Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 14

 


Bài 14 - SINH HOẠT SINH VIÊN 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Đến đây, chúng ta thấy rõ ràng, trong ý đồ thôn tính Miền Nam tự do, Cộng sản đã mở ra nhiều mặt trận, trong đó có Mặt Trận Đại Học. Cộng sản lập ra tổ chức Thành Đoàn Cộng sản rất quy mô, chặt chẽ với hai hệ thống chìm và nổi. Họ cài cấy cán bộ cốt cán vào hàng ngũ sinh viên, quy tụ các phần tử thân Cộng, khuynh tả và tuyển mộ thêm các sinh viên nhẹ dạ, hiếu động. Rồi bằng mọi cách, với mọi giá, họ lôi kéo, thúc ép và cả khủng bố, để giành lấy quyền kiểm soát các tổ chức sinh viên hợp pháp và công khai là các ban đại diện sinh viên các Phân khoa Đại học. Từ đó, họ có danh chính ngôn thuận để phát động các cuộc tranh đấu trong trường học và ngoài đường phố, nhằm chống chính quyền Miền Nam tự do. Họ phổ biến rộng rãi trước dư luận trong và ngoài nước những yêu sách chấm dứt chiến tranh theo đúng những đòi hỏi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam là con đẻ của Cộng sản Hà Nội. 

Cũng chính vì đã nhận thức được như thế, cho nên Lực lượng Sinh viên Quốc gia, tuy còn nặng nợ đèn sách, đã tự nguyện tham gia chiến đấu chống lại Thành Đoàn Cộng sản trong Mặt Trận Đại Học. 

Mặt Trận Đại Học là thứ mặt trận đặc thù, đặc biệt, rất khó phân biệt giới tuyến, bởi vì đối thủ hoạt động dưới nhãn hiệu sinh viên hoặc giáo sư, cộng với quy chế “Tự trị Đại học”; đàng khác, dư luận thường dành rất nhiều ưu ái cho lãnh vực trường ốc. Vì thế, ngoại trừ chính Lực lượng Sinh viên Quốc gia ra tay nhập trận thì không có bất cứ lực lượng nào thích hợp hơn để có thể đánh thắng Cộng sản trong Mặt Trận Đại Học. Dùng quân đội là không thích hợp. Dùng cảnh sát cũng chỉ có thể ngăn chặn đàng ngọn, vừa không có thể bứng tận gốc đối phương, vừa rất dễ bị dư luận lên án. 

Mặt Trận Đại Học diễn ra ngay trong khuôn viên các Phân khoa Đại học, đôi bên so găng bằng những đòn cân não, nhưng vẫn có đổ máu, có hi sinh tính mạng như các chiến sĩ ngoài mặt trận, bởi vì Cộng sản sẵn sàng dùng bất cứ phương tiện nào để đạt mục đích. Mỗi khi chúng yếu thế hoặc thất bại, chúng tổ chức ngay những vụ khủng bố hoặc ám sát các giáo sư và các sinh viên đối thủ. 
Với bao gian nan, nguy khó, cuối cùng, Lực lượng Sinh viên Quốc gia đã thắng, đã kiểm soát được tất cả các tổ chức sinh viên công khai, hợp pháp. 
Sau khi thắng lợi và giành lại được quyền kiểm soát các ban đại diện sinh viên các Phân khoa Đại học, Lực lượng Sinh viên Quốc gia nghĩ ngay tới việc phục hồi các sinh hoạt học đường lành mạnh như thể thao, văn nghệ, du khảo, du ngoạn, nhất là tổ chức đi thăm các chiến sĩ VNCH tại tiền đồn vùng giới tuyến cũng như ngoài hải đảo xa xôi... 
Các ban đại diện sinh viên còn gửi nhiều phái đoàn sinh viên đi làm công tác xã hội, trợ giúp chương trình khẩn hoang lập ấp của chính phủ. 
Sau đây, mời quý độc giả đọc vài bài tường thuật sống động và coi lại những tấm hình kỉ niệm hiếm hoi của các sinh viên trong Lực lượng Sinh viên Quốc gia đã từng tham gia các sinh hoạt sinh viên trước ngày 30-4-1975. 

Bạch Diện Thư Sinh 
<0><0><0>

I. HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG HỘI SINH VIÊN SÀI GÒN 

Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn niên khoá 1973-74 (kéo dài sang năm 1975) tổ chức lễ ra mắt tại rạp hát Hưng Đạo dưới sự chủ toạ của ông Tổng trưởng Văn hoá Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh; hiện diện còn có ông Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, các Giáo sư Khoa trưởng các Phân khoa, các đại diện của Toà đại sứ Hoa Kì, Nhật, Đài Loan, Pháp… ; sinh viên Cao học Khoa học Vũ Công Tuấn làm MC, Mai Lan làm thông dịch viên. 
Sau lễ ra mắt, Ban Chấp hành Tổng hội SVSG bắt tay ngay vào các công tác: 

1. Tổ chức Giải thể thao SVSG 1974 

2. Đầu năm 1974, Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa, Tổng hội SVSG và ban đại diện sinh viên các Phân khoa thuộc Đại học Sài Gòn đã đồng loạt ra tuyên cáo phản kháng mạnh mẽ hành động xâm lược của Trung Cộng trước công luận trong và ngoài nước, đồng thời tố cáo sự im lặng khiếp nhược của Cộng sản Hà Nội. 

3. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Cộng quân tấn công tỉnh lị Phước Long, vi phạm trầm trọng Hiệp định Ba Lê. Nhằm phản kháng sự bất lực của Uỷ ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát, Tổng hội SVSG phát động Tuần lễ Đại học hướng về Phước Long và mau chóng tổ chức một cuộc biểu tình lớn, gồm sinh viên nhiều Phân khoa Đại học. Đoàn biểu tình dài một cây số kéo tới trụ sở Uỷ ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát (Ba Lan, Canada (Iran), Hung và Indonesia) đặt tại số 12, Trần Quốc Toản. Sinh viên đốt hình nộm Hồ Chí Minh, rồi trao kháng thư cho viên Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát. Lúc đó, viên Đại sứ trưởng đoàn Ba Lan là Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát đã ra tiếp đại diện đoàn biểu tình và nhận kháng thư của Tổng hội SVSG.
 
4. Khoảng giữa tháng 3-1975, diễn ra cuộc “di tản chiến thuật” của Quân đoàn II, rồi Quân đoàn I VNCH, khiến cho hàng chục vạn dân chúng miền Trung tháo chạy tán loạn vào Nam bằng bất cứ giá nào. Các trại tạm trú dựng nên vội vàng, thiếu thốn đủ mọi thứ. Để thoa dịu phần nào những nỗi thống khổ của hàng vạn đồng bào tị nạn, Tổng hội SVSG lên kế hoạch gây quỹ cứu trợ. Chủ tịch Tổng hội SVSG Phạm Minh Cảnh đã tới Bộ Dân vận Chiêu hồi để xin ông Thứ trưởng Triệu Huỳnh Võ cho phép độc quyền chiếu cuốn phim The Exorcist tại Rạp Rex. Đây là cuốn phim mới nhập cảng, thêm vào đó, các buổi chiếu phim có phần phụ diễn văn nghệ, cho nên đã gặt hái thành công lớn, rạp không đủ chỗ cho khán giả. Trong buổi trình chiếu khai mạc, Chủ tịch Tổng hội SVSG lên đọc kháng thư lên án Cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris qua hành động xua quân ồ ạt tấn chiếm VNCH; đồng thời kêu gọi thanh niên, sinh viên Miền Nam đoàn kết chiến đấu, quyết bảo vệ Miền Nam tự do. 

