn!
Thay vì đi máy bay từ Hà-nội thẳng về Do-thái, tôi đổi vé đi Paris. Nước Pháp có vài ngôi chùa Việt-nam còn bên Do-thái không có.
Tôi tìm đến một ngôi chùa ở ngoại ô Paris để xin lập bài-vị thờ ba mẹ và anh hai tôi theo như lời bác Hội khuyên.
Vị-sư trụ trì chùa tiếp tôi sau chánh điện, hỏi:
- Anh cho biết tên thân-sinh của anh. Tên cha?
- Đoàn-Minh-Tiếng.
- Ngày và năm sinh?
- Dạ, thưa thầy con không biết.
- Ngày và năm chết?
- Dạ, thưa thầy con không biết.
- Pháp-danh?
- Dạ, thưa thầy con không biết.
Vị sư trụ trì nhìn tôi với đôi mắt khác thường, rồi lắc đầu:
- Ngày sinh, tháng đẻ của cha anh mà anh không biết, lạ thật!
- Vậy tên của mẹ anh là gì?
- Nguyễn-thị Kim Ngân.
- Ngày và năm sinh?
- Dạ, thưa thầy con không biết.
- Ngày và năm chết?
- Dạ, thưa thầy con không biết.
- Pháp-danh?
- Dạ, thưa thầy con không biết.
Vị sư trụ trì đứng dậy đi tới đi lui rồi nhìn tôi với đôi mắt nheo lạỉ như nghi ngờ như tôi đang đùa với ông một cách không nghiêm chỉnh.
Sư lại ngồi xuống, hỏi tiếp:
- Anh còn muốn lập bài vị cho ai nữa không?
- Dạ, còn người anh.
- Tên gì?
- Đoàn-Tấn Anh.
- Ngày sinh và năm sinh?
- Da, thưa thầy con không biết.
- Ngày chết và năm chết?
- Dạ, thưa thầy con không biết.
- Pháp-danh?
- Da, thưa thầy con không biết.
Thầy trụ trì ném cây bút xuống bàn rồi niệm Phật:
- “Nam mô A-di-Đà-Phật”
Thầy thở dài hỏi tôi:
- Anh muốn lập bài vị để thờ người thân trong chùa mà không nhớ ngày sinh tháng đẻ, ngày chết, Pháp-danh thì chùa làm sao cúng kiến cầu siêu được?
- Dạ thưa thầy, con lạc gia-đình cha mẹ và anh con từ lúc năm tuổi nên con không biết ngày sinh tháng đẻ....

DuyTrac-AuOanh

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025