Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 10

Bài 10 - ĐỐI DIỆN VỚI LM. CHÂN TÍN 2: THỰC CHẤT CÁI GỌI LÀ UỶ BAN VẬN ĐỘNG CẢI THIỆN CHẾ ĐỘ LAO TÙ MIỀN NAM VIỆT NAM 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH


Lm. Chân Tín cho biết, từ số 11, báo Đối Diện đã tường thuật đầy đủ về các cuộc xuống đường tranh đấu của sinh viên. Sau khi thắng lợi, các trí thức Sài Gòn và các sinh viên được thả ra đã họp nhau tại toà báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để lập ra Uỷ ban vận động cải thiện chế độ lao tù Miền Nam Việt Nam (Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN). Lm. Chân Tín được gài vào vị trí chủ tịch, phó chủ tịch là Gs. Nguyễn Văn Trung, sinh viên Trần Văn Long làm tổng thư kí. Trần Văn Long là sinh viên Việt Cộng. Trước 30-4-1975, Long là thành viên trong Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa Sài Gòn, đi tù Côn Đảo, rồi làm Tổng Thư kí Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN. Sau 30-4-1975, Long là Phó Bí thư Thành Đoàn Cộng sản, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist. 

Đúng như Lm. Chân Tín nói, sau thắng lợi trong “Vụ Án Sinh Viên” vào giữa năm 1970, lãnh đạo Cộng sản trong khu đánh giá cao vai trò của Lm. Chân Tín và báo Đối Diện, cho nên họ quyết định thừa thắng xông lên, tiếp tục lợi dụng con bài sáng giá này. Với thủ thuật quen thuộc, chỉ trong vòng hơn 4 tháng trời, họ đã mau chóng nhào nặn ra được cái gọi là Uỷ ban vận động cải thiện chế độ lao tù Miền Nam Việt Nam vào ngày 30-10-1970, với hơn 80 thành viên sáng lập. Trong đó, có các linh mục, tu sĩ Phật Giáo, giáo sư, thẩm phán, luật sư, bác sĩ, kĩ sư, nghị sĩ, dân biểu có tiếng tăm và các sinh viên tranh đấu. Họ “bố trí” Lm. Chân Tín làm chủ tịch và Gs. Nguyễn Văn Trung làm phó chủ tịch để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước. Giống như các tổ chức CS trá hình khác, bao giờ người trực tiếp chỉ huy cũng là một cán bộ Cộng sản hoạt động nội thành được gài vào. Trường hợp Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN, kẻ nắm quyền điều động chính là sinh viên Trần Văn Long, người giữ chức Tổng Thư kí của Uỷ ban. Từ đó, Uỷ ban hoạt động rất tích cực và đã gây được chút tiếng vang trong và ngoài nước. Ngày 02-02-1973, Uỷ ban đã cùng với 30 tổ chức đoàn thể và quần chúng Miền Nam kêu gọi Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris ở Việt Nam can thiệp để trả tự do cho những người tù chính trị ở Miền Nam. Vì biết Giáo Hoàng Phaolô VI sẽ tiếp kiến TT. Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 09-4-1973, ngày 04-4-1973, Uỷ ban vội gửi thư cho Giáo Hoàng để tố cáo chế độ lao tù ở Miền Nam và kiến nghị Ngài can thiệp. Vào các ngày 12,13,14-4-1973, Uỷ Ban tham dự hội nghị quốc tế tổ chức tại Paris, gồm 97 tổ chức, nhằm vận động trả tự do cho các tù nhân chính trị bị VNCH giam giữ... 

