1. Vắng Trump, G-7 đang kiềm chế Trung Quốc hay đang “bao che” cho ĐCSTQ? (Phần đầu)

Những tuyên bố chung của nhóm G-7 dưới thời Joe Biden có vẻ như “đội lốt” chống ĐCSTQ, nhưng thực chất là bảo vệ thể chế độc tài này một cách tinh vi.


Vắng Trump, G-7 đang kiềm chế Trung Quốc hay đang “bao che” cho ĐCSTQ? (Phần đầu)

Tác giả: Đông Bắc

Kết thúc 3 ngày nhóm họp (11-13/6), G-7 ra các tuyên bố chung, mà theo đánh giá của truyền thông dòng chính, thì các nhà lãnh đạo G-7 đang thống nhất hơn bao giờ hết trong nỗ lực kiềm chế mạnh mẽ Trung Quốc. Nhưng ngôn từ trong các tuyên bố lại cho thấy dường như ngược lại, và nhìn chung không có gì khiến ĐCSTQ phải lo ngại như G-7 năm 2017 với sự tham dự của Tổng thống Donald Trump.

G-7 đã ra tuyên bố chung với hàng chục tiêu điểm trọng tâm, từ Thương mại và công bằng, Phục hồi kinh tế và việc làm, Biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, … cho tới các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. 

Tuy nhiên những tuyên bố của G-7 dưới thời Joe Biden có vẻ như “đội lốt” chống ĐCSTQ, nhưng thực chất là bảo vệ thể chế độc tài này một cách tinh vi. Điều này thể hiện ở một số tuyên bố sau:

Tiếp tục KÊU GỌI Trung Quốc tôn trọng nhân quyền...

Trong các tuyên bố chung, tuyên bố lên án hành vi vi phạm nhân quyền có lẽ là lời chỉ trích mạnh mẽ nhất của nhóm G-7 đối với Trung Quốc kể từ vụ đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn hơn 30 năm trước, khi G7 kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản” ở Hồng Kông và Cương

Bất chấp phía Mỹ có lập trường dường như cứng rắn nhắm tới các vấn đề ở Tân Cương và Hồng Kông, bao gồm cả cáo buộc “diệt chủng” ở Khu tự trị Tân Cương, nhưng thông cáo chung của nhóm G7 lại lược bỏ đi cáo buộc "diệt chủng” và có phần “nhẹ hều” như kiểu xoa nhẹ ĐCSTQ: 

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy các giá trị của mình, bao gồm bằng cách kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là liên quan đến Tân Cương và những quyền, tự do và mức độ tự trị cao cho Hồng Kông được bảo vệ trong Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật cơ bản”. 

Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt vào trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh Getty)

Mặc dù truyền thông dòng chính cho biết  G-7 - dưới thời Joe Biden cho thấy các nhà lãnh đạo có sự đồng thuận cao so với thời Tổng thống Trump -  nhưng các tuyên bố chung của G-7 lại không mạnh mẽ lên án Trung Quốc như chính quyền Joe Biden kỳ vọng, khi EU, Đức và Italy được cho là không muốn lên án Trung Quốc về cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Những động thái “né tránh” Trung Quốc còn được phản ánh qua việc Thủ tướng Anh Boris Johnson không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc trong bài phát biểu kết thúc hội nghị, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó nói rằng G7 không phải một "câu lạc bộ" thù địch với Trung Quốc. 

Các nhà lãnh đạo G-7 nhóm họp tại Cornwall (Anh). Ảnh chụp qua Twitter.

Ngày 14/6 Thời báo Hoàn cầucơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã lên tiếng “coi nhẹ” tuyên bố của nhóm G7 chống lại hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, và tờ báo này đánh giá đây là hành động khiêu khích nhưng cho rằng không đủ “tầm” để xáo trộn chương trình nghị sự của Bắc Kinh. (1)

 Rõ ràng, việc G7 lại tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền thay vì có các biện pháp trừng phạt cứng rắn, chỉ càng giúp ĐCSTQ được đà tiếp tục làm càn. 