5. Sau đó, Tổng Hội SVSG chủ động mời đại diện các Phân khoa Đại học Sài Gòn, đại diện sinh viên Đại học Minh Đức, Học viện Quốc gia Hành chánh… tới họp để thảo ra một bức tâm thư gửi Tổng thống Hoa Kì Gerald Ford và Tổng thống các quốc gia đồng minh Đại Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Úc và các Tổng thống các nước tự do Anh, Pháp, Tây Đức… Nội dung bức tâm thư nêu hai điểm chính, một là xin các nước tự do tiếp tục trợ giúp VNCH trong cuộc chiến đấu bảo vệ Miền Nam tự do; hai là yêu cầu Tổng thống Hoa Kì hãy hành động thích đáng theo lời cam kết của TT. Richard Nixon với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trước khi kí Bản Hiệp định Paris rằng ông sẽ phản ứng nhanh chóng và ác liệt nếu Cộng sản Bắc Việt có bất cứ sự vi phạm nào. 

6. Trước tình thế nguy biến, Tổng hội SVSG đưa ra sáng kiến vận động tái lập Sư đoàn Sinh viên Quyết tử bảo vệ Thủ đô. Sáng kiến này được các sinh viên Quốc gia nhiệt tình ủng hộ, trong đó có nhiều sinh viên miền Trung vừa mới chạy thoát vào Nam tị nạn Cộng sản. Đó là điểm son cuối cùng mà Tổng hội SVSG muốn thực hiện trong tình thế dầu sôi lửa bỏng. Vì những hoạt động tích cực này cho nên khi Cộng quân tiến vào Thủ đô Sài Gòn, chúng đã cho chiến xa ủi sập cổng trụ sở Tổng hội SVSG tại số 207 Đường Hồng Bàng.
 
Phạm Minh Cảnh, 
Chủ tịch Tổng hội SVSG 1973-75 

II. LUẬT KHOA 

TRƯỜNG SA, NHỮNG DẤU CHÂN KỶ NIỆM 

Sau khi rời ghế trường Luật, chúng tôi mỗi người một ngả đi tìm cuộc sống đích thực cho bản thân mình. Ngoài giờ làm việc, chúng tôi thường tham dự vào những lớp Cao học, và đây cũng là dịp cho chúng tôi trở lại ngôi trường thân yêu, gặp lại bạn bè, để được tay bắt mặt mừng, cùng nhau trò chuyện trong quán cà phê mà ngày xưa, khi còn mài đũng quần ở đây chúng tôi thường gặp nhau vào mỗi buổi sáng. Một hôm, Ban Chấp hành Sinh viên mời chúng tôi cùng tham dự việc tổ chức phái đoàn sinh viên Sài Gòn đến thăm viếng quần đảo Trường Sa, nơi quân đội chúng ta hiện đang đồn trú. 

Từ khi Trung Cộng đánh chiếm đảo Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974 thì vùng biển Trường Sa đã trở nên sôi động và hầu như chiến tranh có thể bùng nổ tại đó bất cứ lúc nào. Chính quyền tỉnh Phước Tuy đưa quân đội đến trấn giữ, cùng bảo vệ quần đảo. Sau hai tháng thì Trường Sa đã trở lại yên ổn. Chúng tôi đệ đơn trình lên Bộ Tư lệnh Hải quân về chuyến thăm viếng chiến sĩ đồn trú tại đây và được Bộ Tư lệnh chấp thuận. Bộ Tư lệnh Hải quân cung cấp đầy đủ phương tiện di chuyển và thực phẩm cho chuyến đi. Mục đích chính của chúng tôi là mong đem niềm vui đến các anh chiến sĩ xa nhà cùng mang đến những món quà thiết thực cần nhất cho cuộc sống của chiến sĩ đồn trú tại hải đảo xa xôi. Ý nghĩ về chuyến đi thì rất đẹp và hấp dẫn, nhưng sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo để hoàn thành chuyến đi ý nghĩa này cũng là một mối lo cho anh em sinh viên chúng tôi.
 
Chúng tôi bắt tay ngay vào việc uỷ lạo, chúng tôi đến những cơ sở xuất nhập cảng thực phẩm tại Sài Gòn, trình bày mục đích để xin họ cung cấp cho chúng tôi một số thực phẩm khô như: mì gói, lạp xưởng, nước mắm, bánh, kẹo, kem, bàn chải đánh răng, thuốc lá, v.v... Khi biết được mục đích cao đẹp của chúng tôi dành cho các chiến sĩ miền xa, các hãng sản xuất đã không ngần ngại, mà nhiệt tình ủng hộ, tặng cho chúng tôi vô số thực phẩm quý hoá và thực dụng, hơn cả dự đoán của chúng tôi. Đặc biệt, hãng nhập cảng rượu tặng cho phái đoàn 10 thùng rượu Napoléon. Thật vô cùng cảm động.
 
Tổng số sinh viên Luật khoa và Văn khoa tham dự là 62 người, thêm phái đoàn báo chí của Tổng Cục Chiến tranh Chính trị 6 người dưới sự hướng dẩn của nhà văn Quân đội Phan Nhật Nam của "Mùa Hè Đỏ Lửa". Trong 62 sinh viên tham dự có 25 nữ và 37 nam. Sinh viên Văn khoa tham dự đông hơn, vì có một số sinh viên đến hải đảo để tìm hiểu và nghiên cứu về địa chất cũng như những sinh vật đang sống trên các đảo. Ngoài ra, chúng tôi thành lập một đoàn văn nghệ với đầy đủ nhạc cụ... Ngày đi được ấn định vào lúc 8:00 giờ sáng, ngày 10 tháng 5, 1974 và về là 25, tháng 5, 1974. Địa điểm tập họp tại bến Bạch Đằng, phía bên trái của Bộ Tư lệnh Hải quân.
 
Đúng 7 giờ sáng, anh em trong ban tổ chức có mặt đầy đủ. Tàu HQ 15 đã đậu sẵn tại bến Bạch Đằng. Bạn bè từ từ đến, tay bắt, mặt mừng, náo nức vui vẻ. Ai ai cũng đeo túi xách. Riêng đoàn văn nghệ thì mệt hơn, phải khiêng vác nhạc cụ nào: đàn, trống, kèn, máy móc và loa phóng thanh. Những thùng quà thì đã được các anh lính Hải quân đưa xuống tàu từ ngày hôm trước. Hai phái đoàn Luật và Văn khoa cũng trang bị đầy đủ cờ và biểu ngữ riêng của họ. Sau khi lên tàu và điểm danh đủ số 62 sinh viên tham dự. Tàu nhổ neo vào lúc 10 giờ sáng, xuôi dòng sông Sàigòn ra biển. Thời tiết hôm ấy thật đẹp, nắng ấm và mát mẻ. Nước biển trong xanh, xuôi chảy êm ả, bình yên, thật xứng đáng với tên đã được đặt cho là biển Thái Bình. 
Tàu nhẹ nhàng rời bến, lướt sóng vượt trùng dương. Đứng trên bong tàu, mơ màng nhìn lên cao, bầu trời hôm nay trong xanh, gió biển thổi nhè nhẹ và mát rượi, nhìn xuống nước, màu xanh của biển đã gieo vào lòng mỗi người chúng tôi một niềm cảm xúc mênh mông, tâm tư lắng đọng, chắc chắn là ai ai cũng đang mang trong lòng những ước nguyện và mơ mộng về một viễn ảnh tương lai tươi sáng, hoặc là có người lại đang hồi tưởng lại kỷ niệm đẹp của những lúc tay trong tay cùng người yêu lang thang trên hè phố Sàigòn vào ngày nào đó. Lòng tôi chùng xuống và nhớ đến một bài hát thật trữ tình về biển của nhạc sĩ Anh Thy văng vẳng bên tai:
 