Thiết tưởng, can thiệp thả tù nhân sau một cuộc chiến bao giờ cũng là một việc nên làm. Nhưng quý độc giả thấy ngay cái Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN do Lm. Chân Tín lãnh đạo này không hề can thiệp cho các tù nhân VNCH bị Cộng sản giam giữ ở Miền Nam cũng như ở Miền Bắc vào thời điểm đó cũng như sau này! Vậy thử hỏi Lm. Chân Tín tranh đấu vì lí tưởng nhân quyền, nhân đạo theo “sứ mệnh ngôn sứ” của ông hay do sự lèo lái của Cộng sản để lợi dụng cá nhân ông và tổ chức của ông? Chẳng lẽ vào thời điểm đó, không có người Quốc gia nào bị Cộng sản giam giữ? Chẳng lẽ sau 30-4-1975, Lm. Chân Tín và Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN cho rằng cả trăm ngàn viên chức và sĩ quan VNCH bị Cộng sản giam giữ vô thời hạn đều là “các học viên được đi học tập tại các trường cải tạo!”, cho nên không cần can thiệp, không cần tranh đấu cho họ? 

Nói là nói thế chứ thực ra, sau 30-4-1975, chẳng những Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN mà còn cả hàng chục uỷ ban, phong trào, mặt trận khác, ngay cái Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận DTGPMNVN), cũng đã lập tức bị CSBV giải thể. Chỉ nguyên điểm này đã đủ chứng minh thực chất cò mồi của các tổ chức trá hình do Cộng sản dàn dựng nên để quấy phá VNCH. 

Ngày nay, ai cũng biết rõ những mánh mung của Cộng sản, thế nhưng Lm. Chân Tín vẫn làm như không biết. Gs. Nguyễn Văn Trung trích dẫn lời Lm. Chân Tín phát biểu trong tạp chí Tin Nhà (Paris) như sau: “Trong thành phố Sài gòn mà nay gọi là thành phố Hồ chí Minh chỉ có những linh mục, giáo dân chống chiến tranh, chứ không có tổ chức chính trị nào. Uỷ ban VĐCTCĐLT MNVN mà tôi đã lãnh đạo cũng chỉ là một phong trào nhân dân tự động đấu tranh cho một chế độ lao tù nhân đạo hơn, chứ không phải là một đoàn thể chính trị được Nhà nước hay Đảng dựng lên”.

Ngay sau đó, Gs. Nguyễn Văn Trung kể tiếp: “Tôi gặp anh Trần văn Long (Tổng Thư kí Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN), sinh viên Ban đại diện Văn khoa từ Côn đảo về hỏi: ‘Này, ông Chân Tín ăn nói như vậy có nghe được không?’ Anh Long chỉ cười rồi thuật lại cho tôi nguồn gốc, mục đích, diễn tiến việc thành lập Uỷ ban này như Vũ Hạnh kể lại về Lực lượng BVVHDT (Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc)”.

Trước hết, câu tuyên bố trên Tin Nhà (Paris) của Lm. Chân Tín có vài điểm cần làm sáng tỏ: 

Một: Lm. Chân Tín nói hồi đó “chỉ có linh mục, giáo dân chống chiến tranh, chứ không có tổ chức chính trị nào” (ý nói tổ chức Cộng sản?) 

Chúng tôi khẳng định là họ có “tổ chức”, tức Đảng Cộng sản hoặc các tổ chức ngoại vi do Cộng sản lập ra. Bằng chứng là: Sau trận Tổng tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968, Lm. Nguyễn Ngọc Lan vào bưng gặp Trần Bạch Đằng (xin đọc bài Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan), còn Gs. Lý Chánh Trung cũng vào bưng gặp Huỳnh Tấn Phát (xin đọc đoạn Kết bài 20 Năm Giới Trẻ Miền Nam Việt Nam của Gs. Nguyễn Văn Lục trên motgoctroi.com). Lm. Trần Tam Tỉnh, dạy học tại Đại học Laval ở Canada, được CSBV dàn xếp cho đi thăm Bắc Việt, rồi về viết ca ngợi tự do tôn giáo ở Miền Bắc! Sinh viên Nguyễn Văn Ngọc (Khoa học) đã theo Cộng sản, bí danh Mười Tranh, từng giữ các chức vụ trong các tổ chức Sinh viên Công giáo Sài Gòn. Sau 30-4-1975, Nguyễn Văn Ngọc làm Phó Trưởng Ban Tôn giáo nhà nước, phụ trách Công giáo. Lm. Chân Tín có người đàn em cùng dòng tu là Lm. Nguyễn Nghị. Theo chân Lm. Nguyễn Ngọc Lan, Lm. Nguyễn Nghị đã cởi áo dòng về lấy vợ. Một cựu học viên Dòng Chúa Cứu Thế cho hay: Cựu Linh mục Nguyễn Nghị đã gia nhập Đảng Cộng sản (?)... Ngoài ra, còn một nhóm sinh viên Công giáo thiên tả và thân Cộng hoạt động trong tổ chức Thanh lao công Vườn Xoài của Lm. Trương Bá Cần và Lm. Phan Khắc Từ. Có câu nói “Thầy nào trò nấy”. Hai ông Cần và Từ thuộc nhóm “Tứ nhân bang”. Một thành viên trong nhóm “Tứ nhân bang” đã tự nhận họ là người của Đảng Cộng sản: “Tôi đã thành khẩn nói với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên Cứu (thần học), mà là nhóm 4 anh em chúng tôi Minh Cần - Từ - Bích đã được Lãnh đạo gầy dựng và giao nhiệm vụ điều động Phong trào Công Giáo yêu nước tại thành phố này” (Trích thư riêng của Lm. Vương Đình Bích gửi cho Lãnh đạo Dân vận, Mặt trận và Ban Tôn giáo Tp. HCM ngày 25-12-1997. Tin Nhà số 32. Trang 18)... 

