Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 15

 


BÀI 15 - VIẾT CHO LẦN TÁI BẢN

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Sách Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà in lần đầu xong ngày 04-12-2014. Việc phổ biến diễn ra khá thuận lợi và sách đã hết chỉ trong một thời gian ngắn.
 
I. BẮC MỘT NHỊP CẦU 

Để đáp lại sự quan tâm ưu ái của quý thân hữu cũng như của độc giả khắp nơi, nhân dịp tái bản cuốn sách lần thứ nhất,chúng tôi cố gắng sửa chữa những sai sót phát hiện được; đồng thời chúng tôi cũng có bổn phận phải trình bày thêm về một số ý kiến phê bình từ quý độc giả. 

1. Trước hết, ở trang 124 ấn bản lần đầu, tấm hình Nguyễn Thị Đoan Trinh là một sự lầm lẫn. Hiện chúng tôi chưa tìm đâu ra hình của tên sát thủ Nguyễn Thị Đoan Trinh. Xin thành thật cáo lỗi cùng quý độc giả. 

2. Một thân hữu chuyển cho chúng tôi những nhận xét khá tích cực về cuốn MTĐHTVNCH từ nhà báo Phạm Quốc Bảo ở Nam California từng hoạt động sinh viên thời 1963-68: “Sinh hoạt sinh viên Sàigòn từ năm 1970 trở về sau cả 1975, thì có những chi tiết rất mới mẻ được khai quật ra một cách khá thú vị. Những chi tiết về cá nhân các sinh viên và giáo sư ở Sàigòn trước và sau 1975 được cung cấp một cách đặc biệt, quá mức thường có thể biết được. Độc đáo nhất là những luận điểm về Phong trào Văn Thân và Cần Vương, thật đáng chú ý, mặc dù chưa chắc được đa số đồng ý”. 

Đồng thời nhà báo cũng thẳng thắn phê bình 5 điểm. Có thể đây cũng là những nhận xét của một số độc giả, cho nên chúng tôi sẽ lần lượt trình bày như sau: 

1) Tại sao tiêu đề sách Mặt Trận Đại Học Thời VNCH mà “Nội dung các bài viết vượt qua nhiều không gian và thời gian của thời VNCH” 

- Ngay trong LỜI MỞ ĐẦU, chúng tôi đã nói rõ: “Chủ đề Mặt Trận Đại Học cũng là cơ hội thúc đẩy chúng tôi đi tìm những cuộc đấu tranh của giới sinh viên thời Nho học và thời Pháp thuộc. Từ đó, cho thấy mối liên hệ, điểm tương đồng và điểm dị biệt giữa những cuộc đấu tranh của các thế hệ sinh viên Việt Nam”. Tuy nhiên, chúng tôi xin tiếp nhận và cảm ơn ý kiến xây dựng này. Trong lần tái bản, chúng tôi phân chia nội dung cuốn sách thành 2 phần rõ rệt: Phần chính là những bài bám sát tiêu đề sách, nghĩa là chỉ đề cập những gì xẩy ra trong 2 thời VNCH. Phần phụ là những bài có liên quan tới chủ đề, nhưng nội dung một số bài vượt khỏi không gian và thời gian thời 2 Nền Cộng Hoà để, để nếu muốn, quý độc giả có thể đọc thêm.

2) “Khoảng trống cốt lõi của các sinh hoạt sinh viên Sàigòn từ 1963-1968 không được liệt kê đủ, một cách tổng quát, chứ đừng nói là vào được chi tiết nữa” 

- Cũng trong LỜI MỞ ĐẦU chúng tôi đã nhìn nhận: “Dù sao đây mới chỉ là một nỗ lực cá nhân, chắc chắn còn thiếu sót nhiều”. Vậy cho nên, để công luận được biết đúng và đủ về những gì đã xẩy ra ở Đại học thời VNCH, chúng tôi kêu gọi các cựu sinh viên hãy lên tiếng đóng góp cho đề tài này thêm phong phú. 

