GỌI TÊN CUỘC CHIẾN
GỌI TÊN CUỘC CHIẾN
Tác giả: Trần Trung Đạo
Giới thiệu: Điểm khác nhau căn bản giữa Chủ thuyết Nixon và Chủ thuyết Truman là sự thay đổi từ ngăn chận làn sóng CS (containment of communism) sang hợp tác (với Trung Cộng) và hòa hoãn (với Liên Xô). Đối với xung đột quân sự tại Việt Nam, Nixon chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh” (Vietnamization).
Trong diễn văn đọc tại Guam tháng 11,
1969, TT Nixon tuyên bố Mỹ chỉ yểm trợ vũ khí và phương tiện cho các quốc gia
đồng minh nhưng bảo vệ lãnh thổ là trách nhiệm của chính phủ và nhân dân các
nước đó. Theo cách hiểu của các nhà lãnh đạo Mỹ, từ khi chiến tranh bộc phát
cho đến khi người lính Mỹ tác chiến cuối cùng rời Việt Nam là cuộc chiến tranh
giữa Mỹ và CSVN.
Cả Mỹ và CSVN đều cố tình bỏ qua một
thành phần khác, một cuộc chiến tranh khác, đó là cuộc chiến của nhân dân miền
Nam Việt Nam bảo vệ chế độ Cộng Hòa non trẻ, bảo vệ quyền được sống trong tự
do, dân chủ sau gần 100 năm trong bóng tối thực dân.
Quan điểm chiến tranh Việt Nam là
chiến tranh giữa Mỹ và CSVN ăn sâu vào nhận thức của không ít các tầng lớp
người Mỹ, từ người dân bình thường cho đến giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhà làm
phim Mỹ.
Họ quên rằng, chiến tranh không diễn
ra tại Washington DC, không diễn ra tại Hà Nội mà diễn ra tại miền Nam Việt
Nam.
Sự hy sinh của 58,220 người lính Mỹ
là sự hy sinh to lớn và đáng kính, nhưng không thể so với sự chịu đựng của hơn
hai chục triệu dân miền Nam Việt Nam, trong đó nhiều trăm ngàn người đã chết
trong cuộc chiến, nhiều trăm ngàn người đã bị đày ải trong lao tù sau cuộc
chiến.
Từ những cụ già ở Huế cho đến những
em bé còn mặc tã ở nhà hàng Mỹ Cảnh hay tuổi chưa lên mười ở Tiểu học Cai Lậy
đã chết trong tức tưởi vì tham vọng CS hóa toàn cõi Việt Nam của đảng CSVN bắt
đầu tại Cửu Long, Hương Cảng tháng 2, 1930.
Do đó, ngay cả khi hoan hô các nhà làm phim Mỹ đưa ra ánh sáng vài mặt xấu xa, độc ác của chế độ CS cũng đừng quên sự hy sinh và chịu đựng của ông bà, cha chú mình và nhất là đừng quên, dù có người Mỹ hay không, cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ vẫn đã và đang diễn ra ngay trong phút giây này của lịch sử Việt Nam.
Ngày 23 tháng 3, 2017, Giáo sư Drew
Gilpin Faust, Viện trưởng Viện Đại Học Harvard viếng thăm Đại học Fulbright
Việt Nam. Nhân dịp này bà đọc một diễn văn tại Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân
Văn. Một phần khá dài của diễn văn, bà dành để nói về Chiến tranh Việt Nam, nội
chiến Hoa Kỳ và hòa giải Nam Bắc Mỹ.
Trong suốt diễn văn bà Drew Faust
không hề nhắc đến sự chịu đựng của người dân miền Nam Việt Nam hay nhắc đến
Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), chính phủ đại diện cho hơn một nửa dân số Việt Nam
ngày đó.
Người viết không nghĩ bà dè dặt hay
không muốn làm buồn lòng quốc gia chủ nhà. Nhưng giống như một số khá đông các
trí thức Mỹ trước đây, sau 44 năm từ khi các đơn vị trực tiếp chiến đấu Mỹ rút
khỏi Việt Nam vào tháng Ba năm 1973, bà vẫn chưa nhìn sâu được vào bản chất của
cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Việt Nam trong diễn văn của bà Drew
Faust là Cộng Sản Việt Nam.
Bà Drew Faust không hiểu được trên
con đường Việt Nam đầy máu nhuộm chạy dài suốt 158 năm, từ khi viên đại bác của
Rigault de Genouilly bắn vào Sơn Chà, Đà Nẵng sáng ngày 1 tháng 9, 1859 cho tới
hôm nay, nhiều triệu người Việt đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc.