Còn câu Lm. Chân Tín nói “... chỉ có những linh mục, giáo dân chống chiến tranh”, kì thực cũng chỉ là chống hoặc là đòi hỏi giải quyết chiến tranh theo những yêu sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Ai cũng biết Mặt trận DTGPMNVN nằm dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Cục Miền Nam (Cục R), tức là tổ chức cao cấp nhất của Cộng sản Hà Nội ở Miền Nam. Thế cho nên, nhóm linh mục và giáo dân này không bao giờ dám chỉ thẳng ngón tay vào mặt thủ phạm đã gây nên cuộc chiến ở Miền Nam. Kẻ đó chính là Cộng sản Bắc Việt. 

Hai: Lm. Chân Tín nói Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN “không phải là một đoàn thể chính trị được Nhà nước hay Đảng dựng nên” 

Chúng tôi khẳng định Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN là tổ chức ngoại vi, công khai do Cộng sản dàn dựng nên. Trước 30-4-1975, tuyệt đại đa số những tổ chức chỉ nhắm vào VNCH mà đòi, mà chống, chứ không hề nhắm vào Cộng sản, thì chắc chắn đó là con đẻ của Cộng sản. 

Trên đây, sinh viên Việt Cộng Trần Văn Long đã nói với Gs. Nguyễn Văn Trung rằng “nguồn gốc, mục đích, diễn tiến việc thành lập Uỷ ban vận động cải thiện chế độ lao tù Miền Nam Việt Nam (Uỷ Ban VĐCTCĐLTMNVN) của Lm. Chân Tín giống như Vũ Hạnh kể lại về Lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc (Lực lượng BVVHDT)”.

Vậy để biết Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN được thành lập ra sao chỉ cần tìm hiểu xem Vũ Hạnh đã kể về cách thành lập Lực lượng BVVHDT như thế nào. 