Nhân đây, chúng tôi xin trình bày lại: Nhan đề MẶT TRẬN ĐẠI HỌC nhấn mạnh hai chữ mặt trận, tức là muốn xoáy sâu vào cuộc đối đầu giữa Lực lượng Sinh viên Quốc gia và Thành Đoàn Cộng sản. Do đó, chúng tôi không muốn khai thác những hoạt động của các nhóm sinh viên không Cộng sản, nhưng chống đối các chính quyền Quốc gia, hoặc là những hoạt động chỉ nhằm mục tiêu văn hoá, văn nghệ, xã hội… Những hoạt động ấy không nhằm đấu tranh trực diện với Thành Đoàn Cộng sản và vì thế, thiết tưởng, chỉ nhắc sơ qua là đủ(xin đọc phần đầu Bài 1 MẶT TRẬN ĐẠI HỌC). 

Kể từ Tháng 4-1967, Hồ Hữu Nhật nắm Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Thành Đoàn Cộng sản dần dần cài được nhiều cán bộ, chiếm được ban đại diện những Phân khoa lớn và phát động nhiều hoạt động chống phá. Từ đây mở ra thời kì đối đầu gay gắt giữa tập thể sinh viên Quốc gia và Thành Đoạn Cộng sản. Thời kì này có thể chia thành 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1966-71: Phía sinh viên Việt Cộng, dưới sự chỉ đạo của Thành Đoàn Cộng sản nhập cuộc với một lực lượng cán bộ được huấn luyện kĩ lưỡng, có cả lực lượng vũ trang. Đang khi đó, phía sinh viên Quốc gia chỉ nhận được sự yểm trợ yếu ớt của đảng phái hay tôn giáo nào đó. Phía chính quyền có phái một số rất ít cán bộ cấp thấp tham gia, những cán bộ này không đủ thẩm quyền phối hợp với các cơ quan an ninh tình báo, cảnh sát. Nhìn chung, cán cân lực lượng trong giai đoạn này nghiêng về phía Thành Đoàn Cộng sản. Vì thế, mặc dù một số sinh viên Quốc gia dấn thân tích cực, đã có hi sinh đổ máu (Ngô Vương Toại, Nguyễn Văn Tấn, Bùi Hồng Sỹ, Trần Lam Giang), nhưng phải nhìn nhận họ đã không thành công. 

Giai đoạn 1971-75: Vụ Cộng sản ám sát giết chết Gs. Nguyễn Văn Bông và sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật đã châm ngòi cho Mặt Trận Đại Học bùng nổ ra dữ dội. Chính quyền thật sự ra tay. Ban A 17 được thành lập. Nhờ vậy, cán cân lực lượng nhanh chóng nghiêng về phía sinh viên Quốc gia. Giai đoạn này mới là đối tượng chính của sách MTĐHTVNCH. 

3) “… tác giả dựa vào những hiểu biết căn bản từ giới hoạt động sinh viên Công giáo thời đó hơn là hoạt động của chung giới sinh viên độc lập (không tôn giáo)” 

- Chúng tôi không xử dụng nguồn tin từ nhóm sinh viên Phật giáo, Công giáo hay đảng phái nào để viết. Chúng tôi có nhiều tin tức. Chúng tôi cũng biết một số hoạt động trong khoảng thời gian 1963-68 của chung giới sinh viên khuynh hướng tôn giáo cũng như độc lập. Tuy nhiên, chúng tôi không khai thác, không đề cao, vì một là: những hoạt động ấy chỉ đánh phá các chính quyền Quốc gia là dữ dội; hai là: nếu những hoạt động của các sinh viên không dính dáng tôn giáo thì cũng dính dáng đảng phái và thường là “yếu” so với bọn sinh viên Việt Cộng. Vả lại họ thường mắc bệnh “tác phong lãnh tụ” quá sớm, dễ làm mất cảm tình của tập thể sinh viên và kết quả là không thành công trong các cuộc tranh cử ban đại diện sinh viên. 

Trong khi đó, nhóm Sinh viên Tự Dân (đa số là Công giáo), tuy không đông, hoạt động không lâu (giữa 1964 tới 1965), nhưng có lập trường Quốc gia vững chắc. Họ hoạt động chống lại Lực lượng Thanh niên, Sinh viên, Học sinh cứu quốc (thuộc Hội đồng Nhân dân cứu quốc) đã bị Việt Cộng xâm nhập và lèo lái nhằm phá rối học đường, gây bất ổn hậu phương. Xưa nay công luận ít nghe biết về họ. Đương nhiên chúng tôi phải nói về họ với lòng trân trọng. Không phải vì nhiều sinh viên trong nhóm là Công giáo mà là vì lập trường Quốc gia sáng ngời; thêm vào đó, nỗ lực dấn thân của họ đã đem lại kết quả nhất định. 