Ngày xưa em anh hay hờn dỗi. Giận anh khi anh chưa kịp tới. Cho anh nhiều lời, cho anh bồi hồi. Em cúi mặt làm ngơ. Không nghe anh kể chuyện. Bao nhiêu chuyện tình đẹp nhất trên trần đời… 

Đang lim dim mơ màng, chợt một bàn tay để nhẹ trên vai, tôi quay lại thì đó là Kim Oanh, một người bạn gái rất thân với tôi. Chúng tôi đã quen nhau vào mùa Thu năm 1967, khi vừa tập tễnh bước chân vào ngưỡng cửa trường Đại học Luật khoa Sàigòn. Một ngôi trường cổ kính, cũ kỹ nhưng rất thơ mộng với những hàng cây dài rợp bóng mát. Mặc dù đang tập sự Luật sư tại toà Thượng thẩm Sàigòn, nhưng Kim Oanh đã chấp nhận lời mời của tôi cùng tham dự chuyến đi hữu ích và Oanh cũng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong suốt cuộc hành trình, nhờ vậy mà chuyến đi đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Nàng là con gái Tây Đô của vùng đồng bằng sông Hậu, của bến Ninh Kiều lả lơi; còn tôi, người con trai xứ Bưởi của dòng sông Đồng Nai hiền hoà miền Đông… 
Qua gần hai ngày lênh đênh trên sóng nước, chiều ngày hôm sau thì tàu cặp bến đảo Song Tử Tây, một buổi chiều nắng đẹp. Đây là Bộ chỉ huy tiền phương của Tiểu đoàn Trinh sát Mãnh Sư 371. Tôi không nhớ rõ lúc ấy là mấy giờ, nhưng sau khi những chiếc Cano đưa chúng tôi lên đảo thì trời đã tối. Những chiến sĩ trên đảo đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón phái đoàn sinh viên và báo chí. Độ hơn 40 chiến sĩ đứng trước mặt chúng tôi, một anh lính trẻ bước ra, ngỏ lời chào mừng phái đoàn. Đêm hôm ấy trăng thật tròn và sáng tỏ, thay thế cho ánh đèn trên hải đảo. Dầu vậy, chúng tôi cũng không nhận rỏ gương mặt của anh lính trẻ ấy là ai. Anh tự giới thiệu:

“Tôi, Trung uý Đỗ Công Thành, Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Mãnh Sư 371, đại diện anh em chiến sĩ đồn trú tại đây, xin chân thành chào mừng phái đoàn sinh viên và báo chí đến thăm viếng”. 

Tiếng vỗ tay vang rền, xen lẫn tiếng chuyện trò vui vẻ nhộn nhịp trong một bầu không khí hân hoan, náo nhiệt, dường như không ai chú ý đến anh lính trẻ với danh hiệu "Mãnh Sư Chúa đảo" đang vẫn còn tiếp tục nói. Sau khi viên Sĩ quan dứt lời chào đón thì anh đến bắt tay từng người. Khi ấy, tôi mới nhận ra anh sĩ quan trẻ là người bạn cùng học một lớp với tôi tại trường Trung học Ngô Quyền, tỉnh Biên Hoà ngày xưa. Chúng tôi mừng rở, ôm chầm và thăm hỏi nhau sau nhiều năm xa cách, kể từ khi rời trường Ngô Quyền. 
Tối hôm đó, Chúa đảo đãi phái đoàn chúng tôi một buổi ăn tối thật ngon gồm: Cơm được nấu tại đảo, thịt hộp, thịt rùa, và cá nướng trui. Tại đảo không có đèn điện, nhưng dường như đêm hôm đó “chị Hằng”cũng vui mừng chào đón chúng tôi nên ánh trăng toả sáng ngời tuyệt đẹp. Trong bữa cơm, Trung uý Thành kể: Sau khi Hoàng Sa bị Trung Cộng tiến chiếm thì chính quyền tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) vội vàng đưa Tiểu đoàn Trinh sát Mãnh Sư 371 ra trấn giử. Xuất quân ngày 27 tháng 2 năm 1974 tức mùng 2 Tết đến quần đảo Trường Sa, Trung uý Thành cùng toán quân tiền phương tiến thẳng vào đảo Song Tử Tây. Tại đây, quân đội ta đã chạm phải một toán lính Phi Luật Tân. Anh nói: 

“Mấy tay lính Phi nầy nghe Hoàng Sa đã thất thủ nên họ từ đảo Song Tử Đông muốn nhảy vào đây để ăn ké chút ít. Nhưng rất tiếc, họ đã bị quân ta đánh bật, nên lật đật lôi tàu trở về đảo Song Tử Đông, nơi mà Phi Luật Tân đã chiếm cứ từ lâu”. 

Quân số của Tiểu đoàn được bổ xung đầy đủ khoảng 200 người được chia ra đóng giữ 6 trong số 11 đảo lớn gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa, Sinh Tồn, và An Bang. Đảo Nam Yết nằm giửa các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa cho nên Trung uý Thành cho đặt hậu cứ tại đây gồm có trạm y tế và trung tâm truyền Tin. Những đảo nầy nằm cách nhau độ 100 hải lý. Riêng đảo Song Tử Tây ở hướng Bắc của quần đảo Trường Sa, gần Hoàng Sa, anh tiếp: 

“Nếu Trung Cộng từ Hoàng Sa tiến quân xuống hướng Nam sẽ chạm súng với quân đội ta ở Song Tử Tây trước. Vì vậy, Bộ Chỉ Huy tiền phương được đặt tại đảo nầy”. 

Song Tử Tây và Song Tử Đông được coi như là anh em sinh đôi, có chu vi gần bằng nhau và cách nhau độ 3 hải lý. Đảo Song Tử Đông, đảo Vĩnh Viễn, đảo Loai Ta và đảo Thi Tư do Phi Luật Tân chiếm đóng từ lâu. Đảo lớn nhất là Itu Aba do Đài Loan làm chủ. Đài Loan đã lập trung tâm huấn luyện người Nhái tại đây từ lâu lắm rồi. Hướng về phiá Nam của đảo Trường Sa là đảo nhỏ nhất An Bang, mỗi lần thuỷ triều lên là nước biển ngập toàn đảo. Vì thế, quân đội ta không thể đóng quân tại đảo nầy được. Dầu vậy, khi có phương tiện, lúc thuỷ triều xuống, Trung uý Thành và một số lính đến thám sát đảo nầy. Chúa đảo nói: 

“Chú em út An Bang nầy khỏe re, vì sống rất xa các anh chị, cho nên nếu các anh chị có bị Trung Cộng tiến đánh thì còn lâu lắm mới tới đứa em út nầy bị ăn đòn. Vì vậy, cái tên An Bang xem như là một sự an bài của Thượng Đế”. 