Trong bài Đôi Điều Trao Đổi Với Nhà Văn Mai Kim Ngọc (Văn Học số 124, Hoa Kì. Trang 65), Gs . Nguyễn Văn Trung viết: “ Nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Thành phố, Thành Đoàn TNCS thành phố Hồ chí Minh xuất bản ‘Trui rèn trong lửa đỏ’ (nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố), trong chương IX Từ Toà án Văn hoá đến Hát cho đồng bào tôi nghe Vũ Hạnh viết: ‘Ngày đầu xuân 1966, Đảng uỷ văn hoá khu Sài Gòn-Gia Định làm việc ‘đơn tuyến’ với tôi tại ngôi nhà gần bến đò Cây Me bên bờ sông Sài gòn. Anh Hoàng Hà truyền đạt tinh thần nghị quyết của Đảng là Cách mạng tiếp tục giữ vững và phát triển thế tấn công, kiên quyết đánh bại chiến tranh cục bộ của địch. Chỉ thị của Thường vụ Khu uỷ: ‘Mở một mặt trận văn hoá, tấn công địch trong vùng đô thị bị tạm chiếm... Thực chất là một cuộc tấn công chính trị trên trận địa văn hoá. Vì vậy phải có những quả đấm văn hoá đánh vào những mục tiêu chọn lựa mới gây động thành phong trào rộng mạnh. Một trong những quả đấm văn hoá ấy là sự ra đời một mặt trận tập họp lực lượng đông đảo dưới ngọn cờ bảo vệ văn hoá dân tộc với khẩu hiệu, hành động chống văn hoá đồi truỵ, ngoại lai... Anh nói: Vũ Hạnh à, anh sẽ là Tổng thư ký Mặt trận đó. Có ta, có bạn, mà có thể có cả những người chống Cộng xung quanh anh. Nhưng tuyệt đối không ai được chống Cộng... Văn hoá dân tộc là văn hoá yêu nước, tiến bộ. Đồi truỵ ngoại lai là do quân Mỹ và chế độ bán nước đẻ ra. Chống nguồn gốc sinh ra. Nội dung là như vậy, tuỳ các ông biến hoá…Ngày 7 tháng 8 năm 1966, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ văn hoá, những cán bộ nòng cốt của cách mạng hoạt động bí mật hoặc công khai đã tổ chức một đại hội thật rộng lớn, ngay giữa Thủ đô của Nguỵ quyền... Lấy Toà Đô Chính làm địa điểm hội nghị, anh Hoàng Hà đón đầu đường Nguyễn Thông trao cho tôi bản tuyên ngôn và dự kiến danh sách Ban chấp hành Trung ương do ông Lê văn Giáp làm Chủ Tịch và tôi làm Tổng thư ký Mặt trận mà anh đã phổ biến. Lực lượng BVVHDT ra đời là một cú đấm kết hợp với các cú đấm khác như tuần báo Tin Văn với các bài phê bình vạch mặt những tên xung kích chống phá Cách mạng qua các tác phẩm đồi truỵ’”. (Đoạn trích bài viết của Vũ Hạnh trên đây nằm ở trang 256 và 257, khi sách Trui Rèn Trong Lửa Đỏ được NXB Trẻ tái bản lần 1, năm 2005. Lời văn có sửa chữa tí chút. Điều đáng chú ý là khi tái bản, họ đã xoá bỏ câu “Nhưng tuyệt đối không ai được chống Cộng”). 

Sau những dàn dựng bí mật, các diễn tiến công khai lần lượt như sau: 

Ngày 09-10-1966, Lực lượng BVVHDT ra mắt ban chấp hành trung ương bằng một cuộc họp báo tại Trường Quốc gia Âm nhạc, số 112, Nguyễn Du.

Lực lượng cho ra tờ tuần báo Tin Văn với ban biên tập gồm: Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Lương; các cộng sự đắc lực như: Vũ Hạnh, Lữ Phương... Tờ Tin Văn đặc biệt gay gắt lên án các nhà văn Chu Tử, Lê Xuyên, Thế Uyên… (Ngày 16-4-1966, Chu Tử bị Cộng sản ám sát ngay trước cửa nhà trên lối vào trường Hoài An, Phú Nhuận. Nhưng may mắn, ông thoát chết). 

Ngày 15-01-1967, tổ chức hội thảo chống “mật vụ văn nghệ” tại trụ sở Hội Kỹ sư và Kỹ thuật gia Việt Nam, số 55, Hồng Bàng. Có 250 nhân sĩ kí tên vào bản Tuyên bố chống văn hoá đồi truỵ. 

Trong số những người kí tên có: Bùi Hữu Sủng, Hiếu Chân, Đặng Văn Nhâm, Bùi Chánh Thời, Thế Nguyên… 

Để tiếp tay, sinh viên Việt Cộng Hồ Hữu Nhựt đã tổ chức cho Vũ Hạnh tranh luận với nhà văn Chu Tử tại hội trường Đại học Khoa học. (Hồ Hữu Nhựt trốn vào mật khu năm 1967 và được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam). Báo chí thiên Cộng lúc bấy giờ gọi cuộc thách đấu này là “Toà Án Văn Hoá”. Nhà văn Chu Tử không chấp nhận cuộc tranh luận. 