Vào tháng 9/2020, 63 thành viên của Nghị viện châu Âu đã ký vào một bức thư chung gửi tới các lãnh đạo EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, và bà Thủ tướng Đức Angela Merkel để thúc giục họ “đảm bảo rằng sẽ có hậu quả nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền. Chúng tôi kêu gọi EU đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc và trong các cuộc thảo luận trong tương lai”.

Bức thư cũng viết rằng, những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ “đã không dẫn đến bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào trong hành vi từ chính phủ Trung Quốc”. 

Trước đó, vào ngày 30/6/2020, bất chấp những quan ngại rộng rãi của quốc tế, Bắc Kinh đã phớt lờ ban hành Luật An ninh quốc gia ở Hong Kong. Luật này cho phép hình sự hoá các hoạt động mà Bắc Kinh coi là ly khai và lật đổ, với mức phạt tối đa là tù chung thân.

Hiển nhiên với một châu Âu đang đà suy thoái và phụ thuộc quá nhiều vào mối quan hệ “làm ăn” với Trung Quốc,  các thành viên trong nhóm G-7 như Đức, Ý  cùng với Liên minh châu Âu sẽ chọn cách tránh đối đầu với Trung Quốc, đã lùi bước để “cân đo đong đếm” lợi ích thiệt-hơn trước sức ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của ĐCSTQ. Bởi đơn giản lúc này, châu Âu đang cần sự đầu tư kinh tế của Trung Quốc.  

Châu Âu bị mắc vào thế “tắc kẹt” giữa hai đối tác quan trọng, một bên là nước Mỹ với “cái ô” đảm bảo an ninh và một bên là Trung Quốc - đối tác kinh tế gần gũi và quan trọng. Mỗi ngày, châu Âu và Trung Quốc giao thương trị giá khoảng 1 tỷ Euro, và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào EU lần lượt đạt 29,1 tỷ Euro (năm 2017) và 17,3 tỷ Euro (năm 2018). (2)

Cơ hội kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho châu Âu là khá lớn, đặc biệt đối với các quốc gia ở khu vực Đông Âu vốn luôn bị tụt hậu so với các nước ở Tây Âu. Các quốc gia này đã được hưởng lợi từ các dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, và thậm chí nhiều nước còn “nịnh nọt” nhằm tránh Trung Quốc “gạt tên” không cho tham gia. 

Ở cấp độ EU, các nhà lãnh đạo đã không thể vạch ra một chiến lược rõ ràng để đối phó với ĐCSTQ. Một số quốc gia “đầu tàu” như Đức và Pháp muốn tăng cường vai trò trong quốc phòng và an ninh châu Âu sau Brexit, đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ”.

Nhưng trong khi các tuyên bố và hướng dẫn thực thi chung ở cấp EU dường như có vẻ “cứng rắn”, thì việc “biến” các tuyên bố ấy thành hiện thực lại là “quyền” của mỗi quốc gia thành viên EU. Mỗi chính phủ của các quốc gia châu Âu lại có các chiến lược và lợi ích khác nhau để đối phó hay bắt tay với Trung Quốc. 

Điều này thể hiện rất rõ như khi một số nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng chỉ trích các hoạt động kinh doanh chèn ép và hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ, thì cũng lại có những quốc gia trong khối EU vẫn giữ im lặng và thậm chí còn ca ngợi ĐCSTQ. Sự thiếu gắn kết này đã ngăn cản châu Âu chống lại những thách thức từ mối đe dọa của ĐCSTQ. 

Tất cả đều bắt nguồn từ những mối ràng buộc lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh. 

Tiếp tục THAM VẤN lối cạnh tranh kinh tế không lành mạnh của ĐCSTQ….