Buổi tối đầu tiên trên đảo thật vui, Chúa đảo tổ chức đốt lửa trại. Anh nói, chung quanh đảo nầy có nhiều vọng gác, nhưng đêm nay tất cả anh em tụ tập đây cùng vui. Toán văn nghệ sinh viên trổ tài ca, múa, nhảy... cùng với tất cả anh em chiến sĩ quây quần bên ngọn lửa bập bùng. Chúa đảo là một nghệ sĩ lãng mạn, anh trổ tài ngâm thơ, vừa đàn Guitar vừa hát làm rung động nhiều trái tim của các nữ sinh viên. Đã hơn 4 giờ sáng, chúng tôi vẫn còn vui đùa, vài anh sinh viên lăn ra ngủ từ bao giờ. Đêm đó khí hậu thật mát, gió nhẹ, không có muỗi, xa xa vọng lại những tiếng kêu hình như của đàn chim hải âu hay của một vài loài chim biển khác...
Sáng sớm hôm sau 14-5-74, Trung uý Thành đưa chúng tôi đến thăm viếng nơi mà anh đang xây bia chủ quyền của Việt Nam Cộng Hoà tại đảo Song Tử Tây. Trung uý Thành cho biết, sau những lần thị sát trên khắp các đảo, anh không tìm thấy bia chủ quyền nào của chúng ta còn hiện hữu ngoại trừ tại đảo Song Tử Tây và Trường Sa còn sót lại cái nền xi măng cao mà anh cố gắng xây trên đó hai cái bia chủ quyền. Tôi nhớ trên bia tại đảo Song Tử Tây có khắc những dòng chữ: 

Bia Lưu Niệm 
Ngày 01/3/74 
Đại Đội 371 
Tiểu Đoàn Mãnh Sư 
Tỉnh Phước Tuy
VIỆT NAM CỘNG HOÀ 

Đúng vào lúc nầy, phái đoàn sinh viên tặng Tiểu đoàn một tấm Plaque để lưu niệm với những dòng chữ: 

Quần đảo Trường Sa 
Lưu niệm Hè 1974 
Sinh Viên Viện Đại Học Sài Gòn 


Trung Uý Thành cám ơn phái đoàn và nói: chính Anh sẽ đích thân gắn tấm lưu niệm nầy lên bia chủ quyền tại đây. Tôi thấy trên đảo Song Tử Tây có nhiều cây dừa mọc rất cao, độ gần trăm tuổi mà có lẽ ngày xưa vua chúa mình đã sai người đến thăm đảo và trồng những cây dừa nầy, hay là do những trái dừa trôi dạt trên biển tắp vào và mọc lên. Hôm nay là một ngày nắng ấm, bầu trời trong xanh, gió mát, thật đẹp. Chúa đảo đưa chúng tôi đi tắm biển. Bãi biển với cát trắng, rong rêu bao phủ khắp nơi. Những con vích đẻ trứng từng cụm trên bãi biển dọc theo những bụi cây. Mỗi lần sóng biển đưa nước dâng lên mang theo nhiều cá, rất dễ bắt, chúng tôi chỉ rượt theo đâm cá bằng những cây nhọn, hoặc bắt bằng tay. Sò, ốc, rùa… thì nằm đầy trên bãi cát. Nữ sinh viên thích thú nhất là đi tìm nhiều vỏ sò, ốc thật đẹp. Xa xa chúng tôi nhìn thấy chúa đảo, anh chàng nghệ sĩ “beau” trai đang "từng bước từng bước thầm", lang thang bên cạnh một người đẹp Luật khoa. Thơ mộng làm sao! Một buổi chiều đẹp trên hoang đảo, mà bắt gặp được một cặp trai gái sánh đôi bên nhau như một đôi tình nhân yêu thương thắm thiết, trông thật lãng mạn, nên thơ. Dường như cặp tình nhân nầy vì quá mải mê mà đã quên mất bạn bè, và họ cũng không để ý đến đám bạn bè đang nhìn về họ mà hò hét tưng bừng..

Anh em lính trên đảo nấu cơm cho chúng tôi ăn. Bữa cơm tối hôm nay đặc biệt, có thêm cá tươi nướng, chim quay, ốc sò nướng vỉ, trứng Vích luộc... nhất là có rượu Napoléon đang ướp lạnh dưới hồ nước… tuyệt vời làm sao! Sau buổi cơm tối, Trung uý Thành đem thư phân phát cho các anh lính. Trung uý Thành cho biết, hàng tuần đều có một chuyến tàu tiếp tế lương thực, thuốc men, nước uống, súng đạn, cùng những nhu cầu cần thiết, mang thư đến và chuyển thư về đất liền. Các anh lính dựng lều, những tấm Poncho làm giường cho phái đoàn nghỉ ngơi. Tôi được dịp tâm sự cùng nhiều anh lính trẻ. Người thì nhớ những bạn bè nơi quê nhà, lúc trẻ cùng nhau đi bộ cắp sách đến trường, đi bắt cua, bắt cá nơi đồng ruộng. Một anh khác thì đang nhớ người yêu, lại có anh đang nhớ về người vợ vừa mới cưới được vài tháng mà vì công vụ phải xa nhà... Có anh còn nói, 
“Tôi nhớ tô phở gà Hiền Vương, hay tô phở xe lửa đâu đó ở Saigon”.

Còn một anh lại tâm sự với tôi, 
“Ở đây buồn quá giống như ở tù bị đày ra hoang đảo, ở tù nhưng có tự do, không phải tác chiến và không chết!!!” 

Có một anh lính vừa đọc thư xong, với gương mặt buồn bã, đến tâm sự với tôi, anh nói: "Tôi vừa đọc thư của em gái tôi cho biết là má tôi bịnh nặng, Bà đang nằm tại bịnh viện, bà ao ước trông tôi về phép thăm bà". 

Trong thư có đoạn: 
“Má sợ má không còn sống được lâu nữa, má mong muốn được gặp con lần cuối...” 
Tôi thương cảm cho hoàn cảnh của anh quá. Tôi đến nói lại với Trung uý Thành, yêu cầu Trung uý nếu có thể được cho anh ấy về phép để thăm mẹ anh ta. Trung uý Thành lặng thinh, cúi mặt trầm ngâm, tỏ vẻ cảm động, anh nói,

"Tôi sẽ cố gắng cho anh ấy về phép khi tàu tiếp tế đến đây". 

Những người khác buồn buồn thì rủ nhau lái những chiếc Cano lướt sóng, hay đi bắt cá về nướng ăn... Cà phê và thuốc lá cũng chỉ có giới hạn, thay thế vào đó các anh đi đào củ sâm về nấu nước uống. Các anh tự an ủi cho chính mình, còn đùa: 

“Uống nước sâm cho mát, không nở bề ngang cũng nở bề dọc…”
 
Vài chàng lính trẻ thích làm thơ, ca hát, hoặc chẻ cây để làm những kỷ vật, họ cứ thế, âm thầm lặng lẽ sống cho qua những ngày tháng đơn lẻ nơi hải đảo... Trung uý Thành cho biết những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, anh em rất cực khổ, không chỗ ở, gió rất mạnh, lạnh buốt, bão đến thường xuyên hằng ngày. Ban ngày vừa căng lều để ngủ thì ban đêm bị gió cuốn mất. Sau đó, Công binh đến xây nhà tiền chế cho Đại đội trú ngụ. Hiện tại (1974) không có dân sinh sống trên quần đảo nầy. Anh nói, vì mặt đất chỉ cao hơn mặt nước biển từ 4 đến 6 thước, nên mỗi lần thuỷ triều lên cao thì nước biển có thể bao phủ hết cả đảo. Hơn nữa không có nơi nào có thể đào giếng nước ngọt, nếu có chỉ lờ lợ, mặn mặn. Trên đảo có những nơi có thể trồng rau, hoặc những loại cây khác. Đặc biệt giây sâm mọc rất nhiều khắp mọi nơi trên đảo. Nếu dân chúng sống tại đây bằng nghề chài lưới, đánh cá thì họ cũng không có tàu lớn để đem cá về đất liền.