 4) “…căn cứ vào các tài liệu xuất xứ từ cơ quan tình báo VNCH nhiều hơn là những nguồn tin độc lập, khách quan” 
- Thiển nghĩ, “nguồn tin độc lập” chưa chắc đã “độc lập”, cho nên chưa chắc đã “khách quan”. 
Nhiệm vụ chính yếu của tình báo là gì? Là thâu thập tin tức về đối phương mau nhất, đúng nhất. Chúng tôi dám khẳng định Ban A 17 thuộc Phủ Đặc uỷ TƯTB/VNCH là đơn vị tinh nhuệ, có khả năng biết rõ đối phương và biết cách đánh thắng đối phương. Không có bất cứ tổ chức không Cộng sản nào, không có bất cứ nhóm sinh viên hoạt động Đại học nào trước 1975 có thể thâu thập được nhiều tin tức chính xác (“khách quan”) về Thành Đoàn Cộng sản hơn những tin tức mà Ban A 17 đã thâu thập được. Bằng chứng tỏ tường là, chỉ cần chưa tới 6 tháng, Ban A 17 đã yểm trợ cho Lực lượng Sinh viên Quốc gia gặt hái được thắng lợi hoàn toàn trong Mặt Trận Đại học. Nếu không biết rõ địch thì làm sao có thể thắng địch mau chóng và triệt để như vậy? 

5) “Còn đặc biệt những tài liệu sách in trong nước sau 1975 thì rõ ràng thiếu hẳn yếu tố khách quan cần thiết, không nên dựa vào đó” 

- Một số vị cầm bút ở hải ngoại thường cho là vô giá trị bất cứ điều gì Cộng sản nói hay viết ra. Nguyên do có thể là vì cái chiêu “nói dối như Vẹm”, nói dối đẳng cấp thượng hạng ngoại hạng của Cộng sản làm cho các vị yên trí, không đủ kiên nhẫn để gạn lọc cái gì và lúc nào Cộng sản nói dối, lúc nào và cái gì họ nói đúng, nói thật. 

Thiển nghĩ, không nên kể ra ở đây tất cả những cơ hội chúng tôi được học biết về Cộng sản VN nói chung, về Thành Đoàn Cộng sản nói riêng. Chỉ tính từ 1970, chúng tôi có 2 năm tùng sự tại Phòng Nghiên cứu thuộc Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia (Ban Q/Phủ ĐUTƯTB), thường xuyên tiếp cận hàng ngàn cung từ tù binh Cộng sản về nhiều đề tài; rồi 3 năm đảm trách nghiên cứu Ban A 17, được đọc nhiều báo cáo của đồng đội từ các Phân khoa Đại học và nhiều lần sang F 5 Cảnh Sát Đô thành thẩm vấn các sinh viên Việt Cộng để lấy tài liệu viết cuốn Bạch Thư Sinh Viên. Theo tiết lộ từ cấp chỉ huy, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình sẽ công bố Bạch Thư Sinh Viên này để chứng minh chính quyền VNCH chỉ bắt Việt Cộng trong Đại học chứ không động chạm tới sinh viên thuần tuý. Cuộc họp báo không diễn ra vì Bạch Thư Sinh Viên hoàn tất vào đúng thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực, các bên trao trả tù binh. 

Tất cả những cơ hội đặc biệt ấy đã giúp cho chúng tôi hiểu biết khá nhiều (không phải tất cả) về tổ chức, nhân sự và các hoạt động của Cộng sản Việt Nam nói chung, của Thành Đoàn Cộng sản nói riêng. Vì thế, khi đọc các tài liệu về Thành Đoàn Cộng sản, chúng tôi tin là có thể nhận ra cái gì họ nói đúng, cái gì họ nói sai, cái gì họ bịa đặt hay phóng đại nhằm mục đích tuyên truyền hoặc để đánh lừa dư luận. 