Đảng CS là một nhóm rất nhỏ và chỉ ra
đời vào tháng 3, 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích thống trị rõ ràng,
dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện để hoàn thành mục tiêu đã vạch
ra.
Bà Drew Faust là người học nhiều,
hiểu rộng. Chắc chắn điều đó đúng. Nhưng nghe một câu chuyện và cảm thông với
những nạn nhân trong câu chuyện là một chuyện khác. Ngôn ngữ không diễn tả được
hết nỗi đau và đôi mắt thường không thấy được những vỡ nát bên trong một vết
thương.
Là một sử gia, bà biết lịch sử được
viết bởi kẻ cưỡng đoạt không phải là chính sử. Chính sử vẫn còn sống, vẫn chảy
nhưng chỉ được hiểu bằng nhận thức khách quan, tinh tế, chia sẻ với những tầng
lớp người đang chịu đựng thay vì đứng về phía giới cầm quyền cai trị.
Một ví dụ về chính sử. Năm 1949 tại
Trung Cộng, trong cuộc bỏ phiếu bầu chức vụ Chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Hoa, Mao tin tưởng tuyệt đối 547 đại biểu sẽ bỏ phiếu cho ông ta. Không, chỉ có
546 người bỏ phiếu thuận, nhà nghiên cứu triết học Zhang Dongsun bỏ phiếu chống
lại Mao. Ông bị đày đọa và chết trong tù nhưng lịch sử Trung Hoa ngày sau sẽ
nhớ đến ông như một người viết chính sử Trung Hoa.
Việt Nam cũng thế. Chính sử vẫn đang
được viết không phải từ những người đang đón tiếp bà mà bằng những người đang
ngồi trong tù, đang bị hành hạ, đày ải, trấn áp dưới nhiều hình thức.
Khát vọng độc lập, tự do, từ những
ngày đầu tháng 9, 1859 ở Cẩm Lệ, Quảng Nam, nơi máu của Đô Thống Lê Đình Lý
chảy xuống cho đến hôm nay vẫn cùng một dòng và chưa hề gián đoạn.
Nhân dịp tháng Tư, người viết xin
phân tích một số định nghĩa về nội dung của cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam là Chiến tranh
Ủy nhiệm (Proxy War)?
Chiến tranh Ủy nhiệm (Proxy War) là
cuộc chiến tranh mà các quốc gia bên ngoài, thường là cường quốc, không tham
gia trực tiếp cuộc chiến nhưng qua hình thức cung cấp võ khí, tài chánh cho các
phe cánh, lực lượng trong quốc gia đó đánh nhau vì quyền lợi riêng của các phe
nhóm này nhưng cũng tương hợp với quyền lợi của nước bên ngoài.
Chiến tranh đang diễn ra tại Syria
thường được báo chí gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Mỹ, Nga, Iran, Thổ, Anh, Pháp,
Saudi Arabia và Qatar góp phần tàn phá Syria khi yểm trợ cho các phe nhóm,
nhiều khi bất cần hành vi khủng bố của các phe nhóm này, để tranh giành ảnh
hưởng và tài nguyên của vùng Trung Đông.
Không ít báo chí quốc tế và nhà
nghiên cứu Chiến tranh Lạnh gọi chiến tranh Việt Nam trước khi Mỹ đổ bộ vào
tháng Năm, 1965, là chiến tranh ủy nhiệm, trong đó Trung Cộng, Liên Xô một bên,
Mỹ và đồng minh một bên.
Định nghĩa chiến tranh Việt Nam là
chiến tranh ủy nhiệm chỉ đúng khi nhìn cuộc chiến từ quan điểm đế quốc dù là
Mỹ, Liên Xô hay Trung Cộng chứ không phải từ vết thương, từ vị trí của nạn nhân
buộc phải chiến đấu để sống còn như dân và quân miền Nam Việt Nam.
Như có lần người viết dẫn chứng, một
người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt
sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu
là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp
của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân
phải làm cho bằng được.
Không ai “ủy nhiệm” anh lính nghĩa
quân cả. Anh không bảo vệ chiếc cầu giùm cho Mỹ mà cho chính anh và bà con
trong thôn xóm của anh. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng to lớn
bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.
Trong phần lớn chiều dài của cuộc
chiến, quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á và quyền lợi của VNCH tương hợp. VNCH đã
nhận hầu hết viện trợ quân sự của Mỹ kể cả nhân lực nhưng không đánh thuê cho
Mỹ như CS tuyên truyền.