Sáng sớm hôm sau, Trung uý Thành và một vài anh em tiễn đưa phái đoàn đi thăm những đảo khác, anh tiếc vì nhiệm vụ nên anh không thể theo phái đoàn. Vả lại, tại mỗi đảo đều có quân đội đồn trú nơi đó tiếp đón. Sau khi rời đảo Song Tử Tây, tàu HQ 15 trực chỉ về hướng Nam đưa chúng tôi đến đảo Nam Yết. Đứng trên bong tàu nhìn trở lại, tôi thấy đảo Song Tử Tây chỉ còn lại là một vật rất nhỏ với hình trăng lưỡi liềm, hai đầu cong và nhọn. Một mảnh đất nhỏ bé của quê hương. Vậy mà từ xưa tổ tiên chúng ta vào thế kỷ thứ 17, các vị vua thường phái lính đến thăm viếng. Và tôi cảm thấy buồn, không biết bao giờ tôi có dịp trở lại đây. Chiếc tàu từ từ rời xa, những ngọn dừa cao ngất cũng từ từ rời khỏi tầm mắt của tôi... Hồi tưởng lại những gương mặt của các anh lính không lâu trước đó, những gương mặt buồn, bùi ngùi cảm động khi tiễn chúng tôi tại bong tàu. Các anh là những chiến sĩ vô danh, những người hùng đang gìn giữ và bảo vệ mảnh đất của dân tộc Việt. Ngày hôm sau chúng tôi đến đảo Nam Yết. Các quân nhân tại đây đã phải vất vả lắm mới đưa tất cả chúng tôi lên đảo. Đây là hậu cứ của Tiểu đoàn cho nên lính trên đảo nầy khá đông, thêm một số lính Công binh đang làm đường và xây những căn nhà cho lính trú ngụ. Đảo nầy có mặt đất cao hơn, bằng phẳng và khô ráo. Chúng tôi đã từng đi dạo trên những con đường mòn chạy dọc chung quanh đảo. Tại đây có rất nhiều cây dừa đẹp lắm, cây nhàu, một loại cây có thể nấu nước uống. Có cả một sân bóng chuyền để khi các anh buồn buồn rủ nhau ra chơi banh. Phía sinh viên lập thành đội banh để đấu với đội banh của các anh lính. Dĩ nhiên đội banh chúng tôi mỗi trận đều thua thảm bại...

Đảo kế tiếp trong chuyến viếng thăm của chúng tôi là đảo Sinh Tồn nhưng chỉ ghé qua trong thời gian ngắn. Riêng đảo An Bang chúng tôi không đến được vì đảo nầy nhỏ, mặt đất thấp, nước ngập nhiều nơi. Đảo cuối cùng trong chuyến viếng thăm của chúng tôi là đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa là đảo có nhiều cây rậm, nhiều cây dừa, địa thế đất cao, khô ráo và đẹp hơn. Chúng tôi được dịp đi lang thang cùng với các anh lính khắp nơi trên đảo. Đảo nầy có hình tam giác, đoạn dài nhất của đảo độ 1000 thước. Vì vậy, Công Binh bắt đầu xây một đường bay dài 800 thước, nhiều đường mòn lớn, xe có thể chạy được. Các anh lính có trồng thêm nhiều rau để ăn trên đảo như: rau muống, dền, hành lá, rau lang, bầu, mướp, bí, bắp. Tại đây có giếng nước ngọt, tuy không ngon như nước trong đất liền, nhưng cũng tạm dùng được... Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà vừa xây xong một cầu tàu, vì vậy việc di chuyễn từ tàu lên đảo rất nhanh và tiện lợi. Tôi thấy trên đảo có nhiều công sự phòng thủ vững chắc với những bao cát chung quanh, một đài khí tượng rất cao. Hiện tại có một đại đội lính đồn trú, một số người nhái, và một đơn vị công binh đang hoạt động. Đặc biệt trên đảo nầy có nhiều căn nhà nhỏ mà toán công binh vừa xây xong. Chúng tôi được ngủ trên những chiếc ghế bố rất thoải mái hơn những ngày qua. Vì có phương tiện đầy đủ nên phái đoàn chúng tôi ở tại đảo nầy lâu hơn. Những ngày sống trên đảo Trường Sa thật thần tiên, thú vị, vui vẻ. Chung quanh đảo là những bãi cát trắng xoá, nước biển trong xanh, thật đẹp không thua gì đảo Thổ Châu và Phú Quốc mà chúng tôi đã có dịp đến. Chúng tôi được tự do tắm biển, đi khắp mọi nơi trên đảo rất thoải mái mà không phải sợ sệt về những điều bất ổn. Những ngày có sự hiện diện chúng tôi, đảo Trường Sa bận rộn hẳn lên, trông giống như một làng quê, người người qua lại, nhộn nhịp... 

Một năm sau, vào những ngày đầu của tháng 5, 1975, khi chiếc tàu HQ 502 đưa những người di tản đến hải cảng Subic Bay của Phi Luật Tân, tôi được dịp ngang qua vùng biển Trường Sa. Tôi nhớ lại năm trước, cũng vào thời gian nầy, tôi và các bạn sinh viên đang sinh hoạt trên quần đảo nầy. Chúng tôi có hẹn nhau là sẽ gặp lại tại đây vào mùa hè năm nay. Và bây giờ, tôi chợt nhận ra là ước mơ đó của chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được nữa. Lòng tôi chợt chùng xuống và cảm thấy một nỗi buồn đau, mất mát tận cùng trong tim. Ôi! Thật đau đớn, tủi hận... chúng ta đã mất, mất tất cả rồi!!!

Thời gian trôi qua thật nhanh, đã 40 năm rồi, không biết các anh lính trẻ đồn trú tại đảo Trường Sa và các bạn sinh viên bây giờ đang ở đâu?. Nguyễn Kim Oanh, người bạn gái thân nhất của tôi với những năm lang thang trong khuôn viên trường Luật thuở nào, đã từng chia sẻ những vui buồn với tôi trong suốt khoảng đời trai trẻ bây giờ đang sống nơi nào? Cần Thơ hay Sidney, Cali hay Paris…? Mặc dầu mái tóc chắc chắn nay đã đổi màu, nhưng tôi vẫn hy vọng là Kim Oanh đang sống tại vùng được mệnh danh là “Thủ đô của người tị nạn”. Chúa đảo Trường Sa hiện đang sống tại thành phố đầy tráng lệ dưới ánh đèn màu của tiểu bang Nevada. Riêng tôi đang sống tại vùng đồi núi nắng ấm của Miền Nam California. 

Hỡi các bạn thân thương của tôi! Mặc dù chúng ta chưa hẹn được ngày trở lại thăm viếng đảo Trường Sa, nhưng Trường Sa vẫn trong tim chúng ta và quần đảo Trường Sa vẫn mãi mãi là vùng đất xa ngàn dặm của dân tộc Việt Nam. 