II. VỀ CÔNG TÁC BAN A 17 

Chúng tôi cũng nhận được một số phản hồi đề nghị nên nói thêm về hoạt động của Ban A 17 thuộc Phủ Đặc uỷ TƯTB. Độc giả muốn biết thêm chi tiết Ban A 17 làm thế nào, dùng chiến thuật nào để đánh thắng Thành Đoàn Cộng sản. 

 Thú thật, dù muốn, chúng tôi cũng không bao giờ có thể làm thoả mãn được cái yêu cầu này. 

 1. Về công tác của cá nhân các đồng đội 

Mặc dù là chuyện của hơn 40 năm trước, chúng tôi vẫn tuân thủ nguyên tắc: Ai làm người đó biết, người đó tự quyết định nói ra hay không; ngoại trừ những cấp chỉ huy cao nhất, bởi vì các vị ấy là những nhân vật công khai. 

2. Về công tác toàn Ban A 17 

Trộm nghĩ, có những việc có thể đưa ra công khai, nhưng có những việc dứt khoát phải “Sống để bụng chết mang theo”. 

Trong bài Ban A 17 Đối Đầu Với Thành Đoàn Cộng sản, chúng tôi chỉ nói vắn tắt Ban A 17 phải thực hiện 2 công tác: Một là phá vỡ hệ thống nhân sự chìm và nổi của Thành Đoàn CS; hai là yểm trợ lực lượng sinh viên Quốc gia giành lại quyền kiểm soát các tổ chức sinh viên công khai hợp pháp. 

Nói thì đơn giản, nhưng thực tế không đơn giản. Hãy thử khai triển một chút. 

1) Phá vỡ hệ thống chìm và nổi của Thành Đoàn Cộng sản phải đi 2 bước 

 Bước 1: Phát hiện: - Bằng quan sát thông thường các sinh hoạt báo chí, văn nghệ, triển lãm, diễn thuyết, picnic, cứu trợ, kháng thư, tuyên cáo, biểu tình, bãi khoá … - Bằng nghiệp vụ theo dõi và phản theo dõi. - Bằng xâm nhập vào tổ chức của Thành Đoàn Cộng sản (tuyệt mật, rất nguy hiểm). 

 Bước 2: Vô hiệu hoá: - Chuẩn bị dư luận: Viết những bài phóng sự trên nhật báo Quật Cường về hoạt động của các đối tượng sao cho dư luận “có cảm tưởng” bọn này là những cán bộ Thành Đoàn Cộng sản để khi chúng bị bắt, dư luận sẽ không quá ngạc nhiên. 

- Khi đã chấm định mục tiêu, lực lượng an ninh mở cuộc hành quân vào giờ giới nghiêm (sau 12 giờ đêm) vây bắt đối tượng đem về F 5 Cảnh sát Đô thành. Ngay sau đó, cán bộ Ban A 17 sang “làm việc” để lấy tin nóng về lí lịch và hoạt động của đương sự, về tổ chức, đường dây và đồng bọn. Xưa nay, các sinh viên Việt Cộng đã thành công nhiều lần do áp dụng công thức “Nhất lí, nhì lì, tam suy, tứ tử” (cãi lí, chịu đòn, giả bệnh, giả chết), dứt khoát không nhận có liên quan gì tới Cộng sản. Nếu trong một thời gian ngắn theo luật định mà cơ quan an ninh không chứng minh được đương sự dính líu tới Cộng sản thì Uỷ ban An ninh Đô thành sẽ thả y ra. Song bây giờ khác trước. Cán bộ Thành Đoàn Cộng sản là những sinh viên Đại học, các cán bộ của Ban A 17 cũng có trình độ Đại học cho nên rất thích hợp để thẩm vấn khai thác có kết quả. Điểm mấu chốt là, Ban A 17 đã nắm được tin tức chính xác, cho nên các đương sự không thể giở trò “Nhất lí, nhì lì, tam suy, tứ tử” như trước được nữa. Trái lại, chẳng những họ phải nhận tội mà còn phải khai báo thêm về đồng bọn. Nhờ khai thác được tin tức chính xác chứng minh các đối tượng là cán bộ Thành Đoàn Cộng sản, những tay tai to mặt lớn “ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản” không còn có thể tranh đấu đòi thả họ ra như vẫn thường xẩy ra. 