Ngày 02-6-1967, Vũ Hạnh bị bắt. Tổng hội SVSG ra tuyên cáo phản đối. Hội Văn Bút, đứng đầu là Lm. Thanh Lãng, đòi thả Vũ Hạnh. Sau 30-4-1975, Vũ Hạnh làm Tổng Thư kí Hội Văn nghệ Tp. HCM. 

Lực lượng BVVHDT và Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN là hai vở kịch có chung một đạo diễn là mấy anh Việt Cộng ở trong mật khu. Câu chuyện về việc thành lập Lực lượng BVVHDT chứng minh Uỷ ban VĐCTCĐLTMNVN là tổ chức do Cộng sản dựng nên. Lm. Chân Tín được CS gài vào vị trí chủ tịch Uỷ ban, mục đích là lợi dụng tên tuổi của ông để làm lá chắn. Ngày nay, dù là Cộng sản hay Quốc gia, mọi người đều biết rõ thực chất của cái Uỷ ban này. Xin Lm. Chân Tín đừng tiếp tục cố tình che mắt thiên hạ nữa. 

Gs. Nguyễn Văn Lục là tác giả viết nhiều về các nhân vật, các đoàn thể văn hoá, tôn giáo và chính trị ở Miền Nam trước và sau 1975, cuối cùng, đã đưa ra nhận xét: “... bất cứ tổ chức nào đòi cái này, cái nọ đều là dưới sự điều động của Cộng sản hết. Không trừ (Phong trào) Phụ nữ đòi quyền sống? Giá bây giờ mà có một tổ chức như vậy thì hay biết mấy, đỡ cho gái Việt Nam khỏi bán sang Đài Loan, Đại Hàn” (Nguyễn Văn Lục. 20 năm giới trẻ Miền Nam Việt Nam. Motgoctroi.com).

Đúng vậy, chỉ riêng về phụ nữ, Cộng sản đã đẻ ra cả mớ tổ chức. 

* Trước hết phải kể tới Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam. Hội này nằm trong hệ thống “dỏm” Mặt trận DTGPMNVN, được thành lập ngày 08-3-1961, do Nguyễn Thị Định làm hội trưởng. Từ đó, các cán bộ của Hội xâm nhập vào Sài Gòn để trở thành lực lượng nòng cốt, hình thành nên các tổ chức phụ nữ công khai khác. Tất cả đều nhằm mục đích quậy phá hậu phương VNCH. 

Dân Sài Gòn chắc đã từng nghe biết các tổ chức này, như: 

* Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ: Thành lập Tháng 6-1966, do Ban Phụ vận Thành uỷ lãnh đạo, với các đảng viên Trịnh Thu Nga, Phan Ngọc Dung, Trần Thị Ngọc Sương. (Xin đọc bài Có Mặt Trên Mọi Trận Địa của La Hữu Vang trong cuốn Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. Tái bản 1. Trang 308). 

* Phong trào phụ nữ đòi quyền sống: Thành lập tháng 8-1970, Ls. Ngô Bá Thành làm chủ tịch. 

* Liên đoàn phụ nữ Phật tử: Do Ban Phụ vận Thành uỷ chủ trương và tổ chức năm 1967. * Nghiệp đoàn tiểu thương 36 chợ: Do bà Nguyễn Thị Mười làm chủ tịch. 

* Hội các bà mẹ có con bị bắt vào tù. 

* Các ni sư tịnh xá Ngọc Phương: Cầm đầu là Ni sư Huỳnh Liên... 

Ngoài các tổ chức dành riêng cho phụ nữ, còn nhiều tổ chức, hoặc do Cộng sản dựng nên, hoặc không do Cộng sản dựng nên, nhưng họ tìm cách xâm nhập và lèo lái tổ chức ấy tranh đấu cho những mục tiêu mà họ đề ra. Sau đây là một số tổ chức thường được các báo chí thời đó nhắc tới, như: 

* Phong trào dân tộc tự quyết: Ls. Nguyễn Long làm chủ tịch. 

* Lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc: Thành lập năm 1966. Lê Văn Giáp làm chủ tịch, Vũ Hạnh làm tổng thư kí. 

* Uỷ ban vận động cải thiện chế độ lao tù Miền Nam Việt Nam: Thành lập năm 1970. Lm. Chân Tín làm chủ tịch, Gs. Nguyễn Văn Trung làm phó chủ tịch, sinh viên Việt Cộng Trần Văn Long làm tổng thư kí. 

* Lực lượng quốc gia tiến bộ: Ls. Trần Ngọc Liễng làm chủ tịch. 

* Mặt trận nhân dân tranh thủ hoà bình: Đặng Văn Ký làm chủ tịch. 

* Liên đoàn lao động tiến bộ: Nguyễn Văn Cước làm chủ tịch (Cước là đảng viên. Y và sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm bị lực lượng an ninh VNCH truy nã. Cả hai đã được Tướng Dương Văn Minh chứa chấp rất lâu tại tư dinh Hoa Lan). 

* Phong trào thanh lao công Vườn Xoài của Lm. Trương Bá Cần và Phan Khắc Từ... 

* Tờ báo Hồn Trẻ: Là tờ tuần san thanh niên sinh viên học sinh công khai, hợp pháp, nhưng kì thực, đó là tờ báo của Khu Đoàn Thanh niên Cộng sản, do Đảng uỷ Văn hoá chỉ đạo. Để sống còn, họ dàn dựng một ban biên tập giống như một chính phủ liên hiệp. Có những người được mời đứng tên để làm “lá chắn” hoặc để đánh lạc hướng chú ý của “địch”, như: Ls. Bùi Chánh Thời, Võ Quang Yến, Gs. Nguyễn Văn Trung, Cao Ngọc Phượng, Cao Hoài Hà... Nhưng nòng cốt vẫn là “phe ta”, như: Lê Uyên Nguyên, Nguyên Hạo, Tuyết Hữu, Uyên Hoài, Xuân Trang, Lữ Phương, Vũ Hạnh, Hồng Cúc, Nguyễn Hữu Ba... 

Kết 

Phải nhìn nhận những xảo thuật chính trị của Cộng sản Việt Nam xứng đáng đẳng cấp thần sầu quỷ khốc! Họ đã có thể đánh lừa hơn một nửa đất nước suốt nhiều năm, và đã một dạo đánh lừa được một phần quan trọng dư luận thế giới, khiến cho một vị đọc nhiều, suy nghĩ nhiều như Gs. Nguyễn Văn Trung phải ngả mũ và phục sát đất, ông viết: “Tôi thường bị ám ảnh, suy nghĩ trầm tư về bạo lực Cách mạng, sách lược liên minh giai đoạn theo Lênin, Stalin... tôi thực sự phục Đảng Cộng sản Việt Nam mà tôi coi như bậc thầy về sách lược này trong phong trào Cộng sản thế giới vì chỉ có Đảng Cộng sản theo học thuyết Lênin mới đề ra được sách lược tranh đấu chính trị hiệu nghiệm; không phải chỉ dối gạt được những người chống Cộng mà cả người đồng hành và sau cùng đồng chí” (Gs. Nguyễn Văn Trung. Bđd. Trang 67). 

Người ta ví von: Mĩ nói trước làm sau. Nhật nói và làm đi đôi với nhau. Tầu Cộng làm rồi mới nói. Còn anh Cộng sản Việt Nam thì nói một đàng làm một nẻo! Cho nên mới có câu “nói dối như Vẹm!” Trước bản lãnh đấu tranh chính trị tinh vi siêu đẳng của CSVN, những tu sĩ thích nổi, như cỡ Lm. Chân Tín, và những trí thức Tây học tin theo mớ lí thuyết sách vở không tưởng, rất dễ vướng vào cạm bẫy của họ. Khi đã bị vướng, Cộng sản chỉ cần ngồi trong bóng tối giật dây sai khiến và những con rối sẽ múa may, quay cuồng như những tên hề.

Tháng 6-2012

Bài liên quan:

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209