Xin tất cả chúng ta liên lạc với nhau qua địa chỉ email: truongsa1974@yahoo.com 
Đỗ Hữu Phương, Riverside, CA. Tháng 5- 2014 

III. TẢN MẠN VĂN KHOA 

Ngược dòng quá khứ... trở lại thời khi ta còn trẻ. “Những ngày Thủ đô tưng bừng phố xá” (Bài hát “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy)... đã mịt mờ khói trắng lựu đạn cay để giải tán đám sinh viên phản loạn biểu tình. Mức độ hổn loạn còn được châm ngòi kích động bởi nhóm “Ký giã ăn mày” khuynh tả cũng hô hào xuống đường phản đối chính quyền đòi... đòi…! Đại học xá Minh Mạng là nơi phát xuất nhiều cuộc biểu tình, còn Nông Lâm Súc là (biến thành) chỗ ăn vạ của đám sinh viên Việt Cộng và thân Cộng, sau khi đụng độ với Cảnh sát, về “nằm dưỡng bệnh” hầu gây áp lực với chính quyền và phát động chiến tranh tâm lý với quần chúng (từ lâu vốn dễ tin và nhẹ dạ đi theo sự hướng dẫn của báo chí thiên Cộng thời đó). 
Chính quyền vừa vất vả vừa mang tiếng đàn áp “sinh viên”. Truyền đơn rải đầy trong Đại học và một số Ban Đại diện Sinh viên các Phân khoa lớn công khai hội họp và xuyên tạc, đả kích chính quyền. 
Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa khuynh hướng Quốc gia đầu tiên do anh Bửu Uy làm Chủ tịch đắc cử và chính thức hoạt động trong niên khoá 1972-1973, đã dần dần vãn hồi trật tự, nền nếp và sự an bình cố hữu của Đại học. Đồng thời, Ban Đại diện Sinh viên cũng nhanh chóng cho “trình làng” những sinh hoạt lành mạnh và hữu ích với chuyến đi thăm viếng và học hỏi tại các đảo Phú Quốc, Thổ Châu... trên chiếc tầu y tế Hải quân 401. Những sinh hoạt lành mạnh, hữu ích này đã đem lại không khí mới, có tác dụng xoa dịu tình hình căng thẳng bấy lâu nay. 
Tiếp nối Ban Đại diện Sinh viên do anh Bửu Uy làm Chủ tịch là Ban Đại diện do anh Nguyễn Hữu Tâm làm Chủ tịch. Liên danh Nguyễn Hữu Tâm, niên khoá 73-74, gồm có anh Nguyễn Hữu Tâm (Chủ tịch), Nguyễn Thị Thuỷ (Phó Tổng Thư ký), Nguyễn Văn Hùng (Phó Kế hoạch), Lê Quảng Lạc (Phó Nội vụ), Lê Tích Sơn (Phó Ngoại vụ), Đỗ Hữu Phương (Tổng Thư ký) và Biện Th. Thanh Liêm (Thủ quỹ). 
Ban Đại diện mới đã tạo cơ hội cho các sinh viên “dấn thân” bằng chính sự đóng góp thực tiễn và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ vào hiện tình đất nước. Chuyến công tác để đời của Văn khoa ra Đà Nẵng nhằm phụ giúp Chương trình khẩn hoang lập ấp của Phó Thủ tướng Phan Quang Đán để tái định cư dân tị nạn Cộng sản bằng việc điều tra dân số, làm lại sổ gia đình cho dân di tản tại các trại, như Mỹ Khê, Thanh Bình, Sơn Trà...
 
Lúc ấy, cũng vào những ngày như thời tiết hôm nay, cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1972, Đoàn Văn khoa gồm do Gs. Sơn Hồng Đức hướng dẫn, gồm nhiều sinh viên như các anh Nguyễn Hữu Tâm, Đỗ Hữu Phương, Phan Nhật Tân, Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Triết học), Thanh Liêm... Sau 7 ngày công tác tại Đà Nẵng, Phan Nhật Tân phải trở về Saigon một mình để kịp kỳ thi. Hôm sau, Bửu Uy bay ra tăng cường nhân sự. 
Sau những ngày công tác mệt nhọc dưới khí hậu nóng như lửa đốt, đoàn sinh viên Văn khoa cũng đã ra thăm các chiến sĩ trấn đóng tại căn cứ Bastogne; nơi đây, quân Cộng sản Bắc Việt đã mở một trận đánh khôc liệt nhằm chiếm lợi thế trên bàn Hội nghị Paris.

Đoàn sinh viên tận dụng những ngày nghỉ ngơi để đi thăm phố cổ Hội An, viếng Cố đô Huế, Thành Nội và Đàn Nam Giao, nơi hàng năm các vua tế lễ đất trời; thăm các lăng tẩm các vua nhà Nguyễn; rồi đi chơi thôn Vỹ để “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” (Hàn Mặc Tử)
Ôi, bao kỷ niệm đẹp một thuở... 

Ngoài ra, đoàn sinh viên Văn khoa còn đi công tác ở Bình Tuy, giúp ổn định đồng bào tị nạn Cộng sản bằng việc kiểm tra dân số cho chính xác. Chuyến đi nầy phối hợp cùng trường Quốc gia Sư phạm với các cô giáo, thầy giáo cấp 1 tương lai trẻ trung; trong “đám xuân xanh đó”, sau nầy, có nàng Hồng trở thành “vũ công” trong Ban Văn nghệ Văn khoa (hai người đẹp Hoa, Hường nhớ cô nầy không?). Chuyến đi Bình Tuy lần này do anh Lê Quảng Lạc làm Trưởng đoàn, tháp tùng có các anh Sơn, Lợi và Liêm... Có nhiều kỷ niệm rất dễ thương. Có lẽ anh Sơn là người lưu lại kỷ niệm nhiều nhất với anh em, như vất vả đi “chọn mặt gởi vàng” kiếm người nấu cơm tại chỗ cho đoàn ăn. Chắc vị đầu bếp hảo măng nên đã không ngần ngại cung cấp món “toàn măng” theo tiêu chuẩn “rẻ mà ngon”: gỏi măng, măng xào, măng luộc, măng nấu canh, cho chí tới... măng kho! Thét rồi ban đêm anh chị em... hè nhau... mang cuốc ra đồng “ngồi vọng nguyệt”! Có người nổi máu thi sĩ “xúc cảnh sinh tình” đã làm thơ “Đêm chơi trăng”, rồi trong mỗi lần họp đêm kiểm điểm công tác lại mang những bài thơ con cóc ấy ra ngâm khiến cả đám ôm bụng cười lăn... 
Có thể nói năm anh Bửu Uy làm Chủ tịch vẫn còn rải rác chút “tàn dư” thành phần gây rối, nhưng đến năm anh Nguyễn Hữu Tâm thì “vạn sự bình an” và những sinh hoạt về thể thao, văn nghệ, học tập, báo chí và xã hội được đẩy mạnh tối đa. Tuy nhiên Ban Đại diện Sinh viên vẫn đề cao cảnh giác vì biết rõ đó chỉ là sự ‘lặng lẽ’ của con hổ trong tư thế ẩn mình rình rập, chờ cơ hội thuận lợi lại tung ra những đợt tấn công mới. Các tài liệu bắt được cho thấy những tên tuổi nổi đình đám khi xưa, lớp bị bắt với tang chứng hẳn hoi, lớp bị “cháy” đã được lệnh rút vào bưng để học tập, chờ ngày phản công... Đặc biệt, Ban Đại diện niên khoá nầy thu hút được rất nhiều thân hữu và cảm tình viên đến hợp tác, sau một năm đầu “dò trong lắng đục?” Đó là điểm son của Văn khoa thời Chủ tịch Nguyễn Hữu Tâm. Có lẽ nhờ tài điều khiển của anh Chủ tịch phối hợp với dàn cộng sự quá ngầu: Hùng, Sơn, Phương... có nhiều kinh nghiệm, đã hoá giải được dễ dàng những thế bí của Văn khoa thời đó chăng? 