Sau Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972
và Hiệp Định Paris năm 1973, chính sách của Mỹ tại Đông Nam Á thay đổi, quyền
lợi VNCH và Mỹ do đó không còn tương hợp nữa. Mỹ rút quân và cắt giảm viện trợ
quân sự vốn đã quá chênh lệch so với nguồn viện trợ quân sự CSVN nhận từ Liên
Xô, Trung Cộng và phong trào CS Quốc Tế.
Cho dù cạn kiệt nguồn cung cấp, quân
và dân VNCH vẫn chiến đấu và hy sinh cho tự do của họ, không phải chỉ sau Hiệp
định Paris 1973, không phải đến ngày 30-4-1975 mà cả sau 30-4-1975, hôm nay và
cho đến khi chế độ CS còn hiện diện tại Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam là Nội chiến
(Civil War)?
Nhiều người chỉ nhìn vào mái tóc, màu
da, khuôn mặt, chủng tộc, dòng máu và kết luận chiến tranh Việt Nam là nội
chiến. Thật ra, mái tóc, màu da, khuôn mặt, dòng máu chỉ là hình thức.
Thế nào là nội chiến?
Theo các định nghĩa chính trị học,
Nội chiến (Civil War) là cuộc chiến tranh giữa hai thành phần có tổ chức trong
cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất, mục đích của một bên là chiếm đoạt
bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách nhưng
không thay đổi thể chế.
Theo định nghĩa này, chiến tranh
Nam-Bắc Mỹ là nội chiến, hoặc xung đột võ trang giữa chính phủ da trắng và Nghị
Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC chống chính
sách Phân biệt Chủng tộc tại Nam Phi là nội chiến.
Bắc Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT
Abraham Lincoln thắng cuộc nội chiến Mỹ nhưng chỉ thay đổi chính sách nô lệ,
trong lúc cơ chế chính trị và chính phủ cấp tiểu bang gần như không thay đổi
nhiều.
Tại Nam Phi cũng vậy. Sau cuộc đấu
tranh dài dưới nhiều hình thức, cuối cùng ANC đã thắng nhưng cũng chỉ hủy bỏ
chính sách Phân Biệt Chủng Tộc (Apartheid) tại Cộng Hòa Nam Phi nhưng không xóa
bỏ nền kinh tế thị trường.
Không chỉ cựu Tổng thống de Klerk trở
thành cố vấn của TT Nelson Madela trong suốt nhiệm kỳ mà nhiều viên chức trong
chính phủ của de Klerk, các tư lịnh quân binh chủng, lực lượng cảnh sát quốc
gia đều tiếp tục nhiệm vụ của họ.
Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam
Cộng Hòa không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền
Bắc. Chính phủ và nhân dân VNCH hoàn toàn không muốn chiến tranh.
Sau một trăm năm chịu đựng không biết
bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích trước mắt của nhân dân miền Nam
là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam thành
một nước cộng hòa hiện đại.
Giấc mơ tươi đẹp của nhân dân miền
Nam đã bị ý thức hệ CS với vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng tàn phá vào buổi sáng
30-4-1975.
Sau khi VNCH bị cưỡng chiếm, đảng
CSVN không phải chỉ thay đổi về chính sách như trường hợp Mỹ hay Nam Phi mà
thay đổi toàn bộ cơ chế.
Nói theo lý luận CS đó là sự thay đổi
tận gốc rễ từ thượng tầng kiến trúc chính trị đến hạ tầng cơ sở kinh tế bằng
các phương pháp dã man không thua kém Hitler, Mao, Stalin.
Do đó, gọi chiến tranh Việt Nam là
nội chiến chỉ đúng về hình thức, nội dung vẫn là chiến tranh của các chính phủ
và nhân dân miền Nam chống ý thức hệ CS xâm lược.
Chiến tranh Việt Nam là "Chiến
tranh chống Mỹ Cứu Nước"?
Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ
Chí Minh tại Moscow giữa tháng Hai, 1950 đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay
Trung Cộng.
Stalin nói với Hồ Chí Minh tại Moscow
"Từ bây giờ về sau, các đồng chí có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Liên
Xô, đặc biệt hiện nay sau thời kỳ chiến tranh, thặng dư của chúng tôi còn rất
nhiều, và chúng tôi sẽ chuyển đến các đồng chí qua ngả Trung Quốc. Tuy nhiên vì
điều kiện thiên nhiên, chính yếu vẫn là Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí.
Những gì Trung Quốc thiếu chúng tôi sẽ cung cấp." Sau đó tới phiên Mao, y
cũng lần nữa xác định với Hồ "Bất cứ những gì Trung Quốc có mà Viêt Nam
cần, chúng tôi sẽ cung cấp."