Tuyên bố G-7 cũng giảm “tông giọng” khá nhiều trong vấn đề kinh tế và thương mại“Đối với Trung Quốc và sự cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn về các cách tiếp cận tập thể đối với các chính sách và thực tiễn phi thị trường đầy thách thức làm suy yếu sự vận hành công bằng và minh bạch của nền kinh tế toàn cầu”.  

Tờ Wall Street Journal bình luận: G7 lại “tiếp tục tham vấn?”, và cho biết các nhà lãnh đạo G-7 sẽ phải làm nhiều hơn là “tiếp tục tham vấn” để chống lại sự cướp bóc thương mại, trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ - vốn có quá nhiều điều tiếng về việc sử dụng “luật rừng” thay vì luật quốc tế đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn lâu dài tại Trung Quốc. (3)

Khi đề cập tới vấn đề thiết thực hơn là cần phải làm gì để chống lại sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như việc ĐCSTQ ngày càng cứng rắn, thách thức hơn khi đối đầu với mọi chỉ trích, thì các nhà lãnh đạo G-7 lại chọn cách làm ngược lại: “Vỗ về” Trung Quốc. 

Tất nhiên, G-7 cũng cam kết tăng cường các quy tắc để ngăn chặn ĐCSTQ “ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, hạ thấp tiêu chuẩn lao động và môi trường để đạt được ưu thế trong cạnh tranh….” (4). 

Nhưng liệu một châu Âu đang coi trọng mối quan hệ lợi ích kinh tế với ĐCSTQ, thậm chí đang “tự tay” làm xói mòn các giá trị dân chủ tự do mà EU vốn cố công gây dựng, bằng cách loại bỏ việc lên án tội ác “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương trong tuyên bố chung để tránh làm mất lòng ĐCSTQ, thì làm sao EU và Mỹ có thể đủ sức “bắt” ĐCSTQ phải theo tuân đúng luật quốc tế? 

Chiến lược "đu dây" của Châu Âu tỏ ra thiển cận và nguy hiểm khi một mặt muốn giữ mối quan hệ với Washington, trong khi lại muốn nhận lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh. (Ảnh: Getty)

Bản thân nền kinh tế Mỹ dưới thời Joe Biden cũng đang “long đong” không kém. Với chính sách phá hoại nền kinh tế Mỹ của Joe Biden bằng cách hủy bỏ hàng loạt các sắc lệnh hành pháp có lợi cho nước Mỹ của chính quyền tiền nhiệm - năng lực sản xuất của Mỹ vốn đang phục hồi và tăng trưởng dưới thời Tổng thống Trump - nhiều khả năng sẽ quay lại hiện trạng như thời Barack Obama với sưu cao thuế nặng, thất nghiệp gia tăng, sản xuất trống rỗng, thị trường Mỹ rơi vào tay Trung Quốc… 

Vậy nền kinh tế Mỹ dưới thời Joe Biden có đủ lực để cạnh tranh với Trung Quốc, chứ chưa nói tới ngăn chặn ĐCSTQ, khi năm 2020, Trung Quốc đã “hất cẳng” Mỹ để trở thành đối tác thương mại chính của châu Âu. (5)

Tiếp tục QUAN NGẠI tình hình Biển Đông và Hoa Đông…

Ngày 13/6, kết thúc cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 3 ngày, các nhà lãnh đạo G-7 đã thống nhất ra tuyên bố chung, trong đó đề cập tới vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông: “Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình  ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời kiên quyết phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng”. 

Có điều, thông cáo không nêu rõ “tình hình” là việc Trung Quốc xâm chiếm và quân sự hóa các đảo san hô vi phạm luật pháp quốc tế. 

Bất chấp đại dịch, tình hình Biển Đông trong những ngày này lại nóng lên bởi các hành động ngỗ ngược của Trung Quốc trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á. 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Trong bối cảnh này, hầu như các nhà quan sát, chuyên gia quân sự, nguyên thủ các nước trong nhóm G-7 hay các nước có chủ quyền đang tranh chấp đều bày tỏ quan ngại, hoặc tìm cách ứng phó với động thái tiếp theo của Trung Quốc, nhưng tất cả dường như chưa có một chiến lược đối phó rõ ràng.