Cũng vì khai thác được tin tức giá trị cao, từ nay lực lượng an ninh không cần chận bắt các đối tượng lộ liễu ngoài phố như trước mà đột nhập tận hang ổ, có khi ngay tại điểm hẹn ở bãi biển Vũng Tầu, có khi tới tận nhà của đối tượng trong khuôn viên một thánh thất tỉnh lẻ… Cán bộ Thành Đoàn nào không kịp chạy thoát vào mật khu thì phải lặn cho thật sâu, bởi vì khả năng phát hiện của Ban A 17 bao trùm mọi Phân khoa Đại học.

Xem qua như thế, để đối đầu với Thành Đoàn Cộng sản, các tổ chức sinh viên thuần tuý không bao giờ có thể thành công, nếu các cơ quan an ninh chính quyền không ra tay và nếu các cơ quan này không dễ dàng phối hợp được với nhau. 

2) Giành lại các ban đại diện sinh viên 

Trong điều kiện bình thường, tất cả mọi sinh viên đều có thể mường tượng ra phải làm những gì nếu muốn ra tranh cử ban đại diện ở một Phân khoa. Trường hợp tại các Phân khoa Đại học trước 1975 rõ ràng là không bình thường, vì nơi đây đang diễn ra một mặt trận gay go giữa Thành Đoàn Cộng sản và Lực lượng Sinh viên Quốc gia. Hai bên kèn cựa nhau bằng những đòn cân não, và Cộng sản không ngần ngại dùng cả bạo lực nữa. Vì thế, muốn giành lấy một ban đại diện sinh viên, vừa phải làm những việc bình thường vừa phải xử dụng những đòn phép có tính nghiệp vụ. Đại khái như:
 
Thành lập liên danh tranh cử chính và liên danh đệm. 

 Làm sao để loại một liên danh đối thủ, nếu có, bằng cách làm cho liên danh ấy lâm vào tình trạng bất hợp lệ theo luật bầu cử? 

Làm sao để có nhiều sinh viên bỏ phiếu?

Làm sao để có đủ đa số phiếu? 

 Thắng bại là ở đây. Ba câu hỏi “Làm sao” này coi bộ đơn giản và rất bình thường, nhưng lại không tiện trả lời, bởi vì những chi tiết cụ thể có liên quan tới nghiệp vụ. 

Trong công tác, nếu có giáo sư hoặc viên chức nhà trường nào gây trở ngại thì Ban A 17 sẽ can thiệp. Xin đan cử một vài thí dụ. 

Ban A 17 nhận được báo cáo ông Tổng Thư kí trường Luật là Nguyễn Thượng Kiên gây nhiều khó khăn cho ban đại diện sinh viên phe Quốc gia. Lập tức ông này chứng kiến những sự việc sau đây: 1- Quảng cáo bán nhà của ông với giá rẻ trên nhiều tờ báo, rồi ông sẽ liên tục nhận được điện thoại hỏi mua nhà. 2- Mới 6 giờ sáng, tự nhiên hãng rút hầm cầu gõ cửa đòi rút hầm cầu nhà ông; đồng thời, hãng chuyển nhà (moving) cũng gõ cửa đòi di chuyển đồ đạc nhà ông. Tất cả những sự việc kể trên không hề do ông yêu cầu mà có ai đó đã làm ra tất cả. Sau khi bị quấy rầy đến phát điên lên thì ông mới vỡ lẽ ra. Ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải biết điều, phải hợp tác mới được yên thân. 

Tương tự, tự nhiên vào chiều nào đó, có mấy vị khách quý gõ cửa nhà Gs. Lý Chánh Trung ở Làng Đại học Thủ Đức. Họ đến để dự tiệc theo thiệp mời. Chủ nhà Lý Chánh Trung vô cùng bối rối và phải xin lỗi xối xả, bởi vì ông đâu có tổ chức tiệc. 

Còn Gs. Trần Kim Thạch bên Khoa học (con của Đại sứ Việt Cộng Trần Kim Bảng) phải bẽ mặt bởi vì tự nhiên trên báo đăng lời chúc mừng Gs. Trần Kim Thạch sắp làm lễ thành hôn với cô nữ sinh viên xinh đẹp tên XXXX. Là các giáo sư, quý ông ấy không cần lâu lắc gì cũng hiểu ra lí do tại sao. 