Sau một năm hoạt động vất vả, đem lại thành quả là tạo được thế đứng vững chắc cho Ban Đại diện, anh Bửu Uy giã từ Văn khoa để ra tranh cử chức Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Saigon. 

Thời Chủ tịch Nguyễn Hữu Tâm là thời phát triển tối đa các sinh hoạt sinh viên. Mặc dù thế, anh em không “ngủ quên trong chiến thắng”, vẫn tích cực chuẩn bị mọi mặt để giúp cho Ban Đại diện kế tục do anh Phan Nhật Tân làm Chủ tịch, niên khoá 1975-76, hầu có thể đương đầu với những thủ đoạn phá rối mới của bọn sinh viên khuynh tả và thân Cộng. 

Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa do anh Phan Nhật Tân làm Chủ tịch vừa đắc cử, chưa kịp làm lễ ra mắt, đã được Phân Bộ Sinh viên Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Sinh viên Á châu trong Liên minh Thế giới Á châu chống Cộng. Tiếc rằng, Miền Nam tự do bị bức tử quá mau chóng, cho nên Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa không có cơ hội “đem chuông đi đấm xứ người”, đến xứ Phù Tang của con cháu Thái Dương Thần Nữ để gióng lên trước dư luận bạn bè năm châu tiếng nói chính nghĩa Quốc gia, đang phải chiến đấu tự vệ chống lại Cộng quân ngang ngược dùng vũ lực quân sự vi phạm Hiệp định Ba Lê 1973. 

Cuộc chiến qua đi đã hơn ba chục năm, với tư cách một nữ sinh viên Văn khoa bé nhỏ trong hàng ngũ sinh viên Quốc gia, chúng tôi không khỏi tự cảm thấy chút hãnh diện vì ngày xưa đã sát cánh cùng bạn bè góp công sức mình vào việc ổn định tình hình Đại học nơi hậu phương để ngoài tiền tuyến, các anh chiến sĩ VNCH yên lòng chiến đấu chống lại Cộng quân xâm lược. 

Có những kẻ, khi sống đã làm hao hụt đời mình một cách vô ích. Nhưng cũng có nhiều thanh niên nam nữ, mỗi người trong tư thế, trong điều kiện của mình, đã dâng hiến nhiệt tình tuổi thanh xuân của mình, thật đẹp, thật vinh quang cho chính nghĩa bảo vệ Miền Nam tự do.
 
Có phải, ta cần cám ơn đời... đã cho ta biết sống một đời sống đẹp. Cũng như đời sống phải cám ơn ta, vì ta đã biết cách làm đẹp cuộc đời. 

Biện Thị Thanh Liêm (Thủ quỹ BĐD SV Văn Khoa 73-74) 

IV. KHOA HỌC 

1. Giành lại Ban Đại Diện Sinh Viên từ tay nhóm Bừng Sống tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn 

Hoàng Lan Chi: Xin kể lại giai đoạn anh giúp phe ta chiếm lại ĐH Khoa học? Đó là thời điểm nào, nhóm VC nằm vùng nào đang thao túng Ban Đại diện Sinh viên? 

Lê Anh Kiệt: Tại ĐHKH, nhóm SV thân Cộng có tên là Nhóm Bừng Sống, được trực tiếp chỉ đạo bởi Thành Đoàn TNLĐHCM. Ban Đại diện SVKH lúc ấy do anh Phạm Hào Quang làm chủ tịch, Đoàn Kỉnh là phó chủ tịch nội vụ, cả hai đều có khuynh hướng Quốc gia. Nhưng trong đó có anh phó chủ tịch ngoại vụ Nguyễn Công Hoan lại là SV thân Cộng. Sau khi Phạm Hào Quang rời trường, anh Kỉnh nhập ngũ và anh Hoan đắc cử dân biểu VNCH thì BĐDSVKH trở thành bỏ ngỏ. Anh Nguyễn Văn Thắng, tổng thư ký, thuộc nhóm Bừng Sống nắm lấy BĐD, thật ra người điều khiển chính có tên là Sơn (không nhớ họ) và Lê Công Giàu. Kể từ đó nhóm Bừng Sống thao túng hoạt động của SV tại ĐHKH. Năm 1971, trước tình hình như vậy, cá nhân tôi nhận trách nhiệm tổ chức để chiếm lại BĐDSVKH cho các sinh viên Quốc gia. 

Trở lại trường sau hai năm vắng bóng, không còn ai quen biết, tôi điều nghiên tình hình và nhận thấy đa số sinh viên đều rất khó chịu về những hành động của nhóm Bừng Sống với những áp lực buộc sinh viên phải theo họ đi biểu tình, bãi khoá..., chính nhóm sinh viên Bừng Sống này đã làm cho khối đa số SV thầm lặng không thể yên tâm học hành. Tuy nhiên không có một tổ chức nào đứng lên giúp cho họ có một tiếng nói. Từ nhận định đó tôi bắt đầu kết thân rồi “chiêu mộ” những sinh viên mà tôi gọi là “nhóm SV thầm lặng”, nhất là những người mới chập chững bước vào ngưỡng cửa Đại học, tổ chức họ thành một nhóm. Nhân lúc ấy đang có trại Long Thành tiếp đón các đồng bào tạm cư vì chiến cuộc Bình Long nhưng vẫn chưa có một tổ chức sinh viên nào đứng ra giúp đỡ, tôi giúp họ thành lập một tổ chức lấy tên là “Ban SVKH cứu trợ đồng bào chiến nạn”, nhân đó tôi liên lạc với anh Phạm Hào Quang, với tư cách chủ tịch BĐD cũ, để nhờ anh đứng ra giúp Uỷ ban này lấy trụ sở của Ban Đại diện SVKH làm trụ sở sinh hoạt. Tất nhiên nhóm SV Bừng Sống phản đối rất mạnh kể cả dùng vũ lực. Cuộc xung đột giữa hai nhóm sinh viên diễn ra rất thường xuyên, cuối cùng thì chúng tôi cũng chiếm được trụ sở Ban Đại diện SVKH để có nơi chính thức sinh hoạt. Bước tiếp theo, chúng tôi nhờ anh Quang tổ chức cuộc bầu cử Ban Đại diện SVKH đã bị ngưng từ lâu và để cho cuộc bầu cử được vô tư, tôi yêu cầu anh Quang chỉ đứng ra với tư cách trưởng ban tổ chức bầu cử chứ không tham gia ứng cử hoặc đưa người ra ứng cử. Cuộc bầu cử BĐDSVKH trước đó đều là gián tiếp, tức là chỉ có đại diện các chứng chỉ đi bầu ra BĐD. Nay, nếu tiếp tục làm theo thể thức ấy thì nhóm SV Quốc gia không thể thắng được vì nhóm Bừng Sống đang làm chủ tình hình ở các chứng chỉ. Vì lý do đó chúng tôi yêu cầu tổ chức bầu cử trực tiếp, tức là mọi SVKH đều được đi bầu như thế mới thể hiện được tính dân chủ thực sự. Nhóm Bừng Sống và một vài giáo sư trong trường chống đối dữ dội, nhưng với sự ủng hộ của đa số sinh viên và giáo sư, cuộc bầu cử đã thành công và Ban Đại diện SVKH 71-72 ra đời với anh Nguyễn Văn Lễ thuộc nhóm SV Quốc gia làm chủ tịch. Nhóm Bừng Sống lui về sinh hoạt lẻ tẻ ở một câu lạc bộ SV gần giảng đường 1 và dần dần cũng bị BĐD tiếp thu. Kể từ đó đến tháng 4 năm 1975, những Ban Đại diện SVKH tiếp theo đều là do các sinh viên Quốc gia nắm giữ và nhóm Bừng Sống hết môi trường hoạt động tại trường ĐHKH Sài Gòn.