Tất cả đều quên mất một điều rằng, tình huống phức tạp này bắt nguồn từ sự xử lý yếu đuối và bạc nhược của chính quyền Barack Obama, đã hà hơi tiếp sức cho Trung Quốc ồ ạt xâm lấn. 

Cuộc khủng hoảng tại Biển Đông thực sự bắt đầu vào tháng 4/2012 khi Tổng thống Obama bước vào nhiệm kỳ thứ hai. Chính quyền Bắc Kinh đã lùa tàu chiếm giữ toàn bộ rạn san hô có tên là Bãi cạn Scarborough, thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

Trong vòng ba năm, từ 2013-2015, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất trên các rạn san hô và đảo san hô trong chuỗi đảo Trường Sa ở Biển Đông, nơi mà Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei tuyên bố có chủ quyền. 

Từ năm 2013-2015, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất trên các rạn san hô và đảo san hô trong chuỗi đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh: Đảo Gạc Ma từ năm 2012 - 2014. (Ảnh chụp video)

Năm 2014 có thể nói là năm Trung Quốc đẩy mạnh xây đảo một cách điên cuồng nhất, khởi đầu bằng việc bồi đắp trái phép 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với bến cảng, đường băng và căn cứ quân sự kiên cố.

Ở sâu dưới lòng biển, tình hình tồi tệ không kém khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bằng cách xây dựng một mạng lưới radar ngầm. Trên bầu trời Biển Đông, Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). 

Bỏ qua các yêu sách của các nước láng giềng, Trung Quốc đơn phương tuyên bố sáp nhập hơn 80% diện tích Biển Đông mà không gặp phải bất cứ rào cản nào từ phía chính quyền Barack Obama. 

Trong di sản của mình, Tổng thống Barack Obama không chỉ khiến thế giới trở nên hỗn loạn hơn, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh của nước Mỹ. (Ảnh: Getty)

Sự hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông được coi là “phép thử” cho chính quyền Obama lúc bấy giờ trong việc giữ gìn hiện trạng, và ngăn chặn sức mạnh của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên Barack Obama không bao giờ chấp nhận lập luận ngăn chặn, và hoài nghi về mối đe dọa của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ và các đồng minh, đồng thời lo ngại sự gia tăng căng thẳng leo thang trong khu vực sẽ làm “phật lòng” Bắc Kinh. 

Ngoài mặt, Barack Obama phản đối “miệng” về Biển Đông và kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Bên trong phòng Bầu dục, Barack Obama ra lệnh cho Hải quân Mỹ chỉ được phép tiến hành 3 chuyến tuần tra Biển Đông vào năm 2016, 2 chuyến vào năm 2015 và tàu chiến Mỹ hoàn toàn vắng bóng tại Biển Đông trong năm 2014 - cũng là năm mà ĐCSTQ đẩy mạnh việc xây dựng đảo phi pháp dữ dội nhất. 

Thay vì áp dụng biện pháp răn đe quân sự, Barack Obama lại đẩy “trách nhiệm” sang trông chờ hoàn toàn vào hệ thống pháp luật quốc tế, vốn luôn bị Trung Quốc thách thức, chây ì, bất hợp tác và từ chối tham dự vào các cuộc phân xử quốc tế. 

Vậy dưới sự lãnh đạo của Joe Biden - từng đảm nhận chức Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama, liệu chính quyền Joe Biden có lặp lại cách hành xử yếu nhược trước ĐCSTQ như “sếp cũ” của ông, khi chính tờ Thời báo Hoàn cầu cũng “thừa nhận” rằng:  Chiến lược của ông (Joe Biden) phần lớn phản ánh chiến lược của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama”. (6)

Đông Bắc

Nguồn NTD: Vắng Trump, G-7 đang kiềm chế Trung Quốc hay đang “bao che” cho ĐCSTQ?

Xem tiếp Phần cuối




Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025