Chúng tôi từng nhận được lệnh lập hồ sơ bắt giữ 3 giáo sư Đại học khuynh tả, thiên Cộng. Nhưng sau đó, chỉ có một mình Gs. Châu Tâm Luân bị tạm giam một thời gian ngắn. Theo tiết lộ của cấp chỉ huy thì ông Tổng trưởng Văn hoá Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh đã ngăn cản vì cho rằng việc bắt giữ các giáo sư lập tức bị truyền thông phản chiến khai thác, sẽ tác hại lớn về mặt chính trị! (1) 

Trên đây là vài thí dụ cho thấy người Quốc gia sử dụng đòn phép tương đối nhẹ nhàng, chưa vội dùng tới vũ lực. 

Về những nhân vật đã giúp đỡ công tác A 17, làm sao chúng tôi dám kể ra những giáo sư nào, những nhân viên nhà trường nào, những nghệ sĩ nào, những sinh viên phe Cộng nào đã hợp tác với Ban A 17… Thế mới nói, có những chuyện phải “Sống để bụng chết mang theo” là vậy. Độc giả muốn biết nhiều, nhưng phải “tri túc… hà thời túc”, không thể làm khác được. 

Khi đã đắc cử, ban đại diện sinh viên bắt tay vào việc ngay: 

Tổ chức lễ ra mắt. Thảo chương trình. Đồng đội Ban A 17 từ các Phân khoa kéo về, mỗi người mỗi việc: thuê rạp hát, mời quan khách, mời nghệ sĩ, mua bông tặng nghệ sĩ, ban nhạc, âm thanh, ánh sáng, cử người viết diễn văn, MC, khánh tiết, tiếp tân, an ninh, phân công ngưòi kéo màn sân khấu!… 

Phục hồi sinh hoạt sinh viên: học vụ, văn nghệ, thể thao, báo chí, du ngoạn, du khảo, thăm chiến sĩ tiền đồn, trợ giúp chương trình khẩn hoang lập ấp, đồng bào tị nạn Cộng sản, lên án Hà Nội làm ngơ việc Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, phản kháng Việt Cộng pháo kích bừa bãi vào trường học giết hại trẻ thơ… 

Trước mắt mọi người, ban đại diện sinh viên là do các sinh viên thuần tuý phụ trách; nhưng bên trong, Ban A 17 phải chủ động tất cả, không thể có sơ hở để một cán bộ Thành Đoàn Cộng sản nào len lỏi vào. Ngoài ra, bên Cảnh sát đặc biệt cũng phái tới mỗi Phân khoa vài chục thiếu uý mới tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Quốc gia. Họ cũng là sinh viên, nhưng nhận nhiệm vụ trợ giúp công tác sinh viên cũng như bảo vệ an ninh cho ban đại diện. Từ cuối năm 1971, đặc công Cộng sản không dám thực hiện một vụ khủng bố nào trong khuôn viên các Phân khoa nữa, bởi vì mạng lưới an ninh sẵn sàng can thiệp. Đàng khác, nếu biệt động thành Cộng sản muốn tiếp tục gây đổ máu trong khuôn viên Đại học thì họ cũng phải nhớ rằng, một số cán bộ Thành Đoàn Cộng sản, tức các đồng chí của họ, đang nằm trong tay lực lượng an ninh của chính quyền Quốc gia. 

III. LỜI CẢM TẠ 

Sách MTĐHTVNCH đã được quý độc giả chào đón nồng nhiệt và được các thân hữu giúp đỡ phổ biến mau chóng. 

Đầu tiên là tại San Jose, thân hữu Nguyễn Hữu Tâm (Chủ tịch BĐD Sinh viên Văn khoa SG 1973-74) cùng các đồng đội Ban A 17 của chúng tôi đã tổ chức một buổi “Trao sách thân hữu” trong vòng thân mật vào ngày 14-12-2014 với sự hiện diện của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, các cựu đồng nghiệp Số 3, một số sĩ quan CSQG, các cựu sinh viên thuộc các Phân khoa của Đại học Sài Gòn, nhà văn Song Nhị, nhà báo Lê Văn Hải... Ngay hôm sau, kí giả Lê Bình viết bài tường thuật buổi trao sách này trên báo Calitoday (baocalitoday.com, Dec 15, 2014). 