Theo Trương Quảng Hoa trong "Hồi
ký của những người trong cuộc" Hồ Chí Minh thưa với Mao trên xe lửa từ
Liên Xô về Trung Cộng "Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực
tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh
chống Pháp từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc."
CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung
Cộng, không chỉ phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở
lý luận mà cả cách nói, cách ăn mặc, cách chào hỏi. Mao gần như đơn phương
quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc chọn ngày, chọn tháng
cần phải chiếm Điện Biên Phủ.
Sau xung đột Eo Biển Đài Loan, và
trầm trọng hơn, sau chiến tranh Triều Tiên với gần 400 ngàn quân Trung Cộng bị
giết, trong số đó có Mao Ngạn Anh (Mao Anying), con trai trưởng và gần gũi nhất
của Mao, từ đó kẻ thù lớn nhất của Mao Trạch Đông là Mỹ. Mao chỉ thị toàn bộ bộ
máy tuyên truyền tại Trung Cộng phải chống Mỹ bằng mọi giá. Chống Mỹ từ xa,
chống Mỹ ở gần, chống Mỹ trong lý luận, chống Mỹ trong thực tế, chống Mỹ khi có
mặt Mỹ và chống Mỹ khi không có mặt Mỹ.
Tuân lệnh Mao, trong Hội nghị Lần thứ
Sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và
Bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ: “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ
thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp
của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ.”
Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” được
thai nghén từ quan điểm và thời điểm này.
Nhưng “nước” trong khẩu hiệu “Chống
Mỹ cứu nước” phải hiểu là nước Tàu chứ không phải nước Việt, lý do trong thời
điểm này chưa có một người lính hay một cố vấn Mỹ nào ở Việt Nam. Hôm đó, ngay
cả Hiệp định Geneva 1954 cũng còn chưa ký.
Với chỉ thị của Mao và kiên trì với
mục đích CS hóa Việt Nam đề ra từ 1930, vào tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung
ương đảng Lao Động sau khi biết rằng việc chiếm miền Nam bằng phương tiện chính
trị không thành, đã quyết định đánh chiếm miền Nam bằng võ lực dù phải “đốt
cháy cả dãy Trường Sơn” như Hồ Chí Minh đã nói.
Gần hết đồng bào miền Bắc bị đảng lừa
vào cuộc chiến “giải phóng dân tộc” và hàng triệu người đã uống phải viên thuốc
độc bọc đường “chống Mỹ cứu nước” nên bỏ thây trên khắp hai miền.
Lý luận chính phủ VNCH không thực thi
“thống nhất đất nước” theo tinh thần Hiệp định Geneva chỉ là cái cớ tuyên
truyền.
Thực tế chính trị thế giới của giai
đoạn sau Thế Chiến Thứ Hai là thực tế phân cực và sự chọn lựa của thời đại là
chọn lựa giữa ý thức hệ Quốc gia và Cộng sản. Không chỉ các quốc gia bị phân
chia như Nam Hàn, Tây Đức mà cả các quốc gia không bị phân chia như Hy Lạp, Thổ
Nhĩ Kỳ v.v… cũng chọn thế đứng dân chủ Tây Phương để làm bàn đạp phát triển đất
nước.
Giả sử, nếu có bầu cử để “thống nhất
đất nước” và đảng CS thua, liệu họ sẽ giải nhiệm các cấp chính trị viên và sáp
nhập vào quân đội quốc gia, giải tán bộ máy công an chìm nổi, đóng cửa các cơ
quan tuyên truyền, từ chức khỏi tất cả chức vụ điều hành đất nước?
Trừ phi mặt trời mọc ở hướng tây và
lặn ở hướng đông điều đó không bao giờ xảy ra.
“Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng chung quanh mây
vàng…”
Câu ca dao quen thuộc mà ai cũng
biết. Đó là chưa kể đến mây xám, mây đen, mây hồng, mây tím trong thơ và nhạc.
Nhưng mây màu gì? Mây thực sự chỉ là màu trắng. Màu mây thay đổi do ánh nắng
mặt trời tùy theo mỗi khoảnh khắc trong ngày.
Cuộc chiến Việt Nam cũng vậy. Tên gọi
của cuộc chiến khác nhau tùy theo quan điểm, góc nhìn, quyền lợi và mục đích,
nhưng với nhân dân miền Nam, đó chỉ là cuộc chiến tự vệ của những người Việt
yêu tự do dân chủ chống lại ý thức hệ CS độc tài toàn trị xâm lược.
Không thấy rõ bản chất xâm lược của ý
thức hệ CS sẽ khó có thể chọn con đường đúng để phục hưng Việt Nam.
Trần Trung Đạo
Nhận xét
Đăng nhận xét