(Trích phỏng vấn của Hoàng Lan Chi. Lê Anh Kiệt & Mặt Trận Tình Báo. Bút Tre, Tháng 9 Năm 2014)

2. Trường Tiểu Học Song Phú uất hận ngàn đời 

Trong dã tâm xâm chiếm Miền Nam tự do, Cộng sản đã phạm biết bao nhiêu tội ác với đồng bào Miền Nam, ngay cả các em học sinh thơ dại cũng là mục tiêu tấn công của bọn chúng. 

Cho đến tận hôm nay, người Miền Nam vẫn chưa thể nào quên được những vụ pháo kích bừa bãi, tàn ác vô nhân đạo của Cộng sản nhắm vào hai Trường Tiểu học Song Phú (1973), và Cai Lậy, Định Tường (1974), giết hại hàng chục học sinh vô tội và gây thương tích cho nhiều học sinh khác nữa.

Khi vụ pháo kích Trường Tiểu học Song Phú xẩy ra, tập thể sinh viên Khoa học Sài Gòn đã vô cùng phẫn nộ. Lập tức Ban Đại diện Sinh viên lên tiếng cực lực phản kháng hành động tàn ác của Việt Cộng, đồng thời thành lập một phái đoàn sinh viên lên đường xuống Vĩnh Long, để có thể nhìn thấy tận mắt nơi mà Việt Cộng đã gây tội ác, và sau đó, gặp gỡ, chia sẻ nỗi thống khổ mất mát của các phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo nhà trường.
 
Thật vậy, vào một buổi sáng mùa Hè năm 1973, phái đoàn 50 sinh viên Khoa học Sài Gòn và một số phóng viên báo chí Sài Gòn, lấy xe đò miền Tây, trực chỉ tỉnh Vĩnh Long đi thăm Trường Tiểu học cộng đồng Song Phú thuộc quận Bình Minh, gần Chi khu biệt lập Ba Càng. Chính tại ngôi trường này, nơi vừa mới gánh chịu cảnh tang thương, hàng chục học sinh bé bỏng ngã gục tức tưởi dưới trận pháo kích của Việt Cộng. 

Để cuộc hành trình dài gần 3 giờ đồng hồ ngắn lại và có thêm ý nghĩa, đoàn sinh viên Khoa học đã cùng nhau cất cao tiếng hát lên những bài ca ái quốc hào hùng và những bài ca nguyện cầu hoà bình hãy về trên quê hương, như các bài: Việt Nam Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Chiến Sĩ Ca, Cờ Bay, Vuốt Mặt, Đêm Nguyện Cầu...

Cuối cùng, xe ngừng trước cổng Trường Tiểu học Song Phú, các sinh viên xuống xe tiến vào sân trường. Vì đã được thông báo trước cho nên Thầy Hiệu trưởng và một số phụ huynh học sinh đã hiện diện tiếp đón đoàn. Từng vị đến bắt tay các sinh viên. Trưởng đoàn sinh viên là Phạm Minh Cảnh, cựu Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Khoa học, tân Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, xúc động ngỏ lời phân ưu cùng phụ huynh và gia đình 8 em học sinh đã bị đạn pháo của Việt Cộng sát hại trong lúc các em đang xếp hàng vào lớp. Trưởng đoàn không quên xin Thầy Hiệu trưởng chuyển lời thăm hỏi ân cần của tập thể sinh viên Khoa học tới phụ huynh và gia đình các em học sinh bị thương do đạn pháo kích của Việt Cộng và cầu chúc cho các em được mau bình phục và trở lại trường lớp. 
Sau đó, Thầy Hiệu trưởng đã hướng dẫn đoàn sinh viên đi tới các lớp học và những nơi còn lưu vết tích cuộc pháo kích. 

Các sinh viên vô cùng xúc động quan sát những vết miểng đạn khắp nơi, những vết máu khô của các em học sinh trên tường vôi trắng và tấm bia đặt trong sân trường ghi đầy đủ danh sách 8 em học sinh bị tử thương. Còn cảnh nào đau lòng hơn khi phải chứng kiến một vài phụ huynh ôm lấy tấm bia đề tên con mình và các bạn như ôm riết lấy đứa con mới bị tử thương, rồi khóc vật vã.
Để có chứng cứ hiển nhiên, trưởng đoàn Phạm Minh Cảnh cầm một miểng đạn pháo của Việt Cộng giơ lên trước ống kính của các phóng viên, trên đó ghi rõ Trung Quốc là nơi sản xuất. Đó là bằng chứng không thể chối cãi bọn Cộng sản Việt Nam làm tay sai cho Tầu Cộng, đem súng đạn của chúng về giết đồng bào mình. 

Sau đó, đoàn sinh viên Khoa học đã thành kính làm lễ tưởng niệm các em học sinh bị sát hại; đồng thời, trước tội ác Trời không dung đất không tha của Việt Cộng, đoàn đã cùng các thầy cô và phụ huynh học sinh trương tấm biểu ngữ lên án tội ác giết Việt Cộng sát hại các học sinh thơ ngây, vô tội.
 
Cuộc thăm viếng của đoàn sinh viên Khoa học chấm dứt vào lúc 1 giờ chiều. Các sinh viên ân cần chào từ giã các thầy cô và các phụ huynh để ra về, nhưng lòng còn vấn vương thảm cảnh cha mẹ mất con, thầy cô mất học trò. Rồi đây Song Phú sẽ trở thành một địa danh uất hận ngàn đời! 

Rồi nhìn rộng ra khắp đất nước, đã và còn xẩy ra nhiều thảm cảnh khác nữa do tham vọng của Cộng sản Bắc Việt muốn xâm chiếm Miền Nam tự do. 
Quả đúng như vậy, chỉ sau Song Phú một thời gian không lâu, Cộng sản lại phạm thêm một tội ác tày Trời tương tự. Đó là vụ chúng pháo đạn cối 82 ly vào sân Trường Tiểu học Cai Lậy, tỉnh Định Tường, lúc 2 giờ 55 chiều ngày 09-3-1974, đúng vào giờ các em học sinh ra chơi, giết hại tổng cộng 32 học sinh và 55 học sinh khác bị thương (Con số 23 học sinh bị tử thương và 43 bị thương của phóng viên báo Hoà Bình trên đây là con số sơ khởi, chưa đầy đủ). Sau biến cố ấy, một tấm bia kể tội ác của Việt Cộng được dựng lên trong sân trường, nhưng sau ngày 30-4-1974 tấm bia đã bị bọn Việt Cộng phá huỷ hòng phi tang tội ác của chúng.
 
Phạm Minh Cảnh 
Chủ tịch Ban ĐDSV Khoa Học 1973-74







BẠCH DIỆN THƯ SINH

Bài liên quan:



 


 


 


 


 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025