Tiếp theo, ngày 22-01-2015, nhà báo Hoàng Lan Chi thực hiện bài điểm sách Mặt Trận Đại Học (hoanglanchi.com, Jan 22, 2015) trên báo Bút Tre và một số diễn đàn. 

Tại Dallas, ngày 07-02-2015, hai thân hữu Trần Mạnh Trác và Nguyễn Sỹ Đẩu cùng nhóm sinh viên Thụ Nhân Đại học Đà Lạt, đã có nhã ý tổ chức buổi giới thiệu sách MTTVNCH, kết hợp với buổi họp mặt tất niên. 

Tại một số thành phố lớn, các thân hữu của chúng tôi đã nhiệt tình giúp phân phối sách, như: - Ở Portland: Bửu Uy (Chủ tịch Tổng hội SVSG 1972-73) - Ở Seattle: Nguyễn Thế Viên (cựu Chủ tịch Liên đoàn SVCG Đại học Sài Gòn 1971-72) - Ở San Jose: Biện Thị Thanh Liêm (BĐD Sinh viên Văn khoa SG 1973-74) và Lưu Trường Thọ (phụ trách Hội đồng hương Bạc Liêu) - Ở Nam Cali: Phạm Minh Cảnh (Chủ tịch Tổng hội SVSG 1973-75) - Ở Houston: Gs. Nguyễn Trần Quý (bình luận gia), ông Nguyễn Văn Trang (chủ trương Nội San Số 3) - Ở Dallas: Gs. Trần Văn Huyến, Lý Bửu Lâm (Trưởng tràng Kiến trúc SG 1969-72, Chủ tịch Tổng hội SVSG 1970-71, Khiếu Hữu Đồng (Chủ tịch BĐD Sinh viên Khoa học SG 1974-75). 

Mới đây, ngày 22-5-2015, Gs. Nguyễn Văn Lục từ Canada cũng đưa lên dcvonline.net loạt bài Về Cuốn Mặt Trận Đại Học của Bạch Diện Thư Sinh. Sau đó, ngày 06-6-2015, kí giả Hồng Phúc phỏng vấn Gs. Nguyễn Văn Lục về cuốn sách MTĐHTVNCH trên đài phát thanh Việt Nam Oklahoma City. Cảm kích trước mối thịnh tình quý báu của TT Nguyễn Khắc Bình, các nhà báo, đồng đội Ban A 17, các thân hữu và của quý độc giả, chúng tôi xin tất cả quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của chúng tôi.

Hè 2015

Chú thích: 

 (1) Gs. Châu Tâm Luân dạy ở Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp Sài Gòn và Đại học Kinh thương Minh Đức. Sau Tết Mậu Thân 1968, ông và Lm. Nguyễn Ngọc Lan đã vào mật khu gặp Trần Bạch Đằng, một lãnh đạo cao cấp của Việt Cộng (Gs. Lý Chánh Trung gặp Huỳnh Tấn Phát). Đêm ngày 28-4-1975, Tổng thống vừa nhận chức Dương Văn Minh đã cử Gs. Châu Tâm Luân cùng với Ls. Trần Ngọc Liễng và Lm. Chân Tín vào Trại Davis báo cho phái đoàn Việt Cộng biết ông Minh không chống cự và xin đừng pháo kích Sài Gòn. Gs. Luân theo chủ nghĩa cách mạng cực đoan, sắt máu. Cán bộ khế ước của chúng tôi báo cáo, Gs. Luân đã tuyên bố trước các sinh viên Đại học Kinh Thương Minh Đức: “Cuộc cách mạng nào cũng phải đổ máu!”. Sau 30-4-1975, “cách mạng” thành công, chẳng những họ không cần ông nữa mà còn nghi ngờ ông là CIA. Lúc đó, ông mới sáng mắt ra và hết ảo tưởng. Thế là, ông tìm mọi cách để trốn chạy. Ông vượt biên tới 6 lần mới thoát khỏi “thiên đường” Cộng sản.





BẠCH DIỆN THƯ SINH

Bài liên quan:


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180